Tưởng Niệm Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo (1920 - 2016)
Để tưởng niệm Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo
Bộ Sưu Tập bài Viết, Video, Hình ảnh của Thầy
Lời chúc cuối cùng của Thầy PHẠM ĐỨC BẢO gửi ra Hải Ngoại
BÀI VIẾT của Thầy PHẠM ĐỨC BẢO dành cho Kỷ Yếu Ngô Quyền 2004
Sự Hình Thành Và Phát Triển của
Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa
Từ Năm 1956 Đến 1975
Cám ơn các em học sinh Ngô Quyền hải ngoại và ở quê nhà với tấm lòng nhớ tới những người đã đi trước dìu dắt các em thành nhân và thành thân.
Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa ra đời năm 1956 với 4 lớp đệ Thất. Những người có công lớn khai sinh ra trường Ngô Quyền là ông Phan Văn Nga, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học, với chức vị Quyền Hiệu Trưởng và ông Hồ Văn Tam, thanh tra Ty Tiểu Học, giữ chức vị Quản Đốc đầu tiên của trường Ngô Quyền (vì trường chưa đủ đến lớp đệ Tứ nay là lớp Chín). Đến năm 1959, trường Ngô Quyền có 16 lớp từ đệ Thất đến đệ Tứ. Ông Tam sau về Ty Tiểu Học, và Bộ Giáo Dục lúc bấy giờ cử ông Huỳnh Quốc Tuấn, dạy Pháp Văn ở trường Petrus Ký Sài Gòn, làm Hiệu Trưởng. Đấy là người Hiệu Trưởng chính thức đầu tiên của trường Ngô Quyền. Đến năm 1961, vào tháng 10, ông Tuấn được gọi tái ngũ và sau đó ông Tuấn lại về dạy ở Petrus Ký. Ông Huỳnh Quốc Tuấn đã qua đời ở Pháp năm 1986. Ông Tuấn ra đi, tôi là người được ông đề cử thay làm Hiệu Trưởng. Lúc ấy, trường Ngô Quyền có 4 lớp đệ Nhị A và B. Tôi làm Hiệu Trưởng từ năm 1961 đến 1973, người thay tôi là ông Phạm Khắc Thành cho đến 30/4/1975, và ông Thành cũng đã qua đời giữa năm 2002 tại California, Mỹ.
Ban Giám Hiệu khi tôi làm Hiệu Trưởng tháng 10/61, có ông Phan Thanh Hoài làm Giám Học, bà Huỳnh Tư Múi làm Tổng Giám Thị. Ông Phan Thanh Hoài, một người bạn rất đôn hậu và đã dạy ở Ngô Quyền từ năm 1957. Năm 1964, ông Hoài sang Mỹ du học và sau khi tốt nghiệp đã về dạy ở trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức thuộc trường DP/SP-Sài Gòn. Nay ông Hoài đang ở
Ông Phạm Khắc Thành làm Giám Học từ 1966 cho đến 1973. Sau ông Thành là ông Hoàng Đôn Trịnh tiếp tục chức vị này cho đến 30/4/1975. Nay ông Trịnh ở
Từ 4 lớp đệ Thất năm 1956 cho đến 1975, trường NQ đã phát triển mạnh tới gần 90 lớp, một trường trung học lớn nhất miền Đông Nam Phần VN.
Năm 1962, số học sinh đậu tú tài I là 70% và năm 1963, học sinh đậu tú tài II cả hai ban A và B lên tới 80%. Một thành quả tốt đẹp nhờ sự chăm chỉ học hành và khiếu thông minh của dân xứ Bưởi, và cũng nhờ sự giáo dục tận tâm của các thầy cô từ lớp đệ Thất (1956) cho tới các thầy cô sau này. Cũng cần phải nói thêm là năm 1964, nhà trường có mở thêm ban C nhưng chỉ đến lớp đệ Tam thôi và có rất ít người học, vì vậy học sinh lên đến đệ Nhị C thì phải chuyển về Sài Gòn học. Những thầy cô dạy đầu tiên ở Ngô Quyền từ năm 1956 là quý vị Đinh Văn Sái, Bùi Quang Huệ, Phạm Văn Tiếng, Trần Minh Đức, Trần Văn Lộc, Hồ Văn Vinh, Phạm Văn Mẫn, Dương Hòa Huân, Phan Thanh Hoài, Trương Phan Nam Minh, Phạm Thị Thanh, Hoàng Phùng Võ, Phan Thông Hảo rồi sau tới quý cô Đào Thị Nga, Đinh Thị Hòa, Bạch Thị Bê, Bùi Thị Ngọc Lan, Khương Thị Bàn, Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Hồng, Đặng Thị Trí, Nguyễn Thị Luông, Huỳnh Thị Tâm. cùng quý thầy Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thất Hiệp, Hoàng Quý Nam, Phạm Ngọc Quýnh, Nguyễn Sơn, Đào Mạnh Đạt v.v… tiếp tục là quý thầy Nguyễn Thế Văn, Thân Trọng Hưng, Đặng Quốc Toản, Lê Tiến Đạt, Trần Thanh Thủy, Tôn Thất Long, Nguyễn Trường Hải, Nguyễn Văn Luận cùng các cô Vương Chân Phương, Hà Bích Loan, Trần Thị Kim Chi v.v… và còn nhiều quý vị thầy cô nữa mà tôi không đủ giấy mực để kể hết ra đây. Tôi còn nhớ người đầu tiên dạy Triết ở các lớp đệ Nhất 62-63 là thầy Nguyễn Xuân Hoàng. Nay nhiều vị đã về cõi vĩnh hằng như các cụ Sái, Huệ, Tiếng, và các thầy Phạm Văn Dật, Dương Hồng Duyệt v.v…
Về trường ốc, thoạt tiên còn phải mượn các lớp của Ty Tiểu Học BH nhất là trường Nữ Công Gia Chánh trước bệnh viện BH. Các lớp đệ Tam năm 60-61 còn học tại trường này. Mãi đến năm 61-62 mới chuyển sang hai dãy trường mới ở gần Vườn Mít. Trường mới là hai dãy lầu rồi trường phát triển phải xây thêm một dãy nữa theo hình chữ U có một sân chơi khá rộng và một nơi để xe đạp, do ông Nguyễn Khắc Thành, kỹ sư Giám Đốc nhà máy Tân Mai tặng. Sau nhà xe phá đi để xây thành một hội trường lớn với phòng đọc sách rồi phòng thí nghiệm về Khoa Học, Vật Lý, Hóa, Sinh Vật v.v… Nhưng vẫn chưa đủ phải xây thêm một dãy nhà mới nữa mới đủ phòng học cho các em học sinh, đã có tới gần 5000 em. Khi đó chúng tôi đề nghị Bộ Giáo Dục mở một trường Nữ Trung Học, nhưng không có đất và cũng không có kinh phí nên phải chia nữ sinh học buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Tư và buổi chiều từ thứ Năm đến thứ Bảy. Nam sinh cũng thế nhưng thời khóa biểu ngược lại. Trường cũng có một nhà tập võ Đại Hàn và Judo.
Kèm theo phát triển về trí tuệ là sự phát triển văn nghệ và thể dục thể thao. Chúng ta không bao giờ quên được những buổi trình diễn văn nghệ tại rạp Biên Hùng vào những năm 63-64… Quý vị hướng dẫn là những người yêu văn nghệ như quý thầy Nguyễn Thế Văn, Hoàng Phùng Võ, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Gia Hưng, Phạm Văn Dật, Hoàng Quý Nam, Nguyễn Hữu Vũ, Lê Hoàng Long, Dương Hồng Duyệt, các em hoc sinh Lý Thanh Phong, Lý Thanh Phi, cùng với Ngô Văn Sơn, Võ Thu Ngân, Dương Thị Rê… đã thu được kết quả tốt đẹp về mặt cảm tình, nghệ thuật, và tài chính.
Về hoạt động thể dục thể thao thì có quý thầy Phạm Đình Thắng, cô Khương Thị Bàn, Lê Thị Thảo, thầy Lê Quý Thể…
Hoạt động hiệu đoàn thì có quý thầy Trần Văn Phúc, Đoàn Viết Biên, Đinh Hữu Quyến, Hà Tường Cát… và cô Vương Chân Phương hướng dẫn các em hoạt động xã hội.
Sở dĩ trường Ngô Quyền phát triển được như vậy là nhờ Hội Phụ Huynh Học Sinh do Ông Lê Văn Nhơn làm Hội Trưởng rồi sau đến ông Đỗ Hữu Quờn. Ông Nhơn hiện đang ở Mỹ, còn ông Quờn đã qua đời. Nhờ cụ Phan Văn Nga và cụ Hồ Văn Tam cùng quý thầy cô đã tận tâm với ngôi trường này. Đúng là “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là vậy.
Các em học sinh Ngô Quyền hãy thắp nén nhang lòng để tưởng nhớ tới công ơn của các bậc thầy cô và nhất là các vị Phan Văn Nga, Hồ Văn Tam và Huỳnh Quốc Tuấn.
Đối với đất Biên Hòa, suốt nửa đời tuổi trẻ của tôi đã sống, tôi không bao giờ quên được với thật nhiều kỷ niệm vui và tình cảm nồng nàn với tỉnh BH. Tôi không bao giờ quên các em học sinh Ngô Quyền đã dành cho tôi những kỷ niệm tốt đẹp nhất. Qua Mỹ ba lần, tôi đều được quý thầy cô và các em học sinh đón tiếp nồng hậu chân tình ở Orange County, San Jose, và cũng như ở Virginia v.v… Cho tới ngày nay, hàng năm cứ ngày 31 tháng12 các em học sinh Ngô Quyền tổ chức tất niên và mang xe đón chúng tôi, quý cô Hà Bích Loan, Phan Kiều Tiên, quý thầy Đinh Hữu Quyến, Nguyễn Thế Văn v.v… và lại được gặp quý cô Đào Thị Nga, Võ Thị Thu Thủy, Khương Thị Bàn, Đinh thị Hòa, Nguyễn Thị Luông v.v… Quên làm sao được xứ Bưởi của các em.
Một lần nữa, tôi không bao giờ quên được ông Phan Thanh Hoài, một người đồng nghiệp đã giúp đỡ rất nhiều khi tôi làm Hiệu Trưởng Ngô Quyền từ 1961-1964, và cũng không quên được những người bạn cũ, ông Lê Hồng Sanh hiện ở Fair Fax, Virginia, ông Nguyễn Văn Sơ ở Biên Hòa v.v… cùng các cố nhân của tôi ở BH.
Cám ơn các em học sinh Ngô Quyền hải ngoại và ở quê nhà với tấm lòng nhớ tới những người đã đi trước dìu dắt các em thành nhân và thành thân.
Việt Nam, ngày 24 tháng 3 năm 2004
Phạm Đức Bảo
(Trích trong Kỷ Yếu NQ 2004)
VIDEO:
Thầy PHẠM ĐỨC BẢO tự kể chuyện đời mình.
ÔNG HIỆU-TRƯỞNG
GS Nguyễn Văn Phú
Hè 1965, tôi đến trình diện trường Ngô Quyền. Hiệu Trưởng là một ông to con, tóc cắt ngắn, mặc sơ mi bỏ ngoài, chân đi dép. Nghe tôi nói đến nhận việc, ông “đớp” ngay:
- Anh đến trễ quá, tôi đã báo cáo trả anh về Bộ rồi.
Tôi cố gắng bình tĩnh, phân trần:
- Thưa ông, bây giờ trường đang nghỉ hè, tôi đến sớm cũng đâu có lớp dạy.
- Không có lớp thì phụ việc Văn phòng.
Tôi đứng dậy, mất kiên nhẫn:
- Thưa ông, tôi được Bộ cử tới đây để dạy môn Quốc Văn, không phải để làm việc văn phòng. Nếu ông không cần tôi, tôi xin trở về Bộ để nhận nhiệm sở khác.
Tôi bỏ tờ Sự Vụ Lệnh vào túi, đi ra cửa. Ông bèn nói vói theo:
- Tôi chỉ nói thế thôi. Anh cứ về nghỉ, một tuần trước ngày khai trường trở lại.
Hai tuầu sau, tôi trở lại trường để nhận Thời Khóa Biểu. Gặp tôi, ông nói, tỉnh khô:
- Tôi đã đề nghị Bộ cử anh làm Tổng Giám Thị rồi.
Ông đưa tôi đi giới thiệu với mọi người, coi như giữa tôi với ông chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo là một người như vậy. Giản dị, bộc trực, quyết đoán, và dám dùng người. Chắc ông thấy tôi cũng có hơi…bướng, thích hợp với “nghề” TGT chăng?
Trong đời làm việc của tôi, từ dân tới lính, ông là vị chỉ huy duy nhất mà tôi còn nhớ tới, với lòng kính trọng.
(Trích trong Tuyển Tập Ngô Quyền 2006)
____________________________________________________________________________________________________________________________________
THẦY PHẠM ĐỨC BẢO - CUỘC ĐỜI MỘT NHÀ GIÁO
Hình chụp Thầy Phạm Đức Bảo (năm 2006) và (năm 2010)
Thầy Phạm Đức Bảo kể: “Cuộc đời dạy học của tôi đơn giản lắm! Tốt nghiệp khoa Sử Địa Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1952, bắt đầu sự nghiệp trên bục giảng trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu), (thời đó Hà nội chưa có Đại học Sư phạm). Năm 1954 vào Nam dạy ở Phan Thiết hai năm, chuyển về trường Quốc Học (Huế) dạy tiếp sáu năm. Làm hiệu trưởng trường Ngô Quyền (Biên Hòa) mười ba năm. Hai năm cuối cùng làm thanh tra Sở học chánh và Bộ giáo dục. Chỉ có thế thôi!…”
Về thời làm trò, thuở nhỏ Thầy Bảo toàn học trường Tây. Sau năm 1975, Thầy trở thành “học trò” bất đắc dĩ bảy năm ở Bà Tô (Xuyên Mộc). Rời “trường cải tạo ", Thầy được con trai bảo lãnh sang Đức định năm 1984. Thầy tiếp tục học tiếng Đức suốt ba năm, để không bị “câm, điếc” nơi xứ người. Và bây giờ, Thầy vẫn đọc báo Time hằng ngày bằng tiếng Anh, với chiếc kính hiển vi để nhìn rõ chữ.
Thầy Bảo cười nhớ lại: “Hồi đó, không trường nào đông nữ giáo sư có chồng … lái máy bay như trường Ngô Quyền. Thì chồng các cô làm việc sân bay Biên Hòa, về dạy trường Ngô Quyền là gần nhất. Phải nhận về dạy thôi!...” Thầy còn trọng dụng đội ngũ giáo sư trẻ tuổi, luôn tạo thuận lợi để thu hút các giáo sư trẻ về dạy ở trường. Quan tâm tới Thầy Cô giáo, là do Thầy Bảo quan tâm tới học trò tỉnh lỵ Biên Hòa. Có đủ giáo sư giảng dạy, sẽ có đủ lớp học cho trò, sau khi trò thi đậu Tú tài một. Học trò Ngô Quyền không phải vất vả, về Sài Gòn học lớp đệ nhất, để thi tiếp Tú tài toàn phần.
Thầy Bảo một thời nổi tiếng cương trực, không kiêng dè một ai. Học sinh ở trường, bất kể là con nhà lính hay con nhà quan, cứ vi phạm kỹ luật học đường là bị nhận Vitamine R (Roi) từ Thầy ngay tức khắc. Các nam sinh dù ngoan hay … quậy, ít nhiều gì cũng có “kỷ niệm đau thương” từ những ngọn roi nghiêm khắc của Thầy. Thời đó có lẽ do nữ sinh Ngô Quyền… quá ngoan hiền (?!..), nên ít khi học trò con gái bị Thầy Bảo phạt đòn như những nam sinh.
Sau mười lăm năm lưu lạc trời Âu, Thầy Bảo quyết định trở về nhà. Người gần gũi Thầy Bảo nhất trong thời gian này là Thầy Trịnh Hồng Hải, từng là bạn học với Thầy Phạm Thăng Long, em trai của Thầy Bảo. Từ lúc biết tin Thầy Bảo trở về, nhóm học trò 12B3 (NK 68-75) chúng tôi, năm nào cũng tháp tùng Thầy Hải đến chúc mừng Thầy nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo.
Thầy Hải, Thầy Thiện, Thầy Bảo, Hoàng Mai (2011) Thầy Đào Đức Thiện và Thầy Bảo (2011)
Thầy Hải và học trò lớp 12 B3 thăm thầy Bảo (ngày 20 tháng 11, 2011)
Cuối năm 2011, anh Phạm Phú Hòa (CHS.K1) đưa nhóm giáo viên Úc đến Việt Nam dự hội thảo chuyên đề giảng dạy tiếng Việt cho người Úc, anh mới hay tin Thầy Bảo đang sinh sống tại Sài Gòn. Quá bận rộn với chương trình hội thảo, sau giờ làm việc buổi chiều anh Hòa mới có thời gian trống chạy đến thăm Thầy. Thầy nheo đôi mắt già nua, nhìn “cậu” học trò xưa bây giờ bạc phơ râu tóc:
- Thầy ơi, còn nhớ con không? Con là Hòa, học sinh khóa 1 nè Thầy!...
- A! Có phải Phạm Phú Hòa đó không?
Niềm vui vỡ òa trong mắt của “cụ” học trò Phạm Phú Hòa. Tính từ lúc anh rời trường Ngô Quyền, hai thầy trò lạc mất nhau đã… 49 năm dài, cho đến nay mới bất ngờ gặp lại. Ấy vậy mà, Thầy Bảo vẫn nhớ đầy đủ họ tên của anh Hòa.
Thầy Bảo và anh Phạm Phú Hòa (2011)
Gần đây nhất là anh Đặng Vũ Vĩnh (CHS.K4) hiện sinh sống ở Melbourne, cũng đã hỏi tôi địa chỉ và số phone của Thầy Bảo. Từ lâu lắm rồi, anh không biết tin tức về Thầy. Anh chưa dự định bao giờ thăm lại quê xưa, nhưng anh hy vọng được nghe giọng nói của Thầy qua điện thoại. Hoặc ít nhất, cũng là món quà thay lời tri ân anh gửi đến Thầy hiệu trưởng, nhân dịp Lễ Tết hay sinh nhật của Thầy.
Còn nhớ lần đầu tôi rủ nhóm bạn học cũ thăm Thầy, vẫn có bạn thoáng ngại ngần:
- Thầy có nhớ mình là ai đâu mà tới?
- Cứ giới thiệu mình là cựu học sinh Ngô Quyền, Thầy sẽ biết liền! Mình nhớ Thầy, chứ Thầy làm sao nhớ hết học trò?...
Những lần sau thì bạn là người nhiệt tình nhất, mỗi khi chúng tôi rủ bạn thăm Thầy. Cũng như tôi bạn nghiệm ra rằng, chỉ một giờ được chuyện trò với Thầy, chúng tôi tích lũy cho mình quá nhiều kiến thức. Không nhận học phí, nhưng Thầy vẫn tiếp tục dạy cho đám học trò nhỏ ngày xưa, bao nhiêu là bài học sống ở trên đời…
Chín mươi hai tuổi, sức khỏe của Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo không còn như xưa, nhưng trí tuệ của Thầy vẫn còn minh mẫn. Chúng tôi vẫn ghé thăm Thầy mỗi khi có dịp, bởi chúng tôi hiểu Thầy bây giờ như một “cây đa, cây đề” quí hiếm của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, một ngôi trường từng trãi qua bao nhiêu biến động lịch sử, nhưng tình nghĩa Thầy trò vẫn hoài bền chặt keo sơn.
Tháng 04/2012
Diệp Hoàng Mai
Những mẫu chuyện vui về Thầy Phạm Đức Bảo
Thầy bao nhiêu tuổi?..
Khi biết ngày 23/12/1923 là sinh nhật của Thầy Phạm Đức Bảo, nhóm bạn 12B3 chúng tôi manh nha dự định tổ chức “thượng thọ” 90 tuổi cho Thầy vào tháng 12/2013. Nhưng tình cờ, tôi biết chính xác Thầy sinh năm Canh Thân 1920. Như vậy thì nếu tính luôn tuổi mụ, Thầy Bảo năm nay đã … 93 tuổi.
Theo cô cho biết, hồi xưa ông bà thường không làm tờ khai sinh liền, mà để hồi lâu sau mới trình làng xã. Cũng có khi chạy loạn khắp nơi, khi khai lại thì ngày sinh không chính xác. Vì vậy mà lúc sinh thời, cô Hà Bích Loan vẫn hay đùa : “Thầy Bảo không bao giờ nói tuổi thật của thầy đâu!...”
Địa chỉ nhà Thầy Bảo …
Thầy bây giờ già yếu, đi lại khó khăn, nhưng thầy vần kiên trì tập thể dục mỗi ngày. Thầy rất vui, khi có học trò cũ ghé thăm. Hiện nay Thầy đang cư ngụ tại nhà số 118/9 đường Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3; Có thể gửi email thăm hỏi Thầy theo địa chỉ quynhanhpham@hcm.vnn.vn ;
Thầy hay nói vui: “Cóc chết ba năm, quay đầu về núi” là vậy. Tuổi già của Thầy giờ an vui, với sự chăm sóc chu đáo của cô. Phân nửa đàn con của Thầy, cùng đàn cháu nội ngoại sống chan hòa xúm xít quanh Thầy. Đến nỗi Thầy Trịnh Hồng Hải hay đùa: “ Tôi đoán nay mai con đường trước nhà anh, sẽ đổi thành tên đường Phạm Đức Bảo đấy!...”
Thầy Bảo “Hẹc – Quynh”…
Năm 2002 Thầy Bảo đến bệnh viện Pháp Việt tại Sài Gòn khám bệnh. Con gái của Thầy đợi hơn một giờ đồng hồ, vẫn không thấy Thầy trở ra. Quá lo lắng, cô gõ cửa phòng khám bước vào. Cô bất ngờ, bởi câu chuyện giữa hai người đang dòn như pháo. Thì ra vị bác sĩ là học trò cũ của Thầy ở trường Quốc Học.
Vị bác sĩ hào hứng kể cho con của Thầy nghe mẫu chuyện về Thầy Bảo … Hẹc – Quynh:
“ Em biết không, hồi đó Thầy cưỡi chiếc mô-tô thể thao đi dạy học trông thật … ngầu! Tướng Thầy to cao, beau (đẹp) trai lắm! Có năm Huế lũ lụt, cầu Tràng Tiền ngập nước, xe không chạy được. Thế là Thầy vác bổng chiếc mô –tô trên vai, cứ thế lội nước qua cầu. Học trò Quốc Học bọn anh kính nể quá, nên gọi Thầy là Hẹc-Quynh từ đó…”
Mô – tô đua … xe lửa?...
Ngoài biệt danh “Hẹc Quynh”, Thầy Phạm Đức Bảo còn được học sinh và đồng nghiệp trường Quốc Học Huế gọi là “Thầy Bảo Mô-tô”. Một lần Thầy Bảo được điều động vào Sài Gòn chấm thi Tú Tài, phương tiện vận chuyển bằng xe lửa. Lần đó các đồng nghiệp “thách đấu” với Thầy rằng:” Nếu Bảo đi vào Sài Gòn bằng mô-tô sớm hơn xe lửa, mỗi người sẽ… chung độ cho Bảo một ngàn đồng…” Thầy Bảo nhận lời … đua.
Sau khi dùng điểm tâm tạm biệt, cả… hai phe mô-tô và xe lửa cùng xuất phát lúc 7 giờ sáng tại ga Huế . Thầy Bảo “một mình, một ngựa … sắt”, chạy suốt một ngày đêm, chỉ dừng nghỉ ngơi ăn uống dọc đường. Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau Thầy Bảo đến ga Sài Gòn đợi. Mãi đến gần 10 giờ sáng hôm đó, chuyến xe lửa từ Huế chở các đồng nghiệp của Thầy mới hú còi chậm chậm tiến vào ga.
Tôi hỏi: “Thầy… thắng độ, tổng cộng được mấy ngàn đồng hả Thầy?...”
Thầy Bảo: “Không lấy tiền, chỉ uống bia thôi!...”
“Thi đậu rồi! Về đi ...”
Thi Tú Tài 2 mới được vài ngày, Hoàng Oanh (ca sĩ) đạp xe đến nhà Thầy hỏi : “Thầy ơi! Con đậu không Thầy?...” Thầy đáp: “Đậu rồi! Đi về đi…” Hoàng Oanh hí hửng ra về, không hề biết bài thi chưa chấm xong, lấy đâu ra kết quả mà Thầy bảo cô thi đậu?
Năm đó ca sĩ Hoàng Oanh – tên thật là Huỳnh Thị Thi – đậu Tú Tài 2 hạng Bình, một thứ hạng khá cao lúc bấy giờ.
Thầy Bảo cười: ”Cũng may nó thi đậu, lại đậu hang cao nữa mới ghê chứ! Nếu không thì không biết phải nói sao với nó….” Tôi được biết thêm, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng từng là học trò cũ của Thầy ở Phan Thiết.
“ Con Tỉnh trưởng hả? Bốn roi …”
Năm đó bạn Lâm Quang Hưng – con trai của Đại tá Tỉnh trưởng Biên Hòa lúc bấy giờ – mặc chiếc quần không đúng màu xanh đồng phục học trò. Không may cho Hưng, Thầy Bảo đi ngang qua lớp trông thấy bèn gọi lại bạn lại:
- Này, ai cho phép mầy mặc quần màu này? Hai roi, lên đây!...
Thầy nhịp chiếc roi mây lên bàn. Các bạn trong lớp thấy vậy kêu lên:
- Thầy ơi! Nó là con của ông tỉnh trường đó Thầy!
- Thế à? Con tỉnh trưởng Lâm Quang Chính à? Thế thì… bốn roi!
Bạn Nguyễn Xuân Cường, con trai Thầy Giám thị Nguyễn Quang Hưng cũng từng bị “án oan” tương tự. Cường “can tội” … để tóc dài, mái lòa xòa phủ mắt:
- Này, tóc dài hả? Con của ông Giám thị Hưng phải không?
Thế là “con Giám thị” cũng cùng số phận với “con Tỉnh trưởng”, bốn roi luôn!...
Có thế mà cũng méc!...
Hồi Thầy Bảo còn ở Biên Hòa, nhà của Thầy đối diện với nhà của Thầy Dương Hòa Huân. Bên cạnh nhà Thầy Bảo, là nhà ở của một vị Trung tá Tiểu khu Biên Hòa. Hôm đó, con trai vị Trung tá rủ người bạn học đến nhà chơi. Nói đùa qua lại, cậu học trò trêu bạn:
- Chúc ba của mầy mau lên … cố Đại tá!?!...
Con trai vị Trung tá ức quá khóc òa, chạy sang méc Thầy Bảo. Thầy gọi cả hai lại hỏi:
- Ai cho phép mầy nói bố nó như thế?
Vừa hỏi, Thầy vừa “thưởng” cậu học trò một cái “ bốp!...”
Quay sang con trai vị trung tá láng giềng, thầy “ bộp!...” luôn cái nữa. Cậu nhỏ hết hồn, nín khóc. Thầy nói tiếp:
- Thế bố của mầy đã lên … cố Đại tá chưa? Có thế mà cũng méc!...
Tháng 04/2012
Diệp Hoàng Mai
(Ghi chép lại từ lời kể của cô Đàm Thị Tồn, em Phạm Thị Thanh Tú và bạn Phan Văn Chánh)
Thầy Phạm Đức Bảo và những kỷ niệm...
Trong 13 năm dài làm Hiệu trưởng Trung học Ngô Quyền (1961-1974), Thầy Phạm Đức Bảo không còn trực tiếp giảng dạy như thời Thầy còn là GS ở Quốc Học (Huế), nhưng hầu hết các chs NQ ở Đệ Nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) đều có dịp học với Thầy một hay hai giờ khi Thầy dạy thế thay cho GS chính vì một lý do nào đó phải vắng mặt. Những lần như vậy, cả lớp "ngoan" và chăm học hơn bình thường vì Thầy là ông Hiệu trưởng với quan niệm "thương cho roi cho vọt" thường xuất hiện trong sân trường với cây roi dài lăm lăm trên tay. Hình ảnh đó trở thành một ấn tượng không nhòa trong ký ức cúa tất cà chs NQ. Ngày xưa, học trò NQ sợ Thầy hơn là thương Thầy. Sau này, trưởng thành khôn ra, hiểu ra "nhờ ai ta có ngày nay", hình ảnh ông Hiệu trưởng nghiêm khắc với cây roi dài chừng như trở thành hình ảnh ông tiên cầm cành dương liễu.
Nên cuối thập niên 90s , khi Thầy từ Đức qua Mỹ, ghé qua San Jose, chs Ngô Quyền miền Bắc đón tiếp Thầy rất nồng hậu với nhiệt tình của "thời mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy" dù tóc của nhiều anh chị đã đổi màu. Đó là lần đầu tiên chs NQ miền Bắc họp mặt đông kín cả nhà hàng, những người đến trễ phải đứng ở ngoài hàng hiên.
Học trò thơ dại năm xưa đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng nên Thầy Hiệu trưởng không còn nghiêm khắc, không còn cầm theo cây roi. Nhưng học trò xưa vây quanh Thầy vẫn với lòng kính trọng như một thủa nào mắt sáng môi tươi với phù hiệu Ngô Quyền trên đồng phục học sinh. Đêm đó ở một góc San Jose, xa Biên Hòa nửa vòng trái đất, mắt thầy trò cùng lấp lánh niềm vui như những tinh tú trên trời vào một đêm đẹp trời cuối xuân đầu hè …….
Tháng 11/2010
Nguyễn Trần Diệu Hương
_________________________________________________________________________
Đầu năm Đệ lục (sau này đổi thành lớp 7) tôi được Thầy Hiệu Trường Phạm Đức Bảo cho phép chuyển từ "trường quê" Tân Uyên về "trường tỉnh “Ngô Quyền” kèm theo "lời răn đe":
-Liệu mà học hành. Học không chăm, không giỏi sẽ bị đuổi về lại Tân Uyên.
Mười hai tuổi, học trò nhà quê ra tỉnh, tôi vừa sợ Thầy, vừa sợ bị đuổi ra khỏi trường nên hết sức chú tâm vào chuyện học. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có căn bản vững chắc trong mọi môn học, đặc biệt là môn Toán, môn có hệ số cao nhất của bậc Trung học.
5 niên khóa trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mỗi cuối năm học tôi đều được phần thưởng nên không… “bị đuổi về Tân Uyên” và cũng chìm lẫn vào cả ngàn nam sinh áo trắng quần xanh ngoan ngoãn của ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần. Cuối năm Đệ Nhị B1 (11B1 sau này), tôi đậu Tú tài 1 ưu hạng nên Thầy càng nhớ tôi hơn. Xong bốn năm ở Sư phạm Toán, tôi được đi học thêm một năm ở Pháp, rồi về lại quê nhà. Ghé thăm trưởng xưa, tôi gặp lại Thầy, lúc đó không còn là Hiệu trưởng Ngô Quyền mà đổi về Khu Học chánh. Thầy vẫn nhớ cậu học trò nhà quê năm xưa nên mặc dù tôi không còn được ưu tiên chọn nhiệm sở như lúc mới ra trường Đại học Sư phạm, Thầy vẫn nhận học trò xưa vào dạy Ngô Quyền như Thầy đã làm với rất nhiều học trò cũ thời Thầy còn dạy Quốc học ở Huế (trong số này có quý Thầy: Tôn Thất Long, Thân Trọng Bình, Tôn Thất Để, Trần Phiên, và Lê Quý Thể đã từng dạy Toán ở Ngô Quyền)
Xin kính cảm ơn Thầy về tất cả những quan tâm Thầy đã dành cho học trò Ngô Quyền nói chung và em nói riêng. Lúc nào em cũng nhớ đến Thầy. Cầu mong Thầy luôn an lạc và vui khỏe như một thuở nào ở Ngô Quyền thân yêu.
Viết theo lời kể của Thầy Diệp Cẩm Thu, chs NQ khóa 7
Thầy Diệp Cẩm Thu
MGTT 24
Thầy Bảo, Thầy Trịnh Hồng Hải và lớp 12B3 (2012)
Từ lúc biết tuổi thật của Thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, nhóm bạn chúng tôi nôn nóng được chúc thọ Thầy. Một anh bạn người Hoa của tôi nói vui:” Người cao niên vượt qua ngưỡng 91 tuổi rồi, thì bất cứ ngày nào cũng … thương thọ hết…”
Thế là ngày 14/4/2012, Thầy Trịnh Hồng Hải lại đưa nhóm học trò 12 B3 CHS.NQ đến chúc Thượng Thọ Thầy Phạm Đức Bảo. Chỉ đơn giản một khóm hoa tươi, một chiếc bánh kem nho nhỏ ngọt ngào … lớp học trò cũ chúng tôi đã gửi đến Thầy Phạm Đức Bảo lời chúc thượng thọ với tấm lòng tri ân trân trọng.
Anh Đặng Vũ Vĩnh CHS.NQ khóa 4, hiện định cư tại Úc cũng điện về nhờ tôi kính biếu Thầy 100 AUS làm quà mừng thọ. Anh Vĩnh từng có những năm “làm học trò bất đắc dĩ, ở nội trú và học cùng lớp" với các Thầy. Cho nên dường như giữa anh và các Thầy cũng có một thứ tình cảm khác thiêng liêng gắn bó hơn, ngoài tình nghĩa Thầy trò trường Ngô năm cũ.
Thầy Bảo vui lắm! Thầy cười nhiều, chuyện trò nhiều với đám học trò nhỏ ngày xưa. Chúng tôi mong, Thầy Bảo sẽ nhận thêm được nhiều lời chúc thượng thọ của những cựu học sinh Ngô Quyền năm cũ…
Tháng 04/2012
Học trò 12B3 chs.NQ k13 1968-1975
Ngày mùng bốn Tết, tôi ghé thăm thầy hiệu trưởng. Nhóm bạn “Bê Ba” của tôi người bận người bệnh, nên tôi mặc nhiên trở thành “đại diện nhóm” đến mừng tuổi thầy. Còn nhớ lần tôi đưa anh Phạm Phú Hòa ghé thăm, thầy hiệu trưởng nhớ ngay đầy đủ họ tên đứa học trò bốn mươi năm trước, ngay khi anh tự giới thiệu:
- Thưa thầy, con là Hòa cựu học sinh khóa một…
Và lần này, tôi có được niềm vui tương tự ông anh Phạm Phú Hòa. Thầy hiệu trưởng đã nhận ra tôi, ngay khi tôi cất tiếng chào thầy:
- “Cái Mai” ở Biên Hòa đấy phải không?
- Thế cái Mai có thích nghe thầy kể chuyện không?
- Dạ có, hôm nay em có thời gian rãnh rỗi…
Thầy hiệu trưởng thường bắt đầu bằng câu hỏi, mỗi khi nhắc tôi nghe về thầy cô giáo cũ trường Ngô Quyền:
- Em biết Phan Thanh Hoài không? Hoài rất đôn hậu, sống tốt lắm nhé! Lần tôi sang Mỹ, tôi ở nhà Hoài nửa tháng đấy! Hoài có đứa con gái là Phan Thanh Nga học giỏi lắm nhé, đỗ dược sĩ đấy!…
- Em có biết Phạm Văn Dật không? Trước khi đi Dật có ghé chào tôi, Dật khóc và nói “có thể em thăm anh lần này là lần cuối…”, vậy mà thành câu nói gỡ đấy! Dật mất rồi, em biết không?...
- Em còn nhớ bà Tư Giàu không? Lần ấy bà gặp tôi khóc dữ quá, tôi phải đến Nha cảnh sát bảo lãnh cho con bà ấy về đi học đấy! Thì nó bị bắt quả tang rải truyền đơn ấy mà!....
Nhắc đến thầy cô nào, thầy hiệu trưởng cũng có một kỷ niệm nho nhỏ kể tôi nghe. Đặc biệt với thầy Tôn Thất Long, thầy hiệu trưởng cho tôi biết, niên khóa 1961 – 1962 học sinh lớp đệ nhị trường Ngô Quyền thi đậu Tú Tài I gần hết. Vị giám đốc Nha trung học nói với thầy hiệu trưởng rằng:
- Ông liệu cách gửi học trò của ông về Sài Gòn học tiếp, chứ Nha không có đủ giáo sư cho các lớp đệ nhất của trường Ngô Quyền đâu. Thời may hôm ấy, đang lang thang trên phố tôi gặp được Tôn Thất Long…
Thời gian trước đó khi đậu Tú Tài I xong, các anh chị phải về Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất để thi tú tài phần hai. Nữ sinh thì chuyển về trường Gia Long, Trưng Vương; Nam sinh chuyển về Pétrus Ký, Chu Văn An hoặc Nguyễn Trãi… Thầy hiệu trưởng băn khoăn lắm, vì chuyển trường về Sài Gòn học tiếp sẽ vất vả và tốn kém cho học trò nghèo tỉnh Biên Hòa, không khéo “có đứa phải nghỉ học” vì hoàn cảnh nữa… Thầy hiệu trưởng không ngờ, bài toán khó của thầy lại được học trò cũ Tôn Thất Long giải đáp dễ dàng:
- Học trò cũ của thầy ở trường Quốc Học (Huế) tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ nhiều lắm! Thầy đừng lo…
Niên khóa 1962 – 1963 là năm học đầu tiên, mà học trò lớp đệ nhất trường Ngô Quyền không … xa xứ. Và giáo sư cho các lớp đệ nhất đầu tiên của trường gồm quí thầy Tôn Thất Long, Tôn Thất Để, Thân Trọng Bình… Để có đủ số giáo sư cho các lớp đệ nhị cấp ngày càng tăng, thầy hiệu trưởng còn áp dụng chế độ “dạy giờ” cho các cử nhân từ các trường đại học khác nữa…
Qua những câu chuyện thầy hiệu trưởng kể, tôi có nhiều thêm vốn hiểu biết về ngôi trường xưa yêu dấu. Với tôi thầy hiệu trưởng là một trong những “cây đại thụ” ít oi còn lại của trường, mà qua những lần gặp gỡ thầy, tôi còn có cơ hội để thương nhớ trường xưa… Điều đáng mừng là, có rất nhiều anh chị em cựu học sinh Ngô Quyền có cùng tâm trạng như tôi. Cho nên khi có dịp, là các anh chị lại ghé thăm thầy hiệu trưởng. Như anh Đặng Vũ Vĩnh ( chs.NQ khóa 4) mừng rỡ khi tình cờ gặp lại tôi ở quê nhà:
- May quá! Anh mong gặp lại cô, để cùng anh đến thăm thầy hiệu trưởng…
Lần gặp anh Vĩnh tại nhà Đặng Vũ Giang ở Melbourne, anh Vĩnh hỏi tôi rất nhiều về thầy cô giáo cũ ở trường, đặc biệt là thầy hiệu trưởng. Khi biết nhóm bạn Bê Ba chúng tôi tổ chức mừng Đại Thọ thầy hiệu trưởng, anh Vĩnh đã gửi cho tôi 100 AUD, nhờ tôi mang đến mừng tuổi thầy. Về quê lần này, anh Đặng Vũ Vĩnh không bỏ lỡ dịp, đã nhiều lần đến thăm thầy hiệu trưởng…
Thầy hiệu trưởng cũng hỏi thăm nhiều về cô Phan Thị Tốt, khi biết anh Trương Đức Hoàng (chs.NQ khóa 11) là em ruột của cô. Thầy nhớ cả việc cô Tốt từng đi tu nghiệp tiếng Anh ở Singapore nữa. Thăm thầy hiệu trưởng trước và sau Tết Ất Mùi, ngoài anh Huỳnh Quan Minh (chs.NQ khóa 6), còn có các anh: Phạm Văn An, Nguyễn Đình Huân và Vũ Ngọc Giao (chs.NQ khóa 7) nữa. Anh Phạm Văn An đi du học Hoa Kỳ năm 1969, sau khi anh thi đậu tú tài đôi; Anh Nguyễn Đình Huân vừa trở thành “cựu giáo chức” được dăm ba tháng; Anh Vũ Ngọc Giao đang cù bị hành trang lên đường sang Úc thăm cháu nội. Anh Giao cho tôi biết, thầy hiệu trưởng nhận ra tất cả – đặc biệt là anh An, hiện là bác sĩ đang hành nghề ở miền Bắc California – dù đã trãi một thời gian khá dài, thầy trò không gặp gỡ …
Tháng 03/2015
Diệp Hoàng Mai
DƯ ÂM ĐÊM TRI ÂN
Sau gần ba tháng chuẩn bị, cuối cùng nhóm cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa chúng tôi đã có một món quà dễ thương tặng thầy cô giáo cũ của mình: Một đêm hội ngộ Thầy trò ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, sau khoảng thời gian xa cách gần năm mươi năm.
Chiều 25/11/2012 gần 100 cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa (CHS.NQBH) đã có mặt đông đủ tại café Một Thuở, nôn nao đợi chờ gặp lại những thầy cô giáo cũ của mình. Mỗi lần một thầy cô mới xuất hiện - với dấu hiệu phân biệt là bông hoa hồng trên ngực áo trái - là các chị khóa 9 trên lầu lại đồng loạt vỗ tay reo hò, cứ y như thầy cô mình là những … siêu sao:
- Hoan hô thầy cô! Hoan hô!...
Đến lúc thầy Phạm Đức Bảo xuất hiện trong khuôn viên café Một Thuở, thì những học trò già bỗng… hóa trẻ thơ. Các anh chị từ lầu túa xuống, từ các góc sân ùa đến chúc mừng thầy. Tiếng … la của tôi trở lên lạc lõng trong niềm hân hoan tột cùng của các anh chị:
- Các anh chị ơi! Chừa chỗ cho thầy cô mình… thở!...
Tặng hoa, quà Thầy Cô
Có 28 thầy cô – trong tổng số 35 thầy cô chúng tôi mời dự lần này – có tuổi thọ trên 70 năm. Cao niên nhất là thầy Phạm Đức Bảo 93 tuổi, và… trẻ tuổi nhất là thầy Lâm Tấn Văn, vừa tròn tuổi 70. Cô Phạm Kiều Tiên nhẹ trách tôi: “ Mai ơi, em ghi nhầm của cô …một tuổi” Tôi vội vàng giải thích: “ Em … tăng đều hết cô ơi! Vì là Mừng Thọ, nên tụi em tính luôn một năm tuổi thầy cô còn trong … bụng má”.
......................................................
Đêm Tri Ân thầy cô giáo của nhóm CHS.NQBH, đã thành công ngoài sự mong đợi. Một chút thiếu sót nếu có, sẽ khiến mọi người mong mong nhớ nhớ để luyến tiếc hẹn gặp lần sau…
Cuối tháng 11/2012
Diệp Hoàng Mai
Hơn nửa thế kỷ đã trôi nhanh, tuổi đời thầy và trò trung học Ngô Quyền Biên Hòa xưa ngày càng cũ kỷ. Thế nhưng ân tình Thầy – Trò trường tôi ngày càng bền bĩ, càng đậm đà hơn không hề phụ thuộc độ dài bất tận của thời gian. Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, tâm hồn những học trò xưa NQBH luôn trân trọng và tri ân thầy cô giáo cũ. Để rồi hằng năm, nhóm học trò xưa lớp12B3 (NK 1975 – 1975) của chúng tôi, thường rủ nhau thăm lại thầy cô giáo cũ trường mình.
-
Thăm Thầy Hiệu TrưởngTrường Xưa
Cô Hoàng Thị Diệm Phương – bút danh Hoàng Hương Trang – chúc sức khỏe thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, bằng bài hát “ Nét chữ Thầy Cô” do chính cô sáng tác. Sắp vượt qua “ biên độ” tuổi U.8, nhưng tiếng hát cô Phương vẫn còn ngân vang trong gian phòng khách nhà thầy Bảo:
“ Nét chữ thân quen thầy viết bảng, Là bao cánh cửa mở sáng tương lai …
Mai sau, em đi vào đời. Mai sau, em xa trường rồi. Mai sau, em về muôn nẻo. Lòng em vẫn nhớ, nhớ hoài….”
Tiếng hát của cô Diệm Phương, như thay tiếng lòng của tất cả anh chị em tôi. Dù đã xa trường trên dưới năm mươi năm, và cho dù anh chị em tôi lưu lạc muôn nơi, nhưng tình xưa của học tròđ ối với thầy cô giáo cũ vẫn hoài tri ân trân trọng.
Nhận ra cô Ma Thị Ngọc Huệ, thầy Phạm Đức Bảo nhắc nhở từng thầy cô giáo mà thầy đã gặp gỡ trên đất Mỹ, và nhờ cô Ngọc Huệ giúp thầy:
Cô ở bên Mỹ mới về phải không? Cho tôi gửi lời thăm các thầy cô giáo trường mình nhé! Nhớ chuyển lời tôi hỏi thăm cô Đặng Thị Trí, cô Trí “ Ốc tiêu” nhé!..
Chín mươi sáu tuổi, nhưng thầy Bảo vẫn còn nhớ hai học trò “cự phách” của trường – hay phá phách? – là anh Ma Thanh Tâm và anh Võ Hải Vương. Thầy cũng còn nhớ rất rõ về bác Mã Phiếu – ba của anh Ma Thành Tâm – và anh Võ Hải Triều, anh trai của học trò cũ Võ Hải Vương. Thầy hiệu trưởng vui vẻ đón nhận chân tình của những học trò: Là hoa và qùa của anh Tâm và anh Vương dành tặng riêng thầy. Và quà tặng của nhóm học trò xưa, cùng bức tranh gỗ của lớp 12B3 – gồm những hình ảnh của những học trò tuy đã già … khằn – nhưng vẫn thường xuyên ghé thăm và quấn quít quanh thầy …
Vào ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam hằng năm, thầy Trịnh Hồng Hải thường làm “thủ lĩnh” dẫn nhóm học trò lớp 12B3 (khóa 13) chúng tôi đến thăm thầy Phạm Đức Bảo. Khác hơn mọi năm một chút, ngày 20/11 năm nay chúng tôi tổ chức bữa tiệc trà mừng Đại Thọ thầy hiệu trưởng.
Chín mươi lăm năm trôi qua, thầy hiệu trưởng của chúng tôi ngày càng yếu ớt sau nhiều lần nhập viện. Đôi cánh tay “lực sĩ” của thầy ngày nào, bây giờ thâm tím và sưng tấy những vết kim tiêm. Mặc dù chúng tôi can ngăn, nhưng thầy hiệu trưởng vẫn nhất định gắng gượng đứng lên chụp hình chung với học trò. Chân thầy hiệu trưởng run run, nhưng ánh mắt thầy lấp lánh niềm vui và hạnh phúc.
Thay mặt cả nhóm, bạn Trần Thế Định trân trọng tặng thầy hiệu trưởng lẵng hoa tươi và chiếc bánh kem mừng thọ. Thầy hiệu trưởng vui vẻ thổi tắt ngọn nến tuổi chín mươi lăm, trong tiếng cười vang của mọi người. Buổi tiệc trà thật ấm cúng, tràn ngập tiếng cười hồn nhiên của thầy xưa và học trò già.
Vẫn những câu chuyện cũ kỹ về ngôi trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu xa xưa, nhưng sao thầy trò tôi nhắc hoài không chán. Tuổi chín mươi lăm, nhưng thầy Phạm Đức Bảo nói về trường xưa, cứ y như thầy đang lật từng chương sách cũ đọc từng trang.
Ngưng một lúc, thầy hiệu hỏi thăm từng đứa học trò cũ quanh thầy. Khi biết tôi lên chức “ bà nội” vừa được hai tháng hai tuần, thầy hiệu trưởng cười:
- Chóng thật! Mới ngày nào …
Cả nhóm bật cười theo thầy hiệu trưởng … Bởi cũng vừa chợt nhớ, mới ngày nào bọn tôi còn là những cô cậu học trò nhỏ ngây thơ, khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa trung học Ngô Quyền. Mà giờ đây đứa nào cũng mang kính lão, da đồi mồi cùng mái tóc pha sương.
Mười hai giờ trưa, thầy trò tôi tạm biệt thầy hiệu trưởng. Từng đứa chúng tôi nắm chặt bàn tay khô ấm của thầy, hằng mong thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo có nhiều thêm tháng ngày Đại Đại Thọ.
Tháng 11/2014
Diệp Hoàng Mai
Phụ Đính Hình Thầy Hiệu Trưởng và học trò năm 2014
Thầy Bảo và thầy Hải
THẦY PHẠM ĐỨC BẢO CÒN MINH MẪN LẮM!..
Tiếng nói của thầy hiệu trưởng vẫn trong vang, rõ ràng và mạch lạc. Và trí nhớ của thầy thì ôi thôi, quá đỗi tuyệt vời…Khi tôi hỏi:
- Thầy ơi, thầy còn nhớ anh Nguyễn Hữu Hạnh không?
- Nhớ chứ! Hạnh nó đang ở bên Mỹ mà!
- Anh Hạnh nhờ em in bài viết của anh, gửi thầy xem.
- Thế nó viết cái gì đấy?
- Kỷ niệm của thầy với học trò, thầy ơi!...
Tôi hỏi tiếp:
- Thầy còn nhớ chị Ngọc Dung, tiệm may Mỹ Dung hồi xưa không?
- Nhớ chứ! Tiệm may Mỹ Dung suôi gia với ông Lê Hồng Sanh có phải không?
- Dạ, chị Dung nhờ em gửi lời thăm và chúc sức khỏe thầy.
- Ờ! Chuyển giúp thầy lời cảm ơn đến Dung và Hạnh nhé!...
Rồi thầy bắt đầu nhắc chuyện trường chuyện lớp, chuyện thầy cô giáo cũ trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu ngày xưa. Tôi và người bạn học đi cùng, quá kính nể sự minh mẫn tuổi chín mươi lăm của thầy hiệu trưởng.
Nhưng sức khỏe tuổi chín mươi lăm của thầy, lại tỉ lệ nghịch với trí tuệ của thầy. Thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo yêu quí của đám học trò xưa cũ trường Ngô, không còn đủ sức thể hiện phong cách lịch lãm vốn có của thầy đối với “ phái nữ” như xưa được nữa. Thầy xin lỗi, vì không thể ngồi dậy để tiếp chuyện với học trò.
Thầy cũng khó có thể ngồi dậy, để tự đọc bài viết của anh Hạnh bằng cái kính lúp như xưa được nữa.
Sau lần nhập viện cấp cứu gần nhất, thầy thêm chứng bệnh suy thận mãn tính. Mỗi tuần, thầy hiệu trưởng phải vào bệnh viện ba lần để chạy thận. Cô và các em đã đưa thầy xuống tầng trệt, để thuận tiện cho việc dịch chuyển điều trị bệnh của thầy. Thầy hiệu trưởng của chúng tôi bây giờ, giống như cây đa già đang cạn dần nhựa sống.
Người bạn đi cùng, ra dấu cho tôi kiếu từ thầy sớm. Tôi cũng biết, thầy hiệu trưởng cần giấc ngủ trưa, để buổi chiều hôm đó vào viện chạy thận định kỳ. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi rất ngại ánh mắt buồn buồn của thầy, khi chúng tôi chào tạm biệt.
Nụ cười của thầy hiệu trưởng trên giường bệnh hôm nay, không còn tươi như những lần trước tôi ghé thăm. Nhưng tôi xin phép, được chia sẻ hình ảnh của thầy đến với các cựu học sinh trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Thầy hiệu trưởng của anh chị em mình vẫn còn minh mẫn lắm! Dường như tuổi càng cao, sức càng yếu thì tình yêu trường cũ trò xưa lại càng thấm đẫm mãnh liệt trong trái tim thầy hiệu trưởng.
Tháng 10/2014
Diệp Hoàng Mai
Lần ghé thăm gần nhất, thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo hỏi tôi:
- Cái Hạnh nó chết rồi, em biết không?...
Tôi đang lúng túng, chưa biết trả lời câu hỏi của thầy như thế nào thì … May quá! Vừa kịp lúc cô mang nước uống cho thầy:
- Hôm cái Hạnh mất, cái Mai có đến viếng và đưa Hạnh đi nữa đấy! Bạn bè của Hạnh ở trường Ngô Quyền, thầy cô giáo cũ cũng đến viếng Hạnh ...
Thoáng xúc động, thầy nói tiếp:
- Tôi cứ tưởng tôi đi trước cái Hạnh, đâu ngờ nó đi trước tôi như vậy. Nó bị bệnh ở cái đầu này này, bệnh từ lúc nó sang Bình Nhưỡng với chồng nó đấy!…
Thầy chỉ vào đầu, diễn tả cho tôi biết thêm về bệnh tình của chị Hạnh…
Thầy hiệu trưởng rất yếu, sau lần bị ngã phải nhập viện điều trị trước Tết. Lần đó tôi ghé thăm, thầy xin lỗi vì không thể nào ngồi dậy được. Sức khỏe người già chậm phục hồi sau tổn thương, nên cả nhà thỏa thuận giữ kín thông tin chị Hạnh qua đời.
Nhưng làm sao giấu mãi được, khi thầy cứ liên tục hỏi han:
- Cái Hạnh có bị làm sao không, nó có khỏe không? Sao lâu quá, nó không về đây thăm bố? Bảo cái Hạnh đưa các con về thăm bố...
Cả nhà bàn bạc mãi, cuối cùng cũng đành lựa lời, cho thầy hiệu trưởng biết tin không vui ngày mùng một Tết vừa qua…
Thầy hiệu trưởng khóc, hỏi cô Tồn:
- Thế đám con mình nó có đến viếng chị của nó không? Chúng nó có về đầy đủ với chị nó không?...
- Ông yên tâm, chúng nó về đủ cả. Chúng nó thương yêu, lo cho chị Hạnh của chúng nó chu đáo lắm!...
Cô và các con của thầy giải thích rất nhiều lần, thầy mới tạm nguôi ngoai niềm thương nhớ đứa con gái thầy hằng thương yêu. Nhưng dường như gánh nặng thời gian tuổi tác, cộng với nỗi buồn “khóc lá xanh rơi…”, cứ như những phiến đá muộn phiền nặng oằn trên đôi vai của thầy hiệu trưởng.
Lúc chào thầy ra về, tôi nao lòng khi thầy lập lại câu nói đùa “kinh điển”:
- Ai cũng chết cả rồi, chỉ còn lại tôi là… chưa chết!...
Như bóng cây đa già cạn dần nhựa sống, nhưng vào thời điểm thầy xưa – trò xưa đã vào độ tuổi “ngã bóng hoàng hôn”, thì thầy hiệu trưởng mãi là hình tượng rất đỗi thân thương trong tâm hồn những cựu học sinh Ngô Quyền thời xa vắng …
Tháng 05/2014
Diệp Hoàng Mai
___________________________________________________________________________________________________________________________________________
GIỌT NƯỚC MẮT CỦA THẦY PHẠM ĐỨC BẢO
Thầy Phạm Đức Bảo đã một lần khóc trong nỗi buồn “khóc lá xanh rơi”. Tuổi thầy đã cao với bao lần nhập viện, trí nhớ đã dần xa, đôi mắt không còn tinh anh, và đôi vai gồng gánh nỗi đau cái còn cái mất. Tên ngôi trường cũ Ngô Quyền vẫn còn đó, đồng nghiệp và môn sinh vẫn còn đây, dù đã mai một với thời gian. Về trường xưa hãy ghi nhớ điều này "Ngô Quyền ơi! Có nhớ chăng thầy Bảo đã khóc."
Hình ảnh của thầy Phạm Đức Bảo ngày nào vẫn còn in trong trí của bao lớp cựu học sinh Ngô Quyền “dáng oai nghiêm nhưng thương học trò quá đỗi”.
Năm tôi học lục 4 hay ngũ 4 Thầy Bảo có dạy hình như môn công dân giáo dục thì phải, ngoài lớp thầy nghiêm khắc nhưng vào lớp thầy Bảo lại rất hiền. Tôi có được 7 năm theo học trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa với thời gian thầy Phạm Đức Bảo làm hiệu trường, thầy đã phục vụ cho trường Ngô Quyền từ năm 1961 đến 1973. Với thầy Phạm Đức Bảo thời gian 12 năm cũng đủ đong đầy. Những năm trước tôi có những đàn anh và sau tôi có lớp đàn em, chắc họ cũng giống như tôi, sẽ không quên công ơn của Thầy Phạm Đức Bảo. Một người thầy Hiệu trưởng đã có một đời sống lý tưởng dày công xây dựng cho trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
Còn hơn thế nữa với cả tấm lòng qua tâm tình cuối đời của thầy Bảo dành cho đồng nghiệp và học trò ngày xưa:
''...tôi không bao giờ quên được ông Phan Thanh Hoài, một người đồng nghiệp đã giúp đỡ rất nhiều khi tôi làm Hiệu Trưởng Ngô Quyền từ 1961-1964, và cũng không quên được những người bạn cũ, ông Lê Hồng Sanh hiện ở Fair Fax, Virginia, ông Nguyễn Văn Sơ ở Biên Hòa v.v… cùng các cố nhân của tôi ở BH. Cám ơn các em học sinh Ngô Quyền hải ngoại và ở quê nhà với tấm lòng nhớ tới những người đã đi trước dìu dắt các em thành nhân và thành thân.."
Khi còn ngoài Bắc, thầy Phạm Đức Bảo đã chọn ngành dạy học, cùng dạy chung với thầy Phạm Khắc Thành tại trường Đức Trí Hải Phòng. Năm 1954 cùng di cư vào Nam. Những năm đầu thầy Bảo và thầy Thành tiếp tục dạy tại trường Phan Bội Châu Đà Nẵng. Tình bạn tình đồng nghiệp, thầy Bảo và thầy Thành vẫn giữ trọn. Khi thầy Phạm Đức Bảo về nhận hiệu trưởng trường trung học Ngô Quyền đã mời thầy Phạm Khắc Thành về làm Giám Học trong khi thầy Phạm Khắc Thành đang dạy trường trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Sài Gòn. Và năm 1973 thầy Phạm Khắc Thành đã là Hiệu trường trường Ngô Quyền khi thầy Phạm Đức Bảo nhận nhiệm sở mới.
Những tưởng rằng sẽ tiếp tục dìu dắt học sinh Ngô Quyền Biên Hòa thành những nhân tài phục vụ cho tỉnh nhà và quốc gia, nhưng cuộc diện 1975 đã thay đổi và làm vỡ tan bao ước vọng. Thầy Phạm Đức Bảo cũng đã sống trọn với tư chất con người của mình, dù có đắng cay lẫn ngọt bùi. Đắng cay của những ngày “Giậu đổ bìm leo”ngay ngày đầu trình diện và ngọt bùi ấm lòng với ly cà phê từ tay của đứa học trò thầy ghét nhất trường là anh Lê văn Thành. Thầy và trò cùng gặp nhau trong trại giam Tân Hiệp.
Sau bao năm tù tội trở về đã có lần thăm lại trường xưa, thầy Phạm Đức Bảo một mình đứng thẩn thờ ngay cột điện trước cổng trường. Những hình ảnh cũ chợt sống lại, sự hồn nhiên của tuổi học trò và sự nghiệp dở dang. Quanh đây không ít những người học trò cũ của Ngô Quyền, nay đã là Phó Sở, Trưởng phòng, Trưởng khoa, Giám Đốc, Luật sư thành phố, bí thư thành đoàn v.v... Nhưng sao đôi mắt của thầy Phạm Đức Bảo lại đẫm lệ với hai hàng nước mắt.
Không còn một ai nhận ra thầy.Từ bên kia đường một người đang bước vội qua, trong bộ đồ lam lủ nghèo nàn nhưng tôn kính:
-Kính chào Thầy. Thầy cố nén sự cảm xúc hỏi lại:
- Em học Ngô Quyền à?
- Dạ, em là Trương Thành Cát, ra trường đi lính ở miền Tây, vừa ở tù ra phải đi làm phụ hồ đây thầy ơi.
Cổng trường Ngô Quyền cơ hồ vắng lặng, chỉ còn tiếng nấc nghẹn ngào. Thầy và trò cùng khóc…
NGUYỄN HỮU HẠNH
____________________________________________________________________________________________________________________________________
___________________________________________________________________________________________________________________________________
NGUYỆN CẦU
- Chú buồn lắm... Chú Cô chia buồn với hai con và gia đình.
Mở email, đọc cáo phó và bức ảnh của Ông Bảo được chúng tôi in lớn để bên cạnh ảnh thờ các Anh tôi... Đêm nay chắc không ngủ được... Kỷ niệm từ 1960 khi chúng tôi: Ông Bảo từ Quốc học Huế và chúng tôi từ Trung học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên cùng đổi về trường Ngô Quyền Biên Hòa... Lúc đó Ông Tuấn còn làm Hiệu trưởng, cho tới ngày đón Ông Bảo từ Đức qua Mỹ cùng sống bên nhau cả tháng... tại Richmond và Fairfax Station, Virginia. Lần chót bên nhau là năm 2005... Chúng tôi được Giáo sư Nguyễn Thất Hiệp đưa tới thăm nhà Ông Bảo, trên căn lầu... Dù tuổi đã ngoài 85, Ông Bảo rất sợ bị té ngã, nên ít đi lại, nhưng buổi chiều tiễn đưa chúng tôi trở lại Mỹ do các giáo sư đồng nghiệp Ngô Quyền và các trường khác tổ chức tại nhà hàng "Nhiệt Đới", nguyên là "câu lạc bộ Hải quân VNCH". Ông Bảo cũng nhờ người con trai đưa tới trước nhà hàng, rồi Ông được hai cô tiếp viên của nhà hàng đỡ hai bên đưa vào tới bàn tiệc. Sự kiện này khiến các bạn đồng nghiệp quý mến Ông cũng như các môn sinh Ngô Quyền Biên Hòa trong và ngoài nước cho tới ngày nay vẫn thường xuyên thăm hỏi Ông và các Thày, Cô...
NGUYỆN CẦU
________________________________________________________________________________________________________________________________________
Chiều nay khi được tin thầy Phạm Đức Bảo qua đời, tôi ngồi lặng yên một lúc.
Niềm kính trọng dâng trong lòng tôi.
Thầy Phạm Đức Bảo không phải là thầy đã dạy tôi trong trường. Năm tôi học Ngô Quyền, thầy là Hiệu Trưởng. Một vị hiệu trưởng uy tín và oai nghiêm mà học trò nào cũng kính nễ.
Cuộc đời dâu bể, sau tháng 4/ 1975, những người có học vấn, có trách nhiệm với đất nước bị CS đánh cho thê thảm. Thầy trò Ngô Quyền cũng không ngoại lệ. Anh Lâm Kim Sơn và một số cựu học sinh NQ đã gặp thầy Bảo trong tù. Thật không có gì đau đớn và bi ai hơn là cùng nhìn nhau bị đói, bị chà đạp nhân phẩm và bị hành hạ thể xác.
Thế rồi khi ra khỏi cánh cửa tù những học sinh của thầy đã bay đi khắp hướng. Một cuộc đổi đời, sống tự do và làm lại từ đầu. Loay hoay cơm áo và hội nhập, khi liên lạc được mới hay ông Hiệu Trưởng đáng kính của mình đang ở VN và đang chiến đấu với tuổi già và bệnh tật.
Hôm nay thời điểm chia ly đã đến, thầy trả lại thân tứ đại mà thanh thản ra đi.
Tôi nghĩ đến thầy, đến những câu chuyện các anh kể về thầy mà không khỏi ngậm ngùi. Một đời người có là mấy, tất cả đều vô thường. Nhưng những gì thầy Bảo để lại cho kẻ hậu sinh mới là điều trân trọng và đáng nhớ.
Ai cũng qua nhiều trường lớp. Có những ngôi trường có bảng tên và cũng có những ngôi trường vô hình trong cuộc sống. Có những người thầy ôm cặp tới lớp, tới giảng đường. Nhưng cũng có những ông thầy thật nhỏ tuổi hay là một người bạn, một người quen tình cờ. Nhưng bài học họ cho mình quả thật giá trị và ý nghĩa.
Bài học ta rút ra đôi khi bằng cả cuộc đời, có khi bằng một chút kỷ niệm hay một câu nói. Nhưng tất cả đều là vốn liếng trong cuộc sống thật thiết thực và hữu ích.
Ngày xưa một số bạn và cả chính tôi cũng có lúc làm nghề dạy học. Bây giờ khi gặp lại học trò, các em hoàn toàn không nhớ những bài học mà mình đã dạy. Điều các em giữ lại là những kỷ niệm vui, buồn, đôi khi chỉ là một bắt tay khuyên nhủ, hay câu nói để đời. Có những vị được học trò nhắc lại với tất cả kính trọng , yêu thương. Cũng có những vị đã để lại những dấu ấn không đẹp. Điều đó như một tấm gương để mình nhìn lại và soi rọi bản thân.
Thú thật ngày xưa tôi chưa khi nào được gặp trực diện thầy Hiệu Trưởng. Một cô bé tầm thường trường quận lên tỉnh học, chỉ là một cái bóng mờ trong ngôi trường to lớn Ngô Quyền. Tôi cắm cúi học, siêng năng và không bao giờ vi phạm nội quy Thầy Giám Học còn không biết mặt thì làm sao được thầy Hiệu trưởng chú ý.
Và thế suốt mấy năm NQ tôi chỉ thấy loáng thoáng dáng thầy Bảo và tiếng nói của Thầy mỗi khi có những buổi tập trung lớn.
Tôi ra khỏi trường, ra đời rồi già đi. Vòng xoay mầu nhiệm khiến tôi quay lại ngôi trường ảo Ngô Quyền trên website này. Và thật tình cờ tôi nghe nói về thầy nhiều hơn do các câu chuyện kể của khóa đàn anh, hay các khóa bạn .
Từ đó tôi rút ra được nhiều cái đẹp về thầy Hiệu Trưởng ngoài cái dáng uy nghi vạm vỡ như một lực sĩ của Thầy. Thầy không sợ cường quyền. Đối với thầy con ai cũng mặc, dù cha, mẹ làm lớn tới đâu, nhưng phạm lỗi là phải chịu sự trừng phạt. Trong cái tỉnh Biên Hòa có nhiều người rất nổi tiếng, giàu có, uy quyền và chức vị. Ngôi trường Ngô Quyền là trường lớn nhất thì con ông cháu cha đương nhiên có mặt. Những công tử này thật sự phá nhiều hơn học. Thầy Hiệu Trưởng không vì vậy để họ được lộng hành. Tôi đã nghe nói nhiều anh bị thầy đánh đít, phạt tận tình mà còn nêu đích danh tên gia phụ học trò ra nói không kiêng nể. Mục đích của thầy hiệu trưởng và tất cả các giáo sư trong trường là tận tâm truyền thụ cho học trò kiến thức, đạo đức, có trách nhiệm, xứng đáng một người công dân tốt.
Đương nhiên thầy Hiệu Trưởng phải có cái dũng lẫn cái uy. Thầy có sự giao thiệp rộng rãi và sự kính nể của các quan to chức lớn ở tỉnh Biên Hòa. Nhờ vậy thầy đứng rất vững và đưa trường NQ thành một trường tỉnh có tiếng trong nước.
Ngày nay học trò trường NQ như những hạt giống của hoa Bồ Công Anh bay đi khắp nơi trên thế giới. Những người học trò nhỏ ngày xưa đã trưởng thành, thành công và cũng đã lớn tuổi. Khi nhìn con cháu mình ôm cặp đến trường, chắc hẳn cũng có lúc lại nhớ về tuổi học trò và ông Hiệu Trưởng ngày xưa.
Học trò thì nhiều, thầy cô cũng nhiều nhưng Hiệu Trưởng chỉ có một. Sự ra đi của thầy Phạm Đức Bảo là cái tang chung cho tất cả cựu học sinh Trung học Ngô Quyền. Thầy như một cội cây già bám trụ cho nhánh lá phủ phê, cây trổ hoa, kết trái. Những trái đó dù được bám trụ ở nơi nào, vẫn được nhắc tới cái tên với niềm kiêu hãnh, tự hào. "Học sinh trường Trung học Ngô Quyền."
Mỗi khi học sinh NQ gặp nhau đều hỏi thăm tin tức thầy cô và nhất là thầy Hiệu Trưởng. Được tin thầy bây giờ già lắm, tuổi rất thọ nhưng cũng đau yếu nhiều rồi. Học trò lại ngậm ngùi nguyện cầu ơn trên cho thầy được khỏe mạnh, bình an. Thầy là bóng mát, là điểm tựa cho tất cả cựu học sinh NQ hướng về như hướng về trường xưa với tất cả yêu thương.
Bây giờ thầy đã vĩnh viễn ra đi, chúng con thấy mình mất mát nhiều. Dẫu rằng từ hôm đại hội NG tháng 7, nhìn hình thầy trên màn hình chúng con cũng dự đoán thời gian còn lại của thầy không còn nhiều, phút từ ly không xa mấy. Nhưng tin thầy nằm xuống cũng làm chúng con vô cùng thương cảm và xúc động.
Xin đốt một nén hương lòng hướng về quê hương. Nguyện cầu hương linh thầy được an vui nơi nước nhược non bồng.
Nén hương tưởng niệm tiễn đưa thầy.
Linh thiêng thầy nhận tấm lòng này.
Học trò kính bái thầy Hiệu Trưởng
Ngô Quyền một thuở phải chia tay.
Ngô Quyền ngày xưa, Ngô Quyền yêu thương.
Thầy, trò, bạn hữu luôn vấn vương.
Nhớ ông Hiệu trưởng uy nghi lắm.
Vĩnh biệt đi về cõi vô thường.
Vĩnh biệt thầy, xin vĩnh biệt thầy.
Xe tang lăn bánh, những vòng quay
Như đời Sinh, Lão, Bệnh rồi Tử.
Nhắm mắt yên vui một kiếp này.
Nguyễn thị Thêm.
Tháng 10/16
___________________________________________________________________________________________________________________________________________
________________________________________________________________________________________________________________________________________________
HỌC TRÒ XƯA KÍNH TIỄN BIỆT THẦY DẠY SỬ
Học trò Thầy ở Bùi Chu, miền Bắc
Ngày xưa, xưa lắm, thời thầy Phạm Đức Bảo còn ở trong độ tuổi hai mươi, trong một lớp đệ nhị ở trường Bùi Chu ngoài Bắc có anh học trò Nguyễn Phi Hùng, sau này thành giáo sư Toán ở một ngôi trường ở miền Nam do ông thầy dạy Sử của mình làm Hiệu trưởng. Rồi từ giáo sư Toán, Thầy Bảo đưa học trò đi làm Hiệu trưởng ở một ngôi trường Trung học ở Long Khánh . Thầy Phạm Đức Bảo đã đào tạo học trò thành một ông Hiệu trưởng nghiêm khắc, góp phần xây dựng, cũng cố nền giáo dục nhân bản, khai phóng của miền Nam.
Học trò Thầy ở Quốc Học, miền Trung
Ngược thời gian về 60 năm trước, niên khóa 1956-1957, giáo sư Sử Địa Phạm Đức Bảo dạy Sử thế giới cho các lớp đệ tam B (lớp 10 sau nầy) ở Quốc học (Huế). Lúc đó, quý thầy Trần Phiên, Lê Quý Thể, Tôn Thất Long, Tôn Thất Để đang ngồi trên ghế học trò. Lớn hơn một chút, thầy Thân Trọng Bình ở lớp Đệ Nhị cũng đã là học trò Thầy Bảo niên khóa 55-56.
Dù các Thầy đang học ban B, môn Sử là môn phụ, nhưng đều học hành nghiêm chỉnh vì lúc đó dưới nền đệ nhất cộng hòa, nền giáo dục nhân bản, khai phóng tuy mới hình thành nhưng rất vững, học trò học hành nghiêm chỉnh và nhìn ông thầy như một biểu tượng gương mẫu.
Giáo Sư Phạm Đức Bảo trong mắt học trò đệ nhị cấp Quốc học là một chứng minh của văn võ song toàn.
Rồi trôi theo dòng đời, Thầy Bảo rời Huế, đổi vào Biên Hòa, dạy Sử ở đệ nhị cấp cho những khóa đầu tiên của Ngô Quyền. Khi Thầy trở thành ông Hiệu trưởng của Ngô Quyền, thì các cậu học trò xưa đang học năm cuối ở Đại học Khoa học, và theo lời Thầy về Biên Hòa dạy Toán cho các lớp ban B trong lúc chờ Bộ Giáo dục bổ nhiệm thêm giáo sư Toán cho NQ
Và các ông thầy trẻ đã mang kiến thức học được từ Khoa Học với Giáo Sư Đặng Đình Án, cộng với lối dạy của thầy Bảo vào dạy cho các lớp ban B khóa 3, 4, 5, 6 của Ngô Quyền.
Nghe tin Thầy Bảo mất, học trò Thầy hơn nửa thế kỷ trước, tóc bạc, mắt mờ, tai không còn tốt, trí óc bắt đầu lãng đãng khói sương nhưng hình ảnh ông Thầy năm xưa, và những bài Sử thời Trung học vẫn còn đó ngậm ngùi tưởng niệm Thầy từ Mỹ, từ Pháp, từ Canada.
Xin được viết bài này như một nén hương thành kính đưa Thầy về với hư không từ quý Thầy Nguyễn Phi Hùng, Lê Quý Thể (California), Trần Phiên (Texas),Tôn Thất Để (Canada), Tôn Thất Long (Pháp), Thân Trọng Bình (Việt Nam).
Nguyễn Trần Diệu Hương
CA, tháng 10/ 2016
____________________________________________________________________________________________________________________________________
Tối qua nhận được email của Diệp Hoàng Mai báo tin Thầy Phạm Đức Bảo cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa vừa từ trần. Tang lễ tổ chức tại tư gia ở đường Trần Quang Diệu Quận 3 Saigon. Tôi thoáng bàng hoàng, thời gian gần đây biết Thầy ở tuổi gần 100, sức khỏe mong manh như ngọn đèn trước gió, bọn học trò đều lo lắng. Đến khi được nghe những lời nhắn nhủ chân tình của Thầy gởi đến Đại Hội Ngô Quyền tổ chức ở California vào đầu tháng 7, tuy ngắn ngủi nhưng bạn bè tôi an tâm bảo nhau rằng Thầy mình còn khỏe chắc sẽ sống đến bách niên. Vậy mà nay Thầy đã ra đi.
Lần gần đây nhất tôi được gặp Thầy là 4 năm trước. Trong dịp cựu học sinh Ngô Quyền tổ chức tiệc Tri Ân Thầy Cô tại quán café Một Thuở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 1, Saigon. Đêm đó Thầy đến cùng với cô con gái, chúng tôi long trọng chào đón Thầy trong niềm hân hoan, bao nhiêu lớp học trò bao quanh, tôi còn nhớ có nghe tiếng bạn nào đó la lên: Anh chị ơi, dang dang ra cho Thầy có không khí để thở. Tôi và các bạn khóa 9 không kịp đến gần chỉ đứng xa xa nhìn Thầy, chúng tôi luôn thấy mình bé nhỏ trước Thầy giống như những cô học trò tỉnh lẻ ngày xưa. Hơn 40 năm rồi mới có cơ hội gặp lại, Thầy già đi rất nhiều nhưng vẫn còn dáng dấp uy nghi oai vệ của một Thầy Hiệu Trưởng.
Tôi nhớ có đôi lần đọc bài viết trên mạng ngoquyen, Diệp Hoàng Mai kể những chuyến viếng thăm Thầy vào dịp lễ Tết hay có bạn bè ở xa về, những lúc ấy tôi thầm tiếc ước gì Hoàng Mai rũ tôi cùng đi. Hoàng Mai vô tình đâu biết tuy tôi học Ngô Quyền có 4 năm thất lục ngũ tứ, không được học với nhiều Thầy Cô nhưng riêng với Thầy Hiệu Trưởng tôi hân hạnh có được một kỹ niệm không bao giờ quên. Đó là năm tôi học lớp Đệ Tứ 3, lớp tôi có làm một cuốn Đặc San Xuân, thật ra cũng không lấy gì đặc sắc nhưng ếch ngồi đáy giếng mà, thấy người ta đi bán báo Xuân mình cũng tập tành đi bán báo, muốn vậy phải có giấy giới thiệu của Thầy Hiệu Trưởng mới có tư cách đem báo đi bán ở các trường bạn được. Đáng lẽ ra nhỏ Cúc (Thy Lệ Trang) là trưởng ban báo chí phải lên xin Thầy giấy giới thiệu nhưng không hiểu sao bạn đùn việc đó cho tôi, có lẽ vì tôi là trưởng lớp thường lên văn phòng lấy học bạ hay sổ đầu bài cho giáo sư hướng dẫn nên tôi thường gặp Thầy cô hơn. Nhiều lần tôi còn lén nán lại xem Thầy Hiệu Trưởng phạt mấy anh chị lớp đệ tam đệ nhị cái tội mặc đồng phục không nghiêm chỉnh. Mấy anh thì hay bướng bỉnh nghịch phá, mặc áo sơ mi không bỏ vào quần, mang dép lẹp xẹp kéo lê trên hành lang. Còn mấy chị thì duyên dáng điệu đà mặc áo dài trắng mỏng mà không mặc áo lá, Thầy nghiêm khắc bắt phải về nhà thay quấn áo chỉnh tề rồi mới cho vào lớp. Tôi thấy Thầy thường hay cầm cây roi mây nhịp nhịp nhưng chưa tận mắt thấy Thầy đánh học trò nào, các anh chị rất sợ Thầy nhưng không ghét, nhiều người gọi Thầy bằng “ Bố” nghe rất thân thương.
Tôi thật lòng không nhớ đã trình bày với Thầy những gì về tác phẩm văn chương vụng về đầu tay của mình, chỉ nhớ lúc đó rất hồi hộp sợ Thầy cười rồi không cho phép. Nhưng sau một hồi lật qua lật lại cuốn báo mỏng manh, Thầy gật đầu. Tôi cầm tờ giấy có chữ ký của Thầy chạy như bay qua văn phòng đưa cho Thầy Cầm giám thị đóng dấu rồi phóng tuốt lên lớp khoe với các bạn. Lần đó Báo Xuân của Lớp Tứ 3 Ngô Quyền đã được giới thiệu đến tận các trường Gia Long, Trưng Vương. Sau nầy các bạn tôi vẫn nhắc kỹ niệm đi bán báo, riêng tôi không bao giờ quên ơn Thầy đã chắp cánh cho chúng tôi.
Sáng nay Saigon mưa tầm tả, tin báo áp thấp nhiệt đới, bão lớn ngoài biển đông ảnh hưởng bầu trời thành phố lúc nào cũng âm u nặng trĩu nước. Tôi gọi điện thoại về cho các bạn khóa 9 ở Biên Hòa, Bạch Tuyết đi vắng, Mỹ Châu trả lời rằng chưa hay tin vì các bạn không xử dụng mạng internet, nhưng mưa gió quá chắc không đi Saigon thắp hương cho Thầy được, bạn nhờ tôi đại diện. Nhà Thầy không xa nhà tôi, sở dĩ tôi còn chút do dự vì không có ai cùng đi.
Buổi trưa, Phạm thị Hữu Hạnh mail cho tôi bài thơ của chị Nguyễn thị Thêm viết tưởng nhớ Thầy Phạm Đức Bảo đọc rất cảm động. Hữu Hạnh hỏi tôi có đi viếng Thầy? Nghe như một lời thôi thúc, tôi không chần chừ nữa.
Buổi chiều, tôi xếp sẵn cái áo mưa để vào giỏ xe Honda, bầu trời vẫn vần vũ mây đen không biết lúc nào sẽ trút nước xuống. Đi thì phải đi thôi. Nhà Thầy ở trong một con hẻm rộng, tôi đẩy xe vào chỗ gởi, thoáng nhìn thấy rất đông khách đến viếng hy vọng sẽ được gặp một vài anh chị cựu học sinh Ngô Quyền quen biết cho đỡ lạc lỏng, nhưng rất tiếc.
Tôi lặng lẽ xếp hàng sau một toán người đứng chờ lần lượt vào thắp hương trước linh cửu của Thầy. Tôi đưa mắt nhìn lên di ảnh của Thầy trên bảng Cáo Phó rồi nhìn quanh những vòng hoa tang trang trọng của các đơn vị, tập thề, cá nhân kính viếng. Tôi thoáng thấy những người mặc tang phục tôi đoán là con trai, con gái, con rể của Thầy, tôi không nhìn thấy cô, tôi đoán cô đang nghĩ trong nhà.
Đến lượt tôi vào làm lễ, thắp nén hương tôi thành tâm khấn nguyện, tin rằng Thầy sẽ chứng giám cho lòng thành kính của tôi, đại diện cho nhóm bạn khóa 9 Ngô Quyền nguyện cầu cho vong linh Thầy siêu thăng tịnh độ.
Lễ xong một người mời tôi ra bàn ngồi uống nước, anh tự giới thiệu là con rể của Thầy, anh ân cần lịch sự tiếp chuyện tôi, tôi cũng xã giao vài câu thăm hỏi rồi cáo từ ra về vì trời chuyển mưa, mà mưa thật. Tôi về chưa đến nhà thì trời mưa to, cái áo mưa mỏng manh không bảo vệ được tôi may mà không bị nạn kẹt xe ngập đường nhưng cũng ướt như chuột lội nước. Tuy nhiên tôi không thấy lạnh lẽo, như có một cảm giác ấm áp an ủi tôi. Tôi bỗng nhớ đến lần đi viếng lễ tang cô Hà Bích Loan. Hồi đó tôi chưa có điều kiện theo dõi sinh hoạt gia đình Ngô Quyền trên mạng nên khi biết tin cô mất thì đã muộn . Dù vậy tôi cũng một mình tìm đến nhà cô (cảm giác nầy tôi cũng từng chia sẻ với các bạn trong một bài viết ). Hôm nay tôi cũng một mình nhưng tôi biết bên cạnh tôi luôn còn có các bạn khóa 9 dõi theo.
Truyền thống muôn đời Uống Nước Nhớ Nguồn. Công ơn Thầy Cô luôn ghi khắc trong tâm hồn những người học trò xứ Bưởi. Chúng ta hôm nay dù có thành danh hay chỉ thành nhân vẫn không quên. Một lần nữa xin cung kính cúi đầu đưa tiễn Thầy Phạm Đức Bảo, Thầy Hiệu Trưởng của chúng ta.
Saigon, chiều mưa tháng 10 năm 2016
Bùi Thị Lợi
*********************************************
CHÂN THÀNH CÁM ƠN
Con thay mặt gia đình và tất cả anh chị em, xin thành thật cảm ơn đến tất cả đồng nghiệp, bạn bè, học trò của Ba con đă đến viếng, phúng điếu, gởi tràng hoa, gọi điện thoại và gởi email chia buồn cho sự ra đi của Ba con.
Đám tang đã diễn ra trong sự trang trọng và thương tiếc của tất cả mọi người. Ba con mất ngày 8 tháng 10 năm 2016, đến 8 giờ sáng ngày 11 tháng 10 năm 2016 tiễn đưa linh cữu đi hỏa táng và hài cốt được để tại Chùa Vĩnh Phước, địa chỉ số 80/96 duong Trần Quang Diệu Phường 14, Quận 3, T/P Hồ Chí Minh. Nếu có thể biết mặt được hết tất cả mọi người, thì con nghĩ đă không thiếu một ai đă không đến viếng Ba con lần cuối.
Mặc dù đă mua vé máy bay đi liền nhưng cũng đến trưa ngày thứ Hai ngày 10 tháng 10, con và anh Lân (chồng con) mới về đến Việt Nam. Từ trưa thứ Hai đến cuối ngày, con cũng đă có dịp gặp rất nhiều các cô, chú đến viếng, những người đã từng học tại trường Quốc Học, Huế; trường Phan Bội Châu, Phan Thiết; các Thầy Cô và anh chị học tại Ngô Quyền; các Thầy Cô đã từng học với Ba con ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, từng đi dạy học chung với Ba con tại trường Hồ Ngọc Cẫn, Bùi Chu, một số các Thầy Cô và các anh chị nữa ở các trường Công Thanh, Khiết Tâm, Trần Thượng Xuyên và những trường khác ở Long Khánh, Tân Uyên, Tân Hiệp, cả những tỉnh và trường khác nữa mà trong lúc bối rối, con đã không thể nhớ tên hết được.
Các Thầy, Cô , các Chú, các Anh, Chị đã đi một vòng quanh quan tài của Ba con để một lần chào vĩnh biệt. Ba con thật đã mãn nguyện vì đã được nhìn lại một lần cuối tất cả mọi người, những người đã cùng đồng hành, đóng góp công sức, những người bạn cũng như những học trò yêu quý, những người đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp của Ba con nói riêng và trong công cuộc xây dựng trường và ngành giáo dục của tỉnh Biên Hòa nói chung.
Một lần nữa, con và gia đình xin thành thật gởi lời cảm ơn đến tất cả Thầy, Cô, Chú, Bác, Anh, Chị từ các trường Hồ Ngọc Cẩn, Tăng Bạt Hổ, Quốc Học, Phan Bội Châu, Công Thanh, Khiết Tâm, Trần Thượng Xuyên, Minh Tân, Lê Bảo Tịnh, và những trường khác, cùng những đồng nghiệp của Ba con đã từng làm việc tại khu Học Chánh và Sở Giáo Dục tỉnh Biên Hòa, những người đã có lòng thương mến Ba con, và xin cảm ơn đại gia đình Ngô Quyền trong và ngoài nước đã thương tiếc và thành kính tiễn biệt Ba con đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ba con đã ra đi trong thanh thản và mãn nguyện.
Xin chân thành cảm ơn
Phạm thị Phú Xuân
Phụ Đính:
Xin bấm vào link dưới đây để xem:
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÁM TANG THẦY PHẠM ĐỨC BẢO
_____________________________________________________________________________