Ngày xưa mỗi cuối giờ học, bảng đen được xóa sạch bởi Thầy Cô giáo vừa dạy xong hoặc bởi đội trực hôm đó. Vậy mà thỉnh thoảng bảng không được bôi xóa vì nhiều lý do. Chẳng hạn, cuối buổi học, "phe ta" đói bụng quá, ba chân bốn cẳng ôm cặp chạy về, để lại cái bảng đen đầy chữ hoặc hình cho lớp buổi chiều…lau giùm.
Kính mời quý Thầy Cô, mời các anh chị, mời bạn quay về với một ngày bình thường ở trường Ngô Quyền thân yêu ngày xưa, có giờ Vạn vật, giờ Công dân, rồi giờ Hình học của CHS Nguyễn Trần Diệu Hương để thấy có những điều, mà dù năm tháng chất chồng với nhiều kiến thức, nhiều lo toan nằm trong đầu óc, các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.
Hồi đó mỗi lần nghe câu hát " hiền như ma soeur", cà lớp đều nghĩ đến Cô Phạm Thị Khang vì Cô hiền và rất nghiêm. Chúng tôi cứ tưởng tượng cô Khang trong chiếc áo chùng đen của những bà soeur thay vì trong chiếc áo dài quen thuộc của một nhà mô phạm.
Cô Khang dạy Vạn vật, nên vẽ rất nhiều hình trên bảng. Cô vẽ đẹp đến nổi cuối giờ Vạn vật, đội trực không … nỡ bôi bảng. Giờ kế là giờ Công dân, thầy Huỳnh Quan Phận vô lớp, chắc Thầy cũng thấy hình hệ thống tuần hoàn Cô vẽ có máu đỏ và máu đen ra vào quả tim rất đẹp, và đẹp hơn cả hình trong sách Vạn vật nên Thầy cũng chỉ dùng có một nửa bảng đen.
Đến giờ Hình học của thầy Huỳnh Kim Thân, không biết có phải “tư tưởng lớn” gặp nhau, Thầy Thân cho chúng tôi làm bài kiểm suốt giờ Toán nên hệ thống tuần hoàn với máu đen (vẽ bằng phấn xanh) và máu đỏ (vẽ bằng phấn hồng) vẫn còn nguyên. Giờ Hình học là giờ cuối, chúng tôi làm bài kiểm xong, mặt mày phờ phạc vì vừa đói bụng, vừa phải suy nghĩ về bài kiểm Toán; vả chăng hình vẽ Vạn vật của cô Khang rất đẹp, nên không đứa nào nghĩ đến chuyện bôi bảng; lớp con trai buổi chiều cũng có dịp được chiêm ngưỡng tác phẩm của cô Khang, một kết hợp toàn hảo giữa Vạn vật và Hội họa.
Đó là kỷ niệm xưa. Bây giờ Thầy Thân đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ trường Ngô Quyền, bỏ chúng tôi, lũ học trò bé bỏng ngây thơ thủa nào… Thầy Phận hình như đang ở Seattle, Washington, tiểu bang Tây Bắc của nước Mỹ, một nơi mưa hơn 200 ngày mỗi năm vẫn được tôi đặt tên là “thành phố nhỏ lệ thương đời”. Và cô Khang, từ hơn ba thập niên qua, cũng như Thầy Phận và Thầy Thân, Cô mãi mãi xa rời bục giảng.
Đúng như chúng tôi đã nhận xét về hình vẽ rất đẹp, và sắc sảo của Cô, sau khi rời bục giảng từ hơn 30 năm qua, Cô sống bằng nghề vẽ truyền thần ở Sài Gòn.
Tôi chưa được dịp gặp lại cô Khang từ tháng 4/75, chưa được hân hạnh chiêm ngưỡng những bức vẽ chân dung, hay vẽ tĩnh vật của Cô để so sánh với trái tim và hệ thống tuần hoàn năm xưa, nhưng tôi biết chắc Cô vẽ không chỉ để mưu sinh mà còn vẽ với lòng đam mê của một nghệ sĩ, như ngày xưa Cô vẽ hình trên bảng không chỉ bằng kiến thức của một giáo sư Vạn vật mà còn bằng trái tim của một họa sĩ.
Cô Khang ít nói nhưng Cô thương lớp chúng tôi lắm. Có lẽ vì chúng tôi là 55 nữ sinh đậu cao nhất trong kỳ thi vào lớp Sáu năm xưa, lúc nào cũng chăm chỉ học hành, như trên đời không có gì để lo nghĩ ngoài chuyện học. Mà cũng có thể vì cô Khang là chị cả nên Cô thương chúng tôi như những đứa em gái út của Cô ở nhà.
Hình ảnh rõ nét nhất tôi còn giữ được về cô Khang là đôi mắt sáng, lấp lánh sau cặp kính cận, đôi mắt ánh lên niềm vui khi bài thi Vạn vật của lớp chúng tôi điểm thấp nhất lớp là 13/20, và bài giỏi nhất được điểm tuyệt đối 20/20.
Thưa Cô, xin được thay mặt cả lớp, hôm nay em ghi lại vài kỷ niệm về Cô. Thầy trò mình đã mất đi 35 năm kể từ ngày tụi em từ hai dãy bàn học trò nhìn lên Cô trên bục giảng thời Trung học, nhưng lòng kính thương của tụi em đối với Cô vẫn còn nguyên vẹn như một thủa nào mình còn ở trường Ngô Quyền.
Trong em, và có lẽ trong ký ức của cả lớp, hệ thống tuần hoàn trên bảng đen ngày xưa vẫn còn nguyên mặc dù tuổi đời của tụi em bây giờ đã hơn gấp ba thời tụi em còn được nghe Cô dạy Vạn vật ở trường Ngô Quyền .
Em mong Cô luôn vui khỏe để Thầy Trò mình còn có được cơ duyên hạnh ngộ dù mình đã ở xa nhau nửa vòng trái đất….
California, hè 2009
Nguyễn Trần Diệu Hương
Trong lúc viết bài MGTT về Cô Phạm Thị Khang (vào khoảng tháng 8, 2009), Nguyễn Trần Diệu Hương đã cố gắng tìm cách liên lạc và thăm hỏi tin tức của cô giáo cũ, người có những nét vẽ thật tuyệt vời trong các giờ Vạn vật mà thời gian dù đã hơn 35 năm trôi qua nhưng vẫn chưa hề nhạt phai trong ký ức cô học trò lớp sáu, lớp bảy ngày xưa. Rất tiếc, Diệu Hương đã không còn cơ hội để gặp lại người cô kính yêu cũ của mình lần nào nữa, dù cuối bài viết Diệu Hương đã bày tỏ niềm ao ước thiết tha là: “Em mong Cô luôn vui khỏe để Thầy Trò mình còn có được cơ duyên hạnh ngộ dù mình đã ở xa nhau nửa vòng trái đất…” . Một ước mơ mãi mãi không bao giờ thành sự thực nữa vì cô Phạm Thị Khang đã ra đi vào ngày 27 tháng 9, 2010 vừa qua.
Nhận tin cô mất với lòng ngỡ ngàng, xót xa… Sáu mươi bốn tuổi, trong thời đại này, là …chết trẻ đấy cô ơi! dù chưa được hân hạnh là học trò của cô, nhưng qua những lời kể của Diệu Hương và tấm lòng của anh Phạm Anh Quân dành cho cô trong thư dưới đây, chắc chắn sẽ còn rất nhiều niềm thương, nỗi nhớ dâng đầy của học trò và bạn bè đồng nghiệp của cô trong những ngày sắp tới khi nhớ về cô, về sự ra đi, mất mát lớn lao này.
Vĩnh biệt cô Phạm Thị Khang, cô thương mến! Xin gửi đến Cô những nén hương lòng thay cho lời biết ơn sâu xa của những đứa học trò đã không còn dịp gặp lại cô lần nữa. Nguyện xin Cô sớm được an vui trên cõi thanh tịnh, an lạc đời đời.
BBT
Lời tâm sự của một học trò cũ, anh Phạm Anh Quân, và một số hình ảnh viếng tang cô Phạm Thị Khang gửi từ Việt Nam ngày 29 tháng 9, 2010: Di ảnh Cô Phạm Thị Khang Vòng hoa phúng điếu của Cựu học sinh NQ Sàigòn 30/9/10
Gần trưa 29/9/10, bạn Nguyễn văn Thoại ở Biên Hòa gọi phone cho tôi ở SG: chiều nay nếu rảnh hẹn cùng đến viếng tang lễ cô Khang vừa mất, mai hỏa thiêu rồi, nhà Cô ở trong hẻm gần chợ Vườn Chuối Q.3 Tôi là học trò Cô, cũng ở SG mà không biết gì hết, nghe Tin Buồn trễ từ bạn bè ở BH báo. Tôi nhắc Thoại; nhớ đem theo máy ảnh chup vài tấm gửi kèm tin báo đến website NQ. Thoại nói: chắc không cần đâu, cần thiết thì xin ít hình từ người nhà Cô (gia đình Cô có 3 người đã từng đoạt giải thưởng Nhiếp ảnh Quốc tế) Tôi lại nghĩ khác: tang gia đang bối rối, có ai rảnh rang mà email hinh cho mình hoặc gửi hình đến website NQ, hoặc copy ra usp cho mình mượn...? Tôi liền đi mượn 1 camera phone, sạc đầy pin với suy nghĩ: thông tin việc gì cũng nên nhanh và sớm càng tốt, đám tang xong xuôi rồi mới đưa tin thì dở quá! Hai ngày tang lễ trước thế nào tôi không rõ, riêng buổi tối cuối cùng đó (29/9/10) nhóm học trò chúng tôi gồm 8 người đến viếng Cô lần cuối. (SG có 3 người: Lê quang Đạt, Trần minh Tâm và tôi. BH có 5 người: Nguyễn văn
Thoại, Đặng văn Viên, Đỗ tấn Dũng, 2 bạn không nhớ tên vì sau khi chia ban lớp
10 tôi không học cùng lớp, cùng đi từ BH có cô Quy (dạy Pháp văn, nhà ở BH, đồng nghiệp của cô Khang) Khi đến nhà, Thoại nhắc tôi hỏi ý kiến gia đình Cô trước khi chụp hình. Anh Trung (em trai cô Khang) đồng ý cho tôi chụp 1 số hinh để gửi kèm tin báo đến website NQ. Chúng tôi đến viếng Cô lúc 6g chiều và ra về 7g30 tối cùng ngày (29/9/10). Xin cầu nguyện cho hương hồn cô Khang sớm siêu thoát nơi cõi Phật. Phạm Anh Quân (học trò cô Khang, lớp 8/8 năm 72-73 và lớp 9/8 năm 73-74) Phạm Anh Quân đứng bên linh cữu và di ảnh cô Khang, Anh Phạm Đình Trung (bào đệ cô Khang) buổi tối 29/9/10 |
Điếu Văn Tiễn Cô Khang Lần Cuối Vậy là cô vĩnh viễn ra đi không cho lũ học trò xưa được gặp lại Cô thêm một lần ở ngoài khung cửa lớp. Gần đây em được nghe Cô Tâm kề lại Cô chỉ dạy ớ Ngô Quyền từ năm 1972 đến năm 1976 nhưng hầu hết chs NQ khóa 15, 16, và 17 đều là học trò cùa Cô vì tụi em chì được học một giờ Vạn vật mỗi tuần với Cô. Làm một bài toán nhân nhỏ trong đầu, Cô có đến gần hai ngàn học sinh cũ ở N Q. (55x12x3 = 1980). Vậy mà đến chào Cô lần cuối chì có 8 nam sinh của khóa 15. Số còn lại dù đang sống đời lưu lạc hay còn sống ở quê nhà đều ngậm ngùi thương tiếc Cô và nhớ đến những giờ Vạn vật êm đềm ở Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa. Vài tháng trước, về VN chịu tang cha rất đột ngột, em mất hết cảm giác,không còn tinh thần nghĩ đến chuyện đến chợ Vườn chuối lần mò hỏi thăm Cô. Cô tha lỗi cho em, em chì ớ Saigon vòn vẹn chưa đến 48 tiếng cho một chuyến về nhà đầy nước mắt và đau buồn. Ngồi trên máy bay trờ về Mỹ, em nhìn xuống Saigon nhỏ dần dưới cánh máy bay, tưởng tượng ra Cô đang âm thầm nhưng can đàm chiến đấu với bệnh tật, tự hứa với lòng lần tới về nhà nhất định em sẽ ghé thăm Cô. Trong trường hợp này, buồn thay "nhân định không thắng nổi thiên định" phải không thưa Cô? Bây giờ Cô đã thênh thang ở hạc nội mây ngàn, đã gặp lại rất nhiều bạn bè đồng nghiệp và cả học trò. Không có một nữ sinh NQ nào có dịp chảo tiễn biệt Cô lần cuối, nhưng chắc là có ít nhất là 3 nữ sinh lớp em (Bích Chương, Yến Nhi, và Châu) đón Cô ở cõi vĩnh hằng. Ờ đời sống này, khắp mọi nơi, từ Việt Nam qua Úc, đến Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Canada, Mỹ , tất cả chs NQ khóa 15, 16, và 17 xin kính cẩn chào Cô lần cuối, như ngày xưa ở NQ tụi em vẫn đứng dậy chào Cô mỗi đầu giờ khi Cô bước vào lớp Xin mượn hai câu thơ cùa học trò thi sĩ Đông Hồ để vĩnh biệt Cô: "Ân sâu nghĩa nặng tình dài. Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi"
Cầu mong Cô đi an bình, thanh thản. CHS NQ khóa 15, 16 và 17 luôn nhớ đến Cô Nguyễn Trần Diệu Hương |