Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Gs Phan Thanh Hoài - Hướng Đi Của Hội Trong Những Năm Tới.

12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 76170)
Gs Phan Thanh Hoài - Hướng Đi Của Hội Trong Những Năm Tới.

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền và Hướng

Đi Trong Những Năm Tháng Tới.


hinh_thay_hoai-content

Gs Phan Thanh Hoài

Cách đây hai tháng, em Mai Trọng Ngãi có gặp tôi sau một buổi họp mặt các thầy cô và các em cựu học sinh Ngô Quyền tại nhà em Cao Thị Chung, và em có hỏi ý kiến tôi về vấn đề điều hành hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền, em đã nói với tôi như sau: “Thưa thầy, hai năm trước đây, em được các thầy cô và các anh chị em, bè bạn cũ của trường Ngô Quyền khuyên bảo em đứng ra tái lập và điều hành hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền như các anh chị thuộc các lớp đàn anh, dưới sự dìu dắt của anh Nguyễn Đức Hiền, đã dành nhiều công sức để thành lập và đưa vào hoạt động nhiều năm trước đó, nhưng trong những năm sau, vì bận nhiều việc cá nhân, gia đình và sinh kế, anh Nguyễn Đức Hiền đã không thể liên tục điều hành công việc của hội Ái Hữu một cách thường xuyên. Vì nhận thấy rằng mục đích thành lập hội Ái Hữu CHSNQ chú trọng đến nhiều vấn đề quan trọng và rất có ích cho cộng đồng các thầy cô, thân hữu, và cựu học sinh Ngô Quyền đang sống tha hương cũng như những thầy cô và thân hữu còn ở lại quê nhà; do đó, với sự giúp sức của nhiều anh chị và thầy cô (chị Tất Ứng, chị Chung, chị Hiền, chị Trang, chị Huệ, chị Phượng Liên, chị Ngọc Dung, chị Bạch Tuyết, chị Minh Thủy, anh Vân, anh Tuấn, anh Thọ, anh Bửu, thầy Phúc, thầy Cảnh), em đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm điều hành hội Ái Hữu Ngô Quyền, đến nay công việc của hội đã trôi chảy, với nhiều triển vọng tốt cho tương lai. Sau nhiệm kỳ hai năm, em muốn xin từ nhiệm để giao việc điều hành lại cho người khác, nên em xin ý kiến của thầy về việc này.”

Tôi có trả lời cho em Ngãi với đại ý như sau và với những gì tôi biết vào thời điểm ấy: “Trong hai năm qua, em và các bạn đã làm được việc tập họp lại các thầy cô và các cựu học sinh Ngô Quyền và gầy dựng được một hội Ái Hữu sống động với một triển vọng tốt đẹp cho tương lai của hội. Người xưa có câu: “Đừng thay ngựa giữa dòng sông”. Các em đã làm tốt những gì cần phải làm, thì tại sao các em không tiếp tục công việc để tiến tới mục tiêu mà các em đã đề ra trước đây.”

Theo thiển ý của thầy, em và các bạn nên tiếp tục hoạt động thêm ít nhất vài ba năm nữa, để mang lại cho hội Ái Hữu một cơ chế vững chãi, một ban điều hành có nhiều kinh nghiệm và nhiều uy tín do những hy sinh, những đóng góp của từng cá nhân một. Thầy nhận thấy rằng trong những tháng qua, tất cả thầy cô và một số rất đông cựu học sinh Ngô Quyền đã tán đồng những gì các em đã làm, ví dụ như quyết định ra mắt tập Kỷ Yếu 2004, và yêu cầu tổ chức ngày họp mặt Ngô Quyền 2004 tại miền Bắc Cali vào cuối tháng 5 này. Ban biên tập Quyển Kỷ Yếu cũng như ban tổ chức ngày họp mặt tại Bắc Cali đã tới tấp nhận được thư từ gởi về để đăng ký chuyến đi cho ngày họp mặt, và nhiều bài vở cho tập Kỷ Yếu, quá sức mong đợi của ban tổ chức và ban biên tập.

Vẫn biết rằng hiện các em có nhiều khó khăn phải giải quyết, nhất là vấn đề tài chánh trong một hội đoàn bất vụ lợi với mọi hoạt động tùy thuộc hẳn vào mục đóng góp của các thành viên và lòng hảo tâm của quý vị mạnh thường quân có nhiệt tâm gầy dựng cho hội đoàn, nhưng thầy cho rằng, với sự kêu gọi của các thầy cô và của các bằng hữu có nhiệt thành với việc tồn tại của hội, sự khó khăn này sẽ được giải quyết ổn thỏa trong những ngày tới. Thầy cũng sẽ có những gợi ý trong những đoạn sau, để vấn đề này không còn là mối bận tâm cho các em trong ban điều hành của hội. Vì những lẽ đó, các thầy cô cũng như rất nhiều bằng hữu của các em, luôn luôn đứng sau lưng các em để ủng hộ và thúc đẩy các em tiếp tục công việc điều hành hội Ái Hữu Ngô Quyền trên hướng đi tốt đẹp đã hoạch định sẵn.

Trong mấy tuần qua, ban biên tập quyển Kỷ Yếu 2004 có nhờ tôi đọc qua những bài viết gởi về từ khắp nơi trong nước cũng như ở hải ngoại để được kịp thời in ấn và phát hành trong ngày họp mặt ở San Jose sắp tới; tôi được may mắn đọc qua bài viết của thầy Phan Thông Hảo với đoạn cuối như sau:

“…Nay, ở tuổi đời xế bóng, đầu đã bạc, với hàm răng giả đủ nhai cơm cá, tôi xin “thành thật khai báo trước bình minh” để vừa chọc các bạn và các em cười cho vui, vừa nhắc các em về lẽ vô thường của trời đất, về sự tạm bợ sớm nở tối tàn của cái danh, cái lợi, cái thịnh, cái suy, cái vinh, cái nhục, mà cố gắng giữ tâm thanh tịnh, ráng sống an nhiên tự tại trước mọi phiền não, đổi thay của cuộc đời, có buồn, có vui.

Xin thân ái mến chúc tất cả anh chị em đồng nghiệp cũ và các em học sinh của “Monsieur Vincent” (1) thân tâm luôn an lạc.”

Thầy giáo già của xứ Đồng Nai

Vài lời nhắn thêm: Mỗi năm, thầy cô và học sinh của Ngô Quyền xưa họp nhau lại, nhắc nhở kỷ niệm xưa cũ vớì tất cả lòng thương nhớ, ăn uống vui vẻ, xong rồi ai về nhà nấy. Vậy chưa đủ nghĩa. Tôi hy vọng các em trong hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền tại hải ngoại hay tại quê nhà nên tiếp tục công việc đã thực hiện trước đây, tức là kêu gọi gây “Quỹ Tương Trợ”, để chia sẻ và trợ giúp quý Thầy Cô bất hạnh, kém may mắn và tặng học bổng cho các em học sinh thiếu thốn và hiếu học tại quê nhà. Để làm gương cho các em, tôi xin trích tiền hưu trí của tôi: 300 USDL, gởi vào Quỹ Tương Trợ, 100 USDL, phụ in ấn tập Kỷ Yếu 2004, và 100 USDL, kính gởi cô G.S. Luông. Với tâm thương người, tùy khả năng của chúng ta mà giúp đở kẻ khác. Xin hãy quên đi những tiếng thị phi, và đừng thờ ơ trước cảnh thiếu thốn của những người khác. Mong lắm vậy! (2).

Lời ghi chú riêng của tôi:

(1) - Học sinh các lớp Pháp văn Ngô Quyền đã đặt cho thầy Hảo biệt danh “Mr. Vincent”, một nhân vật thường hay xuất hiện trong bộ sách giáo khoa “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” mà thầy Hảo thường dùng làm sách giáo khoa mỗi khi thầy lên lớp dạy ở T.H. Ngô Quyền).

(2) – Ba câu cuối của bài viết, được gạch dưới, là do ý riêng của tôi để lưu ý người đọc về nguyện vọng của tác giả (thầy Phan Thông Hảo).

Đọc đến hai câu cuối của đoạn văn mà thầy Hảo viết để tâm sự với hội Ái Hữu CHS Ngô Quyền, tôi mới biết rõ thêm về lý do mà em Mai Trọng Ngãi không muốn nêu ra để xin rút ra khỏi ban điều hành của hội đoàn Ngô Quyền.

Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của thầy Phan Thông Hảo; đó cũng là ý kiến của thầy Mai Kiến Phúc và của nhiều em cựu học sinh Ngô Quyền mà tôi có dịp trò chuyện trong thời gian qua. Trong những hành động cá nhân để phục vụ cho một đoàn thể, chúng ta không thể nào làm vừa lòng tất cả mọi người được. Chúng ta chỉ cần làm sao cho lương tri không bị cắn rứt, còn những lời phê phán từ bên ngoài thì phải có thời gian cần thiết và đủ, để trở thành những lời xét đoán có giá trị.

Trong bước đầu, các em trong ban điều hành đã dành hết công sức mình để lo việc chung. Như trường hợp em Tô Anh Tuấn, trong hai lần ấn hành tập san Ngô Quyền 2003 và Kỷ Yếu 2004, em đã tự mình, tiếp nhận bài vở, sưu tập tài liệu, hình ảnh, đánh máy lại để sửa chữa các lỗi chính tả, lỗi hỏi ngã trước khi in ấn và phát hành, có nhiều ngày em phải thức đến mãi hai, ba giờ đêm để kịp với thời dụng biểu đã định trước; rất may là trong dịp ấn hành tập Kỷ Yếu 2004, em có được sự giúp đở của quý thầy cô và nhiều bằng hữu, nên công việc lần này bớt căng thẳng đối với em hơn lần trước.

Kế đến là em Cao Thị Chung và chồng, em Huỳnh văn Kiệt, đã không ngại gian khổ và thời gian, đứng ra tổ chức những buổi họp mặt tại gia (có thêm phần ẩm thực với sự giúp sức của các cựu nữ sinh Ngô Quyền có biệt tài trong ngành nữ công gia chánh); sự xung phong đảm trách những buổi cơm thân mật này của hai em Chung/Kiệt đã tiết kiệm rất nhiều cho những người đứng ra tổ chức cũng như những người đến tham dự.

Về vấn đề tài chánh, và quỹ thu chi của hội, em Ma Ngọc Huệ với sự hổ trợ của vị phu quân là giáo sư dạy Toán, thầy Cảnh, đã thường xuyên bạch hóa những khoản thu chi mà em đã nhận lãnh cho hội từ lâu nay.

Riêng em Mai Trọng Ngãi, thì đảm trách những vấn đề tổng quát của hội, lo tổ chức họp mặt thường niên, soạn thảo những bản tin để thường xuyên liên lạc với các thầy cô và tất cả các thành viên trong hội Ái Hữu với sự góp sức của em Trang, phụ trách về Ngoại vụ, và lo gây quỹ để có phương tiện tài chánh cần thiết cho mọi hoạt động của hội với sự phụ giúp của em Tất Ứng, phụ trách về Nội vụ (có nhiều khi các em trong ban điều hành phải móc tiền túi ra để thanh toán những khoản chi cần thiết mà không biết có bao giờ số tiền ứng trước được hoàn lại hay không), thật là một việc đáng buồn, đã được kể lại trong bài viết “Nghèo mà muốn làm Sang” hay “Tiền Đâu” trong bản tin Ngô Quyền (Jan. 2004) với hy vọng sẽ được in lại như một bài văn trào phúng trong tập Kỷ Yếu này. Rất mong vào sự ủng hộ cũa quý thầy cô và của tất cả các em cựu học sinh Ngô Quyền bằng cách đóng góp vào quỹ niên liểm hằng năm, và tùy theo khả năng tài chánh của từng cá nhân mà tham dự vào các hoạt động cứu trợ như thầy Phan Thông Hảo đã ngõ ý với hội Ái Hữu CHSNQ (theo trích dẫn ở phần trên) với mong mõi là những sự khó khăn về tài chánh sẽ không tái diễn nữa.

Ngoài ra, còn rất nhiều em Cựu Học Sinh ở quê nhà hay đang sống ở hải ngoại, đã đóng góp nhiều công sức, và có lòng thiết tha với Hội Ái Hữu CHSNQ, nhưng tôi không biết rõ hết tên tuổi (thành thật xin lỗi các em, vì thầy đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”) hoặc là vì tánh khiêm nhường nên chính các em cũng không muốn xưng danh tánh của mình ra, mà chỉ muốn âm thầm hoạt động trong hậu trường mà thôi. Điển hình là có vài em đang hợp tác với nhau để soạn thảo và thiết lập trang nhà (website) cho HAHCHSNQ trên Internet để ban điều hành có thể liên lạc và thông tin (hỷ tín, ai tín, thư mời họp, liên lạc giữa các thành viên trong hội, các bài viết, bài thơ, hồi ký của các thành viên muốn đưa lên diễn đàn Ngô Quyền để mọi người cùng thưởng thức, các báo cáo tài chánh của hội, v.v…) đến tất cả các thầy cô, thân hữu, hiện có máy vi tính tại nhà và điạ chỉ điện thư riêng (e-mail address). Việc này khi hoàn thành, sẽ giúp cho ban điều hành hoặc càc thành viên của hội khỏi phải soạn thảo, đánh vào máy, in ra hàng trăm bản và gởi đi theo đường bưu điện vừa mất nhiều công sức, thời giờ và tiền bạc (phí in ấn, phí bưu điện). Với địa chỉ điện thư trên máy vi tính, người nhận chỉ mất vài phút là được bản tin từ người gửi, thay vì phải mất đôi ba ngày cho thư gửi bưu điện quốc nội, và từ năm đến mười ngày cho thư quốc ngoại.

Về vấn đề gây quỹ cho hội Ái Hữu CHSNQ, tôi xin đưa ra những thiển kiến sau đây:

1. Ở những nơi có khá đông thầy cô, cựu học sinh Ngô Quyền sinh sống như:

- khu vực Nam Cali gồm có quận Cam ( Orange County), vùng Los Angeles, khu Riverside và San Diego.

- khu vực Bắc Cali gồm có Quận Thung Lũng Hoa Vàng (Santa Clara với thành phố San Jose), vùng OaklandSan Francisco.

- khu vực thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington, D.C.) và vùng ngoại ô nằm trong tiểu bang Virginia.

- khu vực Texas gồm có hai thành phố lớn DallasHouston.

thì cần tổ chức một buổi họp mặt gồm tất cả các thầy cô, thân hữu, cựu học sinh và đề cử một ban điều hành cho địa phương mình gồm có ít nhất hai thành viên: một điều hành viên và một thủ quỹ.

2. Điều hành viên có bổn phận thông báo trên webside Ngô Quyền những tin tức có liên quan đến các thành viên sinh sống trong địa phận mình, thông báo bản tin mời họp thường niên tại địa phương, và đề ra những hoạt động gây quỹ cho khu vực mình. Thủ quỹ có bổn phận kêu gọi và thu nhận tiền niên liễm trong kỳ họp thường niên, tiền đóng góp cho quỹ Tương Trợ từ các thành viên có lòng hảo tâm hoặc từ các mạnh thường quân có thiện cảm với hội Ái Hữu Ngô Quyền.

3. Trong những kỳ họp thường niên hoặc những kỳ họp định kỳ, mỗi khu vực có thể gây quỹ bằng nhiều cách:

- tổ chức bán đấu giá những sản phẩm văn hoá, các bức tượng điêu khắc, các tranh vẽ, các bức ảnh đẹp đen trắng hoặc màu, các loại cây kiểng hiếm, các loại cây bonsai xinh đẹp do các nghệ nhân tài tử Ngô Quyền sáng tạo.

- liên kết với kỳ họp thường niên mà tổ chức những đêm văn nghệ, ca nhạc hay dạ vũ với sự góp sức của những nghệ sĩ tại địa phương.

- xổ số với các giải thưởng bằng hiện vật: những mặc hàng hữu dụng trong gia đình hay những sách vở, dụng cụ học tập cho con em các thành viên trong hội.

4. Mỗi lần ấn loát và phát hành đặc san hay kỷ yếu là một dịp để ban điều hành gây quỹ hầu có thể tiếp tục in ấn và phát hành những đặc san cho những năm kế tiếp. Trước khi in ấn và phát hành, ban điều hành cố gắng tìm cho được nhiều trang quảng cáo; sau khi ấn loát, ban điều phải họp lại để tính giá thành cho mỗi quyển đặc san, chi phí trình bày (layout), chi phí ấn loát (printing), chi phí chuyên chở đến các tiểu bang hay thành phố xa xôi hoặc chuyển vận về Việt Nam, chi phí bưu điện khi phân phối cho từng cá nhân (transportation/postal service). Sau đó, phải cộng thêm một khoản tiền để gây quỹ cho những công tác của hội, kể cả tiền dành cho những lần in các đặc san trong những năm sau. Khoản tiền này tạm gọi là Cost Plus, đó là giá cho một quyển đặc san phát hành ở hải ngoại. Lẽ dĩ nhiên là giá phát hành này đã phải gồng gánh cho giá phát hành một đặc san ở Việt Nam, sẽ được ấn định thật thấp vì mức thu nhập của thầy cô và các cựu học sinh ở quê nhà còn quá thấp.

Kinh nghiệm của trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức (nơi tôi về dạy sau khi rời Ngô Quyền) với bốn lần ra tập san trong những năm qua, cho thấy là giá phát hành mỗi tập san từ 20 USDL đến 30 USDL với số trang của mỗi tập san từ 150 đến 250 trang. Tất cả thầy cô và cựu học sinh trong đại gia đình KMTĐ ở hải ngoại (Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Âu Châu, Úc Châu) đều sốt sắng ủng hộ để hội Ái Hữu KMTĐ có khả năng gởi tập san về phát hành ở quê nhà với giá thật rẽ, mà còn dư độ 1500 đô la để bỏ vào quỹ Tương Trợ KMTĐ.

Vì thế nên các em trong ban điều hành cần ấn định giá phát hành và khi phải gửi cho từng cá nhân thầy cô, thân hữu Ngô Quyền, các em đừng ngại kèm theo lời nhắn xin sự ủng hộ của người nhận để gây quỹ hoạt động và quỹ Tương Trợ cho hội Ái Hữu Ngô Quyền. Theo thiển kiến của tôi, quý thầy cô, quý thân hữu và tất cả các em cựu học sinh không tiếc rẽ gì năm, mười đồng thêm vào giá thành của tập san để cho hội có phương tiện tài chánh hầu việc phục vụ cho hội được nhiều hiệu quả hơn. Và tôi cũng xin các em xem thầy cô cũng như mỗi thành viên khác trong đại gia đình Ngô Quyền, tức là các em phải tiếp nhận những phần đóng góp về mặt tài chánh cũng như công sức của các thầy cô, vì chúng ta đang sống trong một xã hội không có kỳ thị về mọi mặt: địa vị, tài chánh, tuổi tác, v.v…

Trên đây là một vài gợi ý đóng góp cho ban điều hành để các em tổ chức công việc của mình hướng về mục tiêu đã vạch ra: Hội Ái Hữu CHSNQ sẽ có những bước đi vững chắc và sẽ thành công trong những năm tháng tới. Các thầy cô, các vị thân hữu Ngô Quyền, các bằng hữu sẽ hết lòng ủng hộ và giúp đỡ các em trong nhiệm vụ và công việc mà các em đã, đang và sẽ thực hiện cho hội CHSNQ. Xin chúc cho các em được thành công.

Nam Cali, ngày 05 tháng 05 năm 2004

GS. Nguyễn Thanh Hoài


(Trích Kỷ Yếu NQ 2004)

02 Tháng Năm 2014(Xem: 70548)
Nhắc nhở đừng quên để còn viết và còn nhớ về trường cũ Ngô Quyền, mặc dù bây giờ “trường xưa cảnh cũ còn đâu nữa”. Mà thực sự đâu cần, bởi lẽ vẫn còn sự hiện hữu mãi mãi của kỷ niệm, tình cảm và hai chữ Ngô Quyền.
12 Tháng Tư 2014(Xem: 64886)
Mỗi năm thầy cô và học sinh của Ngô Quyền xưa họp nhau lại, nhắc nhở kỷ niệm xưa cũ với tất cả lòng thương nhớ, ăn uống vui vẻ, xong rồi ai về nhà nấy. Vậy chưa đủ nghĩa. Tôi hy vọng các em trong HAHCHSNQ tại hải ngoại hay tại quê nhà, nên tiếp tục công việc...
04 Tháng Tư 2014(Xem: 68528)
Học trò tôi đôi khi ngoan ngoãn, dễ thương như thiên thần, đôi khi phá phách, tinh nghịch còn hơn quỉ. Nhưng tôi phục học trò tôi. Tôi không biết cơ quan CIA tinh nhuệ như thế nào, nhưng theo tôi còn thua xa học trò tôi.
22 Tháng Ba 2014(Xem: 26793)
Cám ơn các em học sinh Ngô Quyền hải ngoại và ở quê nhà với tấm lòng nhớ tới những người đã đi trước dìu dắt các em thành nhân và thành thân.
21 Tháng Ba 2014(Xem: 64223)
Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình .
20 Tháng Ba 2014(Xem: 38652)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
14 Tháng Ba 2014(Xem: 64241)
Từ cái nôi trung học Ngô Quyền, các học sinh bé bỏng ngày nào nay đã lớn khôn, bung ra tứ tán theo sinh hoạt của dòng đời. Nhất là sau khúc quanh lịch sử 30 tháng 4, 1975,...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 72332)
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón
05 Tháng Ba 2014(Xem: 73700)
Kính tặng thầy Bùi Quang Huy Nhân bàn chuyện Kỷ Yếu Ngô Quyền, cùng các bạn lớp Ðệ Tam B3 (1966-1967) nhắc nhớ lại chuyện người thầy Cổ Văn độc đáo của lớp mình.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 29893)
Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?
28 Tháng Hai 2014(Xem: 64323)
Tất cả đã đem đến cho tôi những tình cảm thân thiết, mà tôi không tìm được ở bất cứ trường nào. Những tình cảm ấy sau đó đã giúp tôi quên đi cảm giác khó chịu lúc ban đầu
12 Tháng Tư 2012(Xem: 53827)
Những lời dông dài ở trên của chúng tôi với đôi chút lãng mạn chỉ để góp nhặt nối tiếp vào việc các bạn như Phan Thanh Hoài, Hoàng Phùng Võ, Kiều Vĩnh Phúc, Nguyễn Thanh Hoàng, Hà Tường Cát… và các em cựu học sinh Ngô Quyền hải ngoại
24 Tháng Tư 2009(Xem: 69102)
 Khi bạn nhận được tờ lịch này, rồi treo đâu đó trong nhà, thỉnh thoảng nhìn thấy nó thì hãy nhớ rằng bạn bè ở khắp nơi xa cũng đang nhớ về bạn, đang gửi về bạn lời chúc luôn an lành & hạnh phúc…  
06 Tháng Ba 2009(Xem: 52940)
  Mênh mông trời đất xứ người Tôi người tị nạn nửa đời dở dang
03 Tháng Ba 2009(Xem: 71819)
“ Cầm tờ đặc san Ngô Quyền trong tay, lòng em như chùng lại, hình như em đã khóc, những giọt nước mắt cho hạnh phúc. Cám ơn anh với món quà quí giá hơn tiền hơn bạc này”.