Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TIẾN SĨ CHÂU TRĂNG

21 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 102820)
Nguyễn Thị Thêm - TIẾN SĨ CHÂU TRĂNG

TIẾN SĨ CHÂU TRĂNG

 

 

 ts_chau_trang-large-content

 

Nghe cái tựa đề hơi lạ phải không? Tiến Sĩ ở đây không phải do nhà nước ta cấp, cũng không phải là hàm vị Tiến sĩ đang nổi lên dầy cộm ở quê nhà. Tuy nhiên nó cũng chỉ là cái tên “Thùng rỗng kêu to” là một cái hàm vị ma không nói lên được trình độ học vấn tương đương. Cái hàm vị đó tôi không áo mũ cân đai lên trước bàn dân thiên hạ để nhận, mà cười ngất thoải mái, cái cười bật ra để tống hết hết bao phiền muộn, ẩn ức. Cái hàm vị trời ơi đó do một bạn già thời Trung học đã phong tặng cho tôi. Bổng nhiên tôi được cấp bằng tiến sĩ ngang xương, được nhóm bạn già của tôi âu yếm gọi. Không chút đố kỵ vì bị thua tôi cả một thời trai tráng dùi mài đèn sách và lăn lóc thê lương trong những trại tù cải tạo.

Bắt đầu như thế này. Nhưng trước hết tôi xin đính chánh là tôi chỉ kể xuất xứ một cái tên. Không ngụ ý chê bai hay thù địch. Tôi nói thiệt, tôi cũng thích cái tên này lắm. Vì nghe như mình cũng văn hóa cao cấp, cũng ăn học ráo riết lắm, dù chỉ là ăn đói và học chăn trâu.

Đà Nẳng mất vào tháng 3/75. Gia đình tôi (mà không phải mẹ chồng và chồng tôi) quyết định giỡ nhà và mướn xe tải chuyễn về quê ở Hải Lăng, Quảng Trị. Lúc đó tôi như người mất hồn trong cơn hồng thủy. Gia đình tôi đang ở trong Nam. Thôi rồi từ đây tôi lạc lõng giữa những người không quen thân, với mọi thứ đều xa lạ. Tiếng nói, phong tục, nếp sống và nhất là tôi sẽ sống với chế độ mới - Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tôi thấm thía câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Thê thảm lắm các bạn ơi! Tay nách con vừa tròn 5 tháng tuổi, nhìn trước mặt nhà con sông Ô Lâu buồn hiu hắt với tiếng mái chèo khua nước, tiếng gỏ lốc cốc dìu dặt để đuổi cá vào lưới. Xung quanh ngôn ngữ khó nghe, một vùng quê đầy thành kiến với “dân Sài Gòn”. Chồng đã lên đường đi “cải tạo tư tưởng”. Ngổn ngang trăm mối, tôi nuốt nỗi buồn vào lòng tự nhủ:”Ráng lên, sẽ có một ngày hồi hương”

Tôi bị cướp hết giấy tờ thuyên chuyển để tiếp tục dạy học. Tôi dùng chữ “Cướp” vì tôi đã xin được giấy tờ chính thức của Ty Giáo Dục do Quân Quản thành phố Đà Nẵng cấp cho. Thế nhưng “Thủ kho to hơn thủ trưởng”. Ngài Chủ tịch xã gọi tôi lên và tuyên bố:

 -Nì! O ni! Bi chừ tui trả quyền công dân lượi cho O. O không được đi dạy, O phải vô hợp tác xã. Lao động tốt chồng O mới được chính phủ Cách Mạng khoan hồng. Tôi hỏi.

 - Nhưng tui được giấy thuyên chuyển của nhà nước về đây dạy học mà.

Hắn nhìn tôi muốn toé lửa.

 -Tui nói, răng O không nghe. Chính quyền mới không xài lối giáo dục Mỹ Ngụy. Lao động là vinh quang.

Tôi cố cãi:

 - Nhưng ông đã cho tôi đi học khóa tập huấn giáo dục tư tưởng một tháng ở Triệu Phong, Đông Hà rồi.

 - Răng O còn cãi. Tui nói là không. Ở đây bầy choa có toàn quyền quyết định.

 

Tôi ra về, nước mắt lưng tròng. Thôi phấn trắng bảng đen ơi, vĩnh biệt từ đây. Tôi đã thấy cái hố sâu trước mắt. Con đường trở về vô vọng (Vì Sài gòn lúc đó chưa thất thủ), tôi ra bờ sông ngồi một mình thẩn thờ. 

Nước sông Ô Lâu lặng lẽ buồn trôi,

Biên Hoà yêu dấu quê tôi xa vời,

Mẹ cha còn ở cuối trời.

Con vùng vẫy giữa ngất trời bão giông

Ngày đầu tiên đi họp đội, tôi ngồi nghe mấy mụ, mấy ôn vừa nhai trầu vừa bàn luận. Nửa được nửa mất tôi chỉ biết ngày mai tôi được phân công giữ con trâu Bầu của đội 11 là đội thuộc xóm tôi. “Giữ trâu” tôi la to lên hoảng hốt. Cả đời tôi chưa hề đến gần con trâu. Chỉ thấy qua hìnhvẽ. Bò thì biết, nhưng trâu thì không? Tôi cố kìm cơn giận dâng lên đầy ứ. Tôi hỏi:

-Vậy giữ trâu là làm sao?

- Mụ dẫn trâu ra ngoài đồng cho trâu ăn, xế trưa cho trâu mẹp (tắm), xong đem trâu về chuồng nghỉ ngơi. Mụ đi cắt cỏ trâu một triêng (gánh) để tối nó ăn, xong đem về nộp đội. Điểm mụ được bao nhiêu do đội kiểm tra xem trâu có no không và cỏ mụ cắt có đạt yêu cầu không?

Thiệt tình tôi cũng không biết ngoài đồng là ở đâu, cỏ nào trâu ăn được, và cắt ở đâu. Trâu mẹp ở đâu và làm gì để điều khiển con trâu. Mọi thứ quay cuồng trong đầu tôi. Bài toán khó còn hơn giải bài thi Tú tài ngày xưa. Tôi nghĩ nhanh trong đầu, mình phải dọ hỏi người nào sẽ chăn những con trâu khác và phải làm sao để tìm cách đi cùng với họ.

Tôi về nhà, kể cho mẹ chồng nghe buổi họp đầu tiên. Mẹ chồng tôi nghiến chặt hai hàm răng đen rưng rức:

- Răng mà lũ ni lại mần ri! Mi cả đời có chộ (thấy) con trâu đâu mà chăn. Chừ mi tính mần răng?

Răng với lợi gì nữa chứ. Bèo dạt hoa trôi, lục bình thì phải xuôi theo dòng nước. Tôi không còn khả năng để làm khác hơn. Đành chấp nhận và kiên cường vươn lên.

Sáng mờ sương, tôi dậy sớm, nấu cơm độn khoai ém vào cái lon Guigo, một gói muối mè, một bình ton nước. Cho con bú no nê, đặt nó ngủ lại, tôi mặc vào bộ đồ lính của chồng. Đội cái nón lá, tôi đi hành quân ra mặt trận. Mặt trận cân não và sức lực mà tôi phải đương đầu. Nếu bước đầu tiên này tôi không vượt qua được thì tôi sẽ gục ngã không có ngày về thăm lại mẹ cha.

Con trâu tôi giữ được gọi là trâu Bầu. Bộ lông nó hơi ngã sang màu xám vàng. Nó nhìn tôi, tôi nhìn nó. Đứng trước cửa chuồng tôi không dám bước vô. Tôi sợ nó đá, tôi sợ hai cái sừng nó sẽ húc tôi lòi ruột. Tôi đứng như trời trồng, cái nón lá che hết khuôn mặt xạm đen của tôi dường như đổi sang màu xanh vì sợ. Đột nhiên bác đội trưởng bước tới, vào chuồng cột dây vào cổ con trâu và đưa đầu dây bên kia cho tôi.

-Ri nè! O cứ dẫn nó đi đi, Không răng mô, trâu ni hiền lắm.

Tôi cầm dây dẫn con trâu đi. Mà không phải con trâu dẫn tôi đi. Tôi đi theo nó như mình mộng du để rời khỏi làng. Ra ngoài đồng vắng, một số trâu đã thả ở đó, đang gặm cỏ. Tôi thầm cám ơn con trâu Bầu đã dẫn tôi tới đây. Cỏ mọc thưa thớt, con trâu hiền lành đi gặm cỏ. Người ta thả trâu ở đây rồi đi đâu mất. Còn tôi cứ cầm sợi dây đi theo con Bầu vì nếu rời sợi dây tôi làm sao giữ được nó. Trời nắng như thiêu đốt, tôi vẫn lang thang giữa đồng không với mấy con trâu. Giá mà tâm trạng tôi thoải mái như bây giờ chắc tôi đã làm thơ:

Em bước xuống đời em giữ trâu,

Giữ cho thật chặt nỗi niềm đau,

Bầu ơi! Xin hãy thương em với.

Em giống như Bầu, khác nhau đâu.

Tới xế trưa, những người nông dân trở lại đem trâu đi tắm. Tôi đi theo họ ra bờ sông, trâu như quen chỗ, xà xuống bến. Con Bầu cũng giựt mạnh sợi dây lao xuống nước. Tôi thiếu điều té nhũi vì sức kéo của trâu. Thôi kệ, tôi cũng đói bụng rồi, tôi tới một gốc cây lấy cơm ra ăn. Trong cơm có vị mặn của những giọt nước mắt không kềm chế lại được. Cô giáo nhỏ nhắn, tha thướt của một thời trên bục giảng hiện ra trước mắt tôi. Trận cuồng phong đã cuốn tôi quay tròn, tơi tả. Gió nồm thổi về khô khốc héo hon. Nhìn bầy trâu cả mấy chục con nằm mẹp dưới nước, tôi hốt hoảng thầm nghĩ con nào là con Bầu? Còn phải cắt một gánh cỏ cho trâu. Tiến thoái lưỡng nan, tôi vù chạy về sân hợp tác xã. Tôi kiếm bác Đội trưởng nhờ bác lôi dùm con Bầu của tôi lên. Bác nhìn vẽ ngơ ngác của tôi và cười ngất:

- Ngày mai, O cứ lấy vôi quẹt lên lưng con Bầu. O sẽ tìm ra nó. Có chi mô na.

Tôi thừa thông minh biết đây là trò đùa để chế diễu tôi. Vì trâu khi tắm cả người ngập dưới nước, chỉ chừa cái đầu nhô lên để thở. Tôi đem con Bầu về chuồng và lên đội để nhận triêng gióng đi cắt cỏ. Thêm một việc khó. Cắt cỏ gì và cắt ở đâu. Sân Hợp tác xã vắng ngắt. Bác Đội bảo tôi cứ ra ngoài bờ ruộng tìm cỏ non mà cắt.

Tôi quảy đôi gánh lần theo đường làng ra ngoài ruộng. Từng ô ruộng được ngăn bởi một cái bờ cỏ mọc. Tôi loay hoay tìm nơi cỏ mọc cao để cắt. Tôi không thể biết trâu thích loại cỏ nào. Thôi thì cứ cắt bừa miễn đầy gánh. Cỏ dại chen lẫn cây mắc cở cắt tay tôi rướm máu. Kiến tha lâu rồi cũng đầy tổ, ham cắt cho đầy thì tôi lại không thể gánh về nổi. Tôi bỏ bớt cỏ ra và gánh về chuồng. Lần đầu tiên ấy, cỏ tôi bị trâu chê và tôi bị trừ điểm. Ngày lao động đó kể như thất bại.

Và vậy nhiều lần chăn con Bầu tôi lại thấy thương yêu nó. Tôi đã biết nó thích ăn loại cỏ nào, biết kêu nó đi hay đứng lại. Tôi dám lại gần sờ lên sừng nó hay vuốt ve lớp lông của nó. Tội thân con Bầu của tôi, nó có rất nhiều rận và ve. Do đó nó còn có tên là con Bầu ghẻ mà sau này tôi mới biết.

Có một lần, toàn xã đi bầu ban bệ chi đó. Tôi được lệnh ngày hôm đó dẫn con Bầu đến ăn ở sân cỏ Ủy ban xã. Tôi tới nơi mới biết hôm nay người ta đi bầu. Tôi cột con Bầu ở cột trụ ở Ủy ban và đứng đó nhìn ông đi qua, nhìn bà đi lại. Tôi biết người ta muốn đem tôi làm nhân chứng sống cho sự thất bại của một chế độ. Tôi nhìn đôi mắt con Bầu. Đôi mắt nó nhìn tôi hiền lành như an ủi, chở che. Tôi thương nó và cũng thương tôi biết bao nhiêu. Tôi yên lặng, nở một nụ cười và kiên nhẩn bắt rận cho con Bầu. Tôi chấp thiên hạ, tôi chấp những người muốn mạ lỵ tôi. Họ thua con Bầu của tôi vì họ là người mà tâm họ bẩn thỉu, nhỏ nhen.

Ngày tôi được cấp giấy phép vào Nam, tôi đi ra chuồng trâu của đội 11. Tôi chia tay với con Bầu, tôi vuốt bộ lông đã mượt mà của nó. Tôi từ giã nó cũng như từ giã cái làng nhỏ bé đã rèn luyện tôi thành một người lao động chân tay đích thực.

Bạn đừng hỏi tôi suốt thời gian lao động ở đó bộ tôi chỉ chuyên giữ con trâu này thôi sao. Không đâu bạn, tôi đã làm tất cả công việc mà một người nông dân miền Bắc đã làm. Cấy lúa, cắt lúa, bứt tót (cắt gốc rạ) gánh lúa, làm cỏ lúa, đạp nước ruộng sâu, ruộng cạn, cuốc đất, trồng khoai, xịt thuốc, vãi phân v.v... và v.v...

 

Mấy năm sau tôi về lại quê chồng để thăm, nhân dịp đi thăm chồng cải tạo ở Bình Điền. Bác đội trưởng đã dẫn con Bầu đến thăm tôi. Tôi nhìn đôi mắt nó long lanh ướt mà thương. Thì ra, giai thoại con gái Sài Gòn làm dâu Quãng trị được bầu phụ nữ xuất sắc nhất xã được người ta truyền miệng. Và con trâu tôi giữ được có tên là Con trâu Bầu của mụ Trai (Trai là tên chồng tôi). Bạn già tôi nghe kể chuyện đã cười sảng khoái và đặt tên cho tôi là Tiến Sĩ Châu Trăng tức chăn trâu. Cái tên yêu thương này chỉ có nhóm bạn già thời Trung học gọi mà thôi. Đôi khi lọt ra ngoài một số người không hiểu đầu đuôi thắc mắc hỏi tôi “Sao có cái tên lạ vậy?”.

Ai cũng có một thời đã qua. Hành trình của một đời người dài, ngắn, sướng, vui tùy theo phước báo. Tôi đã lội ngược dòng nên số phận long đong. Nhưng tôi không hối hận. Tôi đã làm tốt vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Ngày chồng tôi được thả về đã nhận từ dân làng có tiếng khắc khe, những lời khen về cô dâu Biên Hoà chịu thương, chịu khó.

Thật lòng tôi rất cám ơn cái làng bé nhỏ của chồng tôi. Cám ơn những người dân nơi đó đã cho tôi thấy sự vất vả để tạo ra hạt gạo. Tôi đã trưởng thành khi vượt qua giai đoạn thử thách này để vững vàng tiếp nối một giai đoạn thử thách khác trong đời.

Anh đi cải tạo non xa,

Em cũng cải tạo tại nhà khác đâu

Đạp nước, cấy lúa, chăn trâu.

Gặt lúa ruộng cạn, ruộng sâu sá gì.

 Bây giờ, mùa Xuân đã về, ở một nơi không phải quê hương mình mà sao nghe ấm êm chi lạ. Cám ơn Trời Phật đã cho chồng tôi sống sót trở về. Bây giờ anh chỉ là một người bệnh nhưng anh là một người lính đã hiên ngang bảo vệ quê nhà. Tạ ơn đất nước, tri ân những người lính đã săn sóc cho anh thật chu đáo, cho anh có chỗ dựa tinh thần để anh đi hết đoạn đường đời.

Cám ơn người bạn già đã cho tôi một cái tên thật nhiều kỷ niệm. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi một thời để yêu và để nhớ.

Nguyễn thị Thêm

01/29/13

17 Tháng Ba 2013(Xem: 100987)
Và như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời cho chồng tôi
09 Tháng Ba 2013(Xem: 73686)
Sinh nhật năm nay không như năm ngoái vì bắt đầu từ hôm nay, tôi đã là một người già thật sự ở đất nước này.
09 Tháng Ba 2013(Xem: 102102)
Nghe con hỏi một lần nữa rằng bố muốn biến đi đâu với máy thời gian, tôi càng trầm tư, không ngờ câu trả lời khó hơn tôi tưởng. Ði đâu bây giờ?
08 Tháng Ba 2013(Xem: 96899)
Thời Thơ Dại cũng đến, qua đi, để lại những kỷ niệm hay dấu khắc khó phai mờ, và nhiều khi nó trở thành những vết sẹo mà thời gian hay thuốc men không thể xóa!
02 Tháng Ba 2013(Xem: 102077)
Gặp lại Đức Ông sau chuyến "công tác" nóng bỏng, các thuộc hạ đều vui mừng hớn hở vì biết nơi trái đất này vừa thoát khỏi một tai họa kinh hoàng!!!
02 Tháng Ba 2013(Xem: 85534)
Cám ơn Diệp Hoàng Mai đã làm cầu nối trong gia đình Hướng Đạo. Cám ơn những ngày sinh hoạt Hướng Đạo thật tuyệt vời.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13541)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
21 Tháng Hai 2013(Xem: 98745)
Lại thêm một bạn bè khóa 8 NQ đi xa, xa thật xa. Sau Nguyễn Văn Hiền, Đinh Đoài Chính. Lại thêm một chiếc ghế trống vắng nữa.
18 Tháng Hai 2013(Xem: 91793)
Giấc mơ dang dở quặn lòng, bởi tôi cũng không biết giề lục bình biếc xanh quê cũ, vẫn được trôi thênh thang cùng dòng sông quê nhà hay mắc cạn đầm lầy ở một khúc quanh ...
16 Tháng Hai 2013(Xem: 100325)
Tặng các em học sinh trung học Ngô Quyền, Biên Hòa và các chiến hữu ĐĐ 3/463 ĐPQ, tiểu khu Biên Hòa
15 Tháng Hai 2013(Xem: 81782)
Tình anh em, tình đồng môn luôn được gìn giữ và bồi đắp “Thật Lòng Với Trường Xưa”. Cũng cần có những tấm lòng để giữ mãi nụ cười đầu xuân.
04 Tháng Hai 2013(Xem: 103627)
Một năm nữa sắp qua, thêm một mùa Xuân tha hương. Lại thêm một tuổi…“Xuân bất tái lai”–
01 Tháng Hai 2013(Xem: 78127)
Nhà tôi lúc đó ở gần chợ, nên tôi nhớ như in, tôi ngửi rất rõ mùi Tết vào những ngày cuối năm.
18 Tháng Giêng 2013(Xem: 53562)
Các cô cậu bé trung học đệ nhất cấp trí óc còn tinh khôi, khắc ghi lời dạy của cụ Nguyễn Đình Chiểu và lời giảng của Cô, mang theo suốt đời người. Học trò con gái nhìn Cô như một cô Tiên bước ra từ huyền thoại.
17 Tháng Giêng 2013(Xem: 87995)
Với tư cách ngừơi cha Tôi xin cám ơn tất cả những người đến dự hai ngày tang lễ Christine và luôn cả mọi thăm hỏi chia buồn qua internet của nhiều người khác.