Phiếm luận
TÔI VÀ CÁC ĐỒ DÙNG ĐIỆN TỬ TRONG THỜI ĐẠI 5.0
GS. Huỳnh Công Ân
Mùa hè vừa rồi, vợ chồng tôi làm một cuộc “thanh lý” đồ đạc không dùng trong nhà. Thường các người dân sở tại nếu có đồ cũ như vậy thì đem trước nhà xe bán rẻ nên việc buôn bán này được gọi được gọi là garage sale. Chúng tôi không kiên nhẫn ngồi bán như vậy nên khuân hết đồ đem trước sân đậu xe, để bảng “biếu không” .
Những thứ chúng tôi bỏ đa phần là những đồ dùng điện tử mà trong mấy chục năm qua tôi đã mua: những chiếc TV dẹp cỡ 32 “, 20”, 15”…, máy cassette, VCR, DVD, BluRay cũng như băng cassette, băng video, dĩa CD, dĩa DVD, dĩa BluRay phim Mỹ hay ca nhạc của các trung tâm ca nhạc hải ngoại. Rồi đến các phụ tùng của computer như ổ cứng ngoài (portable hard drive), CD writer, DVD writer, con chuột, camera, các loại dây cable, adaptor, loa, Garmin GPS, máy chụp hình…đều được đem ra ngoài sân.
Con gái tôi nói rằng những thứ bỏ đó giờ đây thuộc loại đồ cỗ rất có giá tôi có thể rao bán trên Ebay nhưng tôi ngại phải chụp hình từng cái rồi upload đồ bán lên đó, chờ đợi người mua thật mất nhiều thời gian nên tốt hơn là cho không, ai cần thì ghé trước nhà tôi mà lấy.
Nhớ khoảng những năm cuối của thập niên 1960, khi quân đội Mỹ giúp miền Nam lập một đài truyền hình phát từ máy bay, người dân chúng ta lần đầu tiên mới biết đến cái TV. Lúc tôi còn dạy học ở Trà Vinh, tối nào đám thầy giáo chúng tôi cúng đến nhà bác sáu Chẩn, giám thị trong trường trung học Vĩnh Bình để xem các chương trình truyền hình
trên cái TV 16 inch hiệu Sanyo của bác. Về sau tôi mua cho gia đình tôi ở Sài Gòn một cái TV hiệu Denon 19 inch có cửa lùa.
Thời đó chưa có video, muốn xem ca nhạc có hình tôi vào Saigon Departo ở đường Tự Do mua jeton bỏ vào máy Scopiton để nghe và nhìn Đalida mặc đồ lính hát bài Le Jour Le Plus Long (The Longest Day). Mãi đến gần năm 1975 tôi mới trông thấy tại một kiosk ở đại lộ Nguyễn Huệ có cái máy video đầu tiẻn nhưng băng lại máu trắng trong chớ không có màu vàng như các băng từ về sau này. Lúc đó, để nghe ca nhạc người ta dùng máy quay dĩa mà đầu máy có kim chạy trên các dĩa 33 hay 45 vòng. Sau, người ta có máy Akai với hai ổ quay băng “cối” rồi gọn hơn là máy cassette.
Sau biến cố 30/4/1975, lúc còn trong nước tôi thèm thuồng và ngưỡng mộ cái TV màu của những gia đình có người nhà vượt thoát ra nước ngoài gởi về. Nó “hiện đại” hơn cái TV đen trắng “second hand” được đốt đèn hình tôi mua ở một tiệm sửa TV mà khi máy nóng nó cứ chớp chớp, giựt giựt.
Ra đến nước ngoài, trong thập niên 80 tôi còn chưa biết sử dụng telephone vì trước 1975, ở miền Nam chỉ có các cơ quan chính quyền, các công ty và những nhà giàu mới có gắn điện thoại. Lúc đó ở thành phố Montréal, người ta đặt những cabin điện thoại công cộng tại góc đường, bến xe bus, ga métro…Để biết sử dụng điện thoại công công, tôi ngồi trên một chiếc ghế trong ga métro để quan sát coi người gọi điện thoại công cộng làm gì để bắt chước. Thật giống như trong bài vọng cỗ “Tư Ếch đi Sài Gòn ” mà hề Văn Hường đã hát!
Rồi Rồi đến thập niên 90 điện thoại di động xuất hiện. Ban đầu đó là khối hộp chất to lớn cồng kềnh mà người dùng phải cầm tay mang theo không thể bỏ vào túi áo hay túi quần được. Lúc đầu là công ty Motorola của Mỹ độc chiếm thị trường điện thoại di động , về sau đến lượt công ty Nokia của Phần Lan và giờ đây Iphone của Apple là bá chủ.
Nói về TV, những năm đầu thập niên 90, công ty bán lẻ The Hudson Bay trưng bày trong shop của mình ở trung tâm thành phố Montréal một cái TV dẹp 40 inch Sony với giá 10 ngàn đô. Với mức lương công nhân 5 hoặc 6 đô một giờ lúc đó làm sao tôi dám mơ ước sở hữu cái TV như vậy.
Bây giờ, nhờ cạnh tranh những sản phẩm điện tử càng ngày càng tinh vi và càng rẻ. Cái Iphone vừa để gọi nhau, vừa để lên mạng, vừa để chụp ảnh, vừa để làm GPS hướng dẫn đường, vừa để chơi game, vừa để làm máy tinh…
Muốn xem phim hay ca nhạc chúng ta vào Netflix, Youtube không cần phải có máy VCR, DVD player hay Bluray player và băng, dĩa. Còn muốn lưu trử hình ảnh, tài liệu thì chỉ cần một UBS nhỏ xíu. Muốn xem nội dung trong đó chỉ cần cắm vào ổ cắm USB trên TV hay computer.
Tóm lại, bây giờ chúng ta không cần thiết sắm các thứ lỉnh kỉnh như trước. Chúng ta chỉ giữ lại những gì cần thiết. Một iphone để liên lạc, một Apple Watch để xem giờ, một laptop viết bài và in ấn qua một máy in, một TV lớn để xem tin tức, coi phim, nghe nhạc và những phụ tùng cần thiết cho chúng là đủ. Để thao tác những ứng dụng trên các máy đó, chúng ta chỉ cần tải về (download) các software cần thiết.
Trên đây tôi chỉ đề cập đến nhứng sản phẩm điện tử dùng cho cá nhân trong sinh hoạt thường ngày. Sản phẩm điện tử dùng trong công việc chuyên môn : sản xuất như người máy (robot), quân sự như máy bay không người lái (drone)…càng ngày càng tinh vi hơn.
Mặt khác trẻ em ngày nay không như tuổi thơ của chúng ta ngày xưa. Các cháu làm quen với các sản phẩm điện tử rất sớm. Thay vì bắn bi, đánh trõng, thả diều… chúng lướt mạng, chơi game, xem youtube…Đứa cháu ngoại mới vừa 2 tuổi của tôi biết mở youtube để hát theo những clip Coco Melon hay thằng cháu nội 7 tuổi của tôi đã biết làm youtuber.
Nói về những nền tảng ứng dụng trên mạng ngày nay chúng ta có Microsoft, Google, Facebook, Twiter, Instagram, Youtube…Muốn tìm bất cứ thứ gì trên cõi đời này chỉ cần đánh tên nó vào Google thì ta sẽ tìm ra mà khỏi cần đến thư viện. Người ta có thể diễn tả tâm trạng của mình qua Facebook để tìm người đồng cảm. Muốn gởi thơ cho người thân hay bạn bè không mất tìm mua tem thì dùng Email. Rất nhiều người hiện nay kiếm tiền bằng cách dùng Youtube để thông tin, dạy làm bếp, hướng dẫn du lịch…ngay cả các trung tâm ca nhạc cũng sử dụng thay vì tổ chức đại nhạc hội hay ra dĩa.
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ: làm bài toán cộng đơn giản cũng sử dụng máy tính, ngồi dán mắt nhiều giờ trên màn hình computer làm giảm thị lực…
Huỳnh Công Ân
Montreal 2/10/2023
(Cảm hứng từ hai bài “Hiện Đại…Hại Điện “ của Kim Loan và “ Tôi và thời đại A còng (@)” của Nguyễn Thị Thêm)