Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 9 - Thầy NGUYỄN VĂN PHÚ

12 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 34708)
MGTT 9 - Thầy NGUYỄN VĂN PHÚ

 


Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.

Thấy học trò ngoan, chăm học Thầy còn hát cho cả lớp nghe bài ”Ông lái đò" khiến học trò năm cuối đệ nhất cấp mơ hồ cảm nhận được rằng "không ai được tắm hai lần trong cùng một gìòng sông".

Thầy đã dạy cho lớp lớn bằng tất cả nhiệt tình của một ông Thầy với bảng đen, phấn trắng trên bục giảng Ngô Quyền. Đến lúc tóc đổi màu, giữa quê người, Thầy vẫn bảo ban văn học quê mình cho thế hệ lớp nhỏ qua điện thoại. Dù bằng phương thức nào đi nữa, cũng xin ghi ơn Thầy đã truyền dạy cho chúng ta những kiến thức văn học và kinh nghiệm đời quý báu của một nhà giáo, một người thuộc thế hệ các bậc sinh thành.


thay_phu1-content
Thầy Nguyễn Văn Phú



Năm 2002, gặp lại thầy Nguyễn Văn Phú trong buổi họp mặt CHS Ngô Quyền lần đầu tiên tại nhà hàng Regent West, hình ảnh Thầy với mái tóc bạc trắng và dáng dấp gầy gầy đã khiến tôi xúc động và gợi nhớ ngay đến bài hát “Ông lái đò” mà Thầy đã hát trong dịp Tất niên của lớp Tứ 1 chúng tôi năm nào. Nhân cơ hội, tôi đã mời Thầy lên hát lại bài này cho mọi người cùng nghe. Thầy có vẻ ngạc nhiên và rất xúc động bảo rằng: “Vì tuổi tác và quá mỏi mệt sau những năm cải tạo nên đã quên lời hát, xin đọc 4 câu thơ để cho tròn tình nghĩa”. Bốn câu như sau:

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu,

Triều dâng sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương*

Từ đó, những lần sinh hoạt của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền sau này luôn có mặt Thầy với những lời hướng dẫn thân tình, thắm thiết.

Thầy Phú là giáo sư dạy môn Quốc Văn lớp Tứ 1 chúng tôi, niên khóa 69-70. Niên khóa 69-70 là niên khóa đáng ghi nhớ nhất của đám học trò đệ Tứ vì đó là năm cuối cùng của bậc trung học “đệ nhất cấp”, để sang năm tới tùy theo việc chọn ban A, B, C sẽ chia tay nhau lên “đệ nhị cấp”. Nhưng một lẽ đặc biệt hơn nữa, đó cũng là năm cuối cùng để rồi năm sau hệ thống giáo dục của toàn quốc đổi thành hệ 12 cấp lớp gồm trường tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 (thay vì lớp năm, tư, ba, nhì, nhất), trường trung học từ lớp 6 đến lớp 12 (thay vì đệ thất, lục, ngủ, tứ, tam, nhị, nhất) và bỏ hẳn tên gọi “đệ nhất cấp” và “đệ nhị cấp” ở bậc trung học. Vì vậy, Thầy trò chúng tôi đã tổ chức vài cuộc đi du ngoạn trong cái năm “bản lề” này thật vui vẻ và đầy thú vị!

thay_phu_va_tu_1-content

Thầy Nguyễn Văn Phú và lớp Tứ 1 (1970)

hiep-content

Thầy Trần Văn Phúc, Thầy Nguyễn Viết Long, Thầy Nguyễn Văn Phú và lớp Tứ 1 (1970)

 

Mỗi lần gặp lại Thầy là tôi nhớ đến những giờ học cũ khi cả lớp say sưa nghe thầy giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm mà Thầy rất tâm đắc và thường gọi bằng cái tên “Đoạn Trường Tân Thanh”, nhớ đến 2 khuôn mặt đặc biệt mà Thầy đã đặt tên cho sau khi giảng trích đoạn tả tài sắc hai chị em Kiều. Chị Trương thị Thúy (Thúy Kiều), và Nguyễn thị Hiệp (Thúy Vân). Chị Thúy (gọi là chị vì tuy học cùng lớp nhưng chị cao lớn và hơn chúng tôi một, hai tuổi gì đó) hiện đang ở Việt Nam mà lần về thăm vào năm 2002, lúc họp mặt bạn bè cũ, tôi có gặp. Chị vẫn mặn mà, sắc sảo như Thúy Kiều trong câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” và Hiệp, hiện đang ở San Jose, chúng tôi cũng đã có dịp hàn huyên, tíu tít trong lần họp mặt NQ năm 2004 ở SanJose, vẫn khả ái, xinh tươi như Thúy Vân với “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Thời gian không làm thay đổi nhiều hai gương mặt đẹp “tiêu biểu” của lớp chúng tôi.

hinh-chi-thuy-contenthinh-hiep-contentGặp Thầy, lại nhớ đến giờ Văn học sử, khi giảng về dòng văn học lãng mạn, Thầy chuyển sang đề tài “Nghi án TTKH” khởi đầu với bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” khiến cả lớp xôn xao. Với lối kể chuyện sinh động và lôi cuốn, Thầy biến giờ Văn học sử vốn khô khan trở thành một buổi tranh luận về “huyền thoại” tên của tác giả ba bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn, Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng” mà cho đến
 
   Nguyễn Thị Thúy (Thúy Kiều)
                                                                          Nguyễn Thị Hiệp (Thúy Vân)

bây giờ vẫn chưa biết rõ là ai? thật hào hứng, sôi nổi khiến cả lớp say mê theo dõi. Đến lúc chuông reo, câu chuyện vẫn chưa dứt, chúng tôi đành tiu nghỉu đứng lên khi nghe Thầy hẹn đến… tuần sau sẽ tiếp. Sau buổi đó, không biết có bao nhiêu đứa bạn đã mê thơ TTKH như tôi? Nhưng tôi nhớ mình đã chạy ngay ra nhà sách Huỳnh Hiệp “bê” ngay một bộ “Việt nam Thi Nhân Tiền Chiến” gồm 3 quyển “Thượng, Trung và Hạ” về nhà để “nghiền ngẫm” và “tập tểnh”… làm thơ. Kết quả là cũng có được một vài… con cóc nhảy ra sau này. Cám ơn Thầy đã là động lực, khởi nguồn giúp cho con biết yêu thơ từ đó.

Nhắc đến Thầy không thể không nhắc đến một biệt danh khác của Thầy là “Ông lái đò”. Nhân buổi Tất Niên của lớp, mời Thầy lên gíúp vui, Thầy đã hát bài “Ông lái đò” sau khi ví von hình ảnh này với những người Thầy đã tận tụy, dìu dắt, đưa đường cho biết bao học trò sang sông tới bến tương lai và như những người khách vô tình, sang sông dễ có mấy ai còn nhớ đến “Ông lái đò” nơi bến cũ vẫn ngày ngày “đưa mắt mỏi mòn trông”. Lời nhắn nhủ chân thành, cảm động đó khiến tôi nhớ mãi. Nhớ đến ân nghĩa của Thầy Cô mỗi khi nghe lại bài hát “Ông lái đò”.

Trong Tuyển Tập 2006, chắc cũng do cảm hứng từ bài hát và những kỷ niệm khó phai này. Thầy đã gửi đến cho đàn trò cũ một bài thơ đầy xúc cảm:

 

BẾN CŨ, ĐÒ XƯA

Mơ về bến cũ đò xưa,

Mà nghe như gió như mưa trong lòng.

Sông xưa nước vẫn xuôi dòng,

Chiều say nước lớn, nước ròng càng say.

Ai về xứ bưởi Đồng Nai,

Ngô Quyền bến ấy, biết ngày nào quên.

Đò tôi xuôi ngược, lênh đênh,

Giữa dòng sóng dữ, bập bềnh nổi trôi.

Bể dâu trải mấy, cuộc đời,

Thuyền không, khách vắng, đổi dời, đục trong.

Khách xưa giờ đã sang sông,

Biết ai còn nhớ tới ông lái đò.

ÔNG LÁI ĐÒ GIÀ

Bến Ngô Quyền 65-71

(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền,

đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71)

Các bạn của Tứ 1 năm xưa, chắc rằng, không ít trong lòng chúng ta vẫn còn giữ được những kỷ niệm và mang cùng tâm trạng như tôi về hình ảnh của “Ông lái đò” ngày nào: Thầy Nguyễn Văn Phú.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bài thơ do Thầy Phú sáng tác trong những ngày đầu mới sang Mỹ. Dưới đây là nội dung toàn bài mà Thầy đã gửi cho và nói rằng : “Vào lúc đó, vì xúc động nên chỉ đọc bốn câu đầu. Nay ghi lại toàn bài để em tùy nghi sử dụng”.

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu.

Triều dâng, sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương.

Trời Tây làm khách tha hương,

Vẳng nghe đâu đó tiếng chuông gọi hồn.

Hoàng hôn, rồi lại hoàng hôn,

Hỏi người năm cũ, ai buồn hơn ai?”(1)

Chú thích:(1) Người năm cũ, ám chỉ cụ Nguyễn Du. "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"?.

Võ Thị Ngọc Dung


Vui buồn giữa Thầy Phú với Ban Biên Tập

Khi thực hiện bài cho MGTT nhân dịp Lễ Tạ Ơn 2009 ở Mỹ, Ban Biên Tập được khen là đã dùng .... "nho chùm" đúng chỗ, Thật ra, kiến thức về Hán văn của BBT mỏng manh hơn cả ... vỏ trái nho. Và người cố vấn cho BBT trong "thành tích " "xổ nho chùm" rất chính xàc là Thầy Nguyễn Văn Phú. Thầy đã chỉ dạy qua đường dây điện thoại đường dài khi chúng tôi "cầu cứu" thầy về nhửng kiến thức văn học Việt Nam hay từ ngữ Hán Việt. Ai dám bảo là ra khỏi trường thì không còn có cơ hội học hỏi từ quý Thầy Cô?

Tôi chí được biết Thầy Phú vài năm gần đây nhưng tôi rất quý Thầy vì hai lý do: Thầy có mái tóc bạc trắng như Ba tôi, một mái tóc bạc từ những năm bốn mươi như Ngũ Tử Tư thức dậy thấy đầu bạc trắng; và Thầy không được sống bên cạnh các con của thầy như Ba Mẹ tôi với chúng tôi.

Được hân hạnh góp một bàn tay nhỏ nhoi trong "nơi chốn tìm về" trên Internet của Hội CHS NQ, tôi vẫn gõ cửa quý Thầy Cô bằng điện thoại để chắc chắn mình không viết sai khiến các đàn anh đàn chị phải nhíu mày khi thấy "hậu sinh khả ... ố"; và để các Thầy Cô (nhất là các Thầy Cô dạy Việt văn) phải buồn vì "nồi cháo phổi đã dốc ra hết" mà học trò vẫn còn ngu ngơ!

Nguyễn Trần Diệu Hương


11 Tháng Tư 2024(Xem: 1770)
Đồng nghiệp và học trò sẽ nhớ Thầy với vẻ nghiêm khắc, nhiệt tình của một ông Thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước. Vĩnh biệt Thầy với chân thành thương tiếc.
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 3583)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3024)
Mỗi năm một lần, vào mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, trước buổi tiệc Thanksgiving chúng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, Thầy Cô, những người đã hy sinh một phần đời để chúng tôi có được ngày hôm nay.
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2621)
Mùa lễ Tạ ơn đang về ở Mỹ, xin mượn ánh sáng từ lò sưởi thắp sáng thời đèn sách ở Ngô Quyền, và một lần nữa xin gởi lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, đến các bậc sinh thành.
24 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3122)
Xin tạ ơn những hạnh ngộ của cuộc đời đã đưa nhiều thế hệ cựu học sinh Ngô Quyền đến bên nhau ở quê người để cùng giữ lửa Việt Nam soi sáng thời đi học ngày xưa.
24 Tháng Mười Một 2020(Xem: 3759)
Sau công cha mẹ ... ấy ơn thầy Ghi nhớ muôn đời chẳng nhạt phai Giũa chữ... cô rèn bao tính tốt Khơi tâm... thầy luyện lắm điều hay Ra sông người chống cơn triều dữ Đến bến trò mang giấc mộng đầy
21 Tháng Tám 2020(Xem: 4832)
Nhưng than ôi! Đã đến lúc chiếc gậy chống không thể nào dẫn dắt Chiếc xe lăn đưa Thầy đến dự mỗi lần Tuổi càng cao sức khỏe yếu dần. Ngày 7 tháng 8 Thầy rời xa dương thế.
08 Tháng Tám 2020(Xem: 4494)
Giờ đây chúng em là những đứa học trò đã già, vẫn nhớ thương và tiếc nuối khi Thầy bỏ chúng em đi, Nhưng lẽ đời, Thầy là sông rộng chúng em là suối nhỏ; rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau ra biển lớn
26 Tháng Mười Một 2019(Xem: 7215)
Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền...
20 Tháng Mười Một 2018(Xem: 12083)
Sau cùng, xin tạ ơn đời đã cho chúng ta đươc một thời hãnh diện mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo, và cơ duyên hạnh ngộ trong những lần họp mặt chs Ngô Quyền.
08 Tháng Tư 2018(Xem: 10143)
MGTT 46 là nén hương lòng thành kính của lớp 7/1 K15 viếng GS hướng dẫn Bạch Thị Bê (1938-2018)
18 Tháng Mười Một 2017(Xem: 16462)
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc” Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”
24 Tháng Mười Một 2016(Xem: 13256)
Nhân lễ Tạ ơn 2016 ở Mỹ, xin được một lần nữa, tri ân quý Thầy Cô đã khai tâm cho chúng ta, đã ít nhiều góp phần cho ta có được ngày hôm nay.
24 Tháng Mười Một 2015(Xem: 25360)
Xin tạ ơn đời đã cho tất cả chúng ta có duyên hạnh ngộ ở ngôi trường Trung học công lập Ngô Quyền ngày nào cạnh dòng sông Đồng Nai hiền hòa góp phần nuôi ta khôn lớn.
15 Tháng Tám 2015(Xem: 19959)
Bên cạnh thiên chức của một nhà mô phạm, Thầy Nguyễn Viết Long của cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 còn thắp sáng niềm tin cho học trò với nhiệt tình của một nhà giáo trẻ.