Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - TRẬN CHIẾN KÝ ỨC (MEMORY BATTLEFIEL) - TRƯỜNG HỢP TRỊNH CÔNG SƠN

11 Tháng Bảy 202212:05 SA(Xem: 5767)
GS. Nguyễn Văn Lục - TRẬN CHIẾN KÝ ỨC (MEMORY BATTLEFIEL) - TRƯỜNG HỢP TRỊNH CÔNG SƠN



Trận chiến ký ức (Memory battlefield)
giữa bên mô-bên ni hay bên nớ, bên tê.
Trường hợp Trịnh Công Sơn


Nguyễn Văn Lục



Tính từ năm 1975, khi VNCH rơi vào tay cộng sản nay đã gần nửa thế kỷ. Những tác nhân gây ra cuộc chiến tương tàn ấy về cả hai phía nay đều không còn nữa.  Miền Nam với hai TT Ngô Đình Diệm-Nguyễn Văn Thiệu đã mồ yên mả đẹp. Các tướng lãnh, các nhà chính trị, những nhà văn, trí thức cả một thời coi như rụng hết.

Ông Hồ, Ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Đỗ Mười, ông Võ Nguyên Giáp nay chỉ còn có tên trên đường phố Hà Nội. Vấn đề còn lại duy nhất là đảng cộng sản vẫn còn tồn tại. Nó vẫn là nguồn cơn của mọi biến động chính trị nội bộ và sự phủ nhận của cộng đồng người Việt hải ngoại khó quên và tương lai thế nào chưa có một giải pháp nào rõ rệt cho.

Vấn đề của ngày hôm nay, chọn lựa cho chủ đề bài viết, theo tôi, là một chọn lựa hợp lý, nay không còn thứ chiến tranh của những kẻ đang còn sống. Cái còn lại duy nhất chỉ còn là một trận chiến ký ức giữa đôi bên.

Bài viết này tôi viết lại những gì tôi đã sống, đã trải nghiệm. Nó là một phần đời tôi cùng với nhiều người miền Nam khác cùng thế hệ- trong đó có nhạc sĩ họ Trịnh và “nữ hoàng chân đất Khánh Ly”. Và rất nhiều người khác. Và cứ như thế, chúng tôi cùng lớn lên từ những biến động lịch sử đất nước với tư cách người trong cuộc. Nhưng trong đó, đã có nhiều ngã rẽ chia lìa. Kẻ bên ni, kẻ bên nớ và cuối cùng có thể vì nhiều lý do đã bị bỏ qua, bỏ quên trong cái vườn quên lãng của Huế.

Ngày hôm nay, nếu còn điều chi để nói, cũng chỉ là trận chiến ký ức. Bởi vì nhiều người đã trở về với cát bụi. Riêng bản thân Trịnh Công Sơn: Cát bụi đã trở về với cát bụi. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Cũng xong một kiếp người.

Tôi chẳng quen biết và ân oán gì với TCS. Thời trẻ, tôi cũng thích nghe nhạc Trịnh cũng như nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến và nhiều nhạc sĩ khác. Nhưng nay xem ra nhạc Trịnh đang trở thành một hiện tượng “thời thượng”. Với nhiều sô trình diễn, ngoài Khánh Ly, còn nhiều ca sĩ khác cũng hát nhạc Trịnh. Thêm cô em gái út Trịnh Vĩnh Trinh lố lăng, ăn theo tên tuổi anh mình (theo tôi được biết, không có một sô nào được trình diễn chính thức trong cộng đồng hải ngoại). Điều ấy đặt ra những câu hỏi. Phải chăng nhạc Trịnh đã được Hà Nội bật đèn xanh, gián tiếp cổ vũ. Nó cũng giống như việc cổ vũ cho dịch vụ đá banh tạo ra một đám đông quá hăng say. Tôi tạm gọi đây là một: Liều thuốc ngủ qua đêm đối với người trong nước.

Tất cả những điều ấy buộc tôi phải suy nghĩ lại, tại sao TCS đã nổi đình đám sau khi đã chết.

Đã có nhiều người khác quý mến ông hoặc thù ghét ông đã không thể quên. Vì thế, khi viết lại, tôi chấp nhận những rủi ro, những ngộ nhận hoặc không đồng chính kiến, ngay cả sự khó chịu, bực bội của ai đó.

Và bản thân, mỗi khi cầm bút, thú thực tôi cũng không mong đợi được mọi người đồng ý.

Nhưng người đọc, thế hệ nối tiếp, nhất là người miền Bắc hoặc người Việt trong nước đã bị điều kiện hóa, họ cũng gặp rủi ro, vì họ gặp phải ý kiến trái chiều của tôi. Biết làm thế nào được.

Nhưng cứ giả dụ tôi viết đúng theo nhu cầu của người khác thì vị tất đã là điều hay. Bởi vì như thế, cái rủi ro là họ đang đọc chính mình, soi gương chỉ thấy chính mình trong gương.

Tôi muốn dựa vai Jacques Derrida vận dụng “Giải Cấu Trúc” để chiêm nghiệm cuộc Lưu đầy trên chính Quê Hương mình.

Tôi xác định tôi ở bên ni (Quốc gia) tìm hiểu về bên nớ (bên kia) và ngay cả bên tê (bên nào khác).

Và đối với tôi, viết là một hành trình trước hết là tìm điểm tựa như khởi điểm cho riêng mình- như một lẽ sống ở đời. Và trong tình huống nào cũng không chấp nhận thói quen có sẵn vốn là lối mòn suy nghĩ.

  • Trường hợp Bùi Giáng- Phạm Công Thiện- Trịnh Công Sơn


Tôi gom cả ba vị vào một rổ vì một lý do rất đơn giản. Cái chìa khóa để giải mã ba vị thiên tài trên là: Cái gì mà cộng sản ca tụng, vinh danh. Cái đó có vấn đề. Không thể ngẫu nhiên và ngu dại gì, người cộng sản rỗi hơi ca tụng người của chế độ Sài Gòn trước 1975. Khi còn sinh thời, Bùi Giáng từng bị công an bắt giam. Vậy mà sau này trở thành biểu tượng thi ca Vô tiền khoáng hậu, bao la một trời chữ nghĩa, trùng trùng một biển văn chương. Phạm Công Thiện cũng trở thành biểu tượng của thiên tài như một áp đặt trên mọi người.

(Xin đọc thêm bài viết của tôi về Phạm Công Thiện và Bùi Giáng trên Đàn Chim Viet.info. Đã một thời như thế: Trường hợp Bùi Giáng- Phạm Công Thiện, 01-01-2022. Trong đó, phần một tôi phân tích họ qua dư luận, qua tài liệu những gì họ đã viết ra, đánh giá tài liệu. Phần hai, dựa trên những triệu chứng tâm thần dưới con mắt khoa học hiện đại- tài liệu do bác sĩ Nguyễn Đức Phùng, Neuropsychiatry), chuyên đề: những triệu chứng tinh thần nặng trong thi ca của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Trong khi đó, Hà Nội mở các cuộc tọa đàm văn chương để Phạm Công Thiện một mình tỏa sáng. Đọc những bài phát biểu của Ban tổ chức gây khó chịu vì thiếu độ nghiêm chỉnh, khách quan.

Cộng sản lợi dụng hai tên tuổi để chứng tỏ họ hiểu biết, họ trân trọng tinh thần tự do, trọng người có tài. Hai nhà thơ, nhà văn Bùi Giáng và Phạm Công Thiện trước đây ở miền Nam cũng được nhiều người hâm mộ, quý mến. Nhưng cái thời ấy hình như đã một thời như thế đã chìm vào quá khứ. Riêng trường hợp TCS là một nhạc sĩ ở một lãnh vực khác, một quan điểm chính trị gây nhiều tranh cãi đặt nhiều quan điểm đối chọi nhau. Tôi cũng không muốn nói đến ca sĩ Khánh Ly và nhiều ca sĩ khác đã hát nhạc Trịnh. Cùng lắm, họ chỉ ăn theo, được trả tiền hậu hĩnh thì họ làm. Tiền thì vào túi bầu sô, phần còn lại vào bóp người đi hát. Kẻ đã nằm xuống được gì. Hãy hỏi thẳng Khánh Ly đi. Chuyến đi hát kỷ niệm 60 năm này của bà đi khắp VN. Bà được trả bao nhiêu tiền và TCS  được trả bao nhiêu tiền. Bà biết rõ hơn ai hết tại sao bà phải về VN hát nhạc Trịnh mà không hát ở Cali chẳng hạn. Phải chăng bà chỉ là một công cụ của thời thế trước 1975 và nhất là bây giờ nằm trong cái bẫy của cuộc chiến quá khứ.

Nguyên tắc là cái gì lợi cho Đảng thì họ dùng, họ lợi dụng.

  • Trường hợp Trịnh Công Sơn nay trở thành biểu tượng của Huế
  • TCS


  • Trước tiên, thời tuổi trẻ của TCS hoặc bất cứ người trẻ nào khát vọng hòa bình đều là lý tưởng của cuộc sống. Hầu hết giới trẻ miền Nam đều có mặt, không phải của riêng ai. Phản đối chiến tranh cũng là điều cần phải làm thôi. Khi cuộc chiến càng dữ dội, ban đêm tiếng bom đạn dội về, cái chết gần kề và những mất mát của bạn bè thì niềm khát vọng ấy càng mãnh liệt trở thành những phong trào. Nó thật sự bùng phát từ những năm 1964-1969.

 

Hồi ấy, có những người trẻ “xuống đường”, với nhiều cuộc biểu tình. Họ tuyệt thực, chăng biểu ngữ, lấy hàng rào kẽm gai, khói lựu đạn cay làm vốn vào đời, rực lửa đấu tranh. Họ hô hào, họ đả đảo, hận oán nhà cầm quyền VNCH để tranh đấu cho hòa bình.

Hầu như có hai trận tuyến: Một bên trong và một bên ngoài thành phố.

Bên ngoài thành phố với bom đạn, mìn, đại bác với xác người chết hy sinh, với những người dân quê vô tội.

Và một cuộc chiến bên trong thành phố cũng ác liệt không kém. Họ là những sinh viên tranh đấu tại các Trường đại học như Luật khoa và Văn khoa. Họ là các dân biểu đối lập tại Hạ Nghị Viện với nhiều tên tuổi như Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận. Họ còn là những chủ bút của các báo như Thái Độ, Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày… Khối lượng lớn họ được xếp vào thành phần phản chiến, lực lượng thứ ba. Tôi đã viết nhiều về họ trong những giai đoạn ấy.

Tiếng hát của Khánh Ly và nhạc họ Trịnh xem ra hợp khẩu vị của đám người này. Còn nhớ trên sân trường Đại học Văn khoa, đôi trẻ tài cao cùng với sinh viên nhịp vỗ tay hoan hô hòa bình, trong khi tiếng đại bác đã bắt đầu vọng về thành phố. Nhưng sau đó nhiều thanh niên đã phải lên đường nhập ngũ. Còn họ, họ đứng ở đâu trong thành phố này. Họ có phải đóng thuế máu cho cuộc chiến ấy. Để sau đó, khi đã nổi tiếng, Khánh Ly đi hát ở các phòng trà, tiền vào bao nhiêu nào ai biết được. TCS nằm xuống đã lâu, nay Khánh Ly về Việt Nam để kỷ niệm 60 năm đàn ca hát nhạc Trịnh. Bà đứng ở đâu để hát và hát cho ai, hát với mục đích gì, hát để làm gì. Hỏi để mà hỏi thôi.     
        
Khánh Ly

Nhưng một mặt khác, thời đó, đừng quên có những người trẻ đã “lên đường” như những thanh niên thiện chí, dấn thân nhập cuộc, hy sinh mình vì người khác như Phong trào Du Ca của Nguyễn Đức Quang và rất nhiều thanh niên thiện chí. Như nhóm thanh niên quận 8 khởi đầu với các anh Đoàn Thanh Liêm (đã mất) và Hoàng Ngọc Tuệ cùng nhiều thành viên khác như Hồ Công Hưng, Uông Đại Bằng và nhiều giáo sư trẻ khác. Theo anh Trần Ngọc Báu, một người bạn cho tôi biết Thanh niên là chỗ cho mọi người- chỗ cho mọi tôn giáo- không loại trừ. Đó là cái không khí thoải mái bè bạn, một chút “phe phẩy”, “bốc đồng”, phi chính trị, phi tôn giáo, phi ý thức hệ, phi mọi thứ giao động của cái thời kỳ cạnh tranh, đấu đá. Họ tự học hỏi nhau, huấn luyện nhau trong nếp sống dân chủ, gặp gỡ sinh hoạt chung trong một nếp sống lành mạnh và dân chủ.

Chỉ rất tiếc là sau đó thời cuộc cuốn hút họ vào cuộc chiến tranh tương tàn để rồi tan rã. Tôi viết lại ở đây như một tưởng niệm tuổi trẻ VNCH đã có một thời đáng sống.

Phần chót, phải kể đến thành phần phía bên Tê, gồm những người trẻ theo cộng sản nằm vùng phá phách bằng bom đạn kiểu bọn Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Cao Thị Quế Hương và chồng là Phương bị chết trong tù. Nguyễn Xuân Lập, Trần Thị Lan, Phạm Trọng Cầu (Xin xem đầy đủ những hoạt động của họ cũng như tên tuổi trong cuốn sách: Trui rèn trong lửa đỏ, do những thành tích hoạt động do chính họ viết ra).

  • Vấn đề ở đây là Hòa bình kiểu nào? Có nhiều kiểu lắm.


Có kiểu đòi hòa bình của Thích Nhất Hạnh hay của Ni sư Huỳnh Liên, của Lý Chánh Trung, của Trịnh Công Sơn. (Trong một lần Hội thảo ở Viện đại học Cần Thơ vào năm 1969. Một tham dự viên đã lên phát biểu: Anh Lý Chánh Trung ơi. Chúng tôi mến anh lắm. Nhưng chúng tôi phải nói rằng, anh đang mơ một giấc mơ thật đẹp, chỉ tiếc là chúng tôi không thể mơ theo anh).

Hoặc theo kiểu dân biểu đối lập Hồ Hữu Tường. Ông tắm rửa, cạo đầu, ăn chay, mặc áo nâu sồng, đeo tràng hạt, ngồi trước cửa Hạ Viện và tiên tri: Chỉ còn một mét nữa là tới Hòa Bình. (Trích bản thảo Đời của Hồ Ngọc Nhuận).

Tôi chia sẻ những tình tự con người ấy của TCS và của rất nhiều người khác. Cái điều oái ăm và bi kịch là cái nhìn, cái khát vọng hòa bình chỉ một phía. TCS có thể nào mang những thông điệp này gửi cho Hà Nội được không, yêu cầu họ ngưng bắn, yêu cầu họ đừng đổ quân vào miền Nam được không? Tại sao chỉ có miền Nam thì cần có Hòa Bình, còn miền Bắc thì cần chính nghĩa chiến tranh?

  • Và sau đây, xin dẫn một số chứng từ của những người cầm súng, họ cũng có nhu cầu khát vọng Hòa Bình như mọi người và có thể sâu nặng hơn mọi người. Họ đã trả giá bằng thuế máu cho cuộc chiến- Khi làm những bài thơ uất hận này, họ không chỗ để in. Tôi nghĩ rằng có một sự bất công đối với họ vì chỉ là những bài thơ, thay vì là những bản nhạc.


Đây là một bộ mặt khác của cuộc chiến. Hoàn cảnh và tâm tư của họ nói lên đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống thật có bom đạn và xác chết. Không phải cuộc chiến trong phòng trà dù cũng nói đến cái chết, đến xác người. Tiếng nói của họ đáng được ghi nhận và tôn vinh như những vòng khăn tang cho họ và bạn bè họ.

Họ là ai? Có thể là một anh dân vệ, một người lính gác cầu, hay một binh sĩ một tiểu đoàn. Hay một chuẩn úy trường Bộ binh Thủ Đức, hay một sĩ quan quân trường Võ bị Đà Lạt… Tất cả họ đều có cha có mẹ, người yêu, người vợ và những đứa con. Và đã có bao nhiêu trong số họ đã nằm xuống.  Đối với tôi, cái chết tự nó là một điều đáng quý, đáng trân trọng. Không có cái chết nào cho đất nước là vô ích. Mà chỉ có những cái sống thừa là vô ích.

Những cái chết ấy bằng hàng vạn lời ca, bằng hàng vạn tiếng nói.

Trong khi đó, trưa ngày 30-04-1975, tại đài phát thanh mở đầu bằng tiếng hát TCS: bài Nối vòng tay lớn. Tiếng hát dồn dập, hân hoan của kẻ chiến thắng. Nhưng đối với dân miền Nam, nó chỉ là bằng chứng của sự bội phản, tráo trở. Võ Văn Kiệt ít ra còn có một tấm lòng khi ông cho rằng ngày ấy có triệu người vui thì cũng triệu người buồn.

Sau đó, Hà Nội có thành lập “Hội Trí Thức Yêu Nước” có sự tham gia của nhiều người. Hội có tổ chức một đêm Văn Nghệ hát nhạc Trịnh. TCS còn bị kẹt ngoài Huế mãi đến 1979 mới vào được Sài gòn. Thay vì tiếng hát Khánh Ly, có ca sĩ Thanh Hải hát thế.

Dầu vậy, đây là một vài tiết lộ mà nhiều người đã không có cơ hội để biết, nay được biết. Dù không vào được, TCS đã gửi hai bài viết và nhờ nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát dùm.

Hai bài hát có tên là: “Gánh rau ra chợ và Máy kéo nông trường”. Công việc của Miên Đức Thắng thật không dễ dàng gì. Hát làm sao, hát như thế nào.

Có thể, đây là hai bài hát lỗi nhịp và và trơ trẽn nhất. Người ta tự hỏi, nó có còn là TCS nữa hay không?

Chị Trần Tuyết Hoa, vợ anh Nguyễn Hữu Thái, đã khuyên TCS đừng sáng tác những bài như thế.

Sau này, chế độ nới lỏng hơn, TCS cũng đã có những bài khá hơn như: “Một hòn bi xanh, Ở trọ, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.

Trong thời gian bị kẹt ở Huế, theo Thái Thị Kim Lan cho tôi biết. TCS than phiền là Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn lấy điểm, đã bắt TCS viết kiểm thảo. TCS phải viết đi viết lại, vì chưa đạt yêu cầu. Thế nào là đạt yêu cầu thì lại phải hỏi HPNT.

  • Trịnh Công Sơn và bác Hồ. Bài viết của TCS do chính tay ông viết và được đăng trên báo Tuổi Trẻ, vào ngày 27 tháng tư, 1979. Tôi chỉ nhắc lại thế thôi, còn ai muốn đọc thì tự tìm lấy mà đọc. Thật hết lời, hết ý…
  • Những người lính làm thơ của miền Nam.

 Có thể là tâm trạng của một người lính từ vùng hỏa tuyến trở về thành phố. Nơi mà từ đó, họ bỏ sách vở, bạn bè, khoác áo lính trong tâm trạng chán ngán bất cần với lời thơ cao ngạo, bất cần đời. Có cái gì đó đau xót như nỗi tuyệt vọng về một sự hy sinh rất có thể trở thành vô nghĩa?

Mai ta đụng trận ta còn sống

Về ghé Sông Mao phá phách chơi.

Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm

Đốt tiền mua vội một ngày vui (Nguyễn Bắc Sơn)

Và thêm một đoạn về cuộc đời:

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ

Bước giày đinh lạng quạng một đời trai

Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý

Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai

(Thơ Cao Tần trong bài Cảm Khoái, 1977)   

Tỉ như Hồ Minh Dũng để lại mấy câu thơ, đọc mà buồn, mà xót xa:

Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con

Cũng đem chiếc áo lành ra mặc

Cũng ăn một bữa cơm cho no

Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu

Khát vọng Hòa Bình thật bình thường và đơn giản quá. Nó không màu mè, ưỡn ẹo, rên rỉ. Nhưng đậm sâu ý nghĩa. Nó chuyên chở những tình tự rất người.

Mặt khác, bom đạn là vô tình, nhưng nó lại là “Những chùm nho uất hận” cho người đã nằm xuống và những người còn ở lại vang vọng tiếng chửi thề, mày tao, đù má… Cảm xúc không nguôi. Nó đi thẳng vào trái tim, vượt trội những cảm xúc qua ngôn từ họ Trịnh.

Trở lại Phan Rang lần này nữa

Thăm mày không biết ngắn hay lâu

Thăm mày đù má mày đã chết

Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mầu

Chiều nay sao gió chiều mày nhỉ

Gió nổi trong tao đến lạnh mình

Đù má nhang mày sao chẳng cháy

Đốt mãi que diêm đến lạ lùng”

(Phạm Nhã Dự với Nén hương giã biệt bạn)

Và tiếp theo chùm nho uất hận của Tô Đình Sự

“Đồi Gia Hựu dài cơn đồng thiếp

Thăm hỏi nhau mày còn mạnh giỏi

Còn nguyên lành thân xác phàm phu

Bao giờ giải ngũ, bao giờ có phép

Lúc nào vào lính nhớ cho tao biết

Vợ con mày mấy đứa ra sao”

(trích Thâm Tím Đời của Tô Đình Sự, ông sinh ngày 1-5-1944 và mất ngày 13-10-1970)

Tôi thật sự không còn biết có ngôn từ nào để diễn tả tâm trạng của những người trẻ trên.

Họ viết bằng những kinh nghiệm sống đời họ. Nó còn nguyên khối sần sùi, không được mài giũa, chau chuốt. Họ đối diện với cái chết thường trực mà họ không có chọn lựa nào khác. Họ tìm lối xả ra bằng thơ thay vì nhạc. Cái thiệt thòi của họ nằm ở chỗ này.

Và nay ai còn nhớ đến những tiếng thơ đau đáu đời họ.

So với thành phần phản chiến, họ cao hơn một bậc. Tiếng nói của họ có trọng lượng thực tiễn. Bởi vì họ sống phập phồng, đêm không ngủ trên tháp canh tiền đồn, trong những cuộc hành quân sình lầy. Vì thế, tôi trân quý các truyện ký như: Năm Căn vùng Xôi Đậu, tác giả Nguyễn Mạnh Hùng hay Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng Bình Bát, tác giả Nguyễn Bửu Thoại. Đó là những câu truyện sống động, hiện thực, không mầu mè văn chương. Riêng truyện Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng Bình Bát có một sự cuốn hút lạ thường và tôi đã không ngần ngại đưa vào cuốn sách đầu tay của tôi: Lịch sử còn đó, xb 2008. Xin mời bạn nào quan tâm đọc.

Thành phần phản chiến cứ thẳng thắn mà nói, phần lớn họ trú ẩn ở đô thị, không giáp mặt với chiến tranh, cùng lắm chiến tranh trên màn ảnh, không có máu đổ.

Họ kêu gọi hòa bình như để yên lương tâm, họ bôi trơn cuộc đời, làm dáng chữ nghĩa, bi kịch cái không cần bi kịch. Họ sợ chiến tranh, họ trốn lính như trường hợp TCS. (Theo Nguyễn Thanh Ty, tất cả các thầy giáo trường Nông Lâm Súc đều có lệnh nhập ngũ. Tất cả đều tuân hành. Trừ Sơn trốn biệt về Sài gòn.

Tôi tự hỏi một người trốn lính thì có tư cách gì để chống chiến tranh, để phản chiến. Tôi cũng đi tìm lại những người phản chiến để xem họ phản ứng thế nào trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế. Không một ai lên tiếng nhìn nhận sự việc, trong đó có cả TCS. Từ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến Nguyễn Đắc Xuân, đến hai họa sĩ bạn của TCS là Trịnh Cung, Đinh Cường. Họ đều tránh né khi đề cập đến Thảm sát Mậu Thân Huế cũng như tránh né việc TCS thân cộng hay không thân cộng.

Điều đó cho thấy, một cách nào đó, hơn ai hết, chính họ là thành phần ngụy tín, nếu không muốn dùng chữ sống gian trá giả dối. Và chính họ mới là người sợ Hòa Bình hơn ai hết.  

Tôi muốn nhắn gửi chung với họ rằng: máu đổ ra thì ở đâu cũng giống nhau- cùng mầu đỏ- Không có mầu khác đâu. Và cái chết nào cũng có ý nghĩa cả. Đối với một bà mẹ thì không có lý tưởng tốt hay xấu mà chỉ có những đứa con đã mất. Trước các mộ phần, cái biên giới thù nghịch không còn, có chăng chỉ là một niềm thương nhớ của một người đối với một người đã mất.

  • Tác giả Nguyễn Thanh Ty và Trịnh Công Sơn                                                                                 Anh Nguyễn Thanh Ty người có thẩm quyền để nói về một quãng đời TCS, vì đã có thời gian sống chung với Trịnh Công Sơn từ năm 1962 đến 1967. Anh nguyên là giáo sư biệt phái nên có thời gian bị đi học tập cải tạo. Anh có viết một cuốn sách và có nhã ý tặng tôi đọc. Nhan đề: “Trong lao tù cộng sản, trại Đá Bàn và A.30”. Mấy  tháng sau ngày đi học tập, anh có nhận được thư vợ viết như sau: “Nếu những ngày tới, em không còn cách nào kiếm được gạo nuôi con nữa thì mẹ con em sẽ cùng uống thuốc chuột chết cho xong. Em và các con đã khổ quá rồi”. Nỗi bất hạnh của anh không dừng ở đó, sau này anh biết, vợ anh đã để lại các con cho bà nội để tìm một bến đậu khác. Nào có thể trách ai bây giờ.

-        Chiến tranh không chỉ làm khổ lụy cho người lính, mà còn người vợ ở nhà: “20 năm làm vợ lính thời chiến. 13 năm vợ tù cải tạo thời bình, là người con gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt” (Trích Người Bầu Trai, tháng tư 2004).

-        Theo lời kể lại của Nguyễn Thanh Ty cùng học trường Sư Phạm Quy Nhơn với TCS và cùng dạy một nơi và trọ cùng một nhà khi ra trường. Trịnh Công Sơn sinh tại Huế, năm 1939, gia cảnh khó khăn, cha mất sớm, bà mẹ phải tần tảo nuôi 8 người con- ba trai, năm gái ăn học. Học tại Sài gòn, thi rớt tú tài II, trở về Huế rồi thi đậu vào trường Sư phạm Quy Nhơn, khóa đầu tiên, hai năm 1962-1964.

-        Cũng trong phần này, anh Nguyễn Thanh Ty kể chi tiết về những người đã một thời đi qua đời Trịnh Công Sơn như Tôn Nữ Bích Khê, Ngô Vũ Bích Diễm. Lúc ấy, người đứng đầu là ông trưởng ty giáo dục Lê Cao Lợi có phần dễ dãi với TCS. Nhiều lúc ông làm ngơ để cho TCS đi về Sài gòn như liên lạc để xuất bản chẳng hạn.

-        Tôi thật sự chẳng quan tâm đến những bóng hồng đi qua cuộc đời TCS. Như Tôn Nữ Bích Khê, Ngô Vũ Bích Diễm và sau này khi nổi danh còn nhiều thiếu nữ xinh đẹp tìm đến với TCS. Nhưng do sự bất lực thể xác của TCS nên sớm muộn họ cũng bỏ đi thôi. Mỗi lần như thế là một lần tạo dịp cho TCS rượu vào, lời ra, sáng tác nhạc, ghi lại hình ảnh đẹp nhất. Đó là những sáng tác khởi đầu từ sự thất bại tình ái, rồi say bí tỷ viết ra những lời mù mờ, tối nghĩa mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nhiều người suy đoán là hư vô, người bảo là Thiền . Trật lấc. Chẳng triết lý, chẳng Thiền. Cùng lắm chỉ là những vay mượn. Tôi chỉ còn nhớ, một cô trẻ từ Hà Nội vào, cũng cận kề, rồi cũng bỏ đi là cớ cho TCS viết bản nhạc: Bống bồng ơi. Em đi đâu mà vội, mà vội.

-        Chi tiết đáng được nói ra là trong nhóm bạn bè có những nghi ngờ TCS theo cộng sản, vì ông liên lạc với đám bạn bè ở Huế, trong đó có Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường… HPNT đã viết nhiều thư qua lại, nhưng nội dung những gì thì không ai biết. Tuy nhiên, về mặt này, liên lạc với bạn bè theo bên kia chưa đủ yếu tố để gán tội cho TCS.

-        Nhưng nói chung, tập tài liệu của Nguyễn Thanh Ty cũng cho thấy một chi tiết lý thú về con người thật của họ Trịnh, về thú say mê âm nhạc, về những bản nhạc được sáng tác trong giai đoạn này, hoặc một số phản biện cho là Trịnh Cung không biết, hoặc nói sai về TCS.

  • Tác giả Người lính già Oregon- một bút hiệu quen thuộc đối với tôi (tên thật Nguyễn Kim Quý). Tôi chỉ liên lạc với anh bằng điện thư. Anh giỏi chuyên về tiếng La Tinh và văn hóa Pháp, vì là hai môn học sau này anh dạy đại học ở tiểu bang Oregon. Nhưng những thói quen, uống rượu thì tôi cũng rành qua một người bạn khác của anh kể cho nghe. Nhưng nhờ bài viết nhan đề: Trịnh Công Sơn, một bạn học, một tên ViXi nằm vùng, một đứa phản bội quốc gia mà tôi biết thêm nhiều chi tiết lý thú về TCS.

 

-        Trước hết, vào niên khóa 1959-1960, anh Quý học lớp Terminale (Tú tài 2) ở trường Jean-Jacques Rousseau, ở Sài gòn. Trong lớp có 6 cô từ Marie-Curie đến học nhờ . Ngoài ra còn có TCS cũng ở ngoài vào và được xếp ngồi cạnh Nguyễn Kim Quý. TCS ngồi cạnh, có vẻ hiền lành, nhưng không chơi thân với bất cứ ai trong lớp. Anh rất đơn độc. Ít nói, nhưng không làm phiền ai. Năm đó dò đọc, không thấy tên trên bảng vàng. Và anh biến mất khỏi trường, và khỏi trí nhớ tôi.

-        Ngày 30-04-1975, trong lúc đất nước đang hấp hối, tôi và quân dân miền Nam, nghe trên Radio tiếng đàn và tiếng hát của Sơn trong bài “Nối vòng tay lớn”. Xin được trích nguyên văn của người lính già Oregon: “Tôi ngỡ ngàng đau xót, tức giận, buột miệng, chửi thề thành tiếng: “Salaud, thằng khốn nạn”. Trịnh Công Sơn, một người bạn học cũ đã chết trong tôi như một kẻ đối nghịch, một thằng phản bội, ăn cơm Quốc Gia, thờ ma cộng sản, kể từ trưa ngày 3 tháng tư năm 1975, trước khi chết thật, vào năm 2001, đúng 26 năm sau. (Hết trích)

  • Những phát hiện lý thú của người lính già Oregon


Như tôi đã có dịp nói về anh bạn Nguyễn Kim Quý. Anh là người thông thạo tiếng La tinh và văn học Pháp một cách rành rõi. Trong mục số 5 của bài viết, anh đưa ra nhận xét về dòng nhạc họ Trịnh- không phải với tư cách một người sành sỏi về âm nhạc-, nhưng của một người nghe nhạc. Anh viết: “Có thể nói mà không sợ sai rằng nhạc TCS trung bình, đơn điệu (monotone), tẻ nhạt quá, bài nào cũng một âm giai, nghèo nàn, buồn rầu, nghe  xướng lên là ta biết liền, so với những ca khúc của Phạm Duy phong phú, biến đổi (varié), mỗi bài mỗi khác. Hay Đặng Thế Phong. Đặc biệt Văn Cao, nghe sang cả, cổ điển, cung điệu trầm bổng, thay đổi ngay trong cùng một bài như “Thiên Thai” hoặc “Bến Xuân”.

(Theo tôi, nhạc TCS chủ yếu là lời không phải giai điệu).

Cũng theo anh Nguyễn Kim Quý, về lời ca, người ta thường gọi anh ta là “phù thủy của ngôn ngữ”. Tôi không nghĩ vậy. Những chữ như rong rêu, sỏi đá, ghế đá, đá xưa, đá ngây ngô, hòn cuội, công viên, sâu bọ, kiếp người, hư vô, tiền kiếp, cát bụi, hóa kiếp, trần gian, hiện tại, xa lạ,một ngày như mọi ngày… đều là những cụm chữ lấy từ những bài triết dựa trên tác phẩm của Sartre, như La Nausée (Buồn nôn). Và Camus như L’Étranger (Kẻ xa lạ), thấy dịch nhan nhản trong Sáng Tạo. Chả có gì mới mẻ đối với văn học Pháp và chúng tôi thuộc lớp Phi lô, tại Jean-Jacques Rousseau đầu thập niên 60.

-        Tại Qui Nhơn năm nào, sau khi đi công tác trở về, tôi cùng với anh hạ sĩ tài xế vào một tiệm kem Tuyết Trắng, chuyên chơi nhạc TCS. Không phải để nghe nhạc TCS mà để ngắm cô chủ tiệm có mái tóc thoảng mùi hương bưởi, nước da trắng bóc và đôi mắt tình không chịu nổi. Lúc ấy, trên băng Cassette, Khánh Ly đang hát bài “Ru mãi ngàn năm” đến câu “Bàn tay năm ngón ru trên ngàn năm… ”, anh tài xế nói nhỏ với tôi: “Ông thầy có nghe không. Bàn tay em nào mà chả có năm ngón, ông nhạc sĩ này thiệt kỳ, còn bàn tay em nào có sáu ngón thì làm  sao đây, phải chặt một ngón đi hả. Anh hạ sĩ không biết rằng, bàn tay năm ngón nói chung, TCS có thể đã “cuỗm” và dịch từ một bài thơ “Voici ma main, elle a cinq doigts”. Hay bài “Les doigts de ma main sont cinq”, hay bài  “Mon pouce va à l’école” của Jacques Prévert là thi sĩ thuộc trường phái tân siêu thực (néo-surréalistes), tác giả tập thơ Paroles, 1945. Và hai bài “Les feuilles mortes” và “Barbara” được phổ nhạc rất nổi tiếng. Thơ ông hũ nút còn hơn Thanh Tâm Tuyền hoặc Bùi Giáng. Nguyên Sa cũng có một bài thơ nói về ngón tay của “em” ngón tay dùng để… ngón kia dùng để… bắt chước một trong ba bài của Jacques Prévert nêu trên: Les doigts de ma main font - sont cinq. C’est le pouce le plus malin, c’est l’index le plus coquin. Le majeur est le plus heureux car il est au milieu. L’annulaire est le plus fier, car il sait à quoi il sert. C’est le (…). Hay nhóm chữ “dài tay em mấy” trong câu “dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” là một cấu trúc văn phạm quen thuộc trong thơ Pháp. (Tĩnh từ hay trạng từ đứng trước danh từ). Những mưa hồng, nắng thủy tinh vv… là hình ảnh ẩn dụ rất thường gặp trong văn chương Pháp.

-        *Đã đến lúc cần chấm dứt bài viết với một người đã không còn nữa.

-        Tôi vẫn còn nhớ đời câu nhận xét của Hòa Thượng Thích Trí Quang- một người đã nhiều năm bị giam hãm bởi cộng sản- viết: “Cộng sản nó cho người đến giết mình hôm trước. Hôm sau, nó cũng cho người đến đặt vòng hoa phúng điếu”. Gớm thay tâm địa người cộng sản. Họ đã làm như thế với Thích Nhất Hạnh, cả với Thích Trí Quang. Rước sách đình đám, cờ quạt, điếu văn trịnh trọng, hỏa thiêu rồi trân trọng bài vị với hoa lá, bài vị ghi công đức như bậc thánh nhân.

-        Riêng với Trịnh Công Sơn, họ làm hơn thế nữa. Họ còn đặt tên đường cho họ Trịnh theo dọc bờ sông Hương, đi từ chân cầu Gia Hội chạy dọc bờ sông Hương, một khoảng đường dài 600 mét. Có thể chưa một nhân tài miền Nam nào có được cái vinh dự đó. Họ đặt tượng và tương lai di hài cốt của ông về Huế. Họ còn bỏ tiền cả 60 tỉ để diễn lại cuộc đời ấy với màu sắc chính trị không cần che đậy. Họ càng làm rùm beng, họ càng cổ xúy tâng bốc TCS lên tận trời cao. Tôi càng áy náy một cảm giác buồn. Ngày hôm nay, họ đã đội mồ, dựng xác chết lại, tôi càng xót xa cho thân phận họ Trịnh.

-        Đó là một xã hội trượt dốc và không có lời tuyên chiến.

-        Khánh Ly đi lại Hành trình 60 năm âm nhạc họ Trịnh chỉ là công cụ của một màn lợi dụng, lừa đảo của một trận chiến quá khứ của người còn sống.

-        Thôi đã quá đủ rồi. Tôi xin các ông, các bà, các người ăn theo, các khán giả đui mù. Hãy để yên cho người nằm xuống. Amen.

 

 

 

12 Tháng Chín 20142:15 SA(Xem: 29434)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
12 Tháng Chín 20141:12 SA(Xem: 31340)
Mùa thu sang em áo dài nón lá Đi trong mưa náo nức buổi tựu trường Thôi tạm biệt những ngay Hè thư thả Đi trở về cùng sách vở thân thương
11 Tháng Chín 20142:39 SA(Xem: 38261)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
06 Tháng Chín 20141:42 SA(Xem: 27750)
Thuở còn bé Mẹ chỉ vầng trăng sáng, Bảo Hằng Nga đẹp lắm ngự trên trời Một vầng nhỏ đen đen là chú cuội. Bỏ trâu ăn lúa bởi ham chơi.
05 Tháng Chín 20143:36 CH(Xem: 29385)
Nhân mùa trăng Trung Thu, xin gửi đến quý vị một vài hình ảnh họa theo dòng nhạc của thời xa xưa, những ngày còn ấu thơ thường đùa vui ca hát dưới ánh trăng
05 Tháng Chín 20142:09 CH(Xem: 18962)
Tính đến nay, Gia Phả cựu hướng đạo sinh Ngô Quyền – Biên Hòa đã lên đến 408 thành viên rồi anh chị em ơi!...
05 Tháng Chín 20143:04 SA(Xem: 28281)
Nắng lang thang góc phố Ghé vào trang sách thơm Sợi treo dòng thác đỗ Cho thơ chảy thành nguồn
30 Tháng Tám 20147:43 CH(Xem: 29254)
Bây giờ khi bay về ngang khung cửa Ngôi trường Ngô Quyền một thuở thân thương Mây có dừng lại thiết tha trìu mến Như ngày xưa theo áo trắng đến trường
29 Tháng Tám 20142:05 CH(Xem: 28174)
Tháng tám, mưa nặng hạt tuôn. Dòng sông nước cuộn xa nguồn về xuôi. Lũ mang nguồn sống cho đời. Bập bềnh hai tiếng khóc cười trầm luân.
28 Tháng Tám 20149:19 CH(Xem: 29668)
Bước chân lạc giữa hư không. dẫm vào vạt nắng cuối dòng nhân gian ngẩn ngơ đếm những lá vàng Dòng đời muôn mối ngổn ngang ưu phiền
23 Tháng Tám 20143:27 SA(Xem: 32515)
Bởi Sinh Nhật anh rơi vào tháng tám buồn Giọt mưa Ngâu nát lòng Ngưu Lang Chức Nữ Nhưng mưa đã cột hai mình từ hai nửa Thành một mình nên tháng tám tình thân
23 Tháng Tám 20142:57 SA(Xem: 30346)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 201411:42 CH(Xem: 33343)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 201410:39 SA(Xem: 27906)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
16 Tháng Tám 20142:34 SA(Xem: 33774)
Lạy Mẹ mùa Vu Lan đến rồi. Từ bao tiền kiếp của luân hồi Phước báo tái sinh làm con Mẹ Ơn đức cù lao tựa biền trời
15 Tháng Tám 201411:58 CH(Xem: 28278)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 201410:16 SA(Xem: 24785)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 20141:30 CH(Xem: 27331)
vẫn chiều tôi ngồi garage vẽ cả bầu trời mênh mông mênh mông bỗng thấy một đàn chim cánh nhỏ lượn chao rồi mất hút khi nào …
13 Tháng Tám 20144:29 CH(Xem: 25326)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 20141:26 SA(Xem: 29178)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
08 Tháng Tám 20143:16 CH(Xem: 40494)
Tháng Bảy mưa Ngâu sắp đến rồi. Nhân mùa báo hiếu gửi Mẹ tôi. *Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÀ MẸ QUÊ - Nhạc Phạm Duy - Đặng Thế Luân trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
08 Tháng Tám 201411:37 SA(Xem: 34827)
Dòng sữa mẹ nuôi con tấm bé Len vào lòng vạn nẻo tình thương. Dù cho dòng sữa cạn nguồn, Tình thương trời biển còn vương hương đời. *Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức TÌNH MẸ - Thơ vhp - Nhạc Huỳnh Trọng Tâm - Ca sĩ Thùy An
06 Tháng Tám 201410:39 CH(Xem: 23309)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
02 Tháng Tám 20143:01 SA(Xem: 29304)
Về nghe tháng bảy mùa chay. Thương cha nhớ mẹ vòng quay định tuần. Cũng là hệ mẫu số chung. Nào ai tránh khỏi hòa cùng luật chơi.
02 Tháng Tám 20141:50 SA(Xem: 30682)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÊN THỀM TRĂNG SÁNG - Hà Thanh trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube. Vu Lan về con bâng khuâng nhớ lắm Nhớ Mẹ Cha đã cho con vào đời...
02 Tháng Tám 201412:37 SA(Xem: 28384)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
27 Tháng Bảy 20141:02 CH(Xem: 16256)
Mù Sương, Sinh Nhật vọng lời Khu Rừng Hực Lửa chiều trôi đỏ chiều Kẻ Tà Đạo tiếng lòng xiêu Căn Nhà Ngói Đỏ dắt dìu nhớ sang...
26 Tháng Bảy 20144:21 SA(Xem: 36371)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Vẫn Biết Là Thế Đó. Trình bày: Thuỳ An. Nhạc: Bằng Giang Hòa âm: Cao Ngọc Dung. Lời: Hoàng Ánh Nguyệt
26 Tháng Bảy 20143:42 SA(Xem: 22008)
Tôi đã từng mơ, sẽ đưa anh chị em cựu HĐS. Trấn Biên – Bửu Long cùng tôi dự trại. Đến hôm nay, giấc mơ xưa của tôi đã thành sự thật. Cả hai gia đình Trấn Biên – Bửu Long của anh chị em tôi đã được đoàn tụ tại Thẳng Tiến 10.
26 Tháng Bảy 201412:50 SA(Xem: 41234)
Von véo khúc tình rộn nhạc ve! Đỏ màu hoa phượng trổ sang hè Còn không tuyết khuất, trăng thầm đợi Vắng trống chiều xa, chim lắng nghe
22 Tháng Bảy 201411:05 CH(Xem: 23248)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
17 Tháng Bảy 201410:15 CH(Xem: 29764)
buổi trưa nhà Lữ Quỳnh buổi chiều nhà Nguyễn Xuân Hoàng ôi một ngày hạnh phúc ở San Jose một ngày Hoàng rất vui…
17 Tháng Bảy 20149:58 CH(Xem: 30203)
Mừng anh thêm một tuổi, anh thương yêu, bây giờ tháng bảy, Hồn em, quà mừng sinh nhật, tay anh giữ đã từ lâu.
12 Tháng Bảy 20143:04 SA(Xem: 17125)
Đã hai ngày mà tui vẫn còn lừ đừ. Nửa như say sóng xe, nửa thật mệt và buồn ngủ, nhưng niềm vui vẫn cứ như in trong đầu. Cho nên nhiều lúc đang nấu cơm lại bật cười một mình.
11 Tháng Bảy 20143:34 SA(Xem: 31261)
Hai ngày theo phái đoàn Nam Cali xuôi về miền Bắc dự Hội Ngộ Ngô Quyền lần thứ 13 đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều tình thương và quyến luyến. Nếu tôi có thêm hai tay nữa, tôi cũng sẽ bấm hết ra, viết hết ra...
11 Tháng Bảy 20142:29 SA(Xem: 29471)
"Hãy đem niềm vui đến cho gia đình mình, bạn bè mình, những người chung quanh mình ". Sự góp mặt và đóng góp những gì mình có thể làm được cho những lần Hội Ngộ Ngô Quyền trong tương lai cũng là điều mà tôi sẽ và phải làm.
04 Tháng Bảy 20147:48 CH(Xem: 26211)
Lần nào thăm anh về lòng cũng nặng bầu trời mây những đám mây không có dấu chân Hoàng cầu mong anh vượt qua, vượt qua, vượt qua được ...
04 Tháng Bảy 201412:55 SA(Xem: 30159)
Tháng Bảy này Ngô Quyền mình họp bạn Có nhiều người lại vắng mặt nữa đây Xiết tay nước mắt đong đầy Mừng vui hội ngộ khóc hoài cố nhân
03 Tháng Bảy 20142:54 SA(Xem: 26786)
"Để ghi ơn Thầy cô đã một thời đem hết nhiệt tình dạy dỗ chúng em nên người, và cùng nhớ lại kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.
03 Tháng Bảy 20142:21 SA(Xem: 28544)
Ngày vui tháng bảy nở hoa. Chúc mừng họp mặt đậm đà tình thân. Thầy tôi đi trọn đường trần. Cô tôi thắt chặt nghĩa ân học trò. Bạn tôi cười nói vui đùa. Ngô vương dậy sóng trường xưa theo về.
28 Tháng Sáu 20144:13 SA(Xem: 30746)
tìm trong ngọn sóng triều lên dấu chân người bước qua miền phù vân chiều nay chợt nhớ bâng khuâng chút hương mùa cũ bỗng chừng đâu đây ngày xuân, tháng hạ hao gầy thuyền xưa, bến cũ đã đầy tuyết sương!
28 Tháng Sáu 20142:00 SA(Xem: 30976)
• Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua có ba điều bất hạnh xảy ra trùng hợp:... Trong ba cái bất hạnh ấy, cái thứ ba là nguy hiểm và tồi tệ nhất.
27 Tháng Sáu 201410:58 CH(Xem: 28997)
Tôi rất thương cánh cổng trường mở rộng Đón bạn bè áo trắng bước chân chim Thật hồn nhiên và tràn đầy mơ mộng Ngô Quyền xưa bao dấu ấn êm đềm.
21 Tháng Sáu 20147:43 SA(Xem: 30056)
Giữa văn chương và dạy học Hoàng thấy thế nào. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết Văn là ý nghĩa chính của cuộc đời. Đi dậy chỉ là phụ. Cô Vy nói thêm. Nhưng cái phụ nuôi cái chính.
20 Tháng Sáu 201410:17 CH(Xem: 29559)
Hoàng thì đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy, nên tôi cũng hiểu rằng bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, bạn tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho dặm cuối của một chặng đường cheo leo trên con dốc tử sinh.
13 Tháng Sáu 20149:31 SA(Xem: 29826)
Ở Mỹ, ngày “Từ Phụ” “Father’s Day” thường tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần Lễ thứ ba trong tháng Sáu. ...Mục đích của ngày lễ là để con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh cha mình.
13 Tháng Sáu 20144:12 SA(Xem: 24111)
Mỗi khi nghĩ đến cha thì hình ảnh hiện ra trong đầu tôi là một người cha đạo mạo và nghiêm khắc. Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn ông cười, nụ cười thật từ ái và hiền lành.
12 Tháng Sáu 20141:56 SA(Xem: 33608)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: CHÚT TÌNH AI GỬI CHO AI - Thơ Trần Kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm
07 Tháng Sáu 201412:48 SA(Xem: 32561)
cùng lúc xem trên web. Ngô Quyền vừa mới post tấm ảnh thầy trò xưa thầy Hoàng dạy triết cravate thả lỏng rất Don Juan. làm sao không nhớ thời yêu Vy làm sao không nhớ thời ĐàLạt
07 Tháng Sáu 201412:39 SA(Xem: 30674)
Dù sinh hoạt cuộc sống hằng ngày với bao lo toan, trách nhiệm gia đình và xã hôi. Nhưng chúng tôi vẫn luôn dành những ngày cuối tuần cho những buổi họp mặt để có những niềm vui.
06 Tháng Sáu 20141:01 CH(Xem: 30772)
Cha là bóng cả trên cao, dưỡng dục cù lao nghĩ nặng sâu Tình Cha non Thái như biển rộng Còm cõi nắng mưa bạc mái đầu
06 Tháng Sáu 201411:41 SA(Xem: 29219)
Chúc mừng đại hội Ngô Quyền. Các anh các chị đoàn viên một nhà Họp mặt vang tiếng hát ca Thầy xưa trò cũ mặn mà tình thân
31 Tháng Năm 20143:22 SA(Xem: 28414)
Còn 2 ngày nữa là hết tháng năm. Mùa hè đã về. Các cháu được hưởng những ngày hè vui vẽ bên gia đình.... Hình như tháng Sáu đang gỏ cửa . Còn 2 ngày nữa mới tới. Tháng Sáu ơi.
31 Tháng Năm 20141:55 SA(Xem: 23565)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: HẢI NGOẠI THƯƠNG CA - Nhạc Nguyễn Văn Đông - Trình bày Hà Thanh
29 Tháng Năm 20142:11 SA(Xem: 23412)
Bao nhiêu năm qua, chị Kim Kết vẫn nhớ như in lời chúc của thầy Nguyễn Xuân Hoàng ghi trong quyển Giai phẩm Xuân Tứ 2 của chị : “ Chúc cô bé có bím tóc dài nhất và lâu nhất luôn học giỏi…”