Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Vũ Ngọc Giao - BỨC TƯỜNG NGHIÊNG

10 Tháng Hai 202312:03 SA(Xem: 5278)
Vũ Ngọc Giao - BỨC TƯỜNG NGHIÊNG


 BỨC TƯỜNG NGHIÊNG

TUONGNGHIENG

Tiếng cối xay bột quay ù ù, Nàng thức giấc. Bà nội đang xay bột làm bánh đậu xanh. Mới tờ mờ sáng, mấy con bò trong chuồng đã sốt ruột gõ sừng cốc cốc vào thanh gỗ chắn đòi ra đồng. Lần dò từng bước nàng xuống bếp, bà nội húng hắng ho trong mớ muội than mù mịt, quay qua mắng yêu:

- Cha mày, lạnh mà dậy gì cho sớm!
- Con dậy từ sớm nghe nội xay bột - Nàng đến sau lưng, áp má vào tấm lưng xương xẩu của bà, hít hà mùi trầu âm ấm.

Tiếng nổ tí tách từ cành củi khô nghe vui tai, bà nội vần nồi cơm vừa chín tới vào tro. Hơ hai bàn tay bên bếp lửa, nàng áp lên má nghe âm ấm, có cả mùi khen khét của thanh củi chưa khô. Con mèo Mun ở đâu lại gần dụi dụi cái đầu vào chân, nàng bế nó lên, hôn vào cái mũi ươn ướt, nó “meo” một tiếng rồi chạy vụt ra sân. Men theo bức vách, nàng mò mẫm  ra vườn.

- Đừng ra ngoài đó lạnh, con! Không chừng lại ngã như bữa hổm! - Bà nội lo lắng nhìn theo, nén tiếng thở dài.

Nàng mù từ nhỏ. Cha chạy chữa khắp nơi đều vô ích. Đêm đêm nàng nghe tiếng thở dài thườn thượt của bà nội, tiếng thở kín đáo nén lại của cha mỗi khi nàng lại gần. Nàng không hiểu sao người lớn lại khổ sở khi thấy nàng như vậy, còn nàng vẫn vui, vẫn ôm con mèo Mun ngủ hết đêm này sang đêm khác. Từ nhỏ, quanh nàng luôn là bóng đêm, nên nàng quen, thói quen của một người biết chấp nhận.

Mỗi ngày nàng “nhìn” mọi thứ diễn ra xung quanh bình thường như bao người khác, chẳng cần ai gọi tên. Tiếng nổ tí tách dưới bếp, nàng biết trời sắp sáng, bà nội đang nhóm lửa nấu cơm. Mùi khói thuốc thoảng trong đêm, nàng biết cha đang thức khuya làm việc. Xung quanh tịch mịch, lành lạnh nàng biết đêm xuống. Tiếng gà gáy lao xao, nàng biết mọi người trở dậy tất bật cho một ngày mới.

Nàng ra sau hè, vườn sau ông nội trồng bụi chuối, quanh năm ra trái. Nàng ngắt lá chuối vấn thành chiếc kèn lá, chiếc nhẫn đeo tay… Nàng chỉ biết làm những món đồ chơi quen thuộc. Chiếc kèn bé tí, chiếc nhẫn đeo tay được nàng tỉ mẩn từng chút cho đến khi mồ hôi thành dòng trên trán, mặt trời đã đứng trưa.

Mỗi ngày, mọi người đã tất bật ra khỏi nhà, nàng lại ra vườn sau. Trong vườn, ngoài bụi chuối còn có luống bắp, vạt cải xanh, bà nội suốt ngày loanh quanh vun xới. Giữa vườn có một bức tường sừng sững, nàng không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết mỗi khi nàng chạm tay vào nó mát lạnh vì bám đầy rêu. Bức tường đứng chơ vơ, bí ẩn như chẳng liên quan gì đến căn nhà vách đất của ông bà nội. Tường rêu - Đó là chỗ của nàng, chỗ bà nội phơi củi khô cho mùa sau, cũng là chỗ ẩn nấp của con mèo Mun mỗi khi giận dỗi nàng.

Bức tường không biết có từ bao giờ, chỉ biết ngày chập chững tập đi, tay nàng đã vịn vào bức tường rêu. Cho đến giờ nàng vẫn gọi nó là thế giới riêng của nàng - Thế giới bóng đêm. Cũng có khi nàng tựa vào tường miên man nghe tiếng con chim cu cườm gáy gừ gừ rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay, cho đến khi con mèo Mun đi tìm, nó cào vào bàn tay đánh thức nàng dậy, nàng giật mình ngẩn ngơ. Đôi khi chỉ thiếp một chút nàng đã mơ, trong mơ nàng thấy con chim cu cườm đẹp lắm, y chang lời kể của tụi trẻ con trong làng. Con chim mặc một chiếc áo màu xám tro, cổ đeo dây chuyền màu xanh ngọc bích. Ôi chao! Nàng ước được một lần nhìn thấy nó, thấy bầu trời xanh, nàng ước được một lần nhìn thấy cha, thấy ông bà nội, ước được một lần nhìn thấy dung nhan của mình trong gương…

Tiếng tụi trẻ con inh ỏi ngoài ngõ, tụi nó tụ tập múa hát và kể chuyện, chúng chẳng buồn gọi nàng. Mà thật ra có khi nào tụi nó gọi nàng đâu? Nàng thích được hát, mỗi khi nàng cất tiếng hát, cha vẫn khen nàng hát hay. Nàng cũng thích được kể chuyện, nàng có cả một kho chuyện cổ tích ở trong đầu, những câu chuyện cổ ông nội kể, cho đến giờ nàng vẫn nhớ.

Men theo hàng chè tàu, nàng ra ngõ tựa vào cánh cổng, nghe tiếng tụi trẻ con gần hơn chút nữa. Tụi nó không hay biết nàng đứng đó. Tiếng hát, tiếng chí chóe, tiếng cười đùa sao mà vui! Chao ôi! Nàng thèm được một lần như thế biết bao!

- Ê! Con mù kìa! - Một đứa nhìn thấy nàng nó la lớn.
- Mù ra đây chi vậy hông biết! - Đứa khác phụ họa.
- Đi đi! Đi chỗ khác chơi, đứng chỗ này tụi tao chọi banh đất, lỡ trúng bà nội mày bắt đền -
Nhiều đứa hét lên.

- Kệ nó đi, để nó đứng chơi, ảnh hưởng gì tụi mày đâu! - Một giọng con trai lên tiếng.

Nàng lủi thủi quay trở vào. Từ lâu nàng đã quen với sự xa lánh của tụi trẻ trong làng. Nàng biết, đứa lên tiếng sau cùng là thằng Nâu ở xóm trên. Lần nào bị tụi trẻ trong xóm xua đuổi, chọc ghẹo Nâu cũng bênh vực nàng. Một lần trên đường làng, bất chợt mưa ập xuống, nàng luống cuống chưa biết nấp vào đâu, Nâu vội chạy lại nắm tay nàng kéo vào mái hiên bên đường trú mưa. Cơn mưa giông bất ngờ mà dai dẳng, nàng co ro vì lạnh, Nâu lo lắng:

- Ráng chút đi, đứng yên đây chờ tui đi kiếm áo mưa.

Chưa nói hết câu Nâu đã vụt chạy đi, một lúc quay lại :

- Về thôi, để tui che cho khỏi ướt.

Đưa nàng về đến ngõ, Nâu không quên dặn dò:

- Lần sau đừng đi xa, chơi loanh quanh trong vườn được rồi. Mai mốt tui bẫy cho con chim dồng dộc làm bạn, nghen!

Nàng lí nhí  “cảm ơn”  nước mắt chực trào ra. Chỉ có Nâu mới làm bạn với nàng, mới bênh vực nàng trước tụi trẻ trong làng. Chỉ có Nâu mới hiểu nỗi cô độc của nàng.

Cha dạo này đi nhiều, ông nội bảo:

- Nghề cha nó là phải đi!

Nàng nghe mùi trầu phảng phất từ hiên vào, bà thở dài đánh sượt:

- Nghề gì lạ, hết đi rồi về thức đêm, đốt hết dầu lửa viết cũng chẳng ra tiền.

Tiếng lạo xạo xúc lúa ở bồ, bà nội xúc lúa đi bán.

- Bà nhẹ tay thôi, nó chưa ngủ đâu - Ông khẽ nhắc.

- Nó thức cũng có thấy được gì đâu! - Bà cay đắng.

Con mèo Mun bỏ đi không về, đêm đến nàng co ro một mình. Từ lâu nàng chỉ có nó làm bạn. Hai ngày trời nàng lang thang tìm nó, mọi xó xỉnh, góc vườn nàng đều sờ soạng, gọi Mun khản cả tiếng.

Ông nội trong nhà nhìn ra rưng rưng:

- Chắc nó ham chơi đâu đó, vài hôm lại mò về thôi, con!

Bà nội lầm bầm:

- Nó chạy qua đường, xe cán chết hai ngày trước, ông quên rồi sao?

Giọng ông khẽ khàng:

- Suỵt, nhỏ thôi bà!

Đêm, từng cơn ác mộng kéo về. Nàng thấy mèo Mun mù hai mắt, quờ quạng chạy qua đường, chiếc xe trâu chạy vụt qua... Trong giấc ngủ mệt nhọc, nàng nghe tiếng ông bảo bà:

- Ngày mai tui cho đập bức tường phía sau hè, xây lại… Cũng lâu rồi, mục hết, sập khi nào không hay. Nó cứ ngồi ở đó, hôm qua tui thấy nó tựa vào đó ngủ. Tui sợ…

Tiếng bà nội lại thở đài đánh sượt:

- Tội nghiệp cháu tui, phải chi hồi đó…

Nàng thức giấc nhưng vờ nằm yên như đang ngủ. Vậy là ngày mai bức tường rêu mỗi ngày nàng  tựa vào sẽ bị phá đi. Bức tường rêu ươn ướt, man mát. Bức tường rêu của nàng. Thế giới bóng đêm của nàng. Bức tường nghiêng vì đã mục hay nghiêng theo vệt nắng đổ? Nàng làm sao biết? Chỉ biết ngày mai ông nội cho người phá nó đi.

Đêm lạnh, nàng mò mẫm ra hiên. Trong nhà, tiếng bà khe khẽ:

- Sắp đến rằm rồi, nhanh quá! Mới đó đã sáu mươi con trăng rồi ông ơi, mẹ nó giờ này…

- Nhanh thiệt, nó mới đỏ hỏn tui bồng trên tay, giờ đã mười sáu rồi. Cái con giống mẹ, càng lớn càng xinh.

- Xinh gì, gầy trơ xương gió thổi cũng bay! - Bà nội lại thở dài thườn thượt.

Nàng nhủ thầm, lại một mùa trăng? Nàng ngước nhìn trời, vẫn là đêm, đêm đặc quánh, tiếng côn trùng rỉ rả ở vườn sau. Nàng nghe tiếng nó than van, nó khóc, nó nỉ non, có khi nó cất tiếng hát du dương làm rung cả mảnh vườn sau. Nàng yêu tiếng côn trùng kỳ lạ, vì nó thật, duy nhất nàng “cảm” được, nó thật…

Trong nhà, tiếng ông lại thầm thì với bà:

- Tôi quyết định rồi, phải bán mảnh vườn sau, lấy tiền chạy chữa cho nó đến khi nào sáng mắt thì thôi!

- Ừ, thì tùy ông, thương con mình thương luôn cháu, còn mảnh vườn trước đủ tui trồng luống bắp cũng vui - Tiếng bà nội ngậm ngùi.

Nàng nghe như tiếng sấm nổ, “bán mảnh vườn sau”. Vậy ông nội bán tiếng côn trùng, bán tiếng than van, bán luôn cả tiếng nỉ non đã dành riêng cho nàng trong những đêm sâu… chỉ vì mong nàng nhìn thấy cuộc đời này?

Nàng chạy ra ngõ, dưới chân là bóng đêm, trên cao mảnh trăng gầy xanh xao. Nhưng bóng đêm hay bóng trăng với nàng có nghĩa gì? Nàng chỉ là cô gái mù. Nàng đã thuộc về bóng đêm từ bé, nàng lớn lên trong thế giới đó. Nàng nhìn cuộc đời bằng cách riêng của mình, nàng bằng lòng, không cưỡng lại, nàng ước ao nhưng nàng chấp nhận.

Nàng vẫn lang thang trên đường làng, chốc chốc mảnh trăng gầy vén mây rọi xuống chút ánh sáng nhạt nhòa. Nàng đi đâu? Nàng cũng không không biết nữa! Đi ngắt lá vấn kèn? Hay ra ngõ nhặt trăng?

Đêm khuya. Đôi chân nàng lại dò dẫm trở về. Trên lối mòn quen thuộc, nàng ngửi thấy mùi hương nồng của đất mà lâu nay nàng tưởng đã quên. Tay nàng quờ quạng vào bóng đêm, chạm vào thế giới của nàng  - Bức tường rêu. Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?! Nhiều năm rồi nàng tựa vào tường nghiêng. Nghiêng theo thời gian? Nghiêng theo vệt nắng đổ? Hay nghiêng theo bóng tối trong mắt từ lúc nàng có mặt trên cõi đời này?...

Tiếng côn trùng rỉ rả đâu đây. Trên cao, trăng hạ tuần khuyết một vành không đủ soi đôi mắt nàng chỉ chứa được bóng đêm. Chỉ một góc trăng thôi, nhợt nhạt soi mái tóc nàng đổ dài xuống lưng, tràn trên đôi cánh tay gầy guộc, hư hao...

Vũ Ngọc Giao

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1888)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1673)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5373)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5646)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1906)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4940)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3673)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2279)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2227)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2538)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2553)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2540)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2565)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2796)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3043)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2908)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2728)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2836)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2748)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2847)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?