Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đỗ Công Luận - CẢM NHẬN VỀ "MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA"

27 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 144398)
Đỗ Công Luận - CẢM NHẬN VỀ "MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA"

CẢM NHẬN VỀ "MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA"


nq_ky_ten-large


 

 Một buổi sáng ngày đầu tuần tháng 11, khi uống cà-phê sáng, anh Nguyễn Thanh Tùng có nói với tôi:

- Có ông chủ hội quán cà-phê ở Sài Gòn, có cảm tình với thầy trò trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, có nhã ý sẽ tổ chức sinh hoạt về trường mình ở hội quán ông ta vào chủ nhật cuối tháng 11. Nếu Luận muốn dự thì liên lạc bạn Diệp Hoàng Mai.

 Tôi nghĩ, sau những lần tham dự họp mặt khóa, đi đám cưới con bạn Mão, bạn Hòa, đi dự đám giỗ mẹ bạn Quan ở Mộc Hóa, tôi cảm thấy hơi "oải". Buổi sinh hoạt lại tổ chức ở Sài Gòn, thời điểm chiều tối, nên tôi hơi "ngán ngẩm". Tôi trả lời, có lẽ sẽ không dự. Đến chiều tối thứ bảy, 17/11/2012, mở trang web Ngô Quyền để xem sinh hoạt cuối tuần, tôi chú ý đến bài MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA của bạn Diệp Hoàng Mai, giới thiệu về buổi sinh hoạt dự kiến diễn ra ở hôi quán MỘT THUỞ vào tối ngày chủ nhật, 25/11/2012. Chương trình tổ chức có bài bản, công phu, do một số anh chị em CHS NQ các khóa tổ chức, đa phần con nhà họ Kiến.

 Một đêm trăn trở, suy tư.

 Sáng hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm anh Tùng. Anh bảo đăng ký nơi bạn Phùng Thị Ngọc Dung. Tôi điện cho bạn Đinh Thiên Thọ, Trần Văn Thông, để rủ cùng dự. Thông trả lời, không có đăng ký dự, nhưng nghe nói K.9 NQ tham gia đông, khoảng 20 cô nàng.

 Tôi lấy làm lạ, sao anh chàng nầy nắm rõ thông tin đến dữ vậy? Tôi quên rằng phu nhân Bạch Tuyết của Thông là CHS K.9 NQ.

 Tôi phân vân, theo thông tin của Diệp Hoàng Mai, hạn chót đăng ký tham dự là ngày 15/11/2012, do số lượng khách mời khoảng 70 đến 80 người, mặt bằng có hạn. Tôi bấm điện thoại để đăng ký cầu âu nơi bạn Phùng thị Ngọc Dung.

- Dung ơi, cho anh đăng ký một vé, anh thấy chương trình tổ chức hay lắm, có bài bản.

- Tụi em đã lên danh sách để in bảng tên, thiệp mời. Em sẽ trả lời anh sau.

 Hơi buồn buồn một tí.

 Trưa hôm sau, Dung điện thoại cho tôi.

- Anh Luận ơi, em đã lên danh sách cho anh, nhưng anh đừng rủ thêm ai nữa nhé. Sẽ tập họp ở nhà thầy Dũng, anh Tâm ở Hãng Dầu lúc 16 giờ chiều chủ nhật, có xe đưa đón.

 Nỗi buồn, âu lo được giải tỏa.

 Trước buổi họp mặt mấy hôm, tôi có chuyển tiếp cho anh Đặng Văn Hùng K.5 NQ và bè bạn một mail của thầy Huỳnh Bá Hạnh, trường Minh Tân, một bài viết có ý nghĩa nhân văn. Anh Hùng gửi mail cho tôi, anh Đỗ Thiện Tâm nhà cũng ở cách trường Minh Tân không xa, dự định sẽ tổ chức buổi họp mặt bạn bè có học ở trường Minh Tân. Hồi trước, ngoài phần dạy các lớp chính khóa, các thầy của trường Minh Tân cũng có mở nhiều lớp luyện thi tú tài. Đa phần các học sinh NQ có dự học, với hi vọng được nhận tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp tú tài trên tay. Anh Đỗ Thiện Tâm gọi anh Đỗ Hữu Nam là chú. Hôm anh Nam mất, tôi có biết thông tin, nhưng hôm sau tôi đã phải tham gia tour du lịch Thái Lan. Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, khi cùng một số đàn anh học sinh trường Minh Tân gặp gỡ thầy Hạnh, tôi có biết anh Nam. Trong số đó, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Tứ hải giai huynh đệ.

 15 giờ 30 phút của ngày hẹn hò, tôi đến điểm hẹn. Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Có đến một lượt với tôi. Thầy Nguyễn Thành Dũng mời cả 3 người bước vào "tệ xá". Một căn nhà bề thế trên mãnh đất hơn trăm mét vuông. Ngoài sau có hồ bơi bán nguyệt, có vườn hoa, vòi nước tưới tự xoay, nhà thủy tạ. Phía sau cơ ngơi là sông Cái, nhánh sông Đồng Nai, bên kia là xóm Bình Tự của cù lao Hiệp Hòa. Một đàn bốn, năm chú chó sủa inh ỏi khi có khách lạ. Một cơ ngơi đáng để nương thân cho những người về hưu trước khi từ tạ mọi người để về cùng trời đất. Thầy Dũng giới thiệu.

- Căn nhà sát bên phải là nhà của thầy Mai Kiến Phúc, đã bán.Nhà sát bên trái là của anh Đỗ Thiện Tâm.

 Anh Tâm có 2 người con, một gái, một trai, đều là KTS. Cháu trai chuẩn bị tốt nghiệp cao học, hơn con trai tôi 4 tuổi. Anh Nam cũng là KTS, con nhà họ Kiến.

 Thầy Dũng lúc trước cũng có mở lớp luyện thi tại gia, bạn bè tôi như Đặng Thị Kim Nguyên, Nguyễn Kim Quan... có đến học. Hôm Quan về nước, có điện thoại mời thầy dự giỗ, thầy bận việc không đi được.

 Thầy có nhắc những đồng nghiệp của trường NQ dạy về toán, lý, hóa. Thầy Lê Văn Túy dạy toán. Thầy Lê Quí Thể dạy hóa.Thầy Mai Kiến Phúc dạy lý. Thầy Tôn Thất Để dạy toán hình học.

- Hồi đó thầy Thể là giáo sư cố vấn thể thao của chúng em. Thầy Để dạy có phong cách ấn tượng. Thầy ngầu lắm, rất thương em, kêu là thằng Luận.

- Thầy Để có nhị đẳng Judo.

 Ở nhà thầy Dũng, tôi gặp lại thầy Trần Văn An, CHS khóa 1,2,3 NQ. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy về dạy toán ở Tân Uyên. Năm 1973, chuyển về dạy toán ở trường Ngô Quyền. Sau năm 1975, thầy chuyển về dạy toán ở trường cấp 2 chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP/ BH. Năm 2001, tôi biết thầy khi thầy dạy môn đại số lớp 7 của con trai tôi nơi ngôi trường đó.

- Năm đó, Đỗ Công Lý giỏi toán lắm, đứng đầu đội toán.

- Bây giờ cháu cũng thuộc họ nhà Kiến, thưa thầy.

 Thầy An cũng là thông gia với bạn Khương Văn Hoằng, K.7 NQ.

- Hôm qua đám giỗ má anh sui trai.

 Mẹ anh Hoằng mất ngày 11/10 Â.L. Sáng rằm tháng 10 đưa tang mẹ anh, chiều hôm đó mẹ tôi qua đời. Mốc thời gian dễ nhớ.

 Một chiếc xe 25 chỗ đến đón đoàn. Thầy cô, bạn bè tham dự đã tề tựu đông đủ. Tôi sang nhà chào hỏi anh chị Đỗ Thiện Tâm. Văn kỳ thanh tại văn kỳ ảnh. Lần đầu biết nhau, một cái bắt tay xin chào.

 Hơn 16 giờ, xe lăn bánh, bỏ Biên Hòa ở lại sau lưng. Ngày chủ nhật cuối tháng, xa lộ không kẹt xe. Hơn 17 giờ, xe từ từ tấp vào trước hội sở ngân hàng Sacombank, bên kia đường là cà-phê MỘT THUỞ.

 Hội quán nằm cách mặt đường 10 mét, trong con hẽm rộng 2 mét. Hai bên tường trước cổng vào là 2 tấm bảng đá. Một tấm trưng bày hình ảnh, bài viết về lịch sử các trường trung học ở Sài Gòn, phía Nam. Chị em, Trưng Vương khung cửa mùa Thu và Võ Trường Toản, nằm sánh đôi nhau cạnh Sở thú Sài Gòn. Trường nữ Lê Văn Duyệt và nam Hồ Ngọc Cẩn ở Bà Chiểu. Trường nam Petrus-Ký, và nữ Gia Long áo tím một thời. Trường Chu Văn An ở cạnh Đại học xá Minh Mạng, một thời hứng khói đạn cay cay tầm mắt... Tấm bảng bên kia trưng bày hình ảnh các thầy cô, trường lớp, học trò Ngô Quyền của MỘT THUỞ, từ 56 năm về sau. Chủ đề của đêm hội ngộ hôm nay là:

 TRUNG HỌC NGÔ QUYỀN BIÊN HÒA

 NỬA THẾ KỶ TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO CŨ.

 Một chiếc phù hiệu để đính trên áo ngực trái, mỗi khi vào trường lớp, với 2 chữ NGÔ QUYỀN đỏ thấm, được thiết kế to lớn, treo trên cao trang trọng, để nhắc chúng em MỘT THỜI ÁO TRẮNG MỘNG MƠ. Thương nhớ quá. Trên xe, có bạn nhắc lại.

- Hồi đó mình dán bằng hồ. Vô cổng trường, dán lại. Ra khỏi cổng trường, gở ra.

 Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

 Vừa bước vào cổng hội quán, một tấm bảng trắng có đính hình ảnh một số thầy cô, dành để đại biểu ký tên lưu niệm. Có người cẩn thận, ghi tên khóa để nhận ra nhau. Thầy cô cũ, trò xưa, bè bạn gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ôm choàng nhau. Đàn em khóa 9 đến từ Biên Hòa bằng xe 16 chỗ. Tôi nhận ra Châu Thị Huệ, Trần Bích Liên, Lương thị Bạch Tuyết, Đặng thị Thanh Nhàn...

 Chị Ao thị Nhan, K.4 NQ, tôi nhận ra qua bộ quần áo Phật Tử, tu tại gia, mà cuối năm rồi tôi có gặp, đến từ Bình Thung, Dĩ An. Tôi có hỏi thăm về hai anh Ao Văn Thân, Ao Văn Thinh.

 Tôi gặp 3 chị em, con của thầy Tổng Giám Thị Dương Hòa Huân, các chị Dương Thúy Vân, Dương Thúy Phượng, Dương Thúy Nga. Tôi hỏi thăm, bạn Hà Thu Thủy không đi dự được vì cháu bệnh. Lúc thầy Huân mất, ngay tại BH, tôi cũng không hay biết để thắp cho thầy một nén nhang. Sau đó, vợ thầy, cô hai của nhà anh em Võ Hà Mỹ, mất, tôi cũng chẳng hay biết. Vô tình quá. Thôi đành xin tạ lỗi với bạn bè.

 Thầy cô Nguyễn Ngọc Ẩn và Đào Thị Nga, cô Khương thị Bàn, chị bảy của anh Khương Văn Mười, từ BH đến bằng xe riêng.

 Thầy (anh) Diệp Cẩm Thu, K.7 NQ, năm 1973, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm toán cũng về dạy ở Trường Ngô Quyền. Họp mặt cuối năm vừa qua, thầy Lê Văn Túy nói với tôi, sau 1975, Thu là đồng nghiệp của thầy. Giờ anh là phó hiệu trưởng của trường Đại học Lạc Hồng, ngôi trường mới có tiếng tăm sau 3 năm có thành tích về cuộc thi Robot Com, vừa kỷ niệm 15 năm thành lập.

 Xe của BTC đi đón các thầy cô ở Sài Gòn. Mọi người hân hoan chào đón, chim đầu đàn, thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo. Đi cùng thầy có chị Lan là con gái, và thầy Phạm Thăng Long, là em trai. Thầy Bảo nay đã 93 tuổi, đi đứng hơi khó khăn, phải có người dìu, nhưng thầy vẫn cố gắng đến với đồng nghiệp, học trò xưa. Nhiều tràng vỗ tay hoan hô vang lên. Phút giây cảm động. Tôi nhớ, năm lớp Tứ 1, thầy phụ trách môn công dân giáo dục. Có lần, vài bạn nam bị bắt nằm xấp xuống bục giảng, thầy "đét" cho mỗi bạn 3 roi, vì cái tội quên mang cen-tua-rờ 
(dây nịt).

- Cháu ông Huân, thầy đánh mạnh hơn.


Tôi rời trường NQ năm 1970 để khởi đầu vào môi trường đại học. Thời gian 42 năm sau tôi mới gặp lại thầy hiệu trưởng của ngôi trường trung học mà 7 năm tôi đã gắn bó.
Mỗi khách mời khi vào cổng, đến bàn tiếp tân nhận phiếu bảng tên đính trên áo ngực để mọi người nhận ra nhau. Đồng thời cũng nhận phiếu thức ăn, nước uống để sau đó BTC thanh toán lại với hội quán. Tổ chức cũng có khoa học đấy chứ.


Sau khi mọi người đến dự đã đông đủ, yên vị, BTC bắt đầu khai mạc buổi họp mặt, giới thiệu tên tuổi những thầy cô đến dự để học trò tri ân. Mỗi lần giới thiệu là một tràng vỗ tay. KTS Nguyễn Sơn Tây, chủ hội quán, cũng nói rõ lý do tổ chức buổi sinh hoạt. Xuất phát từ tình cảm với đàn anh, cũng là đồng nghiệp, là 2 anh KTS Khương Văn Mười và KTS Nguyễn Văn Tất, cũng như ngôi trường trung học Ngô Quyền BH có bề dầy truyền thống, đã khơi nguồn cho buổi sinh hoạt hôm nay. Hồ bán nguyệt giữa hội quán, anh thiết kế những cọc tre nhọn vươn lên, biểu tượng cho cọc nhọn Bạch Đằng giang đâm thủng chiến thuyền quân Nam Hán.


Bạn Nguyễn Văn Tất, CHS K.11 NQ, thay mặt học trò xưa ngõ lời tri ân thầy cô, nhắc nhở kỷ niệm xưa với ngôi trường đã là bệ phóng cho anh vào con đường khoa cử, để có vinh danh như ngày hôm nay. Anh Khương Văn Mười xướng tên thầy cô đã trên 70 tuổi có mặt ngày hôm nay để học trò tri ân. Một chiếc bánh kem được thắp sáng bằng lớp đèn cầy bao quanh. Mỗi CHS tay cằm pháo hoa đốt sáng, vươn cao theo 3 lần tiếng hô vang, NHỚ ƠN THẦY CÔ. Không khí trang nghiêm và xúc động dưới sáng mờ tỏ. Có lẽ cũng có những giọt nước mắt đâu đó lăn dài trên má của những trái tim già nua nhưng còn bầu máu nóng, dành cho thầy cô một đời trên bục giảng, khai tâm cho những con thuyền bé nhỏ chèo chống ra khơi trước phong ba, sóng gió cuộc đời.


Xen giữa chương trình là những bản nhạc được con gái thầy Lê Hoàng Long gửi cho thầy trò trường NQ, trong đó có bài GỢI GIẤC MƠ XƯA, sáng tác duy nhất của thầy Long, nhắc nhở về mối tình tan vỡ của thầy. Tôi chợt nhớ đến người thầy trẻ trung, tóc dài,tay kéo violon, dạy nhạc lý lớp chúng tôi thời trung học học đệ nhất cấp. Cũng như thầy dạy vẽ Phạm Minh Mẫn, ốm, cao, đen, xuất thân từ trường mỹ nghệ. Đó là 2 môn học giúp chúng tôi giảm tress. Trưa nay, tôi nhận được mail của chị Võ thị Tuyết, bạn học với chị Bé Nhỏ, chị thứ năm của tôi, hỏi tôi về thầy dạy nhạc lý Nguyễn Văn A, hồi xưa dẫn dắt các chị đến rạp hát Biên Hùng để biểu diễn bản nhạc Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương. Tôi trả lời chị, tên thầy thì em vẫn nhớ, nhưng thầy ở đâu em đành chịu. Cũng như khi tôi về sinh hoạt với trang nhà NQ, tôi đã tìm hỏi về thầy Lê Quí Thể, nhưng chưa có câu trả lời. Chỉ biết thầy đã định cư xứ người, lúc đầu có sinh hoạt với thầy trò NQ, nhưng giờ bặt âm tin tức. Thầy ơi!


Các bạn Nguyễn Văn Tất, Lưu Đình Triều thay nhau dẫn dắt chương trình.


Khi tôi ngồi cùng bàn với các anh K.1 và K.5, có chị Võ Kim Lang đến ngồi cùng và hỏi chuyện. Chị nói, anh Võ Hải Dương, garage Võ Thành, bảo với chị là trong tháng 11 sẽ về VN, không biết là anh có dự họp mặt hôm nay không? Chị không có học ở trường NQ, chỉ học ở trường Minh Tân và Trần Thượng Xuyên, nhưng có học luyện thi với thầy Nguyễn Thành Dũng. Chị muốn gặp thầy Dũng sau thời gian dài không gặp, vì chị định cư ở Pháp. Gặp chị, tôi nhận ta ngay.
- Hôm mùng mấy Tết Nhâm Thìn, chị có gặp thầy Hạnh ở cà-phê Lộc Vừng ?
- Sao anh biết?
- Hôm đó có tôi. Anh Hoàng, chủ quán, cũng là học trò thầy Hạnh.
- Vậy hôm nào anh uống cà-phê ở đó, nhờ hỏi anh Hoàng về anh Dương dùm tôi. Tôi đang ở Sài Gòn. Anh lưu số cell phone của tôi.Sau đó, về bển mấy lần mà tôi mail cho thầy Hạnh không được.
Điều tôi muốn nói lên là tâm huyết của học trò, dù ở phương xa, vẫn nhớ nhớ về ân sư của mình. Chị còn nói có gặp gia đình Hồng Đức, em Hồng Trọng, bạn chung lớp tôi, ở Úc.
- Em nó trẻ trung, dễ thương, cười má lún đồng tiền.
- Nó khoe với tôi là đã có cháu nội. Khi đọc bài viết của tôi trên trang nhà, cuối bài tôi có ghi số điện thoại, nó gọi tôi ngay để hỏi thăm.
Dù ở phương xa, những trái tim nóng vẫn tìm đến nhau.


Anh Nguyễn Sử Trọng Quốc, CHS K.5 NQ, đại diện bạn bè cùng lớp ngõ lời tri ân với thầy cô, đọc thư của bạn bè phương xa gửi đến thầy cô, đồng môn có mặt hôm nay. Tình cảm thầy trò, không đại dương nào ngăn cách nổi. Có vài anh tôi biết tên, có liên lạc. Anh Đặng Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Ẩn E, Trần Văn Việt, Ma Thành Tâm, Võ Hà Phi... Anh cũng giúp vui với mọi người một bản nhạc. Anh Hùng nói với tôi, anh Quốc học chung với anh hồi lớp ba tiểu học Nguyễn Du, ca vọng cổ, tân nhạc thì anh ấy hạng nhất. Anh Hùng ơi, không biết chừng nào trường tiểu học Nguyễn Du của anh và trường tiểu học Bửu Hòa của tôi tổ chức họp mặt thế nầy? Thầy cô còn được bao nhiêu người ?


Anh Nguyễn Thái Hải, nhà văn Khôi Vũ, cũng là dược sĩ, nhiều nghề lắm tài, CHS K.6 NQ, cũng lên nói về quảng đời thăng trầm của mình, bước đường để có ngày hôm nay. Anh nhắc kỷ niệm với mọi người, một đồng môn đã thành danh, xuất thân từ trường NQ, nhà thơ lận đận Nguyễn Tất Nhiên, tên khai sanh Nguyễn Hoàng Hải. Bạn bè cùng hát với nhau bản nhạc phổ từ bài thơ đã đưa anh lên danh vọng, THÀ NHƯ GIỌT MƯA. Những bài thơ về mối tình học trò thời lận đận, trắng tay. Khoảng tháng 7-8/1972, khi tôi ở quân trường Thủ Đức, đêm sinh hoạt đại đội, dưới trời mưa lất phất, anh quản ca đại đội Nguyễn Văn Tiên cất vang tiếng hát bản nhạc nầy, cả đại đội im phăng phắt, có lẽ để chia sẽ nỗi buồn cùng Nguyễn Tất Nhiên. Bạn mình Lê Thành Tươi, CHS K.7 NQ, còn nhớ hay quên ?
Rồi nhóm ca của CHS K.9 NQ, có lẽ là khóa học sinh có số lượng tham dự họp mặt đông nhất hôm nay, khoảng 20 cô nàng, thông tin mà tôi nắm được, xin đóng góp với thầy cô, đồng môn, bản nhạc vui tươi, HÈ VỀ, của nhạc sĩ Hùng Lân.

 Trời hồng hồng, nắng trong trong...

Trông các cô nàng trẻ trung quá.
Sau đó, quý thầy Nguyễn Thành Dũng và Trần văn An có lời phát biểu với đồng nghiệp, thầy xưa, trò cũ cảm tưởng của bản thân và nhận bó hoa cùng quà kỷ niệm của BTC.
Kim đồng hồ chỉ hơn 20 giờ, cuộc vui nào rồi cũng chia tay. Các học trò già lần lượt tiễn đưa thầy cô không còn trẻ hơn mình ra cổng để nhà xe đưa về tư gia. Tôi đến chào, nắm tay thầy Đinh Hữu Quyến.
- Thầy còn nhớ em không?
- Tôi nhớ cậu chứ ! Hôm họp mặt cuối năm ở BH, tôi gặp cậu. Hôm tháng 4, họp lớp 11 B4 cũng có cậu.
- Dạ, em là người của công chúng.
Thầy trò cười vui vẻ, dù tôi không học Pháp Văn một buổi nào với thầy. Cám ơn bề trên giúp cho thầy tôi còn trí nhớ tốt.
Tôi cũng đến chào thầy Lâm Tấn Văn, thầy giáo dạy môn sinh vật lớp 12 A1 của chúng tôi. Vẫn câu nói.
- Em nào học lớp A là có học với thầy.
Tôi đến nắm đôi tay nhăn nheo của cô Đinh Thị Hòa.
- Em kính chúc cô mạnh khỏe. Lúc nầy cô đã về ở hẳn Sài Gòn ?
- Cô đã về ở Sài Gòn, cám ơn em. Cô chúc em mạnh khỏe.
Năm tôi học lớp đệ lục, 1964-1965, cô phụ trách lớp chúng tôi môn Pháp văn. Tôi nhớ có lần bạn bè đã dẫn tôi đến nhà cô ở xóm Mã Tù, nhà bằng cây, mái ngói. 48 năm rồi, không biết trí nhớ của tôi có lẫn lộn không ?
Từng chiếc xe đến rước thầy cô, học trò. Nhiều cái vẩy tay chào tạm biệt, hẹn gặp lần sau, có lẽ là cuối năm Dương Lịch, ở Biên Hòa.


Chiếc xe 25 chỗ ngồi của đoàn chúng tôi lăn bánh hơn 21 giờ. Buổi tối, đường xá thoáng đãng. Tôi ngồi cạnh em Hà Huy Đức, em của chị Hà Thị Nhung, CHS K.5 NQ, cũng là cô giáo đã từng dạy học ở trường NQ.
- Em là em của chị Nhung ? Anh là Luận.
- Anh có biết chị em ? Em có đọc bài viết của anh trên trang nhà.
- Gặp mặt thì anh chưa có diện kiến. Nhưng bạn anh, Ngô Hồng Tâm, em chị Ngô Thị Xuân, kể lại lúc sang Cali có gặp chị Nhung. Chị có dẫn nó thăm trường đại học nào đó ở Cali, lớn lắm. Nó tấm tắc khen hoài.
- Hai chị là bạn thân nhau, gọi điện nói chuyện nhau thường.


Hơn 22 giờ đêm, xe đưa đoàn về đến BH, dừng đậu dọc đường để đưa từng người xuống chỗ gần nhà nhất. Chiếc xe về đến điểm khởi đầu, để mọi người lấy xe máy về nhà. Thêm những cái bắt tay chia tay. Gió từ sông Đồng Nai lành lạnh, thổi lên hướng cầu Gành. Ô hay, trời đã vào Đông gần tháng nay. Còn 5 tuần lễ nữa tờ lịch cuối cùng sẽ rơi, rồi Tết dân tộc sẽ đến hơn tháng sau. Thời gian trôi nhanh quá, cũng như tôi xa trường lớp, thầy cô bè bạn ở trung học Ngô Quyền BH đã 42 năm. Về nhà, thay quần áo, soi gương, thấy mái tóc mình bạc thêm. Ôi, giọt đắng thời gian có dừng lại được chút nào không khi trái đất vẫn quay đều trên quỷ đạo.

Biên Hòa, ngày 27/11/2012.
 Đỗ Công Luận.

 

 

Một số hình ảnh trong Đêm Tri Ân:


dcl-tri_an-8-large-contentdcl-tri_an-_39g-content

dcl-tri_an-1-large-contentdcl-tri_an-_3pg-content

dcl-tri_an-4-contentdcl-tri_an-5-content

dcl-tri_an-6-contentdcl-tri_an-7-content

 

Xin bấm vào link để xem Slide Show hình ảnh:

 

TRƯỜNG XƯA - THẦY XƯA

Hình Ảnh ĐÊM TRI ÂN THẦY CÔ tại SG ngày 25-11-2012

 

 

 

 

 

29 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 120924)
Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã... Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 85919)
Một năm đã qua, chúng ta đã sống với nhau thật lòng trong một đại gia đình. Chúng ta đã chia sẻ với nhau những tâm tình rất thật.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 109938)
Sau 37 năm rời trường, cho tới Đêm tri ân thầy cô giáo cũ của nhóm CHS.NQBH, tui mới có dịp mặc lại chiếc áo dài trắng. . Lúc đầu tui cũng cảm thấy hơi… ngộ ngộ,
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 140315)
... cuộc đi nầy đã để lại trong lòng chúng ta những kỷ niệm khó quên, từ những lá vàng ở Kobe, ở Kyoto, ở Okayama, ở Kintaikyo, những ngày lạnh lẽo, tuyết rơi ở Shirakawa,
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 112684)
nhận thấy có các em nhỏ đi theo anh mình, và các em tỏ ra thích thú các trò chơi trong sinh hoạt Hướng Ðạo. BP liền thành lập thêm một ngành dành cho các em nhỏ từ 7 đến 10 tuổi
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 99488)
Đây là lần thứ bảy, các CHS.NQBH K15 gạt hết những âu lo toan tính đời thường, hóa thân thành những cô cậu học trò hồn nhiên của những ngày xưa thân ái.
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127054)
Giờ đây, nếu mẹ hỏi lại: - “Giả sử có ngày tận thế thật thì thời khắc ấy, con muốn được ở bên cạnh ai?”, con sẽ không do dự trả lời: - “Con muốn được ở bên mẹ, bây giờ và suốt đời…”
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 110348)
Noel cũng là dịp tôi và mọi người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu, của niềm tin và hy vọng.
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 135550)
Xin mời đến thăm xứ Úc trong mùa Giáng Sinh với Hạnh Phạm.
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 124259)
Giả thử có ai hỏi, ai là người tôi yêu thương và tin tưởng nhất? Không ngại ngần tôi sẽ nói là em tôi. Cậu Mười của mấy đứa con tôi.
19 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 128194)
Đông đến Thu đi mai vàng nở rộ bao mùa, năm nay Tết lại sắp về chị đang lưu lạc phương nào hả chị Gấm? Chị có muốn về thắp nhang nơi mả ngoại với em không?
16 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127850)
Chuyến đi tour NCA đã để lại trong lòng tôi đầy những kỷ niệm, và khi viết những dòng chữ nầy, tôi chợt thấy nhớ Kobe chi lạ.
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 123034)
Sợi dây chuyền kỷ niệm đó đã đem đến niềm vui nỗi buồn cho bà. Bà đã gắn bó với nó một thời gian dài và đã chôn nó sau vườn vào một ngày pháo đỏ rộn sân nhà...
13 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 111669)
trái đất tròn còn sống là Thầy trò vẫn còn có dịp mừng vui đoàn tụ. Mong thời gian đừng cướp mất cơ hội của Thầy trò chúng mình.
12 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 117595)
Vậy thì anh chị em mình cùng cảm ơn quí thầy cô, và cùng cảm ơn nhau nữa. Đã nửa thế kỷ trôi qua đời người, hạnh phúc biết bao khi Thầy – Trò ta vẫn có nhau bên đời…
08 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 159896)
Xin gởi đến quý vị lời chia sẻ của một triệu phú 40 tuổi là bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, bị ung thư phổi thời kỳ 4, về kinh nghiệm sống của mình vào ngày 19/1/2012. Anh qua đời vào ngày 18/10/2012.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 131270)
Những khu vườn đẹp nhất thế giới rải rác khắp nơi, lộng lẫy và xanh tươi, vượt ngoài sức tưởng tượng của con người.
05 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 131202)
Hân hạnh giới thiệu đến quý vị và các bạn chương trình Nhạc chủ đề TIẾNG THU của Ngô Càn Chiếu
01 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 111440)
Sau gần ba tháng chuẩn bị, cuối cùng nhóm cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa chúng tôi đã có một món quà dễ thương tặng thầy cô giáo cũ của mình: Một đêm hội ngộ Thầy trò ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, sau khoảng thời gian xa cách gần năm mươi năm.
24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 153292)
Tôi lần lượt đọc lại từng lá thư theo thứ tự thời gian Đông đã gửi dù đã đọc đi đọc lại nhiều lần và lại đắm chìm trong những suy nghĩ miên man