Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Dương Quân - CHẬP CHỜN CƠN MÊ

13 Tháng Bảy 20221:16 SA(Xem: 4648)
Dương Quân - CHẬP CHỜN CƠN MÊ
Thư gửi con gái DUONG QUAN

 

                                                         Lời Cuối. Thư viết cho con gái

 

Con thương yêu Dương Thị An Xuyên

Con gái đầu lòng cưng quý của ba.

Tháng 9 năm 2003, khi ba vừa hoàn tất bản thảo tập thơ này thì con đột ngột ra đi.
duong quan 2

 

Tuổi đời của ba năm nay đã ngoài 60 . Ba đã nếm trải biết bao nhiêu khổ đau chồng chất muộn phiền kể từ sau năm 1975 oan nghiệt.

Những nhọc nhằn đói lạnh cơ cực 8 năm tù cải tạo ngoài rừng núi miền bắc xa xôi. Thái độ bạc bẽo rẻ khinh của dòng họ gia đình ruột thịt không còn chút tình nghĩa khi ba ra tù. Những tháng ngày ba lang thang khắp các ngõ hẻm, phố phường, làm đủ các nghề vất vả để kiếm sống. Mất sự nghiệp, mất tương lai, mất nhà cửa, mất của cải, ba chỉ biết nhìn hai chị em con quằn quại lớn lên trong bất hạnh giữa một xã hội đảo điên. Tất cả những tình cảnh ấy đã bủa vây cuộc đời ba từng phút từng giờ kéo dài 15 – 20 năm não nề.

Vậy mà ba vẫn chịu đựng được. Vậy mà ba không gục ngã và đã vượt qua

 

Nhưng tin con đột ngột ra đi đã làm cho ba sụp đổ tất cả. Mọi vật như phủ trùm đen tối, hụt hẫng quanh ba.

 

Tại sao có thể như vậy được ? Tại sao như vậy? Con ơi! Con gái của ba tha thiết mỹ miều. Con gái của ba xinh đẹp,duyên dáng Con gái của ba dịu dàng, hiền thục.  Con gái của ba nhẫn nại, cần kiệm.  Con gái của ba trinh trắng, hiếu hạnh, đoan trang.

 

Con gái của ba có đủ tất cả những đức tính trân quý của một nàng tiên diệu hiền là vàng, ngọc, kim cương… là sự hài lòng, là nơi tin cậy – là mật – là đường, là gia bảo của ba.

Vậy mà ba đã mất. Vậy mà ba đã mất con.

 

Con bị bệnh đúng một năm trời, ba đã tận tụy chạy chữa cho con bằng những phương tiện tốt nhất , bằng những loại thuốc quý nhất, bằng khả năng cao nhất của ba . Con đã thuyên giảm, phục hồi 80% sinh hoạt bình thường. Nhưng con lại trở bệnh chỉ trong vòng một tuần lễ, con phải bỏ ba, bỏ mẹ, bỏ em …

Những giây phút cuối cùng của con bên cạnh mẹ, trong bệnh viện, con tỉnh táo, dịu dàng và thanh thản. Nhưng con cứ nhắc đi nhắc lại lời cuối niềm mong ước của con:

“Con rất muốn gặp ba, con rất muốn gặp ba, ba ơi! “ Rồi con buông xuôi.

Con của ba: Dương Thị An Xuyên

Con vẫn hằng hài lòng với cái tên ba đã đặt cho con ”Dòng sông yên tĩnh” địa danh ba đã đến đó làm việc, từ Học viện Quốc gia Hành Chánh, bước chân đầu đời, hy vọng đầu đời, ba gửi gắm cho con.

 

Những kỷ niệm về con vẫn còn đầy ắp trong ký ức của ba. Con được chào đời trong sự mong đợi, nâng niu của ba và mẹ.

Rồi con lớn dần.

Ba khắc chiều cao của con vào gốc cột nhà để thấy con lớn lên từng tháng, từng năm.

Con vào mẫu giáo. Mẹ cột tóc đuôi ngựa cho con. Tay con ôm cặp, tay xách bình mực… con tung tăng mỗi sáng ba đưa con đến trường.

 

Có khi ba chở con về thăm nội dưới quê. Cha con mình chơi trò “trốn kiếm” trong vườn cây trái rộng mênh mông. Con kiếm ba không được, con tần ngần đứng khóc. Ba chạy lại ôm con vào lòng, nước mắt rưng rưng – mà rạng rỡ nụ cười.

 

Buổi chiều, xe trở về thành phố. Hoa quỳnh anh nở đầy hai bên đường. Con hối hả kéo tay ba: Ba ơi bông đẹp quá ba hái cho con đi.

Ba dừng xe lại, hái hoa cho con. Con giắt hoa xung quanh xe – trên cửa – trên mui . Xe vào thành phố, người thành phố lấy làm lạ nhìn con ngồi trong chiếc xe hoa vàng rực. Con vui lắm, mắt con long lanh.

 

Rồi năm 1975, ba bị ở tù. Mẹ cũng ở tù. Chị em con chạy về với ngoại. Nhưng lợi dụng lúc chị em con không mẹ, không cha – bà ngoại đã chủ mưu để cho cậu, dì của con sang đoạt nhà cửa của cải của ba mẹ xong rồi – bà ngoại đuổi hai chị em con ra gốc cây đứng khóc mỗi đêm.

 

Năm ấy, con chỉ là đứa con gái hơn 10 tuổi con đã một mình lặn lội tìm về bên nội trên đường quê hơn 70 cây số để nhờ các cô, chú giúp đỡ. Và mọi người đã từ chối, ngoảnh mặt đi.

 

Thư con đã viết cho ba sau này, con kể:

Khi bên nội từ chối lời khấn cầu giúp đỡ chị em con, trên đường trở về nhà, đi qua dòng sông Cát Lái , khi chiếc phà chạy giữa dòng sông rộng mênh mông, con muốn trầm mình tự tử cho rồi. Nhưng nghĩ lại, con còn một đứa em… lúc hai chị em không mẹ, không cha.

 

Con đã sống như thế nào trong khi những bữa ăn của chị em con chỉ là ”… một tô cháo, hai cái muỗng, hai chị em …” như con đã kể trong từng tháng, từng ngày.

Con đã sống như thế nào trong hoàn cảnh ấy, để lây lất cho đến khi mẹ ra tù, cho đến khi ba ra tù.

 

Đã bao lần toan thôi học, nhưng con cũng cố gắng gượng bám ghế nhà trường. Nghỉ hè, hai chị em con, mỗi đứa cầm một cây kẹp sắt, dẫn nhau đi bưới các đống rác để lượm bịt ni lông, đem bán để kiếm tiền cho niên học tới.

 

Ngày trước, cậu Tư, cậu Bảy, dì Út của con ở chung nhà với ba mẹ, được ba mẹ bảo bọc cho học hành – vui chơi – tưởng họ lớn lên thành người, nào ngờ sau năm 1975, họ lớn lên thành “người vượn”. Vậy thì làm sao họ còn biết nhân nghĩa giúp lại hai đứa cháu mình trong cơn khốn khổ cùng cực – mà ngược lại, chính họ là những kẻ đã đoạt nhà, cướp của cải của ba mẹ còn sớm hơn kẻ thù.

 

Nhưng chị em con đã kiên trì đẩy lùi được sự dốt nát, để sau cùng, với sự tiếp sức của ba, con đã được học hành đỗ đạt. Con đã trưởng thành. Con đã là một thiếu nữ xinh đẹp, một sinh viên thông minh.

 

Con đã khoe với ba: ”đề án tốt nghiệp của con đã được giáo sư bảo trợ chấm điểm 10+ ‘ – để khi nếu có bạn học nào cùng khóa được điểm 10 – con vẫn đỗ thủ khoa “.

 

Con gái của ba chẳng những không đầu hàng nghịch cảnh mà còn chứng tỏ nghị lực phi thường trong một thân thể ốm yếu, mỏng manh.

Nhưng con vẫn hằng chập chờn nỗi sợ hãi mỗi lần nhắc lại giai đoạn 1975-1990 – 15 năm ấy – như một đêm dài rùng rợn cho gia đình mình.

 

Con nhắc trong thư viết cho ba:

Ba thương kính của con ơi: ”Những ngày tháng ba ở tù ra, ba về sống bên ông bà nội, vừa để chăm sóc ông nội bệnh, vừa cuốc đất làm rẫy, trồng rau. Ngày trước, ba khỏe mạnh cứng cỏi, ở tù ra, giờ này ba ốm đi, chỉ còn 39 kg. Mỗi lần chị em con về nội để thăm ba, chiều tối, ba xách thùng ra giếng múc nước cho chị em con tắm – con đứng nhìn ba gầy ốm, đen đúa lại xách thùng nước nặng. Ba bước đi như vẹo một bên. Con thấy tội nghiệp ba quá, nhưng sao trong lòng con lại thấy sung sướng vì biết rằng ba thương chị em con nhiều lắm”.

 

Rồi thư khác còn lại kể:

” Ba ơi! Con nhớ ba, con máng cái áo 4 túi của ba ngày xưa, trong tủ quần áo của con, để mỗi lần con mở tủ ra … thấy cái áo, con nhớ ba .

“Ba ơi ! Mỹ và Việt Nam xa nhau nửa vòng trái đất . Như dẫu cho mấy vòng trái đất, con vẫn nhớ , vẫn thương ba”

 

Con viết cho ba – con viết nhiều lắm dường như là để tổng kết một cuộc đời mà ngày nay ba mới chợt hiểu – mà trước đây ba chỉ thấy rằng – ba hài lòng có đứa con gái đầu lòng hiếu hạnh, ngoan hiền.

 

Ba đã từng khẳng định với con rằng:

Nếu có ai đó lập được một danh sách những người cha thương con nhất trên đời này, thì ba là người đứng đầu danh sách ấy “.

 

Con đã từng biết thế nào là khổ là nghèo qua tuổi thơ của con – nên con là tấm gương cần kiệm, nhẫn nại, chịu đựng hi sinh, nhường mọi ưu tiên cho em con. Sự thành công của em con ngày hôm nay để nó hãnh diện với đời, một phần lớn là do con đóng góp – từ lúc con thay ba mẹ dẫn em vào trường học – buổi học đầu đời – cho đến khi nó thành người lớn khôn ngoan xã hội.

 

Con đã từng biết thế nào là kẻ không nhà.

Chính ba cũng không hơn gì hai chị em con. Ngày 26 tết năm 1984 gia đình bên nội, do cô Tám đứng đầu đã đuổi ba ra khỏi nhà ông nội, sau vài tháng ba ở tù ra, về nương náu ở đó. Ai biết được ba đi về đâu, làm gì phải sống ra sao trong những ngày thiên hạ lo đón Tết. Các cô chú của con cũng hài lòng về việc ấy lắm vì sự có mặt của ba ở nhà nội sẽ là trở ngại cho việc chia chác của thừa kế sau này. Họ lên tiếng không nhìn nhận ba là người trong số anh chị em của họ nữa.

Ngày trước, ba là ngôi sao sáng của gia đình, là niềm hãnh diện, là điểm tựa của mọi người. Khi ba ngã ngựa xuống rồi, các cô, chú đạp lên đời ba cho ba ngã gục.

Xã hội đảo điên – người cải tạo ra về, có người được gia đình nâng đỡ, đùm bọc, có người bị gia đình xem còn thua con chó hoang ngoài đường. Ba thuộc về trường hợp sau.

 

Chính con không quên cái cảnh ba đạp xe đạp đường dài 70 km từ quê nội về nhà ngoại thăm chị em con. Tối đến, ba phải treo cái võng trước hàng hiên ngoài nhà mà ngủ. Thân thể gầy ốm của ba lúc đó không đủ làm mồi cho lũ muỗi đói qua đêm, chỉ nằm thao thức tủi thân, nghe mưa nhỏ giọt tí tách từ trên cây vú sữa tạt ướt chiếc võng ba nằm. Trong nhà ấy, trước đây là nhà của ba mẹ, đã bị bà ngoại sắp xếp sang đoạt cho dì Út của con. Cái giường của ba mẹ nằm ngày xưa, bây giờ dì Út và dượng Út con nằm.

 

Nên vậy, ba quyết tâm không quản ngại cực khổ nhọc nhằn, làm lục vất vả để tạo lại cho chị em con một căn nhà.

 

Khi có được căn nhà, con vui mừng và quý trọng biết mấy. Con đã kỹ lưỡng lau chùi từng viên gạch, cẩn thận chăm sóc từng cánh cửa, tấm màn, vun quén từng chậu hoa, cây kiểng.

 

Và ba đã tạo ra cái giường cho con nằm, tấm mền cho con đắp trong căn phòng đẹp nhất cho trưởng nữ của ba.

Ba đã có quần áo đẹp cho con mặc, có xe tốt cho con đi. Ba đã có tiền cho chị em con cất trong nhà. Con lại tiếp tục học thêm những gì cần học, và em con lại học cao hơn.

Ba đã trồng cây nguyệt quế bên cửa sổ sau nhà để đêm đêm thoang thoảng hương đưa. Ba đã dầm mưa trồng từng cây xoan xung quanh nhà. Sau này những hàng cây xoan cao lớn, mỗi mùa hoa xoan nở – hoa xoan rụng, con quét lá xoan – con nhớ ba đã cần cù dốc lòng bù đắp cho chị em con những ngày khốn cùng, cơ cực .

 

Mười mấy năm ba xa nhà, ông nội mất. Bà nội mất. Ba đã gửi tiền về cho con để lo giỗ ông bà nội, gửi tiền sửa nhà thờ ông bà, gửi tiền cho con đem về tặng các cô. Tặng bạc trăm đô la, các cô chê ít, các cô muốn ba gửi bạc ngàn, hay chục ngàn để các cô làm giàu ở không đi chơi và chia chác vườn đất của ông bà nội để lại đem bán, rồi tranh giành nhau.

 

Ba đã nhắc nhở chị em con vui chơi, mua sắm, hưởng thụ để bù lại những năm tháng cùng cực đói nghèo. Vậy mà lúc này là lúc con không cần những thứ ấy nữa.

Tại sao như vậy hả con, Tại sao như vậy hả con. Tại sao?

 

Ba chỉ có hai đứa con, như người có hai tay, hai mắt … Giờ đây, ba như một thân thể tật nguyền, quằn quại với nỗi lòng tột cùng đau khổ.

Con yêu thương của ba: Dương Thị An Xuyên.

duong quan

 

Có phải con là một nàng tiên trên trời đầu thai xuống làm con của ba, để cho mọi người nhìn thấy cách sống, cách cư xử phải giữ đức tính tốt đẹp của con mà lấy làm tấm gương cho cuộc sống.

 

Có phải kiếp trước ba thiếu nợ con – nên kiếp này con gặp ba để đòi nợ ? Khi ba đã trả xong nợ cho con, thì con vội vã ra đi. Không ai biết con về đâu, làm gì, ra sao… Nhưng con đã để lại trong lòng mọi người vô vàn đau đớn, tiếc thương .

 

Vanitas, Vanitatum.

 

Người ta nói “cát vụi trở về cát bụi” . Ba không tin như vậy. Con không từ cát bụi mà ra. Con là tinh hoa của sự yêu thương, trìu mến. Con cũng không trở về cát bụi. Nhưng con về đâu? Cõi vô biên mù mịt ? – quanh đây hay thăm thẳm phương nào?


Mới đây thôi – giờ thì con ở nơi đâu? Con ở Châu Á, con ở châu Âu, Châu Phi hay Châu Úc… nơi nào ba còn có thể tìm con được. Nhưng tình thế này ba biết tìm con nơi đâu .

 

Ba đã khóc với bác Trí. Ba đã khóc với bác Danh. Ba đã khóc với những người quen đến thăm ba để an ủi ba khi biết ba vừa mất con. Ba đã khóc nghẹn ngào lúc ba ăn, ba đã khóc âm thầm lúc ba ngủ, lúc ba làm việc, lúc ba lái xe. Ba đã khóc với bao nhiêu nước mắt ràn rụa… giờ tre lại khóc măng.

 

Có khi ba tưởng tượng con đang ngồi cạnh ba và nói thật nhẹ: “Ba ơi, con gái của ba đây nè!”. Có lúc ba đang làm việc, ba tưởng chừng con đang đứng chập chờn đâu đó mà nhìn ba. Ba bước đi ngoài sân, một cơn gió nhẹ thoảng qua làm cho chiếc lá khô xào xạc, ba tưởng chừng như bước chân của con.

 

Có đêm trong giấc ngủ, ba tìm con trên vùng trời thăm thẳm bao la. Ba bay qua trong mênh mông mờ mịt và nghe tiếng hát văng vảng thánh thót vang vọng trong không gian … một bầy tiên nữ bay qua, từng cô tiên trẻ có đôi cánh xanh lơ … bỗng ba nhìn thấy con cũng là một cô tiên với đôi cánh vừa bay vừa hát. Con bay ngang qua ba và gọi: ”Ba ơi! Con đây nè ba, ba kính thương của con …” và con bay mất vào không gian mờ mịt, mênh mông…

 

Không thể tìm.  Mãi mãi ba không thể tìm con.  Vĩnh viễn con đã xa ba…

 

Tập thơ này là chuyện vui chơi giữa ba và các bác – bạn của ba – con và em đã giúp ba tìm tòi trong sách vở cũ sao chép lại những bài thơ ngày trước , gửi cho ba. Có bài con đánh trên computer, có bài con chép tay. Nét chữ con còn đây, hình ảnh con còn đây. Ai đã cắt ruột của ba, làm cho ba đau, ba khóc, cũng không bằng ba thương tiếc con đã biến mất về đâu .

 

Tập thơ này là chuyện vui chơi giữa ba và các bạn – giờ đây lại in dấu ấn nỗi đau đớn tột cùng của ba, tưởng chừng không chịu được nổi. Bao nhiêu khổ đau đã chồng chất lên cuộc đời ba kể từ năm 1975. Giờ ba ở xứ người, ba phải gượng đi bằng hai chân già nua hay phải sụm xuống hở con. Ngày trước ba đã từng dạy chị em con rằng: ”trên đường đời con bước, nếu có bị vấp ngã, thì hãy đứng lên suýt soa rồi tiếp tục đi tới, không được dừng lại, không được than đau.” Nay ba và em con cũng phải làm như vậy .

 

Mấy năm gần đây phải kể từ khi ba lên tuổi 60, hàng năm đến ngày sinh nhật ba, dù cho cha con xa nhau nửa vòng trái đất, chị em con vẫn nhớ mua nến hồng, hoa quả, viết rằng: mừng ba lên tuổi thọ …” chụp hình gửi cho ba xem. Rồi đây, đến sinh nhật ba những năm tới, chỉ còn em con một mình ngồi đó – nửa phần nhớ cha , nửa phần nhớ chị. Con có trở về với em con ngày ấy hay không?

Tập thơ này vậy khi được in xong, ba hứa sẽ dành quyền đầu tiên để tặng cho con. Ba sẽ đặt hai chiếc ghế bên mấy cụm hoa trước nhà ba đang ở. Một cái ba ngồi, một cái cho con. Ba sẽ thắp ngọn bạch lạp chập chờn và đốt từng trang thơ … để cho con… đọc . Trang thơ cháy thành tro tàn mà thương nhớ con không thể phai tàn .

Ba sẽ thì thầm gọi tên con: Dương Thị An Xuyên

 

Mãi mãi ba sẽ gọi tên con.

Và không bao giờ ba muốn nói hai tiếng vĩnh biệt đâu con.

 

Ba của con

Đầu năm 2004.

 

DƯƠNG QUÂN 

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1894)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1681)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5381)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5650)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1910)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4945)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3686)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2285)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2230)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2609)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2654)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2546)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2567)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2803)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3049)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2915)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2737)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2843)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2750)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2851)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?