Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nghiêm Thái Bình - TỈNH LẠI... CU BƯỞI ƠI!

07 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 46463)
Nghiêm Thái Bình - TỈNH LẠI... CU BƯỞI ƠI!


TỈNH LẠI... CU BƯỞI ƠI!


tinh_lai-large-content

 

 Bạn tôi có tên họ trong khai sinh cũng hay hay, cũng trầm cũng bổng, cũng có trắc có bằng đầy đủ, âm điệu lên lên xuống xuống hẳn hòi, mà sao mỗi lần nói chuyện riêng với bạn, tôi quên bẵng cái tên này, vẫn thường gọi bạn bằng Cu Bưởi. Tôi quen miệng đã lâu, bạn tôi có trách cũng khó sửa ngay được, ngược lại, Cu Bưởi còn có vẻ ưa ưa điều này, tôi thấy ngồ ngộ, hỏi ý, anh ta bảo chỉ thích riêng tôi gọi như thế! Cu Bưởi cảm thấy ấm áp, thân mật lạ lùng. Có lẽ chính nhờ cái tình thời bé tí, nhà chúng tôi nằm trên hai con đường kế cạnh nhau. Bắt đầu biết đi, biết chạy, biết đi chơi một mình, buổi chiều nào hầu như hai đứa đều có mặt ở sân banh để nhảy nhót, vui đùa cùng nhiều đứa trẻ trang lứa khác. Thảm cỏ xanh này nằm lọt thỏm giữa hai con đường chúng tôi ở, đong đầy cùng tôi một Trời kỷ niệm. Tôi quen bạn từ lúc đó, nghe bạn xóm ỉ oi gọi Cu Bưởi, thì tôi cũng... Cu Bưởi theo. Tên nghe hơi kỳ kỳ, tôi cứ mãi gọi mà chưa khi nào có ý thắc mắc? (sau này, thì ra nhà bạn tôi làm nghề "vựa bưởi" ngoài chợ, đã mấy đời). Đến tuổi đi học, tôi và Cu Bưởi cùng chung lớp ba năm liền ở trường sơ cấp Nguyễn khắc Hiếu, sáng gặp trong trường, trong lớp, chiều lại gặp nhau ở sân banh. Cái điệp khúc này chỉ bị ngắt khoảng một phần là lúc thời gian chúng tôi chuyển lên trường Nguyễn Du học tiếp bậc tiểu học, vị chi cũng mất vài năm hai đứa phải học khác lớp nhau. Duyên phận lại đưa lại đẩy khi cả hai đậu vào trường trung học Ngô-Quyền. Tôi và Cu Bưởi một lần nữa lại ngồi chung lớp. Lần này thì lâu hơn, kéo dài đến bảy năm Trời. Tình bạn học thời gian này thấm đậm, nẩy nở thêm và có vô số chuyện để kể, để nhắc hơn thuở xa xưa rất nhiều.

 Năm thất, lục, trong lớp, tôi và Cu Bưởi ngồi cách xa vài bàn, hai đứa chỉ cảm thấy thân thân là lúc thỉnh thoảng rủ nhau tan học về cuốc bộ tán gẫu, cà kê dê ngỗng suốt đoạn đường về hướng chợ Biên-Hòa. Cu Bưởi ít nói, chỉ thích nghe tôi "ba đía" mà thôi! Nghe lọt tai điều chi vừa ý, Cu Bưởi cười khoái trá thật to, lộ hàm răng trăng trắng, thấp thoáng một chiếc hơi hơi khênh khểnh, nhìn anh ta cười ai ai cũng phải chú ý đến cái nốt ruồi đậm đặc nằm chếch trên khóe môi phải. Theo sách xem tướng, người có nốt ruồi 'tọa lạc" như vậy, tánh tình họ thế nào tôi không biết? Chứ Cu Bưởi nhà ta kỹ tính lắm, dè dặt từng lời nói, ít bộc lộ tình cảm, trái ngược hẳn tánh tôi, gan ruột lòi hết cả ra ngoài.

 Bước qua năm đệ ngũ, thầy hướng dẫn lớp chúng tôi, đầu niên học sắp đặt chỗ ngồi cho học trò, ưu tiên số một là theo "yêu cầu", miễn là hai người xin xỏ có chiều cao tầm tầm ngang nhau. Tôi và Cu Bưởi cũng đều xấp xỉ cái mức 1m60, nên chúng tôi được Thầy đồng ý ngay. Thế là chúng tôi toại nguyện niềm mơ ước "sát cánh cùng nhau", bàn ngồi thuộc dãy ba bên phải lớp, tôi phía ngoài cùng, sát kề cửa sổ nhìn ra sân cột cờ, đến Cu Bưởi rồi còn hai bạn nữa.

 Niên học đó tôi đã để ý ngay từ đầu năm học, Cu Bưởi khác lạ, có vẻ yêu đời và nói cười nhiều hơn, anh ta hay làm dáng vuốt vuốt mái tóc thường xuyên, lại có lúc, cứ đợi chuông reo báo hiệu giờ ra chơi là vội lấy chiếc khăn mui-xoa để sẵn trong túi, cột chặt ngang thái dương lại. Thấy lạ, tôi hỏi để làm gì? Cu Bưởi nói trống không: "Tóc chia chỉa, cột cho ép lại". Tôi vô tư chỉ nghĩ điều đơn giản nhất: mình thua Cu Bưởi một tuổi, năm sau mới đến phiên mình "thập lục", ông bà nói giai đoạn dậy thì của con trai bắt đầu từ tuổi này, tôi tự nhủ mai mốt tới lượt mình, quyết không đỏm dáng như anh chàng Cu Bưởi xí xọn, yếu đuối kia. Tôi chỉ mơ hồ nghi nghi Cu Bưởi đã biết yêu và để ý nàng nào đó trong trường, nghi nhất là trong lớp đệ ngũ nữ nằm ở cuối dãy. Cũng bởi, bao nhiêu tuần liền, cứ đúng sáng thứ ba, lớp nữ này có giờ tập thể dục ở sân cột cờ là Cu Bưởi nói tôi vô ngồi phía trong, đổi chỗ cho anh ta. Thầy cô giảng bài, Cu Bưởi vừa ghi vừa liếc mắt ra ngoài cửa sổ liên tục, hình như muôn muốn tìm kiếm ai đó. Tôi theo dõi sát hơn, sao cũng chưa thấy Cu Bưởi bộc lộ thêm cử chỉ, hành động nào để củng cố niềm hồ nghi của mình. Tan học Cu Bưởi vẫn song hành với tôi, chiều đến hai đứa lại... sân banh.

 Thấm thoát gần giữa niên học, ngồi gần Cu Bưởi tôi khám phá thêm nhiều điều ở anh ta. Cu Bưởi khoe tôi quyển sổ tiết kiệm "con gà đẻ trứng vàng", rồi hay nói chuyện ấp ủ về tương lai đậm sắc xanh hồng. Nghe Cu Bưởi hoạch định, tôi thầm phục bạn mình sâu sắc, biết lo xa và đầu óc non nớt của tôi bị cuốn hút theo, cứ ngỡ giòng suối đời sẽ mãi mãi êm đềm chảy nhẹ như ru. Cu Bưởi nói với tôi mình ráng học, chứ thực ra tôi thấy Cu Bưởi hay lơ đãng, mất tập trung lúc thầy cô giảng bài hơn xưa. Cu Bưởi hay thụt ra thụt vào một gói gì đó lấy ra từ ngăn cặp, mở ra, dòm dòm ngó ngó rồi cất lại vào. Nhiều lần bắt gặp, nhưng biết tánh Cu Bưởi tôi nào dám hỏi, chỉ thỉnh thoảng bóng gió nhắc nhở lại quyết tâm của anh ta nói với tôi ngày nào: mình ráng học. Cu Bưởi nghe, có vẻ suy nghĩ và... lặng thinh. 

 Một lần Cu Bưởi đang lôi gói trăng trắng gì đó từ trong cặp, tôi nghĩ ngay, lại tính dòm dòm ngó ngó nữa chứ gì? Thầy dạy toán hình như nhìn thấy anh ta lui hui liền gọi lên bảng giải bài tập thầy vừa giảng. Cu Bưởi lính qua lính quýnh không kịp cất vào ngăn kéo cặp như mọi lần, để vội ở mé ngoài hộc bàn. Đợi Cu Bưởi quay qua hí hoáy viết trên bảng theo lệnh Thầy, tôi thò tay sang bốc gói trăng trắng ra xem và lật đật để lại chỗ cũ. Thì ra là chiếc khăn tay trắng mỏng, trong đó gói gọn lẫn lộn móng tay móng chân và một lọn tóc nhỏ. Cu Bưởi về lại chỗ ngồi, cũng may hai bài tập thầy cho, vớt vát giải được một bài nên thầy chỉ nhắc nhở anh ta sơ sơ.

 Trưa tan học, định chạy vù qua xe lam dành chỗ, Cu Bưởi rủ tôi đi bộ về. Hai đứa tà tà đến cuối dốc, đoạn Biên Hùng, Cu Bưởi kéo tôi qua và nói kiếm nước uống chơi, tôi ngạc nhiên cực độ bởi biết bao lần tôi rủ Cu Bưởi ghé quán ghé xá đều bị anh ta lắc đầu nguầy nguậy, nói kiểu như "Mình bây giờ có tiền ráng để dành, lát về nhà uống nước lọc cho nó đã", tôi định lập lại câu nói đó để trả thù, nhưng nể nể, nên thôi!

 Hai đứa tôi tắp vào xe sinh tố trước rạp hát, tìm bàn vắng ngồi xuống. Nước uống chưa kịp bưng ra, Cu Bưởi mở cặp lấy gói "trăng trắng" ban sáng, tôi hơi giật mình, chắc hắn biết rồi! rủi bắt thường mình làm rớt mấy cái móng tay móng chân thì chết cha! Kiếm đâu mà ra? Nhưng không! Cu Bưởi vẫn vui vui "Của bồ tao tặng đó!T ao biết sáng nay mày giở ra coi rồi!" Anh ta còn nói không giận gì tôi, chỉ bắt tôi cam đoan không nói với ai hết mà thôi! Mừng quá!T ôi giả lả quay sang hút một hơi sạch ly sinh tố mãng cầu. Cu Bưởi bắt đầu kể tôi nghe những lãng mạn đêm hè vừa qua bên giếng nước công cộng gần nhà, chàng và nàng lời qua tiếng lại cho vui rồi mến nhau lúc nào không biết, về nhà là nhung nhung nhớ nhớ từng câu nói từng cử chỉ của nàng. Ba tháng nghỉ hè, ba mùa trăng sáng là những kỷ niệm thú vị tuyệt vời khó quên của Cu Bưởi (ngày ấy trong xóm đèn đuốc ít ỏi, chỉ những đêm san sát ngày rằm người ta mới gánh nước vào buổi tối). Chàng đã gửi thư tỏ tình ngay mùa trăng sáng đầu tiên, nàng hồi âm đáp lại tấm chân tình. Cu Bưởi còn nói những lá thư cất dấu kỹ không dám để trong cặp, sợ bà má bắt gặp, chửi chết! Tôi đùa "Cho tao coi được không?" Cu Bưởi đáp "Không bao giờ!", rồi triết lý "Người mình yêu nhất là người ít kể trước mặt mọi người nhất". Bởi vậy anh ta còn nói, kể tôi nghe lần này là duy nhất và cuối cùng. Tình yêu của Cu Bưởi chắc chắn thánh thiện và cuồng si, tôi thầm nghĩ thế! bạn tôi mà, tôi rõ tâm tính của anh ta chứ! Một lát sau, Cu Bưởi mở rộng chiếc khăn tay trắng chỉ vào bên góc "Cái này mới ngon lành, chắc sáng mày chưa kịp thấy?".Tôi nhìn kỹ lại chiếc khăn. Ồ!Đẹp quá! Hình trái bưởi màu xanh, cuống bưởi được thay thế bằng một bông hồng đỏ chót, cắm thẳng đứng trông ngạo nghễ, kiêu sa, đài các, nằm choáng hẳn một góc khăn."Bồ tao thức đêm thêu đó!". Tôi chực nhớ lại Cu Bưởi lúc rảnh trong lớp thường hay hí hoáy vẽ đầy tập, cũng tô trái bưởi màu xanh, cũng bông hồng đỏ thắm. Bạn tôi có hoa tay, vẽ nhanh và đẹp. Lúc đó, tôi lại cứ nghĩ đơn giản nghề bưởi gia truyền, anh ta bị ám ảnh nên vẽ cho vui. Tôi chỉ vào hình thêu "Bưởi là tao biết mày rồi! Bông hồng? Bồ mày tên Hồng phải không?". Cu Bưởi đáp gọn lỏn "Không". Tôi tiếp"Vậy tên Bông?".Anh ta cười cười "Đồng nghĩa khác âm". Ngẫm nghĩ một hồi, tôi im lặng không hỏi thêm, nhưng trong thâm tâm đã... hiểu rồi! hiểu rồi! Cu Bưởi kêu tính tiền, hai chúng tôi đứng dậy ra về.

 Suốt dọc đường trở về nhà, hai đứa chúng tôi chỉ hỏi đáp bâng quơ những chuyện trên Trời dưới đất và tuyệt nhiên tôi không hỏi thêm câu nào về mối tình nghe rất du dương và lãng mạn này. Cầu mong bạn tôi hạnh phúc, tôi thương Cu Bưởi thật tình! Nhưng tận đáy lòng, tôi vẫn cảm thấy mơ mơ hồ hồ... một điều gì.

 Câu chuyện về những mối tình đầu nào khởi đầu mà chẳng hay, chẳng đẹp, chẳng tình tứ, chẳng lãng mạn, chẳng thơm tho. Còn đoạn giữa kể lể dài dòng lắm, cũng hẹn hò, cũng rong chơi, cũng thề thốt, cũng nũng nịu giận hờn, cũng làm lành... v.v... đại khái na ná như nhau. Ăn thua đoạn cuối cuộc tình, cái có hậu, cái tan vỡ, cái bi thảm, có cái cũng tan... nhưng lại không... vỡ, mà là biến hẳn khỏi cuộc đời người trong cuộc. Tình của Cu Bưởi lại khác, vẫn treo lưng lửng giữa chừng, kết thúc cũng được, gọi tồn tại cũng chẳng sai. Cái di chứng của mối tình đầu còn ảnh hưởng anh ta đến tận bây giờ.

 Tuần qua tôi lại ghé Cu Bưởi. Chị Hai ra mở cửa nói nhỏ nhỏ vừa đủ tôi nghe "Nó bây giờ như điên điên". Tôi bước vào, Cu Bưởi đang thả mình trên ghế dựa ngoài sân, hai tay choàng vắt vẻo trên đỉnh đầu, thấy tôi cũng không nhúc nhích. Tôi tự động nhắc ghế lại gần, "Sao khỏe không mày?" "Muốn chết mẹ cho rồi!". Tôi biết hỏi gì hơn, lặng thinh một hồi, điệp khúc tôi nghe mãi đến chán ngấy lại vang lên, nào là bây giờ không nhà không cửa phải kéo cả vợ chồng, con cái tá túc nhà chị Hai, nào con trai có vợ vẫn ham chơi quậy tới bến, nào là bạn bè đứa bét nhất cũng hơn anh ta...v.v... Biết tánh Cu Bưởi tôi không ngắt ngang, cũng không ý kiến. Nói một thôi một hồi cũng như mấy lần trước, anh ta cũng quay qua chì chiết bà vợ, không biết dạy con, không biết làm ăn, gây nợ gây nần phải bán nhà bán cửa v.v... Đúng y chang như tôi nghĩ, lại tới màn tiếc nuối mối tình đầu. Ngày đó không chịu học, để rớt tú tài hai, sanh ra mặc cảm, chứ không bây giờ đâu đến nỗi. Lần này hơi khác mấy lần trước, Cu Bưởi quên câu "... duy nhất và cuối cùng" nói với tôi năm nào, quên cả triết lý tình yêu của anh ta. Cu Bưởi buột miệng kể cho tôi nghe rất nhiều kỷ niệm với cô nàng "bông hồng đỏ thắm, ngạo nghễ, kiêu sa, đài các". Tôi nghe là nghe cho Cu Bưởi vui, chứ trong lòng không cảm nhận tí gì du dương thơ mộng cả! Đợi Cu Bưởi ngừng nói tôi chen vào "Thôi! bây giờ già rồi, biến đau thương thành cái gối nhung, kê mái đầu bạc cho êm êm mà thôi! Mày dằn vặt làm gì, không tốt cho sức khỏe". Chỉ vậy thôi Cu Bưởi hét lên toáng lên "Mày về đi! Để tao chết! Tao thề với mày tao không còn nhớ ai nữa, chỉ nhắc lại mày nghe thôi!". Tôi chưa biết xử lý tình huống này như thế nào? Chị Hai trong nhà chạy ra kéo tôi nói "Về đi, hôm nào nó ổn ổn, báo em lên chơi." Tôi dắt xe ra về, không giận, thấy thương thương Cu Bưởi quá chừng!

 Hai hôm sau, chị Hai gọi điện báo tôi "Tối qua nó thức vẽ tới khuya, nó nói em nhờ, sáng nay nó than nhức đầu, rồi nói năng lảm nhảm, nhà đưa nó lên bệnh viện tâm thần khám rồi, không biết có nhập viện không nữa?". Tôi vội phóng xe chạy lên, chị Hai vẫn ở nhà. Thấy tôi chị vào phòng lấy tờ giấy trắng cuộn lại ra cổng đưa "Nó nói xong rồi, gửi em dùm", tôi cầm lấy hỏi "Có ai ở bệnh viện với nó vậy chị?" "Vợ nó", "Em lên xem sao nha chị!". Chị Hai quay vào nhà, tôi mở tấm giấy trắng ra coi, lại hình bưởi, bông hồng, lại tô xanh tô đỏ, bông hồng vẫn ngạo nghễ kiêu sa, đài các, nhưng khác, lần này đâm xuyên ngang quả bưởi, ở đó rỉ ra vài giọt máu cũng màu đỏ thẫm.

 Tôi cuốn tròn bức vẽ lại, quay xe chạy về hướng bệnh viện tâm thần mà nước mắt tuôn rơi. Mày tỉnh lại Cu Bưởi ơi!

 

 Nghiêm thái Bình

 

28 Tháng Bảy 2009(Xem: 70937)
Còn nỗi nhớ nằm vắt ngang qua tim Không còn gì trên dòng sông xẻ nửa
27 Tháng Bảy 2009(Xem: 75751)
Con lớn lên đi về đâu muôn nẻo Vẫn nhớ quặn lòng tiếng mẹ thương yêu.
22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92029)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
20 Tháng Bảy 2009(Xem: 34583)
Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959 )
19 Tháng Bảy 2009(Xem: 65415)
Ngô Quyền về gặp nhau đây Hạ vàng lên kỷ niệm đầy trường xưa
18 Tháng Bảy 2009(Xem: 65324)
Con đường phố nhỏ dòng sông Biên Hòa tỉnh lẻ mãi trong tim mình
17 Tháng Bảy 2009(Xem: 75347)
Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa.
15 Tháng Bảy 2009(Xem: 70015)
Nắng rưng rưng trên cổ thành đại nội Hoài niệm về lối cũ đã rêu phong
15 Tháng Bảy 2009(Xem: 68841)
Ở một nơi xa nhớ quê nhà Cái nhớ trong lòng thật thiết tha
12 Tháng Bảy 2009(Xem: 162026)
Năm nay, tiệc mừng họp mặt Truyền Thống kỳ thứ 8 được tổ chức tại nhà hàng Seafood Kingdom: 9802 Katella Ave, Anaheim, CA trưa ngày chủ nhật 05 tháng 7, 2009.
04 Tháng Bảy 2009(Xem: 84382)
(Để tưởng nhớ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, nhân ngày giỗ th ứ 15 của anh / tháng Tám, 2008) Giờ đây, dưới những tàn cây, bóng mát trong nghĩa trang này, tôi đến thăm mộ anh, thắp nén hương lòng hoài niệm về một thời quá khứ buồn nhiều hơn vui giữa chúng tôi, dù không biết rằng những việc làm trước kia đối với anh là đúng hay sai, nhưng tôi cũng muốn nói với anh lời tạ lỗi.
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 64396)
Trầm Mặc Hoa Huyền tên thật Trần Bửu Hòa, sanh năm 1949 quê quán Nhơn Trạch, Biên Hòa, là Cựu học sinh Trung Học Long Thành và Trung Học Ngô Quyền (Trong Giai Phẩm Xuân Ngô Quyền năm Bính Ngọ 1965 có đăng bài kịch thơ “Quán Vắng Chiều Xuân” và “Sớ Táo Quân”).
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 68680)
Họp mặt năm nay không về được Nằm nhớ bạn bè như đã quên
02 Tháng Bảy 2009(Xem: 76123)
Với lòng biết ơn của Cựu HS Ngô Quyền với những “người lái đò” xưa đã đưa chúng em đến bến bờ thành công Kính tặng Thầy Nguyễn Phi Long, kính tưởng nhớ Thầy Phùng Thái Toàn
01 Tháng Bảy 2009(Xem: 68227)
Về ngang thành phố cũ Hương bưởi rộn ràng bay
30 Tháng Sáu 2009(Xem: 67197)
Về Cầu Mát nghe sóng tình than thở Dòng sông buồn còn in bóng đôi ta
28 Tháng Sáu 2009(Xem: 41901)
Ân sâu nghĩa nặng tình dài Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93363)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
23 Tháng Sáu 2009(Xem: 70402)
Các bạn ơi! Hơn bốn mươi năm gặp lại Biết bao nhiêu nước chảy qua cầu.
19 Tháng Sáu 2009(Xem: 70972)
Em, áo trắng bay bên hàng sao im bóng Ơi bông sao buồn như trốt xoáy hồn anh
15 Tháng Sáu 2009(Xem: 69052)
Mùa hè bên ấy có vui không? Ngày xưa em nhớ mãi trong lòng
12 Tháng Sáu 2009(Xem: 68811)
Khi anh đến không còn chi nghi ngại, Bởi thiên đàng, địa ngục… cũng gần nhau!
12 Tháng Sáu 2009(Xem: 70037)
Làm sao dám quay về - Dù rất nhớ Căn nhà xưa dàn hoa tím hiền hòa
12 Tháng Sáu 2009(Xem: 71601)
Sóng gió đệm đàn cho biển hát Khúc hạ ca ấm áp nắng vàng
11 Tháng Sáu 2009(Xem: 73102)
Con đường ấy em qua ngày hai bận Rất bình thường như sáng nắng chiều mưa
10 Tháng Sáu 2009(Xem: 146875)
Ngày họp mặt Truyền Thống Ngô Quyền năm nay đã được dời lại vào ngày lễ Labor Day 31 tháng 8 tại nhà hàng Hong Kong Seafood Buffet,
04 Tháng Sáu 2009(Xem: 71353)
Đi về phía anh là về phía biển Có thùy dương bãi cát sóng xô bờ
04 Tháng Sáu 2009(Xem: 70283)
Buồn vui là những đóm lửa. Những đóm lửa nhen nhóm hồn tôi. Tro tàn là những bài thơ này. Làm sao khơi dậy những đóm lửa rực rỡ bằng chút tro tàn đong đầy niềm đam mê, chung thủy của một thời đã xa xôi không thể tìm lại được.