Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Gs Mai Kiến Phúc - Quãng Đời Dạy Học.

21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 64509)
Gs Mai Kiến Phúc - Quãng Đời Dạy Học.

blank

 

Quãng Đời Dạy Học

 

 

thaymaikienphuc-large-content

 

Gs Mai Kiến Phúc

 

Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình.

 

Tôi đến cuộc đời từ một làng nông thôn miền Tây (An Giang). Học tiểu học ở quê rồi lên tỉnh, lên Sài Gòn trong hoàn cảnh tài chánh chỉ vừa tạm đủ. Từ thuở thiếu thời cho đến trung niên, đất nước trải qua chiến tranh và thù hận dai dẳng triền miên nên tôi chẳng có dịp được đi đó đây.

 Năm 1965 khi tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm thì tôi còn một chứng chỉ nữa là hoàn tất cử nhân lý hóa ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Năm đó cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo Dục cho sinh viên tốt nghiệp được chọn nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên trong danh sách tốt nghiệp. Tôi đậu thủ khoa nên là người đầu tiên lên chọn. Tôi chấm trường Ngô Quyền Biên Hòa vì là nơi gần Sài Gòn nhất để hoàn tất cử nhân. Năm sau lấy xong cử nhân nhưng tôi thấy xứ Bưởi với con người hiền hòa, chất phác nên chọn nơi này làm quê hương.

 Nhớ lại ngày đầu đi trình diện nhiệm sở, tôi chưa biết trường Ngô Quyền nằm đâu, ngay cả Biên Hòa tôi cũng chưa đến dù chỉ cách Sài Gòn 30 km. Tôi theo xa lộ lên tận Tam Hiệp rồi mới vào Biên Hòa chớ không biết đi ngã rẽ Tân Vạn hay đi ngã Cầu Hang để đến Cầu Gành. Trường Ngô Quyền lúc đó chỉ có hai dãy lầu và một dãy trệt làm phòng thí nghiệm. Hiệu trưởng lúc đó là thầy Phạm Đức Bảo, giám học là thầy Phạm Khắc Thành và sau khai giảng vài tháng thì có thêm phụ tá giám học là thầy Hoàng Đôn Trịnh. Tôi được xếp dạy Vật Lý cho một lớp đệ Nhất B và hai lớp đệ Tứ (Tứ 1 và Tứ 2). Giờ đầu tiên trong đời dạy học là ở lớp đệ Nhất B với học sinh phần đông là con trai và trên 20 tuổi. Tôi cắm cúi giảng thao thao bất tận cho đến hết giờ thì học sinh cười ồ lên, có lẽ thấy “thầy nói quá nhiều mà trò hiêủ chẳng bao nhiêu”. Trong lớp này tôi còn nhớ vài em. An, em của thư ký Lê Hồng Sanh, nghe nói đang làm luật sư ở Biên Hòa và Lễ, tiệm vàng Kim Hưng, hiện định cư tại Hawaii. Các em trong lớp gọi An là kem Hynos (trước 75 có hiệu kem đánh răng hiệu Hynos với hình đầu người da đen và gọi Lễ là Phật bánh in vì mập. Còn ở các lớp Tứ thì có Diệp Cẩm Thu, Ngọc Huệ, Ngọc Anh, v.v… Những năm kế tiếp có lẽ tôi dạy khá hơn. Tôi vẫn quen khi làm điều gì thì tập trung hết cho việc đó, cho nên trong lớp học, tôi không còn là tôi nữa mà là một “ông thầy” dốc hết tinh thần cho bài giảng, cho học tập. Có lẽ vì vậy mà các em thường sợ giờ Vật Lý của tôi. Thật ra bên ngoài lớp thì tôi vẫn thân thiện, cởi mở với các em, có khi còn “quậy” nữa là khác. Kỷ niệm thì nhiều, nhiều lắm, mỗi lớp có một kỷ niệm riêng, không những ở Ngô Quyền mà còn ở Khiết Tâm, Minh Tân, Thăng Long, v.v… Tôi còn nhớ một hôm tôi cưỡi ngựa đi dạy ở Khiết Tâm. Sau khi buộc ngựa ở cây bã đậu, tôi bước vào lớp và khi các em đọc kinh trước giờ học xong, tôi để nón cowboy lên bàn và bắt đầu bài giảng như thường ngày. Lớp vẫn im phăng phắc nhưng các em thì tủm tỉm cười. Sau năm 75 tôi vẫn còn dạy ở Ngô Quyền cho đến hè năm 79 thì xin nghỉ dạy. Tôi là giáo viên cấp ba (trước 75 gọi là giáo sư trung học đệ nhị cấp) đầu tiên của tỉnh Đồng Nai xin thôi việc. Trong bốn năm sau cùng này, trật tự xã hội hoàn toàn thay đổi và tình cảm thầy trò không còn được như xưa. Bây giờ nghe nói trường Ngô Quyền đã được đập phá hoàn toàn và xây dựng lại to lớn hơn, nhưng đó không còn là trường Ngô Quyền của tôi với tất cả kỷ niệm của quãng đời đi dạy học.

 Qua Mỹ, tuy sớm có việc làm về kỹ thuật rất tốt, nhưng khi định cư gần hai năm thì tôi nhớ nghề dạy nên có đến học khu Long Beach tìm hiểu việc đi dạy tại đây, hầu trở lại. Nhưng lương bổng việc dạy tương đương với lương tôi đang làm lúc đó mà lại còn phải phấn đấu thật nhiều về ngôn ngữ cũng như phải lấy thêm một số test không dễ dàng gì nên tôi vĩnh viễn bỏ ý định đi dạy lại trong kiếp này. Nhưng may mắn là Hội Cựu Học Sinh Ngô Quyền được thành lập tốt đẹp do nhiệt tình bất vụ lợi của một số cựu học sinh để tạo một vòng tay lớn giữa các cựu học sinh và các thầy cô trên khắp nước Mỹ cũng như trong nước. Những buổi họp mặt đầy cảm động đã làm sống lại vang bóng một thời trong tôi. Mong rằng vòng tay tình thương này sẽ tỏa rộng khắp năm châu.

 Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình.

 

Long Beach, California 28 tháng 3 năm 2004

MAI KIEN PHUC

(phuckmai@yahoo.com)

 

 

22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6830)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 9318)
Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ khi tôi mài đủng quần ở các trường Cao Văn, Nguyễn Văn Khuê và Chu Văn An, tôi vẫn không quên công lao những người thầy đã truyền cho tôi những kiến thức
29 Tháng Tám 2020(Xem: 8026)
Đang mùa dịch Covid 19 phải giãn cách, hạn chế đi lại gặp nhau, mà các Thầy Cô và các em hs Ngô Quyền đã đến viếng tang lễ rất đông, gia đình chúng tôi rất cảm kích!!
23 Tháng Tám 2020(Xem: 8253)
Tôi tin rằng với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, các em cựu học sinh Ngô Quyền không bao giờ quên công lao của những “người đưa đò” dù hiện còn hay đã mất.
13 Tháng Tám 2020(Xem: 8940)
Cô Kim Dung cũng xin chuyển đôi lời cám ơn chân thành nhất đến quý Thầy Cô và các cựu học sinh khắp nơi đã dành tình cảm cho Thầy Hà Tường Cát và gia đình cô.
06 Tháng Tám 2020(Xem: 7869)
Cô Đào Thị Nga là giáo sư Anh văn của trường ta. Hồi trước tôi học lớp Pháp văn. Nhưng học sinh trường Ngô Quyền đều biết cô. Thời gian mấy năm gần đây, tôi có hân hạnh được mấy lần họp mặt cùng cô.
20 Tháng Bảy 2020(Xem: 8648)
Nếu không đòi hỏi một sự tuyệt đối thì nhìn lại tôi tự hào tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo, hay đúng hơn làm tròn nhiệm vụ của một nhà giáo ở thời buổi loạn ly.
23 Tháng Tư 2020(Xem: 9124)
Hôm nay tình cờ tôi đọc được một bài viết về Cô và rất nhiều chi tiết mà có lẽ không phải chỉ mình tôi mà ngay cả nhiều học trò của Cô dù đã từng học với Cô cũng không biết.
23 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 14779)
Sáo vui vui khi nghĩ rằng, cô giáo Đinh Thị Hòa – cựu giáo sư trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa xưa – chắc chắn sẽ cảm động khi biết được, mấy đứa học trò già vẫn nhớ hoài người thầy năm xửa năm xưa…
16 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 18424)
Kinh ngạc thay, với một ghe cả ngàn lần nhỏ hơn, cả triệu lần mong manh hơn tàu lớn nầy mà sao ghe có thể vượt qua được những sóng gió của biển cả. Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 16124)
cho dù anh chuyển “nơi cư trú” không thèm thông báo – nhưng không bõ công hai cựu hđs.Bh cứ đi “theo lối này” của một trò chơi Hướng Đạo, để cuối cùng cũng gặp được và thắp nhang viếng thăm Gấu hăng – thầy giáo Đinh Hữu Quyến.
07 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 14651)
Sáo cùng nhóm bạn café 12B3 sẽ còn tiếp tục thăm và viếng Thầy Xưa vào bất cứ thời gian nào có thể, bởi đối với nhóm cựu hđs. Biên Hòa và nhóm bạn café 12B3 của Sáo thì 365 ngày trong năm đều là Ngày Nhà Giáo...
09 Tháng Tám 2019(Xem: 16168)
tôi đã bước một quãng đời quá dài với không biết bao nhiêu lần vấp ngã. Những vấp ngã nầy là những lao đao trên bước đường đời
10 Tháng Sáu 2019(Xem: 13031)
Vấp ngã vì tình, vì tiền, vì cuộc đời đưa đẩy... nhưng cám ơn đời đã nhiều lần cho tôi đủ quyết tâm và can đảm để đứng lên mà bước tiếp.
03 Tháng Sáu 2019(Xem: 11876)
ánh mắt thầy dường như hướng về một nơi xa, như nhớ mãi lời ca “ Ngô Quyền ơi! Qua bao nhiêu năm vẫn xanh màu kỹ niệm. Ngô Quyền ơi! Qua bao nhiêu năm tình cảm vẫn đong đầy ..."