Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn - NHẬT KÝ VƯỢT BIỂN ĐÔNG

08 Tháng Năm 202310:02 CH(Xem: 2492)
Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn - NHẬT KÝ VƯỢT BIỂN ĐÔNG



Nhật Ký Vượt Biển Đông 

Tác giả: Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


MON 1



Chúa Nhật 01 /05/1979


Viết lại theo lời kể của anh Nguyễn Văn Tiến, một người bạn làm chung sở thuế Australia 

 


MON 2

Hôm ấy trời mưa nhẹ. Khoảng 2 giờ chiều có một người đàn ông được giới thiệu là em của người chủ tàu đi chiếc xe Honda 67 đến chở tôi ra Lam Sơn, một xứ đạo nhỏ nằm bên phải quốc lộ thuộc tỉnh Bà Rịa, cách thành phố Vũng Tàu khoảng vài chục cây số. Tôi đến đó khoảng 6 giờ chiều và tạm trú tại nhà một gia đình có hai cụ già và một đứa cháu trai nhỏ. Sau khi tắm rửa, tôi dùng cơm tôi với hai cụ nhưng chẳng ăn được bao nhiêu vì lòng tôi hồi hộp quá. Mặc dầu đã là một thanh niên 19 tuổi nhưng từ trước đến giờ tôi cũng rất ít khi xa nhà. Tôi đang học năm thứ hai đại học ở Saigòn thì được anh tôi sắp xếp cho chuyến đi này. Vào thời điểm đó, rất nhiều thanh niên phải ngưng học vào bộ đội đi viễn chinh ở Kampuchia, phục vụ cho tham vọng bất chính của chính quyền Cộng Sản Hà Nội. Có nhiều thanh niên đã bỏ mình hoặc mang thương tật suốt đời, một phần do cuộc chiến ác liệt, phần khác do sự căm thù, oán giận của người dân bản xứ trước sự xâm lăng trắng trợn của Hà Nội đối với đất nước họ. Những thanh niên Việt Nam lúc đó bị chính quyền Cộng Sản tung vào chiến trường Kampuchia để phục vụ cho ý đồ đen tối của họ. Bạn tôi, Minh đang học năm thứ nhất trường cao đẳng, bị trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được đưa sang mặt trận Kampuchia. Vài tháng sau Minh được trở về sau khi đã bị cụt mất chân phải vì đạp phải mìn trong rừng Kampuchia, chưa kể những nhục nhằn khi bị người dân xứ Chùa Tháp xua đuổi và chửi mắng. Phần tôi, sau khi Ba tôi  -  một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa  -  đã chết sớm trong lao tù Cộng Sản năm 1977, rồi Mẹ tôi cũng qua đời sau đó một năm vì buồn khổ cũng như vì bị lao lực quá sức. Anh tôi quyết định cho tôi ra đi vào lúc mà nơi tôi ở đang là thời kỳ cao điểm tuyển mộ thanh niên đi nghĩa vụ quân sự để bổ sung cho chiến trường Kampuchia đang thiếu hụt.

 

Ăn cơm xong, sau khi nói chuyện với hai cụ chủ nhà vài câu, tôi xin phép lên giường nghỉ. Tôi cố gắng ngủ chút ít nhưng không tài nào chợp mắt được. Tôi suy nghĩ miên man về những việc sắp tới. Tôi sẽ phải làm gì? Tôi sẽ đi đến đâu? Liệu cuộc vượt biên của tôi có suông sẻ không? Tôi nghĩ đến những người  thân, trong đó có Lan, người yêu cũ tôi, chắc giờ này cũng chưa ngủ vì lo lắng cho tôi.  Khoảng 11 giờ đêm, một người đến dẫn tôi đi ra một cánh đồng. Trời tối đen như mực vì là đêm cuối tháng âm lịch. Tôi bị vấp ngã vài lần nhưng không dám kêu vì biết rằng sẽ nguy hiểm cho tôi và cho cả những người khác nữa. Khi đã ra khá xa ngôi nhà tôi vừa tạm trú, lác đác đó đây thấy vài ánh đèn leo lét của những người đi câu ếch về muộn. Khoảng hơn một giờ sau tôi đến một địa điểm mà tại đó đã có khoảng hơn một chục người cũng đang chờ ở đó. Mọi người tuyệt đối im lặng. Không ai nói với ai lời nào. Khoảng gần hai giờ sáng, người dẫn đường dẫn tất cả chúng tôi đến một bờ sông rậm rạp gần đó. Chúng tôi phải vất vả lội qua một đoạn sình lầy để tới một chiếc ghe nhỏ đã chờ sẵn. Tôi nghe văng vẳng xa xa tiếng gà gáy trong đêm trường tĩnh mịch như tiễn đưa mọi người đi tìm bến bờ tự do. Chúng tôi im lặng bước xuống chiếc ghe nhỏ đó. Khi tôi bước xuống, vì không quen nên chiếc ghe bị chòng chành suýt lật. Mọi người nhìn tôi lo lắng và ái ngại. Có tất cả mười một người trên chiếc ghe nhỏ đó. Khoảng hơn một giờ sau thì chúng tôi tới một chiếc tàu lớn hơn đang đậu sẵn ở một con sông lớn gần cửa biển. Gọi là chiếc tàu lớn nhưng chiều dài cũng chưa tới mười thước và bề ngang cũng chỉ độ gần ba thước mà thôi. Chúng tôi được đưa lên đó và phải ở trong hầm máy chờ đợi thêm hai chiếc ghe nhỏ tới cho đủ rồi mới khởi hành. Một tiếng chờ đợi nhưng sao tôi cảm thấy thời gian dài quá. Cuối cùng rồi chiếc ghe nhỏ cuối cùng cũng tới. Nghe nói chiếc ghe này tới trễ vì bị một số người lạ đã nhân cơ hội lúc chiếc ghe nhỏ vừa nổ máy thì trèo lên nhưng rồi sau đó đã bị đuổi xuống sau một hồi giằng co rồi chiếc ghe đó mới chạy khỏi được. Có tất cả 37 người trong hầm tàu gồm 27 đàn ông và 10 phụ nữ, trong số đó có ba em nhỏ khoảng 13 tuổi.

 

Thứ Hai 02/05/1979

 

Chúng tôi phải ngồi trong hầm tàu chật chội khá lâu. Ánh sáng từ vài lỗ thông hơi chỉ vừa đủ soi sáng lờ mờ những khuôn mặt mệt mỏi, rã rời. Nhiều người nằm xuống vì mệt nhưng lại bị những người khác cằn nhằn nên lại phải ngồi dậy. Tôi ngồi bó gối ở một góc hầm.  Vì còn ở trong hải phận Việt Nam nên chủ tàu chỉ cho phép mỗi lần khoảng ba nguười được lên boong tàu cho đỡ mệt cũng như để có thể đi cầu, đi tiểu. Tuy vậy, Nam  -  em bé ngồi cạnh tôi có lẽ sợ quá nên đã đái cả ra quần. Vì bị say sóng, người ngây ngất khó chịu nên tôi cũng không muốn lên trên vì sợ sẽ bị té xuống biển. Nhiều người trong hầm đã bị say sóng rất nặng. Họ không kiểm soát được và đã ói mửa ra những chất bầy nhầy màu xanh, màu vàng và văng cả vào người tôi. Phần tôi, vì có thủ mấy cái bao ny lông nên tôi ói vào những bao đó và cột lại chờ khi lên boong sẽ quăng xuống biển. Nhiều người la lên vì bị người khác ói vào đầu, vào tay. Tôi ngửi thấy mùi nước tiểu ngay bên cạnh tôi. Mặc dù vậy,  chủ tàu vẫn hạn chế không cho người lên boong nhiều vì tàu vẫn còn ở trong vùng nguy hiểm. Bỗng tôi bị chột bụng nên được phép lên trên để đi cầu. Vừa bước lên trên boong, tôi bị chóa mắt vì ánh sáng, bước chân lảo đảo nên phải dừng lại bám chặt vào một cái cọc. Khi mắt đã quen với ánh sáng, tôi từ từ đi lại phía sau tàu và ngồi xuống đi cầu. Mặc dù biển khá yên nhưng thỉnh thoảng con tàu cũng tròng trành qua lại như bị xô đẩy khiến tôi suýt rớt xuống biển. Tôi từ từ trở lại boong tàu hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn mặt biển bao la, đâu đâu cũng thấy nước và nước. Tôi hỏi nguời chủ xem tàu đang ở đâu. Người chủ tàu giơ tay chỉ về một đốm nhỏ phía bên trái và nói đó là đảo Côn Sơn. Như vậy tàu sắp ra tới hải phận quốc tê rồi, hy vọng ra tới đó, có nhiều tàu nước ngoài qua lại và sẽ được họ vớt. Còn đang nói chuyện, bỗng tôi nghe một tiếng la thất thanh từ cuối tàu của một người. Trong lúc đi cầu, người đó đã bị rớt xuống biển. Không thấy anh ta đâu nhưng chủ tàu vẫn yêu cầu cho tàu dừng lại để chờ đợi. Cũng may, anh này là một tay bơi giỏi nên vài phút sau đã bơi lại trở lên tàu. Thật là hú vía! Tôi sợ quá nên vội trở xuống hầm tàu ngay.

 

Thứ Ba 03/05/1979

 

Tôi nghe có tiếng chửi, tiếng cãi nhau trên tàu. Tôi đi lên boong. Chủ tàu đang đứng xin lỗi mọi người vì sự sơ xuất của ông ta. Tàu đã tới hải phận quốc tế. Chủ tàu mang chiếc hải bàn ra đóng vào một miếng ván trên thành tàu để cho tiện việc theo dõi hướng đi. Trong lúc dùng búa, không biết luống cuống thế nào mà ông ta vô ý để cái búa đóng xuống trúng cái hải bàn làm cho nó vỡ tan, nước văng tung tóe. Lúc này chỉ trừ những người còn quá say sóng, phần đông đã lên boong tàu. Họ hy vọng sẽ gặp được tàu nước ngoài vớt. Chủ tàu hứa sẽ cố gắng dùng kinh nghiệm đi biển của mình để xem sao vào buổi tối để tìm hướng đi. Rất nhiều người thất vọng vì không mấy tin tưởng vào điều chủ tàu nói. Một người đàn ông định xấn tới gây sự và đánh chủ tàu nhưng rất may có một người khác, trông dáng dấp như một tu sĩ đã tới can ra. Giờ đây ai cũng chỉ hy vọng được một tàu nước ngoài vớt mà thôi. Một chiếc tàu mang cờ Hy Lạp thản nhiên đi qua rất gần, mặc dầu tất cả mọi người trên boong đã đồng loạt loạt đứng lên cởi áo giơ cao để vẫy.  Rồi sau đó lần lượt cũng có nhiều chiếc tàu buôn của những nước khác đi qua nhưng chẳng có con tàu nào đoái hoài gì đến con tàu bé nhỏ, mong manh của chúng tôi mặc dù chúng tôi đã cố gom một số quần áo để đốt lên thành một đống lửa làm hiệu cầu cứu. Mọi người thất vọng. Vài phụ nữ đã khóc vì lo lắng. Có người vì quá chán nản nên đưa ra đề nghị khi thấy tàu buôn nào đi qua thì đốt tàu để cho họ cứu.

 

Buổi chiều tự nhiên trời tối đen lai. Từng đám mây đen kéo tới bao phủ bầu trời . Có lẽ do sự phản chiếu của bầu trời nên mặt nưóc biển đã chuyển từ màu xanh sang màu đen quánh. Sắp có mưa và có thể có bão lớn. Chủ tàu yêu cầu mọi người xuống hầm chỉ trừ những thanh niên, nhưng người khỏe mạnh ỏ lại để lo đối phó và tát nước. Tôi cũng tình nguyện xin ở lại để phụ với mọi người. Để tránh nguy hiểm, tàu được lái chạy vào hướng gần bờ, có lẽ là vùng bờ biển Thái Lan. Gió bắt đầu hú từng cơn và cơn mưa lớn đổ ập xuống. Rồi gió bão tạo ra những cơn sóng lớn dần, có những cơn sóng cao bằng cái nhà lầu mấy tầng đổ ập xuống con tàu bé nhỏ . Vài nguờI suýt bị sóng cuốn trôi . Mọi người ai nấy lạnh run nhưng tất cả đều cố gắng cùng nhau chống đỡ với mưa bão. Mưa tạt thẳng vào mặt tôi và mọi người. Ai cũng nhanh tay tát nước. Người tài công môi mím chặt, chân đứng chắc chắn, điều khiển con tàu rất có kinh nghiệm nên đã đưa con tàu trườn lên và vượt qua những ngọn sóng. Con tàu nghiêng qua nghiêng lại. Ông chủ tàu vừa điều khiển chiếc máy bơm đồng thời nhắc nhở mấy người phụ máy căng tấm bạt ra để cố phủ được chiếc ghe càng nhiều càng tốt. Một số đồ đạc bị văng xuống biển, trong đó có chiếc máy tàu dự trữ mà ông vừa mới mang lên để sửa chữa. Tất cả mất hút vào lòng đại dương và không để lại một dấu tích nào. Rồi mưa cũng tạnh dần và cường độ của cơn bão cũng giảm. Trong cơn lo sợ vừa qua, một số người đã đề nghị cho tàu quay trở về Việt Nam để tránh bão cũng như mua thêm một chiếc máy khác và vài chiếc hải bàn nhưng tôi và nhiều người phản đối vì chúng tôi không muốn trở về địa ngục trần gian Cộng Sản nữa. Dù bao nhiêu nguy hiểm đang chờ nhưng chúng tôi thà bị vùi thây dưới lòng biển cả chứ không chịu trở về Việt Nam. Mưa tạnh hẳn và cơn bão cũng qua đi nhưng trời vẫn còn tối đen vì đêm đã xuống. Tôi trở xuống hầm tàu lau người cho khô và nằm nghỉ vì đã quá mệt. Hầm tàu quá nhầy nhụa vì sự ói mửa của một số người trong cơn bão vừa qua mà chưa có thời giờ lau rửa. Cái mùi tổng hợp pha lẫn mùi nước tiểu, mùi thức ăn thiu thật khó chịu nhưng rồi vì mệt quá tôi cũng thiếp đi được một lúc.

 

Thứ Tư 04/05/1979   

 

Trời sáng, tôi trở lên boong tàu. Nguười chủ tàu cho biết theo hướng sao đêm qua thì hiện giờ tàu đang ở trong hải phận Thái Lan. Nhưng vì không có hải bàn nên tàu không dám chạy quá xa bờ, sơ gặp bão không tránh kịp. Mọi người vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã thoát cơn bão chiều qua nhưng lại lo vì sợ sẽ gặp hải tặc Thái Lan. Mấy phụ nữ, trong đó có hai cô con gái của chủ tàu thì lặng lẽ lấy nhớt thoa vào khuôn mặt nhợt nhạt và vào nhiều chỗ khác trong người. Theo ống nhòm của người chủ tàu, tôi thấy một đốm nhỏ trắng phía xa. Ngươi chủ tàu cho biết đó là một con tàu khá lớn nên nghĩ có thể đây là một tàu buôn nhỏ nhưng rồi cái đốm trắng đó lớn dần lên và khi tôi nhìn thấy lá cờ Thái Lan vẽ trên thành tàu thì chúng tôi biết là đã gặp tàu đánh cá Thái Lan. Tuy vậy chúng tôi vẫn hy vọng đây là tàu đánh cá của các ngư dân xứ Phạt hiền lành. Con tàu đó từ từ tiến lại phía chúng tôi và  khi chỉ còn cách tàu chúng tôi chừng vài thước thì neo lại. Vì hơi bất ngờ nên chúng tôi không có phản ứng gì  và chỉ im lặng chờ đọi. Tôi thấy mấy phụ nữ run rẩy, mặt tái nhợt không còn một chút máu. Đoán được tàu tôi không có súng nên sau đó có khoảng năm tên nhảy xuống biển và bơi qua tàu chúng tôi. Cả năm tên đều cởi trần và đều giắt dao ở lưng quần, chúng trông thật lực lưỡng, khỏe mạnh và hung dữ như những con thú rừng. Ông Thanh, mà trước đây tôi đoán là một tu sĩ đứng ra nói vài câu tiếng Anh để phân bua giải thích với chúng đại ý đây chỉ là một tàu nhỏ chở người tị nạn Việt Nam, nếu chúng muốn gì thì cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ cố gắng thỏa mãn những đòi hỏi của chúng chứ đừng hãm hại chúng tôi. Có thể chúng không hiểu những câu tiếng Anh mà ông Thanh vừa nói nên vẫn tiếp tục ra lệnh bằng tay cho mọi người phải trút bỏ quần áo ra để chúng khám vàng và tiền đô la. Tôi cúi xuống để tránh những ánh mắt man dại của chúng khi tiến lại gần những người phụ nữ. Tôi nhác thấy vài phụ nữ e thẹn ấp mặt vào trong thành tàu khi trên người của họ chỉ còn một chiếc quần lót nhỏ bé. Sau đó chúng lai lục soát tất cả những chỗ mà chúng nghi ngờ trên tàu. Chúng tìm được một ít đô la và một số nữ trang, vàng bạc. Trước khi đi, có hai tên tiến lai phía hai cô con gái của ông chủ tàu dở trò sàm sỡ, chúng rờ rẫm khắp người mặc cho hai cô phản đối la hét. Ông chủ tàu quỳ xuống lạy chúng như tế sao mà chúng vẫn tiếp tục. Một cô phản ứng bằng cách cắn vào tai một tên đang sờ sẫm cô . Tên này tát cô mấy cái tát rất mạnh và ôm lấy cô toan liệng xuống biển. Nhanh như chớp, tôi nhảy lại bồi cho tên này một cú đá rất mạnh khiến tên này đau quá phải buông cô gái ra, nhưng sau đó, tên còn lại đã tới đạp tôi xuống biển. Tôi chới với bơi vào tàu nhưng lại bị tên đó đạp xuống. Sau đó tôi phải chui vào dưới đáy tàu và nấp ở đó chờ đợi . Trước phản ứng khá mạnh đó, bọn chúng bỏ đi và mang theo những thứ chúng đã cướp được. Khi đã nghe tiếng máy tàu chúng đi khá xa, tôi trồi lên tàu trước sự mừng vui của mọi người . Người chủ tàu cám ơn tôi rối rít và nói rằng nếu không có tôi phản ứng mạnh với chúng thì có lẽ bọn chúng đã làm nhục con gái ông. Tự nhiên tôi cảm thấy thân phận con người sao tội nghiệp quá. Cũng là con người với nhau nhưng sao có những sự đối xử với nhau tàn tệ quá. Tôi ngồi nghĩ lại nếu như hồi nãy bọn chúng có súng thì không biết bây giờ tôi có còn sống ngồi ở đây không? 

 

Tôi lại nghĩ tới Lan, người yêu bé nhỏ cùng ở trong ca đoàn nhà thờ Bắc Hà với tôi. Giờ này Lan đang làm gì? Lan có hình dung được cuộc vượt biển khó khăn mà tôi và mọi người đang gặp phải không ? Tôi nhớ lại buổi chiều hôm trước ngày tôi ra đi. Tôi và Lan đã cùng sánh vai đi bộ dưới những hàng cây dọc con đường Tú Xương yên vắng. Con đường với những hàng cây trải dài bóng mát. Xe cộ không nhiều và người qua lại cũng thưa thớt. Đâu đó có vài cặp tình nhân đang thầm thì trò truyện. Con đường nhạt nắng vào buổi chiều. Tôi  và Lan đã đi bên nhau hơn hai giờ. Chỉ còn mười mấy giờ nữa là chúng tôi phải tạm xa nhau. Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Cả hai chúng tôi muốn níu kéo lại và chỉ mong sao cho cả không gian va thời gian đóng băng ngừng lại. Rồi tôi và Lan đến ngồi trên chiếc ghế gần cổng nhà nguyện tu viện Mai Khôi.  Chúng tôi ngồi bên nhau rât lâu, rất lâu. Có  những lúc cả hai cùng im lặng, không nói và chỉ nhin nhau. Chúng tôi đang nghĩ về một tương lai tươi sáng trên một vùng đất mới cũng như nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được cùng đoàn người về quang phục quê hương .... Chiều mai, tôi sẽ tạm biệt Lan để ra một một giáo xứ nhỏ gần bờ biển thuộc tỉnh Phước Tuy để rồi từ đó sẽ lênh đênh trên biển tìm đến bến bờ tự do . Không dằn được nỗi xúc động khi nghĩ đến điều này, Lan đã gục đầu vào vai tôi thổn thức:

 

- Em lo sợ quá anh ạ!

 

Tôi vỗ vễ an ủi Lan,

 

- Mọi sự dâng cho ơn trên em ạ . Chuyến đi của anh đã được mọi người chuẩn bị hết sức chu đáo. Anh sẽ sang trước và đợi em. Có thể là Mỹ và cũng có thể là Úc, dù ở đâu anh cũng sẽ đợi em. 

 

- Em cố gắng lên. Cũng chẳng còn bao lâu nữa. Giấy tờ bảo lãnh của gia đình em cũng gần xong rồi . Anh nghĩ cũng chỉ chừng hai năm nữa là gia đình em sẽ được sang Mỹ. Khi đó chúng ta sẽ gặp lại nhau. Sẽ làm đám cưới. Sẽ đi học. Sẽ có việc làm và sẽ có những đứa con xinh xắn.

 

Lan vẫn gục đầu vào vai tôi thổn thức:

 

- Vâng, em nghe anh. Em sẽ cầu nguyện cho anh. Sẽ cầu nguyện cho chúng ta. Sẽ cầu nguyện cho mọi người trong chuyến đi của anh.

 

Trời dần tối. Chúng tôi vẫy một chiếc xích lô để về nhà.

 

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Lan. Giờ này, dù chẳng biết tôi đang ở đâu nhưng chắc chắn Lan đang cầu nguyện cho tôi và mọi người . Nỗi lo sợ vừa qua đã ám ảnh tôi. Không biết tôi có còn sống để đến được bến bờ tự do để có cơ hội gặp lại Lan nữa không? Rồi tôi lại nghĩ tới anh Quang, người anh cả đã thay cha mẹ hết lòng lo lắng cho tôi, đã gom góp từng chỉ vàng để có tiền cho tôi đi tìm tự do. Giờ này chắc anh Quang cũng đang hồi hộp lo lắng theo dõi thời tiết và cầu nguyện cho con tàu chúng toi được bình yên. Quá mệt mỏi, tôi dần dần thiếp đi vào giấc ngủ lúc nào không biết. 

 

Thứ Năm  05/ 05/1979

 

Con tàu vẫn tiếp tục lênh đênh trên biển. Tôi có cảm tưởng giờ đây con tàu cứ chạy nhưng chẳng biết rồi mình có đến được bến bờ tự do không?  Ai cũng trông chờ vào vận may là tàu được gặp tàu nước ngoài vớt nhưng cũng không hy vọn nhiều vì đây lại là vùng biển Thái Lan mà con tàu tôi thì không dám ra xa nữa. Ai ai cũng uể oải, mệt  mỏi. Tôi lại giỏ đồ lấy ra một miếng sâm nhỏ lén bỏ vào miệng để lấy lại sức vì nghĩ rằng chúng tôi còn phải lênh đênh trên biển một thời gian dài và sẽ còn gặp nhiều nguy hiểm nữa. Tiếng máy tàu vẫn nổ một nhịp điệu đều đều và buồn tẻ. Lương thực cũng cạn dần. Cũng may là nước uống vi nhờ có cơn mưa hai ngày truớc nên cũng còn đủ dùng cho vài ngày nữa. Rồi chúng tôi lại gặp tàu hải tặc Thái Lan lần thứ hai. Lần này, bọn chúng kẹp tàu chúng sát vào tàu chúng tôi rồi nhảy sang bắt mọi người cởi hết quần áo và nằm sấp xuống.  Khi đến gần mấy người phụ nữ, chúng sờ soạng lên thân thể họ một cách sàm sỡ rồi cười lớn tiếng một cách khả ố. Vài chị phản ứng lại thi bị những cái tát tai vũ phu. Ông chủ tàu xua tay van xin chúng tha cho tàu chúng tôi. Sau đó chúng đi sục sạo tìm vàng và đô la. Chúng bỏ đi và mang theo cái máy bơm nước cùng một số vật dụng quý giá . Mọi người ai cũng còn run sợ. Trời bắt đầu tối. Xa xa chúng tôi nhìn thấy những ánh đèn leo lét trên mặt biển. Ông chủ tàu cho biết đó là những thuyền đánh cá nhỏ Thái Lan giăng lưới ban đêm và như vậy sẽ không có bão ở vùng này. Nghe vậy ai nấy lai lo sợ sẽ gặp hải tặc nữa. Chủ tàu liền ra lệnh cho hai nguời phụ máy thay phiên nhau cầm chiếc thùng đựng nước che ống khói tàu để tránh những ánh lửa đỏ phát ra. Ông sợ rằng những ánh lửa này có thể làm cho tàu Thái Lan biết mà tìm tới. Trời nổi giông và mưa nhè nhẹ rồi một đêm bình yên tạm bợ cũng đi qua .

 

Thứ Sáu 06/05 /1979

 

Thôi cũng đành phó mặc cho số mệnh. Tôi nghĩ vậỵ. Con tàu vẫn tiếp tuc chạy trong mệt mỏi. Buổi sáng bình yên qua đi và tàu vẫn nhắm hướng Mã lai để đi tới. Buổi chiều chúng tôi lại gặp một tàu đánh cá Thái Lan nữa. Khi thấy tàu Thái Lan gần tới và có mấy tên ra mũi tàu đứng với thái độ đằng đằng sát khí thì ông Thanh đã vội bước ra truớc mũi tàu dùng tay bụm miệng nói lớn vài câu tiếng Anh với đại ý tàu chúng tôi là tàu tị nạn Việt Nam, đã bị cướp mấy lần và bây giờ thì cũng chẳng còn tiền và vàng bạc gì nữa và xin tha cho chúng tôi. Để trả lời ông Thanh, một tiếng 'đoàng' khô khan đã làm ông Thanh rớt tòm xuống biển. Máu loang trên mũi tàu và trên mặt biển. Vài người vội nhảy xuống biển nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi ông Thanh đâu. Có lẽ viên đạn đã trúng chỗ hiểm làm cho ông Thanh chết ngay và chìm xuống biển sâu. Nhiều ngườI cuống quýt đọc kinh, niệm Phật. Vài phụ nữ trong tàu lấy ra những lọ thuốc màu đỏ bôi lên người và quần áo để ngụy trang như là mình đang có kinh nguyệt. Đàn ông thì phẫn uất tràn lên mũi khiến con tàu bị nghiêng làm chủ tàu phẳi yêu cầu mọi người bình tĩnh giữ trật tự nếu không tàu sẽ bị chìm!. Cũng may, sau khi bắn chết ông Thanh, tàu Thái Lan tăng tốc độ và bỏ đi. Có thể chúng cũng sợ phản ứng liều lĩnh của những con người đã cùng đường liều chết chúng tôi. Con tàu lại lặng lẽ trôi . Ông chủ tàu cho biết tàu sắp qua khỏi vùng biển Thái Lan và sắp tới vùng biển Mã Lai. Hy vọng tới vùng biển Mã Lai sẽ an toàn hơn .

 

Thứ Bảy 07/05 /1979

 

Vì quá lo sợ nạn hải tặc Thái Lan nên một số người, trong đó có tôi, đề nghị tàu đổi hướng đi ra xa bờ biển hơn để hy vọng gặp được tàu buôn của các nước phương Tây hoặc có thể gặp được những dàn khoan dầu ngoài khơi. Chủ tàu không đồng ý vì sợ tàu không có hải bàn sẽ bi lạc, hơn nữa con tàu này quá bé nhỏ sẽ không chống chỏi được với những cơn bão, tàu có thể vỡ thành từng mảnh . 

 

Buổi trưa hôm đó lại một chiếc tàu Thái Lan tiến tới. Lần này  không ai dám ra trước mũi tàu để nói chyện với chúng nữa . Tàu Thái Lan cặp sát tàu chúng tôi và có khoảng ba tên bước sang thăm dò. Chúng băt mọi người đứng im, giơ tay lên rồi bắt đầu lục soát từng người cũng như tất cả những nơi mà chúng nghi ngờ còn dấu tiền và vàng. Một tên còn bắt mấy người đàn ông há to miệng ra xem có răng vàng không. Có thể nhìn thấy vẻ thảm não của chúng tôi và với kinh nghiệm, chúng biết tàu này đã bị cướp nhiều lần rồi, không còn gì nữa nên chúng rút lui. Tuy vậy, trước khi đi, chúng cố ý lái tàu đâm vào tàu chúng tôi với ý định làm cho con tàu bé nhỏ này vỡ tan tành và mọi người sẽ bị vùi thây dưới lòng đại dương, làm mồi cho cá mập. Khi biết được ý đồ đó, tôi và mọi người vội la lớn lên để báo cho tài công biết và thật nhanh nhẹn, anh tài công đã bẻ lái tàu theo hướng song song với tàu Thái Lan nên khi tàu chúng đụng vào tàu chúng tôi thì tàu chỉ bị hư hại nhẹ, có hai tấm ván phía trên thành tàu bị bể. Cũng may sau đó chúng để mặc con tàu chúng tôi chao đảo giữa đại dương bao la và bỏ đi. Hai người phụ máy đã dùng những dụng cụ còn lại để gắn lại hai miếng gỗ bể . 

 

Hai tiếng sau đó, chúng tôi lại thấy một con tàu Thái Lan khác đang tiến lại tàu chúng tôi. Mọi người giờ đây đã qúa mệt mỏi. Chúng tôi đã gặp tàu cướp Thái Lan bốn lần rồi và cũng chưa hoàn hồn khi chứng kiến cái chết của ông Thanh ngày hôm qua. Vừa đói, vừa mệt, giờ đây tâm trạng của ai cũng chùn xuống. Mọi người, kể cả tôi đều phó thác cho số mệnh vì chúng tôi chẳng còn khả năng cũng như vật dụng gì để chống trả lại chúng. Cái chết đang chờ mọi người. Tôi nghĩ phải chi nếu ông chủ tàu còn giữ được cây súng B40 thì giờ đây có thể liều chết chống cự với chúng từ xa và sẽ làm cho chúng hoảng sợ. Trước ngày khởi hành, ông chủ tàu có mua được một cây súng B40 từ một anh bộ đội và đã mang được xuống tàu để giấu nhưng không hiểu sao khi tàu còn đang ở trong hải phận Việt Nam, khi thấy có nhiều tàu đánh cá quốc doanh qua lại, chủ tàu sợ bị lộ nên đã vất xuống biển. Tàu đánh cá Thái Lan ra hiệu cho tàu chúng tôi ngừng lại rồi từ từ cặp sát tàu chúng tôi. Hai ngườI đàn ông trung niên bước qua thăm dò và yêu cầu chúng tôi giơ tay lên, đứng úp mặt vào tường, sau đó ra dấu muốn nói chuyện với chủ tàu. Người chủ tàu quay mặt ra lạy chúng và ra dấu phân bua với chúng là tàu đã bị cướp bốn lần đồng thời chỉ những chỗ bể của tàu cho chúng xem. Nhìn thấy vẻ sợ hãi của chúng tôi cũng như đưa mắt quan sát tàu, chúng hiểu rằng tàu chúng tôi chẳng còn gì ngoài những con ngườI khốn khổ này. Hai tên đó trao đổi với nhau vài câu bằng tiếng Thái, rồi một tên có râu mép gọi chủ tàu lại, lấy một thanh gỗ nhỏ vẽ chữ ' MALAYSIA ' và chỉ tay về hướng trước mặt. Mọi ngườI hiểu ra là chúng muốn chỉ đường cho tàu chúng tôi đến Mã Lai và ai cũng vô cùng ngạc nhiên về thái độ đó của chúng. Chúng chỉ lại hướng đi một lần nữa và thúc giục chúng tôi phải đi ngay rồi chúng trở về tàu của chúng. Ai cũng cám ơn Chúa, Phật đã cứu giúp chúng tôi. Khi biết tàu đã ở gần bờ biển Mã Lai thì tự nhiên ai cũng cảm thấy phấn khởi và khỏe hẳn lên. Mọi người hy vọng sẽ đến được bờ biển Mã Lai vào ngày mai và sau đó sẽ được nhập vào những trại ti nạn của người Việt ở đây. Con tàu tiếp tục chạy theo hướng mà những ngườI trên tàu Thái Lan vừa chỉ. Đêm xuống, mọi người ngủ được một giấc tương đối yên tĩnh.

 

Chúa Nhật 08/05/1979

 

Trời sáng, khi mọi người thức dậy thì đã nhìn thấy bờ biển Mã Lai ở xa xa. Chủ tàu cho biết tàu đã đi vào hải phận Mã Lai được vài tiếng rồi. Tôi la lớn lên vì mừng rỡ. Đêm hôm qua, trên đuờng tới đây, tàu chúng tôi đã may mắn gặp được một tàu buôn nhỏ Đại Hàn. Tuy tàu họ không vớt chúng tôi nhưng đã cho chúng tôi một ít lương thực, nước uống và thuốc men rồi sau đó còn chỉ cho chúng tôi hướng tiến vào một bờ biển Mã Lai gần nhất. Tàu chúng tôi đang tiến dần vào một bờ biển Mã Lai. Hình như đây là một bãi tắm thoai thoải vì chúng tôi đã nhìn thấy lác đác có vài người ra tắm biển dù bây giờ trời vẫn còn hơi lành lạnh. Khi chỉ còn cách bờ khoảng vài chục mét, chúng tôi đã nhìn thấy rõ một số ngườI đứng lố nhố nhìn ra tàu chúng tôi . Chúng tôi vui mừng giơ tay vẫy và dùng những chiiếc áo còn lại ra dấu cầu cứu . Chúng tôi chờ đợi. Một lúc sau có một tốp lính Mã Lai đi ra bờ biển và chĩa súng về phía chúng tôi ra dấu xua đuổi. Một ngườI lính còn bắn một phát súng chỉ thiên đe dọa cảnh cáo. Chúng tôi lo sợ nhưng sau khi hội ý lại, thấy không thể quay tàu ra biển được nữa vì tàu đã hư hại quá nhiều. Quay tàu ra là chết, sẽ bị gió bão nhận chìm mọi người vào lòng biển cả. Chúng tôi quyết định sẽ đục thủng tàu rồi mọi ngườI sẽ giúp đỡ nhau cùng lội, cùng bơi vào bờ bất chấp sự ngăn cản, đe dọa của những người lính Mã Lai. Đây là chuyện lựa chọn giữa sống và chết và tất cả phải có quyết định dứt khóat mau lẹ. Chúng tôi đã thấy đất liền sau chín ngày đêm lênh đênh trên biển và giờ đây nếu chết thì sẽ chết trên đất liền này. Chủ tàu tìm hai cuộn dây thừng to trao cho anh tài công một cuộn và ông giữ một cuộn. Chỗ tàu đang neo, nước biển không sâu lắm. Tuy vậy để cho chắc ăn, chủ tàu chia mọi người thành hai tốp. Trong mỗi tốp sẽ có vài người đàn ông đi trước rồi đến các phụ nữ và sau cùng là những thanh niên khỏe mạnh và bơi giỏi để đề phòng trường hợp có những người không biết bơi gặp nạn thì có thể giúp đỡ được. Phân công xong, chủ tàu ra lệnh cho hai người phụ máy đục tàu rồi mọi người nhanh chóng rời tàu trong trật tự. Con tàu từ từ chìm xuống đồng thời hai hàng người cũng từ từ chậm rãi tiến vào bờ biển trước sự đe dọa và tức tối của những người lính Mã Lai trên bờ. Tôi cố quay đầu lại để ghi lại hình ảnh con tàu đã đưa tôi và mọi người đến bến tự do trước khi nó chìm hẳn vào lòng đại dương. Tôi thấy mằm mặn nơi khóe mắt. Mãy ngườI lính Mã Lai vẫn giương súng chờ đợI chúng tôi. Khi chúng tôi vừa bước chân lên bờ thì họ liền tập trung chúng tôi vào một chỗ, ai có ý định phản đối thi họ dùng báng súng đánh, họ đấm, đá thẳng tay. Hai người lính đi lấy những vòng dây kẽm gai quây chúng tôi lại ngay trên bãi biển này. Những người lính còn lại thì vẫn giương súng hầm hầm nhìn chúng tôi. Hình như họ cũng hơi bị bất ngờ nên cũng còn bối rối chưa biết phải xử trí với chúng tôi như thế nào. Chúng tôi bị nhốt như những con vật. Số người hiếu kỳ kéo tới coi càng lúc càng đông. Họ nhìn chúng tôi một cách khinh bỉ và lớn tiếng chửi bới. Chúng tôi bị bất ngờ về cách đối xử này nên chỉ cúi đầu im lặng. Vài phụ nữ sụt sịt khóc. Khoảng mười phút sau có mấy người Tây Phương đi tắm biển sớm đến chỗ chúng tôi chụp hình và dùng mobile phone gọi đi đâu không biết. Tôi đoán họ gọi cho cảnh sát hay cho Cao ủy tị nạn. Nửa tiếng sau có hai chiếc xe cam nhông lớn trên đó có khoảng mười người vừa cảnh sát vừa lính tới. Họ la hét và lùa tất cả chúng tôi lên hai xe đó. Mọi ngườI không ai hiểu họ sẽ đưa chúng tôi đi đâu. Tôi và vài người đoán họ sẽ đưa chúng tôi về một trại tị nan nào đó. Sau vài tiếng đồng hồ chạy ngang qua những thị trấn nhỏ, xe đi vào một con đường hẹp và khúc khuỷu rồi dừng lại ở một bãi trống bên một bờ sông vắng. Họ ra lệnh cho chúng tôi xuống. Một ngườI trong nhóm có lẽ là một người gốc Hoa và có nói được vài tiếng Việt Nam. Họ phát cho chúng tôi hai con dao và bảo đi chặt những lá dừa gần đó về trải để ngủ tạm qua đêm. Họ cũng cho chúng tôi một bao gạo, vài cái nồi cũ và một ít cá khô còn nước thì họ bảo ra sông múc uống. Mọi người rất mệt nên cũng chưa nghĩ gì đến chuyện ăn uống. Tôi và một số thanh niên đi chặt lá dừa về để trải ra cho mọ người nằm nghỉ . Phụ nữ thì đi kiếm lá cây khô về nấu cơm. Muỗi ở đây rất nhiều. Chúng tôi đốt lửa vừa nấu cơm vừa đuổi muỗi. Có năm ngườI lính Mã Lai canh chừng chúng tôi. Họ ngủ trên một cái chòi cao gần đó để dễ quan sát những sinh hoạt của chúng tôi. Tuy mệt mỏi nhưng nghe ông chủ tàu nói ngày mai thế nào cũng có người của Cao ủy tị nạn tới phỏng vấn nên ai cũng thấy vui mừng. Khoảng mười giờ tối, lính Mã Lai yêu cầu chúng tôi không được đốt lửa nữa và phải im lặng đi ngủ. Chúng tôi tắt lửa nhưng không thể nào ngủ được vì muỗi nhiều quá. Chúng tôi phải chia nhau cứ một ngườI ngủ thì một người thức để quạt muỗi. Tôi vừa chợp mắt được một chút thì nghe tiếng la của mấy chị phụ nữ. Họ vừa la vừa chạy vì có mấy ngườI lính Mã Lai tới định giở trò sàm sỡ. Tôi vội đốt lửa lên và cùng vài thanh niên chạy lại đó. Lính Mã Lai có vẻ mắc cở vội vã bỏ đi .

 

Thứ Hai 09/05 /1979

 

Tôi thức dậy thật sớm cùng vài ngườI ra bờ sông rửa mặt. Nước mát lạnh làm cho chúng tôi tỉnh táo. Tôi khẽ huýt một điệu sáo vui chào đón buổi bình minh. Tôi nhìn lại mọi người thấy ai cũng phờ phạc và sụt đi đến mấy ki lô. Tôi cũng cảm thấy thân hình mình nhẹ đi rất nhiều. Khảng 9 giờ, có vài xe chở nhân viên Cao Ủy tị nạn tới, theo sau có khoảng ba xe lớn hơn. Họ làm cuộc phỏng vấn ngắn với từng người rồi điền những chi tiết đó vào những xấp giấy. Sau đó chúng tôi được những chiếc xe này chở về một trại tị nạn gần đó. Đó là trại tị nạn Kotabaru*, trại này nằm trên đất Mã Lai và ở gần biên giới Thái Lan. Trại trưởng là một người Mã Lai còn trại phó là một người Việt Nam. Chúng tôi được phát quần áo, chăn mùng và nhiều dụng cụ cần thiết khác. Chúng tôi được các bác sĩ khám bệnh và cho thuốc men. Buổi trưa có xe chở cơm, thức ăn và nước uống tới. Thức ăn ngon gồm có thịt gà và cá. Ông trại phó đi lập danh sách lý lịch từng người để đưa cho ông trại trưởng lập hồ sơ thanh lọc. 

 

Thế là sau mười ngày đêm gian khổ, hôm nay tôi đã được ở trong trại tị nạn. Cuộc sống tương đối tạm đủ và chúng tôi chờ được thanh lọc để được đến định cư ở nước thứ ba. Tối hôm đó, một số người tổ chức đọc kinh cầu nguyện cho ông Thanh. Sau khi đọc kinh xong, tôi ngồi xuống môt cái bàn nhỏ viết sẵn hai lá thư để ngày mai nhờ ông trại phó gửi giúp. Lá thư thứ nhất tôi viết cho anh Quang để báo tin cho anh và gia đình biết tôi và mọi người đã đến trại tị nạn Mã Lai bình yên, dĩ nhiên tôi không nói gì về cái chết thảm thương của ông Thanh. Tôi muốn anh tôi có được niềm vui trọn vẹn sau bao ngày mong chờ. Lá thư thứ hai tôi viết cho Lan -  người yêu bé nhỏ của tôi -  trong thư, tôi kể sơ qua cho Lan về những ngày gian khổ trên biển Đông và nói với Lan niềm hy vọng sẽ được gặp Lan trên một đất nước tư do trong một ngày không xa! Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .

 

MON  3



Canberra
 những ngày giữa thu

MAI KHÁNH THƯ - PHẠM DOANH MÔN

 

* Ghi chú thêm về trai tị nạn Kotabaru: Mới đây khi đọc những bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, tôi được biết ông cũng đã từng ở trại tị nạn Kotabaru trong thời gian này. Chính ông là trại phó của trại này trong thời gian tôi tạm dung ở đó .

 

 
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 111371)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 82030)
Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy.
27 Tháng Mười Một 2010(Xem: 123941)
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương Ngày xanh tươi trẻ đến trường Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
26 Tháng Mười Một 2010(Xem: 95921)
Có dịp nào gặp lại bạn bè cùng lớp ngày xưa....ngồi bên nhau nhắc nhở về những kỷ niệm của Ngày xưa thân ái....bên ly cà phê,ly bia....thì vui biết chừng nào ! Một thời học sinh trong sáng....nhiều mộng mơ....nhiều ước vọng....dã qua....!
22 Tháng Mười Một 2010(Xem: 86111)
...Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Pháp văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa,
13 Tháng Mười Một 2010(Xem: 82512)
Nhưng trong buổi chiều buồn hôm nay, bên đường vắng, trong cái nghĩa trang hiu quạnh, ông đã rơi lệ chỉ vì… tiếc thương vĩnh biệt Ly Ly!
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 116273)
Huỳnh văn Huê vào đệ thất Ngô Quyền năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa…
28 Tháng Mười 2010(Xem: 95225)
Và hạt giống thương yêu lan nhanh, phát tán xa hơn, vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, mọi khác biệt cùa màu da…
27 Tháng Mười 2010(Xem: 280261)
... để thấy mùa Thu năm nay khởi sắc, lãng mạn và nồng ấm hơn bao giờ hết với đất trời vàng ươm màu áo mới và lòng người như vương vấn chút heo may... Xin bấm vào tựa bài muốn đọc:
29 Tháng Chín 2010(Xem: 123582)
Cầu mong Cô đi an bình, thanh thản. CHS NQ khóa 15, 16 và 17 luôn nhớ đến Cô
25 Tháng Chín 2010(Xem: 114771)
Mến tặng Tuấn, một người bạn ở cùng dãy phố Nhất.
25 Tháng Chín 2010(Xem: 119101)
Là một trong những học sinh xuất sắc của trường Ngô Quyền, Phạm văn Xuân cùng các bạn của lớp B2 như Hồ Chí Tường, Đỗ Thái Hùng đã là niềm tự hào của các cựu học sinh khóa 7.
30 Tháng Tám 2010(Xem: 100073)
Người đàn ông với đôi mắt đen, hun hút mà ngày xưa mỗi khi nhìn vào nàng cảm thấy như có một vết dao lướt qua tim...
26 Tháng Tám 2010(Xem: 97570)
Trong những giông bão của cuộc đời, nơi trú an toàn nhất vẫn là vòng tay của mẹ.
24 Tháng Tám 2010(Xem: 97037)
Hôm nay, nhân Lễ Vu Lan xin gởi đến một cảm thông chân tình với tất cả những người phải cài hoa trắng...
07 Tháng Tám 2010(Xem: 107711)
Buổi ra mắt quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” của Thầy Nguyễn Văn Lục đã được giới thiệu và phổ biến rộng rãi...
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 95736)
Một nhóm bạn bè được tin vào tối thứ sáu 23 tháng 7 năm 2010 sẽ tiếp đón anh chị Huỳnh văn Tươi khóa 6 Ngô Quyền về thăm bạn bè từ Houston Texas.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 93449)
... lần đầu tiên đại diện gia đình Ngô Quyền được mời tham dự trong ngày họp mặt Gia Long tại nhà hàng Paracel Seafood vào đêm 18 tháng 7 năm 2010.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 96745)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 95370)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.