THẦY GIÁO TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO
Chỉ sau ngày miền Nam lọt vào tay cộng sản 30/4/1975 chúng ta mới biết đến ý nghĩa của hai chữ “cải tạo” mà người cộng sản thường dùng. “Cải tạo công thương nghiệp” là tịch thâu các cửa hàng, xí nghiệp của những người khá giả ở miền Nam. “Trại học tập cải tạo” là nhà tù không thời hạn dành cho viên chức, quân nhân của chính quyền VNCH. Từ ngữ “cải tạo” dùng trong hai trường hợp trên bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất là chánh sách cướp bóc tài sản và đày ãi những người “bên thua cuộc”.
Đỗ Mười, cố tổng bí thư đảng cộng sản VN (1991-1997), từng tuyên bố trước sân tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày 20/02/1976 vào lúc 10 giờ 15 phút rằng “Giải phóng miền Nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đày đi lao động khổ sai vùng kinh tế mới, vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết lần mòn…”
Chủ trương tàn ác, thâm độc như thế của “bên thắng cuộc” trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn khích động bởi hai hệ thống chính trị của thế giới: tư bản và cộng sản đã làm nhân tâm người Việt Nam sau gần nữa thế kỷ chiến tranh đã chấm dứt vẫn ly tán không thể hoà giải với nhau được.
Với chủ trương “thà bắt lầm hơn bỏ sót”, người cộng sản Việt Nam, sau chiến thắng gom hết những người miền Nam mà họ cho là nguy hiểm cho chế độ vào tù,
Tôi không may cũng nằm trong thành phần đó. Năm 1975 sau khi được thuyên chuyển từ trường trung học Ngô Quyền, Biên Hoà về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng Sài Gòn, những tưởng đời mình được thăng hoa sau 10 năm dạy học từ miền tây đến miền đông trong đó mất hơn gần ba năm trong lính, giờ được về dạy một trường có quy chế ưu đãi: học sinh là con cái những nhà tay mắt ở Sài Gòn, trường này trước đó là một trường tây và nay theo chương trình song ngữ Pháp Việt có giáo sư người Pháp giảng dạy. Nhưng biến cố 30/4/1975 đã cắt đứt con đường tương lai tươi sáng trước mắt của tôi và vào hạ tuần tháng 6 năm đó tôi cũng như các đồng nghiệp cùng hoàn cảnh như tôi nếm mùi tù cộng sản được nguỵ trang là trại “học tập cải tạo”.
Vợ tôi khi đó đang mang bầu, nàng đưa tôi tới trường Pétrus Ký để trình diện những tưởng sẽ gặp lại nhau sau 10 ngày như thông báo của “ban quân quản Sài Gòn Gia Định”: mỗi người mang theo tiền bạc, đồ dùng và thức ăn đủ dùng cho 10 ngày. Giờ đây ngẫm nghĩ lời của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về cộng sản đúng là một chân lý:” Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Có nhiều người tưởng mình chỉ đi “cải tạo” có 10 ngày (sĩ quan cấp uý) hay 1 tháng (sĩ quan cấp tá và tướng lãnh) nhưng có người đi đến 17 năm.
Sau hơn 1 tháng ở trại Trãng Lớn, Tây Ninh tôi bị đưa về trại Long Khánh, bản doanh cũ của sư đoàn 18 chúng ta. Nơi đây họ “biên chế”. (phân chia) tôi vào một B (trung đội) toàn là giáo chức biệt phái. Tôi thấy như vậy thoải mái vì tất cả là đồng nghiệp.
B trưởng là một giáo viên tiểu học lớn tuổi người Bắc tên Sơn mà anh em trong B thường gọi là Sơn già để phân biệt với Sơn trẻ là A (tiểu đội) trưởng, một giáo sư đệ nhứt cấp người Nha Trang, tôi nằm trong A của anh Sơn trẻ. Anh em trong B thường chọc ghẹo anh Sơn già bằng cách nhại thơ của Nguyễn Khuyến:
“Bác Sơn thôi đã thôi rồi
“Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”
Mỗi lần bị anh em nào đọc hai câu thơ ”chế” này, Sơn già chỉ thốt ra hai tiếng:” nhảm thế!”.
Chiến lược cộng sản là đấu tranh giai cấp và họ cũng áp dụng điều này trong việc cai quản tù. Ho đặt một thiếu uý làm đội trưởng mà đội viên là trung uý và đại uý. Trong B chúng tôi họ để một anh giáo viên tiểu học coi một đội có cả các giáo sư trung học hay một anh giáo sư đệ nhứt cấp chỉ huy các giáo sư đệ nhị cấp. Họ muốn gây mâu thuẩn trong những người tù cải tạo: cấp dưới cũ “đì” cấp trên để “trả thù” việc ngày xưa họ bị “áp bức”, “bốc lột”. Nhưng họ đã sai lầm vì chế độ của chúng ta không giống như chế độ của họ. Đặc biệt trong B giáo chức chúng tôi, những người có học bị bọn vô học cầm tù nhưng vẫn giữ tư cách của người trí thức. Ngoài những lúc nói đùa để quên những nhục nhằn trong cảnh tù tội, chúng tôi vẫn đoàn kết, che chở và giúp đỡ nhau.
Trong B3, A1 của tôi có anh Nguyễn Sáu, người xứ Quãng, còn rất trẻ chỉ ngoài 20, là giáo viên thể dục, người cao lớn, khoẻ mạnh nên thường giúp đỡ mọi người trong việc lao động.
Có một lần quản giáo (cai tù) cắt cử tôi lên khiẻng gạo từ xe tiếp tế vào kho dự trử chung với một số tù cải tạo ở các B khác. Tù cải tạo lúc nào cũng đói vì chưa bao giờ được cho ăn đủ no nên có một số anh em lén chọc thủng bao lấy một ít gạo bỏ túi để về “cải thiện” bữa ăn (bù thêm vào bữa ăn chỉ lưng bụng). Tôi trông thấy nhưng làm ngơ. Khi quản giáo biết bị mất gạo gọi tôi lên hỏi có thấy ai ăn cắp gạo không. Tôi trả lời vì bận khiêng gạo nên không thấy gì. Quản giáo phạt tôi về tội thiếu “cảnh giác” không giúp “cách mạng phát hiện những kẻ ăn cắp tài sản của nhân dân”. Anh ta phạt tôi gánh hai khối (2 m3) đá đi đổ lên con đường từ cổng trại tới kho lương thực. Lúc đó trời đã tối, tôi nghĩ mình có gánh tới sáng cũng không xong.
Được tin tôi bị phạt gánh đá, anh Nguyễn Sáu ra khiêng đá giúp tôi. Nhờ vậy, đến khoảng 10 giờ tối thì tôi đã thi hành xong lệnh phạt.
Trong B tôi có anh Nghiêm Dũng là giáo sư môn Quốc văn, anh với tôi cùng ở quận 4, anh ở góc Đỗ Thành Nhân và Lê Văn Linh còn tôi ở gần ngả tư Đỗ Thanh Nhân và Tôn Đản chỉ cách nhau vài trăm thước nhưng mãi đến khi vào trại cải tạo Long Khánh mới biết nhau.
Nghiêm Dũng có bằng cữ nhân Việt Hán nên đọc và viết chữ Hoa rất thành thạo. Tôi vốn thích văn chương nên thường đọc
thơ Đường và nhờ Dũng giải thích những từ Hán Việt nào mình không hiểu nghĩa.
Ngoài giờ lao động , lúc rảnh rổi chúng tôi thường ngâm nga những bài thơ của Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Thôi Hộ, Lý Bạch, Bạch
Cư Dị… Anh Nguyễn Sỹ, giáo viên người Quãng nhờ Dũng diễn nôm bài thơ tứ tuyệt Tĩnh Dạ Từ của Lý Bạch và đã dịch thành bài thơ tiếng nôm không kém các bản dịch của các nhà thơ lớn của ta:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
“Nghi thị địa thượng sương
“Cử đầu vọng minh nguyệt
“Đê đầu tư cố hương”
(Lý Bạch)
“Trước giường ánh nguyệt lung linh
“Trông trên mặt đất như hình sương sa
“Ngẩng đầu nhìn bóng Hằng Nga
“Cúi đầu tưởng nhớ quê nhà xa xăm”
(Nguyễn Sỹ phỏng dịch)
Những cải tạo viên chúng tôi lúc đó cảm thấy thấm thía nối lòng xa quê, xa vợ, xa con qua bài thơ này.
Ngoài tài văn thơ, Dũng còn là một tay cờ tướng rất giỏi. Tôi đánh cờ không hay nhưng nhờ Dũng làm quân sư nên thường
thắng các đối thủ ngang tầm để đem về cho mình những cục đường tán ngọt lịm ( trong trại mọi người đều thèm đường vì thiếu chất ngọt).
Tôi vốn được “cưng”, lúc còn độc thân ở với cha mẹ không biết làm gì cả ngoài việc đi học và đi dạy nên khi vào tù ngay đến nấu nước sôi tôi cũng không biết. May mắn, ở chung với các đồng nghiệp tháo vác nên tôi được chỉ dẫn để biết cách lao động tay chân từ việc cuốc đất, trồng rau, nấu cơm, chặt cây, cắt tranh, đục mộng gỗ…
Khi chuyển trại về Ka Tum, Tây Ninh thì đội giáo chức bị xé lẻ. Chỉ còn tôi với anh Nghiêm Dũng và anh Vui, giáo viên tiểu học về cùng một B.
Dũng và tôi ở tổ đi rừng chặt cây và cắt tranh còn Vui làm ở tổ rèn.
Ở trại này, tù cải tạo được cho phép báo gia đình lên “ thăm nuôi”. Lần đầu tiên tôi gặp lại vợ con tôi sau hơn một năm xa cách. Khi tôi đi trình diện “học tập cải tạo” thì con tôi còn ở trong bụng mẹ, ngày vợ tôi đi thăm nuôi tôi nó đã biết đi lẩm chẩm. Tôi phải đi bộ hơn 5 cây số từ trại ra Bổ Túc, địa điểm thăm nuôi. Gia đình tôi được ở trong một cái lều riêng để trò chuyện. Tôi kể chuyện nhục nhằn trong kiếp tù cải tạo mà chỉ cần nhìn qua dáng gầy gò của tôi thì vợ tôi cũng hiểu. Vợ tôi kể chuyện thay đổi của xã hội bên ngoài. Còn con tôi chỉ biết ngơ ngác nhìn người đàn ông chưa hề gặp.
Vì thiếu thốn đủ thứ trong trại tù nên khi tôi viết thơ về gia đình, tôi xin: đường, bột ngọt, đậu, thịt chà bông, nếp, kẹo, bánh, lạp xưởng... nên Hiếu, thằng em tôi đã gánh hai cái ba lô nặng trĩu thức ăn theo chị dâu lên cho tôi. Ba tôi khi đọc thơ tôi nói với vợ tôi: “bộ chồng con tính mở tiệm tạp hóa ở trong trại hay sao”. Đồ tiếp tế nặng quá, tôi không thể mang về trại một lần nên dùng cách sau: tôi mang túi đồ thứ nhứt đi một khoảng rồi bỏ xuống, đi trở lại mang túi thứ hai và tiếp tục như thế cho chặng kế tiếp. Do đó khoảng đường hơn 5km từ Bổ Túc về trại biến thành hơn 15 km. Khi về gần tới trại thì tôi gặp Vui đốt đuốc đi tìm tôi vì trời đã quá khuya mà Vui chưa thấy tôi về tới trại.
Lần thăm nuôi thứ hai của tôi, vợ tôi đi chung với vợ Nghiêm Dũng vì tôi và Dũng nằm trong danh sách thăm nuôi cùng ngày. Khi vào lều nói chuyện, vợ tôi kể chuyến hành trình gian nan của mẹ con nàng từ Sài Gòn lên Bổ Túc. Nàng đã phải đi xe hơi chạy bằng than đá và vì ngối phía sau nên phải chịu sức nóng và khói phát ra từ bình than khổng lồ phía sau xe. Rồi mẹ con nàng phải trải chiếu năm dưới đất trong nhà dân, được biến thành nhà trọ để qua đêm...Nghe nàng kể, tôi thương cảm thân phận người vợ của những người ở “bên thua cuộc”. Thằng con trai tôi đã lớn thêm một chút, đi chạy vững vàng nhưng vẫn ngơ ngác nhìn tôi như người xa lạ.
Rút kinh nghiệm lần thăm nuôi đầu, lần này tôi và Dũng “hợp đồng tác chiến” dùng một cây đòn để hai người cùng gánh ở hai đầu tất cả các túi quà nên không phải mất gấp ba lần khoảng đường như tôi lần trước.
Tôi và Vui ở cùng một A nên khi nào được người nhà tiếp tế chúng tôi thường “cải thiện” một vài món như cháo, chè để “bồi dưỡng” (bồi bổ sức khỏe) ở trong cái lều nhỏ làm nhà bếp phụ của A phía sau buồng ngủ.
Một ngày chủ nhựt cuối năm 1976, mọi người được nghỉ lao động. Tôi đang ngồi viết thơ cho gia đình thì có một tiếng nổ long trời vang ra hướng lò rèn. Vui, bạn tôi ở trong tổ lò rèn. Lo lắng không biết Vui có bị gì không nên tôi chạy lên lò rèn. Tới nơi, một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt tôi. Vài người nằm sóng soài trên nền đất trong vũng máu. Có người thân thể không còn nguyên vẹn. Tôi cố nhận diện xem có Vui trong số nạn nhân đó không. Thình lình sau lưng tôi có tiếng của Vui:” Ân ơi mình may quá, hôm nay nghỉ, mình không lên lò rèn.”
Sau đó tôi được biết, anh tổ trưởng lò rèn là một sĩ quan công binh, nhân ngày nghỉ anh đem những quả đạn đại bác bị lép đem về cùng một số bạn cùng tổ cưa ra để lấy thuốc nổ làm pháo đốt chơi trong dịp Tết sắp đến. Hậu quả: nhiều người thương vong.
Sau tết 1977, tôi, Nghiêm Dũng và Vân, giáo sư lý hoá dạy ở một trường miên tây bị chuyển trại về Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải (Bình Tuy và Bình Thuận trước 1975) còn Vui thì ở lại Ka Tum. Trại này do công an quản lý nên mỗi B được dắt vào một căn nhà dài. Trong nhà hai bên là hai dãy sạp làm chỗ ngủ cho tù, cuối nhà là cầu tiêu. Ngay buổi tối đầu tiên, sau khi điểm danh bọn tù trong B tôi phải vào nhà dài để ngủ và cán bộ quản giáo khóa cửa ngoài. Tôi nghỉ, nếu ban đêm xảy ra hỏa hoạn thì bọn tù trong B tôi sẽ thành heo quay hết. Bọn công an coi tù xem tánh mạng của tù rẻ mạt.
Sáng hôm sau, trại biên chế các tổ lao động. Tôi được biên chế vào tổ mộc và được cử làm tổ phó. Công việc của tôi là giữ các dụng cụ mộc và khi tới nơi làm việc thì đo vẽ những mãnh gỗ để người khác cưa và ráp lại thành máng heo. Kể ra tôi cũng đươic nhàn nhã với công việc đó. Tổ trưởng tổ mộc của tôi là một anh nhân viên của phủ đặc ủy tình báo. Anh này là người ít học và tính nết nhỏ mọn, Về sau, khi tôi được thả về tôi gặp một vài người bạn đồng tù được thả sau tôi cho biết, anh tổ trưởng mộc của tôi về sau được trại cử làm trưởng trại cưa máy và anh bị tại nạn lao động nên mất một cánh tay.
Tôi và Vân ăn chung, nhờ Vân nấu ăn khéo nên tôi có những bữa ăn ngon với những thứ gia đình gởi vào.
Một buổi sáng, khi tù các nhà tập họp ngoài sân thì tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều cán bộ công an xuất hiện trước chúng tôi. Khi hàng ngũ tù nhân đã ổn định thì cán bộ trại trưởng, một ông già khoảng 60 tuổi, cho chúng tôi biết “hôm nay có một loạt biên chế mới, một đồng chí công an sẽ đọc tên những người sẽ được chuyển qua nhà mới”. Tôi có linh cảm những người được đọc tên sẽ được thả về. Trong số những người được đọc tên có Nghiêm Dũng và Vân nhưng không có tên tôi. Khi những người có tên trở về chỗ ở lấy đồ đạc đem qua chỗ mới, tôi nhờ hai người bạn đồng tù thân thiết chuyển lời nhắn của tôi về cho vợ tôi một khi được ra khỏi trại.
Ngày hôm sau, những người được gọi tên hôm qua từ nhà dài mới trú ngụ hôm qua, khăn gói ra tập hợp ngoài sân. Sau khi cán bộ công an điểm danh xong, họ đứng lên và được cán bộ công an dẫn ra cổng trước đôi mắt thèm thuồng của những người tù còn lại. Ít lâu sau tôi nhận được thơ vợ tôi cho hay, Dũng và Vân có ghé nhà gởi lời nhắn tin của tôi đến nàng. Vợ tôi cho hay hai người bạn của tôi được thả về đã được cho dạy học lại vì các trường học đang thiếu thầy giáo. Nàng nói hy vọng tôi sẽ được thả ra một ngày không xa với lý do tương tự..
Thật vậy, đầu tháng 9 năm 1977 tôi được thả ra sau hai năm ba tháng trải qua bốn trại tập trung cải tạo.
Sau khi ra tù, hôm được tin Vui được thả, tôi và Dũng có đến nhà Vui thăm anh. Nhà anh Vui ở trên cây cầu bên hông chợ Bình Tây. Ba chúng tôi qua quận 8, vào một quán nước để hàn huyên.
Đôi ba năm sau, có người cho tôi biết vợ Vui đã mất và Vui đã dọn nhà đi nơi khác.
Sau khi được thả tôi về dạy trường cấp 3 Nguyễn Trãi còn Dũng dù có bằng cử nhân nhưng chỉ được dạy trường cấp 2
Nguyễn Huệ còn vợ Dũng dạy Nguyễn Trãi.
Khi tôi mở lớp luyện thi vào lớp 10 Nguyễn Trãi tôi có mời Dũng phụ trách môn Văn.
Về sau vơ Dũng mất, Dũng đi thêm bước nữa. Người vợ sau của Dũng cũng là cô giáo.
Dũng có hai người em trai cùng cha khác mẹ là Nghiêm Tiến và Nghiêm Đạt đều là học sinh Nguyễn Trãi. Nghiêm Đạt là học trò của tôi. Cả hai đều là kỷ sư điện toán cùng ở Montreal, Canada với tôi.
Sau khi ra hải ngoại, năm 2008, trong chuyến về VN đầu tiên tôi có nhờ một người bạn chung dẫn đến nhà Dũng và mời anh ra một quán nước chuyện trò. Sau đó, khi tôi tổ chức sinh nhật tại khách sạn NW, tôi gọi điện thoại anh nhiều lần để mời anh tham dự nhưng không được.
Từ đó, trong những lần về VN tôi không gặp được anh, chỉ theo dõi anh qua facebook và được biết anh nhờ giỏi chữ Hán nên đã học thành đông y sĩ. Anh là y sĩ trưởng phòng khám bệnh đông y miễn phí ở Linh Quang Tịnh Xá. Anh thường dẫn một
phái đoàn đông y đi chữa bệnh miễn phí nhiều nơi.
Lần về VN này, tình cờ một em học sinh cũ của tôi ở Nguyễn Trãi có học cấp 2 ở Nguyễn Huệ cho biết Nghiêm Dũng đã ra đi
cách đây không lâu làm tôi bàng hoàng.
Trong cuộc đời, Nghiêm Dũng làm hai nghề cao quý: thầy giáo để dạy người và thầy thuốc để cứu người. Như vậy, anh đã
giúp đời nhiều gấp đôi tôi. Chắc chắn ở bên kia thế giới anh rất thanh thản.
Về phần các anh Sơn già, Sơn trẻ, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Sáu, Vui, Vân và những đồng nghiệp cùng ở tù cải tạo với tôi ở trại Long Khánh năm 1975 và 1976 tôi không nghe tin tức gì. Cầu mong các anh vẫn khoẻ mạnh dù ai nấy bây giờ cũng đã lớn tuổi lắm rồi.
Montreal , đầu thu 2023
Huỳnh Công Ân
(Thân tặng các đồng nghiệp giáo chức biệt phái từng đi tù cải tạo)