Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - HỌC TRÒ XƯA KÍNH TIỄN BIỆT THẦY DẠY SỬ

16 Tháng Mười 201611:28 SA(Xem: 14644)
Nguyễn Trần Diệu Hương - HỌC TRÒ XƯA KÍNH TIỄN BIỆT THẦY DẠY SỬ

HỌC TRÒ XƯA KÍNH TIỄN BIỆT THẦY DẠY SỬ

 thay-pham-duc-bao-content

 

Ơn sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi.
(Thơ của học trò thi sĩ Đông Hồ)
 

Học trò Thầy ở Bùi Chu, miền Bắc

 

Ngày xưa, xưa lắm, thời thầy Phạm Đức Bảo còn ở trong độ tuổi hai mươi, trong một lớp đệ nhị ở trường Bùi Chu ngoài Bắc có anh học trò Nguyễn Phi Hùng, sau này thành giáo sư Toán ở một ngôi trường ở miền Nam do ông thầy dạy Sử của mình làm Hiệu trưởng. Rồi từ giáo sư Toán, Thầy Bảo đưa học trò đi làm Hiệu trưởng ở một ngôi trường Trung học ở Long Khánh . Thầy Phạm Đức Bảo đã đào tạo học trò thành một ông Hiệu trưởng nghiêm khắc, góp phần xây dựng, cũng cố nền giáo dục nhân bản, khai phóng của miền Nam.

 

Học trò Thầy ở Quốc Học, miền Trung

 

Ngược thời gian về 60 năm trước, niên khóa 1956-1957, giáo sư Sử Địa Phạm Đức Bảo dạy Sử thế giới cho các lớp đệ tam B (lớp 10 sau nầy) ở Quốc học (Huế). Lúc đó, quý thầy Trần Phiên, Lê Quý Thể, Tôn Thất Long, Tôn Thất Để đang ngồi trên ghế học trò. Lớn hơn một chút, thầy Thân Trọng Bình ở lớp Đệ Nhị cũng đã là học trò Thầy Bảo niên khóa 55-56.

 

Dù các Thầy đang học ban B, môn Sử là môn phụ, nhưng đều học hành nghiêm chỉnh vì lúc đó dưới nền đệ nhất cộng hòa, nền giáo dục nhân bản, khai phóng tuy mới hình thành nhưng rất vững, học trò học hành nghiêm chỉnh và nhìn ông thầy như một biểu tượng gương mẫu.

 

Giáo Sư Phạm Đức Bảo trong mắt học trò đệ nhị cấp Quốc học là một chứng minh của văn võ song toàn.

 

Rồi trôi theo dòng đời, Thầy Bảo rời Huế, đổi vào Biên Hòa, dạy Sử ở đệ nhị cấp cho những khóa đầu tiên của Ngô Quyền. Khi Thầy trở thành ông Hiệu trưởng của Ngô Quyền, thì các cậu học trò xưa đang học năm cuối ở Đại học Khoa học, và theo lời Thầy về Biên Hòa dạy Toán cho các lớp ban B trong lúc chờ Bộ Giáo dục bổ nhiệm thêm giáo sư Toán cho NQ

 

Và các ông thầy trẻ đã mang kiến thức học được từ Khoa Học với Giáo Sư Đặng Đình Án, cộng với lối dạy của thầy Bảo vào dạy cho các lớp ban B khóa 3, 4, 5, 6 của Ngô Quyền.

 

Nghe tin Thầy Bảo mất, học trò Thầy hơn nửa thế kỷ trước, tóc bạc, mắt mờ, tai không còn tốt, trí óc bắt đầu lãng đãng khói sương nhưng hình ảnh ông Thầy năm xưa, và những bài Sử thời Trung học vẫn còn đó ngậm ngùi tưởng niệm Thầy từ Mỹ, từ Pháp, từ Canada.

 

Xin được viết bài này như một nén hương thành kính đưa Thầy về với hư không từ quý Thầy Nguyễn Phi Hùng, Lê Quý Thể (California), Trần Phiên (Texas),Tôn Thất Để (Canada), Tôn Thất Long (Pháp), Thân Trọng Bình (Việt Nam).

 

Nguyễn Trần Diệu Hương
CA, tháng 10/ 2016

 

 

22 Tháng Bảy 2009(Xem: 92016)
Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi...
26 Tháng Năm 2008(Xem: 11486)
Tôi nghĩ dạy Văn (Quốc Văn) không có nghĩa là, người dạy phải biết làm văn, làm thơ (nghĩa là sáng tác ra một bài văn, bài thơ theo cảm hứng nào đó).