Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ IV)

27 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 23220)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ IV)

nguyenxuanhoangbuivarac1992-content


Kỳ IV

Chương Ba


Nhà trường mới không biết phải cho các giáo sư Triết dạy môn gì. Sau cùng người ta họp bàn có thể cho chuyển sang dạy Sinh ngữ hoặc Việt văn. Nhưng giáo sư Sinh ngữ quá thừa, người ta cho tôi phụ trách môn Việt văn.

Chúng tôi chia tổ ra họp nhau làm giáo án trước giờ đứng lớp. Bài giảng phải có “mấy bước,” bước đầu nói gì, làm gì, “bước kế” hỏi gì, giảng gì... Nói chung là phải chuẩn bị bài giảng như một sinh viên Sư Phạm mới ra trường lần đầu tiên đứng trên bục gỗ, run rẩy không biết mình phải nói gì, nên phải có dàn bài cho yên tâm. Trong cuộc đời đi học chúng tôi chưa bao giờ tốn nhiều giấy và mực như thế! Giáo án, đó là giấc mộng hài hước của người dạy học sau “cách mạng.”

Chưa đầy một tháng sau, trường bắt đầu nhận “học sinh gái” và nhận thêm một số thầy cô giáo từ Bắc gởi vào tăng viện. Giữa giờ đổi lớp sáng Thứ Bảy, Lê Hiên gọi tôi lên văn phòng nhận thư. Tôi không hiểu tại sao việc nhận thư phải do ông hiệu trưởng cho người gọi. Trước kia thư từ của giáo sư nhà trường để trong một hộp giấy đặt ở phòng thư ký, và mỗi buổi sáng ai đi ngang qua đấy tạt vào xem có thư mình thì nhận. Hiệu trưởng không phụ trách chuyện lặt vặt này. Dù sao tôi đã lên văn phòng. Người thư ký “cũ” chỉ tôi vào phòng hiệu trưởng. Tôi gõ cửa.

Lê Hiên ngồi ở bàn làm việc. Y trầm lặng, chững chạc, từ tốn. Tôi ngồi xuống nhưng chẳng hiểu gì hết.

“Tôi có chuyện muốn nói với anh. Một là anh có cái thư riêng. Đây, anh cầm lấy.” Y đưa thư cho tôi. “Hai là trong việc khai báo lý lịch để lập hồ sơ lưu dung những giáo sư của Saigon cũ anh khai thiếu và thừa...”

Tôi cầm lá thư trên tay, chữ đề ngoài phong bì rõ nét, trau chuốt... Tôi lật sau lưng bì thư và nhìn kỹ phần trước thư không để tên người gửi. Tôi không mở thư vội. Tôi xếp đôi bỏ vào túi áo.

“Xin lỗi, anh có thể cho tôi biết khai thiếu và thừa chỗ nào?”

“Thừa là vì anh không cần phải khai cha anh đi lính Pháp, vì không cần phải khai có cha nuôi là lính Lê Dương chết ở Điện Biên Phủ, cũng không cần phải khai cha vợ trước của anh làm tổng giám đốc ngân hàng. Mấy thứ này chúng tôi biết hết... Còn thiếu là vì anh không khai anh có cô em gái là trung úy cảnh sát đã di tản đúng một tuần lễ trước ngày Saigon được giải phóng...” Ngừng một lát, Hiên tiếp, “Vả lại tôi được biết anh có liên hệ khá nhiều với tên Phan một tay đại ngụy hiện ở Mỹ mà không thấy anh ghi trong lý lịch...
Đây, anh cầm lấy xấp giấy này về khai lại.”

Hiên đẩy mấy tờ giấy về phía tôi, nhưng đột nhiên y kéo lại.

“Có chỗ yêu cầu này xin anh lưu ý: anh nên ghi rõ là lưu dung chớ không phải lưu dụng, không có dấu nặng. Cách mạng khoan hồng người của chế độ cũ lưu lại và dung tha họ, chớ không phải lưu lại và dụng họ vì tài năng gì đâu. Cám ơn anh!”

Ra khỏi phòng Lê Hiên, tôi đi như một người vừa bị ai cầm dao khoét sâu vào một vết thương đang mưng mủ.

Ngồi một mình trong phòng giáo sư tôi bóc thư ra đọc. Thư ngắn, chữ viết nắn nót. Đại khái nói không lâu đâu chế độ Cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ, cần nhất là mọi người - cụ thể là tôi - phải quyết tâm không hợp tác với chế độ mới. Người nhận thư cũng nên nói với các đồng nghiệp cũ lời nhắn nhủ này. Thư không ký tên. Tôi đọc đi đọc lại lá thư. Tôi cất vào túi áo. Rồi tôi lại lấy ra đọc. Tôi cầm trên tay, rồi nhét vào cặp. Tôi đi vào phòng vệ sinh xem lại một lần nữa. Tôi ra phòng giáo sư đúng vào lúc chuông reo đổi giờ. Tôi bỏ lá thư vào túi. Tôi có giờ.

Tôi bước vào lớp. Lớp vẫn là lớp cũ, nhưng không khí hôm nay khác lạ như thể lần đầu tiên tôi đặt chân lên bục gỗ. Tôi nhìn quanh. Kiệt vắng. Một số học sinh cũ không có mặt. Một vài cậu từ trường khác chuyển đến dồn hết lên mấy bàn đầu.

Ngồi riêng một mình ở bàn thứ nhất là một học sinh gái. Cô bé ăn mặc không phải kiểu các nữ sinh Saigon. Chiếc áo ngắn may theo kiểu nửa sơ mi nửa bà ba làm cô khác hẳn. Cô có đôi mắt sắc sảo và một giọng nói rất đặc biệt, khác với giọng nói của những người miền Bắc di cư năm 54. Cô tên Nhị Hà. Tôi ngồi xuống ghế, mở rộng những trang giáo án đã được soạn sẵn. Tôi không quên đặt bên cạnh cuốn sách giáo khoa Việt Văn do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành ở Hà Nội. Cuốn sách này tôi đã phải cậy cục mãi mới mượn được của một chị giáo viên cấp ba miền Bắc mới chuyển vào, từ nay không được gọi là giáo sư trung học như ta vẫn gọi trước 75 mà phải gọi là giáo viên thôi.

Tôi xem cuốn sách đang có như một thứ cẩm nang. Bởi vì tôi vốn mù tịt về môn Việt Văn - mặc dù trong tủ sách tôi gần như không thiếu tác phẩm nào của các nhà văn tiền chiến và hiện đại - tôi đâu phải là người được nhà trường đào tạo để phụ trách môn này. Vả lại, người giảng dạy môn Việt Văn của nhà trường ngoài Bắc tôi được biết trước hết phải là người có nắm trong tay một số nguyên lý căn bản về nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi làm gì có được thứ ấy. Tôi chưa được đọc một cuốn truyện nào của một tác giả nào “ngoài đó.” Những nhà văn, nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp mà tác phẩm của họ tôi có từng nghe qua như Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Tây Tiến của Quang Dũng, Nhà Tôi của Yên Thao... thì nay không thấy trong chương trình. Còn những tác giả khác cũng ở “ngoài đó,” mà sau này tôi được biết qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt... thì đương nhiên lại càng không thể có trong chương trình.

Tôi lo sợ cũng là phải thôi.

Bài giảng hôm nay là một đoạn trích trong tiểu thuyết Cái Sân Gạch của người viết ký tên là Đào Vũ. Cả tên tác phẩm lẫn tên tác giả đều hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi đã đọc trước phần tóm lược lẫn phần giải thích ở nhà, nhưng không sao chia sẻ được những suy nghĩ của tác giả. Đây là một vấn đề thuộc nông thôn miền Bắc sau Hiệp định Genève. Nó không phải là vấn đề mà Bùi Hiển đưa ra trong Nằm Vạ, hoặc Nam Cao trong Chí Phèo hoặc Ngô Tất Tố trong Tắt Đèn. Tài liệu cho biết Lão Am, nhân vật chính trong Cái Sân Gạch có những nét điển hình của tầng lớp trung nông trên cánh đồng miền Bắc.

Tôi nói như đọc, mắt vừa nhìn vào giáo án vừa ngó xuống những con mắt phía dưới. Tôi dừng khá lâu trên mắt Nhị Hà muốn biết phản ứng của cô bé về những gì tôi đang nói đang đọc.

“Đây là một nhân vật có nội tâm phong phú,” tôi đọc, “phức tạp và có cá tính khá độc đáo. Trong vấn đề vào hợp tác xã của Lão Am, Đào Vũ không chỉ phân tích mặt quyền lợi vật chất mà còn đề cập đến vấn đề tình cảm, thói quen và nhiều ràng buộc linh tinh khác trong đời sống của người nông dân. Lão Am đã có những suy nghĩ riêng khi phải vào hợp tác xã: Lão vào nhưng trong tâm hồn vẫn còn cái gì u uất chưa nguôi. Xuất thân là một cố nông làm thuê, Lão Am đã từng bỏ làng ra mỏ Đông Triều bảy năm, sau đó trở về lại với cái túi rỗng và hai lỗ mũi đầy những bụi than. Lão từng làm phó lý, tậu được một ít ruộng vườn và trong đợt cải cách ruộng đất, lão bị qui là phú nông cường hào. Lão là người trọng nho học và những lời dạy của thánh hiền...”

(còn tiếp)

10 Tháng Năm 2014(Xem: 15833)
Trên hành lang trở về phòng giáo sư, tôi đi như một người bị thương. Mùi khói thuốc của Hiên như theo đuổi tôi tận chỗ ngồi giữa Danh và Minh.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 15823)
Tôi đứng dậy đặt nguyên bàn tay lên người học sinh. Tôi nghe câu hỏi của Hiệp dội lại lồng ngực tôi, reo lên như một hồi chuông.
19 Tháng Tư 2014(Xem: 21741)
Hắn làm tôi nhớ một truyện ngắn của nhà văn Tchekov có tựa đề là Con Kỳ Nhông, con vật có khả năng đổi màu da tùy thuộc vào nơi nó ẩn nấp. Tuấn giống con kỳ nhông cách gì.
10 Tháng Tư 2014(Xem: 16012)
Bà Phan và Uyên đã đi Mỹ đúng vào sáng Thứ Bảy, Hăm Bảy Tháng Giêng, Bảy Ba. Tôi còn nhớ rõ số ngày tháng này bởi vì Hăm Bảy Tháng Giêng, Bảy Ba là ngày chấm dứt ...
05 Tháng Tư 2014(Xem: 28933)
Có những điều dù chưa bao giờ được nói ra thành lời, nhưng không có nghĩa là đã chìm vào quên lãng, đó là một trong những nỗi niềm mang theo mà chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới đọc được từ "cửa sổ của tâm hồn".
03 Tháng Tư 2014(Xem: 28893)
''Đây là tác phẩm viết về Những Ngày Sài Gòn sau 30 tháng Tư 1975. Sách viết xong năm 1986 sau ngày tác giả đến Mỹ. Nhà xuất bản Thanh Văn, California, in năm 1992...
03 Tháng Tư 2014(Xem: 33136)
Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho tôi thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ...Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời.
03 Tháng Tư 2014(Xem: 21383)
Tôi vẫn thầm ví đời người như những dòng sông. Có những dòng sông chảy nước êm đềm, không sóng gió, không đổi thay. Còn có những dòng sông khác thì chảy mạnh bạo hơn với những khúc sông xoáy ngầm,
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49056)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48809)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77446)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51585)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
13 Tháng Tám 2013(Xem: 86554)
Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
22 Tháng Tư 2013(Xem: 69882)
Lại thêm một lần nữa những người tài hoa của Thung Lũng Hoa Vàng đã thành công trong việc chế tạo ra một cái gì trông rất nhỏ bé đơn sơ mà lại có sức chứa kinh hồn vô tận