Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Văn Lục - TIẾN TRÌNH TỪ "LỬA TRỜI" ĐẾN "BẾP LỬA"

31 Tháng Mười Hai 202212:24 SA(Xem: 4390)
Nguyễn Văn Lục - TIẾN TRÌNH TỪ "LỬA TRỜI" ĐẾN "BẾP LỬA"

TIẾN TRÌNH TỪ "LỬA TRỜI" ĐẾN "BẾP LỬA"

Nguyễn Văn Lục


 Tiến trình tiến hóa của con người vốn chậm chạp kéo dài cả ngàn năm nên có thể chẳng có gì để mà tự hào.

Nhưng nhìn lại Lịch sử loài người lại là những bước đi đến kinh ngạc bởi vì con người có một bửu bối: Một Homo Sapiens. Vì Sapiens khác con vật và trội vượt hơn bất cứ loài vật nào dù khỏe mạnh hơn.

Ví dụ như trong chuyện ngụ ngôn con sư tử (hay con hổ) và người tiều phu:

– Ông có cái gì mà những loài trâu, loài bò, loài chó phải sợ và nghe theo?

– Ấy là vì, ta có cái trí thông minh.

– Ông có thể cho ta coi cái đó được không?

– Ta cho coi cũng được, nhưng sợ nhà ngươi cuớp mất của ta. Muốn coi thì ta phải trói ngươi lại.

Con sư tử đồng ý.

Trói xong, người tiều phu lấy gậy đánh sư tử, và nói:

– Đó là trí thông minh của ta đấy.

 Lịch sử đời người

 Đời sống một cá nhân sống trăm tuổi kể đã là dài. Nhưng so với lịch sử loài người nói chung thì đời một người chỉ là một  cái chớp mắt.  Nhưng lịch sử loài người nói chung ấy có thể là nhiều trăm ngàn năm, khoảng 300.000 ngàn năm trước, homosapiens đầu tiên xuất hiện.


image002

Nhóm vượn người được trên đây ở đây gồm nhiều tổ tiên trực tiếp và anh em họ tiến hóa của loài người chúng ta. Trên đây là Homo sapiens (người hiện đại), Australopithecus afarensis (được cho là tổ tiên trực tiếp của chi Homo), Homo erectus (xuất hiện cách đây 1,9 triệu năm và chỉ tuyệt chủng cách đây khoảng 140.000 năm), Homo habilis (thành viên đầu tiên của chi Homo), và người Neanderthal (xuất hiện muộn hơn và độc lập với người hiện đại). Ảnh của: Encyclopaedia Britannica/UIG qua Getty Images)

Thật vậy, từng bước khởi đầu, con người còn đi bằng 4 chân như loài khỉ, loài vượn, rất gần với  loài khỉ vượn-người. Để một lúc nào đó, con người từng bước một “giải phóng” trong nhiều ngàn năm tách rời đôi bàn tay ra khỏi đôi chân. Đôi tay  giờ đây không còn cần thiết cho việc di chuyển nhờ đó rảnh tay làm nhiều động tác khác như leo trèo, ném đá hoặc dùng gậy gộc để tự vệ khi cần hoặc thực hiện những động tác phức tạp.

Phải nói đó là những bước tiến dài trong thời kỳ con người Homo Sapiens thoạt đầu chỉ biết hái lượm cây cỏ, các quả chín, hoặc ăn các côn trùng nhỏ và ăn lại các thịt đã thối rữa do các động vật khác dư thừa dể lại[1].

Vì thế, thể chất con người thường thua sút xa các loài động vật ăn thịt hoặc các loại động vật có vú nên luôn luôn sợ hãi và ẩn mình. Một đứa trẻ sinh ra phải lệ thuộc vào mẹ nó ít lắm vài năm, trong khi con bò, một con dê đẻ ra, chỉ ít phút sau có thể tự mình đi được.

Việc tìm ra lửa, một bước tiến của loài người.

Bước tiến vĩ đại khi loài người tìm ra lửa lần đầu tiên chẳng khác gì khi phi hành gia người Mỹ Neil Alden Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Ông đã phát biểu một cách đầy khiêm tôn và biểu tượng:

’Đây là bước đi nhỏ của một người, nhưng là một bước tiến vĩ đại của nhân loại.”

Neil Armstrong: “That’s one small step for ‘a’ man, one giant leap for mankind.” Nguồn ABC

Việc tìm ra lửa có thể bắt đầu từ 500.000 ngàn năm trước đây[2]. Lúc ban đầu do con người hấp thụ sức nóng và ánh sáng mặt trời hoặc Sapiens quan sát thấy hiện tượng núi phun lửa, hoặc sấm xét gây ra những đám cháy, hoặc tình cờ từ một đám cháy rừng. Đó còn là lúc thiên địa còn sơ khai, tranh tối tranh sáng, càn khôn còn hỗn độn tù mù trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trong khi con người chưa đủ chín mùi để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.Như thể sinh ra là để chết.  Như thể có một cõi chết từ bên trong sâu thẳm của con người.

image003Lửa. Nguồn TIME


Hơn bao giờ hết, sự giành được sự sống bằng mọi giá, bằng mọi cách như cứu cánh ở đời. Sống trước đã (Primum vivere[3]).

 Vì thế, cái may cho con người là khi lửa vừa tắt, bên đống tro tàn là những con vật và các loại củ đã được thui chín, hoặc các thực vật được nướng chín. Ăn bùi mà thơm.

Nhưng cái quan trọng nhất là con người  khác các loài là nắm bắt được mối tương quan nguyên nhân-hậu quả giữa hai sự kiện. Vì thế, việc các sinh vật được thui chín, giữa sống và chín, như cơ hội mở đường cho nhiều thuận lợi mới mà chỉ con người nắm bắt được. Có thể là thuận lợi cho việc tiêu hóa thức ăn. Đồ ăn sống buộc dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa. Lửa còn có thể diệt ký sinh trùng còn sống. Thịt thối được tiêu thụ dễ dàng hơn.

 Cả một bộ máy sinh lý trong cơ thể thay đổi và thích ứng thuận tiện. Chẳng hạn không cần có hàm răng rắn chắc như trước nữa để nhai thức ăn sống. Nhưng có thắc mắc đặt câu hỏi,  người dân miền Bắc Việt Nam trước đây thường có hàm răng to và hô vì ăn nhiều đồ sống sít[4], như ăn mía chẳng hạn.

image006

Hộp sọ 1.000 năm của một phụ nữ Philistine  khai quật ở Israel cho thấy những người sống thời tiền kỹ nghệ không bị răng khấp khểnh, răng hô như chúng ta ngày nay. Ảnh của Jim Hollander/EPA.

 Dạ dày thu nạp nhiều thức ăn hơn trước vì chúng đã chín hoặc có mùi vị thơm ngon.

Và cứ thế nhiều cái lợi từ lửa phát sinh. Con người đã biết lợi dụng Lửa Trời, lửa thiên nhiên, và áp dụng vào Lửa Bếp.

Dần dần, con nguời thuần hóa được lửa, kiểm soát được sức mạnh của lửa và sức mạnh vô biên của nó.

 Lửa soi sáng, lửa sưởi ấm, lửa làm chín các thực phẩm và tạo ra hương vị thơm ngon. Chẳng hạn biết dùng lửa để sưởi ấm về mùa đông giá lạnh. Dân miền Bắc Việt Nam thuở xưa khi mùa đông tới, không có củi phải mặc áo tơi với nhiều lớp lá gồi cho bớt lạnh, trong nhà trải thêm ổ rơm. Thuở nhỏ, tôi từng ngủ trên ổ rơm vừa ấm và vừa êm ái.

Những nhà khá giả hơn ở thôn quê có thêm lồng ấp bằng đồng, có nhiều lỗ hổng chung quanh để tỏa hơi nóng, bỏ than vào bên trong chăn sưởi cho bớt lạnh. Người dân miền cao nguyên cũng đã biết bỏ than trong một bọc nhỏ để sưởi khi đi đường

Trên rừng ở các vùng xa tiện có củi, người ta dùng một bếp lửa ngay giữa nhà, vừa để sưởi ấm, vừa để nấu nướng và nhất là để giữ thịt thú rừng bằng cách treo phía trên bếp và hun khói. Đó là cách duy nhất để giữ cho thịt khỏi hư thối và ăn dần. Ẩm thực vùng cao nguyên Tây Bắc sau này còn giữ được nhiều món ăn đặc biệt ít đâu có. Như các món thị trâu, thịt heo hun khói cũng như bắp khô, củ đậu khô. vv…

Cả gia đình quây quần bên bếp lửa, nấu nướng ngay giữa gian nhà. Sự quần cư ấy dần dần giúp bỏ thói quen hái lượm, rời bỏ tục lệ đi tìm mảnh đất mới với nếp sống lang bạt, nay đây mai đó. Nó khởi đầu cho nếp sống quần cư, canh tác tại chỗ. Sau khi đốt cây rừng, tro tàn trên mặt đất là thứ phân bón hảo hạng, là nơi mảnh đất sinh ra cho con người nhiều hoa trái.

Nó đã hình thành một cách gián tiếp và thô thiển một cộng đồng xã hội. Cộng đồng ấy còn cần di truyền nòi giống, cần thêm người lao động để trông trọt, chăn nuôi và còn nhất thiết bảo vệ cộng đồng trước những hiểm họa do ác thú rình rập. Chưa kể, cần đông người khi có những cộng đồng khác hăm dọa chiếm đất đai hoặc muốn đồng hóa.

Luật Cạnh tranh sinh tồn hơn lúc nào hết được áp dụng một cách bài bản và triệt để. Muốn sống còn trong một thiên nhiên còn hoang giã mà sức mạnh là lựa chọn tự nhiên (Sélection naturelle).

Việc quần cư cố định còn cho thấy hệ quả rõ ràng như việc xây dựng những căn nhà sàn mà chủ đích là tránh nạn thú rừng.

Ở dưới là chỗ giữ trâu bò, lợn, gà. Trên là chỗ cho người ở.

Các bộ lạc[5] từ đó bắt đầu hình thành.

 Một người đàn ông khỏe mạnh thu nạp những người khác dưới trướng, trở thành chủ nhân ông. Để việc bành trướng thêm vây cánh, người Tù Trưởng còn thu nhận thêm một đám phụ nữ vừa làm công việc sinh lý và nhất là việc sinh con đẻ cái.

Vai trò người phụ nữ  “trong khung cửa” trở thành sức mạnh cộng đồng với nhiều trâu bò và đám phụ nữ với đàn trẻ đủ lứa tuổi.

 Người phụ nữ trở thành người phục vụ khôn ngoan, biết nhường nhịn, biết khéo léo, sức chịu đựng cao và biết dùng chính thân xác mình như một hiến dâng cho bộ tộc. Chỉ cần vài giọt nước mắt hoặc một ánh mắt đủ cứu vãn cho sự sinh tồn của cả một dòng tộc.

Vai trò ấy, ngày nay, người ta gọi là sức mạnh mềm, sức mạnh thông minh, lui một bước để chiếm mười bước.

Vì thế, người đàn ông  vai u thịt bắp có thể chia cái vai trò sinh dục và sinh sản ấy cho nhiều thành viên phụ nữ khác trong bộ tộc để giữ gìn « bản sắc truyền nòi” khác với bộ tộc khác.

Vì thế, việc giao phối với tất cả với những người đàn ông trong bộ tộc ấy dần dần là một việc xem ra bình thường và tự nhiên.

Trong quan hệ luyến ái, người phụ nữ có thể có giai đoạn ngoài hôn nhân. Ngay cả khi đã thành vợ chồng có thể chia tay và kiếm người khác. Hiện nay, còn có nhiều bộ tộc gả bán hoặc cho các người phụ nữ như một quan hệ trao đổi hoặc để giữ hòa khí.

 Đó là một quan hệ huyết thống được giữ gìn.

Một lần nữa cho thấy hơn ai hết các Tù trưởng nắm rõ quy luật Cạnh Tranh Sinh Tồn, hiểu biết và khôn ngoan bày đoàn. Người phụ nữ chỉ là một đơn vị, một mắt xích trong cuộc cạnh tranh sinh tồn ấy. Nhưng lại là một mắt xích thiết yếu không thể không có trong cuộc cạnh tranh sinh tồn và bảo vệ sự tuyệt chủng.

Vì thế, quan niệm trinh tiết nhất thiết không quan trọng trong các xã hội thô sơ.

Nó phải nhường chỗ cho quy luật ấy trong các xã hội sơ khai. Điều mà các xã hội được coi là văn minh người ta nhìn qua lăng kính luân lý, tôn giáo chỉ mới hiện thực khoảng hơn 2000 năm nay trở lại. Xã hội thô sơ với nếp sống, nếp nghĩ dưới con mắt xã hội văn minh được coi là dơ bẩn mà họ gọi một cách miệt thị là Pensées sauvages, những tư tưởng hoang dã. Tư tưởng hoang dã là tư tưởng chưa được hệ thống theo quy trình tiesn bộ của các xã hội văn minh.

Thật ra, những tư tưởng ấy có thể chỉ khác với các tư tưởng khác, mà không có nghĩa nó xấu hơn hoặc tốt hơn..

 Và trong việc giao phối như thể, mục đích chính là sinh sản. Người phụ nữ chỉ là công cụ như một cái máy đẻ. Người ta  còn tìm thấy trên các bức tường hang động hình vẽ các phụ nữ bụng chửa cũng nằm trong ý hướng ấy.

Không lạ gì, nó như thể có một cuộc chạy đua của các tinh trùng trong cơ thể người phụ nữ.
Tinh trùng nào khỏe mạnh nhất sẽ về tới đích và tạo ra những con người mạnh nhất và có thể thông minh nhất của bộ tộc.

Tôi đã có dịp được xem các tấm hình, con cái vây quanh và người đàn ông đàn bà quấn lấy nhau làm tình một cách tự nhiên và thoải mái. Nhà Nhân chủng học Claude Levy- Strauss đã sống nhiều năm bên Ba Tây (Brazil) để tìm hiểu các sắc tộc thiểu số trong cuốn sách Tristes Tropiques (Nhiệt đới buồn). Tuy nhiên, ông vẫn thiếu một cái nhìn thiện cảm, hiểu biết với xã hội người sơ khai.

 Tiếp nối, Gaston Bachelard trong cuốn La Psychanalyse du Feu, 1941 — Phân tâm học về lửa, gọi một cách rất sát là Feu sexualisé. Lửa đã dục tình hóa. Người Việt cũng có thói quen gọi là “lửa tình”  hay “tiếng sét ái tình”. Hay những chữ khác như Nguội tình, Tình lạnh nhạt có thể cũng không khác bao nhiêu..

Bộ tộc theo nghĩa đó tự nhiên cần những thành tố có cơ bắp để làm việc và cũng cần để bảo hộ bộ tộc bằng hai giống Đực- Cái.

 Phải chăng đó cũng là mẫu hình theo Cấu Trúc luận mà mỗi thành viên là một đơn vị, một mắt xích của một xã hội vừa hòa với thiên nhiên và hòa với con người. Một cơ cấu bộ tộc được coi là lành mạnh từ đó tạo ra nhiều bộ tộc khác. Việc hòa với thiên nhiên này tạo ra rất nhiều huyền tượng như thờ cúng các thần Núi, Thần Cây, Thần Gió, Thần Lửa…

Nói cho đáo lý, đó chỉ là cách con người biết làm hòa với Thiên nhiên, với Đất Trời. Từ thái độ kính trọng thiên nhiên ấy, nó biến thái thành tín ngưỡng tôn giáo. Người Việt chẳng hay cũng có câu: Trời che Đất chở. Trông Trời, Trông Đất, trông mưa…

Từ đó, chúng ta sẽ không còn lạ gì khi các bộ lạc mọc ra như nấm tại các sắc dân Thượng như Mường Mán, Mèo, Lô Lô, Nùng, Nùng An, Mán Sơn Đầu, người Mông Đen, Mông Hoa, Đào Đỏ, người Dao. Đàn ông thì ăn mặc sơ sài chỉ một cái khố. Còn đàn bà ăn mặc với đủ sắc mầu, có thêu chỉ mầu sặc sỡ. Áo thì mặc chẽn xem ra  sặc sỡ và đẹp hơn người Kinh nhiều.

Ăn mặc mầu sắc khác nhau trước hết là để phân biệt các sắc dân. Như người Mông Đen thì màu đen, người Dao mặc mũ đỏ, người Dáy mặc áo ngắn. Có thể họ chỉ giống nhau là có cái gù sau lưng và đều nói chung tiếng Thổ Tầy.

 Có thể ngày nay đã đổi thay khi tiếp xúc với xã hội văn minh chăng?

Bếp lửa theo truyền thống văn hóa một số dân tộc

Bếp lửa là một định chế văn hóa của nhiều sắc tộc trên thế giới. Phần đông, nó trở thành trung tâm của đời sống gia đình- nơi tụ họp của gia đình và cả họ hàng tạo ra không khí an bình, hạnh phúc. Nó như hành trình Trở Về Nhà như một điểm tựa. Tôi thiển nghĩ đây là nét đẹp hơn cả biểu lộ tình quê hương, tình tự con người.

image007

Bếp lửa sưởi ấm, nấu nướng trong gia đình người dân Bana. Nguồn: https://dttg.baotainguyenmoitruong.vn/

Tình tự Cái Nhà trở thành nơi êm ấm, an vi, nơi cuối cùng để về. Đi đâu thì đi rồi cũng phải về. Đi là về. Nơi đó có khói bốc lên, có ánh sáng lửa bập bùng. Ngược lại không có ánh lửa, tro bếp nguội lạnh phải hiểu căn nhà đó vắng người, hoặc bỏ hoang và không có sự sống ở đó.

Về mặt khảo cổ học, có những huyền thoại, truyện cổ tích nói đến phong tục xưa về nguồn gốc và công dụng của lửa bếp.

Lửa bếp, biểu tượng cho sự sống, nên nhiều sắc dân đã đề ra những hình luật cho những ai làm mất lửa.

 Giữ được lửa như giữ được mạch sống, giữ được cái hồn của quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn. Giữ lửa ở thôn quê Việt Nam thường có hai cách:

  • Hoặc dùng mớ rơm bện chặt dùng làm bùi nhùi giữ lửa, để nó cháy âm ỉ.
  • Hoặc để tro trấu cháy âm ỉ bên cạnh bếp.

Lúc cần, chỉ thổi lên là lửa sẽ bùng cháy. Cạnh đó, người ta dùng một ống tre để thổi lửa.

Ngay cả cái mùi khói, nói chung mùi dân giã, cũng là những gì quen thuộc, gần gũi như một hiện sinh hữu hình. Nó quen thuộc như mùi chuồng heo, mùi lúa mới cũng như tiếng sáo diều, tiếng chuông chùa. Người ta cũng nhận ra rằng, những con ngựa hình như chúng phi nước đại khi chúng bắt đầu ngửi thấy mùi chuồng ngựa[6].

 Nói chung, quê hương làng xóm là tất cả những thứ ấy cộng lại.

Ở Việt Nam, huyền thoại lửa đã được đưa lên thành những biểu tượng gần gũi và thân thiện như : Ông Táo, Ông Đầu Rau. Và có sự tích kể vì sao có Ba Ông Đầu Rau. Đó là câu truyện tình đầy kịch tính và đẫm nước mắt.

J.G Frazer đã kể lại một số sự tích như :

“Nhiều bộ lạc ở Ấn Độ, có thần AGUI luôn có mặt, lửa là biểu hiện của khái niệm sinh sản..luôn ở cạnh gia đình, không bao giờ vắng mặt.

Ở thời La Mã Thượng cổ, giường cưới được kê sát cạnh bếp, sản phụ mới đẻ, ở cữ nằm trên giường có than lửa cho nóng. Lửa bếp như vậy chẳng những sinh ra sự sống mà còn giữ gìn sự sống.”

Ở Việt Nam cũng có sự kiện phụ nữ mới sinh sản nằm giường có lò than cho thấy thế giới có những điểm đồng ít ai ngờ tới.

Tại các xứ Bắc Âu lan tỏa ra khắp vùng Địa Trung Hải, sang đến Phi Châu, người ta dùng ba que sắt chụm vào nhau và treo nồi để đun nấu. (Xem thêm J.G Frager, Mythes sur l’origine du Feu. Payot, Paris, 1931). Sự kiện này nhắc nhở những ai từng ăn món cá Bouiabaisse xuất phát từ cảng biển Marseille. Người ta dùng những con cá dư nấu nhỏ lửa, ninh cho nhừ với cà chua, hành, tỏi trong dầu ăn, rồi ăn với bánh mì quết bơ.

Chung quanh từ “Ăn”của người Việt

Có thể nói tắt một lời, không nơi nào trên thế giới từ ăn được xử dụng nhiều đến như thế. Tôi không nói ngoa đâu. Bạn thử dịch tất cả những chữ viết dưới đây ra tiếng Pháp, tiếng Anh được không. Chắc là không quá. Bởi vì nó đã trở thành máu thịt của tâm hồn Việt Nam.

Nó xúc tích, nó giản lược mà không ngôn ngữ nào có được. Cho nên, khó có người ngoại quốc nào nắm được cái căn cơ của thứ ngôn ngữ ấy.

Chẳng hạn, từ “ăn” được ghép với một từ khác, hoặc nhiều từ trong các kiểu nói trở thành quen thuộc, đơn gọn, hoặc trở thành tục ngữ, ca dao. Trong ‘’Việt Nam tự điển » của Hội KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC (1931), có khoảng 150 từ ghép với Từ ĂN. Nhiều đấy chứ.

Các Từ ghép.

Cái thuận lợi của các từ ghép này là nó giản lược nhiều từ thành một chữ bằng cách cắt xén từ giữa mà đọc ai cũng hiểu được như : Ăn Cắp, Ăn Cướp, Ăn Hại. Về pháp lý, người ta cũng dùng tiêu chí này để luận tội. Tội ăn cắp nhẹ hơn ăn cướp. Ăn hại kể như vô tội vì có thỏa thuận.

Nhưng nếu thêm các chữ Thằng, Đồ, Bọn, Phường, Quân.. Nó sẽ mang ý nghĩa luân lý như một xếp loại, miệt thị, khinh bỉ.

Chưa kể những biểu lộ thân xác đi kèm như lên giọng, chỉ trỏ ngón tay, nghiến răng trợn mắt làm tăng thái độ oán giận, khinh bỉ. Cái ngôn ngữ thân xác này nó cũng làm giàu cho ngôn ngữ Việt với lối nói bóng, nói gió, nói mỉa mai mà thịnh hành nhất ở nơi thành thị, nhất là tại miền Bắc

  • Về nghĩa đen, nó cũng giúp bày tỏ một cái gì vắn, gọn như :
  • Ăn cái gì : Ăn cơm, ăn canh, ăn bánh, ăn cá, ăn rau.
  • Cách ngăn:  Ăn chén, ăn sống, ăn mặn, ăn chua, ăn cay, ăn ngọt, ăn đũa, ăn xiên, ăn đứng, ăn ngồi, ăn chung, ăn chậm, ăn vặt, ăn yếu, ăn khỏe, ăn tham, ăn tục.
  • Nơi ăn : Ăn tiệm, ăn hàng, ăn đường..
  • Lúc ăn : ăn sáng, Ăn trưa, ăn tối, ăn đêm
  • Những dịp đặc biệt : Ăn tiệc, ăn cỗ, ăn khao, ăn cưới, ăn tết.
  • Cách ghép từ: tùy theo cách ghép, sẽ có vô số nghĩa chỉ tâm lý, đạo đức về xã hội như: Ăn hại, ăn hiếp, ăn hối lộ, ăn chặn, ăn bớt, ăn bẩn, ăn vụng, ăn vạ, ăn xin, ăn thề, ăn non, ăn chực, ăn chịu..
  • Cách ghép thành câu tục ngữ: Ghép thêm từ hai từ, chữ ăn có thể trở thành câu tục ngữ như Ăn gian nói dối, Ăn có nhai nới có nghĩ, Ăn ốc nói mò, Ăn không nói có, Ăn tục nói phét, Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, Ăn cơm nguội, nằm ngoài nhà, Ăn trắng mặc trơn, Ăn chực nằm chờ, Ăn sung mặc sướng..Ăn sống nuốt tươi, Ăn thật làm giả, Ăn no ngủ kỹ.

Đôi lời kết luận

Thật không dễ để thành một người Việt Nam với những tình tự rất người, một thứ ngôn ngữ sống động và tế vi không dễ gì nắm bắt.  Lửa bếp trở thành cái nôi của văn hóa dân tộc.

Rất tiếc, trong cuộc di cư năm 1954, chữ đã đi theo người, nhưng một phần đã bị tan hòa vào miền Nam. Và nhiều thứ nay chỉ còn là những kỷ niệm.

Nhất là miếng ăn. Tôi không biết có dân tộc nào tôn trọng miếng ăn đến như vậy. Chia phần xôi thịt đến một cái phao câu cũng không thể thiếu.

image010

Ăn, nhậu tràn lan ở phố cổ Hà Nội về đêm. VNMedia

Phạm Duy Tốn trong truyện Sống Chết mặc bay nó hiện thực đầy đủ : một miếng giữa làng bằng một xàng xó bếp nó quan trọng đến chừng nào. Từng chi tiết tỉ mỉ chia phần từ cái đầu gà đến cái phao câu không thể thiếu.

Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra một tập truyện ngắn: Việc Làng của Ngô Tất Tố như một lời chia xẻ. Trong đó có một số truyện ngắn tiêu biểu như Miếng thịt giỗ Hậu- Một chiếc Lăm lợn-Xâu Lòng Thờ-Một tiệc ăn Vạ-Cỗ Oẳn Tuần Sóc-Mua Cỗ-Con Gà Thờ-Hạt Gạo Xôi Mới-Góc Chiếu giữa Đình.

Mỗi chuyện là một góc nhìn xoáy vào những nết ăn, nết ở tiêu biểu cho một con người và tiêu biểu cho một nét Văn Hóa một thời dần biến dạng.

Amen.

© 2022 DCVOnline

   Chú thích

[1] Nguồn: Citation: Pobiner, B. (2013) Evidence for Meat-Eating by Early Humans. Nature Education Knowledge 4(6):1 | Thực phẩm của loài vượn nhân hình sớm nhất có lẽ hơi giống với thực phẩm của loài tinh tinh hiện đại: ăn tạp, gồm phần lớn lớn trái cây, lá, hoa, vỏ cây, côn trùng và thịt.

(Nguồn: Andrews, P. & Martin, L. Hominoid dietary evolution. Philosophical Transactions of the Royal Society of London B 334, 199-209 (1991); Milton, K. A hypothesis to explain the role of meat-eating in human evolution. Evolutionary Anthropology 8, 11-21 (1999); Watts, D. P. Scavenging by chimpanzees at Ngogo and the relevance of chimpanzee scavenging to early hominin behavioral ecology. Journal of Human Evolution 54, 125-133 (2008).

[2] Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng về việc dùng lửa theo thói quen tìm thấy ở những hang động ở Israel có niên đại từ 400.000 đến 300.000 năm trước, và kể cả việc dùng đi dùng lại một lò sưởi duy nhất trong Hang Qesem và những dấu hiệu nướng thịt.

(Nguồn: ANDREW C. SCOTT, “When Did Humans Discover Fire? The Answer Depends on What You Mean By ‘Discover’”, TIME, JUNE 1, 2018)

[3] Primum vivere deinde philosophari (mặc dù không có dấu phẩy nhưng câu được đọc như dấu gạch ngang: primum vivere, deinde philosophari) là một thành ngữ Latinh có nghĩa là “Sống trước, sau đó mới triết lý”. Đó là một lời mời để sống một một cuộc đời tích cực trước khi cống hiến hết mình cho sự phản ảnh theo lý thuyết; nó cũng là một lời cảnh cáo cho những người chỉ tập trung vào lý thuyết mà không chạm mặt với đời thực.

(Nguồn: https://fr.wikipedia.org/)

[4] Hộp sọ của những người nông dân thời tiền kỹ nghệ cũng có nhiều răng sâu và áp xe trông rất đau đớn, nhưng chưa đến 5% trong số họ có răng khôn. Ngược lại, hầu hết những người săn bắn hái lượm có hàm răng  gần như hoàn hảo. Rõ ràng, bác sĩ chỉnh răng và nha sĩ hiếm khi cần thiết trong thời kỳ đồ đá. (Nguồn: Daniel Lieberman, “The Story of the Human Body”, Vintage; Illustrated edition (July 1 2014))

[5] “Khả năng lãnh đạo dựa trên kiến ​​thức hiểu biết về cộng đồng, hiểu biết về con người của bộ lạc, hiểu biết về tầm nhìn và hiểu biết về văn hóa bộ lạc.” Tầm quan trọng của kiến ​​thức là cơ sở cho sự lãnh đạo để có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và hướng tới tương lai cho nhu cầu của người dân bộ lạc.

Lãnh đạo bộ lạc là sự đồng lãnh đạo, tổ chức bằng hệ thống thị tộc, được hướng dẫn và duy trì do những bô lão bằng việc dạy ngôn ngữ và kể chuyện. Sự lãnh đạo của bộ lạc Winnebago là về vai trò và các mối quan hệ, hệ thống thị tộc, bô lão, phụ nữ, gia đình, trẻ em, bố và mẹ, chokas (ông), kakas (bà), cô và chú. Tất cả đều có vai trò lãnh đạo bộ lạc. Tất cả đều là một phần của vòng tròn thiêng liêng. Chính vai trò được chia sẻ này đã gắn kết mọi người như một và cung cấp một hình mẫu cho sự lãnh đạo.

Nguồn: Jeff G. Hart, “Khám phá khả năng lãnh đạo của bộ lạc: Hiểu và làm việc với người dân bộ lạc”, Tạp chí Extension, tháng 8 năm 2006 // Tập 44 // Số 4 // Đại học Nebraska-Lincoln Extension

[6] Đó là loại phi nhanh nhất của một con ngựa, trung bình khoảng 25 đến 30 dặm một giờ và dùng trong thiên nhiên khi con ngựa cần chạy trốn khỏi thú bắt mồi (hổ, báo, v.v.) mồi hoặc muốn chạy nhanh trong một quãng đường ngắn.

Nguồn: EQUIMED STAFF, “Horse Rhythms and Movements from Walk to Gallop and in Between”, EQUIMED – 04/26/2018.

Share via:

 

 

10 Tháng Chín 2023(Xem: 2877)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3173)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3149)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2900)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2825)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3556)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2931)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3200)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3738)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3417)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2648)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2507)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4818)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7964)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2677)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8566)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5163)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2601)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.