Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - MÙA XUÂN THEO MÁY THỜI GIAN

09 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 101999)
Hoàng Mai Đạt - MÙA XUÂN THEO MÁY THỜI GIAN

MÙA XUÂN THEO MÁY THỜI GIAN


Hoàng Mai Đạt

 

the_time_machine-large-content


 “Nếu có máy thời gian, bố muốn đi đâu?” con gái tôi hỏi bằng tiếng Việt pha với tiếng Anh.

Hai cha con mới rời siêu thị Stater Bros ở gần nhà, mua vài món đồ mẹ dặn. Một bó rau xà lách, vài trái cam, một bịch đường, một ổ bánh mì lát, hai bịch “gạo” bự đang “on sale” cho con chó Kiwi. Nhân tiện tôi mua thêm vài xâu bia để tích trữ, cũng “on sale,” đề phòng trường hợp California bị động đất, thiếu nước uống. Chiều hôm đó con gái không bận học bài, đồng ý đi theo để giúp bố tìm những món hàng với nhãn hiệu quen thuộc mà vợ tôi thường mua. Trên đường Westminster trở về nhà, thấy cha ít nói trong lúc lái xe, con bé gạ chuyện như mẹ nó thường làm.

Con tôi lên trung học, đang đọc cuốn “Máy Thời Gian” của nhà văn Anh Herbert George Wells. Ông viết cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng bất hủ này từ cuối thế kỷ thứ 19. Truyện “The Time Machine” được giảng dạy trong lớp văn chương, dựng thành phim mấy lần. Nhân vật chính trong truyện đã chế máy vượt thời gian, phiêu lưu đến một thế giới của loài người hơn 800,000 năm trong tương lai. Lúc đó nhân loại chỉ còn hai… loại: đám Eloi yếu đuối, ngây thơ như trẻ em, sống vô tư giữa những khu vườn thiếu chăm sóc; và đám Morlock hung dữ, sống dưới mặt đất, chực chờ nhai nuốt những con mồi. Sau những màn trốn rượt gay cấn, kẻ du hành vượt thời gian trở về thời hiện tại, rồi lại bước vào máy, biến mất đâu đó giữa thời gian vô định.

Nghe con hỏi một lần nữa rằng bố muốn biến đi đâu với máy thời gian, tôi càng trầm tư, không ngờ câu trả lời khó hơn tôi tưởng. Ði đâu bây giờ? đến tương lai hay về quá khứ? xem khủng long nhai cây rừng thời tiền sử, vật lộn đâm húc nhau long trời lở đất như trong phim Hollywood, hay ngó mấy dị nhân bán nam bán nữ thời hậu lai, ăn uống bằng ánh sáng thấm qua làn da? Ðến khi đậu xe trước nhà, tôi chỉ nói, “Câu hỏi tưởng dễ mà khó ghê nha. Con cho bố nghĩ thêm vài phút được không?”

“Sure,” con bé trả lời, mau chân chạy phóng vào nhà nựng con Kiwi như mẹ nựng con, để lại tôi với những suy tư kéo dài mấy ngày.

Như ông Wells, tôi cũng muốn bay vèo đến tương lai mấy ngàn năm sau, xem thử thế giới của con người có thoát nổi một trận đại chiến đánh tan nát trái đất, bắn từng mảng lục địa rơi rớt trong không gian. Ông sáng tác cuốn “Máy Thời Gian” trước khi có hai trận đại chiến thế giới, không thể tưởng tượng chỉ mấy chục năm sau khi sách ra đời, đám Morlock đã chạy cùng khắp địa cầu, hăm hở xâm lăng, giết người, trong khi đám Eloi sống nhởn nhơ, vui chơi, không biết có người khác đang khổ đau. Không cần phải đợi đến mấy trăm ngàn năm mới có con người sống ở hai thái cực như vậy. Ông Wells mất một năm sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Chắc có lúc ông đã thất vọng trước sự việc nhân loại dùng những phát minh, trí khôn, để lăn xe tăng, thả bom tiêu diệt lẫn nhau.

Vượt quá xa trong tương lai kể cũng ngại. Nếu không may máy thời gian hết xăng, bị kẹt luôn ở thế giới xa lạ, làm sao tôi kiếm được một chai bia lạnh? tìm đâu ra một tô phở tái? Tôi có thể bấm nút, cho máy chạy tới chừng một trăm năm thôi, xem thử chế độ Cộng Sản ở Việt Nam có còn hay không. Chắc tôi sung sướng khi thấy một vườn hoa rực rỡ, đầy sức sống tại một nơi trước kia là một cái lăng ảm đạm. Nơi ấy không còn một xác người xám ngoét, lạnh ngắt, nằm ì một chỗ mà ám ảnh dai dẳng cuộc đời của mấy thế hệ bị dạy dỗ phải suy tôn xác ma như thần thánh. Liệu một trăm năm sau quê hương tôi có được hưởng thái bình, thịnh vượng như lời cầu nguyện mỗi đầu xuân, hay vẫn bon chen, lấp vá cuộc sống nghèo kém bằng những mỹ từ bắt chước văn minh, tự mãn theo định mệnh muôn đời của một quốc gia nhược tiểu?

Một trăm năm kể cũng còn xa. Thử chạy máy tới vài chục năm xem sao. Mỗi lần vợ chồng tôi cãi nhau, hay nói một cách lịch sự là chúng tôi có “bất đồng ý kiến,” nàng thường cong môi, dí câu này cho tôi im miệng, tin chắc đánh trúng tim đen của tôi, “Thôi em chết quách cho rồi, cho anh muốn kiếm bà nào, con nào khác dễ chịu hay cà chớn thì… ráng mà chịu!”

Những lúc nóng, lên máu anh hùng xạ điêu… điên, tôi cũng đâu có vừa, hàng tôm hàng cá đâu thua ai, trợn mắt, nói lại liền, “Anh sẽ chết trước cho em biết. Xem thử có thằng cha nào khác chịu nổi em hay không. Ðừng tưởng chết trước tui dễ đâu nha.”

Lẽ đương nhiên không có đứa nào chết quách, để đứa kia được sung sướng làm lại cuộc đời ở tuổi còng lưng, sắp chống gậy. Nếu có máy thời gian, tôi muốn chạy tới vài chục năm, xem vợ chồng tôi đứa nào được toại nguyện, hả dạ. Biết đâu tôi hên, “bắt” được một “em” trẻ hơn tôi 20 tuổi. Ở tuổi “tám bó”, tôi kiếm được một “em” khác, ngon lành ở tuổi 60. Em này thích ngắm hoa mỗi khi đẩy xe lăn cho tôi trong viện dưỡng lão. Biết đâu vợ tôi cũng kiếm được một “gã” ngồi lái xe mui trần chạy 10 dặm một giờ, gây kẹt xe trên xa lộ, tuổi thuộc hàng “thất thập cổ lai hi.”

Ở tuổi trung niên, thật tình tôi không còn mơ ước, hoài tưởng, không ngóng quá trớn đến tương lai mà thường nhìn ngược về quá khứ, rờ rẫm những kỷ niệm chất đầy ở trong nhà, được trân quí như những món đồ vô giá mà bán garage sale chẳng ai thèm sờ tới. Nếu được lái máy thời gian, tôi muốn quay về kiếp trước, xem thử mình là… giống gì, người hay thú, dữ hay hiền? Biết đâu kiếp trước tôi từng là một nàng công chúa xinh đẹp, làm vỡ trái tim của nhiều chàng muốn làm phò mã, nên kiếp này bị xuống cấp, phải làm đàn ông, bơi ngược dòng sông, mệt đờ hơi rượt theo các nàng, trước khi được vợ thương tình vớt về nuôi. Biết đâu tôi từng là một bạo chúa, bắt dân phải đốt sách, nên kiếp này khổ sở vì chữ nghĩa, mang nghiệp chướng viết không ra tiền.

Nếu có máy vượt thời gian, tôi muốn biết nghiệp viết của tôi bắt đầu từ thuở nào. Một nơi mà tôi có thể lướt máy về, lượn vài vòng bên trên những mái tôn xập xệ, trước khi đáp xuống như đáp dĩa bay không gian là chợ Xóm Mới ở Nha Trang. Ở xóm chợ đó, tôi không nhớ mình viết được một chữ nào mà có thể gọi là “sáng tác.” Tôi chỉ nhớ mình được đọc những quyển sách đầu đời. Trong khoảng thời gian máu lửa chiến tranh, từ đợt tổng tấn công của Việt Cộng trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 đến mấy trận đánh tại Hạ Lào năm 1971, tôi vùi đầu đọc truyện vẽ, sách thiếu nhi. Nhân vật cao-bồi viễn tây Lucky Luke cũng bắn nhiều phát đạn, chu môi thổi khói súng sau mỗi lần dẹp tan âm mưu du kích của bốn anh em tứ quái, mà sao không thấy ai nằm chết la liệt như trong phim chiến sự. Gã phù thủy trong loạt truyện hình Sì Trum (Les Aventures des Schtroumpfs) cũng pha thuốc mê, bày mưu tính kế ám hại đám “Tí nhân” màu xanh dương sống trong một ngôi làng giữa rừng thời trung cổ, mà sao không thấy làng bốc cháy, người dân phải bồng bế tìm đường tản cư.

Tôi say mê đọc truyện hình, tìm nguồn vui bên trên xóm chợ, bên ngoài một cuộc chiến tàn bạo mà quen thuộc đang bao quanh một đứa trẻ chín, mười tuổi. Cha tôi đi lính, tử trận mấy năm trước đó. Mẹ tôi bị đẩy ra ngoài gia đình của chính bà, phấn đấu nuôi hai con trong một quán chợ. Em tôi còn nhỏ, không thích đọc truyện. Riêng tôi, cơn mê đọc sách đưa tôi ra khơi trên một chiếc thuyền mong manh chữ nghĩa, khao khát tìm đến những chân trời xa lạ trên những trang giấy. Cứ vài ngày tôi đi bộ đến một ngõ hẻm bên ngoài chợ, bước vào một căn phòng rất nhỏ, chỉ đủ cho hai hoặc ba người đứng giữa những chồng sách chất từ sàn gỗ đến trần nhà. Tôi lục lọi trong núi sách, tìm một cuốn thuê về đọc. Xem hết những truyện vẽ dành cho trẻ em, tôi ngần ngại cầm những cuốn tiểu thuyết. Sách của người lớn hoặc của người… sắp lớn sao mà dày cộm, nhiều chữ quá, không thấy hình. Làm sao tôi có đủ khả năng để đọc hết một cuốn tiểu thuyết? Sau mấy lần phân vân, tôi chọn một cuốn khá dày. Lúc nhận tiền đặt cọc, ông chủ cho thuê sách nhìn tôi vài giây như muốn hỏi, “Liệu chú mày có đọc nổi hay không mà lấy cuốn sách dày quá vậy? Sao không chọn mấy cuốn mỏng?”

mua-xuan-sans-famille-large-contentCầm sách về quán ở trong chợ, tôi cũng tự hỏi trong lòng như vậy, sợ không hiểu nổi câu truyện mà lại tốn tiền gấp mấy lần so với xem truyện hình. Sau những buổi trưa hè và đêm thức đọc sách, say mê lật từng trang giấy, tôi vui mừng lúc đọc đến những dòng chữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời. Tôi sung sướng, hãnh diện, biết mình không ngu dốt như “dân ở chợ.” Cuốn sách dày gần 600 trang ấy là cuốn “Vô Gia Ðình” của nhà văn Hector Henri Malot. Khi ông Malot viết cuốn “Sans Famille” vào năm 1878 ở bên Pháp, ông H. G. Wells của tác phẩm “Máy Thời Gian” chỉ mới có 12 tuổi, có lẽ đang học nghề với một người thợ ở bên Anh. Lúc đó cha của ông Wells bị thương ở chân trong một tai nạn, phải cho các con đi học nghề để nuôi thân. Giữa những lần học nghề thất bại, cậu bé Wells cảm thấy thích, vui sướng hơn mỗi khi bước vào thư viện của thành phố, thả hồn theo những sách tiểu thuyết đương thời mà có lẽ trong đó cũng có cuốn “Sans Famille” của nhà văn Pháp Malot.

Cuốn tôi đọc do ông Hà Mai Anh chuyển sang tiếng Việt, được giải thưởng dịch thuật vào năm 1970 của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Mẹ tôi cũng đã đọc “Vô Gia Ðình,” khen tôi còn nhỏ mà biết đọc sách. Bà cũng khuyên tôi hãy đọc những cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn. Sau này tôi mới biết mẹ chỉ thích sách của Khái Hưng, Nhất Linh, mặc dù bà có đọc những tác giả khác. Khi nghe tôi viết truyện, mẹ từng nói, “Hãy viết như Tự Lực Văn Ðoàn ấy. Thế mới hay.” Có lẽ bà được đọc Tự Lực Văn Ðoàn trong thời gian êm đẹp nhất của thời thanh xuân, trước ngày chôn xác cha tôi, trước khi lăn xả vào một cuộc sống ở chợ, phải đỏ mặt, trừng mắt trong những lần cãi nhau mà có lúc cần giải quyết bằng bàn tay giật đánh, ném những trái cân vào kẻ đang xông tới quán, bảo vệ miếng cơm cho con. Cũng với bàn tay thô mạnh, gân guốc ấy, mẹ tôi lần giở những trang sách, tìm thiên đường bên trên một cuộc đời có quá ít niềm vui. Không cần lời mẹ khuyên, tôi cũng đọc Tự Lực Văn Ðoàn, cảm thấy gần gũi hơn với nhà văn Thạch Lam. Ông viết với tình cảm chân thật, nhìn ra những nét đẹp hiếm hoi, tấm lòng con người trong những cuộc đời khốn khó.

Có lẽ nhà văn Malot cũng vậy. Ông đã lôi cuốn tôi qua mấy trăm trang sách bằng lối viết rất cảm động. Tôi ráng đọc hết sách cho dù không giỏi chữ, có khi không hiểu hết ý nghĩa của truyện. “Vô Gia Ðình” mở đầu với một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, được một cặp vợ chồng nuôi nấng. Năm Minh được tám tuổi, người chồng bị tai nạn, quyết định bán em cho một ông lão diễn trò rong. Cùng với ông lão, một con chó và một con khỉ, Minh – hay Remi trong nguyên tác tiếng Pháp – lang thang khắp đất Pháp và xứ Anh. Nhiều biến cố, tai họa liên tục xảy ra cho nhóm diễn rong. Minh dùng trí khôn, lòng can đảm để vượt qua những thử thách trước khi tìm được gia đình ruột thịt của em.

Ðoạn đầu của sách đã khiến tôi rơi lệ, muốn đọc tiếp đến hết cuốn truyện. Có lẽ giống mẹ, tôi ít khóc trong thời thơ ấu. Tôi không khóc khi biết cha mất, không khóc trong ngày gia đình bên ngoại bỏ rơi mấy mẹ con khi đạn pháo kích rớt vào một thành phố hỗn loạn, mở đường cho quân Cộng Sản chiếm Sài Gòn. Vậy mà tôi rơi lệ ở đoạn Minh phải xa mẹ nuôi, đi theo một ông lão xa lạ và gánh hát nhỏ của ông. Nếu có máy thời gian, tôi sẽ thấy lại quán của mẹ con tôi trong góc chợ Xóm Mới, gần nhà vệ sinh công cộng. Mỗi đêm ba mẹ con ăn cơm, đọc sách trong ánh đèn dầu, cùng lúc có xe ba gác chở thùng đến hốt phân tại nhà vệ sinh. Trong một đêm hôi hám như thế, tôi khóc khi đọc đến đoạn đứa bé tên Minh phải rời một miền quê yêu dấu. Ðoạn ấy được viết như sau:

“Tôi thấy bàn tay ông già cầm cổ tay tôi kéo đi. Phải đi.

Than ôi! Ngôi nhà yêu dấu, khi bước chân khỏi cửa, tưởng chừng như tôi đã để lại một miếng da miếng thịt của tôi.

Tôi cất tiếng gọi:

- Mẹ ơi! Mẹ Liên ơi!

Nhưng không ai trả lời. Tiếng kêu của tôi nghẹn dần. [...]

Ði được vài bước, tôi quay đầu lại. Chúng tôi đã đi qua đỉnh núi. Tôi không nhìn thấy thung lũng và nhà tôi nữa. Xa xa, chỉ thấy những ngọn đồi xanh lô nhô trên nền trời cao rộng. Mắt tôi nhòa trong khoảng vô tận.”

Tôi xúc động, thương cho đứa trẻ bất hạnh phải rời xa quê hương, mà cũng lo cho thân phận của chúng tôi có ngày phải rời bỏ quán chợ, lang thang đến một nơi xa xăm vô định trên một đất nước đang có chiến tranh. Lúc đó quán cũng là mái nhà che chở ba mẹ con, cho dù quán phảng phất mùi xú uế mỗi đêm. Con không cha như nhà không nóc, người ta thường nói vậy. Tôi thiếu cha nhưng không bao giờ thiếu một mái nhà, nhờ tình thương của mẹ và nhờ những cuốn truyện mà tôi hằng tìm nơi nương tựa.

Nếu có máy thời gian, tôi sẽ nương theo máy, tìm về một nơi chốn nào đó trên miền núi Ban Mê Thuột. Miền đất đỏ cao nguyên ấy là nơi duy nhất tôi còn vài kỷ niệm với cha trong ký ức. Ðúng hơn là chỉ có hai kỷ niệm trong trí nhớ, mà đều không vui. Cha tôi đi lính Bộ Binh, mẹ tôi bồng bế hai con theo chồng. Một ngày mưa tầm tả, tôi chừng bốn tuổi, nghịch ngợm tìm những nơi bị dột nước trong nhà. Thấy nước mưa từ trên mái tôn rơi xuống, tôi thò đầu, cố ý để những giọt nước rớt trúng đỉnh đầu, càng gần xoáy tóc càng vui, nghe tiếng nước rơi đều trên óc. Cha tôi la con vài lần, thấy tôi không ngưng trò chơi hứng nước mưa trên đầu, liền bế thằng con lên đùi và đánh mấy phát vào mông. Nghe tôi khóc lớn quá, mẹ can cho yên chuyện. Trong mấy năm tôi mới lớn, trải qua giai đoạn cứng đầu, không nghe lời, mẹ thường mắng, “Phải chi ba mày còn sống, đánh cho mày một trận như hồi mưa dột. Tao mệt quá, nói không nổi.” Nhờ mẹ la hoài mà tôi không quên kỷ niệm “mưa cao nguyên” của tôi với cha.

Kỷ niệm thứ nhì xảy ra ở ngoài đường. Chắc hôm ấy cha tôi thấy trời nắng đẹp, vui vui trong lòng sao đó, nên muốn đạp xe chở theo tôi ngồi ở đằng sau. Cha con dạo một vòng trên những con đường đất của Ban Mê Thuột. Tôi còn bé, cẳng ngắn, đong đưa đôi chân ở hai bên xe. Trong một lúc đổ dốc, có lẽ ông cao hứng, đạp ào ào như một thể tháo gia tham dự Tour de France đang phóng đến Khải Hoàn Môn, quên cậu con đang ngồi ôm chặt ghế ở đằng sau, sợ xanh mặt. Xe nghiêng một bên, khiến tôi thò một bàn chân vào trong bánh đang quay nhanh. Xe bị vướng chân, ngã ào xuống đất. Máu từ mắt cá chân tôi chảy ướt bàn tay xoa của cha. Ông vội vàng nhờ người đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Mấy tháng sau khi xảy ra biến cố xe đạp, ba tôi tử trận trong một cuộc phục kích của Việt Cộng tại Tuy Hòa. Ông mất lúc chưa được 30 tuổi. Tôi lành vết thương từ lâu, thỉnh thoảng sờ lại vết sẹo trơn láng trên mắt cá bên chân phải mỗi khi chạnh nhớ đến cha.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến cha, như trong một lần Tết về thăm gia đình ông ngoại ở Sài Gòn. Ông ngoại tôi khó tính, không thương mẹ tôi như thương mấy người con mà ông đã có với bà vợ thứ nhì. Bà ngoại ruột của tôi mất sớm, để lại hai đứa con gái cho một người chồng luôn ao ước có con trai. Ngày tản cư ở miền Bắc, rời vùng Việt Minh kiểm soát, ông tôi không muốn người trong làng biết gia đình trốn về thành phố, sai mẹ tôi ở lại coi nhà, đun rơm như vẫn sinh hoạt bình thường. Lúc đó mẹ tôi mới gần mười tuổi, ở nhà một mình giữa một miền quê đang bao trùm trong không khí hận thù, chém giết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ðến khi hiểu mình bị bỏ rơi, mẹ tôi hốt hoảng chạy theo người quen về thành phố. Tìm được gia đình, mẹ tôi bám chặt theo ông ngoại cho đến ngày di cư vào Nam. Càng bị ruồng bỏ, hắt hủi, mẹ tôi càng quí trọng ông ngoại hơn, bám víu vào hy vọng một ngày kia cha sẽ hồi tâm, sẽ thương đứa con đầu lòng của ông. Mỗi mùa xuân ông có ban phát một chút tình thương cho ba mẹ con, cho phép chúng tôi từ Nha Trang về thăm gia đình ở Sài Gòn. Mẹ tôi nghèo, góa bụa, buôn bán ở chợ, không có gì có thể làm cho ông ngoại hãnh diện. Còn tôi, dưới mắt ông, chỉ là một đứa cháu xấu đen như “thằng Thượng” miền Trung, chậm chạp, kém lanh lợi, không thông minh. Ông chẳng bao giờ xoa đầu, cho tôi một lời khen. Ông cũng không cho tôi đến gần và cấm ngồi trên giường nệm của ông.

Mỗi khi không bị sai vặt trong một căn nhà chuyên bán chiếu nằm trên đường Tôn Ðản, tôi thường leo lên gác trên, chơi bên cạnh những kệ chiếu cao ngất. Một bữa Tết kia tôi được mẹ mua một con búp-bê Batman dài bằng cánh tay. Tôi và chàng hiệp sĩ người dơi đã tung chạy bắt kẻ gian giữa những tấm chiếu. Mải vui, tôi thảy Batman lên cao, khiến chàng hiệp sĩ bay rớt qua khung cửa sổ, bị kẹt sâu giữa hai tường nhà. Ðúng lúc tôi ngóng cổ, cố gắng dùng cây khều Batman, ông ngoại lên gác xem xét động tĩnh, muốn biết sao có tiếng ồn. Khi biết tôi làm rớt Batman vào khe tường, ông mắng tôi ngu như Thượng, dốt như “dân ở chợ.” Tôi không dám nhìn lên mắt ông ngoại, chỉ biết len lén ngó theo chàng hiệp sĩ đang nằm úp mặt chổng hai chân lên trời. Lúc ấy tôi có nghĩ đến cha tôi, tưởng tượng thân phụ của mình không thật sự chết trận, có lẽ bị lầm lẫn với người khác. Có những đêm tôi nằm tưởng tượng cha vẫn còn sống, sẽ tìm hai đứa con, che chở chúng trong những lúc nguy nan. Nhưng cũng như chàng hiệp sĩ của tôi bị kẹt giữa hai bức tường, cha đã nằm yên dưới huyệt mộ, muôn đời không xuất hiện trong cuộc đời của chúng tôi.

Về lại xóm chợ ở Nha Trang từ ngày Tết đó, tôi xem truyện nhiều hơn, hầu hết là truyện hình, và rồi đọc tác phẩm “Vô Gia Ðình,” cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời được tôi theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối. Thế rồi nỗi lo sợ phải rời xa quán chợ quen thuộc cho dù dơ bẩn cũng đã đến. Trong những tháng ngày tàn nội chiến, mẹ con chúng tôi trôi dạt từ Miền Trung về Sài Gòn, bám theo đoàn người tị nạn trên một chiếc tàu hướng ra Thái Bình Dương, mỗi lúc một xa hơn trên phương trời mù khơi. Có những đêm thức giấc ở một miền quê Pennsylvania, tôi chợt nhớ về xóm chợ xa cách hàng nghìn dặm, muốn tìm trong bóng tối hình ảnh của căn quán năm xưa, và rồi cảm thấy lơ lửng đâu đó giữa may mắn và bất hạnh. Ông ngoại tôi cũng đến Mỹ quốc, qua đời giữa thập niên tám-mươi tại San Jose, California. Mẹ tôi thường nói với niềm mãn nguyện, “Ông ngoại đợi mẹ về đến giường bệnh thì mới nhắm mắt ra đi.” Lúc đó tôi viện cớ đang trong mùa thi tại trường đại học, không thể bay từ Pennsylvania đến California để giã từ một người mà tôi từng nghĩ không xứng đáng với tình thương vô điều kiện của con gái dành cho cha. Mấy năm sau tôi có ghé một nghĩa trang ở San Jose, thắp cho ông ngọai một nén hương, nhận ra một điểm giống nhau giữa mẹ và tôi: Chúng tôi đều thương yêu cha của mình vượt bên trên sự thử thách của hoàn cảnh.

Nếu có máy thời gian, tôi mong trở về một mùa xuân còn có cha. Cho dù bị cha bợp tai vì tội đưa đầu hứng mưa, hay bị cha chở trên xe đạp, hoảng sợ như sắp té, tôi vẫn mong có một mùa xuân với ông. Trong trí nhớ tôi không có một mùa xuân nào với cha, không có tiếng pháo, bánh chưng, hay tiền lì xì của ba.

“Bố muốn gặp lại cha của bố, ông nội của con,” tôi trả lời vắn tắt nhân dịp trở lại câu hỏi của con gái tại bàn ăn mấy ngày sau.

“Vậy hả bố?” con tôi mở tròn hai con mắt.

“Còn con thì sao? Nếu có máy thời gian con muốn đi đâu?” tôi hỏi lại.

“Con không biết. Thật sự không biết,” con tôi trả lời, bằng tiếng Anh sau vài giây nghiêng đầu im lặng suy nghĩ.

Tuy không nói ra nhưng tôi cũng thầm mừng cho con. Không cần đi đâu trong thời gian ở phía trước hay ở đằng sau có lẽ là điều tốt. Mong một ngày kia con tôi không cần dùng máy thời gian, để tìm tôi trong ký ức của nó. Máy chỉ cần thiết cho tôi, người muốn bay tìm trong quá khứ mông lung, mong hòa giải với chính mình trước những nỗi niềm chưa nguôi cho dù thời gian đã trôi quá nửa đời người. Thốt nhiên, tôi chợt thấy ra mình đã có máy vượt thời gian từ lâu mà không biết đó thôi. Với những dòng chữ đang viết trên giấy, tôi có thể bay xa hàng triệu năm từ tương lai đến quá khứ, bay cái vèo dễ như chơi, băng qua mấy đoạn đời trong muôn vạn kiếp người.

Hoàng Mai Đạt

(Nguồn: http://hoangmaidat.wordpress.com.)




17 Tháng Ba 2013(Xem: 100981)
Và như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời cho chồng tôi
09 Tháng Ba 2013(Xem: 73602)
Sinh nhật năm nay không như năm ngoái vì bắt đầu từ hôm nay, tôi đã là một người già thật sự ở đất nước này.
08 Tháng Ba 2013(Xem: 96803)
Thời Thơ Dại cũng đến, qua đi, để lại những kỷ niệm hay dấu khắc khó phai mờ, và nhiều khi nó trở thành những vết sẹo mà thời gian hay thuốc men không thể xóa!
02 Tháng Ba 2013(Xem: 102073)
Gặp lại Đức Ông sau chuyến "công tác" nóng bỏng, các thuộc hạ đều vui mừng hớn hở vì biết nơi trái đất này vừa thoát khỏi một tai họa kinh hoàng!!!
02 Tháng Ba 2013(Xem: 85525)
Cám ơn Diệp Hoàng Mai đã làm cầu nối trong gia đình Hướng Đạo. Cám ơn những ngày sinh hoạt Hướng Đạo thật tuyệt vời.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13540)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
21 Tháng Hai 2013(Xem: 98741)
Lại thêm một bạn bè khóa 8 NQ đi xa, xa thật xa. Sau Nguyễn Văn Hiền, Đinh Đoài Chính. Lại thêm một chiếc ghế trống vắng nữa.
21 Tháng Hai 2013(Xem: 102818)
Cám ơn người bạn già đã cho tôi một cái tên thật nhiều kỷ niệm. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi một thời để yêu và để nhớ.
18 Tháng Hai 2013(Xem: 91788)
Giấc mơ dang dở quặn lòng, bởi tôi cũng không biết giề lục bình biếc xanh quê cũ, vẫn được trôi thênh thang cùng dòng sông quê nhà hay mắc cạn đầm lầy ở một khúc quanh ...
16 Tháng Hai 2013(Xem: 100317)
Tặng các em học sinh trung học Ngô Quyền, Biên Hòa và các chiến hữu ĐĐ 3/463 ĐPQ, tiểu khu Biên Hòa
15 Tháng Hai 2013(Xem: 81776)
Tình anh em, tình đồng môn luôn được gìn giữ và bồi đắp “Thật Lòng Với Trường Xưa”. Cũng cần có những tấm lòng để giữ mãi nụ cười đầu xuân.
04 Tháng Hai 2013(Xem: 103622)
Một năm nữa sắp qua, thêm một mùa Xuân tha hương. Lại thêm một tuổi…“Xuân bất tái lai”–
01 Tháng Hai 2013(Xem: 78123)
Nhà tôi lúc đó ở gần chợ, nên tôi nhớ như in, tôi ngửi rất rõ mùi Tết vào những ngày cuối năm.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53558)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
17 Tháng Giêng 2013(Xem: 87994)
Với tư cách ngừơi cha Tôi xin cám ơn tất cả những người đến dự hai ngày tang lễ Christine và luôn cả mọi thăm hỏi chia buồn qua internet của nhiều người khác.