Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đào Văn Công & Trần Kim Lan - Thầy, Bạn Và Thời Gian.

04 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 34878)
Đào Văn Công & Trần Kim Lan - Thầy, Bạn Và Thời Gian.

 

 

                             THẦY, BẠN VÀ THỜI GIAN

 

                             Đào Văn Công & Trần Kim Lan

                                                                  NQ 56-63

 

Mùa  thu năm 2004, Thầy Phan Thông Hảo có gửi cho tôi bài viết  Cần Thơ xưa & college Phan Thanh Giản thân yêu của tôi” in trên đặc san số 9  Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điễm Cần Thơ với hàng chữ viết thêm trên đầu trang “…đọc chơi lấy thảo…”

Một phần của đoạn mở đầu Thầy đã viết như sau:

“Còn nhớ năm xưa, cũng tại Trường Phan Thanh Giản, tôi biết một ý tưởng khá ngộ của văn hào Pháp, J.B.Stendhal, về cái mà ông gọi là “ hiện tượng kết tinh (phenomene de cristallisation), đại khái như sau: “Bất kỳ một kỷ niệm nào trong quá khứ, dù vui hay buồn, qua thời gian khá lâu đều trở thành những viên kim cương long lánh …”. Thật đúng quá. Những lời khen tặng hay rầy la của Thầy Cô năm xưa, những lời chọc ghẹo của bạn bè tinh nghịch, những câu pha trò duyên dáng của Thầy Cô, những mối tình vụng trộm của tuổi dậy thì, hay cả các “cồng xin”(consigne) của các Thầy Giám Thị ban cho cuối tuần vì tội ngỗ nghịch, chọc Thầy phá bạn  v.v… Bây giờ ngồi nhớ lại, sau bao nỗi đắng cay của cuộc đời vô thường nầy, tất cả các kỷ niệm xưa đều hóa thành, như có phép lạ, những hạt kim-cương ngàn vạn năm khó tan. Có đúng vậy không các bạn?

Bài viết của Thầy, như một dòng nước mát trong lành, rửa sạch vết bụi thời gian để trong tôi, kỷ niệm một thời áo trắng thật sự là những hạt kim cương hiện ra cùng ánh thái dương, những hạt kim cương ngàn vạn năm khó tan, thật đúng quá, kính thưa Thầy!

Với tôi những năm Tiểu Học, không phải không có kỷ niệm, nhưng một phần vì thuở ấy tuổi còn ít nên kỷ niệm không nhiều.  Phải kể là thời trung học mới thực sự có nhiều “hạt kim cương”.

Viên “hột xoàn” đầu tiên có lẽ là trang phục. Trang phục tự do y như tiểu học (mãi cho đến giữa năm lớp Đệ Tứ, khi Thầy Huỳnh Quốc Tuấn về làm HiệuTrưởng mới bắt đầu đồng  phục). Nam sinh chúng tôi cứ sơ mi với xà lỏn và chân đất (rất ít bạn có dép) còn nữ sinh cứ áo bà ba, quần lãnh, guốc dép thoải mái. Riêng lễ phục bắt buộc theo mẫu ấn định, nam áo sơ-mi trắng ngắn tay, quần sọt (short) trắng ; nữ áo sơ-mi trắng dài tay, quần tây dài (pantalon) trắng, tất cả nam nữ đều phải đeo một chiếc phù hiệu “Hiệu Đoàn Ngô Quyền” bằng kim khí trên nắp túi áo bên trái, đầu đội mũ bê-rê (beret) xanh da trời  lưng có dây nịt vải cùng màu với beret, chân đi giày bata trắng.

Mặc dù là một trường Trung Học, nhưng vì là năm đầu tiên một trường Trung Học công lập được mở ra ở tỉnh, mà đa số người dân còn nghèo do chiến tranh chấm dứt chưa được bao lâu, ngay cả trường sở cũng còn chưa được chuẩn-bị, phải mượn ba phòng học của trường Nguyễn-Du cho ba lớp đệ Thất, một lớp nữ và hai lớp nam, mỗi lớp 50 học sinh, thành phần Giáo Sư được điều động từ trường Nguyễn Du với ba vị thường xuyên và ba vị vào chiều thứ Năm là ngày mà trường Nguyễn Du không học (hội giáo khoa). Vị Giáo Sư thứ Bảy là Thầy Trần Minh Đức được mời từ Saigon dạy Anh Văn.

Nếu không có những “ hạt kim-cương” thì có lẽ thời gian sẽ bào mòn hết ký ức và không ai còn có thể nhớ từng tên tuổi của một thời…vang bóng .

Lớp Đệ Thất B3 năm ấy, với bạn Nguyễn Hữu Hoài có biệt danh đầu tiên là “cá trê”. Câu chuyện liên quan nhiều người với thời gian liên tưởng dài hàng mấy mươi năm .

Khởi đầu từ một bài Pháp Văn Récitation (Học thuộc lòng) với Thầy Phạm Văn Tiếng trong có hai câu như sau :

“Connais-tu mon beau village,

    Encadré dans le feuillage ?”

Đa số đều đọc được, đến bạn Nguyễn Hữu Hoài đọc nghe như “ăn cá trê” và thầy Phạm Văn Tiếng sửa đi sửa lại nhiều lần bạn vẫn không phát âm đúng và từ đó bạn được mang biệt danh “cá trê”. Thầy Trần Minh Đức dạy Anh Văn, nhưng đây là môn học mới, với những bài học vỡ lòng, nên học trò không bao giờ thắc mắc, thường  thì khi gần cuối giờ học Thầy hay giải đáp những câu hỏi…hơi ngoài đề, nên có một câu :

 “ Thưa Thầy tiếng Pháp cá trê nói làm sao?”

 “ Poisson chat”                                                                               

Vậy là bạn tôi ngoài biệt danh “cá trê” còn được thêm tên tiếng Tây là “poisson chat”. Câu chuyện còn tiếp nối khi một hôm Thầy Bùi Quang Huệ trong môn học Thế Giới Sử, học về các giống người trên quả địa cầu với các tên gọi: người Néanderthal, người Cromagnon …minh hoạ đặc tính bằng hình dáng xương sọ. Giờ học nầy là giờ cuối của buổi sáng nên lúc ra về một bạn nào đi sau chót đã dùng phấn vẽ lên bảng hình một chiếc đầu người Cromagnon bên dưới thêm hàng chữ “người dài hàm”. Buổi chiều hôm ấy là giờ Anh Văn, khi Thầy Trần Minh Đức vào lớp nhìn thấy hình vẽ như vậy, Thầy cho là một học sinh nào đó đã….diễu Thầy và Thầy đã truy tìm thủ phạm nhưng phải ít lâu sau đó, khi Thầy đã nguôi giận, bạn tôi mới dám thú nhận và Thầy cũng hiểu nên bỏ qua. Thế mà bốn mươi năm sau, vật đổi sao dời khi sang đất Mỹ nầy, đi vào chợ thực phẩm thấy có giống cá “cat fish”  là cá mèo, vậy tiếng Pháp là…tự nhiên cả một trời kỷ niệm chợt sống lại. Thầy Trần Minh Đức rất thương học trò, cuối năm ấy Thầy đã trao tặng mỗi lớp 3 phần thưởng cho 3 học sinh nhứt, nhì,  ba,  môn Anh Văn, và thời gian nghỉ hè Thầy đã mở lớp học Anh Văn miễn phí tại nhà nhưng bọn trẻ nít chúng tôi vốn dĩ ham chơi hơn ham học. nên lớp học thưa dần và một tháng sau …Thầy không còn mất thì giờ với chúng tôi nữa .

          Với 3 lớp Đệ Thất rất khiêm tốn của một Trường Trung học mới thành lập, khiêm tốn từ thành phần Giáo Sư đến cả học sinh, vậy mà thành quả rất đáng ghi nhớ. Thầy Bùi Quang Huệ là giáo sư hướng dẫn lớp đệ Thất B3 nhưng có lẽ là vị giáo sư trẻ hơn thầy  Phạm Văn Tiếng và Thầy Đinh Văn Sái nên thầy rất tích cực trong các họat động hiệu đoàn, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi thực hiện bích báo, hướng dẫn tranh các giải thể thao học sinh. Năm đó bạn Lý Thanh Phong đoạt cúp vô địch học sinh bộ môn bóng bàn  và chúng tôi bị thua hiệu đoàn Trường Khiết Tâm bộ môn túc cầu vì không làm sao chống đỡ nổi với những anh bạn cao to lớp đệ Tứ , đệ Ngũ. Thầy Hồ Văn Vinh dạy Địa lý, thầy Phạm Văn Mẫn dạy Vẽ và thầy Trần Văn Lộc dạy Nhạc vào buổi chiều thứ Năm cũng để lại nhiều  kỷ niệm, nhất là dưới sự hướng dẫn  của thầy Trần Văn Lộc, hai màn trình diễn văn nghệ vào lễ phát thưởng cuối năm tại rạp hát Vạn Khánh Hưng gần chợ Biên Hòa cho đến nay vẫn còn in đậm  trong trí nhớ .

          Lớp đệ Thất B2 trình diễn vở hài kịch  Nồi cơm cháy khét” với các bạn  Hà Xuân Son (Thừa tướng ), Đoàn Văn Trọng (Thái sư),  Đào Văn Sáu (vua Xồm Vương) qua  các câu văn trào phúng :

          

          

           Thái sư : Kìa Thừa tướng , khi xe tôi vừa quẹo ngõ Mạc Má Hồng

                          Thì tôi thấy Vespa ngài phóng qua cái vụt

                          Cớ sao mà lục đục, ngài lại đến sau tôi

           Thừa tướng: Ô…là.. là .. formidable (phọt mi đáp), chỉ tại cái Vespa tồi

                            Đang ngon trớn, bỗng xè xè dừng lại ,

                            Báo hại tôi tìm mãi, mới biết nó nghẹt cái bu-gi

                            Sửa hằng giờ, rồi lại ra đi

                            Và sợ trễ, nên phải phóng liều như gió

                            Bất kể đèn xanh đỏ, Săng-phú cả Cảnh binh ,

                            Mong sao kịp đến trào đình ,

                            Vì sợ trễ, e thánh hoàng đại bố

              Thái sư : Ngài chỉ thói quen tâm chạy cố ,

                            Tôi e có bữa nó ắc xi đăng

                             Chạy đi dâu cho khỏi chuyện lằng nhằng

                             Bắt chước tôi ngồi xích lô cho nó khỏe

                             

                            

              Xồm vương :  Kể từ ngày nối ngôi Thiên Tử

                               Trẫm hiệu Xồm Vương

                               Hễ ai trồng so đủa thì Trẫm thương

                               Còn ai trồng khổ qua …( vỗ bàn hét ) ..a…a..a…

                               Trẫm sẽ toàn gia tru lục

                Thái sư :  Tâu bệ hạ, nhờ vậy nên… chư hầu đều tòng phục

                                Còn toàn quốc thảy bình an

                                Khắp lân bang đâu đó thảy kinh hoàng

                                Ai ai cũng đều khiếp oai của bệ hạ

                Xồm vương : Ấy cũng nhờ các khanh đồng một dạ ,

                                Ủng hộ Trẫm hết mình ,

                                Chừng nào rảnh ráy việc Triều đình ,

                                 Trẫm sẽ thưởng mỗi người một chiếc xe “quơ đết” ( vedette )

                 Lính : (chạy  vào quỳ )

                                Thậm cấp chơn thậm cấp ,

                                Chí nguy thị chí nguy…

                 Xồm vương : Điều chi

                  Lính :       Khi Thánh hoàng vừa xe giá ra đi

                                          Thì Hoàng hậu cũng lái xe đi đánh xệp

                                  Bỏ cả việc nhà việc bếp

                                  Đều giao phó cho cung nga ,

                                  Bọn nầy nạnh nhau, đánh lộn vang nhà

                                  Rủi trúng phải …nấp nồi cơm …đổ bể

                                  Và …vì không có nấp thế ,

                                   Nên nồi cơm đã sống nhăn .

                  Xồm vương : ( Vỗ bàn hét )  Hay cho Hoàng hậu dữ a…a

                                  Giỏi cho Hoàng hậu dữ a …

                                  Nấu cơm là hệ trọng,

                                  Lại bỏ phế cho cung nga  ,

                                  Cận vệ quân ….. Mau đem Hoàng hậu ra ngoài thành

                                  Bắn vào đầu hai sạt rưa (chargeur) mi-trây-dết (mitraillete)

                                   

                                   

                 Xồm vương :…

                                     Nầy Thái Sư , Trẫm thưởng ngài một nắm cơm khê   

                                     Đây Thừa Tướng, ân tứ ông một dề cơm cháy

                                     Còn bao nhiêu để lại , Trẫm và Hoàng Hậu cùng xơi

                                     Thôi công việc đã hết rồi, truyền bãi trào ngơi nghỉ .

 

          Do đóng vai vua nầy, bạn Đào Văn Sáu có thêm biệt danh Xồm Vương, sau nầy  là Luật Sư có văn phòng ở tỉnh Biên Hòa cho đến 04/75 thì đóng cửa, gia nhập hàng ngũ giáo chức rồi sang Úc định cư, cùng định cư ở Úc hình như có bạn Phạm Phú Hòa, lớp đệ Thất B3, gia nhập Hải Quân, tù cải tạo về, bán vé số ở chợ Biên  Hòa và vượt biên. Các bạn Đoàn Văn Trọng , Hà Xuân Son làm nghề godautre đã cùng Võ Văn Phương, Phạm Văn Bông, biệt danh Đờn Cò, vì bạn có tài chơi đờn cò rất hay và Nguyễn Văn Nẫm, biệt danh “thằng Nỡm” do bạn bè gán cho nhân khi học bài “Nhặt lá bàng” trích trong tiểu thuyết “Đôi Bạn” của nhà văn Nhất Linh có nhân vật “thằng nỡm” ; năm bạn nầy là sáng lập viên “Hội cựu học sinh Ngô Quyền” thành lập năm 1965 và họat động đến 1968 thì chìm dần vào quên lãng  do lệnh Tổng động viên sau Tết Mậu Thân khi các thành viên của Hội phải nhập ngũ hay tái ngũ .

          Lớp đệ Thất B3, hơn mười bạn mình trần, xà lỏn đen, mặt vẻ quằn quện, quấn thêm dây lá nho, đầu đội lông gà , tay cầm cung trong một điệu vũ “nhảy mọi” :

                    Màn đêm xuống , bên bờ sông vắng , xuôi dòng âm thầm thầm.

                     

                      Yam ba la ya , múa trong điệu ca , giữa muôn thân cây già già…

                      Yam ba la ya…

          “ Nhảy mọi” ,  không phải tượng trưng cho những điệu vũ của người Thượng, mà đội lông gà, đó là cảnh người da đỏ trong các phim cao bồi miền Viễn Tây .

          Khoảng thập niên 1980 gặp lại thầy Trần Văn Lộc, nhắc chuyện cũ, thầy mĩm cười : “Hồi đó, còn trẻ, mình làm được nhiều việc vui quá hả?”.

          Năm học sau, Trường có thêm 3 lớp đệ Thất, khi 3 lớp của năm trước lên đệ Lục và dời về trường Nữ Công Gia Chánh, đối diện  bệnh viện tỉnh Biên Hòa và kế sát Hội đồng xã Bình Trước cũng như có thêm nhiều Giáo Sư từ Sàigòn lên.

          Cô Phạm Thị Kim Thanh dạy Quốc Văn kiêm Giáo Sư hướng dẫn lớp đệ Lục B1

         Thầy Trương Phan Nam Minh dạy Pháp Văn kiêm Giáo Sư hướng dẫn lớp đệ Lục B2

         Thầy Phan Thanh Hoài dạy Anh Văn, Lý Hóa kiêm Giáo Sư hướng dẫn lớp đệ Lục B3

          Thầy Dương Quang Lộc dạy Toán.

         Cô Phạm Thị Kim Thanh và Thầy Dương Quang Lộc là hai vị Giáo Sư người Bắc

đầu tiên đến Biên Hòa mà đa số là học sinh miền Nam từ trước vẫn chỉ học với Thầy Cô người Nam  nên cũng có … ít nhiều  kỷ niệm.

          Cô Thanh thường sửa giọng đọc những chữ mà học sinh Nam khó đọc làm cho bọn nầy càng đọc khó nghe hơn, như là “quắng-quẻ” (vắng vẻ),  canh râu (canh rau)…

        Thầy Lộc có chiếc xe hơi ba bánh, hai bánh trước và một bánh sau cùng hai chiếc đèn lớn phía trước trông giống như một con cóc, Thầy  chỉ dạy một năm duy nhất nhưng nhờ chiếc xe “con cóc  mà năm 1965  khi Thầy về làm Y Sĩ Trưởng  Tiểu Đoàn 6  Nhảy Dù , nhắc lại chiếc xe nầy mà  Thầy trò nhận ra nhau. Sau đó hình như Thầy đi làm  Y Sĩ Trưởng Quân Y Viện Ban Mê Thuột và bây giờ hình như Thầy cũng đang ở đâu đó trên đất Mỹ nầy. Học trò của Thầy luôn nhớ Thầy với dáng cao, gầy và …chiếc xe con cóc .

          Thầy Trương Phan Nam Minh dạy được một năm rưỡi thì về luôn Sàigòn  khi Thầy thông báo là Thầy bị gọi quân dịch. Người học trò nhớ Thầy nhiều nhất chắc là bạn Võ Văn Phương; sau đó vào dịp tất niên  năm 1962 (đệ Nhị) Thầy có về  thăm học trò cũ nơi trường mới (gần đài Kỷ niệm). Thầy trò gặp nhau thật quá đổi vui mừng. Vậy mà nay cũng đã hơn 40 năm rồi, nếu  giờ đây tình cờ gặp lại biết có còn nhận ra nhau .

          Thầy Phan Thanh Hoài đã để ấn tượng về một trò ảo thuật với quả  trứng và ly nước; quả trứng thả vào trong ly nước lã thì chìm, đổ muối vào ly quậy đến bão hòa thì quả trứng nổi lên, chứng minh ảnh hưởng của tỷ trọng  tác dụng vào sức đẩy của nước . .. Thầy là Giáo Sư hướng dẫn lớp đệ Lục B3, phụ trách môn Hiệu Đoàn là môn học kiến thức thực dụng đời sống hoặc những sinh hoạt cộng đồng xã hội. Trong một lần dạy về cách tìm phương hướng, ngoài việc xử dụng địa bàn, xử dụng kim chỉ giờ trên mặt đồng hồ hướng theo mặt trời, còn có cách coi sao trên bầu trời. Thầy đã chỉ cho chúng tôi nhận biết nào là sao Hiệp Sĩ với những sao tượng trưng cho thắt lưng, cho thanh kiếm, đâu là đầu, hai tay và hai chân để định hướng đầu của Hiệp Sĩ quay về phương Bắc ; sao Người đánh xe, sao Thiên Nga, sao Bọ Cạp , sao ThậpTự Phương Nam; cách tìm sao Bắc Đẩu bằng chòm sao Đại Hùng Tinh với bảy ngôi sao trông giống như cái soong có cán, để từ hai ngôi sao bên ngoài là thành của chiếc soong, kéo một đường thẳng có độ dài bằng 5 lần khoảng cách hai ngôi sao nầy thì gặp một ngôi sao hơi mờ, đó chính là sao Bắc Đẩu, là ngôi sao thứ Bảy ở cuối chiếc cán cái soong nhỏ được gọi là chòm sao Tiểu Hùng Tinh ,đối xứng với Đại Hùng Tinh.Thầy còn cho biết có một đêm trong tuần, Thầy ở tạm tại trường, nếu đêm đó trời không mưa, chúng tôi có thể đến, Thầy sẽ chỉ dẩn tường tận hơn. Và có một đêm chúng tôi độ mười đứa được Thầy dẫn ra ruộng, vì tại sân trường ảnh hưởng ánh sáng đèn đường làm loãng quang độ của thị giác. Lúc đó khoảng tháng Mười nên vào lúc đầu hôm, chòm sao Đại Hùng Tinh chưa hiện ra làm khó tìm Bắc Đẩu  do vị trí của quả địa cầu trên quỷ đạo, Thầy bảo vào khuya nếu em nào muốn thì cứ đến trường, khuya đó có hai đứa trèo rào (vì cổng trường không mở ban đêm) và rất may , trời không một gợn mây, Thầy đã chỉ cho chúng tôi chòm sao Đại Hùng, sao Bọ Cạp như chữ S. bản đồ Việt Nam có đuôi luôn chỉ về phương Nam. Nhờ kiến thức nầy, khi vào quân đội, tôi đã chỉ dẫn lại cho anh em đồng  đội và sau nầy dạy lại các con tôi, cho đến bây giờ mỗi buổi sáng, khi ra cửa đi làm, tôi ngước nhìn lên bầu trời tìm chòm sao Đại Hùng như một thói quen hằng ngày và, mỗi lần như vậy, tôi nhớ Thầy tôi, vị sư phụ đã dạy nhiều điều thực dụng cũng như để lại trong ký ức bạn bè chúng tôi  nhiều  kỷ niệm khó quên,  mỗi lần gặp nhau là có dịp nhắc nhở. Trong năm học lớp đệ Lục nầy, Thầy đã hướng dẫn đội túc cầu chân không đi đấu giao hữu với đội trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu do lời mời của  trường nầy, cũng là dịp đưa học sinh đi “cho biết đó biết đây”. Kết quả phần thắng  7-1  nghiêng về phía đội chủ nhà đã giải thích là chân không (giày) rất … ngán va chạm với giày thể thao và dân sự nhỏ con đệ Lục không sao cầm cự nhà binh to con đệ Ngũ, đệ Tứ.  Lúc lên xe trở về, bạn  Lê Văn Lẹ, biệt danh Cả Lẹ, phân trần với Nguyễn Văn Lý, biệt danh Cụ Lý, vẽ một đường banh nào đó, không đưa cho bạn, vì bạn chạy mau, mà đưa cho Dũng Chuột, biệt danh của Nguyễn Thành Dũng, đánh  mất cơ hội có thể làm bàn, nghe vậy Thầy vui vẻ thêm một câu : “Phải rồi , trung phong Lẹ …chạy mau …đá bậy.” Cả bọn chúng tôi vỗ tay cười vang. Hơn bốn mươi năm sau, những người bạn phong trần có dịp gặp nhau, nhắc chuyện xưa, vừa nhớ Thầy, vừa ngậm ngùi cho quảng đời niên thiếu đã qua mau .

          Năm học kế tiếp, chúng tôi lên lớp đệ Ngũ cũng là năm trường tuyển bốn lớp đệ Thất hai lớp nam, hai lớp nữ và chương trình  cũng thay đổi trong phần sinh ngữ , bậc đệ nhất cấp chỉ học một sinh ngữ hoặc Anh hoặc Pháp. Đa số học sinh chọn học Anh Văn, Thầy Trương Phan Nam Minh đổi qua dạy Toán và Lý Hóa, nhưng được nửa niên học, Thầy cho biết là Thầy có  lệnh  gọi quân dịch và sau buổi tất niên dịp Tết năm đó, Thầy  Phan Thông Hảo đã từ Sàigòn lên thay . Thầy Hoàng Phùng Võ dạy Quốc Văn, Thầy Nguyễn Văn Quảng dạy Vạn-Vật, Thầy Dương Hòa Huân dạy Sử Địa, Thầy Lê Hồng Sanh phụ trách Văn phòng .

          Thầy  Hoàng Phùng Võ đã cho học toàn bộ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, nhờ vậy đến nay chúng tôi vẫn còn nhớ khá nhiều, một vài năm sau, Thầy chuyển qua dạy Công Dân cho đến giữa năm 1962,  Thầy bị động viên  khóa 14 Thủ-Đức. Tôi được gặp Thầy vào đầu năm 1963 khi tôi vào khóa 15  trước khi Thầy rời trường Bộ Binh Thủ Đức qua giai đoạn 2 và từ đó cho đến nay, dù đã có hai lần tôi tới Cali nhưng không thu xếp được để thăm Thầy, tôi vô cùng hối tiếc .

          Thầy Phan Thông Hảo đến vào giữa năm lớp đệ Ngũ dạy Toán và Lý Hóa. Thời  kỳ đó, Biên Hòa vẫn còn đậm nét miền quê tỉnh lẻ, Thầy mang máy chiếu slide các hình ảnh liên quan đến các bài họcVật Lý như “nam châm, nam châm điện và các ứng dụng, sức mạnh của nam châm điện…”  học trò chúng tôi rất mê, vì lúc đó cửa lớp được đóng lại, không phải chép bài hoặc lắng nghe để trả lời câu hỏi bất chợt của Thầy. Thầy cùng với Thầy Phan Thanh Hoài thuê một căn nhà sàn, gần nhà Thầy Lê Hồng Sanh sát cạnh ruộng lúa. Sở dĩ tôi còn nhớ căn nhà nầy do một hôm Thầy vào lớp hỏi:  Em  nào có ba hoặc anh là  thợ mộc?”, tôi đưa tay và sau giờ học đi cùng Thầy về căn nhà đó để được Thầy chỉ chiếc ghế bố xếp nhỏ bị gảy một thanh ngang mà Thầy phải tạm kê chịu bằng một chiếc ghế đẩu. Một tuần sau, tôi làm một thanh gỗ khác đem đến thay, Thầy gửi tiền tôi không nhận, Thầy đã tặng tôi một chiếc cặp da và tôi xử dụng cho đến ngày tôi lên đường nhập ngũ. Năm đệ Tứ, Thầy không dạy chúng tôi. Năm đệ Tam, đệ Nhị và đệ Nhất Thầy dạy Pháp Văn và học sinh đã ưu ái tặng Thầy biệt danh “M.Vincent”. Đầu năm 1963, tôi nhập ngũ khóa 15 Thủ-Đức thì giữa năm Thầy cũng  theo lệnh động viên vào khóa 16, Thầy trò găp nhau ở quân trường cho đến ngày tôi mãn khóa. Chiến tranh và quân vụ không cho cơ hội  gặp Thầy, mãi đến khỏang gần cuối thập niên 1980 Thầy về thăm Cù Lao, tôi mới có dịp và cũng trong lần gặp nầy Thầy nói có thể gia  đình Thầy sẽ đi Cộng Hòa Trung Phi, do bên đó cần người dạy Pháp Văn và Thầy đã nộp hồ sơ qua Tòa Đại Sứ và đã được chấp thuận, chỉ còn chờ phía chính phủ VN cho đi. Năm 1995 gia đình tôi định cư ở Mỹ theo diện HO, tôi vẫn  đinh ninh Thầy tôi lưu lạc mãi ở xứ Phi Châu nắng cháy, cho đến lúc được Thầy Phan Thanh Hoài cho số điện thọai của Thầy, tôi mới  liên lạc được. Thầy nói cho đến khi chính phủ VN đồng ý để Thầy đi Trung Phi thì đã mất thời gian quá lâu, họ không thể chờ nên đã tuyển người khác do vậy Thầy “đành” sang Mỹ. Mùa hè năm 2000 gia đình tôi có đến Philadelphia thăm Thầy Cô, cho đến nay vẫn thường giữ liên lạc.

     Năm học đệ Ngũ nầy bạn Lý Ngọc Mai đã thi (nhảy) và đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.  Bạn rời trường  để vài năm sau bạn vào dạy Trường Bán Công Trần Thượng Xuyên đã được mở trong khuôn viên Trường Ngô Quyền. Do vậy, bạn ta thường khôi hài với bạn bè đông niên: “Tôi đã đứng trên bục giảng khi mấy người còn mài đít quần bên dưới.”

          Năm tiếp theo, đệ Tứ là năm học gay go vì cuối năm phải thi bằng Trung Học Đệ  Nhất Cấp, trường có thêm Giáo Sư mới, Thầy Thân Trọng Hưng dạy Quốc Văn, Thầy Nguyễn Thất Hiệp dạy Toán, Thầy Hoàng Quí Nam dạy Lý Hóa, Thầy Phan Thanh Hoài vẫn dạy Anh Văn, Thầy Dương Hòa Huân vẫn dạy Sử-Địa.

           Thầy Thân Trọng Hưng nói giọng Huế, thích viết chữ Nho, cũng may, lớp học sinh nầy hồi Tiểu Học vào các năm lớp Nhì, Nhất, Tiếp Liên đã được trang bị mỗi tuần một giờ Hán Học vào ngày thứ Năm của ông Thầy Đức, ông Thầy Giáo và ông Đốc Vĩnh, nên cũng lõm bõm hiểu  được chút đỉnh. Có hôm, Thầy viết phủ đầy hết cả tấm bảng làm học  trò cứ há hốc ngẩn ngơ, thôi thì, nào là “đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”, nào là “tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã  v.v…Thời ấy Thầy còn ở Sàigòn , sau nầy Thầy định cư hẳn ở Biên Hòa và mở nhà in “Đồng-Nai”. Cuối 1994, trước khi sang Mỹ, tôi có đến thăm Thầy, cho đến nay đã tròn một giáp 12 năm, không  biết có cơ hội  nào nhưng tôi vẫn mong và vẫn nhớ Thầy mỗi khi bắt gặp một “chữ Nho”.

          Thầy Nguyễn Thất Hiệp rất sport trong khi Thầy Hoàng Quí Nam vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng là những Giáo Sư còn rất trẻ nên rất “chịu chơi”, thường hay kể chuyện bên lề để làm giảm thiểu sự căng thẳng của …năm đi thi. Ngày nay nhị vị kính mến ở hai bờ đông tây của nước Mỹ.

          Cuối năm 1959, Thầy Huỳnh Quốc Tuấn về làm Hiệu Trưởng. Chiếc xe Volkswagen màu cà phê sữa thường ngày ở trước cửa văn phòng như nhắc nhở sự hiện diện của Thầy. Và cũng từ đó, học trò chúng tôi bắt buộc phải mặc đồng phục: nam sơ mi trắng có may phù hiệu “Trung học Ngô Quyền Biên Hòa” là một băng vải thêu, trên túi áo bên trái, quần tây dài xanh dương, chân đi giày sandale ( không được đi dép ); nữ áo dài trắng có phù hiệu may trên đường hò, quần dài đen hoặc trắng , chân đi guốc hoặc giày. Lễ phục nam: áo sơ mi trắng dài tay phù hiệu túi áo trái, quần tây dài trắng, giày bata trắng , đội nón kết trắng; nữ: áo dài màu xanh da trời có phù hiệu, quần dài trắng, giày hoặc guốc. Lễ phục nầy từ năm học 1961-1962 trở về sau, được mặc vào ngày thứ Hai .Thầy Huỳnh Quốc Tuấn rất nghiêm, có lẽ do tính nhà binh của Thầy mà đám học trò chỉ  biết  lúc Thầy được gọi tái ngũ vào khoảng đầu năm học 1961. Từ đó chúng tôi không có cơ hôi gặp, cho đến lúc sang Mỹ được tin Thầy qua đời bên Pháp. Thành kính một nén nhang lòng tưởng nhớ vừa là Thầy vừa là đồng ngũ. Cuối năm học đó, tỉnh Biên Hòa tổ chức thi bằng Trung Học Đệ Nhất cấp lần đầu tiên và học sinh Ngô Quyền thế hệ đầu tiên đã tạo được đủ số cho ba lớp đệ Tam vào năm học sau.

          Ba năm học đệ nhị cấp, lớp đệ Tam còn ở trường cũ, đệ Nhị, đệ Nhất học ở trường mới, thêm  Thầy, thêm bạn , Thầy Phạm Đức Bảo, Thầy Nguyễn Phi Hùng , Thầy Nguyễn Hữu Thiệu, Thầy Trần Tấn Lộc, Thầy Phạm Gia Hưng, Thầy Nguyễn Thế Văn, Thầy Nguyễn Trường Hải, Thầy Đặng Quốc Toản (Tchépone-Đà Nẵng), Thầy Cù An Hưng, Thầy Tôn Thất Long, Thầy Hoàng Đức Phương, Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Cô Bùi Thị Ngọc Lan, Cô Nguyễn Kim Xuyến;  xin dành một dịp khác. Trước khi tạm dừng tưởng cũng cần thêm một chi tiết chủ quan. Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.

                                     “Tình sư đệ, thiên thu bất diệt,

                                     Nghĩa kim bằng, vạn kỷ nan vong .”

         

             Xứ Gà Chiên tháng 2 năm 2006

                                                          

 

07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 68811)
Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48323)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
04 Tháng Tư 2014(Xem: 75616)
  Năm mươi năm sau, chúng tôi tụ họp về đây, không phải ở trong nước mà ở hải ngoại để tìm lại những kỷ niệm, thật bồi hồi, xúc động, dù ở cương vị Thầy hay trò ở một trường Ngô Quyền ngày nào.
27 Tháng Năm 2009(Xem: 86117)
  Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng ta quả thực rỏ ràng thấy được: Gốc cây trường trung học Ngô Quyền đã có nhiều cành ngọn và Nguồn trường xưa đã tỏa rộng khắp nơi.
06 Tháng Hai 2009(Xem: 23631)
Đây cũng là một công trình kết hợp tuyệt vời của quí Thầy Cô và bè bạn khắp năm châu nhằm làm sống lại thật nguyên vẹn hình ảnh của trường Trung Học Ngô Quyền từ giai đoạn khởi đầu cho đến lúc phát triển.
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90084)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 38911)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87211)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74559)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39183)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40517)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82513)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46755)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 81268)
  Như mây xuống phố chiều nay , Nhớ về trường cũ những ngày xa xưa. Môt mình lê bước trong mưa, Mang theo kỷ niêm trường xưa Ngô Quyền .  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 37286)
  Một ngày cuối tháng 5 năm 2004, nhóm CHS/NQ/NCA tề tựu lại làm một cuộc viễn du lên miền Bắc Cali. Trước mắt là để xả hơi sau những ngày vật lộn với miếng cơm manh áo, sau là họp mặt với nhóm CHS/NQ/BCA để cùng ra mắt cuốn Kỷ Yếu CHS/NQ 2004.