Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Về "ĐÔI MẮT NGƯỜI BỊ XỬ BẮN TRÊN RẶNG BÌNH BÁT"

31 Tháng Ba 202312:37 SA(Xem: 2426)
GS. Nguyễn Văn Lục - Về "ĐÔI MẮT NGƯỜI BỊ XỬ BẮN TRÊN RẶNG BÌNH BÁT"

Về "ĐÔI MẮT NGƯỜI BỊ XỬ BẮN TRÊN RẶNG BÌNH BÁT"

Nguyễn Văn Lục


Thành công của tác giả là thuyết phục người đọc bằng một lối viết giản dị mà lôi cuốn? Thật hiếm có nhà văn quân đội miền Nam nào viết với một thái độ thanh thản, không hận thù, biết quý trọng con người như Nguyễn Bửu Thoại.


Tình Con Người trong truyện: Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát

Lời mở

Có nhiều tác giả có truyện ngắn đã có tiếng, tỉ dụ như Tràm Cà Mau. Tuy nhiên, muốn viết về ông tất phải đọc nhiều, nếu không phải là tất cả. Điều đó cần nhiều thời gian nên chần chờ, hoãn, kéo dài thời gian.

Nhưng tình cờ, tôi có dịp đọc truyện có tên lạ mắt ‘Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát’. Đôi mắt bị người xử bắn, rồi rặng bình bát là gì nghe lạ quá. Rồi tên tác giả thú thật tôi chưa hề hân hạnh được biết. Tôi quyết định đọc.

Sau khi đọc truyện ‘Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát’ người viết thấy lặng người đi trong trầm tư và suy nghĩ về thân phận con người trong cuộc chiến về sự tàn khốc, sự quyết liệt tới mức dữ dội, khốn nạn của cuộc chiến. Có những oan khiên, những chịu đựng câm lặng khó nói.

image001

Kinh rạch Cần Thơ. Nguồn: ANTV


Nhưng ít ra người viết nhận thấy tính chất — như những nguyên liệu ròng — với các nhân vật truyện cũng như địa danh đều thật và hiện nay viên thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cũng như viên Đại đội trưởng trong truyện hiện đang định cư tại Houston, bên Mỹ.

Vì thế đây không phải loại truyện sáng tác hư cấu, hay truyện tình cảm đời thường. Điều ấy xem ra thật không dễ dàng gì đối với một người tự nhận mình không phải là nhà văn.

Dàn trải trong suốt câu truyện là một cuộc hành quân diễn tiến lớp lang kỹ thuật quân sự qua kinh nghiệm chiến trường với những cuộc gọi qua ống liên hợp. Các mật khẩu như: Trường thành 1, 2, rồi 3, Trình Mười Một, v.v. Tất cả để tránh các khẩu lệnh trên bị bên địch bắt được.

Nhưng người viết cũng nhận ra rằng cái còn lại cuối cùng và quan trọng nhất trong nội dung truyện là sự thật và một tấm lòng, một sự tử tế về tình người toát ra từ truyện. Nó quý giá lắm, không mua được cũng như bán được bằng tiền. Nó chỉ là một kết tinh truyền thừa từ một đất nước, con người thừa hưởng một nền giáo dục nhân bản, coi con người là trọng. Tác giả ‘Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát’ nằm trong số những con người ấy.

Nhìn ở một góc độ khác, người viết cũng nhận ra rằng tại sao con người lao vào cuộc chiến một cách điên dại như thế? Hàng triệu người đã hy sinh, vì bị tuyên truyền, bị nhồi sọ?

Thật bất hạnh cho một đất nước có quá nhiều hy sinh để có được nhiều anh hùng.

Nghĩ xa hơn một chút, ở Hà nội, trung tâm quyền lực hiện nay ở Việt Nam, chỉ cần ra khỏi một ngõ, ta sẽ gặp nhản nhản các anh hùng đủ loại trên các con đường phố chính. Điều ấy không thấy xuất hiện ở Sài Gòn.

Nghĩ thế rồi sợ rằng một ngày không xa, Hà Nội không còn đủ các con phố cho các loại anh hùng ấy nữa. Mà thật, tên đường phố thì có giới hạn mà anh hùng trong các cuộc chiến như chiến tranh Việt Nam-Campuchia, việc Trung Hoa chiếm Trường Sa và nhất là chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979-1989 chẳng những không có tên tuổi mà còn không được phép nhắc nhở tới.

Người viết có một quan niệm khá rõ ràng. Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời!

Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu. Chính vì những cảm nhận như thế nên mới có bài viết này để trân trọng tác giả đã nói lên được điều ấy.

Tóm ý chính truyện ‘Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát’

Quận lỵ Thuận Nhơn đang bị áp lực nặng nề của địch quân khiến việc giao thông đường thủy từ quận lỵ ra Cần Thơ bị ngăn chặn rồi cắt đứt từ ba hôm trước vì thế cần có một cuộc hành quân giải tỏa.

Xuất phát từ lúc 7 giờ sáng, từ gần kinh Rạch Hạt và kinh số 7, với khoảng cách trên dưới 5 cây số, Tiểu đoàn di chuyển nhanh và không gây tiếng động. Đúng 11.00 sáng, Đại đội 1 của tôi vượt qua con rạch Bà Đầm-Thát Lát, một con rạch mỗi lần đọc tên, tôi lại liên tưởng đến Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân đã hy sinh tại đây gần hai năm về trước.

Bình bát mọc dưới nước, rễ đâm thành cây con, cây con nhô lên thành cây lớn…

Tôi cho dừng quân và bố trí; tôi đứng quan sát chung quanh. Đất gần như hoang địa (…) bình bát mọc thành rừng, không gò cao, không trũng sâu, không bằng phẳng và nhất là không thể đào hố cá nhân được, vì dưới chân không hề có đất vì chỉ có rễ cây và cây bình bát nằm ngổn ngang.

Suy nghĩ một lúc tôi tìm ra chân lý, mình vô kế khả thi thì thằng địch cũng thế, chẳng lẽ ở đây nó biến thành chuột biết đào hang? Quyết định thật nhanh, tôi mời ba ông Trung đội trưởng đến và phân công: Thiếu úy Đại, bên trái, Chuẩn úy Liêm, bên phải, đội hình hàng ngang (…) Nếu chạm địch cần giữ cạnh sườn, di chuyển chậm, giữ khoảng cách hợp lý. Tôi dặn Thượng sĩ Bình, TSI Hiển, dặn hai ông giữ mặt sau.

Hai giờ chiều, chúng tôi di chuyển được khoảng 4 cây số, khám phá được vài cái chòi nhỏ không quan trọng, bỏ hoang. Bắt đầu nản, tôi có ý định xin Tiểu đoàn trưởng cho đơn vị dừng quân để anh em ăn cơm vắt…

Tiếng chuẩn úy Liêm gấp gáp, ‘Có cái trạm xá của VC chứa nhiều thương binh.’

– Anh đã kiểm soát được trạm xá chưa?

– Dạ rồi.

– Bố trí em út cẩn thận, tôi sẽ tới ngay.


Tôi gọi cho Tiểu Đoàn trưởng, đại đội phải dừng quân vì khám phá ra trạm xá và yêu cầu yểm trợ. Chuẩn úy Liêm đón tôi, tôi lấy làm lạ thấy các chiến sỉ Trung đội 3 đang đứng ra xa và đều lấy tay bịt mũi. Tôi nhìn vào trạm xá, tôi không tin là đây là một trạm xá, vì nó không có một tiện nghi tối thiểu.. không có giường, không có mền để đắp, cũng không có mùng tránh muỗi.

Phía góc trong trại có 4 thương binh Việt Cộng đang nằm. Bốn anh thương binh giương mắt nhìn tôi, ánh mắt vừa tò mò, vừa lo sợ. Cả bốn còn tỉnh, mặc dầu thương tích có vẻ rất trầm trọng. Tôi bước qua khung cửa để vào chỗ các anh nằm. Mùi hôi thối đúng là phát ra từ đây. Cả bốn anh mình mẩy đều bê bết máu tươi và khô, nước vàng, mủ nung núc. Hằng đàn ruồi, nhặng vo ve. Ghê tởm hơn nữa, dưới nền nhà, những con giòi trắng bò lểnh nghểnh.

Rồi tôi nhận được tiếng gọi của ông Tiểu đoàn trưởng…

— Anh đã đến trạm xá chưa và thấy thế nào? Cố khai thác nó xem thằng nào tên gì đang đóng quân ở khu vực này? Nửa tháng nay không có chấm mút gì ráo.

Ở trong vùng địch, đơn vị hành quân, sinh tử bất chợt, luật lệ ở đây là họng súng… Trước thảm cảnh 4 con người. Lòng tôi nặng nề chùng xuống. Là con người, là đồng loại, tôi ngỡ ngàng thương cảm cho các anh. Tôi thương các anh, tôi không chịu nổi hình ảnh người thương binh, dù là thương binh ở hàng ngũ nào, bị đối xử còn thua con vật. Nhưng tôi làm được gì? Quyền lực của tôi có giới hạn. Tôi sẽ giúp các anh nếu các anh thật lòng và tạo điều kiện để tôi thực hiện được sự giúp đỡ đó.

Trước đó khoảng 10 phút, khi biết đơn vị của chuẩn úy Liêm đến, bọn đồng đội của bốn anh bệnh binh đã bỏ trốn. Tiếng của ông Tiểu đoàn trưởng gọi lại

— Mở chốt, thảy vô cho nó xài! Trước khi đi, đem đi ‘cất’ hết bốn thằng đó nhé.


image004

Tác giả, đại uý Nguyễn Bửu Thoại. Nguồn: https://vietluan.com.au


Rõ ràng là lệnh xử bắn. Lệnh này chỉ có thi hành chứ không bàn cãi, mà chính các bệnh binh cũng nghe thấy. Động từ ‘cất’ là tiếng lóng nhưng ai nghe cũng đoán được nghĩa. Hạ sĩ I Thạch Chiêm gỡ súng M.16 ra khỏi vai trong tư thế sẵn sàng. Anh có nhiệm vụ thi hành những mission như vậy. Trong khi ấy cả bốn bệnh binh giương những cặp mắt trắng giã, cặp mắt đứng tròng không còn thần sắc nhìn tôi! Khóe miệng co giật liên hồi.

Mãi sau này, trong trại cải tạo, chứng kiến sự gào thét, nhục mạ, hành hạ, hăm dọa thủ tiêu, tôi liên tưởng đến những đôi mắt này.Tôi không có ý định bỏ lên bàn cân để tính thử trọng lượng của một cuộc sống con người. Tôi cũng không hề có ý định đánh giá hoặc so sánh sinh mạng con người ở hai giới tuyến khác nhau, vì khi sinh ra vạn vật muôn loài, tạo hóa ban cho họ một giá trị bình đẳng như nhau Chỉ có cái chết vô nghĩa, sự hy sinh bị lợi dụng, chứ không có cuộc sống nào là bỏ đi cả.

— Tôi đã có quyết định. Các anh đã nghe rõ rồi, tôi được lệnh phải bắn các anh trước khi di chuyển. Nhưng tôi không làm điều đó vì lý do sau đây: tôi không có thói quen đánh người bị trói nên cũng không giết người bị thương nặng bị loại khỏi vòng chiến. Lương tâm và truyền thống không cho phép tôi làm điều đó…

Nói xong, tôi chỉ tay cho Thạch Chiêm ra góc vườn, “Anh ra góc kia và bắn hai băng đạn M.16 vào bụi bình bát, xử bắn giả.’

Nguyễn BửuThoại, ‘Đôi mắt người bị xử bắn trên rặng bình bát’

Xin tạm dừng câu chuyện ở đây để bạn đọc tự mình tìm đọc sẽ ý vị hơn. Chỉ tóm gọn là sau đó có hai cố vấn của tiểu đoàn là Thiếu tá Calvin và Trung úy Hayes cũng muốn đến thăm trạm xá. Sau khi quan sát, chụp hình rồi trở về. Khi đến chỗ tôi. Thiếu tá Calvin đưa ngón tay cái lên trời và nói: ‘Hi, commander! You did a good job!’

Tác giả cũng thoát nạn không phải ra toà án quân sự vì vị Tiểu đoàn trưởng bỏ qua không lý đến nữa. Chỉ sau đó một tuần, tác giả chỉ bị thuyên chuyển đến một đơn vị khác. Sự trừng phạt ấy chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

Phần phụ chú

Theo tác giả, có điều cho đến nay, sau đúng 32 năm, mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn không kết luận dứt khoát được là trong hai quyết định của ông Tiểu đoàn trưởng và của tôi: Ai đúng, ai sai. Đúng sai trong hai lãnh vực giữa lương tâm và truyền thống nhân ái của dân tộc với sự tha chết cho giặc, ‘dưỡng hổ di họa’?

Cuộc chiến đã chấm dứt đúng ¼ thế kỷ [1975-2000]. Sau nhiều năm bị đọa đầy trong trại cải tạo, sau hiểm nguy của gia đình trong truyện vượt biên bằng đường biển, sau những tháng năm bình tĩnh nhìn lại cuộc chiến mà mình đã đổ máu xương để trang trải và đã bị phản bội, bị bỏ rơi thê thảm… nếu một mệnh lệnh như xưa được ban hành, tôi vẫn lấy cái quyết định như đã từng quyết định trong rừng bình bát! Đó là lương tâm, là phẩm giá của người lính Việt Nam Cộng Hòa!

Góp ý về sự giãi bầy của tác giả với bà Dương Thu Hương và Bảo Ninh

Tôi tôn trọng sự giãi bày của tác giả. Nhưng tôi biết chắc rằng không bao giờ có lên tiếng trả lời, nói chi đến lời xin lỗi mà lối nhìn về cuộc chiến đã rất khác nhau. Và tôi cũng mạo muội nghĩ rằng, tác giả chưa có đầy đủ cơ hội để biết rõ về Dương Thu Hương cũng như mối tương quan giữa ta và địch kéo dài 21 năm.

Biết bao thảm kịch về con người phía bên kia mà chúng ta không nắm bắt được. Tác giả Nguyễn Bửu Thoại và Dương Thu Hương chỉ là những nhân vật nhỏ trong cuộc chiến mà trong đó hơn 3 triệu người đã nằm xuống.

Bà Dương Thu Hương viết nhiều lắm, chẳng những không chỉ nên căn cứ trên cuốn truyện Vô Đề mà còn nhiều tác phẩm khác cần được lưu ý và tìm đọc. Cho dù có đọc hết truyện của bà Dương Thu Hương đi nữa vẫn chưa đủ. Truyện không thể bày tỏ hết những trăn trở, những tầm nhìn, những kinh nghiệm cay đắng về cuộc chiến ấy. Nó còn cả cuộc đời cá nhân bị bầm dập từ người đàn ông ‘gọi là chồng’ đến cách đối xử ‘đểu cáng, mất dậy, vu khống dưới đũng quần đàn bà vì biết bà không có chồng’ của cái bọn là đồng chí mà bà coi là bọn đầu đường xó chợ.

image005

                                              Một số tác phẩm của Dương Thu Hương. OntheNet



Như Nguyễn Tấn Dũng được bà cho là người có tính đê tiện và lưu manh. Nguyễn Phú Trọng được bà hài tên là Chánh Tổng nhảy lên làm Tổng Bí Thư Đảng. Thủ tướng, bà gọi là thằng gác cổng. Chiến thắng 30 tháng tư, 1975, bà gọi đó là chế độ man rợ chiến thắng nền văn minh. Như một trại súc vật.

Những thứ vừa kể nào có trong truyện của bà! Cho nên quan trọng hơn cả là nghe các loạt bài phỏng vấn để hiểu về cuộc đời, tâm tư và lập trường của bà đã biến đổi, đã nhìn lại, đã xoay chiều.

Nếu không tìm hiểu như thế sẽ không hiểu bà và bất công với bà. Từ tiểu thuyết Vô Đề đến Bên kia Bờ Ảo Vọng, rồi Thiên Đường Mù trong thời kỳ ‘cởi trói’ của TBT Nguyễn Văn Linh là một quá khứ quá đau xót và một hiện tại bị bầm dập chồng chất lên nhau.

Quá khứ chua cay là trong 4 lớp 10 thời bà cùng học, có 120 đứa đi vào chiến trường miền Nam. Khi trở về, chỉ còn hai đứa sống sót còn đủ hai tay hai chân, trong đó có bà và một người nữa.

Tôi đã nghe hết, ghi chú để thấy rằng cộng sản đã gọi bà là ‘con đĩ chống đảng’. Tây phương gọi Dương Thu Hương một cách chuẩn mực hơn là ‘con sói cô đơn’. Đối đáp lại, bà gọi bọn lãnh đạo là cộng sản là bọn đầu đường xó chợ. Có khi bà quên tên một tên lãnh đạo. Bà nói một cách tự phát: ‘Những cái tên ấy, nhớ thêm bẩn óc.’ Sự oán hận chế độ ấy bằng một thứ ngôn ngữ chỉ bà mới dám dùng. Vì thế, phải hiểu bà. Có thế thôi. Cần có một cái nhìn tổng thể như thế để hiểu người và cũng là để hiểu mình.

Sự giãi bày của tác giả Nguyễn Bửu Thoại mà nhiều phần tôi thấy không cần thiết. Theo tôi, thà hãy để câu chuyện mỗi bên tự nó nói lên.

Nhận định chung cục

Trước hết, xin trích đoạn của tập truyện Vô Đề còn có nhan đề ‘Khải Hoàn Môn’ của bà Dương Thu Hương về người lính VNCH.

“Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng đồng đội đi kiếm măng. Khoảng non trưa, cả bọn mới tới bờ vực cô hồn. Chợt thấy từng đàn diều hâu chấp chới, con bay lên cao, con bổ xuống kêu ác loạn. Lành dừng lại, hỉnh mũi đánh hơi:

— Có con vật nào chết gần đây. Thối quá. Thối thật. Mùi thối mỗi lúc một nồng nặc hơn. Chúng tôi định bỏ đi, nhưng chính Lành cản lại:

— Biết đâu chẳng phải là xác người? Mà nhỡ là người bên…

— Tôi bảo: Ừ, thử xem sao. Chúng tôi tỏa ra góc rừng đã tỏa ra mùi thối. Khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp 6 cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh. Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá xen tròn và 2 ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đây là những cô gái miền Bắc.

— Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đã bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp phải bọn Thám báo.

Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết những cái xác bầm dập méo mó! Da thịt con gái nõn nà mà tươi thắm; vậy mà khi chết cũng thối rữa y như da thịt một lão già phung lở hay hay một con cóc chết.”

Dương Thu Hương, Tiểu thuyết Vô Đề, Chương Một.

Bà Dương Thu Hương còn nêu lý do nào đã thôi thúc bà viết cuốn tiểu thuyết Vô Đề.

“Nói một cách xác thực, đó là nỗi đau khổ. Chính nỗi đau khổ đã dẫn dắt tôi đi qua mấy trăm trang giấy. Nỗi đau khổ đã khiến tôi lọc bỏ mọi định kiến, mọi hận thù. Cho nên dẫu rằng trong thực tế, các đội quân thám báo Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, không chỉ hiếp, xẻo vú, cửa mình những người con gái miền Bắc mà còn đóng cọc vào miệng và cửa mình họ. Nhưng khi tôi viết, tôi đã tước bỏ chi tiết ấy đi, vì tôi e rằng người nước ngoài (nếu đọc) sẽ phải kêu lên: “Sao lại có một giống người dã man đến thế? Sao lại có một dân tộc độc ác đến thế?” Họ sẽ không phân biệt đây là người Việt chống Cộng hay người Việt Cộng sản. Họ chỉ xác định đó là một giống người. Và như vậy những ai thuộc về nòi giống ấy sẽ phải cúi đầu tủi hổ.”

Dương Thu Hương, Những ngày lập thu Tân Mùi 12.8.1991

Đọc hết đoạn văn này, tôi chỉ thấy lòng tôi trùng lại. Trút hận oán của chính nỗi đau của họ lên kẻ thù của họ mà nhiều phần không có thật.

Về mặt thực tế, đó là điều đáng trách. Không thể viết như thế và cũng đừng đổ vấy như thế.

Nhưng về mặt trách nhiệm. Bà có đáng trách không? Bà là nhân tố của sự việc hay cũng chỉ nạn nhân của một ý thức hệ? Trách ai và ai trách ai?

Sau này Dương Thu Hương ở trong tù trong 4 tháng và được trả tự do ngày 20.11.1991. Trong thời gian đó, Dương Thu Hương đã viết cuốn Tự Bạch. Lại phải đọc Tự Bạch để thấy rõ nguồn cơn.

Sau này, trả lời phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái, trên tờ Người Việt, Dương Thu Hương cho biết cả miền Bắc chỉ có một đài ong ỏng mỗi ngày như một thứ độc tài thông tin. Người dân bị bịt mắt, bịt tai về thông tin. Chính vì thế sau này bà viết cuốn: Thiên Đường Mù.

Cho nên, tôi tìm một lốt thoát qua triết gia Karl Popper để lý giải: Tại sao Dương Thu Hương lại viết như thế và hành xử như thế? Bà có trách nhiệm gì? Và trách nhiệm như thế nào? Hay bà chỉ là một nạn nhân trong một guồng máy thống trị độc tài?

Karl Popper chỉ ra rằng:

  • “Chúng ta nên giết các chủ thuyết thay vì giết lẫn nhau.”
  • “Lạc quan là một bổn phận đạo đức.”
  • “Sự thiếu kiến thức, không phải do sự thiếu văn hóa, mà là do sự từ chối tiếp thu.”

Quả thực, đối với các chủ thuyết như Phát-xít, chủ thuyết Mác-Xít cộng sản thì chủ thuyết hay ý thức hệ là điểm dẫn đường cho họ hành động và dựa vào đó, họ thanh trừng nội bộ hoặc thủ tiêu người khác với nhiều danh nghĩa như Phản Động, Bạn-Thù, Ta-Địch. Không lạ gì sau 1975, họ gọi binh sĩ, sĩ quan, công chức là Ngụy Quân, Ngụy Quyền.

Khi đã phân biệt rõ ranh giới mối tương quan đó, họ hành xử bằng phản xạ thú tính.

Chế độ cộng sản xóa thực tế vì đã bỏ hai trật tự đạo lý: Xã hội lý và xã hội tình. Tình người đến một lúc nào đó không thể tránh được sự tiêu diệt “ngay chính mình” vì đã áp dụng một cách triệt để ngay cả bạn bè đồng chí mình.

Trớ trêu thay, lúc ấy cuộc chiến sau khi thanh toán kẻ thù trở thành cuộc chiến đấu sau cùng giữa những người đảng viên và cựu đảng viên. Dương Thu Hương là một mẫu điển hình nằm trong bối cảnh này, bị chính đồng đội truy diệt.

Như hiện nay, nó đang diễn biến các trận ‘Đốt lò’ do TBT Nguyễn Phú Trọng cầm chịch.

Lúc ấy chỉ còn mỗi một cách là họ tự phỉnh phờ, che đậy giả dối. Họ khai sinh cho nó một tên mới: Đạo đức cách mạng. Họ cũng tỏ ra không lạc quan, luôn bận tâm và nghi ngờ kẻ khác như có âm mưu, hoặc bội phản. Họ cũng không thể chấp nhận bất cứ quan điểm hoặc nhận thức nào khác cái mà họ đã được học hỏi, nhồi sọ và biến họ thành những kẻ ngu dốt hoặc độc tài.

Sở dĩ nó tồn tại, theo Dương Thu Hương trong phỏng vấn: vì dân hèn, dân ngu.

Quả đúng như vậy, trong một bài phỏng vấn của đài VOA mới đây hỏi những người dân ở Việt Nam bây giờ: Họ đều lẩn tránh những câu hỏi xa gần đến chính trị. Họ cho rằng chỉ lo làm ăn, nuôi gia đình thì giờ đâu lo chuyện bên trên. Nhờ đó, đảng cộng sản sẽ có đủ lý do để tồn tại.

Nói chung, người cộng sản là người cộng sản và mãi mãi họ là cộng sản. Thật ra họ cũng vẫn là người, nhưng thể chế chính trị đã khuôn ép họ được làm gì và không được làm điều gì. Họ không thể có ý nghĩ tới đa chiều. Họ như những con ngựa bị bịt mắt.

Trong khi ở miền Nam thì khác. Chúng ta có nhiều hồi ký, truyện ký kể lể những nỗi oan khiên, những hoàn cảnh trớ trêu và bi kịch của con người. Như Thảo Trường trong truyện: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp.

Hoặc một trong những bút ký của Dương Hùng Cường, biệt hiệu là Dê húc càn viết trên tờ ‘Con Ong’. [Dương Hùng Cường tốt nghiệp chuyên môn ở trường Không quân Marrakeck, tại Pháp ra trường với cấp bậc Trung sĩ. Bản tính độc lập, không nịnh trên đè dưới, nên cho đến lúc chết cấp bậc vẫn là Trung sĩ, trong khi bạn bè có người đã là sĩ quan cao cấp. Phải chăng, cái chết trong nhà tù Phạm Đăng Lưu phần nào do cái bản tính bất khuất ấy mà ra?] Đó là truyện (số 45) kể về một người bạn anh có đứa con nhỏ, mỗi ngày vào trại phải đem nó theo, vì mẹ nó bỏ đi lấy Mỹ.

“Đứa bé lang thang chơi một mình, đến gần hàng rào kẽm gai có gài mìn. Còi báo động vang lên và một phi hành đoàn người Mỹ đã lái trực thăng đến cứu đứa nhỏ: ‘Bàn tay nhẹ kéo thằng cháu tôi lên phi cơ với bộ mặt xanh xám và nét mặt hớn hở của thằng bố ôm chặt đứa con vào lòng và tiếng nức nở gọi vợ: ‘Em ơi! em ơi!’ Thằng bạn tôi gọi vợ nó lúc đó. Nhưng có lẽ nó đã quên mối thù người nước Cờ Hoa đã cướp vợ nó. Cướp vợ, nhưng đã cứu được mạng con, hai cái ân và cái nợ kể như hòa. Chúng tôi đành coi như vậy.”

Về Nguyên nhân tiểu thuyết Vô Đề được xuất bản tại Pháp

Đây là một vấn đề nhỏ mà lại lớn. Nó lớn ở chỗ nếu không nhờ bà vợ TT. Mitterand can thiệp trực tiếp thì vị tất đã yên với Hà Nội. Nó nhỏ là chỉ biết rằng tiểu thuyết Vô Đề không được một nhà xuất bản nào trong nước nhận in vì họ sợ. Vì lúc đó họ nghi ngại những phát biểu trực tính, bốc lửa, can đảm có thừa và đụng chạm đến chế độ.

Bà Dương Thu Hương nghĩ đến nước Pháp — một đất nước tương đối tự do và gửi sang Pháp cho Nguyễn Ngọc Giao [con của ông Tổng giám thị ‘Cư biếu’ trường Chu Văn An, được VNCH thời ông Diệm gửi sang Pháp du học.]

Sau này, trong trả lời phỏng vấn, bà cho rằng Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Gia Kiểng có óc lãnh tụ, muốn trên người khác. Sau này, Phan Huy Đường trong nhóm Diễn Đàn Forum cặm cụi, hăm hở dịch nhiều tác phẩm khác của Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp.

Bà Thụy Khuê vào cuộc

Theo bà Thụy Khuê, ngày 22.4.1991,

“Ba ngày sau khi tin Dương Thu Hương bị bắt được được các hãng thông tấn loan đi, tôi được một anh bạn, anh X (cũng là bạn Dương Thu Hương) trao cho tập bản thảo, Tiểu thuyết Vô Đề, nhờ tôi viết tựa và tìm cách xuất bản với lời yêu cầu: trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin chị đừng tiết lộ vì đâu và vì ai mà chị có bản thảo này.

Tôi đã nhận lời anh X trong không khí sôi nổi và khẩn thiết, việc mà trong trường hợp bình thường tôi từ chối vì tôi không quen Dương Thu Hương, không đồng chính kiến với Dương Thu Hương và Dương Thu Hương không trực tiếp nhờ tôi in ấn gì cả.”

Thụy Khuê

Theo Thụy Khuê chú thích ở cuối bài là: cơ sở duy nhất mà tôi dựa vào là một bản sao một lá thư Dương Thu Hương viết cho hai người bạn (anh Giao và anh Đường), nội dung ngỏ ý muốn xuất bản tiểu thuyết Vô Đề tại hải ngoại)

Sau đó, Thụy Khuê đã cho đọc trên đài RFI mà lúc đó bà còn làm việc. Bà có một nhận xét về Dương Thu Hương bằng những lời tán tụng trân trọng nhất: ‘Dương Thu Hương là một hiện tượng hiếm có, một viên ngọc trong đám sình lầy ô nhiễm quê hương.’

Nhưng Dương Thu Hương là loại người có cá tính mạnh coi nhẹ những lời chê bai cũng như khen tụng. Khi bà trả lời Thụy Khuê, bà lầm tưởng đó là một người đàn ông. Vì thế bà đã trả lời như sau:

“Với một lời khen hết cỡ như vậy, ai đó, khác tôi, sẽ vô cùng mãn nguyện. Bởi phàm là người nói chung ai là người chẳng thích vuốt ve. Nhưng đáng tiếc tôi thì không.

Không phải tôi là một viên ngọc giữa đám sình lầy mà chính dân tộc này mới là một viên ngọc bị vùi lấp trong sình lầy của nghiệp chướng.”

Dương Thu Hương

Cũng cần râu ria thêm là các thành viên trong Diễn Đàn Forum đều có ăn học mà phần lớn đều chống đối chế độ miền Nam. Xa miền Nam đã lâu nên sự hiểu biết về chế độ ấy có phần hời hợt, nông cạn. Cách của họ là xa cách và ít khi nào đề cập hoặc nhắc nhở xa gần đến các nhà văn hay chế độ miền Nam. Họ trở thành những kẻ ‘ăn theo’ theo nghĩa theo đuôi Hà Nội.

Chỉ có một lần duy nhất, Phan Huy Đường từng phát biểu: “Văn chương của những người di cư và văn chương của người miền Nam là một thứ Thập Tự Quân chống Cộng!” (Croisade anticommuniste)

Thế còn văn chương của họ là thứ văn chương gì? Hay là một thứ Ăn Mày Văn Chương! Như một chủ trương của Phan Huy Đường.

Họ không được phía nào nhìn nhận. Họ phủ nhận miền Nam đã là một lẽ. Cộng đồng người Việt ở Paris cũng coi họ như những kẻ xa lạ. Nhưng Hà Nội cũng không bao giờ nhìn nhận họ như một thực thể cùng phe phái? Họ là ai? Chẳng phải Tây cũng chẳng phải ta! Thôi thì, tôi gọi họ ở tư thế: Những người cưỡi lưng cọp. Tiến thoái lưỡng nan.

Kết thúc bài viết

Đôi lời chia xẻ về nhà văn Dương Thu Hương và Nguyễn Bửu Thoại

Trước hết căn cứ vào một số bài phỏng vấn, chúng ta có thể biết được con người thật của Dương Thu Hương như thế nào?

Gia đình bên nội bị coi là gia đình địa chủ; bà nội có 4 người con trai. Bố bà là con út được bà nội chỉ định đi kháng chiến, sau được giữ chức đội trưởng. Người Bác của bà thì chọn đi vào miền Nam sau 1954. Bố bà trở thành người bất hạnh vì bị chế độ nghiền nát.

Sau này, bà được tuyển đi vào thanh niên xung phong, nhiều năm ở trong rừng. Ăn uống kham khổ rau rừng, rau dại như đồ ăn của súc vật. Bà kể lại được uống thứ sữa của Ấn Độ mà họ dùng cho trâu bò uống. Năm 15, 16 tuổi, bà không có một bộ áo lành lặn, phải mặc quần vá. Khi vào miền Nam gặp người bác, các chị con người bác đã ôm khóc vì thấy con bé tội nghiệp quá, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, tay chân sần sùi, ốm yếu. Bà cho hay, suốt tuổi thơ phải ra đồng mò cua bắt cáy phụ thêm. Mỗi tháng được mua một lạng thịt. Mẹ nàng được mua hai lạng rưỡi.

Sự đói khổ ấy cộng với giai đoạn đi thanh niên xung phong ( gồm 52.000 phụ nữ) đã hun đúc nên con người bà, sau này trở thành kẻ làm loạn.

Trong thời gian đi thanh niên xung phong,

“những người bạn của bà Huỳnh Thị Hoa da nổi ghẻ, nhiều cháy rận, các bộ phận trong người ngứa ngáy phát điên. Vấn đề vệ sinh vùng kín của người phụ nữ ít được đề cập tới. Tình trạng vệ sinh kinh nguyệt thiểu thuốc men, thiếu băng vệ sinh, đồng phục để thay thế và ít có điều kiện để tắm rửa.”

(Francois Guillemont: Trực diện với cái chết và nỗi đau. Vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam 1950-1975. Bản dịch của Phương Hà trên trang Talawas. Nhân chứng là cô Huỳnh Thị Tiếp đã kể lại.

Bà Dương Thu Hương cũng viết:

“Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hàng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông Hoàng bà Chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ so với lệ phí bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm.”

Dương Thu Hương, tiểu thuyết Vô Đề, trang 64.

Ở trang 100, bà viết: “Họ phát điên loạn lên. Mấy cậu (Chỉ mấy cô TNXP) sốt rét ác tính, điên rồ, cởi hết áo quần ra mà nhảy múa, la hét.”

Những kinh nghiệm ấy làm bà lớn lên trong uất hận chế độ cộng sản đến độ bà tuyên bố thẳng thừng: “Không thể xếp tôi đứng với hàng ngũ những người mà tôi khinh bỉ.” (Bách Khoa Toàn Thư. Wikipedia).

Trong một cuộc phỏng vấn được hỏi mục đích của cuộc đấu tranh của bà? Bà khẳng định chỉ có một mục đích: lật đổ chế độ cộng sản thân Tàu.

Tôi nghĩ rằng sự phản tỉnh và đấu tranh của bà là có ý nghĩa, mặc dầu khi biết mình đã lầm lỡ thì tóc trên đầu đã muối tiêu, tuổi thanh xuân đã mất. Tôi viết về bà trong sự trân trọng với Thiên Đường Mù, Mùa ảo vọng. Và tôi hiểu tại bà đã xử dụng một thứ ngôn ngữ vọng động, thô tục, đốp chát ít ai dám dùng để đối xứng với chế độ cộng sản.

May cho Dương Thu Hương là Bà Danielle Mitterand vợ của TT Pháp đã vận động với Hà Nội qua trung gian một nhà báo Pháp cho bà sang Pháp bằng một số tiền là 95 triệu franc. Khi ở bên Pháp. Năm 1994, bà D. Mitterand có mời đến nhà dùng cơm. Nhưng Dương Thu Hương đã khéo léo từ chối.

Nhưng đồng thời tôi cũng trân trọng không kém cuốn truyện Đôi Mắt Người Bị xử Bắn Trong Rặng Bình Bát. Đó là một lời tố cáo chế độ cộng sản Hà Nội qua đôi mắt người bị xử Bắn!

Lời lẽ ôn tồn, cương trực, thẳng thắn của tác giả khác hẳn lối viết của một Dương Thu Hương.

Thành công của tác giả là thuyết phục người đọc bằng một lối viết giản dị mà lôi cuốn? Thật hiếm có nhà văn quân đội miền Nam nào viết với một thái độ thanh thản, không hận thù, biết quý trọng con người như Nguyễn Bửu Thoại.

Và đối với người bên kia, xin được thẳng thừng nói, họ thiếu tình người, họ không là người tử tế.

Nhưng có lẽ hay hơn cả, thôi hãy để một người bên kia ăn mòn bát đĩa cộng sản nhận xét như một lời kết thúc bài viết này:

“Bản chất chế độ ngụy là xấu, vậy mà không hiểu sao, nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay, đó là dân Bắc Kỳ.”

Hoài Thanh

Đó là nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Sau 1975, Hoài Thanh và vợ con dọn vào Sài Gòn ở theo lời kể lại của nhà phê bình Vương Trí Nhàn.


© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

28 Tháng Tám 2015(Xem: 17801)
Liệu Đế quốc Trung Cộng có "may mắn" thoát được số phận tan vỡ ra từng mảnh hay không và phe nào sẽ thắng thế trong cuộc tranh chấp quyền lực đẩm máu ?
07 Tháng Ba 2015(Xem: 43063)
Và mặc dầu còn có những bất cập đủ thứ, tôi vẫn phải nhìn nhận rằng, những năm tháng còn lại, kể từ ngày ấy, mỗi giây phút năm tháng sống, học hành, lớn lên thành người thời đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam vẫn là những năm tháng ân sủng cho tuổi trẻ của tôi và những bạn bè cùng trang lứa.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19539)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 26998)
Phần người viết nhìn bức hình cũ kỹ đã gần nửa thế kỷ với tâm trạng đầy... xúc động. Bởi vì đúng như ông bà mình thường nói rằng nghe cả hàng ngàn lời nói đọc cả hàng vạn chữ viết mô tả cũng không sao bằng...
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 22110)
Sức mạnh của chúng ta là phải biết họ là ai và cho họ biết chúng ta là ai? Sau đó phải biết cất lên tiếng nói. Nói thì sống, không nói thì chết.
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 29663)
Vào ngày chủ nhựt qua mùng 9 tháng 11 , nước Đức và Âu Châu đã ăn mừng kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá Linh Sụp Đỗ (1989 - 2014) .
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38102)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
05 Tháng Bảy 2014(Xem: 36529)
Đọc sách báo ngày nay viết về cái chết của Hai Bà Trưng tôi hay bị "tẩu hỏa nhập ma" và phân vân tự hỏi: Hai Bà Trưng chết kiểu nào?
28 Tháng Sáu 2014(Xem: 30626)
• Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua có ba điều bất hạnh xảy ra trùng hợp:... Trong ba cái bất hạnh ấy, cái thứ ba là nguy hiểm và tồi tệ nhất.
23 Tháng Tư 2014(Xem: 21870)
Gabriel Garcia Marquez, 87 tuổi, văn hào người Colombia nổi danh khắp thế giới với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn,” qua đời hôm Thứ Năm 17 tháng 4, 2014, tại Mexico City, nơi ông đã sống 30 năm cuối đời.
20 Tháng Ba 2014(Xem: 38983)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
02 Tháng Ba 2014(Xem: 16291)
Ôn lại Lịch Sử nước ta với hơn 4000 năm từ Họ Hồng Bàng với truyền thuyết con Rồng Cháu Tiên qua chương trình "Việt Nam Quê hương tôi" vào mỗi tuần với Phương Anh
27 Tháng Hai 2014(Xem: 39583)
Mới đây đọc báo Reader’s Digest thấy người ta nói đến những ích lợi của cái CƯỜI, trong đó có nói là cười nhiều có thể làm cho người ốm bớt đi. Lý do gì mà các nhà khảo cứu lại quả quyết như vậy?
31 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14096)
Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, đã có 13 lần phương Bắc xua đại quân xâm lấn phương Nam, đặc biệt Việt Nam. Nhưng trong tất cả 13 lần đó, Dân Việt đều đại thắng các đoàn quân Phương Bắc. Đã mười ba lần, Dân ta đại thắng !
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50505)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
13 Tháng Sáu 2013(Xem: 28931)
Có nhiều hình thức phản biện lại một xã hội tùy theo hoàn cảnh mỗi người và tùy hoàn cảnh xã hội và ngày nay tùy thuộc vào tình hình thế giới nói chung.
30 Tháng Tư 2013(Xem: 31444)
Chúng ta hy vọng rằng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận đã đi bước tiên phong tiết lộ những bí ẩn về biến cố 30.4.1975 và trong tương lai sẽ được giới truyền thông báo chí chú tâm nghiên cứu khai triển tích cực
19 Tháng Tư 2013(Xem: 90703)
Trong tầm mắt của tôi thì Tây Nguyên là một Amazon của Việt Nam thu nhỏ lại về mọi mặt. Về mặt lịch sử, nó là di sản của con người Tây Nguyên từ bao đời nay...
06 Tháng Tư 2013(Xem: 70084)
Đọc xong tập sách mỏng, gấp sách lại, tôi cảm thấy một cái gì nhẹ nhõm len vào tâm hồn. qua những dòng tâm bút của một cô gái trẻ..
29 Tháng Ba 2013(Xem: 95864)
Chắc chắn và không thể chối cãi được sự có mặt trong Hoàng Cung của Bà đã thay đổi bộ mặt Hoàng Cung. Nhưng điều quan trọng hơn cả, Bà trở thành biểu tượng, mẫu hình lý tưởng ...
22 Tháng Ba 2013(Xem: 102901)
Phạm Duy là một con người, như mọi người. Ông đã sống tận cùng đời sống của ông, ông đã hiến tận cùng những gì ông có trong trái tim ông và thân xác ông.
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 139459)
Nhưng câu hỏi cuối cùng được đặt ra: từ đâu Nguyễn Tất Nhiên lại có tánh lãng mạn đa tình quá vậy để dễ dàng "phóng bút" sáng tác thơ tình cho nhiều nhân vật nữ?.
25 Tháng Giêng 2013(Xem: 154070)
Mới đây, tôi có dịp đọc cuốn ''Bên thắng cuộc'' của Huy Đức do một người bạn trẻ- giáo sư đại học ở Canada- với lời giới thiệu khá nhiệt tình- :Đọc cuốn này chưa? Rất hay, còn nóng hổi.
29 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 120532)
Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã... Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý.
08 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 159692)
Xin gởi đến quý vị lời chia sẻ của một triệu phú 40 tuổi là bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, bị ung thư phổi thời kỳ 4, về kinh nghiệm sống của mình vào ngày 19/1/2012. Anh qua đời vào ngày 18/10/2012.
31 Tháng Mười 2012(Xem: 148843)
Kể từ đó, miền Bắc không có văn học nữa. Đảng qua Tố Hữu, Trường Chinh đã chôn sống các nhà văn như chôn sống địa chủ.
27 Tháng Bảy 2012(Xem: 164766)
Nhưng nói chung, ngồi chuyện ăn uống cẩn thẩn, tập thể dục hàng ngày, chúng ta cần giữ được cho tinh thần thoải mái, ít lo phiền, biết nghỉ ngơi, biết đủ, là thấy mình đi trên con đường tới hạnh phúc.
16 Tháng Bảy 2012(Xem: 157704)
Bài Văn Tế sau đây do cố Kiến Trúc Sư Đỗ Hữu Nam (vừa mệnh chung ngày 13 tháng 7 năm 2012, tại Biên Hòa) viết và đọc nhân ngày Sinh Hoạt Truyền Thống của nhóm Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh, để thành kính dâng lên các vị Thầy đã khuất.
19 Tháng Năm 2012(Xem: 160056)
Bài viết sau đây của tôi là để chỉnh sửa và bổ túc thêm thêm vào một bài viết trước đây về Phạm Duy. Đó là bài Phạm Duy còn đó hay đã chết?
04 Tháng Năm 2012(Xem: 168605)
Đây là, chẳng phải ai khác, mà là những người di tản, những rác rưởi 37 năm trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo. Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
03 Tháng Năm 2012(Xem: 164050)
Những ngày đầu tiên đi dạy trường trung học tráng niên Ventura, tham dự những sinh hoạt khác lạ của học trò Mỹ, tôi không khỏi so sánh với những ngày tôi còn dạy ở Việt Nam.
23 Tháng Tư 2012(Xem: 27672)
Sự bộc phát hình như là một định mệnh, không thể ngờ trước được, khi tập Thiên Tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa 18 tuổi, bỗng nhiên tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên bừng vỡ một cách ngoạn mục.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 42634)
Triết lý giáo dục tìm ở đâu ra? Thưa nó nằm ngay trong bộ Sách Dân Tộc, gọi là KINH ĐIỂN tức là Lĩnh nam Trích Quái, Việt Điện U Linh, Ca dao tục ngữ, Tứ Thư Ngũ Kinh.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 43865)
Tôi rời mái trường đại học Đà Lạt để “xuống núi” hành hiệp giang hồ vào giữa năm1963. Năm với nhiều biến động nhất thời tuổi trẻ của tôi. Vậy mà nay đã ngót nghét non nửa thế kỷ trôi qua.
15 Tháng Tám 2010(Xem: 39252)
Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó.
28 Tháng Năm 2010(Xem: 30093)
Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.
06 Tháng Ba 2010(Xem: 43099)
Viết bài này, người viết bày tỏ ở đây một sự nuối tiếc là: Bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về Nguyễn Tất Nhiên đã không nói lên được tính chất phối hợp đến kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Đó là điều quan trọng nhất cần được nói tới.
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87041)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97326)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
06 Tháng Mười Một 2009(Xem: 67169)
Chủ nhật, ngày 6 tháng 9 năm 2009 vào lúc 1 giờ trưa, Hội An Việt tại Vương Quốc Anh đã tổ chức Đại Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Người Việt Tị Nạn Đến Anh Quốc. Buổi lễ dưới sự chủ toạ của ông Vũ Khánh Thành, cựu Giáo Sư Trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, Giám Đốc Sáng Lập và Điều Hành Hội An Việt, Nghị Viên Thành Phố Hackney;
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93013)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
23 Tháng Năm 2009(Xem: 32444)
Trong đại gia đình Ngô Quyền hầu như ít nhiều ai cũng biết đến Thầy Vũ Khánh Thành. Thật vậy, ngoài lãnh vực giáo dục, từng là Giáo sư dạy môn Triết học tại trường Ngô Quyền chúng ta năm xưa. Từ lúc định cư tại Anh Quốc đến nay, Thầy không ngừng tích cực dấn thân hoạt động trên bình diện xã hội, văn hóa và chính trị cho cộng đồng Việt Nam tại đây.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 77959)
  Riêng dòng sông Đồng Nai, với nguồn nước thanh khiết từ trên thượng nguồn đổ xuống, đã tạo nên một môi trường sống cho người dân tỉnh Biên Hòa và các tỉnh lân cận.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 74449)
Bài sưu tầm này được viết vào tháng 4 năm 2004, tức là 48 năm sau ngày trường Ngô Quyền được thành lập vào năm 1956, và chỉ được căn cứ vào trí nhớ của các ông Phan Thanh Hoài, Kiều Vĩnh Phúc, Lê Hồng Sanh, và cựu học sinh Đào Văn Công (khóa đầu tiên). Do đó, không khỏi thiếu sót về thành phần nhân sự giảng dạy, văn phòng v.v…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39100)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39490)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46967)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46083)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
01 Tháng Mười Một 2008(Xem: 146907)
Ngô Quyền ( chữ Hán : 吳權 ; 898 – 944 ) là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô . Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng,
26 Tháng Năm 2008(Xem: 23386)
Nếu không tính nền giáo dục duới thời phong kiến thì Truờng tiểu học Nguyễn Du, Truờng trung học Ngô Quyền, Truờng bá nghệ Biên Hòa là những ngôi truờng đầu tiên trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.