Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (BIÊN HÒA --- GIAI ĐOẠN 1970 - 4/1975)

29 Tháng Mười 20219:51 CH(Xem: 5458)
Phan Phú Hiệp - KÝ ỨC VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG (BIÊN HÒA --- GIAI ĐOẠN 1970 - 4/1975)

KÝ ỨC VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG

(BIÊN HÒA --- GIAI ĐOẠN 1970 - 4/1975)


 

Trên những nẻo đường mà tôi đã từng đi qua trong suốt thời niên thiếu, có lẽ con đường từ nhà đến trường là thân thương, quen thuộc và đáng ghi nhớ nhất. Từng cảnh vật, hàng cây, dãy phố, tiệm buôn, quán ăn , con người... đã in đậm trong tâm trí của tôi, để rồi khi rời xa quê, vẫn còn nhớ mãi dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua…

Năm 1970, tôi vào đệ thất (lớp 6) trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa (BH). Hàng ngày, tôi đều đặn rảo bước trên con đường Quốc Lộ 1 (QL1) để tới trường. Con đường dường như là người bạn đồng hành gần gũi, chia sẻ với tôi niềm vui, nỗi buồn trong suốt quãng đời học trò.

Con đường đi bộ đến trường của tôi trong những năm 1970-1975 bắt đầu từ bùng binh Biên Hùng, là một con đường dốc mà người BH gọi đó là dốc Ngô Quyền hay dốc Kỷ niệm. Con đường nầy dài độ 1km, hai bên là hai dãy phố gồm các nhà buôn, tiệm ăn, dịch vụ... cũng sầm uất và phồn thịnh không kém đường Trịnh Hoài Đức ở trung tâm BH.

Để tìm hiểu con đường đã gắn bó với tuổi học trò của tôi thế nào, xin mời các bạn cùng tôi, thử làm một cuộc rong chơi bằng ký ức trên con đường đến trường của tôi ngày xưa.

Khởi đầu từ bùng binh Biên Hùng - khu vực giao lộ của các nhánh đường tỏa đi năm hướng: 

Một nhánh từ QL1 đi thẳng đến đường Trịnh Hoài Đức. Một nhánh đường QL1 dẫn đến Hãng Dầu và nhánh còn lại ngược về ngã ba Vườn Mít. Một nhánh đường Hưng đạo Vương (HĐV), hướng đến đến ngã ba thành với một đoạn dốc cao, một nhánh còn lại đường bằng phẳng hơn, hướng về nhà Ga BH.

Phía bên trái bùng binh Biên Hùng là trụ sở Ty Cảnh sát Quốc Gia BH, nơi tôi đã từng đến đây lăn tay chụp hình để làm thẻ căn cước năm 1974. Một ấn tượng đẹp của tôi thời ấy là các anh cảnh sát ở đây rất hiền hòa, lịch sự và ân cần hướng dẫn mọi người, giải quyết công việc nhanh chóng, không hề hạch sách quấy nhiễu, quát nạt hay vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân.

KyUc 1

Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp một cây xăng lớn đại lý hãng CALTEX, người dân thường gọi đây là cây xăng Sáu Sử. Một vài xe đò Liên Hiệp đến đổ xăng. Nơi đây, ngoài các trụ xăng, còn có hai garage  để sửa chữa, bảo trì xe.

KyUc 3

Về phía bên phải của bùng binh là Rạp Hát Biên Hùng và dãy hàng quán bên ngoài khuôn viên rạp. Ở góc đường QL1 và HĐV có một quán hủ tíu không tên, phía trước có một cây trứng cá với tàng cây lớn rợp mát một khoảng không gian rộng. Quán khá nổi tiếng với hủ tíu ngon và đông khách. Người dân BH thường gọi là quán hủ tíu Cây trứng cá. Phía trước quán có 2 xe bánh mì, một xe sinh tố, trong đó có xe bánh mì bà Chín, nổi tiếng với bánh mì sốt tương rất đặc biệt.

KyUc 2

Sát bên quán hủ tíu Cây trứng cá là trường dạy đánh máy chữ Hiệp Luật. Đây là trường dạy đánh máy lâu đời ở tỉnh lỵ, đã đào tạo nhiều nhân viên thư ký văn phòng làm việc tại các công, tư sở và các văn phòng ngoại quốc tại BH.

Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp các tiệm sửa xe, tiệm bán phụ tùng xe gắn máy. Bên cạnh đó là nhà bà bác nấu cơm tháng lâu năm ở BH. Gia đình tôi có một thời gian là khách hàng quen thuộc của bà. Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp một tiệm chụp hình hiệu Chicago của một gia đình người Hoa. Cạnh đó là một lò bánh mì tương đối sạch sẽ và tân tiến. Tôi còn nhớ những chiều đi học về ngang qua, tôi cảm nhận được thoang thoảng mùi bánh mì nóng giòn mới ra lò thơm phức tỏa ra từ đây.

Đối diện với lò bánh mì phía bên đường là một vựa bán bưởi - một đặc sản nổi tiếng của BH, là nơi tìm đến của khách thập phương mua bưởi về làm quà khi họ có dịp ghé thăm BH.

 Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp một đường rầy cắt ngang đường QL1. Đây là một đường rầy đã cũ, không còn sử dụng. Đầu hẻm đường rầy về phía trái, có một quán vẽ tranh nhỏ xíu của một bác họa sĩ già, lưng hơi còm, đang ngồi cặm cụi vẽ tranh chân dung. Qua nét cọ điêu luyện của người họa sĩ tài hoa, các bức tranh chân dung trông thật đẹp và vô cùng sống động. Đi vào phía trong đường rầy một quãng ngắn, bạn sẽ gặp một trường mẫu giáo Đức trí. Hẻm đường rầy này đi vào sâu sẽ thông qua tới dốc sỏi gần cổng 2 Không quân BH.

Phần hẻm đường rầy phía bên phải rộng thoáng hơn bên trái, đi thông đến nhà ga BH. Đầu hẻm có tiệm sửa xe gắn máy Phước Khen. Bên cạnh tiệm sửa xe này có một hẻm nhỏ còn gọi là hẻm Hiếu Nghĩa hay hẻm xóm Chùa. Trong hẻm về phía trái có một dãy phố khang trang 5-6 căn được xây dựng từ những năm 1965-1966, chủ nhân dãy phố là ông chủ tiệm bán đồ mộc Hiếu Nghĩa, nên hẻm này người dân trong xóm gọi quen là Hiếu Nghĩa. Đi sâu vào trong hẻm ta sẽ gặp một ngôi Chùa xưa, nằm ẩn mình cạnh các cây lớn bao quanh, trông rất cổ kính và tĩnh mịch. Người dân gọi khu dân cư quanh đó là xóm Chùa.

Từ hẻm Hiếu Nghĩa, tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp phòng mạch bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Tâm Trí- Biên Hòa.

Đối diện với phòng mạch bác sĩ Tuấn Anh phía bên đường là tiệm mộc Xuân Thịnh nhận lãnh làm, và bán giường tủ bàn ghế.

KyUc 4

 Từ đây, tiếp tục đi tới ta sẽ gặp siêu thị Đồng Nai (ĐN). Vào những năm 1969-1970, tỉnh Biên Hòa của tôi đã có một vài siêu thị, trong đó có siêu thị ĐN. Siêu thị này tuy nhỏ, nhưng cũng đầy đủ các hàng hoá cần thiết, và có cách phục vụ giống như siêu thị Nguyễn Du ở Sài Gòn. Tuy nhiên, các siêu thị ở BH chỉ kinh doanh được một thời gian ngắn, sau đó ngừng hoạt động vì người dân BH lúc ấy, dường như chỉ thích xách giỏ đi mua sắm ở các chợ bên ngoài hơn. Quả thật như vậy, siêu thị ĐN đã phải ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn, vì không thể cạnh tranh được với chợ Kỷ Niệm bên cạnh – là một chợ nhỏ nhưng vô cùng náo nhiệt, hàng hoá phong phú, giá cả linh hoạt, thuận lợi cho người dân hơn là mua sắm trong các siêu thị.

Bên cạnh siêu thị ĐN có một tiệm chụp hình Châu Phô có tủ kiếng trưng bày các ảnh mẫu chụp chân dung rất đẹp và sắc nét.

Đối diện với tiệm chụp hình Châu Phô phía bên đường là quán Huỳnh Của, với thực đơn chính là bánh canh và cháo lòng, rất nổi tiếng, được giới thực khách sành điệu BH ưa chuộng. Ngoài ra Huỳnh Của còn kinh doanh thêm một vài bàn Billiard mà các nam sinh rất mê, thường đến tranh tài sau giờ học. Huỳnh Của còn có một vườn ươm để bán các loại giống cây ăn trái và cây kiểng cho người có nhu cầu.

Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp tiệm sửa xe Nam Em, trường trung học bán công Trần Thượng Xuyên và cuối cùng, đích đến trên đầu dốc là mái trường trung học Ngô Quyền thân yêu của tôi, nơi có các vị giáo sư khả kính đức độ, uyên bác và tận tâm, đã truyền dạy cho học sinh đầy đủ kiến thức, vừa có trí vừa có đức để làm hành trang vào đời, làm người hữu dụng cho xã hội.

KyUc 5

Đối diện với trường Ngô Quyền là chợ nhỏ Kỷ Niệm. Phía bên trong chợ có một lớp học sinh ngữ do thầy Chu Lâm – một nhà mô phạm khả kính chuyên dạy tiếng Anh theo bộ sách “English For Today” từ lớp vỡ lòng (Book 1) cho đến lớp nâng cao (Book 5). Ngoài ra, thầy còn dạy thêm các lớp tiếng Pháp theo bộ sách “Course de langue et civilisation Francaises “cho các học sinh có sinh ngữ chính là Pháp ngữ hoặc các học sinh Anh Ngữ muốn học thêm sinh ngữ phụ.

Qua khỏi chợ Kỷ Niệm tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp tiệm thu, sang băng cassette và cho thuê truyện Dư Âm. Nơi đây có rất nhiều truyện tình cảm nhẹ nhàng của Quỳnh Dao, Lệ Hằng, các truyện Tuổi Hoa - loại hoa tím mà các nữ sinh rất ưa chuộng. Gần bên Dư Âm là nhà hàng lớn Tấn Phát rất đông khách. Cạnh đó, là một sân trượt patin Phi Tuyết (trượt Patin là một hình thức thể thao rất được giới trẻ ưa chuộng vào những năm 1972-1973). Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp một tháp nước cao, cung cấp nước cho trung tâm tỉnh lỵ và các khu vực lân cận. Dưới chân tháp nước là trụ sở Ty Canh Nông và Cải cách điền địa BH.

KyUc 6

Trở lại với trường Ngô quyền. Phía trước cổng trường có quán hủ tíu Minh Phước, rất ngon nhưng không phải là giá bình dân, nên giới học sinh chúng tôi ít khi có dịp thưởng thức. Bên cạnh quán là khu dân cư Thái Lập Thành, là một đường hẻm lớn dẫn đến khu Gò Me, thuộc ấp Lân Thành, xã Bình Trước. Một kỷ niệm lúc học lớp 8 (1973), khi được nghỉ học 2 giờ sau của buổi chiều, tôi cùng với một số bạn đi đến Gò Me đá banh, lúc ấy khu vực này rất hoang vắng. Sau trận đấu, cả nhóm đến một trảng đất rộng có rất nhiều bụi cây giấy, mọc hoang dã với rất nhiều trái nhỏ xíu chín vàng. Lột vỏ ra thấy lớp nhân bên trong mềm mềm, có mùi thơm, vị ngọt giống như trái nhãn, nên người dân còn gọi là trái nhãn rừng.Tôi nghe nói loại cây giấy này chỉ thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất BH, các nơi khác không có.

Phía đầu hẻm Thái lập Thành là quán ăn Bách Lạc của người Hoa, khá nổi tiếng với mì xào giòn , cơm dĩa,  cơm phần gia đình.

Tiếp tục đi tới, ta sẽ gặp ba trường học nổi tiếng ở BH:

-  Trường Trung học Kỹ thuật BH với đồng phục nam sinh là quần xanh áo xanh ngắn tay. Ngoài chương trình trung học bình thường, trường có thêm các ban: Gốm, Điêu khắc, Đúc đồng, Điện kỹ nghệ, Họa viên… để đào tạo các chuyên viên kỹ thuật lành nghề tương lai cho tỉnh nhà. 

-  Trường Trung học tư thục Khiết Tâm, nơi qui tụ nhiều giáo sư giỏi, đào tạo nhiều học sinh thành danh và nổi tiếng không kém trường công lập Ngô Quyền.

- Trường tiểu học cộng đồng Trịnh Hoài Đức.

Buổi chiều, đến giờ tan học, các học sinh từ các trường trong khu vực này tỏa ra. Những tà áo dài trắng thướt tha, duyên dáng của các nữ sinh, xen lẫn với quần xanh áo trắng, áo xanh của các nam sinh, quần short xanh áo trắng của các em nhỏ tiểu học, lại điểm tô thêm các sắc áo kaki màu xanh olive mạnh mẽ của các quân nhân từ cổng 1 Không quân đi ra.. Đã tạo nên một bức tranh sinh động nhiều màu sắc, nhộn nhịp, huyên náo nhưng lại rất yên bình, trật tự tại khu vực đầu dốc Ngô Quyền.

Trên đây, là vài nét ghi nhận của tôi về con đường đến trường của những ngày xưa thân ái, trong độ tuổi học trò. Hình ảnh các con đường, góc phố thân thương của BH mà ngày xưa tôi đã từng tung tăng rảo bước đến trường, với nhiều kỷ niệm đẹp, đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm và luôn hiện diện mãi trong tâm tưởng, như là những thước phim đẹp trong dòng chảy cuộc đời của mình .

 

(Ảnh sưu tầm)

 

Hiệp Phan - SJ (10/2021)

 

13 Tháng Năm 2017(Xem: 15481)
Và những cánh hoa tulip phương xa, đã là làn gió mát xoa dịu tâm hồn người nhận, tựa cơn mưa rào tưới mát mùa hè bão lửa quê xưa.
06 Tháng Năm 2017(Xem: 17026)
Đã mấy mươi năm dài lưu lạc, anh em mình vẫn choàng tay trái sát cánh bên nhau “Rời xa nhau nhớ lâu nhé, tình anh em chớ quên nhé!
22 Tháng Tư 2017(Xem: 25088)
Nhưng tấm lòng trân trọng Thầy xưa – Trường xưa và Hướng Đạo xưa, vẫn là chất liệu ngọt ngào gắn kết tình thân anh em Thiên Mã đến tận bây giờ,
11 Tháng Ba 2017(Xem: 11636)
Hình như Phương Dung cũng đang ở một nơi nào đâu đó thầm lặng chào Thầy, chào các anh chị lần cuối với nụ cười ngây thơ của một thuở Ngô Quyền?
11 Tháng Ba 2017(Xem: 17725)
Giờ hồi tưởng lại, tôi thầm cảm ơn những “nhân vật kỳ tài” trong gia đình Hướng Đạo Biên Hòa xưa. Anh chị đã trao tặng cô em cơ hội, được tung tăng vui đùa thỏa thích trong thế giới trẻ thơ…
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10461)
Thế là xong kiếp người. Khóa 8 CHS NQ BH là lại vắng thêm người bạn....Xin họp mặt năm sau, 2018, không có chiếc ghế trống vắng nào nữa...
17 Tháng Hai 2017(Xem: 6421)
Con người một khi lìa đời sẽ không mang theo của cải, nhưng đã có một gia tài bằng sự quý mến của tha nhân từ tấm lòng nhân hậu.
15 Tháng Hai 2017(Xem: 10352)
Hôm nay họp mặt mừng vui Bốn mươi bằng hữu ngọt bùi bên nhau Thời gian thắm thoát qua mau Năm tư năm đã đậm màu gió sương.
27 Tháng Giêng 2017(Xem: 9891)
Nhân dịp thầy Phạm ngọc Quýnh đến San Jose ăn Tết với gia đình Quỳnh Thư và cũng qua lời nhắc nhở của thầy Hiệp đến anh Xương
29 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 28784)
Kỷ yếu cựu HĐS. Biên Hòa chỉ thực hiện một lần duy nhất, nối lại mối dây thân tình chập chùng gián đoạn suốt 40 năm qua.
19 Tháng Mười Một 2016(Xem: 11936)
Những kỷ niêm được mọi người nhắc lại về các thầy, các trò của ngôi trường yêu dấu . Tin tức người còn, kẻ mất; người ở lại trong nước, kẻ đi ra hải ngoai...
20 Tháng Mười 2016(Xem: 35775)
Phóng sự bằng hình “Cựu hướng đạo sinh Biên Hòa – xưa và nay” lần này xin thay lời kết, khép lại hành trình tìm nhau của gia đình cựu HĐS tỉnh lỵ Biên Hòa tròn 60 năm tuổi.
11 Tháng Mười 2016(Xem: 11858)
Chúng em cũng xin cám ơn hai Thầy: Phạm Gia Hưng và Thầy Hoàng Quý Nam đã bỏ chút thì giờ đến chung vui họp mặt với đồng hương Biên Hòa và chúng em.
30 Tháng Chín 2016(Xem: 13184)
Một chút nắng sẽ soi sáng con đường, nơi đi và chốn đến. Để được sống vui như vui trong ngày gặp mặt với món quà quý giá BẠN BÈ VẪN CÒN ĐÂY.
10 Tháng Chín 2016(Xem: 14971)
Nhất định mình sẽ gặp lại nhau ở Houston, ở Anaheim, ở San Jose… để cùng dựng lại trường xưa bên đời lưu lạc .
17 Tháng Tám 2016(Xem: 10505)
Một ngày vui không thể nào quên, cũng như niềm vui của 2 gia đình vừa kết nghĩa thông gia. Và sẽ còn những cuộc vui tiếp nối.
31 Tháng Bảy 2016(Xem: 13515)
Hội ngộ Ngô Quyền như một lời réo gọi, những đứa con xưa tìm lối quay về, được đến với Thầy Cô và bạn bè là cả bao niềm hạnh phúc
11 Tháng Sáu 2016(Xem: 9863)
Dòng sông quê hương chứng giám cho thâm tình bè bạn chúng tôi.
29 Tháng Tư 2016(Xem: 18724)
Tiệc họp mặt nầy được thực hiện qua sự nhắc nhở của thầy Hiệp vì từ lâu anh em chúng tôi bận sinh kế, gia đình, săn sóc cháu nội ngoại, du lịch etc. nên ít có dịp ngồi lại với nhau!
16 Tháng Tư 2016(Xem: 11457)
Bạn bè ơi, thời gian đã hơn 50 năm từ khi chúng ta thi đậu Đệ Thất NQ, với 7 năm học, 7 mùa phượng đỏ sân trường. ....Xin cám ơn bè bạn đã tạo cơ hội cho bằng hữu xích lại gần nhau,