Nhà báo, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
2014-09-20
Trong chương trình Văn hóa Nghệ thuật tuần này chúng tôi xin được dành riêng cho nhà báo, nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng, ông vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 50 sáng thứ Bảy 13/9/2014 tại San Jose California.
Bắt đầu từ nghề giáo
Tiểu sử nhà văn cho biết ông sinh năm 1940 tại Nha Trang. Ông tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 1961. Bắt đầu nghề giáo tại trường Ngô Quyền Biên Hòa, sau đó về Sài Gòn dạy triết ở Petrus Ký từ năm 1962 cho đến năm 1975.
Nguyễn Xuân Hoàng được biết đến trước nhất khi giữ vai trò Tổng thư ký báo Văn, một tạp chí văn học giá trị thời Việt Nam Cộng Hòa trong vòng ba năm từ 1972 đến 1974. Sau khi đến Mỹ định cư ông tiếp tục sinh hoạt trong làng báo chí hải ngoại. Ông là Tổng thư ký của báo Người Việt trong suốt 13 năm. Sau đó hợp tác với hệ thống báo San Jose News qua số báo tiếng Việt có tên Viet-Mercury trong vai trò Tổng Thư Ký của báo này trong suốt 7 năm, sau đó làm Tổng thư ký báo Việt Tribune cũng rất thành công cho tới khi lâm trọng bệnh.
Những truyện ngắn đã xuất bản của ông gồm: Mù Sương, Sinh Nhật, Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu. Tùy bút, Tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ. Truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo, Sự Đã Rồi của Jean-Paul Sartre (Les Jeux sont Faits, dịch chung với Trần Phong Giao)
Sau 1975 ông cho ra mắt truyện dài Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Căn Nhà Ngói Đỏ, Bụi Và Rác.
Riêng các tác phẩm Lửa hay Người Đi Trên Mây tập III, tùy bút Ai Cũng Cần Phải Có Một Bà Mẹ và Sổ Tay Văn Học vẫn nằm chờ xuất bản trong ngăn kéo của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Bố của anh là một thủy thủ và trong một chuyến đi ông dừng lại tại Thượng Hải và trong lần dừng chân ấy ông quen một phụ nữ Trung Hoa, sau này chính là mẹ của Nguyễn Xuân Hoàng, tức là anh có giòng máu Trung Hoa theo như lời anh kể với tôi.
-Nhà văn Viên Linh
Nhà văn Viên Linh, chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Khởi Hành từ trước năm 1975 vẫn còn tiếp tục phát hành tại hải ngoại đến nay cho biết những mới giao tình của ông đối với nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng như sau:
“Tôi biết nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từ năm 1960. Lúc ấy anh còn làm thơ chứ chưa viết văn. Có một tình cờ khi một bài thơ của tôi tự dưng xuất hiện trên báo Hiện Đại của nhà thơ Nguyên Sa. Kề bên trang thơ với tôi có tên một người chưa bao giờ tôi biết, tác giả ký tên là Hoang Vu mà sau này tôi mới biết Hoang Vu chính là Nguyễn Xuân Hoàng. Sau đó chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau nhưng cũng từ đó anh Hoàng không bao giờ còn ký cái tên Hoang Vu nữa để quay ra viết văn.
Tới năm 1972 khi Hoàng làm thư ký tòa soạn báo Văn thì anh có đề nghị với tôi là làm một cuộc phỏng vấn dưới hình thức “Va plus loin avec” như tờ L’express là tờ báo mà chúng tôi cùng đọc thời đó và anh đã phỏng vấn tôi vào khoảng 17 trang trên báo Văn trong số đặc biệt mà Hoàng làm thư ký tòa soạn.
Một trong những kỷ niệm mà Hoàng nói với tôi nó làm thay đổi cuộc đời của anh. Đó là câu chuyện Hoàng vào học y khoa chứ không phải học triết. Anh học y khoa trong năm đầu anh học cùng với Hà Thúc Nhơn, sau này là bác sĩ, cả hai đánh cược với nhau, Hà Thúc Nhơn thách anh Hoàng làm một chuyện gì đó mà tôi không thể kể lại ở đây, nếu Hoàng dám làm thì Hà Thúc Nhơn sẽ đãi phở cho Hoàng một tháng. Hoàng đã làm và vì làm chuyện đó nên hậu quả là anh phải ngưng học ngành y để sang ngành Triết vì có dính líu đến một phụ nữ người Pháp trong trường y khoa. Điều này để lại một dấu vết lớn trong đời anh.
Những kỷ niệm đó nó in dấu trong đời anh. Một trong những kỷ niệm nữa mà một hôm tình cờ Hoàng nói với tôi, đó là ông bố của anh là một thủy thủ và trong một chuyến đi ông dừng lại tại Thượng Hải và trong lần dừng chân ấy ông quen một phụ nữ Trung Hoa, sau này chính là mẹ của Nguyễn Xuân Hoàng, tức là anh có giòng máu Trung Hoa theo như lời anh kể với tôi. Tôi không biết chuyện đó thực hư đến đâu nhưng những điều đó tôi không thấy ở đâu nói tới cả và tuy chưa ai viết tôi đã viết ra chuyện đó trên số Khởi Hành do tôi là chủ nhiệm, chủ bút số đặc biệt về Nguyễn Xuân Hoàng vào năm 2012 tức cách đây mới hai năm.”
Trong một lần trả lời đài Á Châu Tự Do trước đây nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ kinh nghiệm làm báo của ông từ khi rời Việt Nam cho tới khi hợp tác với tờ Việt Tribune tại miền Bắc California như sau:
“Là một người đã từng làm việc cho tờ nhật báo Người Việt với tư cách Tổng thư ký và sau đó cũng là Tổng thư ký cho tờ Viet-Mercury thì việc điều hành bài vở của hai tờ báo có nhiều điểm hơi khác nhau. Ví dụ như trong khi làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt thì cái lượng tin tức hàng ngày được coi như là chính và việc đi tìm bài vở bài nằm để trám vào những trang đặc biệt thì phần đó được nhiều người đóng góp hơn. Trong khi làm cho tờ tuần báo Viet-Mercury mình phải chuẩn bị không những chỉ vài số báo mà còn chuẩn bị các chủ đề cho toàn năm, chẳng hạn tháng nào thì phải có chủ đề nào. Những đề tài nào có tính cách hơi friendship thì mình liên lạc với tác giả những người có thể viết bài trong đề tài đó và trao đổi với nhau để khi số báo đó ra đúng vào ngày giờ đó sẽ đúng với chủ đề đó.
Một điểm tôi cho là có khác biệt khi làm tờ Người Việt, có thể do thói quen của một người làm báo Việt Nam cho nên sự cân bằng về mặt phân tích, ý kiến đôi khi có hơi thiên về một phía, hoặc phía này hoặc phía kia. Trong khi làm tờ Viet-Mercury thì những người làm trong tờ báo này làm việc trong tinh thần của một tờ báo Mỹ nên mọi ý kiến đưa ra từ của A tới B từ ý kiến chống tới ý kiến bênh vực đều được trình bày trong một bài viết cho nên người đọc có thể thu nhận được.
Thời gian 13 năm làm Tổng thư ký cho tờ Người Việt rồi 7 năm làm Tổng thư ký cho tờ Viet-Mercury tôi học được nhiều bài học mà những bài học ấy tôi nghĩ rằng đóng góp rất nhiều cho việc lèo lái cho tờ Việt Tribune. Nhưng những đóng góp đó là về mặt ý tưởng, hiểu biết hay lèo lái nhưng về mặt thực hiện tờ báo Việt-Tribune thì thú thật đo điều kiện phương tiện khác với tờ Viet-Mercury cũng như điều kiện phương tiện eo hẹp so với tờ Nhật báo Người Việt cho nên rất vất vả. Những điều tôi muốn áp dụng được thì gặp khó khăn
Tôi là người đã từng là Tổng thư ký tạp chí Văn ở Sài Gòn trước năm 1975 tôi nghĩ rằng bản chất của tôi nên làm báo văn tốt hơn báo có tính chất thông tin. Con đường của một tờ báo mang tính thông tin mặc dù tôi không yêu thích thế nhưng bài học tôi học được rất nhiều trong vòng hai mươi năm. Thật tình mà nói thì tờ báo Văn tôi thích hơn cả.”
Thành công trong nghề báo
Nghề báo tại hải ngoại rất hiếm người thành công như nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng đặc biệt sống chỉ một nghề từ khi bỏ nước ra đi là một chuyện hiếm có. Điều hiếm thấy này xảy ra với nhà văn nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng có lẽ do phẩm chất thiên phú làm báo trời dành cho ông, đặc biệt đối với hải ngoại, nơi mà độc giả mỗi ngày một ít đi.
Nhà báo Nguyễn Xuân Nam, chủ nhiệm hệ thống báo Cali Today là người có thời gian rất dài gắn bó với Nguyễn Xuân Hoàng trong nghề báo kể lại những điều mà ông tìm gặp ở người làm báo đàn anh này:
“Tôi có được cái may mắn cùng làm việc với Nguyễn Xuân Hoàng trên dưới 25 năm từ lúc anh còn đang làm cho tờ Người Việt sau đó anh qua tờ Viễn Đông Kinh Tế rồi Mercury News, tờ Viet-Mercury và sau đó là Việt Tribune. Trong suốt 25 năm như vậy hai anh em chúng tôi cộng tác rất gắn bó và quen biết rất thân với nhau.
Có thể nói rằng tôi rất hãnh diện có một người anh của chúng tôi trong làng báo là Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi xem anh Hoàng là một role model, là một người tiêu biểu, một tấm gương, một hình tượng trong giới báo chí tại hải ngoại. Quý vị cũng biết rằng trong bất cứ việc gì đều phải có role model, người mẩu mực trong nghề đó, đối với riêng cá nhân tôi thì anh Nguyễn Xuân Hoàng là một role model.
Anh là một người có khả năng làm báo mà lại rất giỏi. Anh từng làm Tổng thư ký nhiều tờ báo lớn từ trong nước đến hải ngoại mà một trong những tờ báo lớn ở hải ngoại là tờ Người Việt, tờ Viên Đông Kinh tế tờ Viet-Mercury…
-Nhà báo Nguyễn Xuân Nam
Anh là một người có khả năng làm báo mà lại rất giỏi. Anh từng làm Tổng thư ký nhiều tờ báo lớn từ trong nước đến hải ngoại mà một trong những tờ báo lớn ở hải ngoại là tờ Người Việt, tờ Viên Đông Kinh tế tờ Viet-Mercury… chứng tỏ rằng khả năng làm báo của anh Hoàng rất cao. Bên cạnh đó đời sống về giao tiếp với đồng nghiệp. Đạo đức cách sinh hoạt thái độ sống hòa nhã với mọi người không gây tranh cãi. Là người làm báo chúng tôi hãnh diện về anh và xem anh là một người đàn anh. Tôi nghĩ rằng nếu người trong nước, bên kia chiến tuyến, họ nghĩ về một nhà báo như Nguyễn Xuân Hoàng thì tôi nghĩ họ cũng sẽ thán phục. Chúng ta đã mất một nhà báo mẫu mực xứng đáng trong cộng đồng trong giây phút này thì đó là điều đáng buồn.
Trong chuyện làm báo chúng tôi thường có những hợp tác với nhau trong tin tức, trong chia sẻ và khi hợp tác như vậy tôi thấy anh Hoàng có phẩm chất làm báo không những về phía người Việt mà còn có năng lực làm báo khiến cho những tờ báo lớn của người ngoại quốc, chẳng hạn như tờ Việt-Mercury nó nằm trong hệ thống San Jose Mercury News, một hệ thống báo chí lớn hàng thứ hai của nước Mỹ và họ rất trân trọng khả năng của Nguyễn Xuân Hoàng. Điều đó cho thấy rằng trong cộng đồng chúng ta có những anh em làm báo mà tài năng phẩm chất, đạo đức, tư cách rất tuyệt vời, rất xứng đáng như Nguyễn Xuân Hoàng.”
Nhà văn Viên Linh đã trích lại một đoạn văn ngắn của Nguyễn Xuân Hoàng viết về đoạn đời làm báo của mình tại con đường Moran nơi có nhật báo Người Việt mà ông cộng tác suốt 12 năm. Văn phong trong đoạn văn ngắn ngủi này hiền hòa như giòng chảy con sông dưới chân cầu Hà Ra quê hương ông. Moran cũng làm ông nhớ lại con đường Phạm Ngũ Lão, nơi bất cứ một nhà văn nào trước 75 cũng phải biết, ông viết:
“Tôi và con đường Moran của Quận Cam dính vào nhau gần 12 năm trước khi chia tay. Mười hai năm, tôi đã sống và thở với nó. Mùa nắng mùa mưa, mùa nước mắt và mùa hạnh phúc. Sống giữa những bản tin, sống giữa những ngày dài, sống giữa những đêm đen. Con đường Moran như con đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, nó là dòng sông chảy mãi trong tôi như ở quê tôi, con sông chảy dưới chân cầu Hà Ra ngó lên một đỉnh tháp. (…) Những bản in phải bỏ dấu bằng tay trước khi lay-out [trình bày], và những buổi tối dán từng trang trên bản vỗ để mỗi đêm trên đường trở về trời đã mịt đen, đói và lạnh. Và sao mà cô đơn. Mười hai năm là thời gian dài gấp rưỡi thời gian tôi đã ở lại Việt Nam sau tháng Tư 75, và gần gấp ba thời gian tôi ở San Jose làm việc cho một tờ báo mới. (…) Nó đã ghi vào nhật ký tôi những trang tràn ngập niềm vui sau ngày rời trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, và không ít những trang ướt nhòe những vết mực đen. Hình như đời sống con người được đo bằng khốn khó hơn là đo bằng những phút giây hạnh phúc. Phải rồi, chiều dày của nhân cách nào mà chẳng tính bằng sự mất mát hơn là sự thu nhập… Nó nuôi tôi và hủy diệt tôi, nó cho tôi tình bạn, tình yêu nhưng nó cũng cho tôi nỗi bất hạnh và sự phản bội… và tôi khám phá ra cái ánh sáng của nó: con đường Phạm Ngũ Lão ngày xưa đang thở trong tôi”
Giờ đây, nằm lặng yên buông tay từ bỏ mọi ước muốn của thuở thiếu thời, lúc thơ có khả năng đánh thức các giác quan của chàng trai tuổi mới lớn có bút danh Hoang Vu. Có thể Nguyễn Xuân Hoàng vẫn thao thức với bài thơ duy nhất của mình. Tựa bài thơ là Mang Mang… Rất triết và rất hiền mặc dù xa gần đụng tới cái chết…
Mang Mang
Từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi
Hoang Vu (Nguyễn Xuân Hoàng)