VIẾT VỀ NỮ VĂN SĨ DƯƠNG THU HƯƠNG VỪA ĐƯỢC GIẢI Cino-Del-Duca
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Cino-Del-Duca là một loại giải thưởng quan trọng của Pháp, chỉ sau giải Nobel về Văn Chương của Thụy Điển.
Năm 1969, bà Simone Del Luca lập ra giải thưởng mang tên chồng bà, nhà xuất bản Cino Del Duca, để vinh danh những người có đóng góp mang tính nhân văn theo ý nguyện của chồng bà.
Năm 1975 bà lập quỹ Simone và Cino Del Duca để lo từ thiện và quản lý việc chọn và trao giải. Sau khi bà qua đời năm 2004, Viện Hàn Lâm Pháp tiếp tục điều hành giải này.
Được biết trong 54 năm qua có hai người Việt Nam được giải này. Năm 2012 là nhà khoa học kiêm nhà văn Trịnh Xuân Thuận là người Việt Nam đầu tiên được trao giải này.
Với 200,000 euro, Cino del Duca World Prize là giải thưởng văn học có số tiền lớn thứ nhì sau giải Văn Chương Nobel.
Cũng cần nói qua về tiểu sử của nữ văn sĩ Dương Thu Hương.
Dương Thu Hương sinh năm 1947 ở Thái Bình, sống nhiều năm ở Hà Nội. Lúc 8 tuổi trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất, bà đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Năm 1967, bà tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào Tiếng hát át tiếng bom, phục vụ trong một đoàn văn công tại một trong những khu vực chiến tranh ác liệt nhất lúc đó: Bình Trị Thiên. Bà là một trong bốn người trong đoàn sống sót trở về.
Sau chiến tranh, trở ra Bắc, bà cầm bút viết văn và công tác trong ngành điện ảnh. Bà tham dự khóa đầu tiên Trường viết văn Nguyễn Du (1980). Các tác phẩm của bà nhanh chóng nổi tiếng và nằm trong số những tác phẩm được nhiều người đọc nhất lúc đó trong phong trào Cởi Mở. Bà từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng đã bị khai trừ khỏi Đảng vào năm 1989 do "đấu tranh cho tự do dân chủ" và phê phán thể chế hiện hành. Bà viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù … nói lên sự vỡ mộng của mình đối với chế độ cộng sản, và được Bộ trưởng Văn hóa Pháp, ông Jacques Toubon, trao tặng Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres năm 1994. Bà còn được trao giải thưởng của Tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.
Trong tháng 4 năm 2006, bà được mời sang Paris (Pháp) và sau đó sang New York (Mỹ) dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Giữa năm 2008, bốn tác phẩm của bà đã được đưa vào bộ sách Bouquins ở Pháp: Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề và Chốn vắng. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp.
Đinh Quang Anh Thái trong lần gặp bà ở Paris năm 2005, Dương Thu Hương kể:
“Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngả rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ.
Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Tàu.
Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói.
Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người.
Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ…nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh.
Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”
Tác phẩm
Tiểu thuyết
- Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d'enfance), 1985
- Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), 1987
- Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles), 1988
- Quãng đời đánh mất, 1989
- Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name)
- Lưu ly (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996; bản tiếng Pháp: Myosotis, 1998)
- Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man's Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), 2002
- Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), 2009 , được cho biết lý do dẫn dắt bà viết cuốn tiểu thuyết này là để tưởng nhớ cái chết của gia đình kịch gia Lưu Quang Vũ.
- Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur) (2011)
- Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d'Eucalyptus) (2013)
Tập truyện
- Những bông bần ly, 1980
- Một bờ cây đỏ thắm, 1980
- Ban mai yên ả, 1985
- Đối thoại sau bức tường, 1985
- Chân dung người hàng xóm, 1985
- Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, 1986
- Các vĩ nhân tỉnh lẻ, 1988
Truyện dài, truyện ngắn khác
- Truyện dài Hoa tầm xuân của mùa thu
- Truyện ngắn Loài hoa biến sắc
- Truyện ngắn Miền cỏ tơ
Phim tài liệu
- Đền đài của những niềm thất vọng
Tôi không phải là một nhà phê bình văn học, lại là người miền Nam (nói đúng hơn là người sống ở chế độ VNCH gồm người Nam và người Bắc di cư 54) nên không quen và không thích văn phong của người miền Bắc 75, không mặn mà trong việc đọc các tác phẩm của Dương Thu Hương nên không có nhận xét gì về các tác phẩm của bà, duy đối với cuốn “Đỉnh cao chói lọi (Au Zénith) bà viết về Hồ Chí Minh tôi không hài lòng việc bà mô tả ông ấy là một người bình thường, mà theo tôi ông ta có tội đã đem cái chủ nghĩa ngoại lai làm khổ cả dân tộc gân 80 năm nay (1945-2023). Có lẻ vì bà sống ở chế độ miền Bắc, bị nhồi sọ từ bé về nhân vật huyền thoại “bác Hồ” nên bà mới viết như thế. Ngoài việc đó ra , tôi ngưỡng mộ suy nghỉ trung thực của bà khi so sánh bản chất hai chế độ cũng như hành động can đảm dám lên tiếng chỉ trích đảng cộng sản ngay khi còn ở trong lòng chế độ.
Dù sao, khi trao giải thưởng Cino-Del-Duca cho bà Dương Thu Hương, Viện Hàn Lâm Pháp không “trao duyên lầm tướng
cướp” như Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển đã trao giải Nobel Hoà Bình cho Lê Đức Thọ năm 1973 mà chỉ 2 năm sau (1975) ông ta là một trong những người lãnh đạo miền Bắc xua quân xâm chiếm miền Nam.
Trong khi báo chí hải ngoại, kể các trang mạng cũng như phần phát thanh tiếng Việt của các đài RFA, VOA, BBC, RFI đều nhắc đến sự kiện bà Dương Thu Hương được trao tặng một giải thưởng danh giá như vậy thì truyền thông nhà nước Việt Nam cộng sản im thin thít không quơ hào quang ấy vào cho mình như lần ông Quan Kế Huy được giải Oscar. Chỉ vì Dương Thu Hương từng nói lên nhận định trung thực của mình về một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc mà bà bị lừa dối khi háo hức tham gia vào cuộc chiến đấu “chống Mỹ cứu nước”.
Huỳnh Công Ân
26/4/2023
Tài liệu tham khảo:
Báo Người Việt (22/4/2023)
Đinh Quang Anh Thái (2/2018)
Trang nhà: nguoikesu.com
Wikipedia tiếng Việt