Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Đỗ Thế Vinh - Kinh Nghiệm học và dạy học tại Việt Nam và Mỹ.

26 Tháng Giêng 20194:19 SA(Xem: 17829)
GS. Đỗ Thế Vinh - Kinh Nghiệm học và dạy học tại Việt Nam và Mỹ.


Bài viết sau đây chỉ là kinh nghiệm và nhận định chủ quan về việc học và dạy học tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ của chính tôi. Do đó có thể rất chủ quan, hạn hẹp và có nhiều thiên kiến.

Đỗ Thế Vinh 


Kinh Nghiệm học và dạy học tại Việt Nam và Mỹ.

Học tại Việt Nam

Từ khi học xong lớp nhất năm 1957, tôi đã phải tranh đua học và thi cử để đỗ tiểu học và thi tuyển vào trường Chu Văn An. Mỗi năm tôi phải thi đệ nhất lục cá nguyệt và đệ nhị lục cá nguyệt để được lên lớp nếu đủ trung bình 10/20. Cuối năm đệ tứ, tôi phải thi trung học đệ nhất cấp là kỳ thi do bộ giáo dục tổ chức căn cứ trên sách giáo khoa do bộ giáo dục ấn định. Sau đó, hết năm đệ nhị tôi phải thi tú tài I và cuối năm đệ nhất tôi lại phải thi tú tài II đều do bộ giáo dục tổ chức. Hội đồng giám khảo gồm giáo sư ở những trường khác đến chấm điểm trên bài thi đã rọc phách không để lộ tên thi sinh. Mục đích chính của những kỳ thi này theo nhận xét chủ quan của tôi, không phải để đánh giá nội dung kiến thức học sinh đã học được nhằm giúp từng cá nhân học sinh thêm như ở Mỹ nhưng chỉ để chọn ra khoảng độ 8 đến 10 phần trăm học sinh khá nhất cho tiếp tục học đại học vì những trường đại học rất ít không đủ chứa tất cả học sinh thi đậu. Mỗi lần gần đến kỳ thi, tôi học rất chăm chỉ để nhớ lúc đi thi và sau đó thường quên rất nhiều và hầu như không cần dùng đến nữa. Một động lực nữa trong việc cố gắng thi đỗ là để không phải đi lính, nhất là sau khi luật tổng động viên được ban hành. Xin xem thêm bài của giáo sư  Nguyễn văn Lục trên website Ngô Quyền (1) 

Tuy vậy, tôi bản tính luôn luôn muốn học hỏi và tìm hiểu thêm những điều tôi ưa thích. Tôi thường bỏ nhiều thì giờ học và đọc thêm về thi ca, tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những tác phẩm của những đại văn hào Pháp dịch sang tiếng Việt. Khi lên đệ nhất ban C tôi bắt đầu rất thích triết học và đọc được rất nhiều sách về Triết học, nhất là về tâm lý. Trên đại học, ngoài những sách triết đòi hỏi của những chứng chỉ cho bằng cử nhân giáo khoa Triết Học Tây Phương, tôi cũng thích đọc hoặc có cơ hội đọc nhiều sách tiếng Anh, đặc biệt là sách về ngữ học và khải đạo khi tôi học cao học giáo dục Anh Văn và khóa khải đạo đặc biệt vào đầu thập niên 1970's. Chú thích (1) Chương trình học của tôi ở Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn tại Việt Nam.

Nói về cách học và thi cử trên đại học ở Việt Nam, tôi cũng xin chia sẻ một số kinh nghiệm của chính mình ở tại trường Đại Học Sư Phạm (ĐHSP) và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (ĐHVK). Mỗi giáo sư dạy lớp đều hoàn toàn độc lập, tự chọn sách để học sinh đọc thêm, tự soạn bài và chấm thi chính sinh viên mình dạy. Đa số giáo sư Việt Nam soạn bài và dạy rất kỹ, ít khi bắt đọc thêm sách và cho điểm rất khắt khe căn cứ vào nội dung bài giảng của mình trong khoá. Có một số giáo sư Việt Nam có tiến sỹ Mỹ hoặc là tu sỹ thường cho điểm dễ dãi hơn. Giáo sư người Pháp, một bà dạy tôi Pháp Văn và một tu sỹ dạy tôi đạo đức học cũng dạy rất tận tâm và cho điểm cho sinh viên cuối năm khá cao. Những giáo sư người Anh, Úc, và Tân Tây Lan dạy học và cho điểm cũng khá "kỹ". Đặc biệt có một giáo sư người Anh dạy môn Văn chương, Văn Minh Anh cho điểm rất khắt khe, đánh rớt khá nhiều sinh viên mỗi khoá. Sau hết giáo sư người Mỹ thường dạy rất nhiều, đề nghị đọc thêm sách nhiều nhưng cuối năm thường cho điểm rất dễ dàng và rất cao. (Học tại ĐHSP và tại ĐHVK)

Khi được nhận vào học cao học Giáo Dục Anh Văn với một ứng viên nữa, tốt nghiệp năm 1967 trước tôi một năm, hai chúng tôi đã được học đúng theo lối Mỹ do giáo sư bảo trợ, tiến sỹ Dương Thanh Bình soạn chương trình giống như chương trình cao học Mỹ. Đa số thời gian là tự học, đọc những sách chỉ định rồi mỗi tuần gặp báo cáo nội dung sách đã đọc cho giáo sư và bạn cùng lớp, sau đó cùng nhau thảo luận đóng góp ý kiến với nhau về sách đã đọc. Học theo lối này giúp tôi nhớ những điều mình đọc rất lâu và phát triển được óc phê phán (critical thinking) qua thảo luận sách mình đọc và bạn cùng lớp đọc với giáo sư bảo trợ bằng những ý kiến chủ quan của mình đã được suy nghĩ và sửa soạn trước khi dự lớp. Tôi cũng có cơ hội học hỏi và đọc rất nhiều về khải đạo "Thân Chủ Trọng Tâm" (Client-Centered Counseling) của tâm lý gia Carl Rogers trong những lớp khải đạo của chương trình cao học do giáo Sư Huỳnh văn Quảng và nữ tu sĩ giáo sư Tô Nguyệt Ánh tại trường Đại Học Sư Phạm cũng như trong suốt khoá học khải đạo đặc biệt cho giáo sư trung học muốn trở thành giáo sư khải đạo theo lối Mỹ ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1970's.

Dạy học tại Việt Nam

Tôi bắt đầu dạy kèm tại tư gia Pháp Văn, Anh Văn và dạy những lớp Anh Văn buổi tối tại trung tâm Anh Văn Phan Sào Nam vào 2 năm 1965, 1966 lúc còn học năm thứ nhất và thứ hai Đại Học Sư phạm. Học viên tại Phan Sào Nam đa số là làm việc hoặc phải tiếp xúc với người Mỹ ban ngày nhưng chưa biết tiếng Anh nhiều. Khi dạy những học viên này, tôi chỉ chú trọng dạy nghe và nói tiếng Anh đàm thoại hàng ngày, không dạy văn phạm, đọc và viết nhiều như khi tôi dạy tư và dạy ở những trường học sau khi tốt nghiệp. Khi còn học ở Đại Học Sư Phạm, tôi phải học viết, ngữ học (văn phạm), đọc sách văn chương, tập nghe, và nói tại phòng thính thị Anh ngữ. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đi dạy tôi không dạy Anh ngữ (spoken English) nữa, chỉ dồn cố gắng dạy học sinh văn phạm, phân tích văn phạm (parsing) theo văn phạm quy tắc (prescriptive grammar) và thuyết ngữ học cấu trúc (structuralism) của De saussure (2), phân tích câu, đọc và viết làm bài tập bộ English For Today do bộ giáo dục chỉ định để học sinh thi đỗ tú tài I và tú tài II theo đòi hỏi của bộ mà giáo sư Đàm Trung Pháp gọi là: “Phương Pháp Văn Phạm – Dịch Thuật” (3)  

Tôi còn nhớ lần đi dạy thực tập với giáo sư Đào Thị Hợi tại trường Gia Long Sài Gòn. Tôi rất căng thẳng, sửa soạn bài rất kỹ, mặc quần áo chỉnh tề thắt cà vạt cho bảnh trai hơn vì may mắn được dạy nữ sinh tại trường Gia Long. Hôm ấy tuy toát mồ hôi và lo âu tột cùng,  rất may mắn tôi không bị "khớp" và dạy rất suông sẻ được điểm khá cao.

Tôi thực sự bắt đầu dạy học từ sau khi tốt nghiệp năm 1968 cho tới khi tôi rời Việt Nam mùa hè 1978. Khi thiếu giáo sư dạy triết tại Long Thành, tôi cũng được mời dạy triết ở 2 lớp 12A và 12B. Theo tôi, chương trình đòi hỏi môn triết ở những lớp 12 là một ưu điểm của hệ thống giáo dục Pháp và Việt Nam Cộng Hòa. Chính những lớp triết này đã cung cấp cho học sinh sửa soạn vào đại học phát triển óc phán đoán khi thấy một vấn đề có thể nhìn theo nhiều quan điểm khác nhau và mỗi quan điểm đều có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Chỉ tiếc là từ ngữ và nội dung của triết học quá lạ lẫm, khó hiểu đã không gây hứng thú (inspire) được cho đa số học sinh, trừ một số rất ít em rất thích suy tư triết và những em học ban C . Một số học sinh cả ở Long Thành và Sài Gòn nói với tôi là các em không có thời giờ tìm hiểu nên đã cố thuộc lòng bài, cốt chỉ để thi đủ điểm đậu. Nhưng vì thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, tôi chỉ truyền đạt những kiến thức đã học hoặc đọc được cho học sinh vì chính tôi cũng chẳng bao giờ đặt vấn đề với những kiến thức ấy. Tôi mê say dạy những học thuyết khác nhau, đôi khi chống đối lẫn nhau nhưng ít khi bắt học sinh suy nghĩ phê bình hoặc phản biện những lý thuyết và giả định khác nhau đó.
Hinh Long Thanh (1)                                          Ban giám  đốc và giáo sư trường Trung Học Long Thành năm 1971

Tôi chỉ phải dạy học khoảng 16 giờ mỗi tuần, dàn xếp sắp thời khóa biểu trong hai ngày rưỡi, tới trưa thứ Tư rồi về Sàigon dạy tư hoặc dự lớp cao học cho tới sáng thứ Hai sau mới phải lên Long Thành lại.

 So sánh những trường tư thục và trường công Long Thành tôi dạy tại Việt Nam, tôi thấy có sự khác biệt rõ ràng về trình độ. Trường Long Thành tuy là một trường quận của tỉnh Biên Hoà nhưng vì có thi tuyển vào lớp 6 (Đệ Thất) nên học sinh thường có trình độ khá và tương đương với nhau. Những trường tư ở Sài Gòn dù là thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa vì không phải thi tuyển nên rất hỗn tạp và tuy có một số ít học sinh giỏi, nói chung  trình độ  thấp  hơn học sinh của tôi ở Long Thành. Xin xem thêm bài của GS Nguyễn Văn Lục (1 B)

Sau năm 1975, tôi cũng chỉ phải dạy số giờ dạy tương đương như vậy nhưng phải ở lại trường suốt ngày làm giáo án, chấm bài hoặc "ngồi chơi sơi luơng" 65 đồng tiền mới mỗi tháng tương đương với lương thâm niên cũ. Sách giáo khoa trong giai đoạn đầu vẫn là bộ "English for Today" của Mỹ, sau đó được đổi thành những xắp tài liệu in roneo nội dung sặc mùi chính trị, do những người Việt viết hoặc dịch sang tiếng Anh. Chương trình khải đạo bị bãi bỏ và thay thế bằng huớng dẫn theo "định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nhớ lại những sinh hoạt và cách dậy học của tôi thời đó, tôi thấy mình còn nhiều khuyết điểm vì thiếu kinh nghiệm và được huấn luyên theo lối người Pháp tập trung vào sách giáo khoa và những đòi hỏi của bộ giáo dục rất lý thuyết từ chương, thiếu thực hành, không khuyến khích sáng tạo (creativity) và óc phê phán (critical thinking).

Để thúc đẩy và kiểm soát học sinh học tập, tôi thường chỉ gọi được khoảng 5 học sinh lên trả bài vào đầu giờ vì lớp học rất đông, ít nhất là khoảng 50 học sinh. Đây là thời gian rất căng thẳng của các em vì sợ bị gọi trúng tên và nhỡ không thuộc bài thì rất "quê" với cả lớp. Đôi khi các em rất thuộc bài nhưng bị "khớp" không trả lời được. Tôi ít khi khuyến khích các em đọc thêm sách báo và tài liệu mà chỉ yêu cầu làm bài tập trong sách giáo khoa mà thôi.

Vì còn tương đối trẻ, để giữ tư cách là một giáo sư theo lối truyền thống văn hoá Trung Hoa cổ điển, tôi lúc nào cũng cố giữ khoảng cách giữa tôi và những học sinh, nhất là về vấn đề tình cảm. Đầu thập niên 1970's tôi dần dần thấy văn hoá dân chủ theo lối Hoa Kỳ tôi mới học được từ những giáo sư Mỹ, Liên hiệp Anh, và giáo sư du học ở Mỹ về hay và thích hợp hơn với tôi, nhất là sau khi tôi học xong những lớp cao học giáo dục Anh Văn và  khoá khải  đạo. Tôi trở nên bớt hình thức, biểu lộ khôi hài hơn (sense of humor), nhất là đối với những học sinh lớp 6 hoặc lớp 7. Cả hai lối đều bị phụ huynh và học sinh phê bình về tư cách một bên là kiêu ngạo khó gần gũi hoặc bên kia là mỹ hoá quá trớn, khuyến khích học sinh coi trọng tình cảm ủy mỵ hơn chăm chú học hành. Gần đây khi gặp lại một em trong nhóm cựu học sinh Long Thành đến thăm tôi tại Mỹ, em đã nói thẳng với tôi: "Em thấy hồi đó thầy không thương học trò như những thầy cô khác". Với kinh nghiệm tâm lý và khải đạo, tôi biết giải thích rất khó và có thể còn gây hiểu lầm thêm nên chỉ im lặng nhưng trong lòng rất thoải mái hạnh phúc vì tôi biết những cố gắng thành thật trong sáng của mình thời còn non trẻ, nhất là khi thấy em cựu học sinh dù bực tức vẫn giữ tình nghĩa thầy trò đến thăm tôi và đã nói ra được những uẩn ức của mình cho tôi biết.  

Sau tháng tư năm 1975, tôi chỉ còn được dạy Anh Văn với những nội dung sặc mùi chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi không bị kiểm soát phương pháp và cách dạy tiếng Anh và những vấn đề chuyên môn nhưng bị kiểm soát nội dung bài dạy. Điều khôi hài và trớ trêu là những em học sinh quàng khăn đỏ của chính tôi còn giám sát (supervise) tôi chặt chẽ và nghiêm khắc hơn thầy thủ trưởng và cô phó hiệu trưởng. Có một lần sau khi nói về đời sống phong phú và phong cảnh đẹp ở Mỹ, tôi đã bị thầy thủ trưởng N. gọi lên văn phòng và chỉ mặt nói: "Anh không được dạy tiếng Anh của chính phủ phản động Mỹ, anh phải dạy tiếng Anh của nhân dân tiến bộ Mỹ cho học sinh". Đang căng thẳng nhưng tôi đã không nhịn được cười thầm trong bụng!

Sau đổi mới, tôi lại về Việt Nam dạy Anh Văn và thuyết trình về khải đạo hướng nghiệp (career counseling) cho một trường đại học tư ở Sài Gòn năm 1995 trong dịp nghỉ hè ở Mỹ. Mỉa mai thay nội dung và chương trình giảng dạy của tôi được nhà trường yêu cầu là phải của Mỹ và là những gì tôi đang làm và dạy tại Trường đại học cộng đồng PCC (Portland Community College) và trường đại học PSU (Portland State University).

Tuy Sài Gòn đã thay đổi nhiều và trở nên rất xa lạ nhưng tôi bỗng tìm lại được rất nhiều tình cảm êm đẹp và đầm ấm của những ngày dạy học xa xưa. Sinh viên tôi dạy lúc đó học rất chăm chỉ, lễ phép và kính trọng tôi giống như khi tôi còn dạy học sinh trung học tại Long Thành và Sài Gòn của những thời vàng son đã mất. Tình cảm không mong đợi này đã bất ngờ đến với tôi, có lẽ là do quan hệ thầy trò Việt Nam thật đẹp phản ánh trái ngược hẳn với kinh nghiệm dạy học quá "khách quan" và "chuyên nghiệp" của tôi trên 20 năm tại Mỹ.

Sinh viên tôi dạy rất chăm ngoan và muốn học hỏi nhưng rất thụ động, thiếu khả năng chủ động, và không quen chất vấn giáo sư. Tôi tuy rất thích những học sinh và sinh viên Việt Nam vì các em kính trọng tôi, chăm học và dễ dạy nhưng rất buồn vì trong một truyền thống học từ chương hàng ngàn năm, cộng thêm với một hệ thống chính trị chỉ chấp nhận một chân lý, một uy quyền, học sinh và sinh viên Việt Nam rất khó phát triển khả năng suy nghĩ sáng tạo (creativity) và óc phê phán (critical thinking) nếu không được đi học ở nước ngoài. Xin xem thêm GS Chu Hảo và GS Ngô Bảo Châu (4)

image001image003                                           Lễ mãn khóa học cấp tốc cho sinh viên tại Việt-Nam hè 1995


Học và làm việc ở Mỹ

Ở Mỹ, vì công việc đòi hỏi tôi phải tìm hiểu đọc rất nhiều tài liệu và sách về tâm trí, tâm lý, trắc nghiệm tâm lý, nghiên cứu tâm lý, và khải đạo đa văn hoá. Suốt trong gần hai năm đóng góp phát triển bản trắc nghiệm trầm cảm Việt Nam (Vietnamese Depression Scale), tôi cũng đã được học hỏi với hai vị thày đầu tiên ở Mỹ của tôi là giáo sư bác sỹ Kinzie (6) và giáo sư tiến sỹ Manson (7) và đọc rất nhiều tài liệu và sách về nhân chủng học và nghiên cứu định lượng (quantitative research).

Những may mắn và cơ hội để tôi thay đổi, thăng tiến công việc làm ở Mỹ không phải là do bằng cấp tôi đạt được ở đại học Việt Nam. Ngay cả bằng cao học (M.A.) và tiến sỹ (Ph. D.) ở Mỹ cũng chỉ là một yếu tố trong những yếu tố quan trọng giúp tôi được tuyển chọn làm công việc.

Sau khi bị từ chối không nhận được việc làm nhiều lần, tôi xin được công việc phụ bồi bàn và sau đó việc dây chuyền chùi nắm cửa bằng đồng chỉ vì một bà chủ tử tế nói với tôi khi không nhận tôi làm việc cho bà: "Đáng lẽ tôi nhận anh, nhưng anh vì có nhiều bằng đại học (overqualified), tôi không nhận anh được. Anh sẽ bỏ đi khi có việc tốt và hợp với anh hơn. Tôi lúc đó phải tốn thời gian tâp luyện việc làm lại từ đầu cho người mướn thay thế anh."

Sáu năm sau khi bị cả trường Đại học cộng đồng Portland (Portland Community College" PCC") và khu học chính Portland (Portland Public Schools "PPS") từ chối không nhận dù tôi gần xong bằng cao học dạy Anh Văn ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (vì không trình được tiểu luận), PCC đã nhận cho tôi dạy ESL (Enlish as a Second Language) bán thời gian (part time) vì tôi có bằng cao học khải đạo Mỹ (không dính dáng gì đến ESL), và nhất là vì tôi đã thuyết trình về người tỵ nạn và khải đạo xuyên văn hoá (cross-cultural counseling) nhiều lần rất thành công trong hệ thống giáo dục tại Portland.

Cũng nhờ những hoạt động và kinh nghiệm làm việc khải đạo cho trẻ em tỵ nạn không có người lớn đi theo (unaccompanied minors) và trẻ em Mỹ lai (Amerasians) tại Lutheran Family Services tôi được dàn xếp cho trở lại môi trường giáo dục làm chuyên viên đa văn hoá (multicural specialist) toàn thời gian cho khu học chánh Portland.


kinh nghiem2 image009Làm và học tại "Indochinese Center"; Thuyết trình "Suicide workshop" đầu thập niên 1980's

Cuối năm 1986, nhờ kinh nghiệm, thuyết trình, và huấn luyện về khải đạo xuyên văn hoá cho người tỵ nạn Việt Nam, Đông Âu và những người tỵ nạn khác, phân khoa khải đạo tại PSU nơi tôi tốt nghiệp cao học vì thiếu giáo sư khải đạo đa văn hoá đã mời tôi dạy lớp khải đạo đa văn hoá (Multi-cultural Prespectives in Counseling) cho sinh viên cao học dòng chính, đa số đã đi dạy học nhiều năm muốn trở thành giáo sư khải đạo. Đây là một lớp đòi hỏi phải có trước khi hoàn tất bằng cao học khải đạo (khi tôi tốt nghiệp cao học năm 1981 vẫn chưa có lớp này). Tôi là người duy nhất chỉ có bằng cao học được mời dạy trong khi tất cả các giáo sư khác trong chương trình cao học khải đạo đều tối thiểu phải có bằng tiến sĩ. Lúc đó rất ít giáo sư tiến sĩ nguồn chính có kiến thức và kinh nghiệm về khải đạo đa và xuyên văn hoá. Qua những hoạt động và kinh nghiệm trong khải đạo đa văn hoá, tôi cũng được dàn xếp và mời dạy lớp "Khải Đạo cho học sinh có khả năng Anh ngữ hạn chế (Limited English Proficiency) tại phân khoa Giáo Dục PSU (Portland State University) và một khóa hướng dẫn sinh viên cao học cho đại học Antioch University.

Hè năm 1989 tôi được Trung Tâm Tỵ Nạn Quốc Tế Oregon (IRCO) mời dạy lớp ESL cấp tốc của chương trình kiếm việc làm sớm cho người tỵ nạn (Refugee early Employment Program) để xin được việc làm cho người Việt tỵ nạn mới đến Mỹ. Tôi dạy lớp này cũng giống như dạy lớp tối ở Phan Sào Nam, chỉ chú trọng nói và nghe nhưng chủ đề là tập làm đơn xin việc, cho học viên thực tập phỏng vấn với một cô Mỹ trắng và dạy những danh từ liên quan tới một số việc làm lao động đang cần tuyển dụng người ở Portland. Xin xem thêm bài của giáo sư Đàm Trung Phát về việc dạy ESL tại Mỹ (3) 

Khi chương trình Heritage Language phát triển mạnh sau nạn khủng bố tại New York, phân khoa sinh ngữ và Văn Chương tại Đại Học Portland State mời tôi dậy lớp Vietnamese Heritage Language chỉ vì đã biết tôi qua những hoạt động dạy học, khải đạo, có bằng Ph.D. và là người tỵ nạn Việt Nam.

Tương tự như vậy, tôi được mời trở về làm chuyên viên tham vấn văn hoá (cultural consultant), thuyết trình, và giảng dậy bán thời gian cho những khải đạo viên tâm trí trong Bệnh Viện Chấn Thương Trẻ Em của chương trình Tâm Trí Quốc Tế tại trường Y Khoa Oregon (The Child Trauma Clinic of the International Psychiatric Program (IPP) at Oregon Health Sciences University) cho trẻ em tỵ nạn Iraq, Afghanistan và những nơi khác. Với những học viên tập sự khải đạo, tôi chỉ trình bày một số học thuyết về tiến trình phát triển của trẻ em nói chung, cách nuôi dạy chăm sóc trẻ em Việt Nam và dành hầu hết thời gian thảo luận về cách nuôi dạy trẻ em của những học viên đến từ những xứ khác nhau. Dạy theo lối này, học viên khải đạo tập sự đã suy nghĩ, nghiên cứu thêm về văn hoá của mình theo sự chỉ định của tôi trước khi dự lớp và rất thích thú, hãnh diện trình bày văn hoá của mình với bạn cùng lớp và giảng viên. Khi dạy lớp này, tôi hướng dẫn và thảo luận thuyết liên quan tới việc phát triển  tâm lý  trẻ con như Sigmund Freud, Piaget, và Erickson (5) và về văn hoá khác biệt trên thế giới, tôi dùng ý của Hofstede ( (Hofstede, G.; 1983) 

3 Họp giáo chức đông Nam Á tai Portland
                                                                        Hội Thảo giáo chức Đông Nam A tại Portland Oregon 1987

Chụp với Giáo sư Lê Văn (Thầy tôi tại ĐHSP Sài Gòn) 

 

Cũng xin nói về cách soạn bài của tôi tại Việt Nam và tại Mỹ, ở  Việt Nam sau 1975, tôi phải soạn giáo án một cách rất "hình thức" trước khi "lên lớp" trong khi tại Mỹ tôi phải soạn giáo án theo nội dung bài dạy và thay đổi hằng ba hoặc sáu tháng một vì sách giáo khoa luôn thay đổi. Học sinh Việt Nam thường chăm chú nghe giảng, rất ít khi hỏi và hầu như không bao giờ tranh cãi hoăc chất vấn tôi. Trái lại ở Mỹ tôi chỉ được giảng bài rất ít, đa số thời gian nhằm vào thảo luận tranh cãi trong những nhóm nhỏ, giữa những nhóm và cả lớp. Tôi thường chỉ định cho từng nhóm chọn những đề tài thảo luận đọc và sửa soạn trước khi đến lớp. Như vậy có nghĩa là mỗi tuần tôi phải đọc tất cả những đề tài của chừng 4 hoặc 5 nhóm trong một lớp để làm vai trò phối hợp, trọng tài và đóng góp thêm ý kiến. Ở Việt Nam tôi chỉ phải chấm bài thi lục cá nguyệt và kỳ thi cuối năm theo sách giáo khoa do bộ Quốc Gia Giáo Dục chỉ định, dùng đi dùng lại trong nhiều năm rất ít khi thay đổi. Tôi thuộc nằm lòng những sách chỉ định đó và không cần phải soạn giáo án lại. Chú thích (2) Cách đánh giá cho điểm học viên, sinh viên và giáo sư tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ.

Sau đây tôi xin trình bày kinh nghiệm dạy học của tôi tại Mỹ. Sau 6 năm ở Mỹ và khoảng 3 năm sau khi lấy được bằng cao học khải đạo, tôi mới có cơ hội dạy học lại môn ESL tại trường đại học cộng đồng Portland Community College bán thời gian vào buổi tối. Thoạt tiên tôi chỉ dạy cho học viên Đông Dương Việt, Miên, Lào ở cả bốn trình độ A, B, C, và D sau đó họ có thể thi vào English as a Non-Native language và có thể xin trợ giúp tài chính (Finacial Aid) tiếp tục học ngành nghề hoặc những lớp hai năm chuyển tiếp tại đại học cộng đồng để lên đại học lấy bằng cử nhân. Ở những trình độ thấp tôi không bị áp lực nhiều bằng dạy lớp D vì phải cố dạy sao cho học viên đỗ vào ENNL để được trợ giúp tài chính tiếp tục đại học. Phương pháp dạy cũng rất khác với cách tôi được huấn luyện và dạy học ở Việt Nam. luyện giọng bằng cách nhắc đi, nhắc lại đã bị hoàn toàn bỏ đi. Tôi không được nói chậm để học viên dễ hiểu mà phải nói đúng theo tốc độ bình thường. Ở những cấp từ A đến C, việc dạy thường có trọng tâm là Anh để sinh tồn (Survival English) nhấn mạnh vào nghe và nói hàng ngày với những từ ngữ thức ăn, chuyên chở công cộng, an sinh xã hội v.v.. Riêng những học viên muốn học tiếp ở lớp D, tôi dạy đọc và viết để họ chuẩn bị thi vào ENNL. Vào những năm sau tôi có một số học viên tỵ nạn từ Ba Lan, Romania, Ukraine và Nga. Đây là thời gian dạy học tại Mỹ rất thoải mái và dễ dàng của tôi. Học viên rất lễ phép, chăm chỉ học hỏi, không chất vấn, khiếu nại và rất kính trọng tôi giống như học sinh ở Việt Nam. Khi dạy học, để học viên bớt căng thẳng, tôi cũng vẫn tìm những cơ hội để làm lớp học thoải mái và cười rộ với những câu chuyện hiểu lầm đơn giản do khác biệt ngôn ngữ hoặc văn hoá gây ra.

Tôi tiếp tục dạy ESL cho tới khi chương trình càng ngày càng thiếu tiền do ngân quỹ của chính phủ liên bang cấp. Đa số giáo sư bán thời gian đều bị cho nghỉ việc.

Khi sang làm việc tại khu học chánh Portland, ngoài việc khải đạo, tôi phải thuyết trình cho hội đồng giáo viên và ban giám đốc những trường trung học cấp 3 và toàn thể học sinh dòng chính (mainstream students) về học sinh ESL và truyền thông xuyên văn hóa (intercultural communication). Việc làm này tương đối cũng dễ dàng và được tiếp thu một cách thích thú và tích cực. Mọi người đều rất thích tìm hiểu và giúp đỡ học sinh ESL nên chăm chú nghe giảng và hỏi rất nhiều câu hỏi về những học sinh khác lạ và có nhiều khó khăn trong việc thích ứng vào ngôn ngữ và văn hoá mới của xã hội Mỹ.

Tuy nhiên tại trường trung học Franklin, tôi bị yêu cầu dạy một lớp da trắng trọc đầu (skinhead) sau khi hai em học sinh tỵ nạn Việt Nam không có người lớn đi theo (unaccompanied minors) đánh ngã và dùng giầy đế da đạp lên mặt một em da trắng trọc đầu đến nỗi phải chở vào nhà thương cấp cứu.Trong khi tình thế vẫn còn rất căng thẳng chỉ sau biến cố 2 hôm, bà social worker dạy lớp kỹ năng sinh tồn (survival skills) cho khoảng 20 em skinhead đã mời tôi đến lớp để làm giảm bớt căng thẳng giữa hai nhóm học sinh.  Mặc dù tôi đã giải thích không thể áp dụng khải đạo bằng cách  áp đặt giải thích, dù đúng hay sai , lên thân chủ hay học sinh, nhất là khi tôi là người Việt Nam, dễ bị đồng hoá, và hiểu lầm là về phe với nhóm Việt Nam. Bà giáo xã hội vẫn nài nỉ là tôi phải cố giúp bà vì bà không có kỹ thuật khải đạo (counseling skills) như tôi để làm dịu tình hình. Không thể từ chối được, tôi phải ra một điều kiện với bà là tôi không thể đề cập tới vụ xung đột và phải tạo được liên hệ khải đạo trước khi tiến tới làm giảm bớt căng thẳng. Đây có lẽ là lớp dạy học và huấn luyện khó nhất trong nghề dạy học của tôi. Khi tôi bước vào lớp, học sinh đang nhốn nháo chợt im bặt mọi cặp mắt đều đổ dồn về tôi nhìn tôi rất xoi mói trong khi bà giáo cán sự xã hội giới thiệu tôi là chuyên viên khải đạo đa văn hoá của trường. Tôi nói ngay là tôi trước tiên muốn bàn luận những đề tài mà học sinh lớp này thích thú trước khi nói tới điều tôi muốn bàn như tôi thường làm ở trường dạy nghề Vocational Village. Trong khi chưa có ai trong lớp nói gì tôi lại gợi ý là ở Vocational Village học sinh thường thích bàn luận về ma túy và tình dục (sex and drugs) hoặc ngăn ngừa Bệnh AIDS khi làm tình (make love). Học sinh bỗng ào ào đưa tay lên đóng góp ý kiến về bệnh Aid lúc đó còn rất mới tại Mỹ. Buổi thảo luận diễn ra khoảng 40 phút tôi chỉ có 5 phút nói về học sinh Việt Nam là họ cũng giống như học sinh Mỹ thích tìm hiểu bệnh Aid và những đề tài về tình dục ở tuổi dậy thì. Qua buổi nói chuyện thứ hai, tôi đã có thể nói về sự nghèo khó, thiếu học trong xã hội cộng sản hay ở trại tỵ nạn dẫn đến hành động hung hãn, bạo hành tạo thành thói quen bạo hành do phải tranh đấu, thích ứng để sinh tồn và  cũng vì những lo sợ, yếu kém tàng ẩn (tự ty mặc cảm) trong tâm lý những em học sinh tỵ nạn Việt Nam không có người lớn đi theo.

Trong buổi lên lớp khó nhất trong nghề dạy học của tôi này, tôi biết nhiệm vụ chính và quan trọng của tôi là tạo mối liên hệ với những em học sinh đó qua việc thảo luận những đề tài thích thú và kích thích óc tò mò của họ. Tôi đã áp dụng phương pháp học viên trọng tâm (student-centered) của tâm lý gia Rogers (8; 8A) một cách triệt để rồi sau đó mới tìm cách nói tới những tình cảnh và khó khăn của học sinh tỵ nạn Việt Nam không có người lớn đi theo cũng giống như tình cảnh nghèo và yếu kém về học vấn như họ. Tôi cũng không quên cảnh cáo ngầm là những học sinh Việt Nam này rất đáng sợ vì tính cách bất cần đời, hung bạo và giỏi mưu mẹo đường phố (street wise) học được trong những trại tỵ nạn không hơn thì cũng bằng họ. 

Việc căng thẳng giữa hai nhóm vẫn tiếp tục kéo dài cả hai tháng sau cho tới hè. Tuy vậy, bà social worker và ông phó hiệu trường Franklin cho tôi biết là họ rất ấn tượng và ghi nhận (impressed and appreciating) hai buổi hướng dẫn khải đạo thành công làm dịu căng thẳng của tôi tại lớp skinhead. 

Giảng dạy hai lớp "Multicultural Perspectives in Counseling" và "Counseling the Limited Proficient Student" tại đại học Portland States rất thích thú nhưng cũng rất mệt và tốn nhiều thời gian soạn bài và đọc thêm trước khi lên lớp. Sinh viên rất chăm chú học hỏi và luôn luôn chất vấn, tranh cãi với tôi trong tinh thần học hỏi và tôn trọng lẫn nhau. Tại những lớp cao học (graduate) này, tôi chỉ hướng dẫn những đề tài thật rộng liên quan tới khải đạo đa văn hoá, nhấn mạnh tới những yếu tố văn hoá trong nhiều khía cạnh của tiến trình khải đạo liên quan tới nhóm đa văn hoá (different cultures), chủng tộc khác biệt (racial differences), giới tính khác biệt (sexual differences), những vấn đề đa dạng (diversity issues) trong môi trường văn hoá Mỹ là văn hoá chính nguồn giữa khải đạo viên và thân chủ. Sau đó tôi cho sinh viên tự chọn nhóm của mình, nếu không tôi sẽ chỉ định vào 4 hoặc 6 nhóm trong lớp để nghiên cứu, đọc thêm tài liệu về văn hoá và tâm lý khác biệt của nhóm mình trình bày cho cả lớp để học hỏi bàn cãi  lẫn nhau với sự tham dự và điều phối của tôi. Đa phần

Khi chuyển sang làm toàn thời gian tại Đại Học Cộng Đồng Portland, tôi phải dạy những lớp khải đạo để giúp sinh viên chọn ngành nghề (Career Development) và để sinh viên thích ứng và thành công tại PCC như: College Survival and Success, College Study Skills, Test Anxiety, và Self-Confidence. Dạy những lớp này ngoại trừ hai lớp "Test Anxiety" và "Self-Confidence" tương đối dễ dàng vì không có tín chỉ (credits)

Lớp College Survival and Success (CG100) không đòi hỏi trình độ Anh Văn đại học dạy cho những sinh viên những điều cần biết những lớp chuẩn bị đại học, xin trợ cấp tài chính (financial aid) v. v.. để có thể theo học và tiếp tục học ở đại học. Lớp College Learning and Study Skills (CG111) đòi hỏi sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đại học (WR 121) dạy sinh sinh viên những nguyên tắc tâm lý liên quan tới trí nhớ, cách học tùy theo tâm lý và thói quen từng người, cách sử dung thời gian (time management) v. v... lớp Career Development (CG140) Dạy cách tìm hiểu sở thích, khả năng, cá tính, và giá trị chủ quan của từng sinh viên qua thảo luận nhóm, lấy và bàn luận những trắc nghiệm tâm lý hướng nghiệp của từng sinh viên. Kế đến sinh viên được hướng dẫn tra cứu những nghề thích hợp với mình và tiến trình quyết định của mình để chọn nghề và chương trình theo học.

Hai lớp không có tín chỉ và ngắn hạn là lớp Self-Confidence dành cho sinh viên không tự tin có nhiều mặc cảm và lớp Test Anxiety  cho sinh viên có tâm lý quá căng thẳng trước những kỳ thi và trong lúc thi. Ở những lớp này, tôi hoàn toàn áp dụng lối giáo dục nhân vị trọng tâm của Rogers (8), dàn xếp cho sinh viên tự chọn và thành lập nhóm theo sở thích và cá tính của mình. Họ cũng được tự lựa chọn đề tài để thuyết trình trước cả lớp bao lâu tôi chấp thuận là nằm trong mục đích và phạm trù của môn học (hướng nghiệp, phương pháp học tập, hoặc những khía cạnh tâm lý liên quan tới lãnh vực của hai môn học đó).

image011image015                                         Dạy học tại trường Đại Học Cộng Đồng Portland Community College

Ở hai lớp "Test Anxiety" và "Self Confidence", tôi hoàn toàn áp dụng phương pháp trị liệu nhóm (group therapy), học bằng trải nghiệm (experiential learning) bằng thực tập (practicing) ngay tại lớp (8 A). 

Tôi phải đối phó với một số sinh viên rất lười học nhưng vẫn muốn được điểm lên lớp để tiếp tục hưởng trợ giúp tài chính (financial aid). Xin kể một mẩu chuyện vui sau đây:
Một sinh viên sau khi biết bị trượt khoá học đã lên phòng khải đạo hỏi tôi: "Tại sao ông cho tôi điểm "No Pass"? Tôi đã phải trả lời: " Tôi đâu có cho điểm anh.  Anh tự làm và kiếm được điểm của mình đấy chứ (you earned your grade)". Cùng lúc tôi rút ngăn kéo lấy syllabus và bản điểm có từng khoản điểm của anh chàng sinh viên láu cá, chỉ cho anh thấy từng phần một. Chú thích 3) Vấn đề kỷ luật ở học đường

image017
                                                                                  Lớp Vietnamese Heritage Language tại PSU

 

Tôi cũng gặp những vấn đề tương tự với sinh viên lớp "Vietnamese Heritage Language" tại PSU. Đa số là sinh viên Việt Nam và gần nửa lớp mới từ Việt Nam sang có em đã học đại học Việt Nam được vài ba năm. Những em này ghi học lớp tôi dậy chỉ là để dễ lấy được những tín chỉ nhiệm ý (elective credits) cho bằng cử nhân và nhất là đủ điểm trung bình "C" cho toàn học kỳ để tiếp tục hưởng trợ giúp tài chính. Dạy lớp như vậy, tôi phải chú trọng soạn bài cho sinh viên Mỹ và những em lớn lên hoặc sinh tại Mỹ. Tôi cũng day giống như những lớp tôi dạy tại trường Phan Sào Nam và ESL cho người tỵ nạn. Tôi dùng sách Colloquial Vietnamese của Tuan Duc Vuong và John Moore (Vuong and Moore; 2003). Tôi cũng phải tạo động lực và giúp những sinh viên đã giỏi tiếng Việt bằng cách dàn xếp với phân khoa ngoại ngữ PSU thiết lập một kỳ thi do tôi soạn đề thi cho những sinh viên này. Tại PSU, nếu họ đậu được kỳ thi sẽ đủ điều kiện lấy bằng B.A. (Bachelors of Arts) thay vì B.S. (Bachelors of Science) nếu không có khả năng ngoại ngữ. Đối với những sinh viên này, tôi chỉ định sách đọc thêm và yêu cầu đi học đều để làm trưởng nhóm và đóng góp kiến thức cho những sinh viên yếu hơn. (Chú  thích (4) Bằng B.A. và bằng B.S. trường  Portland State University "PSU")

Khi tôi làm chuyên viên tham vấn và thuyết trình viên (consultant and presenter) bán thời gian cho văn phòng chính sách nâng đỡ cho những nhóm thiểu số (Affirmative Action Office), tôi phải đại diên thiểu số Á châu cùng một ông giáo sư khải đạo gốc phi Châu, một bà Mỹ da đỏ và ông giám đốc người Mỹ gốc Châu Mỹ La Tinh đi thuyết trình cho toàn thể giáo sư PCC và nhân viên tại nhiều cơ quan khác nhau trong thành phố Portland. Những buổi thuyết trình này cũng rất gay go và căng thẳng vì đa số học viên tham dự đều phải đến theo sự bắt buộc của cấp trên và trong lòng họ không muốn học về những nhóm thiểu số và quyền người thiểu số gồm những đề tài như phân biệt chủng tộc, giới tính, vấn đề thiểu số khác biệt, hà hiếp tình dục v.v... (racial discrimination, sexual discrimination, diversity issues, sexual harassment etc...).  Đa số học viên thường có những mặc cảm tội lỗi (guilt feeling) với hai giảng viên da đỏ và da đen, ân cần hỏi nhiều câu hỏi về lịch sử quá khứ bị ngược đãi của hai nhóm thiểu số này. Ngược lại, đối với tôi, đại diện Á Châu và nhất là đối với ông đại diện người châu Mỹ La Tinh, họ hay chất vấn gay gắt và không có nhiều thiện cảm. Chỉ có một buổi hai bà học viên đã hỏi và thảo luân rất hăng say và thích thú với tôi về luật cấm người Tầu vào Mỹ năm 1882 "Chinese Exclusion Act 1882" và những trại tập trung người Nhật trong đệ nhi thế chiến. Một buổi khác một ông học viên hỏi về việc Mỹ dội bom và tấn công Campuchia nhưng chả có người nào hỏi về Việt Nam mình cả. Tôi đã phải tự ý nói thêm về Việt Nam và những thành quả của người Việt mình trên đất Mỹ. Đây là những buổi thuyết trình rất nhàm chán căng thẳng nhưng cũng rất quan trọng và cần thiết đối với tôi với tâm tình và ước muốn của một người thiểu số Á Châu mong được thông cảm và đối sử bình đẳng. Vì học viên bắt buộc phải dự lớp và không muốn học, phương pháp giảng dạy tại những buổi thuyết trình này hoàn toàn theo lối cải tạo, nhồi sọ "indoctrination" dùng tâm lý sợ và tôn trọng luật pháp, để học viên hiểu biết hơn về những luật mới liên quan tới đa văn hoá, khuyết tật và bình đẳng. Chúng tôi phải dùng phương pháp diễn giảng (lecture) đem những yếu tố tâm lý hành vi (động thái) (behaviorism) của Watson, Pavlov và Skinner (9) lập đi lập lại, nhồi sọ, cải tạo tăng cường qua những án lệ kiện tụng về kỳ thị giới tính, chủng tộc v.v... để khuyến dụ học viên nghe theo và chấp nhận những lời chúng tôi giảng dạy.

Thuyết trình kiểu nhồi sọ những buổi này và lớp dạy học sinh đầu trọc làm tôi nhớ tới những buổi học tập cải tạo và  thuyết giảng của thuyết trình viên giáo dục "giải phóng" mà tôi là nạn nhân vừa phải ngồi học vừa buồn ngủ gà ngủ gục. Điều tệ hơn là những người "giải phóng này thường ít học, giống như những con vẹt và không biết một chút gì về tâm lý giáo dục cả. Tuy nhiên khi có học viên thích thú về một vài khía cạnh trong nội dung giảng dạy do những lý do khác nhau, chúng tôi thường nắm lấy cơ hội liên kết tới những điều chính của nội dung chuơng trình dạy. Trong tiến trình làm công việc này, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều mới lạ từ những thuyết trình viên thiểu số khác, từ những điều tôi đọc thêm về người Mỹ gốc Á Châu khác và nhất là những phản hồi tâm lý phức tạp của học viên dòng chính.

2 Về hưuVề Hưu
Long Thành (2)Hội ngộ Long Thành 2014

Đối với tôi dạy học ở Việt Nam cũng như ở Mỹ đều có những khó khăn, mệt nhọc và thích thú say mê tuy khác nhau nhưng vẫn là trao đổi, học hỏi, tương trợ lẫn nhau giữa thầy và trò. Những học sinh, sinh viên, và học viên tại Mỹ đã giúp tôi luôn luôn phải trau dồi kiến thức chuyên môn qua thảo luận và tranh cãi và qua những đánh giá việc dạy học của tôi trước khi lớp học kết thúc. Ngược lại, tuy học sinh và sinh viên ở Việt Nam không dạy và giúp tôi phát triển kiến thức mới nhưng đã dạy tôi rất nhiều về những đức tính nhân bản như tính chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại, chịu đựng và tình thương yêu kính trọng thầy cô tuyệt đẹp khó tìm được trên đất Mỹ.

Đỗ Thế Vinh, Ph. D

 

CHÚ THÍCH

 

Chú thích (1) Chương trình học của tôi ở Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn tại Việt Nam

Tại Đại Học Sư Phạm tôi phải học 4 năm từ 1964 đến 1968 từ năm dự bị đến hết năm thứ ba mới được ra trường. Chúng tôi bắt buộc phải đến lớp đều đăn và giáo sư rất dễ kiểm soát vì chỉ có khoảng 40 sinh viên trong lớp. Tại Đại Học Văn Khoa tôi chỉ phải học xong chứng chỉ dự bị và bốn chứng chỉ đòi hỏi của bằng Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học Tây Phương mà không bắt buộc dự lớp. Tôi chỉ cố trốn lớp ở ĐHSP nếu có cơ hội để dự lớp Đạo Đức Học của linh mục Gautier giảng bằng tiếng Pháp tại ĐHVK vì lúc đó tiếng Pháp của tôi hơi yếu. Tất cả những lớp khác tôi đều chỉ lấy "cours" về học. Tôi đã học xong bằng "Triết Học Giáo Khoa Tây Phương" khoá hai năm 1967.

Tôi tuy đã hoàn tất cả mọi lớp đòi hỏi của bằng cao học giáo Dục ban Anh Văn  và đã viết gần xong tiểu luận nhưng không trình được vì tình hình chính trị rất xáo trộn lúc đó và giáo sư bảo trợ phải rời Việt Nam. 

Chú thích (2) Cách đánh giá cho điểm học viên, sinh viên và giáo sư tại Hoa Kỳ tại và Việt Nam

Tại Hoa Kỳ, tôi phải đánh giá cho điểm học viên và sinh viên qua nhiều lãnh vực như bài viết hàng tuần sau khi đọc vấn đề do tôi chỉ định đọc, dự lớp và sinh hoạt nhóm, trắc nghiệm giữa khóa, kỳ thi cuối khóa, bài làm bổ túc nếu chưa đủ điểm. Trái lại ở Việt Nam, tôi chỉ đánh giá học sinh qua việc dự lớp đều, kỳ thi lục cá nguyệt và kỳ thi cuối năm, hoặc thi tú tài I và II. Đôi khi tôi phải đánh giá hạnh kiểm để cho phần thưởng. Ở Mỹ điểm của sinh viên phải bảo mật chỉ tôi và sinh viên đó biết  và có 5 cấp từ A đến F, trong khi ở Việt Nam điểm được công bố cho cả lớp và được xếp hạng từ 0 cho đến 20.

Tại Mỹ, sau khi vào chính ngạch (biên chế) hay ngay cả khi tôi dạy học bán thời gian cho sinh viên, kể cả những sinh viên cao học khải đạo tại đại học Portland State, tôi cũng chỉ bị đánh giá và kiểm soát bởi tất cả sinh viên trong những lớp tôi dạy mà không bị khoa trưởng hay trưởng hội đồng ban Anh Văn hay ban khải đạo kiểm soát  theo dõi, nâng đỡ khuyên nhủ nữa. Một điểm cần nhấn mạnh việc đánh giá và phê bình của sinh viên Mỹ rất khác với học sinh "khăn đỏ" công an chỉ điểm ở Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Những bản phê bình đánh giá việc dạy học của tôi vào giữa và cuối khoá học thường chú trọng vào việc học sinh và sinh viên học được điều muốn học ở lớp nhiều hay ít và nếu tôi đổi cách dạy hoăc nội dung dạy thế nào thì hợp và dễ học hơn với họ. Tôi đã học hỏi và thăng tiến cách dạy học rất nhiều với những phê bình xây dựng này. Tuy nhiên ở đại học công đồng đôi khi tôi cũng gặp những sinh viên Mỹ lười biếng, không học  nhưng vẫn muốn đậu để tiếp tục hưởng trợ cấp tài chính (financial aid).

Tại Việt Nam giáo sư cho điểm theo những tiêu chuẩn bộ giáo dục đề ra qua sách giáo khoa và những kỳ thi toàn quốc, do đó thầy cô chỉ cần theo những tiêu chuẩn đó để cho điểm. Tại Mỹ mỗi học khu (school district) đều ấn định sách giáo khoa khác nhau và có những tiêu chuẩn khác nhau tùy thuộc hoàn cảnh kinh tế và chính trị địa phương. Trên đại học giáo sư tự đặt tiêu chuẩn cho điểm dựa vào hội đồng giáo sư ngành chuyên môn của mình, căn cứ trên những đòi hỏi của vùng của trường (thí dụ vùng Tây bắc Hoa Kỳ). Học sinh Mỹ được đánh giá qua nhiều lãnh vực khác nhau không phải chỉ một cách là thuộc lầu sách giáo khoa một cách từ chương như ở Việt Nam. Sau hết đối với những tiêu chuẩn và lãnh vực đánh giá sinh viên ở Mỹ tôi luôn nhớ phải viết rõ ràng từng phần một ngay trên lịch trình khoá học (syllabus) phát cho sinh viên ngay ngày đầu tiên để tránh tranh cãi, kiện tụng khi sinh viên bị điểm thấp nhất là khi bị điểm D, F, hay No-Pass.

Chú thích 3) Vấn đề kỷ luật ở học đường tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ

Vấn đề kỷ luật cũng rất khác khi so sánh giáo dục Việt Nam với Hoa Kỳ . Ở Việt Nam nhấn mạnh tới những quy luật kỷ luật theo từ trên xuống dưới thấm nhuần văn hoá Khổng Mạnh, trên dưới trước sau (quân, sư, rồi mới đến phụ). Học sinh phải học đức dục và luân lý từ bậc tiểu học. Phần thưởng tuyên dương cuối năm có phần hạnh kiểm rất quan trong. Ngược lại, kỷ luật tại Hoa Kỳ rất dân chủ, bình đẳng và tôn trọng tất cả tính đa văn hoá, tự do tôn giáo và luân lý đức dục của từng học sinh, từng gia đình và từng nhóm sắc tộc cũng như tôn giáo. Do đó, những trường tiểu học và trung học công lập tại Hoa Kỳ không dạy đức dục và công dân giáo dục. Điều cốt lõi là phải theo luật lệ để giữ trật tự từ hiến pháp Hoa Kỳ, hiến pháp tiểu bang và những chính sách kỷ luật do thành viên dân biểu từng khu học chính (school district board members) do phụ huynh của mọi tôn giáo chủng tộc và tầng lớp giai cấp bầu chọn ấn định. 

Chú  thích (4) Bằng BA  và bằng BS trường  Portland State University (PSU)

 Sinh viên trường   PSU chọn ngành nhân văn (humanities) và khoa học xã hội (social sciences) khi hoàn tất bằng cử nhân có thể chọn lấy BS (Bachelor of Science) khi hoàn tất 1 lớp toán hay toán thống kê trình độ đại học. Nếu chọn lấy  bằng BA (Bachelor of Art) phải hoàn tất hai năm ngoại ngữ hoặc đậu kỳ thi tương đương trình độ học hết năm thứ hai của một ngoại ngữ. (5) 

 

 

Bài Trích Dẫn Trên Mạng (Retrieved from the Internet)

(1) Giáo sư Nguyễn văn Lục trên website Ngô Quyền (Truy cập lại được ngày 10-01-2019):

http://www.ngo-quyen.org/a705/gs-nguyen-van-luc-nhin-lai-viec-thi-tu-tai-o-viet-nam-truoc-1975

(1 B) Xin xem thêm bài của GS Nguyễn Văn Lục (Truy cập lại  được ngày 11 tháng 1 năm 2019): 

http://www.ngo-quyen.org/p79a5514/2/gs-nguyen-van-luc-mot-so-kinh-nghiem-ve-20-nam-nen-giao-duc-mien-nam-phan-2-

 

(2) De Saussure bằng tiếng Anh (Truy cập lại được ngày 10-01-2019):

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ferdinand_de_Saussure

(3) Giáo sư Đàm Trung Pháp về việc dạy ESL tại Mỹ (Truy cập lại được ngày 10-01-2019):

http://viethocjournal.com/2018/12/ngo-lai-loi-hoc-tieng-anh-thuo-ay-va-uoc-chi/

(4) Giáo sư Chu Hảo và Giáo sư Ngô Bảo Châu phê bình gay gắt nhưng xây dựng của hai GS Ngô Bảo Châu và Chu Hảo nghiên cứu khoa học tại VNXHCN trên utub sau đây, Truy cập lại được ngày 08-01-2019):   

http://www.youtube.com/watch?v=mLoKRXAWR70

 

(5) Bằng BA hay BS ở PSU (Truy cập lại được ngày 10-01-2019):

http://www.pdx.edu/advising/bachelor-arts-bachelor-science-bachelor-music-bachelor-fine-arts

 

(6) Bác Sỹ Kinzie bằng tiếng Anh  (Truy cập lại được ngày 20-01-2019):

http://www.ohsu.edu/people/jdave-kinzie/480374DFF74846CE8FC1E56C5967E2F9

(7) Tiến sỹ Spero Manson bằng tiếng Anh  (Truy cập lại được ngày 20-01-2019):

http://www.ucdenver.edu/academics/colleges/PublicHealth/research/centers/CAIANH/GUMSHOEprogram/biosketches/Pages/Spero-Manson.aspx

 

(8) Carl Rogers, Giáo dục nhân vị trọng tâm (person centered) bằng tiếng Anh (Truy cập lại được ngày 04 tháng 1 năm 2019):  

http://www.ibe.unesco.org/sites/default/files/rogerse.PDF

(8A) ) Carl Rogers, Encounter group, T group Therapy bằng tiếng Anh (Truy cập lại được ngày 04 tháng 1 năm 2019):  

 

(9) Thuyết hành vi trong giáo dục (Truy cập lại được ngày 04 tháng 1 năm 2019):  

http://vietpsy.wordpress.com/2011/10/08/vi-sao-nguoi-ay-van-chua-ngo-loi-hen-ho/

 

Sách tham khảo (References)

 

 

          Dewey, J. (2011) Democracy and Education. Milton Keynes: Simon and Brown.

Hofstede, G. (1983). Dimensions of national culture in fifty cultures and three regions. In G. B. Deregowski, S. Dziurawiec, & R. C. Annis (Eds.), Expiscations in cross-cultural psychology (pp. 335-355). Lisse, the Netherlands: Swets & Zeitlinger.

Kinzie, J. D., Manson, S. M., Do, T. V., Nguyen, T. T. L., Bui, A., & Than, N.P. (1982). Development and validation of a Vietnamese language depression rating scale. American Journal of Psychiatry, 139, 1276-1281.

          Rogers, C. and Freiberg, H. J. (1993) Freedom to Learn (3rd edn.), New York: Merrill. 

          Vuong, T.; Moore,J. (2003) Colloquial Vietnamese (4th edn.) Routhledge, New York: New York

 

 

 

14 Tháng Bảy 2019(Xem: 11028)
cuộc tranh cử làm ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn khốc liệt với những cuộc tranh luận gay gắt giữa những chuẩn ứng cử viên trong cùng một chánh đảng.
30 Tháng Ba 2019(Xem: 9477)
Cho nên, nay kết quả cuộc điều tra mang lại thắng lợi cho TT Trump và đảng Cộng Hòa cầm quyền - nếu không gì xảy ra bất ngờ - thì TT Trump sẽ tái đắc cử dễ dàng hơn trước đây.
28 Tháng Hai 2019(Xem: 10826)
Một số nhận định sau đây về tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, đức dục, và triết lý giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ qua thu thập tài liệu rất hạn hẹp và kinh nghiệm cá nhân của tôi do đó rất chủ quan...
25 Tháng Hai 2019(Xem: 9337)
Có lẽ hi hữu nhứt cho một Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Tế là - trong thời đại hàng không bay chớp nhoáng - có một phái đoàn dùng phương tiện giao thông "thô sơ" bằng xe lửa
25 Tháng Hai 2019(Xem: 10297)
Bài viết sau đây chỉ là một số thu thập tài liệu và nhận xét hạn hẹp rất chủ quan của tôi về giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ do đó có thể có nhiều thiên kiến.
05 Tháng Hai 2019(Xem: 9563)
Thực vậy nhìn lại dòng lịch sử VN trên 4000 năm sẽ thấy có nhiều năm Kỷ Hợi "đặc biệt" đối với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Điển hình nhứt là 2 biến cố lịch sử:
04 Tháng Hai 2019(Xem: 10697)
Vốn là người lạc quan nên người viết có nhiều mong đợi và tin tưởng vào tương lai con người và gia đình Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước.
26 Tháng Giêng 2019(Xem: 10109)
Thiện ý bao giờ cũng trang bị đầy đủ. Thiện chí bao giờ cũng có thừa. Chinh vì cái có thừa đó mà trong triết học tôn giáo mới có một nhận xét mỉa mai như sau: Ở dưới Hỏa ngục thì đầy những kẻ có thiện chí.
19 Tháng Giêng 2019(Xem: 9640)
Hay nói theo kiểu triết lý hiện sinh: Hỏa ngục chính là cái nhìn của kẻ khác. Nhìn cây thấy rừng, phải rồi. Nhưng đôi khi phải vào rừng mới biết cây thế nào.
12 Tháng Giêng 2019(Xem: 10489)
Nụ cười của bậc Giác Ngộ là nụ cười của đức Phật đã thành. Còn nụ cười của chúng ta là nụ cười của Người Giác ngộ sẽ thành vậy.
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 10132)
Như vậy hy vọng trong Năm Mới, độc giả thưởng thức được một tác phẩm có cái nhìn hoàn toàn mới về truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà bỏ qua không đọc thì rất uổng.
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 17933)
Tuy đề tài là như vậy, nhưng không phải chờ đến năm mới chúng ta mới làm mới cuộc sống của chúng ta, mà chúng ta có thể làm mới cuộc sống của chúng ta bất cứ lúc nào khi chúng ta tỉnh ngộ.
17 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 9545)
Hình như đây là nỗi đau khốn khổ nhất đời bà mà không có chỗ bù trừ. Mất con, hầu như mất cả cuộc đời còn lại.
02 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 9788)
Trong gần 2 năm qua, mỗi khi có một hội nghị quốc tế thượng đỉnh thì luôn luôn có những diễn tiến bất ngờ mà hiếm ai có thể tiên đoán trước được.
01 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8116)
Cho nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn thấm thía khi đọc mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khi viết về Chợ Đồng. Cũng như sau này, tôi có dịp được sống trọn vẹn những phiên chợ miền cao mà tôi đã mô tả trong truyện Dì Xinh.
18 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9433)
Việc tranh chấp giữa Cố Tế và cô Mến đã qua đi như nước chảy qua cầu và hầu như chỉ còn là câu chuyện của mấy người luống tuổi trong làng từng chứng kiến hay nghe kể lại.
12 Tháng Mười Một 2018(Xem: 4880)
Chửi đã hay mà chúc dữ như thế cũng không chê vào đâu được. Phần bà Trùm làm dấu Thánh Giá xin Chúa rộng lòng thương xót cất tội cho mọi người.
11 Tháng Mười Một 2018(Xem: 9613)
So sánh với các cuộc bầu cử giữa kỳ trong quá khứ,- nhứt là cuộc bầu cử 2014 dưới thời TT Obama - lần này dưới thời TT Trump thì quả khác xa.
04 Tháng Mười Một 2018(Xem: 4775)
Lịch sử xây nhà thờ làng Yên Phú là một lịch sử đầy oan trái. Những cánh đồng lúa của bổn đạo mới trong làng – như những luống cầy vỡ đất mà mỗi luống cầy hằn lên những đau thương, tủi nhục và mồ hôi nước mắt.
22 Tháng Mười 2018(Xem: 9365)
Bầu cử giữa nhiệm kỳ TT (midterm elections) là một điểm độc đáo của hiến pháp Hoa Kỳ mà xét ra không có quốc gia nào trên thế giới có được
20 Tháng Mười 2018(Xem: 9962)
Vấn đề tôn giáo và kỳ thị chủng tộc là những đề tài nóng hiện nay. Nó đã gây ra biết bao cuộc chém giết đẫm máu những người vô tội hầu như vô phương giải quyết.
20 Tháng Mười 2018(Xem: 15666)
Đền thờ Tiên Sư tỉnh Biên Hòa xưa (tỉnh Đồng Nai hiện nay) được đặt ở vị trí trang trọng nhất của Trường Tiểu học Nguyễn Du, một ngôi trường trên trăm năm tuổi tại thành phố Biên Hòa.
13 Tháng Mười 2018(Xem: 9509)
Cuộc phỏng vấn trên truyền hình của đài ABC News hôm thứ sáu (12/10) vừa qua với Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump đã gây sôi nổi ...
13 Tháng Mười 2018(Xem: 9425)
Kể từ năm 1970, các buổi lễ chính thức để tưởng niệm nền Đệ nhất Cộng hòa -tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm- đã được tổ chức công khai ở Saigon.
07 Tháng Mười 2018(Xem: 9336)
Thực vậy cuộc biểu quyết tín nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện được ghi nhận gay go, rắc rối, ồn ào và kết quả thay đổi bất ngờ & mong manh nhứt trong lịch sử Mỹ.
05 Tháng Mười 2018(Xem: 5299)
Ông còn nhắc nhở làm sao quên được những câu thơ của Tố Hữu, nhà thơ chính thức của Đảng đã viết vào năm 1953, khi Stalin chết.
30 Tháng Chín 2018(Xem: 9130)
Tính đến nay, Đức Phật đã nhập diệt 2,562 năm, nhưng Giáo Lý cao siêu mà Ngài đã dày công hoằng dương trong 45 năm dài vẫn còn lưu lại cho nhân thế.
28 Tháng Chín 2018(Xem: 10200)
Về hai cuốn sách tiếng Anh và Pháp có thể nói rõ bản tiếng Pháp là bản dịch từ bản tiếng Anh. Có thể có một hai chỗ sửa đổi của Bùi Tín theo như lời nói đầu...
23 Tháng Chín 2018(Xem: 4609)
Thực tập Pháp Như Thật chúng ta rút kinh nghiệm để huấn luyện cái Tâm của mình. Quan trọng là làm sao cho Tâm luôn an trú trong "bây giờ và ở đây"
21 Tháng Chín 2018(Xem: 10723)
Bùi Tín đã vĩnh viễn ra đi tại Paris. Cát bụi đã trở về cát bụi cho một kiếp nhân sinh, nhưng tiếng và tăm qua ngòi bút của ông còn ở lại.
14 Tháng Chín 2018(Xem: 8376)
World Cup 2018 đã chấm dứt. Nước Pháp đoạt giải vô địch bóng đá thế giới. Kỳ tích lần thứ hai đến với nước Pháp sau 20 năm vắng mặt
31 Tháng Tám 2018(Xem: 9047)
Nhớ lại hồi còn thiếu niên, chúng tôi ở trong nội trú với hơn 100 đứa trẻ mà chỉ có ba bàn bóng bàn. Giờ nghỉ ai chơi, ai không chơi? Chúng tôi tự đặt ra hai luật
25 Tháng Tám 2018(Xem: 9612)
Cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm sẽ giúp bạch hóa một số điều đã bị ngộ nhận theo tin đồn hoặc theo những luận điệu bôi bẩn, chụp mũ của một số người.
23 Tháng Tám 2018(Xem: 20032)
Bài viết sau đây chỉ là kinh nghiệm của chính tôi khi làm khải đạo tâm thần, cá nhân, và hướng nghiệp tại thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon trong khoảng thời gian từ năm 1978 tới năm 2007.
18 Tháng Tám 2018(Xem: 9783)
Con đường tu Thiền là con đường đi về ngôi nhà tâm linh của mình. Trên đường đi phải qua nhiều cửa ải. Một trong những cửa ải đó là "năm triền cái".
11 Tháng Tám 2018(Xem: 5484)
Ông Diệm là một người đạo đức, sống như một nhà tu hành, không có tham vọng vật chất và thật sự có lòng yêu nước, thương dân. Ông tự tin vào lương tâm trong sáng
04 Tháng Tám 2018(Xem: 5311)
Nay thì xin đi vào chính nội dung cuốn sách của ông. So ra với lần xuất bản trước, 1998, lần này dày hơn đến 100 trang. Điều gì đã thêm vào như thế?
04 Tháng Tám 2018(Xem: 5337)
Tóm lại, Tu Phật giúp cho Thân Tâm chúng ta được hài hòa, Tâm chúng ta được sáng suốt và cõi lòng chúng ta luôn từ bi cởi mở.
25 Tháng Bảy 2018(Xem: 6046)
Nhân dịp Vĩnh Phúc cho tái bản cuốn: Những Huyền Thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, tôi ghi lại một phần nội dung cuộc mạn đàm liên quan đến quyển sách mới tái bản của ông.
23 Tháng Bảy 2018(Xem: 5220)
Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cõi đời đầy nhiễu nhương này.
22 Tháng Bảy 2018(Xem: 4959)
Ở đời phàm việc gì cũng có nguyên nhân của nó, không phải tự dưng mà niềm vui nỗi buồn cứ vây quanh lấy mình. Vì thế muốn thoát khỏi những phiền não khổ đau,...
14 Tháng Bảy 2018(Xem: 19343)
Chánh Niệm được xem như là cội nguồn, là gốc rễ để Tâm được an tịnh. Khi tâm an thì thân khoẻ và trí tuệ sáng suốt hơn.
12 Tháng Bảy 2018(Xem: 9017)
Sử Việt nhìn lại là một nỗ lực của tác giả với tham vọng là muốn đặt lại những dữ kiện lịch sử vốn đã trở thành nếp sồng, nếp nghĩ theo lối mòn suy nghĩ đã đóng băng, hoặc được coi như những sự thật không cần bàn cãi nữa.
08 Tháng Bảy 2018(Xem: 5293)
Phước và Huệ gọi là "Phước Huệ Song Tu". Cả hai phương pháp Tu này hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho đời sống hiện tại của chúng ta được an ổn hạnh phúc.
07 Tháng Bảy 2018(Xem: 4975)
Vào cuối tháng 3, năm 2012, theo lời kể lại của Giovanni Maria Vian đã tháp tùng Giáo Hoàng trong hai chuyến đi thăm Mexique và Cuba, Giáo Hoàng Benoit XVI tỏ ra hết sức mệt mỏi và kiệt sức. Và chính ở thời điểm này, ngài nghĩ tới quyết định từ chức.
26 Tháng Sáu 2018(Xem: 10185)
Đã thế, những người của Maifia đã đóng trọn vẹn hai vai trò băng đảng tội phạm và người công giáo thuần thành cùng một lúc. Giết ai cũng được, nhưng không được giết các linh mục.
22 Tháng Sáu 2018(Xem: 4753)
... lời tuyên bố của Mussolini tuyên bố ngày 20 tháng ba-1945 như sau:” Không ai có thể xóa bỏ được 20 năm lịch sử của chủ nghĩa Phát Xit tại nước Ý”.
15 Tháng Sáu 2018(Xem: 8862)
Trước 1975, dân miền Nam VN thường chỉ nghe nói và biết về Mafia qua cuốn Godfather của Mario Puzo do Ngọc Thứ Lang dịch.
09 Tháng Sáu 2018(Xem: 8888)
Nước Vatican vỏn vẹn có 44 mẫu vuông- một nước có thể không thể nhỏ hơn. Nhưng lại có một thẩm quyền tinh thần và đạo đức hầu như được toàn thể thế giới nhìn nhận.
01 Tháng Sáu 2018(Xem: 10295)
Khi đã hiểu sanh tử như thế nào, hiểu sự sống từ đâu đến và chết đi về đâu, thì đối với sự sống, chúng ta không tham cầu bởi chúng ta biết tấm thân ngũ uẩn này không thực chất tính
26 Tháng Năm 2018(Xem: 9992)
Người nào kinh nghiệm được trạng thái Niết Bàn là người đó thoát khổ, giải thoát. Như vậy Niết Bàn không phải ở đâu xa mà nó ở ngay trong tâm của người liễu đạo bây giờ và ở đây!
28 Tháng Tư 2018(Xem: 11511)
Biến cố 30.04.1975 xảy ra quá bất ngờ đối với toàn thể dân VN chúng ta. Từ cấp lãnh đạo cho đến người dân bình thường của cả 2 miền Nam Bắc không ai cảm thấy hoặc đoán trước được chuyện sẽ xảy ra.
20 Tháng Tư 2018(Xem: 10403)
Gia tài văn học của Sagan để lại khá đồ sộ. Khoảng 30 cuốn tiểu thuyết, 9 vở kịch. Cộng chung ngót nghét 50 chục tác phẩm..Nhiều cuốn chuyện đã được dịch ra đến 15 thứ tiếng.
14 Tháng Tư 2018(Xem: 10070)
Cuộc đời của Sagan có thể tóm tắt bằng mấy chữ : Vinh quang và xì căng đan với những phiêu lưu đủ loại với 5 lần đối diện với tử thần.
06 Tháng Tư 2018(Xem: 10088)
Bà đã chọn biệt hiệu lấy lại trong tác phẩm của Proust, một tác giả được bà ưa chuộng: Hélie de Talleyrand Périgord, princesse de Sagan.
30 Tháng Ba 2018(Xem: 9276)
Ngoài ra, bài viết này chỉ nhằm tìm chỗ đứng của TLVĐ trong văn học. Những chi tiết về giai đoạn thế hệ văn học sau 1954 ở miền Nam ...
23 Tháng Ba 2018(Xem: 8636)
điều cần thiết là tìm hiểu xem sự đóng góp cho văn học của Nam Phong ra sao và sự khác biệt giữa Nam Phong và TLVĐ như thế nào?
16 Tháng Ba 2018(Xem: 8348)
Điều chúng ta chưa biết thì có nhiều hy vọng là một ngày nào đó chúng ta sẽ biết. Nhưng sợ nhất là những điều chúng ta đã có sẵn trong tay tưởng như sự thật.
11 Tháng Ba 2018(Xem: 11355)
Thực vậy cả năm qua từ khi TT Trump cầm quyền, cả hai bên Mỹ và Bắc Hàn có rất nhiều hành động và lời nói khiêu khích đối chọi thiếu điều muốn tấn công bằng võ khí nguyên tử giết nhau.
09 Tháng Ba 2018(Xem: 8990)
Ngày nay nhìn lại, chúng ta mới thấy được tư tưởng tiến bộ của giám mục Adriano, quyết tâm bảo vệ cho tính “chính đáng” cũng như “ tính chất cùng tồn tại” ...
02 Tháng Ba 2018(Xem: 8522)
Giám mục Adriano thuộc tu hội dòng Augustine chân đất, hay còn được gọi là Dòng Augustine Chiêm niệm.
15 Tháng Hai 2018(Xem: 4824)
Bắt gặp một tài liệu cổ và hiếm thì đó là một điều thích thú. Trong chỗ riêng tư, đó có thể còn là một nỗi vui, môt niềm hân hoan.
09 Tháng Hai 2018(Xem: 5446)
Đây là tập tài liệu ghi lại những chứng từ của các nhân chứng như các người Âu Châu, nhất là các thừa sai ngoại quốc ...
03 Tháng Hai 2018(Xem: 10206)
Con người do Thân và Tâm hợp lại mà thành nên Thân và Tâm lúc nào cũng đi liền với nhau như hình với bóng, vì thế hễ Thân đau thì Tâm khổ.
02 Tháng Hai 2018(Xem: 9320)
Trương Vĩnh Ký không cho biết voi “xuất trận” từ đâu? Đây là câu hỏi thiết yêu quan trọng nhất mà người viết bài này không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.
26 Tháng Giêng 2018(Xem: 4715)
Ngày nay, sự hiểu biết về đời sống các thú hoang đã có thể ở trong tầm tay của bất cứ ai muốn tìm hiểu các sinh hoạt của chúng qua các tài liệu sách báo hay phim ảnh.
19 Tháng Giêng 2018(Xem: 4201)
Thảo Trường vừa là một thiếu tá trong quân đội VNCH, vừa là một nhà văn với tác phẩm “Thử Lửa”, rồi “Chạy trốn” và nhất là tập truyện “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp”.
13 Tháng Giêng 2018(Xem: 9376)
Vì thế con người sống ở đời phải sống sao cho xứng đáng. Phải biết sống một cách thiện lương. Làm lành lánh dữ. "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành".
12 Tháng Giêng 2018(Xem: 8789)
Nam Cao là một nhà văn nhân bản lớn, một nhà văn vượt mọi kích thước thông thường. Ông mang theo một sứ điệp phản bác tất cả những trào lưu tư tưởng, ...
05 Tháng Giêng 2018(Xem: 8154)
Trong khi đó không có người kế thừa chỗ của những kẻ đã ra đi. Ghế trống mỗi ngày một nhiều không ai ngồi thay thế. Ai có thể thay thế được những người ấy?
29 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8841)
Như thế cho thấy, tác giả viết bài còn có giá lắm chứ! Hơn 10 năm sau, Nguyễn Văn Trung ngưng cầm bút, nay sống lủi thủi ở nột góc nhà, không một bạn bè, it ai thăm hỏi. Và hoàn toàn bị rơi vào quên lãng!
23 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9238)
Họa Phước cũng do chúng ta làm chủ, không ai ban Phước giáng Họa cho chúng ta, vì thế chúng ta sớm thức tỉnh để chọn lối sống thích hợp ở đời này...
22 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8400)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo
15 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8518)
Điều chắc chắn là người miền Nam sau này có thể tự hào bởi vì họ có được một thứ văn minh, văn hóa riêng cho họ –
09 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 10125)
Con người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc, và dĩ nhiên ít hay nhiều gì ai cũng có hạnh phúc. Hạnh phúc đến với mỗi người tuỳ theo môi trường sống và quan niệm sống
08 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8633)
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đóng góp cho triết học và văn học miền Nam với nhiều tác phẩm đủ loại.
02 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 5146)
Bài giảng này của CHS Ngô Quyền VÕ KIM HUÊ, Khoá 10 (bút hiệu Trần Kim Vy) muốn chia sẻ cùng Thầy Cô và các bạn cũ đồng môn không phân biệt tôn giáo.
01 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 8621)
Đó là tất cả di sản tinh thần của một cuộc đời cầm bút miệt mài của một người trí thức miền Nam trong 20 năm.
24 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8900)
Vĩnh biệt anh Lê Phụng, một con người trên muôn người. Và nay cả Thiên đàng và Niết Bàn đều có giấy mời anh vào.
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 14123)
Trong một xứ mù thì kẻ chột làm vua. Nước ta là nước dân chủ nhất thế giới nên kẻ dù ngu nhất cũng có cái quyền được ngu.
10 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8102)
Sự biện minh cho một hành động hay một quyết định chỉ chính đáng khi người ta xác tín đó là môt lý tưởng.
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 23883)
Thực sự Bức Tường Bá Linh trong ngày đó không bị bị bạo lực phá sụp. Lực lượng biên phòng Đông Đức được lịnh cho mở cửa bức tường... Đây là một đặc điểm ly kỳ của cuộc cách mạnh hi hữu này: rất ôn hòa
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4128)
Giữa Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, họ chẳng những coi nhau như đồng chí mà còn như ruột thịt máu mủ.
28 Tháng Mười 2017(Xem: 19587)
Tóm lại, Chúng ta tu tập để làm chủ Nghiệp, không cho phép Nghiệp làm chủ dẫn dắt chúng ta vào con đường xấu.
27 Tháng Mười 2017(Xem: 10238)
Miền Nam sẽ được sống những ngày an bình khỏi bị họ quấy rối. Tiếc thay chúng ta đã không làm.
20 Tháng Mười 2017(Xem: 8621)
Tôi tự hỏi bao giờ thì họ hết ảo tưởng và giấc mơ về một chủ nghĩa xã hội cộng sản?
13 Tháng Mười 2017(Xem: 8239)
Ai được gọi là nằm trong Lực lượng thứ ba? Nhóm nào được gọi là lực lượng thứ ba? Tổ chức của nó là gì? Ai là người lãnh đạo? Bấy nhiêu câu hỏi, nhưng không có câu trả lời trọn vẹn!!
07 Tháng Mười 2017(Xem: 9658)
Người sống với Thiền là người an trú trong chân tâm thường trụ của mình, tức luôn sống với chánh niệm một cách tự nhiên.
06 Tháng Mười 2017(Xem: 4457)
Trường hợp Nguyễn Văn Trung không phải là người duy nhất mà có thể có cả trăm người khác cũng hành xử như vậy.
29 Tháng Chín 2017(Xem: 4890)
Nếu những trí thức ấy mê Mác xít coi như con đường giải phóng dân tộc, vọng ngoại thì có khác gì giới trẻ mê, theo đuổi lối sống Hippie và nhạc kich động?
22 Tháng Chín 2017(Xem: 18482)
Cuộc bầu cử quan trọng nhứt của nước Đức sẽ xảy ra vào chúa nhựt 24 tháng 9 tới này. Đó là cuộc bầu cử quốc hội liên bang và qua đó sẽ quyết định ai được tín nhiệm làm Thủ Tướng trong nhiệm kỳ tới
22 Tháng Chín 2017(Xem: 3878)
Ngày 18 tháng 8 vừa qua, bộ sách Lịch Sử Việt Nam được công bố và sau đó được đài BBC tổ chức hội thoại bàn tròn và mời một số vị phát biểu về bộ sách này.
15 Tháng Chín 2017(Xem: 12376)
Khi còn ở Quảng Ngãi, thiếu tá Nguyễn Bé là người chủ trương đổi các chương trình huấn luyện Biệt Kích Nhân Dân ở Quảng Ngãi năm 1964 để huấn luyện hoạt động bình định..
08 Tháng Chín 2017(Xem: 9509)
Trong cuốn Hồi ký viết chung với Dương Đình Lôi, “Hai ngàn ngày đêm trấn thủ Củ Chi” (gồm 7 quyển, 2250 trang)
03 Tháng Chín 2017(Xem: 17431)
Đây chính là người cư sĩ của Đức Phật. Từ Pháp hoá sanh, là người thừa tự Pháp, không thừa tự vật chất.
01 Tháng Chín 2017(Xem: 8245)
Hoàn cảnh tại Quảng Ngãi cũng có thể suy rộng ra địa bàn cả nước. Hóa ra kẻ tội phạm chính vẫn là gian thương, tham nhũng.
25 Tháng Tám 2017(Xem: 13558)
Chinh chiến là điều bất đắc dĩ. Bằng cách nào đó bớt được chuyện binh đao, máu đổ, đầu rơi là chuyện ai cũng muốn làm.
19 Tháng Tám 2017(Xem: 16537)
Ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Lương Vỵ sẽ đưa chúng ta chạm trán điều gì qua ba đoản khúc trong sự liên hoàn hoài niệm của bài thơ Niệm Khúc?