Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Tìm lại dấu xưa

22 Tháng Bảy 201812:38 SA(Xem: 13830)
GS. Nguyễn Văn Lục - Tìm lại dấu xưa

Tìm lại dấu xưa

(Nhân dịp Đại Hội Ngô Quyền. Cảm nghĩ của một tham dự viên) 
Nguyễn Văn Lục

 

blank




Tìm lại dấu xưa là tìm lại một quá khứ đã bị quên lãng hoặc một mảnh quá khứ do sự dập vùi, biến dịch của cuộc sống che khuất. Cũng không khó mà cũng có thể dễ tìm lại được. Nếu nói theo tinh thần nhà Phật là đôi khi phải có cơ duyên hạnh ngộ.

 

Nhưng đối với tôi, tôi có một nhân sinh quan lạc quan về thiên nhiên, về cuộc sống, về cuộc đời-như một quy luật- mà tôi gọi chung là: Những giao cảm.

 

Có giao cảm sơ khởi, đầu đời là giữa con người và thiên nhiên.

 

Ở tầng cao hơn nữa dẫn đến những giao cảm Người-Người. Giao cảm này phân ra nhiều hạng mục như giao cảm cha mẹ-con cái, vợ-chồng, thầy-trò, bạn bè, xóm làng, đồng đội v.v...

 

Giao cảm cuối cùng là giữa cái sống-và cái chết, giữa thế giới bên này và thế giới bên kia.

 

Giao cảm Thiên Nhiên-Con người

 

Thiên nhiên không hề “vô tình” và đơn độc. Nó có một quy luật của sự sống, tác động lên nhau và lên con người để tồn tại và để sống.

 

Sự giao cảm gần gũi nhất cảm nghiệm được với thiên nhiên là ở nơi những người nông dân.

 

Có một sự gắn bó, sự mật thiết, sự gần kề nơi người nông dân dù chỉ là miếng đất. Khi người nông dân vốc một nắm đất lên tay, họ cảm thức như có một sự sống trên nắm đất ấy. Khi người nông dân nói: “Lạy Trời mưa xuống” là một cảm thức trong mối tương quan Con người-Trời đất. Vậy thì mưa phải chăng là một thứ hồng ân Trời ban cho? Ban cho người và cho muôn vật?

 

Bản thân tôi, tôi cũng thấy gần gũi như cọ sát vào thiên nhiên khi tắm mưa.

 

Tôi rất thích những trận mưa rào nặng hột bất chợt đến rồi bất chợt đi. Cái bất chợt chính là bất ngờ thú vị nhất. Vì thế thấy mưa trẻ thường reo lên như một hưng phấn. Tôi cũng không ra ngoài thông lệ đó. Tôi thích mưa mà lúc còn nhỏ không biết tại sao? Lớn lên, hiểu tắm mưa mát đã đành, vui đùa chạy nhảy cũng có và còn hiểu ra rằng còn có điều gì hơn khác và hơn thế nữa.

 

Thuở bé thấy mưa thì trẻ con bất kể trai gái vội ra tắm chuồng. Mưa trở thành “mưa bạn” đối với đứa trẻ chẳng khác gì “gió đùa” trong khuê phòng người thiếu phụ: “Đêm khuya gió lọt song đào. Chồng ai xa vắng gió vào chi đây?" Như một lời hờn trách nhẹ nhàng!!  Như thế, mưa và trẻ con là một tương giao hàng ngang.

 

Cho nên, mưa là cơ hội đầu đời để trẻ khám phá thân xác mình và phái tính. Tôi là ai, em là ai? Chúng ta là ai? Câu hỏi đặt ra xác định có một hiện hữu khác biệt, một hiện hữu thiếu-thừa, từ đó sinh ra mặc cảm tự hào và mặc cảm tự ty. Tự ty thì khép lại, che đậy - tự hào thì mở ra. Biện chứng khép mở là biện chứng nhìn ra đối tác, nhìn ra sự cần nhìn nhận hay chối từ, cho và nhận.

 

Ở một tầm cao. Cái “đắt giá” nhất trong triết học Đông Phương là coi đất trời nằm trong một bọc. Bọc theo nghĩa cả tinh thần và về mặt thể lý.

 

Như “trời che, đất chở” tạo ra sự qua lại, hài hòa, sự tươi tốt và hơn hết tất cả làm trỗi dậy các mầm sống. Sự sống vươn lên từ các cơn mưa. Sự tồn sinh được tiếp nối một cách liên tục như thể tiền định.

 

Tôi nhìn những hạt mưa rơi giăng mắc trên những cành cây cũng như mái nhà như khám phá ra điều gì đó thật kỳ diệu. Kỳ diệu của đất trời và kỳ diệu của bàn tay ai đó như một mầu nhiệm khó lý giải.

 

Và phải có con mắt thế nào mới khám phá ra điều kỳ diệu mà mắt trần không thấy. Hoặc thấy mà như thể không thấy gì.

 

Những hạt mưa nặng hột rào rào như những cánh chuồn sà xuống mặt đất, tôi nhận ra như đất trời đang giao hợp. Con người giao hợp sinh ra con cái. Đất Trời giao hợp sinh ra tốt tươi muôn loài, muôn hoa trái.

 

Nhiều khi thiên nhiên xuất hiện chỉ là những khoảnh khắc chóng vánh, đến rồi đi như bất chợt.

 

Sự chóng vánh ấy mới quý làm sao, chóng lắm nên tôi gọi nó là thứ “mưa ướt đất” khác hẳn thứ “mưa thối đất” của người dân Huế.

 

Tôi cũng đã cảm nghiệm được sự giao hòa kỳ diệu của đất trời này trong một lần tắm biển vào một buổi chiều tại bãi biển Boston. Thoạt tiên, vào lúc 6 giờ chiều - mặt trời đã lặn. Không biết từ đâu tới, bảo nhau, hẹn hò hay ám hiệu, cả một đàn cá lúc nhúc quậy sóng đen ngòm cả một vùng biển. Sự lạ ấy xảy ra trong vòng vài phút thì tiếp theo sự lạ khác. Làm thế nào mà cả một đàn chim vài trăm con đã bắt được tín hiệu và từ trên trời lao thẳng xuống như những mũi tên để bắt cá.

 

Ai đã sắp xếp tấn kịch thiên nhiên đến choáng váng này? Và để nghe được tiếng gọi của thiên nhiên. Có lẽ phải ghi lại lời thơ của nhà thơ họ Hàn: “Ai hãy làm thinh. Chớ nói nhiều. Để nghe tiếng nước hồ reo!!"

 

Phải làm thinh để hiểu được thiên nhiên. Có lẽ đôi khi trong đời sống cũng phải biết làm thinh để hiểu được con người?

 

Và rồi, chỉ trong ít phút ngắn ngủi, đàn cá biến mất mà chim trời cũng không còn, trả lại một thiên nhiên trong bưổi chiều vàng của trời nhá nhem, nhọ mặt người.

 

Tôi sửng sốt kinh hoàng và không biết mình là ai, đứng ở góc độ nào, để chứng kiến cái cảnh có một không hai ấy. Mặt nước bãi biển trong thời khắc đã rút ra xa cả cây số mà trước đây là mặt biển mênh mông, để trơ một bãi đất đen còn ướt nhẹp. Tôi bước ra xa cho đến lúc nhìn lại bãi biển đằng sau mình như thể không mường tượng được tôi đã đi xa bờ đến như vậy. Một vài người còn ở lại trên bãi biển như những đốm đen người nhỏ ly ti.

 

Cảm nghiệm vật lý ấy đưa tôi đến cảm nghiệm siêu hình cho thấy sự bé nhỏ của cái tôi thụ tạo, đến sự vô nghĩa của con người trước thiên nhiên vô cùng lớn mà cũng vô cùng nhỏ, xa cách muôn trùng mà cũng gần gũi trong gang tấc.

 

Cảm nghiệm ấy hiếm hoi buộc tôi phải nhìn lại cuộc nhân sinh của mình, với những may rủi, với những lên xuống, những an bài như định mệnh mà có thể vì những lý do đó xoay chuyển cuộc đời tôi. Nào ai biết được? Định mệnh nào đã dẫn đưa tôi đến trở thành một nhà giáo sau nhiều năm mà tự bản thân lắm lúc tôi tự nghĩ mình có thể chỉ là một kẻ vô học? Và định mệnh nào run đẩy tôi dạy học trò Ngô Quyền và để ngày hôm nay tôi quây quần chung quanh họ? Tôi không bao giờ lại nghĩ rằng có thể lại ở trong nghề dạy học và có những kỷ niệm vui buồn trong thế giới học trò trong ngày đầu tháng bảy, 2018 vừa qua!!

 

Phải chăng đó cũng là điều kỳ diệu?

 

Trở lại với những cơn mưa rào. Nó vừa đủ như đánh thức các loài thực vật trỗi dậy, vươn lên và ướt át như vừa tắm gội, mặc một bộ quần áo mới với sắc mầu tươi tắn hơn. Tôi đã cảm nghiệm được điều đó nó khác hẳn với các cơn mưa rừng tầm tã, rỉ rả suốt ngày đêm.

 

Trong vườn nhà tôi có vài cụm mùng tơi, vừa đủ để nhìn chứ không nhất thiết là để ăn. Mỗi ngày tôi nhìn chúng mong đợi một sự lớn lên từng phân ly. Tưới bón thế nào cũng như thể không đủ, không làm nó vừa lòng như thể không phải là thứ nước mà nó mong đợi.

 

Và nó ẩn nhẫn chờ đợi điều mà tôi không thể làm được.

 

Rồi một trận mưa ào tới, tưới, xối xả, hung hãn, mãnh liệt như quất xuống mặt đất.

 

Cây cối như tắm gội, chan hòa như vừa qua một cuộc giao hòa có chủ đích. Có tiếng réo gọi nhau chan hòa của thiên nhiên cũng chẳng khác gì có tiếng réo gọi nhau “làm Người”.

 

Sáng hôm sau thức dậy, nhìn vườn rau như có gì đổi khác.

 

Cụm rau mùng tơi như phép lạ, không biết bằng cách nào dài ra cả gang tay. Lá mũm mĩm, da thịt mềm mại với mầu xanh khó mà vẽ lên được!!

 

Đấy là mối giao cảm khởi đi từ Thiên Nhiên tiến lên một bước nữa là mối giao cảm Người-Người.

 

Và tôi nghĩ rằng ai không hòa được với thiên nhiên, không có mối giao cảm với thiên nhiên thì cũng thật khó cho họ có thể có giao cảm Người-Người.

 

Đây là một bài học nữa tôi nhắn nhủ học trò. Hãy yêu thiên nhiên để có thể yêu đượcc con người. Hãy yêu con người ngay cả trong những tình huống bất toàn, không đúng ý mình. Bởi vì bất toàn là một trong những bản tính gắn liền với thân phận làm người.

 

Còn đối với một con người hoàn toàn cô độc bởi vì họ soi gương chỉ thấy có mình mà không thấy người khác. Sự cô độc là một hiện tượng bất thường của một thứ bản năng chiếm hữu.

 

Ta chỉ trở thành người đích thực hiện thân trong thế giới người khi tạo được mối tương quan với người khác. Tiếng Pháp có câu: Être, c’est être avec autrui. (Ta chỉ là người khi có người khác.) Và còn gì đẹp hơn và ý nghĩa hơn câu nói của một nhà thơ: Chỉ có hai người mới nói được bầu trời đẹp.

 

Trong mối giao cảm Người-Người ấy, ngoài tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ. Còn có mối giao cảm xã hội rộng lớn là bạn bè mà tình bạn bè ấy khởi đi từ những ngày cùng chung sống dưới một mái trường, một thày dạy.

 

Bài viết này trong việc đi tìm lai dấu xưa muốn ghi nhận tại đây cái mối giao cảm thày-trò-trang lứa cùng lớp như những kỷ niệm khó quên. Mà không phải chỉ là một kỷ niệm, mà còn chứng tỏ sự trưởng thành trong sự trau dồi nhân cách. Một nhân cách lớn là một nhân cách biết nhìn nhận người khác, biết tìm lại dấu xưa, biết nhìn nhận và biết chia xẻ.

 

Dĩ vãng tìm về là một điều tự nhiên. Và bất hạnh cho những ai không có được điều đó.

 

Cũng từ biện chứng này, đôi khi không tránh được như điều chẳng đặng đừng; có những mối liên lạc Người-Người trở thành căng thẳng đối đầu, hận oán như kẻ thù mà tuổi trẻ và tính cao ngạo tự tôn khiến chúng ta đã vấp phạm.

 

Thế giới này đã trải nghiệm bao nhiêu điều bất hạnh như thế!! Mà chỉ có con người mới có những cái được gọi là kẻ thù. Mà may mắn thay loài vật đã không có.

 

Và cũng từ chỗ đó, trong cuộc đời cầm bút, tôi có thể không bao giờ có sự nhìn nhận nhau trong thân phận người.

 

Tôi nhắc lại một câu thơ trong một bài hát phổ nhạc của Phạm Duy:

 

“Kẻ thù ta đâu có phải là Người!!

Giết người đi thì ta ở với ai?”

 

Hiện hữu với người khác mở ra nhiều hình thái như sum họp, đoàn tụ, tan hợp, chia lìa, gẫy khúc như những cảnh đời như thế gian thường tình mà mọi người đều có những trải nghiệm từ chính mình hoặc nơi người khác.

 

Công việc của con người là chọn lựa những hình thái trên để sự hiện hữu được trọn vẹn.

 

Ôi cả một đời người như một người khách lạ đi trên đường như một rong ruổi, như một hành trình tìm về quán trọ mà thực ra lúc nào cũng mang tâm thức tìm về “nơi chốn quê nhà” tìm lại dấu xưa.

 

Hôm nay, đoàn lữ hành mang tên Ngô Quyền, từ muôn phương, đang rong ruổi tìm về “chốn quê nhà” như tìm lại dấu xưa, những dấu vết kỷ niệm đầu đời tuổi học trò.

 

Biết bao chuyện kể, biết bao kỷ niệm, biết bao niềm vui đong đếm sao cho hết để trong sự rộng lượng để chỉ còn giữ lại cái tình giữa bạn bè, giữa anh em, giữa thày trò trong tiếng cười rộn rã trong sáng và ròn tan vỡ ra, trong những bữa ăn đầm ấm.

 

Chúng ta một cách nào đó đang vẫy gọi nhau làm người trong khi thế giới còn biết bao đỗ vỡ, chết chóc và tàn phá!!

 

Tìm lại dấu xưa

 

Tuy nhiên, không nhất thiết dễ dàng tìm lại dấu xưa với nhiều trăn trở, do dự với nhiều nỗi lo cần được vượt qua. Nhất là tuổi nhiều người đã già. Thày đã đành, trò cũng không kém xấp xỉ.

 

Xin nói thật nhé. Nói thật mang nghĩa xét mình.

 

Nhiều người bạn đồng nghiệp, bạn cầm bút, bạn đủ loại đã không cùng một tần số đã tạo ra sự phân ly không có giây nhợ gì nối lại được. Đó là hàng trăm người chọn phía đứng phía bên kia, trở thành những kẻ đối đầu ý thức hệ hay thể chế. Như một Nguyễn Trọng Văn, một Dương Văn Ba, một Nguyễn Ngọc Lan và nhất là một Lý Chánh Trung. Nay họ ở đâu? Và tôi ở đâu trong mắt họ?

 

Lại có những bạn già vì bận lo toan chuyện mưu sinh và trăm lý do khác để không có dịp gặp lại. Có gặp đôi khi cũng thế mà thôi. Kể làm gì và kể sao cho xiết!! Có bẽ bàng không người bạn trẻ?

 

Kinh nghiệm bản thân gần gũi, tối đen nhất cho thấy cũng đến vài năm tôi không có liên lạc với anh Kiều Vĩnh Phúc. Lý do thì cũng là không lý do chính đáng. Có lý do nào thật sự được gọi là chính đáng khi có sự phân ly?

 

Rồi trong khoảng nửa năm nay trở lại đây, đột nhiên, tôi nhận ở anh một vài bài viết về Duyên Anh, sau đó được đăng trên dcvonline.net. Phải chăng đó là một dấu hiệu báo trước một điều gì?

 

Anh tiếp tục gửi nhiều bài anh đọc được cho là hay để chia xẻ như anh từng chia xẻ với các anh Phố, Phi Long, Chị Nhã Ý và một vài chị khác.

 

Cái chết bất ngờ của Vĩnh Phúc để lại một cú sốc cho nhiều người.

 

Lại thêm một cái ghế trống vào phút chót. Giá trên chỗ ghế ngồi danh dự hôm 1-7,  ai đó, hoặc Ban Tổ chức để thêm một cái ghế trống cho thày Phúc thì hay biết mấy!!

 

Để đáp lễ, khi tôi viết xong một bài trên dcvonline cũng gửi anh.

 

Đôi khi cũng nhận được lời khen tặng của anh như: Bài viết công phu, tài liệu phong phú mà theo bản tính có mấy khi anh ngỏ lời khen ai. Và tôi đã nhận được những lời khen thật tình của anh.

 

Rồi điểm hẹn hò gặp lại anh trong dịp Hội Ngộ Ngô Quyền. Và điều ấy đã không xảy ra như lòng mong muốn của cả hai chúng tôi. Anh vội vã ra đi trong sự nhẹ nhàng thanh thản như chính cuộc đời anh.

 

Đó, đó, chính là tiếng vẫy gọi nhau tụ lại để không còn chia cắt nữa trước khi vĩnh viễn xa nhau. Trong tôi, lại có thêm một khoảng trống không người thay thế.

 

Rồi anh Lê Quý Thể, sau 1975, anh từng cho biết những dự tính vượt biên của anh, tôi cũng được anh chia sẻ.

hoingo3

 

Vậy mà sau hơn 40 năm mới gặp lại nhau trong nỗi vui mừng đoàn viên..Điều gì đã làm cho hơn 40 năm xa cách? Và điều gì đã nối kết lại? Nhưng rõ ràng có một nhu cầu tìm về nguồn như: “Nước đi ra biển lại mưa về nguồn”.

 

Trong dịp này, thấy Lê Quý Thể rất là chan hòa thoải mái vui vẻ.

 

Còn lại một hai ẩn số thì để dành riêng cho anh.

 

Cuộc sống của anh về mặt vật chất có phần thoải mái, dư thừa hơn chúng tôi. Nhưng anh là người nặng tinh thần gia đình nên cũng còn nhiều công việc phải lo toan cho những bà chị ở đây và còn cháu ở VN nữa.

 

Và có lẽ cả anh và tôi. Cuộc họp này có nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhất đối với hai đứa. Từ nay chúng tôi có thể nhẹ gánh lên đường, tâm tư thong thả.

 

Và cả đám học trò chơi thể thao, nhất là đá banh của anh. Phải chăng đó là món quà bất ngờ nhất? Các em có đồng ý như thế không?

 

Phần tôi trong dịp tìm lại dấu xưa đã dặn lòng như thể một lần rồi thôi đấy nhé!

 

Tôi cũng đã nhận được rất nhiều những dấu ấn của lòng quý mến vượt ra khỏi sự mong đợi của tôi.

 

Trong dịp này thì cũng xin cho phép tôi được bày tỏ mà không ngại ngùng là ngoài những người như Tưởng Dung,- khi ở trong những tình huống không khả thi thì người còn lại cuối cùng vẫn là Dung. Tất Ứng,- luôn  chăm sóc đến các thầy cô. Cô Ngọc Huệ,-làm trong sự thầm lặng kín đáo. Cao Thị Chung- vì người mà không phải vì mình- cùng với các anh trong ban Tổ chức như các anh Hạnh, anh Tâm, anh Ngãi v.v... Các anh đã nhiều lần đón tiếp tôi - Những người mà tôi biết, còn vô số các anh chị khác tôi không biết hay không nhớ như chị Tuyết v.v... đã từng đón tiếp tôi trong các kỳ trước.

 

blank

Tôi chỉ hối tiếc là không được gặp riêng Chị Chung để nói hai tiếng: cám ơn. Và thiếu đôi chút thời giờ để gặp riêng Tất Ứng để chia sẻ với Tất Ứng trong giai đoạn khoảng trống này.

 

Cũng thế, tôi đã không có thời giờ để trò chuyện riêng với vợ chồng anh chị Hạnh-Hội, người đã âm thầm trong nhiều năm giúp tôi thực hiện trang Nguyễn văn Lục và thu thập các bài viết của tôi mà chính bản thân người viết không cách nào nhớ hết nổi.

 

Anh chị là một trong số những gia đình có nhiều may mắn, hạnh phúc trên 40 năm cuộc đời chung sống hạnh phúc bên nhau.

 

Tôi cũng hãnh diện mà viết ra ở đây, có những món quà như những hạnh ngộ bắt được của Trời khiến tôi được Vi chăm sóc giúp đỡ và lo toan mọi sự. Tôi  thấy không cần nói thêm điều gì, bởi vì nói chi cũng bằng thừa và có thể xúc phạm đến tấm lòng của Vi vốn kín đáo và khiêm nhượng. Tôi chợt nghĩ đến một câu chuyện tôi đọc từ hồi sinh viên một cách thích thú: Đôi bạn chân tình của nhà văn Đức Herman Hess.

 

Bên cạnh Vi là Hồng. Đi đâu cũng thấy hai người cặp đôi. Hồng ít nói, chỉ cười nhẹ, đôi mắt buồn, nhỏ nhẹ. Hình như có một trời tâm sự.

 

blank

Như thể: Thế gian còn có nhiều điều đáng nói. Và cũng lặng lẽ với vợ chồng cô em gái ở VN sang chơi.

Tôi cũng vui mừng và hãnh diện khi tôi “du lịch Mỹ” ở vùng Burlington để thăm một người bạn. Anh ấy chủ trương tờ báo địa phương Đoàn Kết, in photocopy. Tôi vui không ít và cũng thêm hãnh diện khi tờ báo của anh cho đăng bài: Chai dầu gió xanh của Vi. Anh phân tích rất kỹ về câu chuyện này một cách thích thú.  Trong đó câu chuyện tạo được sự bất ngờ đến ngạc nhiên. Tự nhiên, tôi nghĩ có nên làm một tuyển tập mỏng về các loại bài viết của thày trò như một thứ tạp ghi, tạp bút? Anh cũng cho biết, có hai tác giả của Ngô Quyền cũng có bài trên tờ Việt Báo của Nhã Ca, ngoài Vi còn có Diệu Hương nữa có bài trên báo của anh.

 

Các chị, các em nổi tiếng lắm!! Trong buổi dự lễ dựng đài tưởng niệm TT. Ngô Đình Diệm. Một nhà văn “miệt vườn” hiểu theo nghĩa nào cũng được ở Montreal gặp tôi khoe các nhà văn nữ trong nhóm như T.Dung, Thêm v.v... Và cũng không quên nhắc đến truyện “Chai dầu gió xanh”.

 

Trong những ngày chót ở lại Mỹ. Tôi đã bị bất ngờ lúng túng trong việc kiếm chỗ ở và may mắn đã được hai vợ chồng hai em Xuân-Phượng lo toan dùm. Không ngờ được biết thêm Phượng có người chị dâu là cô Huệ. Khỏi nhiều lời, ai cũng biết cung cách mẫu mực của cô Huệ như thế nào. Cũng nhờ thế, có những bữa ăn gia đình mà tôi được biết thêm hai vợ chồng bạn của Xuân. Anh chị Hoan và anh chị Việt. Họ đã tạo ra những trận cười đến bể bụng. Phải chăng đây là những phút giây hiếm quý trong cuộc trùng phùng hội ngộ này?

 

Xin nhận nơi đây một lời cám ơn. Tất cả. Không trừ. Cả những người không được nhắc tên ở đây. Như Tâm, Ngọc, Nhung và v. v...

 

Cũng như những món quà dù nhỏ, dù lớn. Tôi đều ghi nhận. Tôi vốn không uống trà theo thói quen của nhiều người, nay bắt đầu uống chè xanh để ghi nhớ người đã cho mình một cách lặng lẽ và kín đáo.

 

Về phía các vị giáo sư, tôi thật vui khi sống chung vài ngày với anh anh chị Trần Phiên, một người tôi chưa hề quen biết khi dạy ở Ngô Quyền. Vậy mà chúng tôi đã có vài ngày vui vẻ trò chuyện vì tính tình phóng khoáng và cởi mở của hai anh chị..Chưa kể anh chị Son-Bình, bạn của Vi làm mọi người thích thú khi đến nhà anh.

 

Nếu có điều chi hối tiếc là khi còn đi dạy, khi một lớp các cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp về dạy Ngô Quyền, tôi thường ít khi vào phòng giáo sư nên sự quen biết các cô giáo rất là hời hợt đến nay không nhận ra được cô Nhung.. Nghĩ lại điều đó thật có lỗi. Mà lỗi thì còn nhiều nữa, cứ xin xá cho là vừa. Xin xá cô Nhung một vái.

 

Trên đường về ra phi trường, lòng lâng lâng với tâm trạng khó tả, tôi đã mặc chiếc áo T.Shirt của người đã cho và cũng không quên ăn hai cai bánh bao vốn là món tôi thường không bao giờ ăn vì vị ngọt của nó. Nó ngon lạ thường!!

 

Tôi đặt cho bài này cái tựa đề "Tìm lại dấu xưa".

 

Phải chăng nó phản ảnh đúng ý nghĩa ngày Hội Ngộ mang tâm trạng của phần đông của các học trò Ngô Quyền đi tìm lại mình và tìm lại những kỷ niệm tuổi học trò khó quên?

 

Thưa các em… Các em đi dự Đại Hội Ngô Quyền này. Tất cả không trừ chúng ta đều lớn về tầm vóc, tạo được một mạng lưới không phải Nhân Quyền mà là Tình Người. Amen.

 

Viết nhân ngày Đại Hội Ngô Quyền tháng bảy - 2018

 

Thày giáo Nguyễn Văn Lục

08 Tháng Tư 2016(Xem: 11550)
Thương tiếc tiển đưa người em, cũng không quên vinh danh người bạn đời của anh Viện, chị Phương Trang đã tân tụy một đời với người chồng bệnh nặng
08 Tháng Tư 2016(Xem: 10691)
Cám ơn tình nghĩa bạn bè đến với nhau khi chia ngọt sẻ bùi. Thời gian không cho phép, ai là người kế tiếp !! Trên đường về, các bạn báo tin, qua thông tin từ bạn Nguyệt Ánh, bạn Lê Minh Trí, CHS NQ khóa 8 lớp Pháp Văn, vừa bị đột quỵ cách đây vài hôm.
09 Tháng Ba 2016(Xem: 18489)
Nhưng ngày 5/3/2016, ở Biên Hòa, có một buổi họp mặt thấm đậm tình nghĩa để tôn vinh tinh thần bè bạn CHS NQ BH, sau 3 năm vắng bóng ngày họp mặt cuối năm.
24 Tháng Hai 2016(Xem: 16779)
Xin cám ơn những tấm lòng còn thương tưởng, đến với nhau, dù thời gian đã là là 53 năm khi chúng ta vào lớp đệ thất trung học Ngô Quyền BH. Xin kính chúc sức khỏe Thầy Cô, nhân dịp năm mới,...
30 Tháng Giêng 2016(Xem: 12778)
...bên cạnh nhiều nỗi đắng cay cũng còn có viên kẹo ngọt, nên mình tiếp tục mang nụ cười và niềm vui đến tha nhân, dù được trả lại bằng những giọt nước mắt, Ngô Quyền vẫn mãi bên tôi...
29 Tháng Giêng 2016(Xem: 9015)
chị Nga và Đào rất quan tâm đến thông tin về ngày hội truyền thống cựu học sinh Ngô Quyền – Biên Hòa. Hai người sôi nổi bàn bạc cùng lấy ngày nghỉ vào mùa hè 2016, để bay về California dự kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường…
15 Tháng Giêng 2016(Xem: 24318)
Những đêm dài tôi nhâm nhi từng viên chocolate chị Dung gửi tặng, để cảm nhận hương vị ngọt ngào tình em với chị trong trái tim tôi.
22 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6367)
Hôm nay ngày 20/12/2015. Bạn bè còn lại ở BH tổ chức tiệc gặp gỡ cuối năm tại tư gia bạn Nguyệt Ánh. Một party nho nhỏ gọi là Tất Niên 2015 Dương Lịch.
14 Tháng Mười Một 2015(Xem: 11941)
Chúc những bất hạnh, tai ương đi xa và biến mất khỏi những người tôi yêu thương, quý mến. Cám ơn các bạn đã đọc những tâm tình vụn vặt hôm nay.
30 Tháng Mười 2015(Xem: 15160)
Cuối tuần qua, một nhóm Chs NQ gồm anh chị Thọ Mai, anh chị Út Lộc, anh chị Phương Loan ...đã cùng nhau đến San Diego để tham dự một buổi Picnic thật thú vị.
29 Tháng Mười 2015(Xem: 13462)
Cảm ơn tất cả các Anh Chị và Các Bạn một buổi tối ca nhạc say sỉn thật vui chúc quí Anh Chị và các Bạn yêu đời và trẻ mãi, cảm ơn tất cả ca sĩ truyền cảm trữ tình, một đêm cuối tuần rất nồng nàn ấm cúng.
28 Tháng Tám 2015(Xem: 21446)
Có nhiều điều tôi muốn tâm sự, muốn chia sẻ đang tràn dâng trong lòng tôi. Tôi muốn trao ra và cám ơn tất cả bạn bè với tất cả tấm lòng yêu thương và qu‎ý‎ mến.
22 Tháng Tám 2015(Xem: 21370)
Trong buổi lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 16, được tổ chức tại Moon Light Banquet, Westminster vào chiều Chủ Nhật 16 tháng Tám, với khoảng 400 quan khách tham dự, nhật báo Việt Báo đã công bố và trao tặng các giải sau
08 Tháng Tám 2015(Xem: 25293)
… Bằng tinh thần “sắp sẵn” của một cựu hướng đạo sinh, chính Luân đã “giúp ích” tinh thần anh chị em trong gia đình cựu HĐS.NQBH nhà mình mỗi lúc một vững vàng hơn.
18 Tháng Bảy 2015(Xem: 34234)
Cuộc đời đứa nào giờ cũng trãi biết bao cung bậc vui buồn lẫn đắng cay, nên tuổi xế chiều hai đứa khuyên nhau, hãy xem những chướng ngại còn lại trong đời tựa cơn gió thoảng.
15 Tháng Bảy 2015(Xem: 23696)
Mai nầy Cúc về lại Massachusets, chắc hẳn sẽ nhớ hoài kỹ niệm mùa hè năm 2015. Và tôi cũng sẽ không quên bạn thân tôi, một bông hoa nở giữa mùa hè: Cúc Hạ.
15 Tháng Bảy 2015(Xem: 29266)
Như đã hẹn trước, sáng nay, thứ hai 13/7/2015, bạn bè ở BH tổ chức buổi cà-phê sáng với bạn Nguyễn Thị Cúc, Thy Lệ Trang, để tuần sau bạn rời BH về với gia đình.
20 Tháng Sáu 2015(Xem: 13248)
“Nếu không có người cha sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không có người cha tù đày, không có người mẹ khốn khó sẽ không có Ngọc Hiếu ngày hôm nay".
30 Tháng Năm 2015(Xem: 19477)
Anh Hoan hãy gói ghém mùa hè phố Biên cùng thân tình bè bạn mang theo về Mỹ. Đó sẽ là liều thuốc nhiệm mầu, là niềm vui bất tận cho anh khi cần đến.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 15160)
Bản thân chúng tôi những con người bình thường luôn được trân quý, người bình thưòng đáng quý trọng