Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ V)

10 Tháng Mười Hai 201411:10 CH(Xem: 23347)
Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ V)
1609717_318568511646445_337833020663465982_n
(Nguồn: Tủ sách Tuổi Hoa - 1975)

KỲ V


Chương 4
 

Có sự đổi thay nào nơi Thủy ? Nguyên nhân ? Thủy ơi, Trân bâng khuâng quá. Nhỏ lý luận : “Đôi khi, mình phải dẹp tự ái cá nhân vì quyền lợi chung. Trân hãy trở lại với ban hợp ca vì Thủy”.

Không cần phải Thủy nói, Trân cũng đã có ý định đó. Vì nhiều lý do. Vượng đã tốn nhiều công lao, Trân không muốn phụ lòng anh ta, nhất là anh ta đã đích thân gặp Trân yêu cầu ở lại. Giọng ca của Thu Phương mà Định đề bạt thay thế Trân quá non nớt so với giọng nam chính của Tín. Mới đây, Định cũng đến gặp Trân để thuyết phục Trân đổi ý. Hành động của Định làm Trân cảm động. Rồi đến phiên Thủy nữa. Trân không còn cớ gì để chối từ nữa…
“Nước non ngàn dặm ra đi… “ Lúc Trân hát đoạn nhạc trên, có lần Vượng đã đùa : “Công chúa Huyền Trân đang hát”. Ngộ nghĩnh chứ Thủy nhỉ ? Huyền Trân lại đóng vai Huyền Trân. Nhưng Huyền Trân là đau khổ, là buồn thương. Nay cũng như xưa ? Trân chỉ vui được khi quên đi chuyện đời tư. Mà quên ? Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày thì có đến mười tám tiếng Trân ở nhà, và ở nhà thì không sao Trân quên được. Ba Trân đó, má anh An đó. Và người mẹ ruột của Trân. Má ơi ! Bây giờ má ở đâu ? Má đang làm gì ? Má có nhớ đến con không ? Và má có biết là con đang nghĩ đến má thật nhiều không ?
Nhờ anh An can thiệp hiệu quả, Trân đỡ được nhiều gánh nặng vô lý trong gia đình. Nhưng không vì thế mà Trân lỗi đạo với mẹ cha. Dù sao, má anh An cũng đã có công nuôi dưỡng Trân từ tấm bé tới giờ. Thời gian gần đây, bà đã không còn hằn học với Trân, nhưng tránh sao khỏi những lời bóng gió làm Trân chạnh lòng rơi nước mắt. Những lúc đó, Trân chỉ còn biết khóc. Thủy ơi ! Đời Trân là một chuỗi sầu khổ thế sao ? Lắm lúc, Trân phải thầm cảm ơn trời đất chí công, ngoài những bất hạnh mà Trân phải gánh chịu, đã dành cho Trân đôi chút niềm vui. Chứ không, chắc Trân khó mà kéo dài cuộc sống trên cõi đời này.
Như niềm vui không ngờ gần đây.
Hôm đó, thật tình cờ đó Thủy. Trân tìm đến nhà Định để hỏi thiệp mời cho ngày trình diễn hôm sau. Người nhà Định trả lời Định đã đi vắng. Trở quay lại nhà Thủy thì Thủy cũng không có nhà. Đành trở lại. Chiếc xe gắn máy của Định và chiếc xe đạp của Thủy dựng trước cửa nhà Trân. Trân biết cả hai đến gặp anh An. Trân vào nhà, cả ba đang ở trên gác không hay biết gì cả. Trân bước nhẹ lên thang gác định hù cả ba một phen thì phải dừng lại vì những lời đối thoại từ trên vọng xuống.
- Anh nhận ba cái thiệp mời gởi cho Trân, riêng thiệp của anh, xin Định cho anh được từ chối.
Tiếng Thủy :
- Hay là anh giận Thủy đã khiến anh tốn công dàn xếp ?
Và Định :
- Phần Ban điều hành chúng em, chúng em đã biết lỗi. Anh còn giận chúng em ?
- Không. Thủy và Định đừng hiểu lầm anh như thế. Thủy đã nghe lời anh, dẹp tự ái. Định đã nghe lời anh, lo cho công việc chung. Chừng đó, đủ để anh vui rồi còn gì. Anh không tham dự buổi trình diễn vì anh tin rằng thế nào Đại nhạc hội cũng thành công trọn vẹn. Vả lại, anh không muốn ai biết rằng Đại nhạc hội này là do anh gợi ý, sắp xếp mọi việc…
Tiếng Thủy trầm :
- Thủy đã hiểu anh…
Trân cũng đã hiểu anh An. Ôi ! Anh An quý mến của em. Có bao giờ em ngờ được chuyện đó. Đại nhạc hội ngày mai đây, một công trình to tát đang gây xôn xao trong giới học sinh tỉnh lỵ, là do tim óc của anh ? Em tưởng lên Đại học, anh đã quên Ngô Quyền nhỏ bé. Chẳng ngờ anh vẫn còn quyến luyến, quá quyến luyến. Thủy thay đổi ý kiến là do anh. Định biết nghe lời anh. Còn Vượng, chẳng lẽ anh ta cũng vì anh mà tham dự sinh hoạt ?
Tiếng bước chân hướng về phía cầu thang tiếp theo tiếng xô ghế đứng dậy làm Trân phải vờ lên tiếng như vừa về tới. Thấy Thủy, Trân kêu lên :
- Nhỏ ! Mày tới đây làm tao đi tìm hụt hơi luôn.
Định nói :
- Tôi có gởi anh An nhờ chuyển lại chị ba cái thiệp mời để chị tùy nghi sử dụng.
Trân vờ như không biết chuyện gì :
- Cho Trân thêm một cái nữa nghe Định.
- Hôm trước, chị nói ba. Chắc chị mới nghĩ ra một người bạn nữa cần mời ?
- Tiếc một cái thiệp phải không ?
- Đâu có. Hỏi cho biết vậy thôi chứ chị muốn bao nhiêu lại chẳng được.
- Hôm trước Trân quên mất một người. Anh An của Trân đây này.
Anh An cười xua tay :
- Ngày mai tao có hẹn, xin cảm ơn và xin được miễn dự.
Trân :
- Bộ anh không thèm xem em trình diễn ?
Anh An rối rít đính chánh thật tội nghiệp :
- Không phải thế. Tao có hẹn thật mà. Vả lại, ba má đã bằng lòng đi coi, hay dở thế nào về nhà ông bà chẳng kể lại cho tao biết…
Thuỷ và Định đòi về. Trân theo Thủy ra tận ngoài cổng. Thủy đã hỏi Trân :
- Kiếm tao chi vậy, nhỏ ?
- Định lấy mấy cái huy hiệu ban tổ chức. Nhỏ Quỳnh tuy có thiệp mời nhưng nhất định đòi cái huy hiệu ban tổ chức để đeo mới chịu.
- Tối nay tao sẽ đem đến cho.
- Còn mày, tới nhà tao làm gì ?
Thủy có vẻ lúng túng :
- Kiếm mày, nói chuyện chơi vậy thôi, ngày mai trình diễn, hồi hộp quá…
- Chứ không phải tìm anh An tao hả ?
- Đâu có.
Nhìn sự bối rối của Thủy, Trân vừa thấy tội nghiệp, vừa muốn trêu ghẹo. Trân bắt chước giọng anh An :
- Thủy đã nghe lời anh dẹp tự ái. Định đã nghe lời anh lo công việc chung…
Thuỷ ngắt Trân một cái đau điếng :
- Thì ra quỷ nhỏ đã nghe lén chuyện của người ta.
- Nghe lén gì. Công khai chứ bộ. Úi cha… Thủy đã hiểu anh… đến thăm Trân đó há ?
Thủy lên xe đạp với gương mặt ửng đỏ :
- Ở đó nói bậy hoài, tao về đây.
- Vâng, thì chị… An về !
Thủy rủa “con quỷ nhỏ” rồi đạp xe đi mất. Trân cười khúc khích nhìn theo : Thủy ơi. Không phải Trân đùa đâu. Mà Trân mong ước chuyện tình cảm giữa Thủy và anh An Trân có thật, và sẽ thành tựu vào một ngày không xa. Nhìn hạnh phúc của người khác để cảm thấy mình hạnh phúc. Đó là trường hợp của Trân chăng ?

Phần Thứ Ba

Anh An quý mến

Chương 1

- Thưa ông Hiệu trưởng, đây là hai anh An và Vượng mà tôi có thưa trước với ông Hiệu trưởng.
Ông Hiệu trưởng mời ba người khách ngồi. Ông có vẻ chậm rãi, bình tĩnh, khiến người đối diện phải đâm ra lo ngại. Thầy Bằng nói :
- Hôm trước, tôi có chuyển đơn xin của hai anh cựu học sinh này lên ông Hiệu trưởng, chắc ông Hiệu trưởng đã đọc.
Vị giáo sư trung niên, đôi kính trắng trễ trên sống mũi, gật đầu rồi trong cái chậm rãi cố hữu, thong thả nói :
- Hai anh có làm đơn xin mở một buổi nói chuyện với học sinh đàn em về Đại học. Tôi đã đọc kỹ. Ý kiến của hai anh rất hay, đáng khen ngợi. Chính tôi cũng có ý đó nhưng chưa thực hiện được. Tôi biết hai anh đã liên kết được một số sinh viên, vốn là cựu học sinh trường này, để lập ban thuyết trình. Tôi cũng biết các anh đã xin phép các giáo sư dạy các lớp 12 vào buổi sáng ngày nói chuyện. Công trình hơn hết là các anh đã nhờ đựoc thầy Bằng đây, hiện đang nằm trên giường bệnh, chịu bỏ công tới đây giới thiệu. Tuy nhiên, có những điều này tôi muốn nói : thứ nhất là cựu học sinh các anh có một Hội Ái Hữu, tại sao Hội Ái Hữu không đứng ra lo vụ này mà là do một số các anh tự động làm. Nếu tôi cho phép các anh, tôi có làm mích lòng Ban chấp hành Hội Ái Hữu không ? Thứ nhì là lấy gì để bảo đảm rằng các anh chỉ nói chuyện học thuần túy mà không dùng diễn đàn để xách động chuyện này, chuyện nọ ?
Em đứng nơi hành lang, hồi hộp đợi kết quả. Anh, rồi Vượng, rồi cuối cùng thầy Bằng, vị giáo sư già kính yêu của chúng ta, lần lượt thuyết phục ông Hiệu trưởng, nhưng kết quả là cái lắc đầu chắc nịch. Khi cả ba rời khỏi văn phòng Hiệu trưởng, em tiến lại, không hỏi gì vì đã nghe tất cả, anh cũng không nói gì có lẽ nghĩ rằng em đã hiểu. Anh nói với thầy Bằng :
- Thầy để con đưa về nhà nghỉ.
Thầy Bằng lắc đầu :
- Con ra quốc lộ đón xe dùm thầy, thầy về một mình được rồi. Con cần ở lại để bàn tính với Vượng về việc cáo lỗi các bạn trong ban thuyết trình mà các con đã mời.
- Thầy về một mình con không yên tâm. Hay là để em Trân…
- Nó còn hai giờ học sau.
- Vâng, để con đón xe cho thầy.
Thầy Bằng về rồi, anh trở lại chỗ em và Vượng đứng đợi với nụ cười gượng và câu nói an ủi :
- Mình đã hết sức nhưng không thành, đành chịu chứ biết sao bây giờ.
Vượng có vẻ bực tức :
- Thầy hiệu trưởng nhát như cáy.
- Đừng hỗn. Thầy Hiệu Trưởng có lý của thầy ấy. Còn một cái lý nữa mà tao ngờ mới là lý do chính, nhưng thầy không nói ra.
- Vì mày thuộc thành phần đòi canh cải nhà trường trong năm vừa qua chứ gì ?
- Tao nghĩ thế nên không buồn gì cả. Bị từ chối là lẽ đương nhiên. Năm vừa qua, tao đã làm thầy ấy nhiều phen khó chịu, bây giờ là hậu quả…
- Hay là mình nhờ đến Hội Ái Hữu cựu học sinh ?
- Tao không tin họ giúp mình. Việc hay nhất bây giờ là mình đi gặp các bạn đã mời để xin lỗi dời lại một ngày khác thuận tiện hơn…
Vượng chua chát :
- Một ngày không bao giờ có !
Từ xa, Thủy hối hả chạy lại.
- Sao các anh ? Được phép rồi chứ. Thủy đã thông báo cho các bạn cùng lớp biết tin, họ rất hân hoan vì đứa nào cũng muốn biết sơ qua về đại học, nơi mà tất cả sắp bước chân lên…
Em nói với bạn :
- Không thành rồi Thủy à.
Thủy tròn mắt. Vượng nói :
- Cho chúng tôi gởi lời cáo lỗi các bạn Thủy. Thực tâm chúng tôi rất muốn làm việc xây dựng, nhưng thiện chí của chúng tôi bị hoài nghi…
Anh và Vượng ra về. Tiếng xe gắn máy của Vượng gầm lên dữ dội như tức giận. Ngang con dốc cổng trường, chiếc xe tắt máy. Em chợt nghĩ, con dốc là biểu trưng cho những trở ngại đó chắc?
Thủy hỏi em :
- Bộ thầy Bằng không đi cùng sao mà ông Hiệu trưởng không chấp thuận ?
- Sao không. Dù đang bệnh nặng, thầy cũng bỏ công đến trường nói giúp. Nhưng hoài công.
- Tao bắt đầu chán nản những hoạt động nhà trường. Sau Đại nhạc hội, tao cũng nghe Định tâm sự tương tự…
- Chuyến này không về trường được, anh tao có vẻ bực mình lắm.
- Nhưng tao tin rằng anh An không nản.
- Tao cũng nghĩ như thế.
Hai đứa nói chuyện đến khi chuông vào lớp reo vang. Em trở lại lớp học với ý định dứt khoát đã cùng bàn với Thủy : thôi, từ nay gác bỏ mọi sinh hoạt để lo cho việc học. Không còn bao lâu nữa, tới kỳ thi rồi còn gì. Đã chắc chắn rằng năm nay là năm cuối còn tổ chức thi tú tài phần nhất. Dù với giá nào, em cũng phải thi đậu. Anh An ! Anh tin rằng em sẽ đậu chứ ?

 (còn tiếp)

05 Tháng Năm 2014(Xem: 15508)
Tôi đứng dậy đặt nguyên bàn tay lên người học sinh. Tôi nghe câu hỏi của Hiệp dội lại lồng ngực tôi, reo lên như một hồi chuông.
27 Tháng Tư 2014(Xem: 22742)
Lão từng làm phó lý, tậu được một ít ruộng vườn và trong đợt cải cách ruộng đất, lão bị qui là phú nông cường hào. Lão là người trọng nho học và những lời dạy của thánh hiền...”
19 Tháng Tư 2014(Xem: 20930)
Hắn làm tôi nhớ một truyện ngắn của nhà văn Tchekov có tựa đề là Con Kỳ Nhông, con vật có khả năng đổi màu da tùy thuộc vào nơi nó ẩn nấp. Tuấn giống con kỳ nhông cách gì.
10 Tháng Tư 2014(Xem: 15627)
Bà Phan và Uyên đã đi Mỹ đúng vào sáng Thứ Bảy, Hăm Bảy Tháng Giêng, Bảy Ba. Tôi còn nhớ rõ số ngày tháng này bởi vì Hăm Bảy Tháng Giêng, Bảy Ba là ngày chấm dứt ...
05 Tháng Tư 2014(Xem: 28070)
Có những điều dù chưa bao giờ được nói ra thành lời, nhưng không có nghĩa là đã chìm vào quên lãng, đó là một trong những nỗi niềm mang theo mà chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới đọc được từ "cửa sổ của tâm hồn".
03 Tháng Tư 2014(Xem: 28214)
''Đây là tác phẩm viết về Những Ngày Sài Gòn sau 30 tháng Tư 1975. Sách viết xong năm 1986 sau ngày tác giả đến Mỹ. Nhà xuất bản Thanh Văn, California, in năm 1992...
03 Tháng Tư 2014(Xem: 32324)
Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho tôi thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ...Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời.
03 Tháng Tư 2014(Xem: 20894)
Tôi vẫn thầm ví đời người như những dòng sông. Có những dòng sông chảy nước êm đềm, không sóng gió, không đổi thay. Còn có những dòng sông khác thì chảy mạnh bạo hơn với những khúc sông xoáy ngầm,
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48173)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48167)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
23 Tháng Tám 2013(Xem: 76678)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 50793)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
13 Tháng Tám 2013(Xem: 85697)
Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
22 Tháng Tư 2013(Xem: 69018)
Lại thêm một lần nữa những người tài hoa của Thung Lũng Hoa Vàng đã thành công trong việc chế tạo ra một cái gì trông rất nhỏ bé đơn sơ mà lại có sức chứa kinh hồn vô tận