Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU CUỘC CHIẾN

28 Tháng Tư 20239:40 CH(Xem: 3362)
Nguyễn thị Thêm - NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU CUỘC CHIẾN
Những người đàn bà sau cuộc chiến NTT

 

Hôm nay 29/4/2023 tôi ngồi một mình trong phòng, trước mặt là màn hình computer. Ngày mai là ngày mà ai là người VN lưu vong đều phải nhớ. Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ chồng, thật tếu và mắc cỡ khi mình lại nói ra điều đó khi tuổi không còn trẻ. Hình bóng người lính đã bị bào mòn và không thể xuất hiện 48 năm rồi. Anh chàng đại úy phong sương ngày xưa của tôi đã chết. Chết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cái áo lính của chồng tôi mặc mỗi khi đi chăn trâu, cắt cỏ, cấy lúa trồng khoai ngoài đồng cũng đã rách nát không còn. Người lính đã tan hàng đã bị xóa sổ một cách bi đát, còn những người vợ lính thì sao? Nếu trẻ nhất họ cũng đã trên 65 tuổi, thời gian quá dài để thương đau đọng lại làm những tì vết không thể xóa mờ. Nước mắt không còn bao nhiêu để khóc cho cuộc đời còn lại.

Tôi lại nhớ đến những người phụ nữ của phe thắng cuộc. Chứng nhân có thật là những người trong gia đình chồng tôi. Họ được gì và mất gì sau khi tàn cuộc chiến.

......

Tôi đi theo mẹ chồng đến đốt hương bên ngoại. Ông bà ngoại của chồng tôi  có 5 cô con gái và một người con trai út. Mẹ chồng tôi là đứa con gái thứ hai trong gia đình. Cả 5 người con gái bây giờ đều đã già, con cháu thật đông, cuộc sống không giàu có lắm nhưng đều khá giả hoặc đủ ăn đủ mặc. Người con trai út của ông bà ngoại chồng tôi đi theo Cách Mạng chống Tây hiện là bộ đội phục viên mang quân hàm thượng úy.

Chồng tôi đại úy ngụy, cậu chồng thượng úy cách mạng. Hai chức ngang nhau ở hai chiến tuyến đối nghịch. Thật sự tôi chưa từng gặp mặt ông thượng  úy này chỉ nghe mẹ chồng mừng vui báo tin ông còn sống và  vội vã thu xếp về quê theo lời nhắn gửi của ông.

-Mụ yên tâm về làng, mọi việc có bầy choa lo. Không răng mô.

Tôi về quê chồng, chưa quen khí hậu nơi này, chưa biết tắm sông, chưa quen giặt đồ ở bến, chưa biết nấu cơm bằng rơm, chưa quen ăn nước ruốc, hai vai còn sưng to vì tập gánh nước từ dưới sông về nhà. Chỉ mới mấy ngày để tập tành mọi thứ mẹ chồng tôi đã dẫn tôi đến lạy bàn thờ bên ngoại. Nhà bên ngoại cách nhà bên nội chỉ qua một con đường, ngăn cách bởi cái ao hồ. Cho nên muốn qua ngoại phải đi con đường vòng, qua mấy nương vườn nhà người khác, cái chợ, cây đa, đình làng, ra đường lộ mới tới nhà. Nếu đứng ở bên nhà ngoại kêu to, ới một tiếng lớn là nhà bên nội có thể nghe.

Khi cha chồng tôi xin hỏi cưới mẹ chồng. Lễ hỏi đã xong mà cha chồng tôi phải đến nhà vợ làm rể ba năm mới được cho cưới. Làm rể ngày xưa không dễ, phải làm như việc nhà mình, tận tụy và siêng năng mới cưới được vợ. Cha chồng tôi là con con trai đích tôn, là con cầu con khẩn của dòng họ hiếm hoi con cái. Được cái cha chồng tôi rất hiền, bên đàng gái muốn gì ông cũng chìu để cưới được vợ. Mẹ chồng tôi giỏi giang, buôn bán tháo vát lo cho gia đình nên bên ngoại không muốn gả liền để còn nhờ cậy. Thật không may, cưới được mấy năm cha chồng tôi mất sớm. Dù tuổi đời còn trẻ, mẹ chồng vẫn ở vậy lo cho ba đứa con và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Nghe kể lại, mùa xuân năm nào đó ghe tàu của Tây chạy tuần tra dưới con sông Ô Lâu trước nhà bên nội, du kích quân núp ở nhà dân xả súng bắn tàu. Lính Tây nổi giận đổ bộ lên bờ đốt sạch nhà cửa, ruồng bố du kích. Lửa cháy khắp làng. Mẹ chồng tôi chỉ kịp lôi ba đứa con chạy núp dưới ao hồ, tính chạy lên dẫn cha mẹ chồng chạy trốn nhưng ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, lính Tây cầm súng ruồng bố la hét om trời. Mẹ chồng tôi ôm con không dám khóc, bụm miệng các con không cho la. Căn nhà của gia đình và những nhà lân cận cháy phừng phừng trước mặt. Tây rút đi, xác ông bà nội chồng tôi cháy co rút tội tình. Năm đó mùi thây người khét lẹt bao trùm không gian, ngày đại tang của cả làng. Nhà nào cũng có mất mát cũng có người chết thật thê lương.  Đó là ngày 12 tháng giêng năm nào tôi không biết. Chỉ biết đó là ngày kỵ giỗ ông bà  nội chồng.

 

Tôi đến đây để ra mắt tổ tiên bên chồng nên tôi đảo mắt tìm bàn thờ. Nơi thờ phụng tổ tiên nhà miền Trung không giống miền Nam. Miền nam ngay gian giữa nhà trang trọng đặt bàn thờ, bước vào nhà là thấy ngay như muốn nhắc nhở khách tới nhà phải biết lịch sự, phải tôn trọng tổ tiên gia chủ. Bàn thờ là một bộ tủ thờ rất đẹp chạm khắc tinh xảo (tùy tình trạng kinh tế gia chủ) tủ cao khỏi đầu người. Trên bàn thờ bộ lư đồng để giữa, bát nhang để phía sau, hai chân đèn bằng đồng để hai bên. Dĩa đựng trái cây khá to được đặt trên một cái giá ba chân thật đẹp. Hai bên là hai bình bông để cúng. Tủ thờ phía trước chạm trổ tinh vi, cửa mở ở hai bên hông dùng để chứa những vật trang trọng, quý giá. Ngày lễ hay Tết bàn thờ rực rỡ hoa trái, hương đèn.

Nhà người miền trung khác hẳn, vị trí bàn thờ cũng ở giữa nhà nhưng được được che bằng một tấm màn ngăn cách. Phía trước đặt một bộ bàn ghế dài dùng để tiếp khách. Chỉ trong những ngày kỵ giỗ tấm màn mới được kéo ra để gia đình làm lễ. Bàn thờ hơi thấp được đặt phía trong với nhiều bát hương đặt cao thấp khác nhau theo thứ tự vai vế gia phả trong gia đình. Bàn thờ miền Nam chỉ có một bát hương để cắm nhang, bàn thờ miền Trung có rất nhiều bát hương nên trông có vẻ âm u và hơi ...dễ sợ.

Tôi vén màn đi vào và đốt hương. Không biết bát hương nào là của ông bà ngoại. Thôi thì cắm hết và ...thật vô duyên không biết phải khấn gì với ai, tên họ gì. Tôi rất hồi hộp và lúng túng chỉ biết niệm lâm râm Nam Mô A Di Đà Phật.

Mẹ chồng tôi giới thiệu tôi chào Mợ Tuấn. Mợ thấp người, khắc khổ và nhìn rất lam lũ. Hai người đàn bà có chồng ở hai phía Quốc - Cộng chào nhau. Mợ Tuấn là một người phụ nữ xứng đáng được mẹ chồng tôi trân trọng. Mặc dù cậu là con trai độc nhất trong gia đình được cha mẹ và các chị thương yêu bảo bọc, nhưng cậu gạt bỏ tất cả gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống Pháp lúc mợ vừa cấn bầu đứa con trai đầu lòng. Mợ ở nhà làm ruộng, phụng dưỡng cha mẹ chồng cho đến ngày ông bà ngoại chồng tôi mất. Con trai mợ đã cưới vợ chuẩn bị có con thì được tin chồng vẫn còn sống và chuẩn bị trở về đoàn tụ. Mợ vui vẻ tươi cười với những tin vui chiến thắng. Ngồi nghe mợ nói chuyện, niềm vui chờ sum họp với chồng, tôi chạnh lòng nghĩ đến thân phận của mình. Đây cũng là gia đình nhưng người phụ nữ trước mặt chờ tin vui. Tôi và chồng là những người sẽ nhận những bất trắc, trả thù vì mình là Ngụy.

Gia đình thứ hai tôi đến để đốt hương và ra mắt là nhà của chú Minh, chú họ của chồng tôi. Ông cố chồng sinh được hai người con trai. Ba chồng tôi là con nối dõi của người anh, chú Minh là con nối dõi người em. Nghe thì xa nhưng với gia phả trong họ tộc thì rất gần vì cha chồng tôi và hiện giờ chồng tôi là trưởng tộc. Người chú họ này cũng bỏ nhà đi kháng chiến, người vợ mới cưới phải ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng và cũng sinh được một con trai độc nhất. Điều khác giữa mợ Tuấn và thím Minh là mẹ chú Minh vẫn còn sống nhưng hai mắt đã mờ. Con dâu của thím Minh vừa sinh đôi hai đứa cháu trai cực kỳ kháu khỉnh dễ thương. Bà cố đang đong đưa hai cái nôi mà người ở đây gọi là dứng. Đó là cái nôi trẻ con nhưng có bốn sợi dây được móc lên cao, muốn ru người ta nắm bốn sợi dây và lắc. Nghe tiếng má chồng tôi, mụ nghiêng người lắng nghe:

- Mụ Thi về khi mô rứa? Có vợ thằng Trai về khôn?

Tôi lên tiếng chào và bước tới nắm tay mụ. Bàn tay nhăn nheo của những người già lao động quanh năm. Mụ chỉ bàn thờ cho mẹ con tôi vào thắp hương và báo tin chú Minh đã liên lạc nhưng chưa về đến nhà. Tôi ngồi nhìn hai thằng bé, cưng quá là cưng với gương mặt bụ bẫm. Mẹ chồng tôi còn mê chúng hơn vì tôi chỉ sinh được con gái, còn đây là hai đứa cháu trai. Quan niệm " Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" đúng vô cùng ở gia đình này. Con trai cưới vợ đẻ con, con dâu mặc dù không có chồng bên cạnh vẫn chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi con duy trì huyết mạch nối dõi tông đường.

Những người  như mợ Tuấn, thím Minh hay mẹ chồng tôi là những người đàn bà điển hình trong xã hội VN. Khi đã lấy chồng họ sống và hy sinh cả đời cho gia đình nhà chồng. Đối với họ chăm sóc mồ mả gia nương nhà chồng, đẻ con trai và duy trì nòi giống là nhiệm vụ mà họ phải tuyệt đối làm tròn.

Vì gia đình bên chồng tôi chuyên về nghề mộc, nên dựng lại căn nhà với đầy đủ vật liệu là chuyện dễ dàng. Chỉ một tuần lễ trên nền nhà bỏ hoang ngôi nhà tôi đã được thành hình. Dựng lại căn nhà xong, chưa kịp xếp đặt mọi thứ,  chồng tôi được lệnh khăn gói đi học tập cải tạo. Từ đó không có tin tức, không thấy trở về để biết mặt và chào hỏi hai người thân cách mạng đã kêu gọi anh về đây: "Không răng mô, về làng  có bầy choa lo".

Chú Minh về làng trước, chú ra dáng là một bộ đội Bác Hồ. Chú không nói về cấp bậc trong quân đội nhưng để trả lời cho câu hỏi vì sao mấy chục năm chú không liên lạc với gia đình thì thím Minh được nghe sự thật đau lòng: " Chú đã lập gia đình với một nữ đồng chí bộ đội và đã được chi bộ đảng đứng ra tổ chức lễ cưới"

Chú Minh về thăm mẹ, thăm gia đình rồi vội vã về lại Bắc. Chú không thể can thiệp hay giúp đỡ gì thằng cháu sĩ quan Ngụy đang không biết được giam giữ ở đâu. Hành trang chú mang về Bắc là một số vật dụng của gia đình tôi khi chú ỉ ôi với mẹ chồng tôi; "Mụ về đây không có điện thì để lại làm gì, mụ cho lại các cháu của Mụ ngoài ấy."

Từ lúc chú Minh về rồi đi thím Minh như một người khác, thím gầy rạc đi trông thấy. Sự uất ức oán hận khiến người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó thay đổi. Chỉ cần ai đến nhà, hỏi thăm chú Minh thì cơn oán hận trong thím trỗi dậy. Người mẹ chồng tội nghiệp của Thím không thể làm gì hơn chỉ biết khóc và chấp nhận những cơn giận của con dâu. Gia đình ngày trước sống bình yên hạnh phúc bao nhiêu bây giờ chìm đắm trong bầu không khí oán hờn thiếu đi sức sống.

....

Rồi cậu Tuấn cũng về làng. Người con trai sinh ra cậu chưa một lần gặp mặt giống cậu như khuôn đúc. Hai cha con ôm nhau mừng rỡ. Mợ Tuấn được chồng chìu chuộng hết lòng. Mợ sống những ngày hạnh phúc nhất sau mấy chục năm vò võ nhớ mong. Mợ trẻ ra, tươi tắn và chăm chút bản thân hơn. Tôi đã thấy nụ cười và ánh mắt rạng ngời của mợ mà thật thương cho thân phận đàn bà. Mẹ chồng tôi và các người chị của cậu Tuấn dành cho cậu những đón tiếp yêu thương và long trọng nhất. Người em trai quý tử của gia đình đã trở về, làm chức lớn trong chế độ mới làm họ thấy mình hạnh phúc hẳn ra. Rồi thì những ngày về thăm quê cũng hết, như bong bóng lên cao sẽ vỡ, cậu Tuấn  trước khi về lại Bắc, thú nhận với các chị đã có một gia đình ấm êm với ba đứa con đã trưởng thành cả trai lẫn gái. Cậu chỉ về đây để thăm còn gia đình chính thức đang ở ngoài kia.

Ôi những người đàn ông bội bạc đã làm tan nát trái tim của những người vợ thủy chung son sắt. Mợ Tuấn ngất xỉu khi nghe sự thật. Mợ không hung hăng hờn giận như thím Minh, mợ chỉ khóc và lặng lẽ sống trong câm nín tủi thân. Mẹ chồng tôi và các dì, dượng không biết phải nói gì. Sự thật bây giờ cũng không thể làm gì khác. Những đứa cháu dù sao cũng ruột thịt, mấy chục năm xa nhà cậu cũng phải có người chăm sóc. Và thế các mụ đồng ý chấp nhận gia đình bên kia. Cậu về tay không nhưng khi cậu đi ê hề là quà cáp các mụ gửi về cho em dâu, cho cháu. Cậu Tuấn thành công đại thành công.

Khi mẹ chồng tôi nhắc đến đứa con trai tội nghiệp không biết bây giờ ra thế nào. Cậu Tuấn khuyên mẹ chồng tôi nên chờ đợi. Những người có tội với nhân dân phải nhận hình phạt. Nếu học tập tốt, thông suốt đường lối cách mạng sẽ được khoan hồng về sớm.

Từ ngày cậu Tuấn ra Bắc lại, mợ Tuấn và các chị bên chồng không còn khắng khít như xưa. Đối với mợ, các chị chồng chấp nhận bên kia là không công bằng với mợ.  Những gì mợ đã cống hiến cho gia đình coi như không còn giá trị. Gần như cả cuộc đời của mợ đã chờ đợi oan uổng. Bây giờ mợ đã thật sự mất chồng, chỉ toàn tâm toàn ý lo cho con trai và các cháu.

 

Chiến tranh tàn khốc đã chấm dứt nhưng những dư chấn cho cuộc chiến ý thức hệ mãi mãi vẫn còn. Tôi đã sống trọn vẹn với những thay đổi của chế độ mới. Những nhân vật chính tôi kể trên đây đều đã thành những người muôn năm cũ. Không ai đúng hoặc sai hoàn toàn. Mỗi người đều bị ràng buộc bởi vòng xoay của thời cuộc và vô thường trong cuộc sống.

Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi  hy sinh cho người mình yêu thương. Trái tim phụ nữ cũng bằng thịt nhưng sự dũng cảm nhiều khi sắt đá cũng phải chịu thua.

Nguyễn thị Thêm

29/4/2023

12 Tháng Tư 2024(Xem: 554)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 397)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 447)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 648)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1170)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 835)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 773)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 753)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1481)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1117)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1203)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1167)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1007)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1072)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1367)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1122)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1225)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 829)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1046)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1127)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.