Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Việt Nguyên - ĐỌC: ''Ngôi Nhà Ngói Đỏ'' NGUYỄN XUÂN HOÀNG VÀ TÔI

13 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 52932)
Việt Nguyên - ĐỌC: ''Ngôi Nhà Ngói Đỏ'' NGUYỄN XUÂN HOÀNG VÀ TÔI


TÙY BÚT

 

Đọc: “Ngôi nhà ngói đỏ”

 

Nguyễn-Xuân Hoàng và tôi

 

nxh_-_vn_ban_be-large

Lá thư của Phan Huy Đạt đến với tôi đêm Houston vào thu trời trở lạnh, đêm tôi sửa soạn qua vùng vịnh San Francisco thăm bạn bè và nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng. Lá thư đến vào thu như lá thư của Đoàn Chuẩn, Từ Linh “nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương”….không phải lá thư tình nhưng là lá thư đầy tình bạn của 35 năm báo Người Việt. Đọc tờ thư, mặc dù là thư đánh máy, nhưng lá thư cầm đọc vẫn cảm thấy gần gũi hơn là đọc lá thư điện tử trên máy điện toán lạnh lẽo. Lá thư đã nhắc tôi về những ngày làm báo, với tờ Văn Nghệ và Ngày Nay ở Houston, nhớ đến những người bạn đã qua đời như Trọng Kim và những người bạn đã đến Houston, một Houston trong bài tùy bút tôi viết ngày nào khi Nguyễn-Xuân Hoàng, Du Tử Lê đến rồi đi, ngồi lại với Trọng Kim trong một “Houston rộng, Houston không đẹp, Houston trải dài nên người Houston hiếu khách, khách đi rồi khách đến và lòng người thì để lại.”

Một ngày ở Houston, tôi ngồi với Nguyễn-Xuân Hoàng tại quán café Salento, nơi chúng tôi bốn người Trọng Kim, Nguyễn-Xuân Hoàng, Du Tử Lê và Việt Nguyên thường ngồi bên ly café, nhìn cuộc đời đi qua và nói nhiều chuyện về cuộc đời. Trong bốn người chỉ có Nguyễn-Xuân Hoàng là dân Pétrus Ký gốc Nam, còn lại ba chúng tôi là dân Chu Văn An gốc Bắc. Bốn người bốn vẻ, Trọng Kim làm báo, Nguyễn-Xuân Hoàng viết văn, Du Tử Lê làm thơ, Việt Nguyên viết thời sự, viết tùy bút. Tôi hợp với Trọng Kim về mục báo chí, cùng làm tờ Văn Nghệ với Du Tử Lê, mê triết như nhà giáo triết Pétrus Ký Nguyễn-Xuân Hoàng. Anh Nguyễn-Xuân Hoàng đã đồng ý với tôi, tác phẩm ưng ý nhất của anh là tập “Ngôi nhà ngói đỏ”. Và vào những ngày giữa tháng 11 tôi qua San José, tập “Ngôi nhà ngói đỏ” đã theo tôi.

Houston, 30 năm ở trong cùng một căn nhà không đổi cho tôi cảm tưởng thời gian dường như dừng lại, với những kỷ niệm đến như ngày hôm qua. Phòng khách với những tiếng cười nói ồn ào của những người bạn từ xa đến qua đêm. Phòng sinh hoạt trên lầu rộn ràng tiếng trẻ vào những ngày lễ. Buổi sáng với mùi café đánh thức, với ống pipe trên môi, mùi thuốc thơm và cảm giác ấm áp của cối thuốc với tờ báo trong tay bắt đầu một ngày, điểm qua tin tức, đọc hết tờ Ngày Nay mỗi hai tuần từ tay Trọng Kim đến tập Văn gửi qua bưu điện chính từ tay Mai Thảo, một Mai Thảo “Để tưởng nhớ mùi hương” cao ngạo đi đứng lừng lững cô đơn trong đám đông, một tờ Văn Nghệ hàng tháng với Du Tử Lê. Với tôi, những kỷ niệm thời làm báo là những ngày đến đường Bell, nhà in Thế Giới trụ sở báo Văn Nghệ với nhà thơ Du Tử Lê ngồi cặm cụi đánh máy, là những ngày ghé đến toà soạn Ngày Nay đường Montrose, mỗi hai tuần tờ báo ra đều đặn không trễ nải, anh em giữ một trò chơi có kỷ luật như thuở đi hướng đạo với nhau vào những ngày ở Sàigòn bao năm cũ. Và ở đó, trên tờ Văn và Ngày Nay, tôi quen Nguyễn-Xuân Hoàng, như một người bạn và là một người anh, một người anh trên tuổi đời và một người anh trong giới văn nghệ. Chúng tôi cách nhau hai thế hệ nhưng có cùng những sở thích và cùng những kỷ niệm của một Sàigòn xưa và của một Việt Nam trong tâm cảm. Tòa soạn trong tâm tưởng của Nguyễn-Xuân Hoàng là tòa soạn Văn 38 đường Phạm Ngũ Lão. Qua đến Mỹ, làm việc ở tòa soạn báo Người Việt trên đường Moran, Sàigòn nhỏ, quận Cam, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn mang theo “tòa soạn Văn 38 Phạm Ngũ Lão, Mai Thảo lừng lững đi ra đi vào tòa soạn, dáng cao ngạo cô đơn và vẻ lạnh lùng cố hữu với những người bạn Nguyễn Đình Vượng, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh… gặp nhau ở café Quán Chùa”.

Houston trong 30 năm của tôi là một Houston với những trận mưa đến rồi đi, những trận mưa trút nước, sấm chớp như chẻ đôi trời đất, những trận mưa đã làm mất đi cái vẻ nắng Sàigòn “trời chợt mưa chợt nắng” của Nguyên Sa chúng tôi. Một Houston với những cơn mưa lớn làm tôi nhớ đến Sàigòn những năm đầu về Houston, bỏ làm việc trong bệnh viện để ra ngồi dưới hiên ngắm mưa với ly café trong tay. Những cơn mưa Sàigòn, tôi tìm lại được trong những giòng, những chữ của tập “Ngôi nhà ngói đỏ” và tâm tưởng của hai anh em về những cơn mưa, cái nắng Sàigòn là những chia xẻ của hai anh em một chiều ngồi ở quán café Salento khu West University khi Nguyễn-Xuân Hoàng đến chia tay Trọng Kim lần cuối cùng “Nắng Cali cũng là cái nắng Sàigòn cháy da cháy thịt. Nắng tan hoang trong tiềm thức tôi”. “Cali một chút mưa cũng mưa Phạm Ngũ Lão, một chút nắng cũng nắng Hai Bà Trưng, có gì đâu cũng chỉ là kỷ niệm Sàigòn của ta bên kia bờ đại dương ngàn dặm”.

Khác với Mai Thảo, Nguyễn-Xuân Hoàng không uống rượu. Con người giữ đốm lửa Văn sau khi Mai Thảo (như một ông anh lớn khó tính được nuông chiều của anh em chúng tôi) qua đời, đã khác một Mai Thảo ngất ngưởng tìm người đối ẩm. Nguyễn-Xuân Hoàng chia với tôi cái thú ngồi quán café và cùng yêu thơ Jacques Prévert. Nguyễn-Xuân Hoàng làm thơ về những ngày thơ ấu ở Nha Trang với “Ngôi nhà ngói đỏ hình dấu mũ”. Tôi làm những bài thơ rồi dấu kín đi, thơ không đưa ra cho mọi người thưởng thức vì tôi làm thơ dở và cũng hơi giống nhà báo John Steinbeck làm thơ xong cất đi hoặc đốt đi vì thơ là niềm riêng tư. Nhưng nhìn trời mưa ở Houston vào những ngày lạnh thu đến, tôi ngắm mưa rơi và muốn đút tay trong túi quần đi giữa trời mưa như anh chàng Gil trong phim “Midnight in Paris” của Woody Allen. Hình ảnh ấy tôi tìm thấy trong Barbara của tập “Ngôi nhà ngói đỏ” với bốn câu thơ của Jacques Prévert khi trời mưa không ngừng ở vùng Brest mãi bên kia trời tây với nàng Barbara cười đi dưới cơn mưa:

Il pleuvait sans cesse sur Brest ce jour – là

Et tu marchais souriante

Epanouie ravie ruisselante

Sous la pluie…

(Jacques Prévert)

Và những giòng của bạn tôi:

“Khi chiếc xe màu xanh vừa phóng qua mặt đường làm bắn tung nước lên áo anh cùng với tiếng cười nhọn và khô, anh chợt có cảm tưởng hạnh phúc của chính mình cũng bị ướt ngoi như một người đi dưới cơn mưa tầm tã”, và “khi chiếc xe màu xanh đi ngang qua vũng nước, bắn ướt áo anh, cả mặt mũi anh, anh chợt hiểu rằng tình yêu chúng ta chẳng qua cũng chỉ là một sự tình cờ”.

San José, những ngày tôi đến, trời trở lạnh với những cơn mưa nhỏ, những giọt mưa thấm da vừa đủ lạnh không như những giọt mưa và vũng nước bắn ướt cả người và ướt thấm vào lòng con người Nguyễn-Xuân Hoàng, một người cả đời sống với cục phấn trắng trong lớp học dạy triết đệ nhất Pétrus Ký, một người sống cả đời bằng ngòi bút, viết những câu văn để nói lên nỗi lòng của mình và của người. Nhà văn với tấm lòng để lại quê nhà với những lá thơ viết cho nàng Barbara từ năm 1973 đến năm 1986, những bức thư tình đẫm lệ, ướt át hơn những lá thư cho Phượng của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong “Đời Phi Công”. Những bức thư của Barbara là những tâm tình của Nguyễn-Xuân Hoàng, của những chàng trai Việt trong thời chiến tranh, trong những ngày chiến tranh sắp tàn, những ngày mất nước và những ngày sau 1975, người ra đi và trái tim vẫn để lại ở Việt Nam, ở quê nhà, những mối tình dang dở, những gia đình tan nát và quê hương rách nát. Barbara vừa là mối tình, người yêu của nhà văn vừa là quê hương và những nỗi ngậm ngùi khi Nguyễn-Xuân Hoàng còn rất trẻ ở lứa tuổi 30, lứa tuổi của tình yêu và chiến tranh, tiền bạc và danh vọng không làm thay đổi lý tưởng, lứa tuổi của những người ra đi ở trên quê người vật chất đầy đủ mà lúc nào cũng có cảm tưởng lưu vong như “một Boris Pastenak với Zhivago và Lara trong ngôi nhà vắng vẻ giữa đồng không mông quạnh vùng Varykino nào đó trên đất Nga”. (Zhivago trong tập “Ngôi nhà ngói đỏ”).

Tôi đến San José, ở nhà anh chị Đôn, căn nhà nằm trên con dốc, đằng sau là cánh rừng, bên nhà là một hồ nước cạn. Trời mùa thu cây đổi màu, những cây phong lá đỏ với những tiếng lá vàng rơi trên những tấm thảm cỏ bắt đầu úa vàng và những con sóc nhảy trên cây. Tôi đi trong khu rừng thiếu những con nai vàng đạp trên lá chỉ nghe những bước chân của chính mình xào xạc. Tôi nhìn xuống chân ngọn đồi và hồ nước cạn để nhớ đến một Mai Thảo với “Đêm giã từ Hà Nội”, một Hà Nội trước khi Mai Thảo vào Nam. Năm 1954, một Hà Nội chia ly 21 năm trước ngày Sàigòn Vĩnh Biệt. Bài viết của Mai Thảo được Trọng Kim cho đăng lại trên Ngày Nay để tưởng niệm 10 năm Mai Thảo từ giã bạn bè. Bài viết đăng lại sau hơn 50 năm vẫn thấy thấm thía. Một Mai Thảo có cái nhìn xa không phải một Mai Thảo đồi trụy như chế độ thường tuyên truyền. Hà Nội của Mai Thảo giống như vực thẳm với cánh rừng và hồ nước cạn của ngôi nhà tôi đang nhìn từ phòng khách. Nhân vật chính có tên Phượng, nhưng Phượng của Mai Thảo là tên một chàng trai, không phải là Phượng trong truyện “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene hay Phượng trong “Đời phi công” của Toàn Phong. Tôi không hiểu tại sao Mai Thảo lại chọn Phượng, một cái tên màu phượng đỏ đẹp thắm của mùa hè, để đặt vào truyện ngắn của ông trong một ngày Hà Nội sắp chia tay với những niềm đau ngậm ngùi: “Phượng nhìn xuống vực thẳm, Hà Nội ở dưới ấy. Hà Nội của 1954. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này lề đường Phượng đã cảm thấy đứng bên bờ vĩ tuyến nhìn về vĩ tuyến bên kia. Niềm đau Hà Nội, nhịp thở Hà Nội. Cửa ô Yên Phụ, Kim Liên. Ngọn sóng của dòng sông cũ nổi dậy… Hà Nội của Phượng đã hết nắng. Hà Nội đã thiếu không khí, thiếu hơi thở…

Năm cửa ô xưa, ba mươi sáu phố phường đi vào những tầng lớp của ký ức Mai Thảo. Một Mai Thảo ở Cali hay một Mai Thảo đến Houston thì cái nét Hà Nội, cái không khí Hà Nội, cái hơi thở Hà Nội vẫn theo ông khác hẳn tôi đi đâu cũng nhớ về Sàigòn nơi đó có ngôi nhà cũ trong xóm, có gia đình, có anh em, có mẹ già chờ trước cửa, có một người cha nghiêm khắc, có một tuổi thơ nghịch ngợm, có những ngôi trường và những con đường để nhớ.

Nguyễn-Xuân Hoàng hơn chúng tôi, ký ức của Nguyễn-Xuân Hoàng đi theo Nguyễn-Xuân Hoàng “đi trên đường đời, đôi khi nhặt được những chiếc lá vàng kỷ niệm” những chiếc lá vàng ấy ở cùng khắp trong “một mùa xuân đã qua từ lâu, mùa hè mùa thu cũng đang nói lời từ biệt”.

Kỷ niệm ở Nha Trang nơi sinh ra, nơi hang động của tuổi thơ. Nha Trang hang động tuổi thơ của Nguyễn-Xuân Hoàng “nơi có ngôi nhà ngói đỏ, có những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ tôi. Có cha già với cặp mắt nghiêm khắc hay uống rượu”. Nha Trang hang động quê hương của biển, cát và gió, thành phố của những mối tình mùa hè”. Thành phố với những mối tình ấy đã che đi “những giọt nước mắt của đời nghèo khó” của tuổi thơ Nguyễn-Xuân Hoàng. Những ngày tôi đến San José, thành phố có những con dốc với trời lạnh buốt, đi trên những con dốc nhìn về phía những con đồi bên kia khiến tôi nhớ về Đà Lạt, một thành phố với những con đồi, với dãy núi ở xa và những con đường dốc. Ký ức về Đà Lạt thời trẻ của tôi không giàu có nhiều như ký ức của Nguyễn-Xuân Hoàng. Nếu Nha Trang là hang động của tuổi thơ, nếu Huế là thành phố của tuổi 16 gắn chặt vào Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử thì Đà Lạt với chiếc blouson noir, tay thọc trong túi áo, là Đà Lạt không phải chỉ của Nguyễn-Xuân Hoàng mà là Đà Lạt của bao thế hệ. Đà Lạt trong những lá thư tình đẫm nước mắt của một Barbara ngày nàng bỏ ra đi: “Đà Lạt với quán nước Hoàng Gia trên đường Tự Do. Đà Lạt với con đường Hoa Hồng, con dốc lên nhà bưu điện, con suối cạn chạy dưới chân cầu đưa ta trở lại Hoà Bình, con đường đất dẫn ta quanh hồ Xuân Hương và cái quán nước quen thuộc nhô ra mặt hồ đến ngồi uống café nhìn ra những đèn vàng”. Ở đó, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn mơ “ngôi nhà ngói đỏ hình dấu mũ, ngôi nhà của cha anh ở Nha Trang” nhưng “sẽ xếp lại vĩnh viễn ngôi nhà ngói đỏ hình dấu mũ xây trên một ngọn đồi mượt cỏ” ở Đà Lạt.

Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng. Con người văn chương ấy át hẳn con người khô khan triết học của ông thầy giáo triết Nguyễn-Xuân Hoàng. Cách đây bốn năm, ở quán café Starbucks ở San José, gần tòa soạn San José Mercury nơi anh phụ trách tờ Việt Mercury, anh và tôi ngồi nói chuyện đời. Hai anh em có nhiều chuyện để nói sau khi một người bạn thân, anh Trọng Kim Trương Trọng Trác mất đầu năm 2009. Chúng tôi đã nói như những người bạn thân như trong lá thư email của anh gửi cho tôi sau khi từ nhà tôi về và sau bài tùy bút “Tản mạn đầu năm về cuộc đời” trong đó tôi có nhắc đến nhiều người bạn già, những người bạn ấy già hơn là khoảng cách tuổi tác giữa anh và tôi, nhưng vì cái duyên trở thành những người bạn: “Từ nay anh xin được thay anh Trác làm người anh và được em xem anh như một người bạn già”. Chúng tôi đã tán gẫu về cuộc đời, về những triết Tây xưa và nay. Tôi thích Bertrand Russell và Albert Camus, tôi ghét những bài luận lý, đạo đức của lớp đệ nhất trong trường những năm ngồi mài đũng quần và tôi đã bắt gặp một Nguyễn-Xuân Hoàng chia xẻ với tôi với những giòng trong tập “Ngôi nhà ngói đỏ”. Anh không thích triết của Platon, của Aristotle, của Descartes, Kent, Hegel, Heidegger, và ngay cả đến Nietzche. Những bài học khô khan, những bài giảng trong lớp với cục phấn trắng trên tấm bảng đen của nhà giáo Nguyễn-Xuân Hoàng năm này qua năm khác với “Je pense donc je suis” / “Tôi suy nghĩ nghĩa là tôi hiện hữu” khô khan của Descartes không thể so sánh với những lời văn mượt mà đầy tính triết học của André Gide trong “Khúc nhạc đồng quê” hay những giòng văn của Albert Camus từ “Kẻ xa lạ” cho đến “Buồn nôn của Jean-Paul Sartre” và những tác phẩm đồ sộ của Fyodor Dostoevsky như “Anh em nhà Karamazov” dưới hình thức truyện dài hơn hẳn những cuốn sách triết dày cộm trong chương trình sách giáo khoa.

Mỗi đầu năm tôi có thói quen đọc sách, thói quen của những cụ đồ, như cụ đồ Nhật Yoshida Kenko thế kỷ thứ 14: “Đọc sách dưới ánh đèn, những trang sách trải dài trước mắt lý thú như ta đang được đàm đạo với người xưa”. Những năm xưa dưới đèn có những cuốn sách của Nguyễn-Xuân Hoàng nhưng những năm sau này những cuốn sách ấy vắng dần, sau Người Việt đến Việt Mercury rồi đến Việt Tribune, nợ cơm áo lấn dần nghệ thuật viết văn, người làm báo vẫn thích hợp với bạn tôi, Nguyễn-Xuân Hoàng với “Việt Nam vẫn trong tâm tưởng tôi. Mọi biến chuyển nhỏ cũng đập vào trái tim tôi” theo nghiệp báo chí đã lấn đi một Nguyễn-Xuân Hoàng viết văn như Mai Thảo với giọng văn miền Nam.

Giữa tháng 11, tôi đến thăm anh tôi ở căn nhà đường Edsel thị trấn Milpitas, căn nhà nhỏ “thiếu ngói đỏ”. Anh mang bệnh nặng. Triết gia chấp nhận định mệnh chờ đợi không che dấu, bạn bè rủ nhau đến thăm và triết gia bình thản như những giòng chữ trong “Ngôi nhà ngói đỏ”:

Còn anh, cái chết đang được nhìn thấy như một tia chớp trước khi cả bầu trời tối sầm lại. Anh chờ đợi thần chết và chờ đợi lưỡi hái của nó. Ôi ghê gớm biết là chừng nào giữa cái sống và cái chết, giữa cái ánh sáng mong manh sắp tắt và cái bóng tối rộng lớn như thiên la địa võng chụp phủ xuống anh trong giây phút định mệnh kia”.

Tôi nhìn anh, tóc đã bạc phơ, những sợi tóc bạc trắng “cứ mỗi ngày thời gian gắn lên đầu những sợi trắng và nhổ khỏi ký ức của những tế bào của chất keo hiện tại”. Anh chống gậy, người yếu bắt đầu hằn xuống với gánh nặng của ký ức và của bệnh. Anh cúi xuống lấy cho tôi tờ báo Việt Tribune có bài viết của Việt Nguyên, quên cây gậy và quên cả đau lưng. Tờ báo là một gánh nặng chữ nghĩa nhưng Việt Tribune không nặng bằng tờ Văn, di sản của Mai Thảo để lại. Một tờ Văn đã là sân chơi cho nhiều nhà văn, thân hữu, những cây viết thế hệ của anh mà mỗi lần cầm trên tay tờ báo được gởi đến tôi thấy cả những tình bạn của Nguyễn Tường Thiết, Võ Phiến, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Qúy Toàn, Đinh Cường.v.v…

Tôi chỉ có ít thì giờ thăm anh, anh cần nằm nghỉ, những điều gì muốn nói chúng tôi đã nói trong nhiều năm, qua điện thoại, qua điện thư, qua bài viết. Cái thân thể của anh, thân thể ốm yếu còn chở một linh hồn trước khi linh hồn đi về một hành trình vô định để lại một cơ thể trống rỗng, là bóng dáng thân thuộc đi theo tôi về Houston của những ngày tháng cũ.

Năm 2008, tháng Bảy, ngày ra mắt sách của tôi ở Houston, trong bốn ngòi viết đề tựa cho “Từ Bàn Viết Houston”, Trọng Kim, Du Tử Lê, Nguyễn-Xuân Hoàng và Ngô Nhân Dụng, chỉ có ông Ngô Nhân Dụng vắng mặt, nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng đã nói “làm nhà văn thì phải viết truyện ngắn, hy vọng rằng trong một ngày rất gần sẽ có truyện ngắn của Việt Nguyên”. Tôi đâu muốn được gọi là nhà văn, hai chữ nhà văn do Du Tử Lê đặt cho tôi. Nhà văn phải viết những truyện tưởng tượng, những câu truyện tình éo le, day dứt, dang dở, mà tôi thì thấy bên trong cuộc đời thật trước mặt đầy là những truyện dài và truyện ngắn đầy nước mắt không cần phải tưởng tượng vẩn vơ.

Như vậy thì cái nợ của tôi đối với nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng, một người anh và một người bạn vong niên, chắc là không trả được. Mà anh Hoàng ơi, trong đời này chúng ta có rất nhiều món nợ không thể trả, phải không anh?

Việt Nguyên

23/11/13

09 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 55624)
Mình chia tay nhau chắc lần sau cùng Đã biết được gió đi không trở lại Cớ sao đêm đêm nhớ em anh vẫn thấy Em trở về trong mây xám mùa Đông!
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 54766)
Nhân dịp nghi lễ Tạ Ơn, BCH Hội AHNgô Quyền và BCH Hội AHBiên Hòa, California đã nhận lời mời của anh Nguyễn Quý Đoàn khoá 6 Ngô Quyền tham dự tiệc thân mật với gia đình ngày chủ nhựt 28 tháng 11 năm 2010.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105707)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 126147)
Luân thường gìn giữ cho nhau Xem như mình lại lỡ tàu nửa đêm Vẫn là anh... vẫn là em... Hãy đem dĩ vãng êm đềm chôn sâu.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125891)
Sao phương nào tụ lại Theo gió ngàn lung lay Ngọn đông phong tê tái Chiếc lá cuối cùng bay.
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125169)
Tuyết trắng bay bay lạnh buốt đời Nhớ người năm cũ lệ buồn rơi Tình thư còn đó người đâu nửa Người biết hay chăng đã một thời...
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 112545)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62899)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
29 Tháng Mười Một 2010(Xem: 43629)
Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 121681)
Lễ Tạ Ơn, chính mùa đoàn tụ Con cháu khắp nơi dắt díu về Quây quần ấm cúng bên cha mẹ Kể chuyện tâm tình cho thỏa thuê…
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 47803)
Mỗi khi chán đời, chờ hoài không thấy cơn buồn tan biến, nhìn mặt mình trong gương ủ rũ, thảm thương hơn chiếc lá nằm lay lắt bên bờ cỏ, chờ gió chiều thổi xuống dòng đường lắm xe, tôi thường ghé nghĩa địa tìm người chết.
27 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124671)
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương Ngày xanh tươi trẻ đến trường Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 125087)
Đi phương nào thì đường xưa vẫn nhớ Dốc Ngô Quyền ký ức nhớ đầy tim Không bạc lòng áo trắng hiền muôn thuở Nắng gió Biên Hòa vẫn còn đó thương yêu.
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 122974)
Thầy đứng lại để con bước tới Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ Ấm lòng con tình thầy vời vợi Tuổi học trò chẳng chút ưu tư .
12 Tháng Mười Một 2010(Xem: 120256)
Có phải xa mười năm mà anh nhớ Sàigon Hay nhìn một chút nắng lên mà thương về bên ấy?
05 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124949)
Bây giờ mây đang bay vào cô tịch Vẫn nhớ nao lòng sông lạnh chiều xa Ở đó có hàng sa kê thật tuyệt Và một người đàn mãi khúc tình ca.
04 Tháng Mười Một 2010(Xem: 64429)
Ly cà phê buổi sáng Nhìn đời trôi theo ngày cùng tháng Bao tiếc nuối cũng đành Còn bên ta ngàn nỗi muộn màng
02 Tháng Mười Một 2010(Xem: 135176)
Mẹ đã thay cha buổi sớm chiều Dạy con cao cả một chữ YÊU Dạy con hiếu đạo tròn ân nghĩa Cơm cha, áo Mẹ buổi kinh chiều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 48847)
Thầy Cô ơi! Bạn ơi! Giờ ở nơi đâu Có lượm được chút nào công thức Toán? Đời không cộng thêm vui, đời trừ đi hy vọng Hạnh phúc chẳng nhân lên, buồn khổ lại chia đều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 117119)
Huỳnh văn Huê vào đệ thất Ngô Quyền năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa…
31 Tháng Mười 2010(Xem: 118703)
Vết thương nào rướm máu Vết cắn nào in sâu Cho muôn đời muôn kiếp Ta vẫn là của nhau
30 Tháng Mười 2010(Xem: 116184)
Hoa hướng dương cần nắng Để đong đưa sắc vàng Xòe hết cánh xinh tươi Mặt tròn xoe duyên dáng.
29 Tháng Mười 2010(Xem: 124486)
Thu đến rồi tàn, thu lại sang Ngoài kia sắc lá đỏ, cam, vàng Gió thu vi vút se se lạnh Muôn thuở tình thu, nhớ mênh mang...
27 Tháng Mười 2010(Xem: 281510)
... để thấy mùa Thu năm nay khởi sắc, lãng mạn và nồng ấm hơn bao giờ hết với đất trời vàng ươm màu áo mới và lòng người như vương vấn chút heo may... Xin bấm vào tựa bài muốn đọc:
23 Tháng Mười 2010(Xem: 112446)
Phải chi từ biệt là quên hết Không còn ray rứt phút thương đau Phải chi chia cắt mà tình chết Mình chẳng nhớ nhau đến bạc đầu.
23 Tháng Mười 2010(Xem: 57911)
Sao rơi hay đom đóm? Chớp tắt suốt đường quê Bìm bịp kêu thắc thỏm Đêm bỗng dài lê thê. Đom đóm hay sao rơi? Chập chờn theo cánh gió Hương hoa khế bồi hồi