Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Kim Thuận - MỘT NGƯỜI THẦY ....

01 Tháng Mười 202111:06 CH(Xem: 7440)
Nguyễn Kim Thuận - MỘT NGƯỜI THẦY ....


Một người Thầy…

 

Nhưng duy nhất mỗi bức tượng “Thương Tiếc” lại gắn liền với tên tuổi, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, và cuộc đời đầy sóng gió của Thầy như một định mệnh. Sau biến cố 30/4/1975, Thầy bị đi tù.

Nguyễn Kim Thuận

Vẫn nhớ mãi dáng thầy lực lưỡng,

Khí phách Can Trường sáng tấm gương.

Thưa các anh, các bạn, với lớp người thế hệ sinh ra từ năm 1965 trở về trước, đã sinh sống tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, chúng ta từng được hưởng một chế độ giáo dục dựa trên ba nguyên tắc chính: “nhân bản“, “dân tộc“, và “khai phóng“; một mô hình giáo dục đại chúng và thực tiễn.

Trong đó, những người gánh vác trọng trách để khai tâm và dẫn dắt chúng ta trên con đường học vấn là các thầy, các cô. Đối với chúng tôi, Thầy, Cô là hình tượng mẫu để noi theo, thật trong sáng không tì vết.


Nguyễn Thanh Thu

ĐKG Nguyễn Thanh Thu và tượng “Thương Tiếc”

 
   Trong hành trình thụ hưởng giáo dục mười hai năm đó, có một số Thầy, Cô gây ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ của chúng tôi đến hôm nay và mãi mãi về sau.

    Hè năm 1970, tự lượng sức học của mình, tôi chọn thi vô trường trung học Võ Trường Toản, một trong những trường nổi tiếng tại Sài Gòn, nằm đối diện Thảo Cầm viên Sài Gòn yên tĩnh, trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp bóng me xanh.

    Năm đó, tôi đủ điểm trúng tuyển vào trường trung học Võ Trường Toản, học trung học đệ nhất cấp – lớp 6, niên khóa 1970-1971.

    Ngày đầu nhập học, háo hức lắm, bước lên dốc cao qua cổng trường rồi tuần tự vào lớp. Nhiều môn mới so với thời tiểu học: Việt văn; Công dân giáo dục; Sinh ngữ; Sử – Địa; Toán; Lý – Hóa; Vạn vật; Âm nhạc; Hội họa; Thể dục.

    Sau những bở ngỡ ban đầu, chúng tôi dần thích ứng và đáp ứng tốt các yêu cầu của thầy cô trong các giờ học.

    Lớp 6 và Lớp 7 chúng tôi được học hội họa với người thầy tầm thước, vạm vỡ, giọng nói sang sảng vẫn còn để lại nhiều ấn tượng cho đến hôm nay dù đã trải qua năm mươi mốt năm dài.

    Thầy rất nóng tính, ra bài tập về nhà làm, tuần sau chàng nào chưa hoàn thành là cứ xếp hàng đưa mặt vô bảng chờ ăn đòn.

    Thầy giảng bài say mê, nhất là khi nói đến tác phẩm tâm huyết của đời mình: bức tượng “Thương Tiếc” đặt ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa năm 1966, thầy như trở thành con người mộng mị. Thầy kể về quá trình sáng tạo các bức ký họa mẫu và phác thảo dự trù cho bức tượng.

    Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu – người Thầy của chúng tôi.

    Mỗi khi không muốn học là lớp chúng tôi nhất tề đề nghị Thầy kể về bức tượng “Thương Tiếc”, được dịp Thầy nói cho đến hết giờ học, còn chúng tôi nghe mãi không biết chán. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò là vậy.

    Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu là tác giả của nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng như bức tượng “Được Mùa”, “Ngày Về” (tượng đặt nơi đâu, đoạt giải gì, năm nào rất tiếc chúng tôi cũng không nhớ); tượng An Dương Vương (1966) ở ngã sáu Chợ Lớn; tượng Chiến sĩ vô danh, tượng Trung Liệt (1966)  đặt ở Nghĩa trang quân đội VNCH, Gò Vấp; tượng lính Thủy quân lục chiến; tượng Tết Mậu Thân; ….

    Giờ Thầy đã ngoài 90 tuổi, nặng tai, không nhớ được nhiều nữa. Ôi, thời gian là liều thuốc an thần nhưng cũng là yếu tố xóa nhòa trí nhớ của con người.

    Bức tượng “Gia Định Xử Sỉ Sùng Đức Võ Tiên Sinh” – danh sư Võ Trường Toản, đặt ở cổng trường trung học Võ Trường Toản – Sài Gòn, khánh thành ngày 20/01/1974 cũng được sáng tác bởi đôi tay tài hoa của Thầy.

    Hôm đó là ngày hội của trường, học sinh chúng tôi vui lắm. Đứng từ xa ngắm tượng rồi lại chen nhau đến gần để đọc tấm bia đá trắng khắc những dòng chữ vàng: VÕ TRƯỜNG TOẢN “Gia Định Xử Sỉ Sùng Đức Võ Tiên Sinh” (   – 1792); Ban Giám Đốc Và Hội Phụ Huynh Học Sinh Trường Trung Học Võ Trường Toản Lập; Điêu khắc gia NGUYỄN THANH THU Thực hiện; Khánh thành ngày 20 – 01- 1974.

    Học sinh nào cũng chỉ một câu: “Ôi ! Tác phẩm của Thầy. Thầy mình làm.”. Sướng lắm chứ!

    Tượng Võ tiên sinh ngồi chéo chân trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm u hoài, tay trái đặt trên hai quyển sách với trang phục áo dài khăn đống. Nếu không có tấm bia, tượng cũng tự nói với người thưởng lãm đây là một bậc hiền sỹ, cốt cách nhân từ.

Nhưng duy nhất mỗi bức tượng “Thương Tiếc” lại gắn liền với tên tuổi và cuộc đời đầy sóng gió của Thầy như một định mệnh.

Sau biến cố 30/4/1975, Thầy bị đi tù.

    Thầy tự tình: “Dạ. (tiếng thở dài) Trời ơi! Thưa quý vị, để kết thúc chương trình, tôi nói thiệt, danh vọng, hay chết chóc gì cũng do tác phẩm “Thương tiếc” nầy cả, cuộc đời tôi, nó dính liền với tác phẩm nầy. Cho nên lúc vô tù cộng sản, tôi thê thảm lắm, thưa quý vị, Tôi bị vô trong cái biệt giam đó, trong thùng cô-nết. Tôi ở đó hai mươi hai tháng, tôi gần đâm ra hấp hối rồi. Dạ, nó đánh tôi. Nó không thấy, nó chỉ nghe những người Sài Gòn, những Việt cộng nằm vùng hồi xưa, những ăng-ten, những người cùng bị tù như mình, cùng cải tạo như mình nói với nó, chứ nó đâu có thấy gì. Nó đem tôi đi nhốt, bấy giờ còn đầu mùa, cũng còn gay cấn lắm, tôi cũng chống đối lại nó, tôi khi dễ nó, không nói chuyện với nó, nó đánh, nó bề hội đồng tôi, cho tôi làm cái tác phẩm phản động, nầy kia thế nọ. Nó nói: “Tất cả những tướng lãnh, những sĩ quan lớn của anh đó, xong giặc rồi thì hết. Còn anh, còn lưu lại cái tư tưởng, cái hình ảnh, cái tinh thần đó mới là quan trọng. Tôi phải “múc” anh, chứ nói chuyện về với anh à, khỏi nói chuyện với anh về chuyện về”.

    Thế rồi, ảnh hành hạ tôi, đánh tôi ba ngày ba đêm, lần nầy ảnh bộp lỗ tai tôi bị điếc, thành ra giờ nầy tôi qua đây, tôi được hưởng tiền điếc, thưa quý vị, nó đã nhốt tôi tám tháng rồi. Một bữa đó, chính trị viên, nói như thế nầy: “Không lẽ anh ngồi trong đó hoài, bây giờ tôi đưa một cái ý nầy cho anh, anh nói một câu nầy, rồi tôi nghiên cứu cho anh ra ngoài lao động, chẳng lẽ anh ngồi trong nầy cho rục xương sao, anh chỉ nói như thế nầy, cái tượng gì thương tiếc của anh đó, anh chỉ là người phụ thôi, còn người chánh thức làm thì ra nước ngoài rồi, anh cứ nói vậy đi rồi tôi nghiên cứu cho anh”.

    Tôi nói: “Dạ thưa, không được, cán bộ. Cái nầy tôi làm tôi chịu, không có ai mà làm. Không, không được. Cái nầy, tàu chìm thì tôi chìm theo, máy bay rớt tôi rớt theo, tượng chết thì tôi chết theo. Ô! Không được! Không được!”. (Trích từ [1]).

    Còn một sự việc thật nữa là trong thời gian bị tù, cai tù động viên Thầy tạc tượng lãnh tụ kính yêu của họ. Thầy nhận lời với các điều kiện: 1. Một không gian rộng rãi, tách biệt, không ai được quấy rầy, cấm dòm ngó khi Thầy sáng tác. 2. Cung cấp đầy đủ vật dụng theo yêu cầu. 3. Phục vụ cơm nước chu đáo. 4. Khi hoàn thành sẽ bàn giao tượng.

    Việc sáng tác mất nhiều tháng ròng rã, rồi cũng đến lúc hoàn thành. Đến ngày bàn giao, khi tấm vải phủ tượng được kéo xuống thì đây là tượng của Tổng thống nền đệ nhị Cộng Hòa, người đã cùng Thầy chọn tên cho bức tượng nổi tiếng “Thương Tiếc” khi xưa.

    Khỏi phải nói đến những sự việc sau đó mà chi.

    Với lời nói và hành động trên của Thầy, những người có lương tri và lớp học sinh Võ Trường Toản chúng tôi phải rạp người, cúi đầu ngưỡng mộ, kính phục một con người đầy khí phách và chúng con xin được tôn vinh Thầy bằng một câu gồm các mỹ từ sau: “MỘT CON NGƯỜI CAN TRƯỜNG” mới thật xứng đáng.

    Thầy là một tấm gương trung liệt để noi theo, là câu chuyện đạo đức hiện hữu trên đời, còn sống ngay bên ta, không phải chuyện đời xửa đời xưa.

    Chúng con cầu mong Thầy được thêm nhiều sức khỏe để thường xuyên thăm viếng và tri ân Thầy.

    Hy vọng một ngày không xa, chúng con sẽ được dự ngày mừng Vạn thọ bách niên của Thầy. Mong lắm thay!

    Qua bài viết này, chúng con kính gửi đến quý Thầy, quý Cô đã dạy dỗ, hướng dẫn chúng con trên con đường học vấn lời kính chúc: “Thật nhiều sức khỏe, an khang, sống lâu trăm tuổi”.

    Chúng tôi xin mượn lời ca khúc “Thà như hạt mưa rơi” (ý thơ: cố thi sỹ Nguyễn Tất Nhiên; phổ nhạc: cố nhạc sỹ Phạm Duy): “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên tượng đá. Thà như mưa gió đến ôm tượng đá. Có còn hơn không. Có còn hơn không. Có còn hơn không. Có còn hơn không” để thương tiếc, xót xa, ngậm ngùi cho những tác phẩm tượng đá của Thầy.

Nguyễn Kim Thuận, Sài Gòn 3/10/ 2021


22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1888)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1681)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5377)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5650)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1909)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4943)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3683)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2282)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2227)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2539)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2557)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2542)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2565)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2800)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3048)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2913)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2735)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2842)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2750)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2850)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?