Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn văn Lục - KÝ ỨC VỀ ĐI DẠY

06 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 78566)
GS. Nguyễn văn Lục - KÝ ỨC VỀ ĐI DẠY

Ký ức về đi dạy


Nguyễn văn Lục

thaynvl-content

Có những quyết định tưởng chừng như rất quan trọng xảy ra trong đời một người lại do những tình cờ, những run rủi nhỏ, đôi khi đến là vô nghĩa. Mùa hè năm ấy, vào đầu những năm 60, Tôi vừa mới ra trường. Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán. Tôi theo một người bạn về gia đình anh ở Nhatrang chơi ít lâu. Biển và tuổi trẻ dễ thân nhau lắm, chỉ gặp nhau vài lần, họ cứ quấn lấy nhau không dời xa được. Lại cộng thêm mấy cô em gái lí lắc và mấy cô em họ nhí nhảnh của người bạn. Thế là đời tôi đã được cắm sào ở đó. Chỗ mà trước đây tôi không đợi, không chờ.

Trường học và trường học để hành nghề đi dạy quả có khác. Tôi vẫn chứng nào tật nấy, vẫn giữ tác phong của người đi học. Có chút lè phè từ tóc tai không chải, có chút chểnh mảng trong y phục, có chút tự tin cao ngạo trong đôi dép thay vì đôi giầy có bít tất, có giây lạt buộc dưới chân và cái mảnh vải buộc trên cổ. Trời nóng bực, Tôi chỉ thấy mảnh vải như một vật thừa, một thòng lọng. Nhưng không hiểu bằng cách nào nó trở thành lá bùa: ai đeo nó thì hình như đứng đắn, người đàng hoàng. Một người đeo đến nhiều người đeo. Đến đó thì nó trở thành biểu tượng của của lòng tự trọng và nhân cách một người. Riêng tôi chỉ thấy nó là vật thừa thãi đến lố bịch. Trong người một thằng đàn ông, có nhiều "cái De trop" lắm, và đàn ông nào nào chả có mặc cảm hãnh tiến về cái thừa của mình. Trai thì mặc cảm thừa. Gái mặc cảm thiếu. Nhưng cái thừa vô tích sự nhất là cái cà vạt. Vậy mà nhiều người cứ bám vào nó và như thể nhờ nó mà người ra người hơn. Nhiều đàn ông, vốn liếng nằm gọn trên cái mảnh vải như cái lá tre đó.

Sự lè phè đôi khi là cố ý. Giản dị như vậy. Nó như một thách đố, chống lại cái úy kỵ, cái đã được mọi người công nhận, những giá trị đúng cũng như có thể dởm của những người mẫu hay tượng gỗ. Nó chẳng khác gì sự mầu mè làm dáng của một số người khác: Tất cả đều cùng mục đích mong muốn được người khác nhìn nhận một cách chính đáng. Chỉ có điều nó đi ngược chiều nhau. Giầy tây, cạp táp, kính cận, bút máy Parker, đồng hồ vàng và đừng quên cái cà rà hoạch. Làm dổm hơn nữa có thể là cái mũ phớt, ống điếu píp, chiếc gậy ba tong. Hình như bất kể ông Tướng nào của Việt Nam cũng có cái ba tong. Biểu tượng của uy quyền. Đang từ đại tá lên tướng, việc đầu tiên là phải sắm một cái chân gỗ thứ ba. Thiếu một cái là hỏng đấy.

Điều trông đợi được nhìn nhận theo cái phong cách đó đã không ai đáp trả và cũng là thất bại của cá nhân. Phải có cái phần bên ngoài đã trước khi muốn lập dị, muốn khác người. Hay ít ra phải làm được bài thơ làm vốn đi buôn sự lè phè của mình như: Paris có gì lạ không em? Hay viết được cuốn: Khuôn mặt như của Thanh Tâm Tuyền, hay cuối cùng cao hơn nữa viết cuốn: Descartes, nhìn từ Phương Đông của Nguyên Sa, Trần Bích Lan chẳng hạn. Lúc đó tha hồ lè phè bỏ áo ngoài quần, đi đôi dép lè phè, đội cái mũ phở, đi dạy bao giờ cũng trễ từ một canh giờ (một canh giờ bằng 14 phút) đến nửa giờ. Đó là phong cách làm nên TBLan. Tôi đã không làm nổi đến một bài thơ. Dạy thì còn ú a ú ớ đã muốn chơi trội. Đây là lỗi lầm của tuổi trẻ, của một thứ ngựa chứng háu đá. Cùng lắm, có một bài thơ không ai nhận thì xin nhận mình là tác giả. Bài thơ như thế này:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi...


Rồi sao nữa...
Thì con cóc lại ở trong hang, lại nhảy ra, nhảy vô. Đấy là ý nghĩa cuộc đời đấy. Thâm thúy lắm đấy. Bằng vào bài thơ trên, chúng ta có thể sáng tác trong một ngày hằng trăm bài thơ khác. Nguyễn ngọc Tuấn cũng từ đó trích ra một bài thơ như sau :

Ông Lê Nin ở nước Nga
Đánh đoàng một cái, ông ra nước ngoài
Ông Lê Nin ở nước ngoài
Đánh đoàng một cái, ông nhoài về Nga.

Sau này, tôi thấy có một số tác giả không lập dị trong áo quần ngu xuẩn như tôi mà trong tên tuổi của mình. Như ông Nguyễn Tầm Thường lại viết một cuốn không tầm thường chút nào như cuốn: Đường về Thượng Trí. Hay một người bạn là Ngô văn Quế có một lô trên dưới 10 cuốn thơ như: Cảo Thư Papirus, Vọng Mỹ Nhân hay kịch bản Lạc Dội và Trở về của Dũng (Lấy tên là Ngu Tôn... Các tập thơ và kịch thì lấy tên là Ngô văn Tao. Chướng thế đấy. Chơi cha người ta. Cũng một lẽ ấy có nhà thơ Đỗ Khờ (Đỗ Kh) hay Bùi Chát. Và những lối viết tên rất biểu tượng: Trần thị Ngh. Ngu Yên. Khế iêm. Phạm ngũ Yên. Trần nho Bụi. Trần vàng Sao. Lý Đợi. Hay có ông nhà văn có tên Ngụy Ngữ. Tên đến lạ. Thật sự, chỉ vì có lần ông đánh máy tên ông là Nguyễn văn Ngữ. Bố mày đánh nhầm ra Ngụy Ngữ. Thấy ngộ, thế là từ đó có nhà văn trung sĩ quân đội Ngụy Ngữ. Còn Nguyên Sa... đừng nghĩ rắc rối làm gì. Nguyên Sa là Nguyên Sa. Đến Thanh Tâm Tuyền thì rắc rối hơn một tý. Tên cúng cơm của ông là Tâm, Thanh là tên người con gái trong truyện của ông… còn Tuyền thì chịu... Có một phụ nữ là nhà văn rất nổi tiếng mà cái tên của bà có kèm chữ Bà đi trước. Đến độ chữ bà đó trở thành bút hiệu của bà với gần 100 đầu sách: Bà Tùng Long. Hay ông Ngu Í – Nguyễn hữu Ngư. (Sau này điên như Bùi Giáng ).
Tôi nhận ra một điều là trước khi sáng tác, trước khi làm thơ, trước khi là nhà văn, trước khi gửi thư tình, trước khi cua gái, trước khi ra tuyên ngôn, trước khi làm chính trị, trước khi đọc diễn văn... Người ta thường chọn ra một bút hiệu cái đã. Chẳng hạn, ông Cả Cần, bánh bao Cả Cần đã nổi tiếng một thời, trước khi làm thơ, ông đã để tâm chọn một bút hiệu rất ướt át: Nhà thơ Liễu Sương Mai. Phải nhìn thân hình đồ sộ, trấn áp và oai phong của ông mới thấm thía được cái tên bút hiệu này. Ông và tôi cùng ở một nơi, có giao tình nhiều năm. Nay ông đã quá vãng, viết để nhớ đến ông. Ông thuộc lớp những nhà văn, nhà thơ, nhà hát, nhà ngâm thuộc thế hệ di tản hầu hết đều có tuổi mà chưa có tên.
Phần tôi, ngay cả một cái bút hiệu cũng không có.

Trở lại câu chuyện lè phè của tôi. Cái lè phè đó không biết học trò đánh giá thế nào, có thể khinh rẻ. Nhưng phía thầy cô giáo thì nhận được sự ghẻ lạnh. Có lần cụ Lê nguyên Diệm, nhìn tôi trân trân, nghiêng người ra phía đằng sau ngắm từ trên đầu xuống chân. Chắc là tôi không có trong mắt cụ. Còn cụ Cung giữ Nguyên thì thao thao giọng Trung, không thèm để ý hắn ăn mặc ra ri, phần tôi đực mặt ra nghe chữ được chữ chăng. Cho đến sau này, lúc tôi đổi về Sàigòn, đã có chút tiếng tăm trong nghề, tôi vẫn thắc mắc, giọng nói cụ như thế khó nghe, lơ lớ... Vậy mà bằng cách nào cụ đã thu phục cuốn hút đám trẻ?
Nếu bây giờ gặp cụ, có lẽ tôi sẽ hỏi cụ câu đó. Dù là quá trễ.

Nhưng, có lẽ tai nạn và bài học để đời cho tôi về sự lè phè của mình là gặp Bác Cai trường. Bác là ông thầy đầu đời của tôi trong nghề dạy học. Bác lùn, nhỏ người đen đen, khuôn mặt đằng đằng sát khí. Bác thường đứng trấn ở trước cổng chính của trường. Đã bốn mươi năm có lẽ rồi. Tôi không nhớ rõ. Hình như cổng chính dành cho Giáo sư với hai cánh cửa bự tổ chảng... Còn học sinh cả ngàn đứa chen chúc cả xe đạp vào bằng hai cánh cửa hông. Nếu thật đúng như thế thì thật tắc trách và vô lý lắm. Chỉ có điều bữa đó là bữa thứ ba, thứ tư gì đó của tôi trong nghề dạy học. Tôi phụ trách dạy Anh Văn, lớp đệ thất, đệ lục, vì một lẽ đơn giản là chẳng có gì khác để dạy mà trình độ của tôi chắc chẳng thua học trò là mấy.
Tôi gấp đôi cuốn English for Today và đút vào túi quần sau, phía bên phải, phía bên trái để bóp tiền.
Cho đến lúc này, tôi vẫn thấy người đời xử sự nhiều cái đến là vô lý. Tại sao bóp tiền là để về phía túi trái? Mỗi lần móc ví là rất khó. Tay ngắn hay tay khuyết tật là phiền lắm. Tại sao không để bóp tiền phía tay phải..? Đến tuổi này mà nội lý giải về chỗ của cái bóp tiền cũng chữa xong, nói chi chuyện nhiêu khê khác?
Lại nói tiếp, tôi tà tà đi vào cổng chính... đi đến nửa sân, nghe tiếng quát: Anh kia, đứng lại. Bước tiếp. Lại có tiếng quát, lần này quyết liệt hơn buộc lòng tôi phải đứng lại, quay mặt về phía bác. Đúng là bác quát tôi chứ không ai khác. Một tay nói, một tay bác hằm hằm chỉ tôi đi sang phía cửa hông..

thay_luc-large

Tôi khựng lại, lúng túng, nói lý nhí: tôi là giáo sư, rồi đi thẳng. Mặc ông cai trường ngỡ ngàng. Trong bụng, ông cai trường chắc bán tin bán nghi: Hắn là Giáo sư..? Trong số những học trò chứng kiến cái cảnh nhục này, có Nguyễn Bá Nghệ, nay là tiến sĩ Hoá Học, trưởng nhóm 11 người, đã chế ra thuốc trị Sida 3TZ hay 3TC gì đó... Xin vinh danh một người học trò Võ Tánh. Có điều Nghệ giỏi và tài tuấn như thế, vậy mà nói tiếng Anh cũng vẫn ngọng ngếu, ngọng ngáo. Chẳng biết có phải vì học vỡ lòng tiếng Anh với tôi hay không?
Đồng nghiệp triết của tôi khá nhiều. Tất cả đều là đàn anh, đàn chị, đều có những nét dễ thương, phần đông tôi đều quý. Ngô đức Diễm đương nhiên rồi. Rồi Nhẫn, Phương Anh, Thuộc, Võ Túc và cô Tri Chỉ. Chả hiểu sao họ lại đông như thế? Họ thừa như môn Triết thừa trên đời này. Tôi được chỉ định dạy một lớp là may rồi. Ngay từ hồi đi dạy, học trò thường có thói quen so sánh tôi với Ngô đức Diễm. Cho đến bấy giờ cũng còn người muốn so sánh như thế. Thôi thì để tôi nói ra một lần cho xong.
Tôi cao, anh nhỏ. Tôi đàn ông, anh con gái. Tôi đi dép, anh đi giầy. Tôi lè phè, anh nghiêm chỉnh. Tôi tay không, cả đời không sắm nổi cái cặp, anh lúc nào cũng kè kè cái cặp. Chuyện gì anh cũng quan trọng, chuyện gì đối với tôi cũng là chuyện nhỏ. Cuộc đời anh nặng chịch, cuộc đời tôi nhẹ tênh. Anh đeo đuổi cái gì đó, tôi dong chơi cuộc đời. Anh làm thơ. Tôi viết văn, nhất là nghị luận. Anh có óc làm trùm. Trùm Võ Tánh, trùm San José. Đi dạy, tôi chỉ xếp mình với cai trường. Đi lính thì chỉ là tên gác cửa. Nào, còn thắc mắc gì nữa? đã đủ chưa, thưa các mệnh phụ nữ sinh Võ Tánh...
Lính mới tò te đi dạy. Vào lớp đệ nhất, thú thật tôi đâm hoảng. Tôi sợ học trò. Cái dễ dãi của tôi đồng hóa với sự bất lực. Tôi không dám kỷ luật với học trò. Nhất là có cái tên "anh chị", nhà có cái Bar, quán số 5 gì đó. Hắn to tổ chảng, tuổi có thể xấp xỉ bằng tôi. Trông tướng rất giang hồ, rất anh chị. Hắn vờn tôi như mèo vờn chuột. Hắn được cái không ác ý nên nay tôi mới còn sống đến ngày nay. Nếu hỏi tôi sau mấy chục năm dạy học có cảm tưởng gì? Tôi không do dự trả lời: Nghĩ tới hắn, vẩn thấy dờn dợn.. .Chằng biết kỳ này hắn có mặt ở San José không? Xin gởi lời chào hắn trước. Nhưng chỉ vài năm sau, nhất là khi tôi đã có tay nghề, nhất là khi tôi đổi về Sàigòn thì cỡ tên học trò quán số 5, tôi có thể trị hắn dễ dàng như lấy đồ trong túi áo ra. Mặc dầu vẫn dờn dợn.
Ôi, cả một thời niên thiếu với kỷ niệm. Cái ấn tượng sâu xa nhất để lại nơi tôi vẫn là nước và gió biển. Vì nó mà tôi có mặt ở Nhatrang. Hai người bạn đồng hành của tôi. Chúng tôi thân nhau lắm. Chuyện của hắn cũng là chuyện của tôi. Đã có lần, tôi ra biển nằm suốt đêm đến sáng để nghe gió kể chuyện, chuyện tôi và chuyện đời hắn cho một người con gái đường Trần quý Cáp nghe. Chúng tôi cứ như thế, nhìn đếm sao trên trời, ngủ thiếp đi lúc nào không hay đến lúc thành phố đánh thức dậy. Tôi vẫn chưa có dịp hôn lên ngực người con gái, nói chi đến chuyện cởi một cái cúc áo. Em làm chứng cho anh.
Gió thì như trẻ con lắm các anh chị ạ. Nó thua tôi một vài tuổi nên nghịch ngợm, phá phách lắm:
Gió đùa mà lỵ. Cô nữ sinh Võ Tánh đi dong chơi ngoài bờ biển. Gió đùa, gió hất tà áo để lộ cái đùi với chiếc quần vải trắng in hằn tuổi trẻ của cô lên. Cô vội lấy tay khép lại, mặt au đỏ lên sượng sùng. Vì biết gió đùa, cô không giận, cô chỉ ngượng như thể có người đụng đến cái phái tính của cô. Ai bảo cô hớ hênh, áo dài phất phới làm chi? Nón chênh vênh làm gì? Ai bảo cô tự mình dẫn xác, đi nghiêng nghiêng, nắng xuyên mái tóc, hờ hững chờ đợi trên bãi cát nóng mà ở đó chỉ có chỗ cho hò hẹn và ân ái?
Nước thì không trẻ con nữa. Hắn là đàn ông, hắn làm thực. Nước quyến rũ, mời gọi. Mới đầu cô còn dón dén, bước chân trên cát do dự, ngập ngừng. Ướt một tý rồi đấy. Cô phải vén chiếc quần lụa trắng lên. Lại dọ dẫm, liều thêm một chút nữa. Nước thừa dịp té ướt nhẹ lên đến trên đầu gối của cô. Cô thấy gai gai lạnh, nỗi da gà. Cô cười e thẹn. Sự phân biệt phái tính, sự so đo kiềm giữ, sự mời gọi quyến rũ, hình như cùng đến một lượt. Nhìn ra xa biển:
Gió rì rào, mặt trời chiếu dọi săn da, đỏ ửng, tiếng khua ầm ầm dịu ngọt, tiếng nô đùa cười cợt của trang lứa. Tiếng vẫy gọi tuổi 15, 16. Và đến một lúc nào đó, cô liều, quyết cởi phăng quần áo, xuống biển. Cô hoà vào biển, biển và cô là một. Cô vui. Cô đùa. Nước ve vuốt cô, nước tràn lan chỗ nào mà trên châu thân cô mà chả có nó. Đời cô đẹp hơn, nỗi vui mầng tràn ứ, hưng phấn, tuổi trẻ mời gọi. Nhấp ly rượu ngọt đầu đời. Đầu lưỡi tê dại. Châu thân vần vũ. Và như thế, cô đi vào đời. Và như thế cô yêu cuộc đời, kết duyên với nó. Cô bắt đầu tuổi con gái từ kinh nghiệm của gió và biển. Và tôi thấy, không có miền đất nào cho bằng nơi có gió và biển. Nơi đất trời, người giao hoan đón chào tuổi trẻ.

Phần tôi, tôi tự hỏi mình, tôi là gió hay là biển?


gio_bien-large

20 Tháng Tám 2013(Xem: 51272)
Vì mẹ là ai con nào có thể biết, mẹ là ai hay có thể là bất cứ bà mẹ nào? Mẹ sẽ như nào nhỉ? Mẹ có giống người mẹ đã sinh ra con không? Giống, con cam đoan là giống.
17 Tháng Tám 2013(Xem: 60833)
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51727)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 35945)
Trong gian nhà chúng chùa núi quá trưa, có mâm cơm chay dành cho bọn trẻ. Tôi nhẩm đếm, có hơn một chục thiếu niên. Đứa nào cũng đèo đẹt đen đúa, làn da khô héo quắt queo,…
14 Tháng Tám 2013(Xem: 79567)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.
13 Tháng Tám 2013(Xem: 60825)
Với những phương tiện tân tiến nhất của thế kỷ thứ 21, một người con như ông Scott đã nói lời từ biệt người mẹ trong những giây phút cuối cùng trước khi hơi thở của bà tắt hẳn
13 Tháng Tám 2013(Xem: 86812)
Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
09 Tháng Tám 2013(Xem: 56241)
Kể từ hôm ấy, hạnh phúc do sự lắng nghe đem lại, đối với tôi, đã là một kinh nghiệm có thật trong đời rồi đó bạn ơi.
07 Tháng Tám 2013(Xem: 78986)
Quý Thầy Cô, quý anh chị cũng chính là người trực tiếp góp bàn tay thiết thực nhất cho hội Ngô Quyền thêm vững mạnh. Xin hãy thực lòng với trường xưa...
03 Tháng Tám 2013(Xem: 68241)
Tựa Đề : HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ: Duy Thiên
02 Tháng Tám 2013(Xem: 85672)
Từ tình cảm nầy tôi tự nguyện vững lòng tiến bước tiếp tục mang niềm vui cho mọi người suốt hơn 12 năm qua. Xin được cám ơn lòng bao dung tha thứ của Thầy Cô và đồng môn.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 45604)
Có một lúc nào đó bạn nghĩ về các loại hoa và tự hỏi mình giống như loại hoa nào chưa? Mỗi người phụ nữ theo tôi có thể ví mình như hoa dù mình chỉ là một người bình thường.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 64449)
hi vọng sẽ có ngày bạn bè mình có dịp uống chung dòng nước mát quê hương, uống tràn đầy ly rượu tương phùng. Thời gian ơi! bạn bè lớp thất 3 của tôi ơi!
31 Tháng Bảy 2013(Xem: 58355)
Theo triết lý của bài thơ thì sinh và tử chỉ là một trò chơi đuổi bắt. Chia tay hôm nay nhưng sẽ gặp lại ngày mai. Gặp lại trong những dạng khác nhau của cuộc sống
22 Tháng Bảy 2013(Xem: 87371)
Đó là cái đẹp của tình thương yêu. Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá. Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 63959)
BẦU TRỜI TRÊN KIA - Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông - Hòa Âm: Cao Ngọc Dung - Ca Sĩ: Tâm Thư.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 62290)
Đêm bây giờ dài vô tận, anh bảo thế. Đêm mùa đông ở đây còn dài nhiều hơn nữa. Khi nào trống trải hãy cố nhớ đến lời em nói
18 Tháng Bảy 2013(Xem: 86588)
Qua bao gian nan Ngô Quyền bền vững mãi Mãi mãi một thời để nhớ để thương...
12 Tháng Bảy 2013(Xem: 61054)
Tôi xin gửi đến thầy cô, bạn bè tâm tư của mình để nhắc nhau còn hai tháng nữa là đúng 50 năm khóa 8 NQ bắt đầu nhập học.