Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - Z30-A KÝ SỰ

04 Tháng Ba 202211:59 CH(Xem: 5320)
Phan Phú Hiệp - Z30-A KÝ SỰ

Z30-A KÝ SỰ

 


Ga Biên Hòa vào một buổi sáng sớm mùa hè năm 1978, có một bạn trẻ độ khoảng 18-19 tuổi , dáng người gầy ốm khệ nệ xách một giỏ đệm gồm đường tán, mắm ruốc, thực phẩm khô và một ít thuốc men, cố gắng chen lấn trong đám đông để mua vé xe lửa Biên Hòa- Xuân Lộc. Vất vả một hồi, cuối cùng bạn ấy cũng mua được vé. Bạn lại tiếp tục xách giỏ đệm, đi tìm chỗ ngồi trên tàu. Lúc ấy, tàu đã chật kín người và hàng hoá. Loay hoay mãi mà bạn ấy không thể nào tìm được chỗ để chen vào, dù là một chỗ để đứng bên trong toa. Cuối cùng, khi chỉ còn vài phút là tàu lăn bánh, bạn cũng tìm được một chỗ đứng rất nhỏ, đủ để đặt một bàn chân trái trên bậc lên xuống của toa tàu, còn chân phải thì để lơ lững bên ngoài không trung. Giỏ đệm thì bạn thắt dây quai đeo quàng qua cổ, tay trái nắm chặt tay vịn, tay phải ôm chiếc giỏ. Bạn nghĩ thầm: thôi cũng được, dù gì mình cũng còn may mắn. Còn bao nhiêu người bị bỏ lại ở sân ga vì không lên được tàu.

Tàu bắt đầu chuyển bánh. Trên lộ trình gần 100 km, đứng một chân như đang làm xiếc, bạn không sợ trượt té mà chỉ sợ bị kẻ xấu giật mất chiếc giỏ đệm. Tay chân mỏi nhừ, nhưng làn gió mát bên ngoài làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn và miên man hồi tưởng lại những sự việc xảy ra trong gia đình, như một đoạn phim quay chậm:

…. Sau ngày 30/4/1975, hai người anh là sĩ quan cảnh sát của bạn trình diện đi học tập trung tại địa phương. Nhưng rồi khi trình diện đi học theo kế hoạch mười ngày, trở thành chuyến đi một tháng, một năm, hai năm, và đến nay đã hơn ba năm mà các anh vẫn biệt tăm. Gia đình bạn chờ tin hai anh trong mỏi mòn vô vọng. Hết lên phường, lên thành phố, lên tỉnh, hết nhờ người này đến người khác, tin tức về hai anh vẫn chỉ là những câu trả lời mơ hồ. Để rồi tiếp tục chờ đợi. Cuộc sống của gia đình có thân nhân là sĩ quan cải tạo trên một quê hương đã mất thật không dễ dàng chút nào. Mẹ bạn đã bán dần hết những gì có thể bán được để tồn tại, chờ ngày đón các con trở về. Vì có người thân đi cải tạo, nên con đường vào đại học của bạn trở nên gập ghềnh khó khăn hơn, khi mà lý lịch đã có tì vết nên không thuộc diện ưu tiên . Nỗi vất vả tủi nhục, đớn đau mà những người trong cuộc như bạn mới cảm nhận được.

Vào một ngày đầu năm 1976 , gia đình bạn vui mừng đón tiếp người bà con rất gần, là cán bộ cao cấp tập kết, ở Hà Nội về thăm họ hàng sau 20 năm xa cách. Mừng mừng tủi tủi, như chết đuối giữa dòng tìm được phao cứu sinh. Mẹ bạn khóc nức nở, nài nỉ người bà con ấy thương tình mà đứng đơn bảo lãnh cho hai người con sớm trở về. Người bà con rất gần ấy trả lời một cách lạnh lùng: “Chị hãy để cho các cháu đi học tập, lao động để các cháu quán triệt đường lối chính sách của nhà nước, để chúng nó tiến bộ hơn.”  Câu trả lời thẳng thắn ấy của người bà con đã đặt dấu chấm hết niềm hy vọng của mẹ bạn.

Mãi đến 1978, gia đình bạn mới nhận được giấy phép thăm nuôi người anh lớn tại trại Z30-A - Gia Ray - Xuân Lộc. Bạn cảm thấy nôn nao khi hôm nay sẽ gặp lại người anh sau ba năm bặt tin. Nghe nhiều người kể những câu chuyện khắc nghiệt ở các trại cải tạo, bạn nghĩ không biết người anh gầy ốm của mình có chịu đựng nỗi những gian truân này hay không? Rồi khi biết được những chuyện không vui xảy ra trong gia đình, liệu anh ấy có bình tâm và chịu đựng được hay không? ...

Tiếng còi vang lên  báo hiệu tàu đã đến ga Hố Nai, đã cắt ngang dòng suy nghĩ, và đưa bạn trở về với thực tại. Không thấy hành khách xuống ga, mà chỉ có người tìm cách chen lên và cố chất thêm hàng lên tàu. Trong toa bây giờ có đủ các mùi: cá khô, khoai củ, mắm muối và mồ hôi người ... làm cho không gian trong toa tàu vô cùng ngột ngạt. Bạn thấy mình còn may mắn được hít thở không khí ngoài trời , dù tay chân bắt đầu mỏi nhừ. Tàu lại tiếp tục lăn bánh đến các ga: Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Chánh và đến ga Gia Ray lúc hơn 10 giờ. Trời nắng gắt, tay chân của bạn tê cóng và đau nhức kinh khủng.

Bạn xuống ga Gia Ray. Ở đó có một vài người cùng đi thăm thân nhân tại trại Z30-A. Thế là bạn nhập nhóm với họ. Từ ga Gia Ray, cả nhóm đi bộ ra đường cái để đón xe đi Căn Cứ 4 ( cách đó khoảng 20 km). Trên lộ trình này, chỉ có duy nhất loại xe than để chở hành khách. Một chuyến xe bão táp lại tiếp diễn. Trên xe than cũng chật cứng người. Lớp ngồi trên các bao hàng trên sàn, lớp đứng đeo theo phía sau. Nhưng may mắn hơn trước, bạn cũng tìm được một chỗ ngồi chật ních trên xe. Có vài người ngồi trên mui xe. Chở nặng, chiếc xe như quằn xuống. Tuy vậy, nó cũng ì ạch bò, lúc nào đến nơi thì đến. Như tên gọi, người ta đốt than để chạy xe thay cho xăng. Thỉnh thoảng, người lơ xe cầm một khúc gỗ đập rầm rầm vào bình than hình trụ để than xuống đều. Hơi nóng tỏa ra từ bình than giữa trưa hè làm cho không khí trong xe vô cùng ngột ngạt và nóng bức. Bạn nghe rõ tiếng than cháy nghe rèn rẹt. Nhìn ra hai bên thân xe, những tia lửa xẹt ra , chớp chớp như pháo bông một lúc rồi tắt lịm trên đường nhựa.

Xe chạy ì ạch khoảng gần một giờ mới đến được ngã ba Ông Đồn. Tại đây, những người đi thăm nuôi tại Z30-A đều xuống xe. Tại ngã ba này có một bến xe lam nhỏ khoảng 4-5 chiếc để đón khách thăm nuôi vào trại cách đó khoảng 7-8 km. Bạn lại xách giỏ đệm lên một chiếc xe lam, trên xe sẵn có một nhóm 3-4 bạn trẻ khác người Sài Gòn đi thăm cha. Biết  là dân cùng cảnh ngộ với nhau, nên bạn hòa đồng với nhóm rất nhanh. Trò chuyện rôm rả. Chiếc xe lam chạy trên con đường đất đỏ dẫn vào trại, để lại phía sau đám bụi đỏ mịt mù. Hai bên đường là rừng cây bạt ngàn, nhiều cây cổ thụ rất to. Thời ấy, chiến tranh vừa mới kết thúc, nên chưa có nạn phá rừng ồ ạt bởi lâm tặc như hiện nay. Trên đoạn đường còn cách trại độ 3-4 km, xuất hiện một đoàn người cải tạo đi thành hàng dọc bên lề đường, cứ cách 7-8 người, có một vệ bình cầm súng AK đi canh chừng bên cạnh. Khi xe chạy ngang qua, những người cải tạo len lén ngước lên và nhìn theo xe như để tìm người quen.

Cuối cùng, cổng trại Z30-A cũng thấp thoáng hiện ra từ xa. Xe lam đậu cách cổng trại hơn 1 km vì trại không cho xe đến gần. Cổng trại làm bằng vỏ đạn pháo binh. Trên giàn giá bằng sắt ấp chiến lược ở giữa có căng một băng rôn bằng vải thật lớn, nền đỏ chữ vàng: "Không có gì quý hơn Độc Lập,Tự Do ". Bên dưới cái khẩu hiệu ấy là cổng sắt lớn, hai bên bao phủ bởi một lớp kẽm gai dầy đặc. Phía bên trái cổng là một tháp canh của vệ binh. Sự thật mỉa mai là Tự do ở đâu không thấy mà ở đây chỉ thấy cảnh tượng u ám của một trại giam (!)

Sau khi xuất trình giấy phép thăm nuôi và chiếc giỏ đệm được mở ra để vệ binh xét, bạn và mọi người được đưa vào phòng chờ. Nói là phòng cho oai, chứ thật ra đó là một cái lán rộng, mái lợp bằng lá buông, được dựng lên bằng các cọc tre, dãy ghế ngồi cũng được làm từ sóng buông. Ngồi trong phòng chờ, bạn lại nghĩ lung tung : Ông anh mình  người cao gầy dáng vẻ thư sinh. Ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã nầy, không biết anh ấy có chịu đựng nổi hay không? Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ trên xe lửa, xe than, ngồi trên chiếc xe lam chật chội mà bạn không thấy lâu bằng thời gian ngồi trong phòng đợi này.

Cuối cùng, người thăm nuôi được gọi vào phòng thăm gặp, đó là một phòng giống như phòng chờ, có đặt một dãy bàn dài . Một bên là chỗ thân nhân ngồi. Bên đối diện dành cho các anh cải tạo . Cán bộ ngồi ở đầu bàn quan sát và nhắc nhở mọi người bằng những lời chắc nịch: “ Chỉ được gặp mặt thân nhân 30 phút, chỉ thăm hỏi và nói những điều tích cực, có tính cách động viên, không được than khóc, trao quà xong, hết giờ phải nhanh chóng ra ngoài "…

Ngồi đợi khoảng 30 phút, quản giáo dẫn một đoàn cải tạo viên khoảng 10-15 người. Căn phòng sôi động hẳn lên, tiếng hỏi thăm vồn vã hòa điệu cùng tiếng khóc nấc nho nhỏ của một vài người. Hầu hết các anh cải tạo, người nào cũng gầy còm, đen đúa, mệt mỏi như nhau, nhưng nếu quan sát kỹ, bạn vẫn dễ dàng nhận ra được từ các anh phong thái đĩnh đạc, thông minh, nho nhã, hiền hậu của những người có tri thức,  khác biệt hẳn với những người đang canh giữ các anh. Sau một thời gian dài không gặp, bạn đã không kịp nhận ra ngay người anh. Nhưng từ xa, người anh đã nhận ra và gọi tên bạn. Người anh đã thay đổi diện mạo quá nhiều đến nỗi bạn không thể tưởng tượng được: gầy ốm nên trông anh nhỏ bé hẳn ra, mắt thâm quầng, mặt đen sạm, trông anh rất hom hem và thiểu não. Người anh mặc quần áo lính cũ đã sờn rách, được chấp vá bằng vải bao cát, đầu đội nón lá đã rách tươm. Ngồi đối diện người anh, bạn luôn tự nhủ phải thật cứng rắn, thật bản lĩnh , giữ tinh thần lạc quan để động viên anh. Nhưng không hiểu sao, lúc ấy bạn lại nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt cứ tuôn chảy trên khóe mắt không thể kiểm soát được. Người anh cũng không kềm chế được cảm xúc. Sau một vài phút nghẹn ngào, người anh hỏi: "Mẹ có khỏe không? Các em thế nào ? Gia đình anh thế nào?..."

Bạn lấy lại bình tĩnh và trả lời như đã lập trình sẵn từ trước: "Mẹ khỏe, gia đình rất vui và luôn chấp hành tốt các chính sách của nhà nước. Các cháu học giỏi và tích cực tham gia các đoàn thể ..bla.. bla..bla..." Bạn đã cố giấu đi những điều uất nghẹn mà không thể nói ra được. Bạn cũng động viên người anh giữ gìn sức khỏe và giữ vững tinh thần lạc quan. Hai tay người anh đặt trên bàn, gầy guộc, đen sẫm, nhăn nheo, chai sạn. Trong giây phút chạnh lòng theo cảm tính, bạn với tay nắm lấy bàn tay người anh. Chợt thấy cán bộ ngồi đầu bàn mắt nhìn chằm chằm như để cảnh cáo. Bạn vội rút tay nhanh vì sợ người anh bị kỷ luật đưa về trại, và phạt không cho nhận quà. Ba mươi phút ngắn ngủi qua nhanh, cán bộ bảo:" Nhận quà, hết giờ ".

Bạn trao nhanh chiếc giỏ đệm cho người anh. Rồi cùng với mọi người đứng dậy ra ngoài, mắt dõi theo các anh bước trở vào trại cho đến khi khuất dạng. Lòng bạn se thắt lại. Bốn giờ chiều , bạn theo đoàn người thăm nuôi, trở ra đường đất đỏ đón xe lam, tiếp tục cuộc hành trình trên các chuyến xe bão táp để về nhà.

Được gặp lại người anh, dù trong thân thể xác xơ, tiều tụy, nhưng bạn lại cảm thấy an ủi trong lòng, vì biết có bao nhiêu người vợ, người mẹ, người em, người con... đã không còn cơ hội đi thăm thân nhân, bởi người thân của họ đã vĩnh viễn nằm xuống trong nấm mồ hoang lạnh giữa núi rừng, vì không có thuốc trị bệnh, vì đói khát kiệt sức, hay vì cách đối xử khắc nghiệt của những người canh giữ....

Bạn tạm biệt người anh và những người tù không có bản án. Thật vậy, tất cả các anh đều không có bản án. Một năm, hai năm… năm năm, mười năm, mười lăm năm... Không một ai biết được ngày về. Nhưng các anh ơi, các anh cứ cho là tuần sau, tháng sau sẽ về đi.  Các anh hãy cứ lạc quan mà tin rằng " Một mai qua cơn mê, sông cạn lại thành dòng, Xuôi về ngọt quê hương "... các anh sẽ có ngày trở về với gia đình để cảm thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản hơn, để còn một chút hy vọng cho tương lai, để còn làm lại cuộc đời cho anh, cho người bạn đời, cho mẹ già, cho đàn con nhỏ dại của các anh nữa, phải không?

Thời gian trôi qua, niềm mơ ước tưởng chừng như ảo vọng ấy cũng đã đến. Hai người anh của bạn cũng được rời trại cải tạo để trở về nhà vào những năm 1980-1981, vất vả làm công dân hạng dưới đáy của xã hội trọn 10 năm. Sau đó hai người anh mới  "quán triệt " được ý nghĩa của câu " Không có gì quý hơn độc lập, tự do ", khi họ chính thức được hít thở không khí tự do thật sự tại đất nước Cờ Hoa. Một kết thúc có hậu thông  qua chương trình H.O , nhưng sự nghiệt ngã của số phận đã lấy mất đi những năm tháng đẹp nhất trong độ tuổi tràn đầy năng lượng sống của các anh.

Khi hồi tưởng lại những năm tháng đau buồn, mất mát, chia lìa, đổ vỡ, tù đày, bị phân biệt đối xử... của nhiều người dân miền nam, trong đó có gia đình mình, bạn cảm thấy trong lòng trĩu nặng và man mác buồn. Nhiều lần bạn muốn quên phứt đi cho khỏe, nhưng lại cứ trăn trở mãi. Vì đó là sự thật lịch sử, những biến cố ấy đã từng hiện hữu trong một thời gian dài, không thể dễ dàng xóa đi được. Bạn phải nhớ, để sau này kể lại cho con cháu biết rằng thế hệ cha ông của chúng đã từng trải qua một thời kỳ vất vả gian truân như thế nào trước khi đến được bến bờ tự do.

Vì vậy, cần phải trân quý giá trị của hai chữ Tự Do.

Z30-A

(Ảnh sưu tầm)


Hiệp Phan - 02/2022

09 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 574)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 665)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 457)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 610)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 582)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 775)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 997)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1080)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1005)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 862)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 996)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 816)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1709)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 778)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 719)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1719)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 974)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri