Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - DÒNG SÔNG ĐỜI

09 Tháng Năm 20239:02 SA(Xem: 2765)
Nguyễn thị Thêm - DÒNG SÔNG ĐỜI
Dòng Sông Đời NTT

Chị là người Biên Hòa, quê hương của vùng đất hiền lành nổi danh 'Xứ Bưởi". Vùng đất nhiều cây trái ngọt ngon được bồi đắp bởi dòng sông Đồng Nai. Dòng sông dịu dàng như bà mẹ miền Nam chân quê tảo tần siêng năng mưa nắng. Bà má Biên Hòa hiền hậu với áo bà ba thật chân chất dễ thương.

Dòng sông chứa nhiều màu mỡ đã bồi đắp đất Trấn Biên địa linh nhân kiệt. Đất đai trù phú cho chị lớn lên với cuộc sống bình dị. Không nhiều bon chen như những người dân nơi khác, phải đấu tranh vất vả với thời tiết để đổi lấy miếng ăn.

-Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

 

Thật ra chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê không hề có sông nước. Chỉ đất đỏ bazan và bạt ngàn cao su nối đuôi nhau thẳng tắp mênh mông. Tuổi thơ của chị không phải bơi thuyền trên sông hay nhảy tùm xuống sông Đồng Nai để tắm như nhiều bạn bè sinh trưởng tại tỉnh lỵ.  Nơi chị ở chỉ có con suối nhỏ len vào những làng, ấp, chảy qua  mảnh vườn của ba má chị tạo dựng. Con suối nước trong veo có thể nhìn thấy đáy và những con cá bơi qua lại hưởng một đời sống bình an.

Đất vườn trồng cây ăn trái ba chị đào mương chia đất thành 4 liếp. Những con mương thông với con suối cuối vườn. Sầu riêng, chôm chôm, dâu và các loại cây trồng khỏi cần phải tưới. Mùa hè, chỉ cần đứng ở bờ mương, dùng gàu cán dài múc nước tưới hất vào những trụ tiêu hay những dây trầu vàng quấn quít gốc cau. Mùa mưa, nước dưới suối dâng lên theo các con mương ngập xâm xấp vườn dưới. Dế cơm leo lên những nhánh chôm chôm lòa xòa sát đất chỉ cần xách cái thùng là bắt lên vô số. Anh Tám chị ngắt đầu, nhét hột đậu phộng vào ruột, chiên lên béo ngậy, thằng em út mê hết cỡ. Ban đêm ếch, nhái bò lổm ngổm kêu vang trời. Anh Sáu chị xách cây đèn bão xuống vườn, tha hồ bắt về nấu cháo hay xào lăn.

Kể cho vui thôi, chứ công chúa như chị mưa dầm ba má đâu có cho xuống vườn, nằm trùm mền nghe tiếng mưa rơi bên ngoài nên làm gì bắt được dế cơm. Còn cóc ếch nhái thì eo ơi công chúa sợ. Một lần anh chị làm thịt ếch, anh chặt cái phụp, đầu con ếch đứt ra, hai chân con ếch chắp lại. Chị sợ quá nói ếch nó lạy xin tha mạng. Chị khóc thét và hình ảnh đi vào những cơn mơ "Chị bị chặt đầu"  kinh hoàng. Chị bệnh một trận khá nặng và từ đó không xem làm thịt ếch, không dám ăn thịt ếch, cóc, rắn, dế cơm ...  

Lúc bé chị chỉ được ra ngắm dòng suối đó khi nào có ba má hay có anh bên cạnh. Sự giữ gìn quá đáng không cho con gái tắm sông tắm suối và những điều dị đoan đã làm chị như con ốc thu mình trong vỏ cứng, hèn nhát chẳng dám phiêu lưu. Chị không hề biết bơi dù là một kiểu bơi tệ nhất để không bị chìm. Cái thuở người ta tin một cách mãnh liệt là sông suối luôn có Ma Da và Hà Bá. Những ông thần giữ nước rất ham thích đàn bà con gái. Chỉ tắm vào buổi trưa hay chạng vạng, hoặc hạp tuổi là có thể mắc "Thằng Bố" để rồi ngẩn ngơ điên điên khùng khùng cho đến hết đời. Chị là con gái tuyệt nhiên không được ra sông suối một mình. Đó là lệnh và là nội quy bất di bất dịch của gia đình.

 

Cho nên con suối nhỏ hiền hòa cũng không thể là bạn bè, là chất nước mát tưới lên tuổi thơ của chị. Đó là điều ân hận nhất mà chị mang vào đời cho tới bây giờ. Chị hay khuyến khích các con phải cho các cháu tập bơi ngay từ nhỏ. Chị nhìn chúng tung tăng bơi qua về thích thú mà mãn nguyện, sung sướng. Đôi khi ở hồ bơi, chúng lôi chị xuống hồ và bảo chị: "Bà nội tập đi, có tụi cháu ở đây mà"  Nhưng sự ngại ngần trở về như bản tính của chị. Chị hèn nhát đi lòng vòng bể bơi rồi lên bờ để làm một bà già tệ hại nhất.

 

Con sông Đồng Nai chảy ra biển lớn. Người Biên Hòa đi khắp bốn phương. Trên đoạn đường đời mỗi người trôi theo số phận của mình. Có người biết bơi giỏi, có kinh nghiệm sẽ là những người về đích bình an, xuôi chèo mát máy. Có người chỉ biết bơi sơ sơ, thì mệt hơn, đuối hơn khi về tới đích. Ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh sẽ vùi dập những người không biết bơi. Để khi được vớt lên, sự sống còn là những bi ai trong đời sống.

Con sông đời mỗi người mỗi khác và mỗi dòng sông cũng nghiệt ngã khác nhau. Có con sông nhiều ghềnh thác dữ dằn như sông Hồng của một bài văn tả rất thật của Khái Hưng trong chuyện "Anh phải sống". Chị nhớ đó là bài thuyết trình mà chị đắc ý nhất lúc học Trung Học. Chị hòa mình vào nhân vật, chị thấy những đợt sóng, những khúc củi khô trôi lềnh bềnh. Chị thấy người chồng đang ra sức lôi vợ. Và chị thấy đôi mắt của người đàn bà đầy tuyệt vọng chợt sáng lên quyết liệt khi buông tay chồng ra để dặn dò " Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé. Không! Anh phải sống!".

Thế đó, chị nhập vào vai trong cốt chuyện để thuyết trình trước các bạn thuở còn học đệ ngũ và cảm giác đó vẫn còn mỗi khi chị nghĩ đến một dòng sông. Phải chăng khi mình tắm trong dòng sông nào thì mình sẽ nhớ mãi dòng  sông đó. Chị chưa hề tắm sông, tắm suối, nhưng dòng sông đời thì chị đã trải qua.

Con sông đời của mỗi người sẽ là câu chuyện dài từ lúc sinh ra cho đến khi xuôi tay nằm xuống. Có lúc êm đềm, nhẹ nhàng như thuở còn ngây thơ cắp sách đi học. Có lúc gợn sóng lăn tăn nhưng đầy thơ mộng của thuở vào yêu. Có lúc rộn ràng đầy những tiếng cười của một thời hạnh phúc. Cũng có lúc gặp ghềnh đá sóng vỗ chập chùng phải cố hết sức để vượt qua. Càng ra ngoài xa hơn, càng về gần biển cả sông càng gặp sóng to gió lớn. Khi vào tuổi trung niên phải vất vả đấu tranh để đổi lấy miếng ăn. Cuối cùng khi tuổi già sức yếu con sông đời cũng phải ra biển lớn để hòa tan vào một quần thể vô cùng, vô biên của tạo hóa. Tất cả đều là không.

 

Chị hay ngồi soi rọi lại đời mình,  mỗi chặng đường đời cho chị nhiều điều thú vị. Mỗi giai đoạn đi qua sông nước khác nhau. Con sông từ khởi thủy nó cũng không biết mình sẽ đi đến đâu và qua những nơi nào. Cái đến phải đến, tới nơi nào con nước cũng lướt qua, chỗ hẹp, chỗ rộng, chỗ đầy đá nhọn hay vực sâu. Có khó khăn trở ngại cách mấy nước cũng len lỏi tìm đường đi tới. Mỗi giai đoạn cuộc đời con người vẫn phải sống, phải tranh đấu, phải đứng lên giải quyết. Đoạn đường càng chông gai càng có nhiều nhiều kinh nghiệm. Câu nói "Nước chảy đá mòn" nói lên sự chịu đựng dẻo dai của con người để vượt qua và khắc phục tất cả khó khăn để sinh tồn.

 

Chị lại nhớ đến sông Ô Lâu nơi quê hương của chồng. Con sông quê xứ lạ cho chị cảm giác khác con sông Đồng Nai quê hương chị. Khi chị xuống chợ Biên Hòa qua khu chợ cá để theo đò về bên kia sông là Hóa An thăm gia đình người anh. Ngồi trên chiếc đò máy nổ bành bạch để qua sông chị lại nghĩ đến khúc sông đời. Bên này sông là gia đình chồng, bên kia sông là gia đình anh ruột. Một nơi mình phải làm dâu giữ lời ăn tiếng nói. Một nơi mình sống tự nhiên vui đùa với những đứa cháu dễ thương, người anh máu mủ. Chỉ cách một bờ sông không khí khác đi nhiều, chị phải sống theo đúng vai trò mình phải diễn như trên sân khấu cuộc đời.

 

Chị thả bộ xuống bờ sông Đồng Nai, những khối cát được cần trục xúc lên, xe tải ầm ầm chuyển đi nhiều nơi. Chị thương dòng sông bị rút ruột, bào mòn thành hầm hố, đầy nguy hiểm cho lũ cháu tắm sông. Nhìn qua Cầu Mới dẫn về thị xã, xe cộ nối đuôi nhau chạy liên tục. Thành phố đô hội bao giờ cũng bon chen nhiều nguy cơ, cạm bẫy hơn chốn thôn quê mộc mạc chân chất.

 

Con sông Ô Lâu lại khác. Nó hiền lắm, êm đềm lắm. Đứng ở bờ sông bên đây có thể nhìn qua bên kia, thấp thoáng người ta đang tắm hay lấy nước, xe chạy trên đường. Giòng nước sông Ô Lâu rất trong và không hề có một tí sóng. Nó lặng lẽ trôi, điềm đạm trôi đi mãi không về. Thỉnh thoảng những chiếc đò máy chở khách đi chợ Mỹ Chánh về chạy qua hay cập bến. Các Mụ, O  xuống đò líu lo những âm hưởng miền Trung nặng trịch. Hàm răng nhuộm đen nhánh, điếu thuốc lá Cẩm Lệ to đùng làm xệ cả đôi môi. Tiếng cười cũng e dè, nhẹ nhàng như giữ lại một chút gì đó cho riêng mình.

 

Các Mụ, các O là những người phụ nữ miền trung chịu đựng dẻo dai. Họ sống kín đáo như những con đường dấu kín dưới hai hàng tre được trồng bao bọc con đường. Ở trên những cành lá giao nhau như một vòng cung và con đường là một ngõ sâu hun hút. Họ kín đáo như hai hàm răng nhuộm đen đều răng rắc, rất khít để nói nhưng không muốn hở môi. Họ che đậy cảm xúc như cái rổ đi chợ được cẩn thận phủ kín bằng tấm lá chuối chặt ở trong vườn. Họ không muốn ai biết những gì họ đã mua bên trong. Chị cũng không biết đó là thói quen từ trước đến nay hay là sau 1975 đảng, nhà nước kiểm soát mọi nhu cầu đời sống người dân. Ăn gì, mặc gì, nghĩ gì tất cả đều phải lén lút, giấu kín không cho ai được biết.

 

Đời sống và khí hậu khắc nghiệt ở đây rèn luyện cho người dân kinh nghiệm sống, biết tính toán thiệt hơn để sinh tồn. Sáu tháng làm việc, họ ra hết sức mình trên mảnh đất khô cằn của cha ông để lại. Họ trồng khoai, ngô ,sắn, đậu ớt, thuốc lá xen kẽ vụ mùa khi đất gieo mạ đã được nhổ đi cấy ngoài ruộng. Không để một tấc đất bỏ hoang, họ trồng chăm chút, tỉ mỉ và yêu quý nó. "Tấc đất tấc vàng" cuộc đời họ gắn liền với đất.

 

Phải sống ở đây mới thấy miền Nam sung sướng ra sao, đất đai màu mỡ được ưu đãi thế nào. Ở đây người dân tận dụng đất và tận dụng cây trồng. Lúa, khoai mì, khoai lang, bắp...sau khi thu hoạch, phần còn lại đáng lẽ bỏ đi như miền Nam, họ sẽ phơi khô gánh về làm củi, nấu cho heo, làm dưa chua và nhiều thứ khác.

Hoa màu được phơi khô cất kỹ để dành. Khoai, đậu, ớt, thuốc lá và nhất là mỗi nhà đều trử mắm ruốc. Từng hủ, từng hủ mắm ruốc đậy thật kín để dùng cho mùa đông và mùa lụt. Những ngày trời rét không thể ra đồng làm việc, hay nước lụt dâng lên trắng xóa mọi nơi, những thực phẩm khô cất giữ sẽ cứu đói cả gia đình. Chỉ cần cơm độn khoai, nước ruốc kho loãng, cả nhà quây quần ngồi ăn trong cái rét thấu da thịt là sự sống và hạnh phúc đã về.

Chị đã ngạc nhiên khi bắt gặp họ cuốn những lá thuốc đầy bụi thành một cục to tướng và hút thật say sưa. Có những chị còn rất trẻ, rất đẹp, nhưng điếu thuốc to đùng trên môi đã xóa đi những nét mỹ miều. Con sông đời của các chị, các O là như vậy. Yên phận, bình lặng, kín đáo nhưng khi có dịp để bùng lên thì thật khủng khiếp không ngờ.

Có đi hội họp ở đội, đoàn hợp tác xã mới nghe các O, Mụ, Mệ sắc bén trong từng câu, từng lời nói. Lý luận đâu ra đó hơn thua, đấu đá nhau từng chút trong công việc.

 

Rõ ràng chỉ có đàn bà con gái miền Nam mới thật thà, hiền hòa, chơn chất. Miền Nam đất đai màu mỡ trồng trọt dễ dàng, thức ăn dư thừa nên tấm lòng họ cởi mở, không để ý đến những lặt vặt, hơn thua. Phụ nữ miền Nam dư ăn dư để, không cần đấu đá nhau vì miếng cơm manh áo.

 

Trở lại chuyện con sông Ô Lâu làng quê chồng chị. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều tối những chiếc ghe lưới cá đua nhau gõ lốc cốc, lốc cốc rộn ràng một khúc sông. Hai hoặc ba chiếc ghe nhỏ gõ thanh tre liên tục để gây tiếng động dồn cá vào một vòng tròn và người ta tung lưới để bắt. Những con cá đang tha hồ bơi lội hốt hoảng bị trúng lưới. Chúng giãy đành đạch để cố hít thở không khí của loài người và chào cuối cùng cuộc sống sông nước êm ái của đời mình.

 

Nhưng! Đừng tưởng sông Ô lâu hiền, đẹp mà bình an hơn sông Đồng Nai mà lầm. Con sông Đồng Nai quê nhà của chị vậy mà không hề tràn bờ vào phá làng phá xóm. Con sông Ô Lâu thì khác. Chỉ một cơn gió nồm thổi về, trời vần vũ là báo hiệu con sông nổi giận. Nước từ đầu nguồn đổ về hung hãn. Chỉ vài giờ thôi nhà cửa sẽ ngập trong màn nước lũ. Ngồi trên chiếc giường đã được chồng lên bao nhiêu là gạch nhìn qua cửa sổ chỉ thấy một màn nước trắng xóa. Những tàu lá dừa và lá chuối phất phơ trên mặt nước như bàn tay tuyệt vọng đưa lên vẫy gọi một vị cứu tinh. Những trai làng chặt thân cây chuối từ chiều tối khi đoán con nước sẽ về, họ bện thành những chiếc bè và chèo đi thăm hỏi. Bè chuối vào cửa trước rồi đi ra. Vào nhà như đang bơi trên con sông nhỏ. Có khi ghé hỏi thăm nhà này qua một cửa sổ, ghé vào cái khu đĩ thoát thân một cái nhà khác hoặc giúp đỡ chuyển đi những người đang đứng trên mái nhà chờ cấp cứu.
Sau mấy ngày ngập lụt con nước từ từ rút xuống, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, tổng kết thiệt hại để rồi lại chuẩn bị thức ăn cho một cơn hồng thủy khác. Cái khổ là lúa trong chồ (bồ) bị ngập chuẩn bị mọc mầm mà ngoài trời không có chút nắng để phơi.

Dòng sông đời cũng vậy. Đôi khi nhìn rất phẳng lặng nhưng bên trong đấu đá thù hận khôn lường, bao nhiêu mưu mô sẵn sàng đưa ra triệt hạ đối phương. Mỗi trở ngại con người phải chống chọi bằng nhiều cách. Phải tùy theo hoàn cảnh chặt dạ kiên trì để chân cứng đá mềm vượt qua sóng gió.

Con sông đời của chị đã trải qua hơn 70 năm ghềnh thác. Từ một con bé tóc hớt cua như con trai cùng các anh thảy lỗ, bắn bi. Con bé hay khóc nhè mỗi khi ngủ dậy. Con bé chỉ biết rừng cao su lộng gió trơ cành, không hề biết cảnh phồn hoa thị tứ. Bây giờ con bé ấy đã vượt bao nhiêu núi đồi, quốc gia lớn nhỏ, xuyên đại dương ngồi bấm máy để viết cho dòng sông nhỏ của mình. Tóc đã bạc vì nước thời gian gội đi bao nhiêu thanh xuân tuổi trẻ. Con bé ấy đã là một bà  già nhiều suy tư về cuộc đời và sự vật.

Chị lại thấy mình may mắn vô cùng khi hiện diện nơi này để con sông cuối cùng về biển cả không bị ghềnh thác cheo leo. Con sông đời của chị đã có nơi bình yên trao gửi trước khi nhập vào lòng đại dương bao la của tạo hóa và biến mất giữa trần đời.

Con sông cuối cùng cũng được bình yên mỗi ngày vui cùng gió mát trăng thanh, nghe hương đồng cỏ nội reo vui hai bên bờ. Chị cũng vậy. Cuộc sống chị bây giờ yên ấm quá. Những sớm mai đi bộ vòng quanh khu nhà ở. Những vỉa hè sạch sẽ, những đoạn đường công viên  rợp bóng cây xanh. Ngồi xuống ghế nghe chim muông hót trên cành, nhìn các cháu vui đùa hay xem những người trẻ chơi Basketball cười vang yêu đời. Chị thấy mình thật hạnh phúc và chị thật lòng tri ân đất nước này đã cho chị cuối đời bình an không chộn rộn lo âu vì miếng cơm manh áo.

 

 Người già ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu và sống bao nhiêu đâu cho những ngày còn lại. Thế nhưng ăn miếng cơm vào bụng  lòng thấy vui. Mặc chiếc áo đơn sơ không lo ngoài kia mưa gió lạnh lùng. Ngủ một giấc an bình không sợ ai gõ cửa làm khó. Nhất là khi nằm xuống không sợ con cái phải vất vả nợ nần để trang trải cho cái xác vô tri thì thật là phước báo cuối đời.

 

Dòng sông nào cũng về biển cả. Cuộc đời của mỗi con người rồi cũng kết thúc. Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.

Nụ cười bình an trước khi nhắm mắt.

 

Ta đã có dòng sông quê hương
Sông Đồng Nai hiền hòa êm ả
Xứ Bưởi Biên Hòa quê của má
Cho ta đẹp quá tuổi học trò.
 
Ta bước qua cuộc sống gay go
Quê chồng sông Ô Lâu xinh đẹp
Nước trong veo cho nhiều tôm tép
Và điên cuồng lũ lụt mỗi năm.
 
Ta trưởng thành từ những khó khăn
Và chịu đựng bao mùa giông bão
Tâm tĩnh lặng, yêu thương nương náu
Và bình an khi tuổi về chiều.
 
"Dòng sông đời" vùi dập đã nhiều
Ta ngoảnh lại cám ơn trời đất
Cho ta biết điều còn và mất
Để tri ân và xin được thứ tha.
 
Nguyễn thị Thêm.
 
 
 


28 Tháng Giêng 2024(Xem: 963)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1065)
Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè,
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 963)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 2024(Xem: 1298)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 2189)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
11 Tháng Giêng 2024(Xem: 1000)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.
02 Tháng Giêng 2024(Xem: 1365)
Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng: - Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.
31 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1178)
Đọc tới đây ông xã tôi bảo, Tiễn Vong là Vong cả thế giới năm qua, sao em tiễn vong Chiều Nay dài thế. Vậy đó, hễ nói tới xứ đó là em không kiềm được cảm xúc tuôn trào, huyết áp tăng cao
25 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2119)
Tôi hôm nay trong lòng rất vui Giáng Sinh đến rồi rộn rã nơi nơi Ngày mai con về gia đình sum họp Nâng ly chúc mừng hạnh phúc đầy vơi.
24 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1947)
trong suốt 21 năm tồn tại của miền Nam còn rất nhiều phim hay khác của Âu, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ và Việt Nam nữa mà chúng ta may mắn được sống ở vùng đất tự do nên có cơ hội thưởng thức
23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1539)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1625)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1579)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1643)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2062)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2285)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1940)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1788)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1876)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1833)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau