Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS, Lê Quí Thể - CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Saturday, September 23, 20231:22 AM(View: 5569)
GS, Lê Quí Thể - CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ


 CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

GS. Lê Quí Thể 


image001

Tôi học hết trung học ở tuổi hai mươi, tuổi không còn nhỏ nhưng cũng không đủ lớn để lăn lóc ngoài đời. Tuy vậy ở tuổi nầy vẫn có nhiều người đã phải ra đời để kiếm miếng cơm manh áo hay góp tay phụ giúp gia đình. Tôi được may mắn hơn là có anh có chị bao bọc nên chỉ có một việc phải lo, đó là học hành. Nhưng học gì đây? Việc chọn môn học cũng không phải dễ, học để trở thành ông nầy bà nọ hay học để sau nầy chọn được một nghề chuyên môn mình ưa thích. Cũng như mọi thanh niên mới lớn, tôi cũng có rất nhiều mơ ước cho tương lai, mơ ước được ra nước ngoài du học là một trong số đó, nhưng sau mới biết học giỏi không phải là yếu tố chính để được hưởng đặc quyền nầy.

Một hôm ở lớp đệ tam một nhóm năm anh hải quân đến thăm trường Quốc Học Huế. Các anh oai phong trong những bộ đồng phục áo trắng quần trắng đại diện cho Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang đến để giới thiệu trường của các anh và đồng thời cũng muốn khuyến khích những thanh niên trẻ tuổi có óc phiêu lưu gia nhập Hải Quân. Theo các anh cho biết sau thời gian huấn luyện tại Nha Trang, các sĩ quan trẻ sẽ được gởi đi tu nghiệp tại Mỹ để làm quen với các tàu chiến hiện đại, đó là phần vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Mơ ước của tôi để trở thành một sĩ quan hải quân lái những tàu chiến giữa biển cả mênh mông lúc đó rất đậm nét nhưng rồi vì lý do nầy hay lý do khác theo năm tháng cũng phai dần. Tuy không lái được tàu lớn nhưng sau nầy tôi cũng được có cơ hội lái một con ghe nhỏ bốn ngày ba đêm trôi dạt trên biển cả đầy sóng gió trên đường qua Mã Lai và một phần nào đó cũng được trải nghiệm mơ ước phiêu lưu của mình.

Trong thời gian những năm cuối thời trung học, một hình ảnh khác không kém phần thu hút đã in sâu vào trí tưởng tượng của tôi là hình ảnh của các thầy đứng trên bục giảng. Sao các thầy lại  quá uy phong và cao quí thế, phải chi một ngày nào đó mình cũng được đứng vào vị trí của các thầy nhìn xuống lớp học. Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.

***

Con đường trở thành nhà giáo cùa tôi:

Huế có rất nhiều thứ để nhớ, để thương nhưng để sống thì không thích hợp với tôi. Đời sống ở Huế quá khắc khổ, quá hình thức, quá khuôn phép. Nếu ở lại Huế tôi có thể chắc chắn trăm phần trăm là được nhận vào trường Đại Học Sư Phạm, rồi tốt nghiệp và đi dạy tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên hay Quảng Nam, Quảng Ngải hay làm giảng viên trường Đại Học Huế. Vào Saigòn thi Đại Học Sư Phạm chắc chắn khó hơn nhiều, hy vọng rất là mong manh. Tuy vậy tôi quyết định vào Saigòn học tiếp không một chút do dự vì tôi phải theo gia đình chị Năm tôi, gia đình chị tôi đang ở Saigòn.

Tôi nạp đơn thi vào ban Lý Hóa trường Đại Học Sư Phạm Saigòn năm 1959, đó là khóa hai của trường, khóa nầy chỉ học ba năm. Hy vọng rất ít, không phải tôi học thua kém học sinh trong Nam, nhưng thử nghĩ miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngải trở ra có hai trường trung học đệ nhị cấp là Quốc học và Đồng Khánh mà chỉ trường Quốc Học có đến lớp đệ nhất còn từ Nha Trang, Đà Lạt trở vào Saigòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ có biết bao nhiêu trường trung học đệ nhị cấp, hơn mười lần nhiều hơn. Như vậy nếu ở Đại Học Huế một tranh một thì ở Đại Học Saigòn một phải tranh mười.

Thí sinh dự thi vào ban Lý Hóa trên hai trăm, trường Đại Học Sư Phạm Saigòn chỉ nhận ba chục. Bài thi chỉ có Lý Hóa và Toán. Sau khi thi xong, mấy ngày liền tôi vẫn còn giải tới, giải lui hai bài thi. Tôi chắc chắn đã làm hai bài thi không một chút sai sót nào. Thời gian chờ đợi quả thật là quá dài. Lúc nầy tôi đã theo học trường Kiến trúc, nếu không được làm thầy giáo mà làm kiến trúc sư cũng không phải tệ. Rồi ngày tuyên bố kết quả thi tuyển cũng phải đến. Thật không bỏ công chăm chỉ học hành, tôi đã thi đậu vào ban Lý Hóa trường Đại Học Sư Phạm Saigòn. Tôi còn nhớ tôi đứng hạng thứ mười một trong danh sách ba mươi người trúng tuyển.

Một chân trời đầy tương lai đã mở rộng cửa cho tôi bước vào. Tôi nghĩ ngay đến học bổng một ngàn năm trăm đồng mỗi tháng, ba năm sau đương nhiên được tuyển làm giáo sư đệ nhị cấp ở Saigòn hay ở một trường tỉnh nào đó với bậc lương căn bản bảy ngàn hai trăm đồng mỗi tháng. Tôi nhớ ngoài Huế có câu "bất sư phụ, bất thành phu thê" mà cười thầm. Tương lai của tôi thật là xán lạn.

 

Nhìn lại đời mình tôi nhớ tôi đã trải qua mười ba năm học đại học, phần lớn là vừa đi làm vừa đi học, chỉ có ba năm đầu dưới mái trường Sư phạm là chỉ đi học, đó là ba năm đáng ghi nhớ nhất của đời sinh viên của tôi. Tuy là sinh viên nhưng với học bổng 1,500 đồng mỗi tháng tôi đã sống một cách vô cùng thoải mái. Số tiền hàng tháng nầy không phải nhỏ vào thời điểm nầy, nếu so với lương một binh nhì đến một chuẩn uý cũng chỉ từ 600 đến 1,000 đồng, một tô phở của các tiệm nổi tiếng Tàu Bay, Hợp Lợi hay Tương Lai cũng chỉ 5 đồng, vé ciné rạp Rex cũng chỉ 5 đồng, xem bóng đá quốc tế vé khán đài cũng chỉ từ 10 đồng. Tôi thuộc loại người quan niện học chỉ vừa đủ để lên lớp, không chú trọng đến thứ bậc nên có rất nhiều thời gian để hưởng thụ. Sáng nào không phở thì cũng hủ tiếu, cà phê cà pháo trước khi vào lớp, chiều nào không có lớp cũng ciné không bỏ sót một phim mới nào, thứ bảy chú nhật cũng phải xem bóng đá, không bỏ sót một trận quốc tế nào dù giá vé bao nhiêu cũng phải mua cho được. Tuy xài rộng rải như vậy nhưng chỉ cuối niên học thứ nhất tôi cũng còn đủ tiền để mua chiếc vêlo solex màu đen, một loại xe gắn máy của Pháp rất được thịnh hành vào thời bấy giờ.

Tuy sống có vẻ phóng túng như thế nhưng tôi không bao giờ quên thực tại là phải học để lên lớp. Trong suốt ba năm liền tôi phải vật lộn hàng ngày với ba môn Toán Lý Hóa từ trình độ thấp đến trình độ cao hơn. Môn học đã quá khó lại còn phải thông thạo Pháp văn vì các bài giảng và bài thi đều bằng tiếng Pháp. Hai năm đầu tôi phải thi lên lớp, năm cuối phải thi tốt nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều môn phụ khác như vệ sinh, xã hội, tâm lý và nhất là học tập cách giảng dạy và thực tập giảng dạy tại các trường trung học. Nhờ khả năng trời cho, chỉ chăm chú theo dõi thầy giảng bài trong lớp tôi cũng đã nhớ được phần lớn bài học mà không cần về nhà học bài, chỉ cần ôn bài một hai tuần trước khi thi cũng đủ để thi đậu lên lớp.

 

***

Vài nét về trường Đại Học Sư Phạm.

Ngày xưa các thầy đồ là những người có học nhưng muốn sống ẩn dật hay có người vì phần số lận đận nên thi đâu rớt đó đành cam phận làm nghề gỏ đầu trẻ trường làng. Tuy vậy những kẻ thành danh trở thành quan to chức lớn vẫn không quên công ơn dạy dỗ của các thầy đồ, vì một chữ cũng là thầy nên khi gặp lại thầy họ đều phải cúi đầu chào thầy.

Đến thời của tôi để được đứng trên bục giảng cũa một lớp trường công lập, người thầy phải trải qua một cuộc thi tuyễn gắt gao và được huấn luyện kỹ càng với đầy đủ kiến thức cũng như kỹ thuật để hành nghề. Nhưng nếu nói về vai vế trong xã hội thì người thầy ngày nay thua kém thầy đồ ngày xưa rất nhiều.

Từ thời thực dân đã có trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội với chương trình hai năm để đào tạo giáo sư trung học. Mãi đến năm 1958 trường Đại Học Sư Phạm ra đời để thay thế cho các trường Cao Đẳng. Trường Đại Học Sư Phạm Saigòn là một trong nhiều trường Sư Phạm đào tạo giáo sư trung học, chương trình một năm đào tạo giáo sư đệ nhất cấp, chương trình ba và sau đó là bốn năm đào tạo giáo sư đệ nhị cấp. Hằng năm đều có những sinh viên tốt nghiệp được bổ dụng đến các trường công lập khắp mọi miền của đất nước và có những cuộc thi tuyển để chọn những sinh viên trẻ muốn trở thành những  nhà giáo.

So với các phân khoa khác trường Đại Học Sư Phạm có một sức thu hút vì một khi trúng tuyển thì sinh viên đã được xem như một công chức, học được trả lương hàng tháng và khi tốt nghiệp phải ký kết dạy học trường công một thời gian bắt buộc nào đó. Một giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm không bắt buột phải dạy học suốt đời, tuy là một số rất ít, nhưng có vài nữ giáo sư sau thời gian bắt buộc đã chuyển nghề khác thích hợp hơn.

Xin các bạn đồng nghiệp, nhất là những người tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigòn, hãy cùng tôi bước lại con đường gian nan để trở thành một nhà giáo. Trước hết để được đến giai đoạn đứng trước cổng trường Đại Học Sư Phạm nhìn vào, chắc các bạn cũng như tôi, chúng ta đã phải trải qua không biết bao nhiêu ngày đêm chuyên cần học tập, không biết phải trải qua bao nhiêu cuộc thi cử. Chúng ta phải thi bằng tiểu học, rồi thi vào lớp đệ thất trường công, thi bằng trung học đệ nhất cấp, thi bằng tú tài một, thi bằng tú tài hai. Chúng ta phải trải qua không biết bao nhiêu lần gàn lọc, có người phải thi hai, ba hay bốn lần mới vượt qua được một cửa ải thi cử. Kế đó để được bước vào một lớp học của trường Đại Học Sư Phạm, chúng ta lại phải trải qua một cuộc thi tuyển vô cùng khó khăn, khó khăn vì có thể mười người mới có một người được may mắn trúng tuyển.

***

Chương trình học của tôi gồm ba năm.

Năm đầu học ba môn Toán Lý Hóa với các  môn vệ sinh, xã hội, tâm lý. Học ở trường Đại Học Sư Phạm, do giáo sư riêng của trường giảng dạy. Giáo sư giảng dạy bằng tiếng Việt. Năm này có hai buổi thực tâp Lý Hóa hàng tuần.

Năm thứ hai học chương trình Vật Lý gồm Đìện Học, Quang Học và Cơ Học. Sinh viên Sư Phạm học chung với sinh viên khoa học bên trường Đại Học Khoa Học. Giáo sư có Việt, có Pháp giảng dạy bằng tiếng Pháp. Năm này có hai buổi thực tập Vật Lý hàng tuần.

Năm thứ ba học chương trình Hóa Học gồm Hóa học Hữu Cơ và Hóa Học Vô Cơ. Sinh viên Sư Phạm học chung với sinh viên Khoa Học. Giáo sư có Việt, có Pháp giảng dạy bằng tiếng Pháp. Đặc biệt sinh viên Đại Học Sư Phạm năm thứ ba được phép ghi tên học và thi chứng chỉ Hóa Học nếu muốn (cố nhiên phải đóng lệ phí ghi tên học từ đầu năm). Năm này có hai buổi thực tập Hóa học hàng tuần.

Năm thứ ba còn có một môn quan trọng là học tập cách giảng dạy và thực tập giảng dạy tại các trường trung học công lập.

Trong các ban có lẽ ban Lý Hóa là ban khó nhất (các anh chị đừng ngạc nhiên vì tôi tốt nghiệp ban Lý Hóa) vì tỉ lệ thi lên lớp và tỉ lệ thi tốt nghiệp rất thấp. Năm nào cũng phải qua ba cuộc thi cử. Các môn Vật Lý và Hóa Học có thi viết, thực tập và vấn đáp cuối năm. Phải đậu thi viết mới được thi thực tập, đậu thực tập mới được thi vấn đáp. Hỏng phần nào ở khóa một thì được tiếp tục thi lại phần đó ở khóa hai. Nếu hỏng bất kỷ phần nào ở khóa hai thì phải ở lại lớp và chỉ cho ở lại lớp một năm mà thôi và năm đó không được hưởng học bổng. Năm thứ ba phải thi giảng dạy, phần thi có chấm cách soạn bài, cách giảng dạy và cách trình bày thí nghiệm.


***

Đoạn đường tôi đi.

Tháng 9 năm 1959 tôi nhập học trường Đại Học Sư Phạm Saigòn, đó là khóa 2 của trường (1959 -1962). Niên học đầu 1959-1960 lớp học có 32 sinh viên, 30 người trúng tuyển và 2 sinh viên dự thính do trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu gởi đến. Trong lớp có một cô sinh viên. Niên học kế 1960 -1961 lớp học ít người đi mặc dầu có thêm vài bộ mặt mới. Niên học cuối 1961-1962 lớp học lại càng ít người hơn nữa mặc dầu có thêm rất nhiều bộ mặt mới. Lớp học bây giờ có đến bốn cô sinh viên.

Năm 1962 ban Lý Hóa thi ra trường có 17 sinh viên tốt nghiêp khóa một, trong đó 11 sinh viên học ba năm, 5 sinh viên thi ba kỳ trong đó có tôi. Tôi học ba năm, thi ba kỳ và tốt nghiệp hạng năm. Cô gái học ba năm, thi  ba kỳ và tốt nghiệp hạng nhất. Đó là lần thứ ba trong đời đi học tôi bị con gái đè đầu.

Năm thứ ba này tôi là người duy nhất trong lớp vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm vừa đậu chứng chỉ Hóa Học. Sinh viên Sư Phạm thi viết chung với sinh viên khoa học nhưng thi riêng thực tập và vấn đáp. Vì tôi vừa thi  tốt nghiệp, vừa thi chứng chỉ nên phải vô thực tập và vấn đáp bên trường Khoa Học. Điểm thi cuối cùng được mang về trường Sư Phạm để sắp thứ hạng. Lúc vào vấn đáp môn Hóa Học Hữu Cơ tôi gặp trở ngại, giáo sư Lê Văn Thới cũng là khoa trưởng của trường kêu tôi lên bảng vào lúc một giờ trưa. Vì thởi gian chờ đợi từ 7 gìơ sáng đến giờ nên tinh thần của tôi căng thẳng, tôi trả lời không được suôn sẽ. Chắc đó là lý do tại sao tôi thi tốt nghiệp không được hạng cao hơn.

***

Tôi xin kể thêm vài chuyện bên lề.

Năm 1962 Mỹ không công nhận bằng Cử Nhân Việt Nam nhưng công nhận bằng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm tương đương với bằng Bachelor of Education. Họ cho ba học bổng hai năm qua Mỹ để học bằng Master of Education, một học bổng cho ban Toán, một học bổng cho ban Lý Hóa và một học bổng cho ban Vạn Vật. Tôi và một cô gái học bốn năm nạp đơn ban Lý Hóa. Ông giám đốc Bùi Phượng Chì phụ trách khoa học chọn cô gái mặc dầu cô nầy thi tốt nghiệp đậu dưới tôi rất xa. Lúc vào khám sức khỏe, cô này bị loại. Thành thử năm đó chỉ có hai anh ban Toán và Vạn Vât đi du học và cả hai trở thành giảng viên Đại Học Khoa Học. Có lẽ tôi thiếu khả năng bợ đít nên đã lở mất một cơ hội đi du học.

Tôi cũng xin nói thêm trong hai năm đầu đi dạy, tôi vẫn trở về trường Khoa Học tiếp tục học và đậu chứng chỉ Vật Lý, một chứng chỉ Toán và được cấp bằng Cử Nhân Giáo Khoa Lý Hóa. Tôi là một trong số rất ít giáo sư Lý Hóa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm có bằng Cử Nhân Giáo Khoa.

Việc bổ nhiệm đi dạy học của bộ Giáo dục thời nầy cũng toàn những chuyện bất công.  Cô thủ khoa về trường Gia Long, anh thứ nhì về trường Pétrus Ký, anh thứ ba về trường Hồ Ngọc Cẩn, anh thứ tư phải xuống Mỷ Tho, tôi thứ năm phải ra Phước Tuy, anh thứ sáu phải lên Tây Ninh, anh thứ bảy phải xuống tận Long Xuyên  trong lúc có bảy người ở lại Saigòn. Về sau này do sự phản đối kích liệt của sinh viên tốt nghiệp, bộ Giáo Dục phải cho sinh viên tự chọn nơi bổ dụng theo nhu cầu từ thứ tự sinh viên đậu cao xuống sinh viên đậu thấp.

 

***

Tóm lại.

Sau 13 năm dạy học, tôi bắt buộc phải chuyển qua nhiều nghề khác cho thích hợp với môi trường sống mới. Cuối cùng tôi phải liệng bỏ tất cả những bằng cấp mình có để thi vào Bưu Điện Hoa Kỳ làm một công nhân bình thường, không được làm thầy mà làm thợ để kiếm miếng cơm manh áo cũng không sao. Rồi sau 19 năm phụ trách bảo trì máy phân phối thư cho Bưu Điện, Covid 19 xuất hiện bắt buộc tôi phài về hưu hồi tháng 8 năm 2020 ở tuổi 81. Hiện nay với tiền phụ cấp an ninh xã hội, tiền hưu bổng của Bưu Điện, tiền tiết kiệm trong những năm tháng làm việc, tôi đang sống một cách thoải mái ở một tỉnh dọc theo bờ biển thuộc phía Nam Cali và có quá nhiều thời gian rảnh rỗi để hồi tưởng lại mình đã “có một thời để nhớ”.



Monday, August 26, 2024(View: 1691)
Và thế tôi xin mượn âm điệu bài hát 'NGÀN THU ÁO TÍM" của nhạc sĩ Vĩnh Phúc và Hoàng Trọng để diễn tả cuộc tình thật đẹp của những đôi tình nhân cùng học trường Ngô Quyền Biên Hòa.
Monday, August 26, 2024(View: 463)
Bước vào năm 2000 của thế kỷ 21 chúng tôi quyết định vào mùa hè đi thăm nước Mỹ bằng cách lái xe xuyên bang qua các vùng thuộc miền Trung và Đông Bắc của nước Mỹ ...
Sunday, August 25, 2024(View: 510)
Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.
Friday, August 23, 2024(View: 588)
Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng
Tuesday, August 20, 2024(View: 604)
Ngày18/8/2024 tin tài tử đẹp trai huyền thoại của Pháp: Alain Delon không còn nữa khiến những người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Tuesday, August 20, 2024(View: 779)
Kể lại câu chuyện trên tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi làm việc thiện nguyện cùng với YMCA. Nhắc đến ông Ronald Luce tôi có hai điều đáng nhớ.
Monday, August 12, 2024(View: 1617)
Chào tạm biệt, và cảm ơn Paris. Bốn năm nữa, tháng 7 năm 1928, Thế vận hội Los Angeles sẽ mang màu sắc của "thành phố Thiên thần" .
Sunday, August 11, 2024(View: 681)
Ai nói mẹ chồng không thương con dâu. Bà mẹ chồng tôi viết ở đây là minh chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của một người mẹ. Hãy mở lòng ra và yêu thương chân thật, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn ta nghĩ.
Saturday, August 10, 2024(View: 755)
Tấm gương đạo hạnh uy nghi, và tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh của một vị Chân Tu mãi mãi hằng hữu trong lòng mọi người.
Friday, August 9, 2024(View: 609)
Ngoài việc xem “xi nê thùng” như đã kể, tôi còn được xem xi nê ở ngoài trời. Xem xi nê loại này không phải đi xa mà xem ngay tại khu vực nhà tôi ở.
Wednesday, August 7, 2024(View: 853)
Với tôn chỉ Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà trong 21 năm tồn tại đã đào tạo những công dân Việt Nam hoàn thiện
Wednesday, August 7, 2024(View: 699)
Sự tuyên truyền khéo léo, che dấu đã cho thấy nhiều thanh thiếu niên đã tình nguyện xông pha vào "cõi chêt" vì bom Mỹ bỏ ngày đêm.
Tuesday, August 6, 2024(View: 5122)
Hướng Đạo là một phần đời không thể tách rời khỏi cuộc sống Neil Armstrong, do đó những nỗ lực trong không gian....
Tuesday, July 30, 2024(View: 1622)
Thế vận hội mùa hè Olympics 2024 (2024 Summer Olympics/ Jeux olympiques d'été de 2024) kéo dài từ 26 tháng 7 đến 11 tháng 8 ở Paris.
Tuesday, July 30, 2024(View: 816)
Chiến tranh trước sau rồi cũng chấm dứt cách này cách khác như chúng ta đã thấy. Nhưng sau 1975, sự thật mới chính là sự thật được phơi bầy.
Monday, July 29, 2024(View: 827)
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều...
Monday, July 29, 2024(View: 1034)
Bầy vịt ơi! Bà ngoại không cần các con giàu có. Không ép các con làm điều gì các con không thích. Bà ngoại chỉ muốn các con sống vui vẻ hạnh phúc, lương thiện và bình an.
Sunday, July 28, 2024(View: 8156)
Sáo Lý Luận chưa từng tưởng tượng, sẽ có ngày được thằng con hơn ba mươi tuổi sẵn lòng “dắt” mẹ già hành hương đến miền đất Phật.
Sunday, July 28, 2024(View: 817)
Trong tim Mẹ dâng lên niềm hạnh phúc, trong trí Mẹ sáng rỡ tấm hình đứa con yêu quý của Mẹ ra trường, vững bước trên đường đời.
Sunday, July 14, 2024(View: 990)
The air was filled with laughter and the hum of excited conversations. It was clear that it wasn’t just any ordinary gathering-it was a meticulously planned event,