Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần 1)

24 Tháng Tư 202111:30 CH(Xem: 9265)
GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần 1)

 

Sài Gòn và Tôi (Phần 1)

 

Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ

Đèn chợ Mỹ ngọn tỏ, ngọn lu

(Ca dao)

 

 

image001

 

 

Tuổi thơ ở quận 4 Sài Gòn

Tuy tôi sinh ra ở tỉnh Bình Dương nhưng tôi sống phần lớn cuộc đời ở thành phố Sài Gòn, ngoài một thời gian ngắn đi dạy học ở Trà Vinh. Ngay trong 6 năm dạy học ở Biên Hòa, mỗi tuần tôi chỉ ở lại đó có một đêm. Sau này ra nước ngoài, chỉ sau 22 năm xa quê hương tôi lại trỏ về với Sài Gòn hàng năm, mỗi lần vài tháng. Tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt của thành phố này qua bao thăng trầm của thế sự.

Vì tình hình mất an ninh ở quê nhà trong những năm khởi đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp, ba tôi đã đem vợ và đứa con đầu lòng là tôi từ giã ấp Bến Đồng Sổ, xã Lai Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một lên Sài Gòn sinh sống từ năm 1946. Ở đây má tôi đã mất đứa con thứ hai tức là em kế tôi vì bạo bệnh. Nó tuy thuộc dòng họ Huỳnh nhưng vì thời cuộc lúc đó phải lấy họ mẹ là họ Trần.

Ban đầu, gia đình tôi mướn nhà ở Phú Nhuận. Ba tôi đi may cho bác ba tôi có tiệm may trên đường Matelot Manuel (Tôn Đản bây giờ) thuộc quận 6 (bây giờ là quận 4), ngay chỗ tiệm thuốc bắc của ông thầy Sói sau này. Tôi còn nhớ lúc đó tiệm của bác tôi là nhà sàn. Ba tôi phải đi bộ từ Phú Nhuận sang quận 6 để đi làm.

Sau này, ba tôi có một ít tiền nên mua một căn nhà lá trong con hẻm gần mặt đường  Matelot Manuel, đối diện chợ Cầu Cống. Quận 4 thời đó còn rất hoang vu. Đa số nhà cửa tập trung quanh chợ Xóm Chiếu, dọc theo đường Tôn Đản. Phía trong chợ Cầu Cống là đồng ruộng chạy tới đường Tôn Thất Thuyết. Từ đường Tôn Đản, người ta nhìn thầy đường Bến Vân Đôn xuyên qua cánh đồng bát ngát ở giữa. Những buổi trưa, tôi thường trốn giấc ngủ trưa bắt buộc đi vô một trong hai ngôi ruộng đó để bắt cá thia thia dù biết rằng lúc về sẽ bị ăn đòn.

Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn ở trong quận 4: đi tắm sông ở Bến Súc, dá banh ở sân cát kho 11, bắt cá ngoài ruộng hay di coi chớp bóng ở rạp Nam Tiến. Thỉnh thoảng ba má tôi dẫn tôi và thằng Quan (em kế sau đứa đã mất) đi qua Chợ Cũ ăn cơm thố. Có lần ba tôi dẫn tôi đi xem chớp bóng ở rạp Catinat, trong một con hẻm của đường Tự Do. Hôm đó rạp chiếu một phim nói tiếng Pháp mà không có phụ đề Việt ngữ, tôi chẳng hiểu gì cả. Khi hết phim, đèn bật sáng tôi nhìn quanh thấy khán giả đều là ông tây, bà đầm.

 

Lớn lên chút nữa, tôi có những chuyến đi chơi xa: Sở Thú hay Vườn Tao Đàn. Tôi còn nhớ có một lần tôi theo ba má đi xem Kẹt Mết (Hội Chợ) ở vườn Tao Đàn, khi vừa vào cửa, một số nhân viên hội chợ chặn tôi lai và trao cho tôi một cái bong bóng và nhiều bọc bánh kẹo. Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ về những món quà bất ngờ. Sau này tôi mới biết hôm đó tôi là người khách thứ 1000 hay 10.000 gì đó của hội chợ nên được tặng quà kỷ niệm.

Những năm tôi còn nhỏ của đầu thập niên 1950, Noel trong ký ức của tôi là những lồng đèn hình ngôi sao màu đỏ treo trước nhà những người theo đạo Thiên Chúa, cây thông thật cao với các bóng đèn nhỏ đủ màu lấp lánh và hang đá bằng giấy bồi trong đó có hình tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ Maria, các Thiên Thần, mục đồng và con chiên... ở nhà thờ Xóm Chiếu. Tôi theo nhóm bạn con nít từ xóm Hòa Bình, gần chợ Cầu Cống, Khánh Hội đi bộ xuống nhà thờ đó ở gần bến đò Long Kiễng để xem người  ta làm lễ. Lúc về nhà thì đã quá muộn và ba tôi chờ sẵn ở cửa để cho tôi một trận đòn nên thân vì tội đi chơi khuya. Thế mà, năm nào cũng vậy tôi vẫn trốn nhà đi xem lễ Noel dù biết rằng về sẽ bị đòn.

 

image002

 

Lúc độ 8, 9 tuổi mỗi lần Tết đến thì tôi được ba tôi may cho một bộ pyjama mới mà chiều 30 Tết đã được bận đi chạy chơi với các bạn trong xóm. Trong túi, rủng rỉnh một ít tiền lì xì sớm tôi chạy tìm những sòng bầu cua cá cọp để đặt cược.

 

image003 Hình thiếu nữ của họa sĩ Lê Trung

 

Ngoài ra, trong những ngày Tết, một thú vui khác là ở nhà đọc báo Xuân. Ngoài những bài viết bên trong về phong tục truyện ngắn, ký sự, thơ... về mùa Xuân thì hình bìa bên ngoài làm tôi chú ý nhất. Có tờ báo đăng ngoài bìa hình các nghệ sĩ cải lương, ca sĩ hay minh tinh điện ảnh như Thanh Nga, Thanh Thúy, Thẩm Thúy Hằng... Nhưng tôi thích nhất là trang bìa báo Xuân Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai vì thường in tranh vẽ hình người đẹp của hoạ sĩ Lê Trung. Gương mặt toàn mỹ của người đẹp đó ám ảnh tâm hồn tôi từ tuổi ấu thơ.

 

 

Thời học sinh ở Sài Gòn

 image004

Cơ sở trường Nguyễn Văn Khuê ngày xưa

 

Sau khi đậu bằng tiểu học, ba má tôi gởi tôi học ở lyceum (tiếng Latin nghĩa là trường trung học) Nguyễn Văn Khuê trên đại lộ Nguyễn Thái Học, gần chợ Cầu Muối.

 

Từ đệ thất tới đệ tứ, tôi đi bộ từ nhà đến trường theo lộ trình đường Đỗ Thành Nhơn, quẹo trái theo đường Bến Vân Đồn, lên cầu Ông Lãnh rồi xuống đại lộ Nguyễn Thái Học. Bận về tôi theo lộ trình ngược lại. Có rất nhiều học trò quận 4 đi học chung trường với tôi nên dọc đường chúng tôi trò chuyên với nhau quên cả mỏi chân.

 

Sau khi tôi đậu bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp, ba má tôi thưởng cho tôi một chiếc xe đạp mới ráp. Từ đó, tôi khỏi phải lội bộ đến trường nữa.

 

Tôi tiếp tục học lớp đệ tam và đệ nhị ở trường Nguyễn Văn Khuê đến khi thi Tú Tài 1.

 

Sau khi đậu Tú Tài 1, tôi thường đi chơi với các bạn đồng lứa ở  khu tôi ở. Người bạn từ thuở ấu thơ là Nguyễn Văn Đối, ở hẻm nhỏ  có tiệm bán cơm ở gần nhà bảo sanh Cô Mụ Điếc, cha làm thợ hớt tóc sống với mẹ kế. Có một thời gian dài chúng tôi không chơi với nhau cho mãi đến khi học lớp dệ nhất. Một người bạn khác là Phạm Văn Cảnh, con của bà chủ bar Ánh Sáng, nhà trên đường Trình Minh Thế giữa ngả ba Tôn Đản và hẻm lò bánh mì. Cảnh học chung với tôi ở trường Nguyễn Văn Khuê và rất giỏi Pháp Văn có lẽ nhờ mẹ anh ta mở bar từ thời còn lính Pháp. Qua Đối tôi quen với Lương Trọng Bình, nhà ở trong hẻm đường Tôn Đản, đối diện nhà ông hộ Lắm (nay là hẻm tiệm vàng Đức Tín). Cũng qua Đối tôi quen thêm Nguyễn Công Thiểm, con trai lớn của nhà may Thiêm, trên đường Trình Minh Thế, lúc trước ở bên kia đường, sau dời qua phía bên này bên cạnh hãng Triệu Tiết. Một người bạn mới nữa là Đào Hữu Thọ, nhà cũng ở đường Trình Minh Thế, gần Bến Súc đối diện nhà thuốc tây Khánh Hội (mà gia đình tôi thường gọi là tiệm thuốc tây thầy Lang vì mặt ông bán thuốc bị lang trắng).

image005

 

Tôi đậu bằng Tú Tài 1 hạng bình thứ (assez-bien) nên khi nộp đơn vào học lớp đệ nhất trường công lập Chu Văn An thì tôi được nhận. Từ đó, khi đi học tôi mặc đồng phục quần xanh, áo trắng, trên ngực áo gắn phù hiệu tên trường.

 

Ban đầu, tôi đi xe đạp đến trường và thường đi chung với một người bạn cùng lớp tên Phạm Trọng Ái, nhà ở đường Huỳnh Quang Tiên, quận 2 (đường Hồ Hảo Hớn, quận 1 bây giờ). Lộ trình chúng tôi, sau khi tôi ghé nhà anh Ái để đi chung là Võ Tánh, đại lộ Cộng Hoà, đường Thành Thái và cuối cùng là đường Hùng Vương. Trường Chu Văn An nằm bên hông nhà thờ Ngã Sáu.

 

Một kỷ niệm đáng nhớ là khi chúng tôi đi trên đường Võ Tánh, thường gặp một cô nữ sinh trường nữ trung học Đức Trí (gần rạp hát Quốc Thanh), đi bộ đến trường. Cô có dáng đi rất đẹp và khi chúng tôi chạy qua khỏi cô, ngoái nhìn lại thì gương mặt cô cũng đẹp. Ái xúi tôi xuống xe “cua” cô ta. Sau vài lần do dự, một hôm tôi bạo gan, ngừng xe đi theo cô ngỏ lời làm quen.

 

Nhưng cô ta không thèm trả lời và không nhìn tôi mà cứ đi thẳng. Tôi “quê” lắm nhưng chỉ có thằng bạn thân mình chứng kiến chứ không có ai khác nên cũng đỡ ngượng. Tôi chỉ là một anh học trò, quần xanh, áo trắng đi xe đạp chắc không phải là “típ” người mà người đẹp lưu ý. Tôi rủa thằng bạn mình đã xúi dại.

 

Về sau, tôi không đi học bằng xe đạp nữa mà dùng xe buýt. Từ nhà tôi đi xe buýt từ ngả ba Tôn Đản và Trình Minh Thế đến công trường Diên Hồng (công trường Quách Thị Trang bây giờ). Chỗ này là bến xe buýt trung ương. Tất cả các tuyến xe buýt đều đi và đến tại đây. Tôi còn nhớ hệ thống xe buýt ở Sài Gòn ngày xưa gọi là Công Quản Chuyên Chở Công Cộng mà quản đốc là trung tá Trần Thiện Thành (anh hay em của đại tướng Trần Thiện Khiêm).

 

Tôi đi tuyến đường chạy ngang trường Chu Văn An. Những lần đầu thì tôi xuống tại trạm bên kia đường qua khỏi trường một đoạn. Sau này, bắt chước các bạn học chung trường, khi xe chạy chầm chậm ngang trường thì chúng tôi nhảy xuống. Dĩ nhiên theo quán tính, chúng tôi phải chạy tới một đoạn nữa mới dừng lại để khỏi té. Thật là một hành động điên rồ của tuổi trẻ.

 

Nhờ đi học trường Chu Văn An, tôi mới có dịp khám phá Chợ Lớn nói chung và quận 5 nói riêng. Tôi trông thấy trường Đại Học Y Khoa với cái nhà xác đầy chuyện đồn đãi ghê rợn, bệnh viện lao Hồng Bàng, bệnh viện Chợ Rẫy cách đó không xa hay trường Trần Khai Nguyên của người Tàu phía sau lưng trường tôi trên đường Minh Mạng.

 

Cuối năm học, tôi và các bạn cùng lớp Trần Văn Thám (sau này học kỷ sư công Nguyễn Cao Thuận (du học Canada, kỷ sư tiến sĩ điện), Trương Tuấn Dzỉnh (du học Úc) và Phạm Đặng Long Cơ (học y khoa, bây giờ là bác sĩ phụ khoa ở nam Cali) được nhận thưởng của tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuy phần thưởng chỉ là những cuốn sách đại học do cơ quan Asia Foundation tặng cho bộ Giáo Dục nhưng đối với chúng tôi đó cũng là kết quả của một năm miệt mài trên ghế nhà trường. Hơn phân nửa số học sinh lớp tôi sau này được học bỗng du học ở ngoại quốc. Riêng tôi vì hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn nên từ chối học bỗng Colombo đi du học Canada để ở lại học ở Việt Nam. Trớ trêu thay 25 năm sau tôi cũng tới Canada nhưng với tư cách là người tỵ nạn.

 

Chương trình lớp đệ nhất B (12 C ngày nay) tức là ban toán rất nặng. Về toán chúng tôi phải học 7 môn: hình học, hình học giải tích, đại số, số học, lượng giác, cơ học và thiên văn. Khó nhất là môn số học. Nhưng chúng tôi được cái lợi là toán có hệ số 5. Vì đã giải hết những bài tập trong cuốn Lebossé, nên khi thi môn toán thời hạn 3 giờ thì tôi chỉ mất 1 giờ rưởi thì đã làm xong nên nộp bài ra về. Gay nhứt là môn triết gồm Đạo Đức Học và Luận Lý Học. Tôi còn nhớ đề thi triết năm đó là phán biệt cảm tình và tình cảm trong triết học.
 

(Còn Tiếp)
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1074)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 771)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 707)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 707)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1325)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 956)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1095)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1092)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 874)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 984)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1300)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1063)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1171)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 762)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 991)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1083)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1287)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1231)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1667)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.