Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đỗ Trường - NGUYỄN TẤT NHIÊN - MỘT TRƯỜNG THIÊN KỊCH BẢN BI AI

21 Tháng Ba 201912:48 SA(Xem: 7401)
Đỗ Trường - NGUYỄN TẤT NHIÊN - MỘT TRƯỜNG THIÊN KỊCH BẢN BI AI


Nguyễn Tất Nhiên - Một trường thiên kịch bản bi ai


150px-NTatNhien-content

 

Khi ngôi sao mai Nguyễn Nho Sa Mạc chợt vụt tắt, khoảng trống để lại tưởng như khó có thể bù lấp, thì may mắn thay, trên vòm trời thi ca xuất hiện một Nguyễn Tất Nhiên. Tuy còn tuổi học trò, và khác nhau về thi pháp sáng tạo, nhưng có thể nói, Nguyễn Nho Sa Mạc và Nguyễn Tất Nhiên là hai thi sĩ đích thực. Sự xuất hiện của họ góp phần làm dịu mát, và giải tỏa sự bế tắc của văn thơ, cũng như âm nhạc miền Nam trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc.

 

Đọc và đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Biên Hòa. Ông là hiện tượng rất đặc biệt của văn học miền Nam. Cái đặc biệt ấy, không chỉ ở tài năng chín sớm, mà ta còn thấy rõ ý tưởng, cũng như hình tượng và ngôn ngữ mới lạ trong thơ Nguyễn Tất Nhiên.

 

Thật vậy, 14 tuổi (năm 1966) cùng với Đinh Thiên Phương, cậu học trò Nguyễn Hoàng Hải với bút danh Hoài Thi Yên Thi đã cho xuất bản tập thơ đầu tay Nàng Thơ Trong Mắt. Năm 16 tuổi, Hoài Thi Yên Thi in chung tập thơ thứ hai Dấu Mưa Qua Đất cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình. Và sau khi đổi bút danh thành Nguyễn Tất Nhiên, ông cho xuất bản Thiên Tai vào năm 1970. Thi tập này là thẻ thông hành, đã đưa Nguyễn Tất Nhiên thẳng vào làng văn. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Tất Nhiên. Dù lúc đó ông vẫn còn ngồi trên ghế trung học Ngô Quyền, Biên Hòa. Ngay sau đó, một loạt thi phẩm của Nguyễn Tất Nhiên được các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy phổ nhạc, tên tuổi ông càng đóng đinh vào lòng người đọc nhiều hơn, nhất là giới sinh viên, học sinh. Năm 1978, Nguyễn Tất Nhiên vượt biên, và tị nạn tại Pháp. Và ở đó, nhà xuất bản Nam Á đã ấn hành thi tập "Thơ Nguyễn Tất Nhiên" vào năm 1980. Khi đến định cư tại Hoa kỳ, Nguyễn Tất Nhiên cho in ấn và phát hành Chuông Mơ (1987) Tâm Dung (1989) cùng thi tập Minh Khúc. Đặc biệt tập nhạc Những Năm Tình Lận Đận của ông sáng tác từ khi còn ở trong nước cho đến ra hải ngoại, do nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ ấn hành, vào năm 1984. Nếu đọc, và nghiên cứu đầy đủ, ta có thể thấy, ba khía cạnh chính làm nên chân dung nhà thơ tài hoa Nguyễn Tất Nhiên: Tình yêu, ý tưởng và những hình tượng trong thơ, cũng như chiến tranh, sự phân ly tác động đến tư tưởng, cùng cuộc sống bế tắc với nỗi đau tuyệt vọng của ông.

 

Năm 1992, bước vào tuổi bốn mươi, có lẽ trái tim mong manh, dễ vỡ của người nghệ sĩ Nguyễn Tất Nhiên, không vượt qua được cái bế tắc của cuộc sống, cũng như tâm hồn, nên ông đã tự kết thúc cuộc đời mình. Sự ra đi đang ở độ chín, và sung sức nhất của Nguyễn Tất Nhiên, làm cho rất nhiều người ngơ ngác và tiếc nuối. Và khoảng trống ông để lại không hề nhỏ, suốt mấy chục năm qua, chưa người (thi sĩ học trò) nào có thể thay thế, bù lấp.

 

Tình yêu, ý tưởng và hình tượng mới lạ trong thơ.

 

Tình yêu chiếm một vị trí quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Tất Nhiên. Đọc ông, làm tôi nhớ đến thi sĩ Đinh Hùng. Bởi, cái chất cuồng nhiệt đến tận cùng, với những hành động mà người đời cho là điên điên khùng khùng, tỉnh tỉnh say say ấy trong tình yêu của hai thi sĩ quyện chặt vào nhau đến vậy. Không rõ, Nguyễn Tất Nhiên có đọc, hoặc chịu ảnh hưởng tí ti nào từ Đinh Hùng hay không? Bởi, khi đọc ông sự ám ảnh cứ vẩn vơ đeo bám tôi, y như đọc thơ Đinh Hùng vậy. Tuy nhiên, một chừng mực nào đó, tôi nghĩ, Nguyễn Tất Nhiên có chịu ảnh hưởng ý tưởng, xây dựng hình tượng từ Du Tử Lê, ở một số bài viết vào khoảng năm 1970- 1971. Ta có thể thấy, cùng viết nỗi đau của tình yêu: "Tình yêu như dao nhọn/ Anh đâm mình, lút cán""Về như dao nhọn/ ngọt ngào vết đâm" hai hình tượng so sánh trong Khúc Thụy Du của Du Tử Lê, và Khúc Tình Buồn của Nguyễn Tất Nhiên khá tương đồng. Và tất nhiên, Khúc Thụy Du đã ra đời sớm hơn Khúc Tình Buồn của Nguyễn Tất Nhiên hai năm. 

 

Cái Tôi, cái nghệ thuật vị nghệ thuật là nền tảng, xương sống để làm nên khung thơ Nguyễn Tất Nhiên. Mỗi bài thơ được vắt ra từ cảm xúc của những mối tình đơn độc, nghiệt ngã trong ông. Và thủ thuật đưa tên tuổi thật của người yêu vào thơ, để gõ vào tâm lý (tò mò) của người đọc, nhằm đào sâu vào giá trị chân thực. Tuy nhiên, thủ pháp này, không phải là mới. Bởi, trước Nguyễn Tất Nhiên có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng hay Du Tử Lê… đã sử dụng nghệ thuật này. Nhưng ở lứa tuổi học trò dám sử dụng, và sử dụng hay như Nguyễn Tất Nhiên, không phải nhà thơ nào cũng làm được. Do những đặc tính trên, nên những bài thơ này, thường có sức sống rất lâu dài. Hoặc trở thành những giai thoại, hay câu chuyện tình sử để lại cho hậu thế:

 

"…nếu vì em mà ta phải điên tình

cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối

tay tre khô mối mọt ăn luồn

dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương

khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

em chẳng bao giờ rung động cũ

ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu…"

 

(Duyên của tình ta con gái Bắc)

 

Thơ và tình yêu, hai thứ đam mê, cuồng nhiệt nhất đối với Nguyễn Tất Nhiên. Thất bại tình yêu đầu đời như một nhát dao chém tâm hồn ông. Để rồi, mang theo những vết thương bốn mùa luôn mưng mủ ấy, cùng nỗi thất vọng và cô đơn, Nguyễn Tất Nhiên cuộn mình vào trong thơ. Và tưởng chừng thơ ca sẽ làm giảm bớt nỗi đau, giải thoát linh hồn người thi sĩ. Nhưng không phải vậy, bởi cái thất vọng ấy, nỗi đau ấy ủ trong thơ còn nhức nhối, và day dứt hơn sức chịu đựng của con người. Chỗ Tôi, là một bài thơ đã bật ra từ cái ung ủ như vậy của Nguyễn Tất Nhiên. Xét về nghệ thuật, đây là một bài thơ dở của ông, nhưng đọc, ta thấy được sự đắng cay, ê chề, như một lời tự thú của thi nhân vậy:

 

"Tôi có chỉ cho gia đình

Người tôi yêu

Là một nàng con gái Bắc

Mẹ tôi hai lần nhìn

Dáng em đi

Và nói nó còn nhỏ dại

Không hiểu nó thương mày chỗ nào

Tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ

Tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim

Vì hiểu rằng

Muôn đời

Em vẫn ngó tôi nửa mắt

Có gì đâu

Thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!"

 

Cũng như Lục bát, thơ Ngũ ngôn rất dễ làm, song khó hay. Bởi, từ thơ đến vè có khoảng cách rất gần, nếu nhà thơ không thực tài. Tuy nhiên, ta có thể thấy, những bài thơ hay của Nguyễn Tất Nhiên thường thuộc về thể thơ này. Ngũ ngôn thơ Nguyễn Tất Nhiên hay, không phải chỉ ở tài năng sử dụng từ ngữ, mà còn ở sự hình tượng hóa, cũng như ý tưởng mới lạ. Nhìn lại văn học sử, dường như chưa ai dám cả gan đưa những hình tượng thánh thiện nơi Thánh đường, cửa Phật để ẩn dụ, so sánh với những cái được cho là kỵ húy như Nguyễn Tất Nhiên. Sự so sánh, tưởng chừng như bất nhã ấy, nhưng thật kỳ lạ, hình ảnh trong thơ Nguyễn Tất Nhiên hiện lên rất độc đáo và tinh tế, đẹp một cách trong sáng và hồn nhiên. Và Ma Soeur là một trong những bài thơ như vậy. Vâng, dù bao nhiêu hạt mưa rơi cũng chưa đủ, chưa thấm bằng tình của người thi sĩ rụng xuống linh hồn thánh thiện ấy: "vai em tròn dưới mưa/ ướt bao nhiêu cũng vừa/ cũng chưa hơn tình rụng/ thấm linh hồn ma-sơ". Một hình tượng so sánh ẩn dụ, dường như, thi nhân muốn khỏa lấp nỗi đắng cay, bất lực, cùng thủ thuật nhân cách hóa, (hay tưởng tượng) để tự ru hồn mình vậy. Đây là bài thơ rất hay của Nguyễn Tất Nhiên. Và Phạm Duy phổ thành ca khúc: Em hiền như Ma Soeur, được nhiều người ưa thích từ gần nửa thế kỷ qua: 

 

"…em hiền như ma-sơ

 

vết thương ta bốn mùa

trái tim ta làm mủ

ma-sơ này ma-sơ

có dịu dàng ánh mắt

có êm đềm cánh môi

ru ta người bệnh hoạn

ru ta suốt cuộc đời

 

cuộc đời tên vô đạo

vết thương hành liệt tim!..."

 

Có thể nói, Nguyễn Tất Nhiên là nhà thơ giàu trí tưởng tượng. Tài năng sáng tạo từ mới, cụm từ mới để tạo nên những hình tượng độc đáo, táo bạo gây sửng sốt, thú vị cho người đọc, xuất hiện ngay từ ngày đầu cầm bút của ông. Nếu ở bài Ma Soeur, Nguyễn Tất Nhiên đã dùng thủ pháp so sánh hình tượng hóa sự thánh thiện của người tình, thì đến với Linh Mục, ông hóa thân cho chính mình, để tìm dĩ vãng, đi đến tận cùng sự thật của cái địa ngục tình yêu ấy: "Vì tôi là linh mục/ giảng lời tình nhân gian/…tín đồ là người tình/ người tình là ác quỷ/ ác quỷ là quyền năng". Thật vậy, những cụm từ so sánh ẩn dụ cũ kỹ và dân dã này, đã được thi sĩ đặt đúng văn cảnh trong cái ý tưởng độc đáo của mình, nó trở thành nghĩa mới, hình tượng mới. Bởi vậy, nó gây cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chuyển thành ca khúc Vì Tôi Là Linh Mục, được mọi tầng lớp đón nhận, yêu thích, nhất là giới trẻ. Đây là một trong những đặc tính làm nên hồn thơ đặc trưng riêng Nguyễn Tất Nhiên. Đặc tính này xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông:

 

“dĩ vãng là địa ngục

giam hãm đời muôn năm

tôi - người yêu dĩ vãng

nên sống gần Satan

ngày kia nghe lời quỉ

giáng thế thêm một lần

trong kiếp người linh mục

xao gầy cơn điên trăng!

---

vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không có thánh kinh

nên không có bổn đạo

nên không có giáo đường

một tín đồ duy nhất

vừa thiêu huỷ lầu chuông!..."

 

Tôi không cân đong, đo đếm kỹ lắm, nhưng dường như thơ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Top được phổ nhạc nhiều nhất từ trước đến nay? Bởi, ngoài ngôn ngữ giầu nhạc tính, thanh âm, thì ý tưởng mới lạ trong thơ của ông tạo ra rất nhiều cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tạo. Và cái ý tưởng ấy, như một luồng gió mới thổi vào cái không khí âm nhạc thời chiến lúc đó. Thật vậy, một loạt các ca khúc của Phạm Duy ra đời từ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Đặc biệt có ca khúc Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Phạm Duy đã mượn ý tưởng bài thơ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ và cảm hứng từ Đám Đông để viết nên. Có thể nói, đây là bài thơ điển hình về tài năng trí tuệ liên tưởng của Nguyễn Tất Nhiên, đã giúp cho Phạm Duy chuyển thành một ca khúc hay đến vậy. Và hơn thế nữa, với tài năng của mình, Phạm Duy vẫn giữ nguyên được sự nhẹ nhàng, tính vui nhộn cùng từ ngữ mộc mạc của bài thơ: “cô Bắc Kỳ nho nhỏ/ tóc “demi-garçon”/ chiều đạp xe vô chợ/ mắt như trời bao dung/ đời chia muôn nhánh khổ/ anh tận gốc gian nan/ cửa chùa tuy rộng mở/ tà đạo khó nương thân/…qua giáo đường kiếm Chúa/ xin được làm chiên ngoan/ Chúa cười rung thánh giá/ bảo: đầu ngươi có sừng!". Vẫn mang tâm trạng oán trách buồn đau, khắc khoải của Hai Năm Tình Lận Đận, do Phạm Duy phổ nhạc, Anh Bằng đã đưa bài lục bát Trúc Đào vào âm nhạc mượt mà, và nhẹ nhàng hơn. Song nó vẫn giữ nguyên được hồn vía của bài thơ. Với tôi, Trúc Đào là một bài thơ hay nhất ở thể lụt bát của Nguyễn Tất Nhiên. Nó không chỉ hay về nội dung tư tưởng, mà có lời thơ rất mượt mà: "Chiều xưa có ngọn trúc đào/ Mùa thu lá rụng bay vào sân em…" Tuy nhiên, Khúc Tình Buồn được Phạm Duy phổ nhạc với lời tựa Thà Như Giọt Mưa, cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Khúc Tình Buồn thuộc thể tứ ngôn, là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Tất Nhiên. Bài thơ, ông viết khi đang là học sinh năm cuối trung học. Vẫn thủ pháp so sánh ẩn dụ, Nguyễn Tất Nhiên đã mượn hiện tượng của tự nhiên giãi bày nỗi lòng đớn đau, sự bất lực của kẻ si tình, của một tình yêu đơn phương: "thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không". Để rồi, từ trong nỗi bất lực, và tình si ấy, người đọc mới chợt nhận ra, cái giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu của tình yêu. Tuy nhiên, bác nào đang bị tình phụ, hay tình đơn phương, tim mạch yếu kém, thì chớ nên đọc bài thơ này:

 

“người từ trăm năm

về qua sông rộng

ta ngoắc mòn tay

trùng trùng gió lộng

 

người từ trăm năm

về khơi tình động

ta chạy vòng vòng

ta chạy mòn chân".

 

Nếu trước đó, văn học sử Việt không có những thi sĩ thiếu niên Chế Lan Viên với Điêu Tàn, Tế Hanh với Nghẹn Ngào, hay Nguyễn Nho Sa Mạc với Trăng Lạnh, thì có lẽ không ai tin thi phẩm Thiên Tai là do người học trò trung học Nguyễn Tất Nhiên viết ra. Bởi, sự già dặn của bút pháp cũng như tư tưởng, với những câu thơ được ủ chín tâm hồn thi nhân. Tôi không biết chính xác, bài thơ Oanh được Nguyễn Tất Nhiên viết từ khi nào. Nhưng chắc chắn, nó được viết trước tập Thiên Tai, lúc đó ông đang học lớp 10 hoặc lớp 11. Một bài thơ già dặn, và lời thơ tuyệt đẹp: “Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu cánh gió/ Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài/ Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ/ Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may". Bài Thiên Thu viết năm Nguyễn Tất Nhiên 18 tuổi. Với bài thơ này, Nguyễn Tất Nhiên có thể ngồi cùng mâm nhấc lên đặt xuống với các cụ Đinh Hùng, Bùi Giáng…Du Tử Lê rồi. Với tôi, đây là bài thơ toàn bích nhất của Nguyễn Tất Nhiên. Đọc nó, tôi bị ám ảnh, mộng mị hết mấy đêm liền. Cả bài thơ là một câu hỏi tu từ. Không một lời giải đáp, buộc Nguyễn Tất Nhiên lìa hồn mình ra khỏi của cái thế giới hiện thực. Ông co giò chạy trốn quá khứ. Nhưng chạy đâu cũng thấy "chạy vòng vòng" đang "chạy mòn chân" rồi quay về với cái hiện hữu của chính mình. Vâng, đó cũng như một trường thiên kịch bản bi ai, vận vào chính cuộc sống cũng như tâm hồn Nguyễn Tất Nhiên vậy: "…sao thiên thu không là thiên thu?/ nên những người yêu là những ngôi mồ/ tôi đứng một mình trong nghĩa địa/ và chắc không đành quên khổ đau!".

 

Đang định viết lời kết cho giai đoạn này, cũng như nguyên nhân dẫn đến sự thành công rất sớm của Nguyễn Tất Nhiên, chợt làm tôi nhớ đến câu chuyện. Hôm rồi, tân gia nhà một người bạn, trong lúc khật khừ, tôi buột miệng nói với một bác nhà thơ cộng đồng đến từ Berlin: Với tôi, kể từ sau 1954 đến nay (2019) văn học Việt Nam ở tuổi học trò, có hai thi sĩ tài năng nhất. Đó là Nguyễn Nho Sa Mạc, người xứ Quảng, với tập thơ Vàng Lạnh, và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên người xứ Nam, với tập thơ Thiên Tai. Bác nhà thơ này, goặc lại tôi: Ông nói thế chó nào ấy chứ, xứ Bắc có không ít các thần đồng thơ, chả lẽ không đáng nói đến sao. Tôi bảo bác ấy: Đây là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, có thể là sai. Nhưng ta có thể thấy, trong giai đoạn đó ở miền Bắc cũng xuất những tài năng thi phú trẻ, và được gắn mác mỏ thần đồng như: Hoàng Hiếu Nhân, hay Trần Đăng Khoa… Tuy nhiên, các thần đồng thi ca này, được các nhà thơ tên tuổi Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Nhuận Minh… chăm sóc, định hướng tư tưởng rất kỹ càng. Do vậy, có những câu thơ của họ đọc lên cứ tưởng của Diệu, của Chế, của Minh. Hơn nữa, mấy “thần đồng“ này chỉ làm được thơ thiếu niên, nhi đồng. Sau này, Hoàng Hiếu Nhân bị tịt ngòi không viết lách được nữa. Còn Trần Đăng Khoa viết lay lắt, với những dấu ấn mờ nhạt. Thành thật mà nói, nếu ngoa ngôn dùng danh từ thần đồng để đo lường tài năng thi phú, thì với tôi, kể từ khi xuất hiện thơ mới đến nay, chỉ xảy ra một lần duy nhất. Đó là cậu bé thần đồng Chế Lan Viên với thi tập Điêu Tàn. Một tập thơ vừa ra đời đã trở thành cổ thi.

 

Kinh hơn nữa, thời gian gần đây chẳng hiểu ăn phải cái bả gì, mà ông Giáo sư Phong Lê, ông Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam "cựu thần đồng" Trần Đăng Khoa cùng một số nhà thơ, nhân vật tên tuổi phát động cuộc thi “Sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du”. Một việc làm hoặc ấu trĩ, hoặc của chùa cùng nhau chia oản. Quả thực, xa Việt Nam đến quá nửa đời người, vậy mà nghe cái từ phát động, với phong trào tôi sởn hết cả người.

 

Nghệ thuật Lục bát, tài năng thi phú của cụ Nguyễn Du đã được khẳng định từ mấy trăm năm qua cùng với Kiều Truyện. Không còn bàn cãi. Tuy nhiên, hồn vía của tác phẩm này thuộc về anh ba Tàu phương bắc. Do vậy, với tôi những tác phẩm Việt thuần chủng (Việt tính) đi vào lòng người hơn, từ mấy trăm năm qua phải là: Đặng Trần Côn với Chinh Phụ Ngâm, hay Nguyễn Gia Thiều với Cung Oán Ngâm Khúc.

 

Dài dòng một chút về vấn đề này để cho thấy, miền Bắc không phải, không có những tài năng trẻ, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng với sự dẫn dắt, tư tưởng đến nay vẫn còn như thế này, thì tài năng nào không thui chột, hoặc biến dạng mới là chuyện lạ. Cũng may, Nguyễn Tất Nhiên sinh trưởng ở miền Nam, bằng không cũng mất hút con mẹ hàng lươn như “thần đồng thơ“ Hoàng Hiếu Nhân trên thi đàn là cái chắc. 

 

Chiến tranh, cùng nỗi thống khổ sau cuộc chiến.

 

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn tang thương nhất của đất nước, tuy không phải là người lính, song Nguyễn Tất Nhiên cũng không thể bước ra khỏi cuộc chiến ấy. Tuy nhiên, cứ tưởng, thơ văn thi phú của ông chỉ ngắc ngư với giăng hoa, ong bướm, Oanh, Duyên, Minh Thủy. Nhưng tôi đã lầm. Mảng viết về thế sự, xã hội tình người của Nguyễn Tất Nhiên không hề nhỏ. Viết về chiến tranh, dường như bút pháp, cũng như nội dung hiện thực ông đào sâu vào khía cạnh rất khác so với các thi sĩ cùng thời. Bởi, đọc ông, tôi không hề thấy tiếng bom rơi, đạn nổ, vậy mà khói lửa, chết chóc thương đau trải dài trên trang thơ của ông. Thật vậy, vừa rời ghế nhà trường, (19 tuổi) Nguyễn Tất Nhiên đã viết “Chiều Mệnh Danh Tổ-Quốc”. Một bài thơ, không chỉ người lính, hoặc những người trải qua chiến tranh, mà tôi, kẻ chưa hề biết đến súng đạn, vậy mà ngồi đọc, và viết cũng phải rưng rưng: 

 

"…Chiều quân đội nghĩa trang 

Chiều mệnh danh tổ quốc 

Có muôn ngàn câu kinh 

Có muôn ngàn tiếng khóc 

*

Có chuyến xe nhà binh 

Đưa "Thiên Thần" xuống đất 

Còn ai, còn ai chăng?..."

 

Có thể nói, từ thơ tình đến thơ thế sự của Nguyễn Tất Nhiên bài nào cũng vậy, rất nhẹ nhàng, không hề lên gân, song đã gieo vào lòng người đọc nỗi đau day dứt khôn nguôi. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, thân phận người lính càng bi đát hơn. Sự kiên cường của họ trước sự hèn nhát, tháo chạy của những cấp lãnh đạo cao nhất, làm cho Nguyễn Tất Nhiên xúc động: “Về trên nạng gỗ mà trông/ Lô nhô lãnh đạo cong lưng bôn đào". Thật vậy, sự đồng cảm đối người lính trong thơ ông, không chỉ trong chiến tranh, mà ngay sau cuộc chiến, ta càng thấy đậm nét hơn. Chiến tranh qua đi, nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn của người lính thương phế binh, và những hệ lụy cho gia đình, cháu con còn bi thương, rách nát hơn gấp nhiều lần. Về Trên Lạng Gỗ là một bài thơ như vậy. Nó là một trong những bài thơ thế sự hay nhất, từ trước đến nay, mà tôi đã được đọc. Tính hiện thực như một bản cáo trạng đối với chế độ xã hội đương thời của nhà thơ, cùng lời cảm thông sâu sắc, xoa dịu nỗi đau của con người. Đọc xong bài thơ này, tôi không còn biết đây là thơ, hay là lời ru nỗi đau của Nguyễn Tất Nhiên. Các bạn đọc lại đoạn trích dưới đây, xem có cảm giác như tôi không:

 

“…Về trên nạng gỗ mà trông

Chín năm chinh chiến đeo tròng nguỵ quân

Con thơ nhục nhã đến trường

Ê a phỉ báng máu xương cha mình

Cha "lính nguỵ" - con tự nhiên

Thành phần không được ngóc lên làm người

Học vừa đủ biết đọc thôi

Đủ làm gia súc hiểu lời Đảng sai

 

Hãy cười đi phế binh ơi

Một tay cũng rán mà... moi củ mì

 

Từ đây dỗ đói thường khi

Ru con tôi hát não nề ca dao"

 

Cái đau của người thi sĩ là ru được người chứ không thể ru được chính mình, tâm hồn mình. Do vậy, trong cái bi đát đó, Nguyễn Tất Nhiên buộc phải trốn chạy, hay tìm đến: “Ta mời ta viếng mộ/ Lìa thảm cảnh dương gian". Và cầu Nại Hà cũng đã bị gãy nhịp, người thi sĩ quay về nơi địa ngục. Không nghe lời sám hối, mà vọng lên tiếng kêu than thỉnh cầu của thi nhân: “Phải sống nơi địa ngục/ Mới hiểu thấu thân ta". Dường như không có lời đáp vọng lại. Bởi, sự bất lực, hấp hối tro tàn ấy, đâu chỉ riêng thi sĩ:

 

"…Ta mời ta viếng mộ

Lìa thảm cảnh dương gian

 

Chúc Phật còn lui chân

Trước bạo quyền chế độ

Huống hồ chút hư danh

Nguyễn Tất Nhiên thống khổ

 

Ôi chữ nghĩa văn chương

Bất lực, càng bất lực

 

Phải sống nơi địa ngục

Mới hiểu thấu thân ta

 

Đôi mắt người ngây thơ

Không hề vương vấn tội

Có chở tình ta theo

Tới cõi nào diệu vợi?

 

Lửa đời ta đã lụn

Đang hấp hối tro tàn" (Tháng 11, Thơ Mưa)

 

Thành thật mà nói, chỉ khi đi sâu vào đọc, tôi mới nhận ra thơ văn Nguyễn Tất Nhiên luôn gắn liền với xã hội và đời sống của con người. Thơ của ông có tính thời sự cao. Tôi nghĩ, mảng đề tài này góp phần không nhỏ làm nên sự nghiệp sáng tạo của ông. Nhưng dường như, bấy lâu nay chúng ta đã quên hẳn nó. Do vậy, văn học sử Việt Nam rất cần những nhà nghiên cứu khai quật, đánh giá cho thật đầy đủ, và khách quan về thơ văn Nguyễn Tất Nhiên.

 

Chia ly, với cuộc sống bế tắc, cùng những nỗi đau tuyệt vọng.

 

Ra đi là con đường duy nhất để giải thoát Nguyễn Tất Nhiên ra khỏi nơi địa ngục. Con thuyền lá tre kia vừa cập bến tự do, thì linh hồn ông đã chết ngay khi đặt chân lên miền đất lạ: "kẻ vượt biển đã tới bến mạnh lành/ nhưng chết ngay khi đặt chân lên bờ đất". Những mâu thuẫn nội tâm, và bi kịch của người thi sĩ bắt đầu từ đó. Để rồi, cuộc sống và thi ca Nguyễn Tất Nhiên luẩn quẩn trong cái vòng tròn định mệnh ấy. Có thể nói, đây là tâm lý chung của tất cả các văn nghệ sỹ trốn chạy sau biến cố 1975, chứ không riêng Nguyễn Tất Nhiên. Tuy nhiên, sự hòa nhập, nghị lực và khát vọng tự do, khát vọng sống của mỗi con người khác nhau. Bài thơ Paris, Khúc Tháng Chín được Nguyễn Tất Nhiên viết trong tâm trạng, và hoàn cảnh như vậy. Đây là bài thơ hay, một lần nữa chứng minh cho ta thấy, sự liên tưởng, trí tưởng tượng phong phú của ông:

 

“…kẻ leo rào đã chụp được Tự Do

nhưng tức thời buông tay bổ ngửa

là ta

 

---

 

phải, ta đánh rơi ta

nát vụn

sau khi đánh rơi Việt Nam

bên kia bờ biển mịt

 

---

cây cối sẽ phục sinh vào đầu tháng tư năm tới

phần ta

cách gì tươi tắn lại

khi đời đã sang thu

cộng với lần bứng gốc…"

 

Những năm tháng ly hương, cuộc sống Nguyễn Tất Nhiên, dường như hồn đã lìa khỏi thân xác. Với ông, đó là những nỗi đau và cô đơn không có thể bù lấp: “Quê hương đã lìa/ Người tình đã xa/ Bạn bè đã tàn/ Mọi thứ đã rã tan cùng đại dương xanh”. Do vậy, với tâm hồn, nghị lực mong manh yếu đuối luôn làm cho người thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên chán nản bi ai: “Có lẽ em không hay/ Đôi cách chàng đã gãy". Tuy vậy, cùng nỗi nhớ thường trực, trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ luôn hướng về quê hương, đất nước. Nhớ Nội, là một bài thơ thất ngôn như vậy. Một bài thơ hay và cảm động, tiêu biểu cho tâm trạng của Nguyễn Tất Nhiên trong giai đoạn này: 

 

"…từ lúc giặc về, con biệt xứ

nát lòng chim quốc nhớ quê hương

mấy thu vàng úa đời xa cội

chẳng biết mộ phần nội có yên?"

 

Bi kịch gia đình, bi kịch xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, và thi pháp sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên. Đây là giai đoạn nặng nề, cùng cực, cô đơn nhất của ông. Do vậy, những bi ai, u uất đã trải dài từ thi tập Tâm Khúc cho đến Minh Khúc. Sự chia ly, đổ vỡ của tình yêu và gia đình “…như dao nhọn/ ngọt ngào vết đâm" tan nát trái tim Nguyễn Tất Nhiên. Ông bất lực trong nỗi bơ vơ, và trống trải: “bây giờ em đã xa tôi/ hay là sông núi xa đời lãng du…chim đêm hót tiếng đau tình/ đau tim tôi chở lòng thành kiếm em...". Giai đoạn này, dường như ông hòa toàn quay về với thể thơ lục bát. Những câu thơ của ông đọc lên như có tiếng ru đời và ru mình vậy. Vâng, hai tập thơ lục bát, cũng không thể cứu rỗi được hồn người thi sĩ. Đoạn trích về nỗi đau, và cô đơn trên con đường mịt mù sương khói trong bài Minh Khúc 90 đã báo hiệu số phận của Nguyễn Tất Nhiên:

 

“đường không gian – đã phân ly 

đường thời gian- đã một đi không về

những con đường mịt sương che 

tôi vô định lái chuyến xe mù đời 

cu tí ngủ gục đâu rồi? 

băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con..."

 

Có thể nói, nghị lực, và trái tim đa cảm của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên không thể vượt qua được nghịch cảnh ở nơi miền đất lạ. Nó làm cho ông khủng khoảng tinh thần trong nỗi cô đơn đến tuyệt vọng. Nếu nói, cuộc đời Nguyễn Tất Nhiên là một bi kịch, thì diễn viên là ông, và đạo diễn cũng là ông. Và kịch bản ông viết từ hai mươi năm trước đã vận vào đúng cuộc đời, cái chết của diễn viên Nguyễn Tất Nhiên vậy:

 

“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ

Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian

Phải đau theo từng hớp rượu tàn

Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định".

 

Tôi thuộc thế hệ sau Nguyễn Tất Nhiên khá xa, và cũng chưa một lần gặp gỡ, hoặc được quen biết ông. Tuy nhiên, tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã biết khá lâu, khi đọc, hoặc viết về một số nhà văn gốc miền Nam khác. Đôi lúc tâm trạng buồn, vui tôi thường đàn hát những bản nhạc phổ từ thơ của ông, hoặc do ông sáng tác. Và Không hiểu tại sao, vài tuần nay như có một sợi dây tâm linh nào đó thôi thúc, buộc tôi tìm đọc, rồi viết về Nguyễn Tất Nhiên. Dù tôi cũng là "tên vô đạo" như ông. Đọc và viết trong vài tuần, sau giờ làm việc, do vậy, tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.

 

Leipzig ngày 15-3-2019

 

Đỗ Trường

danlambaovn.blogspot.com

 

 

29 Tháng Ba 2010(Xem: 8141)
gian truân lắm mới hôn người chiếc hôn tình lớn đem đời nhau theo hôn em phớt nụ hôn liều bỗng nghe trật tự khá nhiều đổi thay!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 9139)
phu thê nếu đã buộc ràng thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng… tôi, quanh năm sống hoang đàng cũng xin nhỏ lệ hoàn lương khóc tình!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 8212)
em gầy guộc, em mong manh em chưa đủ sức long đong cùng chàng em ngây thơ đến rỡ ràng em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
29 Tháng Ba 2010(Xem: 9592)
nắng ấm chan hòa trên lá biếc sớm mai, anh bỗng thấy vui vui đêm qua có phải em ngồi học cố ý dành riêng chút ngọt bùi?
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7567)
từng dòng hạnh phúc tôi tan cây đau đớn đã rộng tàn đớn đau! tiếng cười huyên náo đêm thâu có tôi khuân vác tôi-sầu đến đây
29 Tháng Ba 2010(Xem: 8342)
người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu? biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều chuyên đội lốt thánh nhân đi… lường gạt!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7458)
mùa đông đã về rồi đó nhỏ đồng bằng miền nam trở trời trái gió anh chợt nghe hồn thánh thót tiếng chuông vừa đủ hồi sinh miền giáo đường buồn
29 Tháng Ba 2010(Xem: 6825)
khi không tình não nùng buồn gót chân ai bỏ con đường nhớ nhung gót chân ai nhẹ vô cùng dẫm lên xác-lá-tôi từng tiếng kêu
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7782)
mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài ta với người, bắt buộc, phải chia hai làm sao em biết trời đau đớn
11 Tháng Ba 2010(Xem: 13377)
tình đau về với ta buồn buồn ta cũng tạt như nguồn mưa đông mắt em có thấm lạnh hồn? mưa ta có lệ ngoằn trên kiếng đời?
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11501)
đặt tên con là Vi Diệu vì đời bố là kích thích phẫn nộ liên miên cuộc người ôi cuộc người quá ngắn cho vài phút đôi khi
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11574)
ừ, tôi đổ quạu đến… trời ơi! nhiếc móc cho ai tức đáng đời ngày mai em cũng chưa thư nữa đáng đời ai vậy? chắc đời tôi!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 12436)
em ham chơi chưa hết mùa con gái cười như hoa vui tiếng gọi mặt trời nghịch như chim ăn dở trái chín cây cây chín trái lòng ăn rơi lăn lóc
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11357)
vì chẳng được cầm tay nhau kể lể nên chuyện tình cứ thế, thảm hơn Chúa cũng cau mày ngắm nỗi cô đơn của một kẻ đóng tim mình trên thập giá!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11874)
trên đường đến nhà em trời tháng ba mưa nhỏ mưa lóng lánh nắng vàng nắng mưa đùa ướt phố
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11055)
tình cho nhau những lượng buồn những dông tố sập xuống đường-chung-đôi đường-chung-đôi chẳng chung vui như trong thêu dệt thiếu thời mắt xanh
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11116)
tết, gần rồi đó nhỏ chim núi của lòng anh tội tình chi thế, nhỏ mắt, lệ còn long lanh?
11 Tháng Ba 2010(Xem: 9983)
lúc gần sáng bỗng ầm ầm tiếng đất chàng đang mê ngỡ pháo kích hôm khuya thì ra hồn vía đã quen rung chuyển trên quê hương thường nhật cảnh chia lìa
11 Tháng Ba 2010(Xem: 10977)
hãy ngồi yên lặng đó ta về nhé em yêu tình xa như bóng nắng bên kia quả địa cầu
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11627)
áo em trắng cả sân trường trắng tan học chiều nay có ngẩn ngơ? chiều nay anh ở xa lăng lắc không cách chi về đón tiểu thơ!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11633)
chở em đi học mưa nhòa đường loang loáng nước lập lòa loáng cây lạnh vừa đủ siết vòng tay run đi em để sau này… nhớ nhau…
11 Tháng Ba 2010(Xem: 10528)
tâm hồn tôi có một dòng sông chảy qua nhà cô bạn chung trường chiều sông dâng sóng miên man gió bay tóc bay hồn tôi thanh tân…
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11446)
những tưởng học làm Vũ Hoàng Chương nào hay uống rượu suốt đêm trường em ơi rượu chẳng say người chết đời vắng em rồi say nhớ thương!
09 Tháng Ba 2010(Xem: 10363)
vì áo quần lâu giặt vì hay mang dép mòn vì hay quên rửa mặt vì hay quên chải tóc
09 Tháng Ba 2010(Xem: 11140)
mưa nắng hai mùa trên xứ nội vun trồng từng luống mạ vồng khoai mấy dây trầu “lẹt” tươi màu lá ôm ấp hàng cau với tháng ngày
08 Tháng Ba 2010(Xem: 10472)
bắt đầu những cơn mưa mịn vỗ vai mặt trời bắt đầu những chiếc lá nhẹ dạ nhất
08 Tháng Ba 2010(Xem: 10267)
đò qua sông, chuyến đầu ngày người qua sông, mặc áo dài suông eo sông hiền sóng lạ lùng reo trời bao la cũng nhìn theo… ái tình
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12298)
Nếu tập thơ nhỏ này có được cái danh dự đóng góp một phần khiêm tốn nào đó trong trời văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi tưởng, chính những bàn tay của các anh đã ra sức đẩy nó vào, bằng tình thương quý nồng nàn dành cho tác giả.
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12276)
Cơn bão đã qua. Ô hô sống còn! Còn sống. Quê hương đã lìa. Người tình đã xa. Bạn bè đã tản… Mọi thứ đã rã tan cùng đại dương xanh, đã mù chìm theo thời gian mướt, lún .
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12721)
từ anh cất bước chinh nhân nàng làm thiếu phụ thương con xót chồng một mùa đông… chín mùa đông biên khu cách trở hơn… đồng giấy xanh
01 Tháng Ba 2010(Xem: 11610)
quê hương gốc tích ngàn năm sao nhìn gia phả… ôi, toàn câu kinh?!
01 Tháng Ba 2010(Xem: 13961)
tình đã đến trong những ngày địa ngục trong những ngày người, thú phải như nhau trong những ngày ác quỷ tọa ngai cao phô nanh vuốt bày gươm đao xiềng xích
01 Tháng Ba 2010(Xem: 14584)
*Xin bấm vào tựa bài muốn tìm để đọc.
01 Tháng Ba 2010(Xem: 13687)
Tôi không đủ kiên nhẫn đọc hết cuốn truyện dài vì truyện dài không thể đọc vội vã người chắc cũng không đủ kiên nhẫn yêu tôi
01 Tháng Ba 2010(Xem: 15971)
tình mới lớn phải không em rất thích? cách tập tành nào cũng thật dễ thương thuở đầu đời chú bé soi gương và mê mải dĩ nhiên làm lạ
01 Tháng Ba 2010(Xem: 16925)
*Xin bấm vào tựa bài muốn tìm để đọc.
25 Tháng Hai 2010(Xem: 8180)
ta là ta bất tử thơ khởi tự hồn oan cám ơn ai đào huyệt vùi dập giấc mơ phàm!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10972)
đôi mắt tròn, đen, như búp bế cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ anh vái trời cho cô dễ dạy để anh đừng uổng mớ tình si!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 38687)
mình nếu chọn đời nhau làm dấu chấm mỗi câu văn đâu được chấm hai lần!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10998)
cô Bắc kỳ nho nhỏ mắt như trời bao dung hãy nhìn anh thật rõ trước khi nhìn đám đông
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10784)
chiều này ngang cổng nhà ai nhủ lòng, tôi chỉ nhìn cây trúc đào! nhưng mà không hiểu vì sao gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10267)
năm năm trời… có một tên Duyên ta ca tụng, rồi chính ta bôi lọ tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ nên lỗi lầm đã đục màu sông
25 Tháng Hai 2010(Xem: 24500)
em nhớ giữ tính tình con gái bắc nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang nhớ duyên dáng, ngây thơ… mà xảo quyệt!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 13703)
hai năm tình lận đận hai đứa cùng xanh xao mùa đông, hai đứa lạnh hơi thở dài như nhau (?)
25 Tháng Hai 2010(Xem: 12914)
ta phải khổ cho đời ta chết trẻ phải ê chề cho tóc bạc với thời gian phải đau theo từng hớp rượu tàn phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9573)
chiều em đi hai hàng bính tóc gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà còn bao nhiêu dấu hài khuê các sao đành gieo xuống phố-đời-ta?
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9309)
đưa em về dưới mưa nói năng chi cũng thừa phất phơ đời sương gió hồn mình gần nhau chưa?
25 Tháng Hai 2010(Xem: 12599)
tôi bắt đầu yêu hay bắt đầu dự tính? (dự tính nào cũng thật ngây thơ!) tôi bắt đầu ngây thơ hay bắt đầu già? (khi mặc cả tình yêu cùng thù hận!)
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9713)
người yêu tôi khóc ngất chiều Quân Đội nghĩa trang rạt rào hơi gió nóng cho đau tà áo tang
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9589)
hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm sông chở phù sa về ươm lộc mới chàng chở tình về cho mắt em ngoan
16 Tháng Hai 2010(Xem: 8795)
bất thần sáng mắt yêu ai khác chi mời người bứt ruột
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9882)
nhìn em buổi chiều mất trinh vì có người nắm tay lẽ ra tôi phải rất buồn và hát bài con quì lạy Chúa trên trời
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9608)
những cọng cỏ bay điên tung tăng ngoài đồng nội một người tình thiêng liêng trong vòng đua vận hội
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9914)
nghe trong hồn cỏ em còn trời xanh đuối mộng, mưa mòn tóc, thu (hỡi ơi tình đã sương mù bỏ tôi hiu quạnh mái đầu trông mong)
16 Tháng Hai 2010(Xem: 8419)
cho nên mưa mãi không ngừng
16 Tháng Hai 2010(Xem: 16699)
sao thiên thu không là chôn sâu ? nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu tôi đứng như xe tang ngừng ngập và một họ hàng khăn trắng buồn đau
10 Tháng Hai 2010(Xem: 9608)
tôi có chỉ cho gia đình người tôi yêu là một nàng con gái bắc
10 Tháng Hai 2010
(Xem: 10367)
nỗi tự kiêu tôi chính là nỗi tự kiêu của giọt sương sắp tan
10 Tháng Hai 2010(Xem: 19854)
(thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá thà như giọt mưa khô trên tượng đá có còn hơn không mưa ôm tượng đá)
10 Tháng Hai 2010(Xem: 15055)
em mùa thi diện cũng xênh xang á o mới còn bay mùi tơ hàng ta tiếc dùm ai từng sợi tóc rụng lẻ loi sầu trên vai ngang
10 Tháng Hai 2010(Xem: 16336)
tình một hai năm chưa phải tình dài cũng không thể gọi là tình mới tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi
10 Tháng Hai 2010(Xem: 8768)
sớm, trưa, chiều, tối, ra, vào người chưa yên nỗi thầm xao xác lòng nên thời gian ấy ngùi trông khô như hạt bụi trưa ngừng ngập bay
10 Tháng Hai 2010(Xem: 22858)
nắng bờ sông như màu trang vở cũ thuở học trò em làm khổ ai chưa ? anh muốn khóc trong buổi đầu niên học bàn tay xương cầm hờ hẫng văn bằng
10 Tháng Hai 2010(Xem: 17953)
vì tôi là linh mục không biết rửa tội người nên âm thầm lúc chết tội mình còn thâm vai ...
09 Tháng Hai 2010
(Xem: 10371)
Nhằm giúp cho những người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên và lớp hậu duệ còn có dịp thưởng thức tài năng của người thi sĩ bạc mệnh này, BBT hân hạnh được sưu tập và lần lượt đăng tất cả các bài thơ của anh cũng như những bài viết có liên quan đến tác giả trên trang nhà trong mục “Thơ Nguyễn Tất Nhiên”