NẾU CÓ THƯƠNG AI, THÌ HÃY THƯƠNG NGAY…
Tôi thích thú ngắm cơn mưa xuân nhẹ rơi trên giàn thiên lý, những giọt mưa làm dịu mát hoa lá vườn nhà sau những ngày nắng nóng bỏng da. Nhâm nhi vài hạt chocolate nhiều màu sắc, chiêu ngụm café đen nóng trong cái se lạnh thuần khiết ban mai, ngồi bên hiên nhà tôi cảm thấy lòng mình bình yên chi lạ…
Được tận hưởng không khí trong lành miền quê giữa phố thế này, là đặc ân lớn đất trời ban tặng tôi trong quãng ngày chiều. Nhưng cuộc đời mà, nào ai mơ được lâu đâu? Tiếng gào lãng xẹt “Nếu có yêu tôi…” bất ngờ ập tới, khiến tôi giật mình vụt bay khỏi giấc mơ xuân…
Mùng 5 Tết Bính Thân năm 2016 tôi rủ Nguyễn Chí Hiếu, bạn học chung khóa 13 NQBH đi chúc Tết thầy hiệu trưởng. Nhưng buổi chiều hôm đó Hiếu cùng mẹ của bạn phải ra sân bay trở lại Hoa Kỳ, vì vậy bạn hẹn tôi lần sau về quê sẽ đến thăm thầy…
Lần sau đó không bao giờ đến nữa, bởi mùa thu năm ấy thầy hiệu trưởng trường tôi giã biệt hồng trần. Để đến xuân năm nay, tôi đưa bạn Hiếu đến chúc Tết thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo qua làn khói nhang hư ảo. Nhưng không sao cả, dù cho thầy còn tại thế hay đã về bến vĩnh hằng, thì học trò cũ trường Ngô Quyền xưa vẫn luôn nhớ công ơn thầy hiệu trưởng…
Không ai biết trước ngày mai rồi sẽ ra sao, trong khi lứa chúng tôi giờ đây đã cận kề thất thập. Cho nên tôi luôn tâm nguyện, chớ hẹn đừng hò cho bụng dạ an yên. Dẫu biết bạn Hiếu rất mệt sau chuyến bay dài – chưa kịp thích nghi sinh hoạt trái giờ nước Mỹ – tôi vẫn tức thì “lôi” bạn đi thăm và biếu quà xuân thầy cô giáo cũ, để bạn không có cơ hội hối tiếc (?!...) lần hai.
Cô Lê Vân Giáp xúc động khi biết học trò phương xa đến thăm, xin phép gia đình thắp nhang viếng thầy giáo cũ nhân dịp xuân về:
- Từng tuổi này rồi, mà các em vẫn nhớ đến thầy. Thật đáng quý!...
Thời học trò, tôi không được học với thầy Lê Vân Giáp. Lúc thầy Lâm Tấn Văn cho tôi hay tin, thì thầy Giáp đã rời trần trước đó hai năm. Nhưng với nghĩa tình sư sinh đong đầy ký ức, Dung Phùng và tôi đến viếng muộn thầy Lê Vân Giáp theo hướng dẫn của thầy Lâm Tấn Văn. Để từ đó trở đi, tôi và các bạn của tôi hằng năm vẫn đến thăm gia đình thầy, bày tỏ tấm lòng trò xưa đối với thầy xưa cho dù thầy đã rời xa dương thế.
Mùa xuân năm nay bạn Hiếu cùng tôi đến thăm gia đình thầy Giáp, cùng tôi thực hiện nghĩa cử tri ân. Tôi tin nơi nước Chúa Trời, linh hồn thầy Stephano Lê Vân Giáp sẽ được sưởi ấm bởi ân tình của những cựu học sinh trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa, nơi thầy Giáp đã từng đứng trên bục giảng…
Đến thăm thầy Đoàn Viết Biên và thầy Lê Hoàng Long – ngoài món quà xuân tôi chuẩn bị sẵn – Hiếu khá ý nhị gửi phần hùn vào chiếc phong bì đỏ tôi biếu riêng thầy uống thuốc…
Thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long tuy không nghe được tiếng, nhưng vẫn thấy được hình. Nhìn hàng chữ to ghi trên gói quà, là thầy biết học trò xưa đang nói chuyện về thầy. Lần này trông thầy tươi tỉnh, linh hoạt hơn những lần trước tôi đến thăm. Tuy có người phụ chăm, nhưng cô Hoàng vợ của thầy Long đã có lần phải nhập viện vì đuối sức. Thầy không phân định được xưa – nay, sáng – tối (?!...) nên cả nhà gần như phải nương theo sinh hoạt đảo lộn của thầy.
Tết năm nay thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long chín mươi tư tuổi, hiện là cựu giáo sư Ngô Quyền – Biên Hòa cao niên nhất, cùng nhóm U.10 với thầy Đoàn Viết Biên và thầy Nguyễn Kim Linh.
Thầy Đoàn Viết Biên càng ngày càng gầy yếu, nhưng Tuyết Mai – con gái của thầy Biên, người trực tiếp chăm sóc bố – cho tôi biết, việc chăm thầy ít vất vả bởi thầy rất hợp tác với các con. Tuyết Mai kể:
- Dạo gần đây bố của em lẫn lộn nhiều lắm, nhưng hễ em nhắc tên chị Mai là bố nhớ ngay là chị Mai ở Biên Hòa…
Hiếu trao tặng thầy Biên món quà xuân mới, cùng lời chúc Tết của nhóm cựu học sinh Ngô Quyền – Biên Hòa. Thầy hiền hòa đón nhận tấm lòng của học trò, bằng nụ cười tươi tắn hồn nhiên:
- Ah thầy cũng được lì xì này…
Thầy Đoàn Viết Biên hiếm khi từ chối lời mời họp mặt của học trò xưa, nên tôi luôn chuẩn bị sẵn thức ăn để thầy dùng riêng, bởi tôi biết thầy Biên chay tịnh đã nhiều năm. Dạo sau nầy do không được khỏe, thầy Biên đành thôi thăm gặp lại đồng nghiệp cũ. Thầy cũng phải ngưng tọa thiền hằng ngày, nhưng tôi tin năng lượng hành thiền đủ để thầy Biên tiếp tục dưỡng tu ở tuổi chín mươi hai.
Cũng như tôi, Hiếu không được học với thầy Lâm Tấn Văn. Nhưng bà xã Lê Liễu Dung của Hiếu lại thuộc Top học trò cưng môn Vạn Vật của thầy Văn. Dung có hoa tay, trình bày vở bài học rất đẹp và tất nhiên, bạn cũng học giỏi nên lưu ấn tượng trong ký ức thầy xưa.
- Thầy ơi! Đây là bạn Nguyễn Chí Hiếu, ông xã của Lê Liễu Dung đó thầy…
- À, Liễu Dung lần trước có đến thăm thầy…
Gia đình thầy Lâm Tấn Văn hôm nay khá đông vui, con cháu của thầy mang quà Tết biếu bố mẹ. Cô Nhung cũng vừa phẩu thuật thay khớp gối nhân tạo, nên các con của thầy cô càng quan tâm bố mẹ nhiều hơn. Vết thương chưa lành hẳn, nhưng cô Nhung vẫn lạc quan:
- Thầy bây giờ có cô làm đồng minh rồi, hai ông bà già trị liệu vật lý tại nhà cũng vui vui…
- Cô ơi! Có bác sĩ, dược sĩ cây nhà lá vườn – là con & cháu của thầy cô – thường xuyên thăm nom chăm sóc, thầy cô tha hồ tịnh dưỡng…
Sau khi thầy Văn tai biến đột quỵ lần ba, tôi không thể đưa thầy đi café sân vườn được nữa. Cô Nhung biết vậy nên bảo tôi, cứ chọn nhà cô làm địa điểm mời thầy cô họp mặt. Trà và café nhà cô có sẵn, các món ăn khác chỉ cần gọi điện là học trò của cô sẽ mang đến tận nhà…
Biết được nỗi lòng của cô Võ Thu Thủy, tôi vừa cười vừa nhắc lại câu nói kinh điển của thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo lúc sinh tiền:
- Thầy này chết, Thầy kia chết, chỉ có tôi là chưa chết (?!...)
Lần nào tôi đến thăm, thể nào thầy cũng lập lại câu nói này trong câu chuyện của thầy trò. Thầy còn giải thích với tôi về sự kiện chết như thế này:
- Chết chỉ là thay đổi trạng thái sống, là chuyển kiếp khác mà thôi, chẳng có gì phải lo cả….
Kể với cô Thủy câu chuyện cũ này, tôi nhằm xoa dịu tình trạng bất ổn đang bủa vây tâm trí của cô. Tôi biết nếu suy nghĩ nhiều cô Thủy sẽ mất ngủ triền miên, càng ảnh hưởng không tốt đến chứng suy tim mạch cô đang điều trị:
- Nếu biết cô suy giảm sức khỏe, liệu cô Hòa có được vui không? Càng lớn tuổi em càng tin, thần giao cách cảm là có đó cô…
Cô Thủy càng bứt rứt nhớ thương cô Hòa nhiều chừng nào, sự tương giao tình bạn càng hành hạ tinh thần cô Hòa nhiều chừng ấy, sẽ khiến lòng dạ cô Hòa không được an yên. Hóa ra cô càng thương bạn, cô càng hại bạn hay sao? Thương nhưng đừng hại mới là điều tốt lành cho cả hai cô. Lôi đủ chuyện đông tây khích lệ tinh thần cô Thủy, để cuối cùng tôi cũng thú thật với cô:
- Cô ơi! Những điều em nói toàn do quý thầy trụ trì, quý linh mục đã giảng giải trên internet. Em xem rồi kể lại cô nghe, chứ không phải là ý của em đâu nha cô…
Chắc chắn cô Thủy biết tỏng tòng tong bài bản của tôi nên cười lớn, chỉ là có đứa học trò lăng quăng chút xíu cho hai cô trò khuây khỏa cũng vui. Lần này cô Võ Thu Thủy cho tôi xem một kỷ vật có tuổi đời suýt soát bảy mươi năm, đó là tấm hình chụp đôi bạn thân cùng chung một lớp ở Trường Sư phạm Sài Gòn. Rất dễ thương…
Đang lúc cần sự yên tĩnh nên giai điệu rộn ràng Nếu có yêu tôi khiến tôi hơi dị ứng, thế nhưng nỗi niềm nhà thơ Ngô Tịnh Yên gửi gấm qua bài hát lại ẩn chứa triết lý sống quá tuyệt vời. Tôi bất chợt nghêu ngao “Nếu có thương ai (?!...) thì hãy thương ngay bây giờ. Đừng đợi ngày mai, đến lúc ai xa đời…” Bỗng dưng tôi thương thương quá, thầy cô giáo cũ của mái trường xưa…
Tháng 02/2023
Diệp Hoàng Mai