Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - ĐI SAO CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU

06 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 71934)
Hoàng Mai Đạt - ĐI SAO CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU

ĐI SAO CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU

 

hmdblog3-large-content


Westminster, 31 tháng Ba, 2013

Ngày xửa ngày xưa – ở tuổi ngũ tuần, đối với tôi thì những chuyện gì đã xảy ra trên một năm đều có thể được xếp vào folder quá khứ “ngày xửa ngày xưa” – tôi có đọc tác phẩm “Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất” của Phạm Công Thiện. Tính cho đến tháng Tư 2013 này, ông mất đã hơn một năm, để lại nhiều sách, bài viết thuộc hạng “cao siêu” vượt quá đỉnh đầu lưa thưa tóc bạc của tôi. Như nhiều người mà tôi từng có dịp nói chuyện, tôi chẳng hiểu ông Phạm Công Thiện viết gì trong những tác phẩm siêu phàm đó. Nói là siêu phàm vì đằng sau những câu văn, lời viết cho dù khó hiểu của ông Thiện, tôi vẫn linh cảm những ý niệm đầy thi tính, đạo vị của ông ở một cõi khác, xa lắc xa lơ cõi ta bà này. Nãy giờ viết lòng vòng như vậy vì tôi có ý mượn tựa “Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất” của ông cho bài viết ngắn, rất ngắn này.

di-cho-het-dem-hoang-vu-content

“Đêm Hoang Vu” của tôi không có gì là siêu phàm, siêu nhiên, siêu thực hay bất cứ cái gì có thể gọi là “siêu” như của ông Thiện, một người được xem là một nhà thơ, nhà văn, nhà triết mà tôi được hân hạnh gọi là “Anh” trong những lần gặp gỡ những bậc đàn anh trong giới viết lách ở chốn Bolsa thời thập niên 1980. “Đêm Hoang Vu” của tôi là những đêm đi bộ của hai vợ chồng chúng tôi. Đã hơn một năm nay, tức là từ “thời xửa, thời xưa,” chúng tôi đi bộ mỗi đêm từ nhà đến một ngôi chùa ở đầu đường trong cùng một khu phố, xong quay về. Ngoại trừ những đêm mưa lớn hoặc xa nhà, chúng tôi “đi đêm” như vậy ngày này qua ngày khác, mùa hè qua mùa đông.

Nhà của chúng tôi “tọa lạc” gần góc đường Magnolia và Hazard, tức là ngay trong khu phố Little Saigon. Nơi đây chắc chắn không là chốn hoang vu, hoang dã khỉ ho cò gáy (hoang mang thì may ra vì nơi đây thường xảy ra lắm chuyện sôi nổi, đấu đá lung tung khiến người ta không biết đâu mà lường, mà hoang đàng thì đương nhiên không đúng, chưa đúng). Chúng tôi có phước, tôi tin vậy, vì được sống gần một ngôi chùa, một nhà thờ trong khoảng cách đi bộ chừng 15 phút. Có lẽ nhờ ở gần những nơi tâm linh như thế, lúc nào cũng thấy Phật, thấy Thánh Giá, chúng tôi luôn được gợi nhắc về một cuộc sống với giá trị đặt bên trên vật chất, được che chở trước những làn hung khí mà lúc nào cũng lăm le, đe dọa cuốn trôi tâm hồn vào những chốn sa đọa, ngục tối. Cũng trong vòng 15 phút đi bộ từ nhà, tôi có thể đi một hướng khác đến một quán cà phê nơi mà hầu như lúc nào (ban ngày) cũng có các “em” tiếp viên trên đôi mươi mặc đồ ngủ rất tươi mát. Một phần vì đã đứng tuổi, một phần vì không hợp với mùi cũng như khói thuốc lá, không chịu nổi những mẩu chuyện tào lao bên ly cà phê của mấy “anh” tóc bạc ngồi quán, nên tôi chưa đến quán cà phê đó bao giờ.

Trở lại với chuyện “đêm hoang vu,” tôi không nhớ rõ vợ chồng bắt đầu đi bộ mỗi đêm đến chùa từ lúc nào. Chỉ biết có một đêm chúng tôi muốn đi bộ để vừa tập thể dục, vừa ghé chùa để được thấy Phật. Lẽ đương nhiên ở đâu cũng có Phật, nhưng đến chùa dễ thấy Phật hơn. Bạn hãy tin tôi đi, đừng kiếm cớ để tránh đi chùa. Tuy không bị “khổ sai” quá đáng như những người bị nhốt trong tù cộng sản, hai đứa chúng tôi cũng “lao động” quần quật từ ngày này sang ngày khác vì chuyện cơm áo, rất hiếm khi có dịp rảnh để cùng nhau đi chùa tụng kinh. Đứa nào có thời giờ thì đứa đó tự lo đọc sách, nghe băng để hiểu thêm về đạo. Trong lãnh vực “tự tu” này thì tôi thua xa vợ. Không chỉ đã bắt đầu chạy trước tôi khá xa, nàng còn thông minh hơn, có trí nhớ khá, đọc đâu nhớ đó. Tôi thuộc dạng cảm nhận đạo nhiều hơn là hiểu đạo, đọc sách hôm trước quên hôm sau, nghe băng giảng năm ngoái năm nay quên tuốt luốt, nghe lại tưởng mới nghe lần đầu, tụng kinh mà thường khi không biết mình tụng cái gì cho dù miệng cũng ê a không thua các bác lớn tuổi. Chẳng hiểu mô tê vậy mà tôi cứ thích đi chùa, lễ Phật.

Với những lý do như vậy, những đêm khuya đi chùa là dịp cho chúng tôi cùng bước chung trên con đường đạo. Đó là dịp cho vợ chồng chia sẻ, giải tỏa những khổ đau, phiền não đè nặng trĩu xuống đôi vai suốt từ sáng sớm đến tối khuya. Công việc ở sở lúc nào cũng căng thẳng, phải đối phó với chủ với đồng nghiệp. Chuyện gia đình luôn có kẻ bệnh, người đau, đứa phá của, đứa báo đời. Đó cũng là thời gian chúng tôi trao đổi một thứ hạnh phúc của vợ chồng già. Hai đứa thường đàm đạo, nêu những thắc mắc, trao đổi, có khi gân cổ cãi cọ về chuyện đạo. Bạn có thể tưởng tượng một cặp vợ chồng ốm ròm, mặc áo ấm ba, bốn lớp, đầu đội nón len, quàng khăn che kín cổ, đi co ro trong cơn lạnh giữa mùa đông mà miệng lại hăng tiết luận bàn chuyện đạo, máu trong người nóng lên như đang thi đấu đô vật sumo.

“Anh thấy tu theo nguyên thủy mới đúng. Phật tu sao thì mình tu y chang vậy, thêm thắt chi cho rườm rà, phát triển kinh điển tùm lum tùm la, dễ trật đường rầy, chẳng bao giờ giác ngộ, giác nghiếc gì hết trơn.”

“Nghĩ vậy chưa chắc đúng à nhen. Phật nói có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Có phát triển mới tạo nhiều cơ duyên cho thêm chúng sanh được tu. Tùy căn cơ mà mình chọn con đường cho thích hợp mà cuối cùng vẫn tới cùng một đích, cho dù gọi đó là vô ngã hay chân không cũng vậy.”

Ai đúng ai sai có lẽ không quan trọng trên con đường đi bộ từ nhà đến chùa của chúng tôi. Hiểu rằng trong muôn vạn kiếp luân hồi, được đi cùng con đường trong cùng một khoảng khắc quả là một hạnh phúc lớn, một phép mầu, huống hồ được đi nhiều đêm như vậy trong hơn một năm trời.

Thường thì chúng tôi bắt đầu đi bộ sau 9 giờ tối, có khi nửa đêm tùy công việc của mỗi đứa. Cuộc đi bộ dài chừng nửa tiếng. Từ nhà nằm trên đường Jennrich, chúng tôi quẹo ở ngã ba đường đến chùa Giác Lý ở góc Titus – Hazard. Đúng ra đây là tịnh xá chứ không phải chùa. Sân trước tịnh xá không đóng cửa, người ngoài có thể bước vào bất cứ lúc nào, nửa đêm hay giữa trưa. Trước các tượng theo thứ tự Quán Âm, Địa Tạng Vương, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc, chúng tôi cung kính lễ lạy. Tôi không biết vợ khấn nguyện như thế nào, riêng tôi, mỗi lần thấy Phật hoặc Bồ Tát, ở tịnh xá này hay ở bất cứ nơi nào khác, tôi luôn tự nhắc mình hãy sống với lòng từ bi, nhẫn nhục, sống cho tha nhân, hãy quên mình, quên cái ngã luôn trỗi dậy để thống trị mọi ý nghĩ, việc làm trong ngày.

Sau khi ghé tịnh xá, lộ trình đi chùa đêm theo hướng kim đồng hồ của chúng tôi tiếp tục qua công viên Westminster. Dạo này thành phố cắt giảm ngân sách nên công viên bị tắt đèn điện vào ban đêm, khiến nơi đây không được sáng như lúc trước. Giữa công viên vắng vẻ, có những đêm chúng tôi vừa đi vừa nghe âm vang pháo bông bừng nổ trên công viên Disneyland từ xa vọng lại, đâu đó sau 9 giờ 30 tối. Có đêm giao thừa, chúng tôi nghe vang rền tiếng pháo đì đẹt của đồng hương đón mừng năm mới sau nửa đêm. Âm thanh và màu sắc của pháo, cho dù rực rỡ, huy hoàng trên không trung hay rộn ràng, hân hoan trước thềm nhà, chúng đều gợi nhắc những niềm hạnh phúc ngắn hạn của kiếp người.

Và cũng có nhiều đêm dưới ánh sáng mông lung hắt từ xe chạy ở góc đường, công viên chìm trong không trung hoàn toàn tĩnh mịch, trầm lắng, chỉ có bóng hai đứa tôi di chuyển đều đặn băng qua một quãng đường đi lại hằng đêm mà tưởng chừng như vô tận, đi hoài không hết. Quãng đường đó có lẽ là con đường đạo nhiệm mầu mà chúng tôi đang lần đi giữa đêm hoang vu không bờ bến của kiếp nhân sinh. Đi từng đêm mà không mong cầu sẽ đến đích, chỉ nguyện được đi trọn với nhau chung một kiếp người.

Hoàng Mai Đạt

nguồn: "http://hoangmaidat.wordpress.com.
"


hmdblog3-large
12 Tháng Bảy 2013(Xem: 60946)
Tôi xin gửi đến thầy cô, bạn bè tâm tư của mình để nhắc nhau còn hai tháng nữa là đúng 50 năm khóa 8 NQ bắt đầu nhập học.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 44227)
Môt ngày vui đã chấm dứt, nhưng cái tình Ngô Quyền vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Cám ơn thầy cô không ngại tuổi già, đường xa đã về đây họp mặt.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 57903)
Tôi quay qua hỏi: "Nhớ Thầy Thể hả?". Cả hai gật đầu. Ai cũng nhớ Thầy hết trơn, hết trọi vậy đó! Thầy ơi!
30 Tháng Năm 2013(Xem: 82522)
Chia tay trong lưu luyến và chúc sức khỏe cho nhau để mong còn được thường gặp mặt Ngày hôm sau, trong lúc ngôi chờ lên máy bay về lại Canada, những hình ảnh thân quí ấy lạị hiện ra
11 Tháng Năm 2013(Xem: 78307)
... đã vì Tình Mẹ Thiêng Liêng mà nói lên tình cảm của người con với Mẹ để mãi mãi MẸ XỨNG ĐÁNG LÀ MỘT TƯỢNG ĐÀI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG trong lòng những người con hiếu thảo.
03 Tháng Năm 2013(Xem: 37280)
Trong phút giây luyến nhớ tôi đã ca lại hai câu vọng cổ “Thà Như Giọt Mưa”, như lời gọi bạn từ miên viễn, khô dần trên tượng đá... Trịnh Khắc Hà, Nguyễn Hữu Hạnh còn đây, nhưng Hà Văn Hai và Nguyễn Hoàng Hải đã yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng
27 Tháng Tư 2013(Xem: 65998)
Không phải là ngẫu nhiên ta rơi vào đời nhau, có phải không ? Cám ơn anh, món quà ưu ái thượng đế trao cho tôi, một người anh tôi tưởng không bao giờ có được...!
20 Tháng Tư 2013(Xem: 67114)
Cứ như thế, anh là người đàn ông tuyệt vời nhất cho cô gái anh hứa chung thủy đến trọn đời, và anh cũng đã là người anh lớn tuyệt vời nhất cho tôi mãi mãi.
19 Tháng Tư 2013(Xem: 81873)
Ngày 4 tháng 7 năm 2013 đang mời gọi. Về cùng nhau khơi lại bầu kỷ niệm , tay xiết chặt niềm vui, để nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà và luôn giữ mãi tình nầy trong câu ca
19 Tháng Tư 2013(Xem: 77693)
Rồi hôm nay sau bao ngày xa cách Đám con xa tưởng nhớ quay về đây Tình thương yêu tràn đầy trong ánh mắt Hướng tương lai ta quyết không hề quên
12 Tháng Tư 2013(Xem: 77227)
Đến với các “cụ” học trò Bê Bốn lần này có cô Đinh Thị Hòa, cô Khương Thị Bàn và các Thầy: Lâm Tấn Văn, Đinh Hữu Quyến, Nguyễn Văn Có.
25 Tháng Ba 2013(Xem: 40343)
Và bây giờ những trang giấy chứa đầy những dòng thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, mà tôi đã từng cặm cụi trong nỗi hân hoan háo hức, chép lại để dành cho riêng mình, giờ đã cũ, rất cũ!
25 Tháng Ba 2013(Xem: 38596)
...Tất cả vẫn còn ở lại bên tôi. Chỉ có thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên là xa mất. Nhưng hề gì, với biết bao điều thi sĩ đã để lại cho đời, cho tôi. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên chẳng hề xa mất. Chẳng xa mất bao giờ...
22 Tháng Ba 2013(Xem: 109760)
Hẹn gặp ngày họp mặt truyền thống Ngô Quyền ngày 4/7/2013, nhất là các bạn trẻ các khóa đàn em cùng về tham dự, cùng góp bàn tay để nhận ra mình không hờ hững với trường xưa.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 101502)
Và như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời cho chồng tôi