Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NỖI BUỒN COVID

22 Tháng Giêng 202110:22 CH(Xem: 9051)
Nguyễn Thị Thêm - NỖI BUỒN COVID
nỗi buồn Covid 19



Tôi mở cửa sau đi thăm mấy cây trồng trong vườn. Cây xoài mới xuống năm ngoái giờ đã cao hơn đầu. Những lá non sậm màu nâu vươn lên khỏe khoắn. Tôi mấy lần cắt nhánh thật thấp nhưng nó vẫn vượt lên cao. Không biết kết quả trái như thế nào, nhưng chắc chắn tàng cây sẽ phủ rộng vườn sau.

Cây ổi đang cho những quả non, cây ổi này tôi mua một lượt với người học trò cùng vợ qua Cali thăm cô giáo. Hai vợ chồng em chọn cây vải, tôi lựa cây ổi xá lị.  Em chở về tận nhà tôi trước khi về lại San Jose. Không biết cây vải em đã có trái chưa, riêng cây ổi của tôi đã cho được lứa đầu 3 trái to tướng ngon hết biết. Cám ơn vợ chồng Nam & Châu.

Tôi bước lên tam cấp để đến hòn non bộ mà chủ nhà trước đã dùng đá xây khá đẹp. Tôi trồng nhiều chậu sen đá, giống sen đá do một người học trò cũ gửi tặng để giảm công tưới. Những nhánh sen đá sống bền bỉ như tình thầy trò của chúng tôi. Vài chậu hoa rải rác trong vườn, kỷ niệm những món quà bạn bè tặng. Bên phải hòn non bộ tôi trồng một cây cam và một cây nhãn. Bên trái tôi trồng một cây bưởi ổi, quýt và một cây tắc. Nhà tôi không có đất nhiều nên dù rất ham trồng trọt tôi cũng chỉ trồng được chừng đó. Mỗi ngày ra ngắm hoa, chuyện trò với cây cối tôi thấy mình thật an ủi và ấm cúng. Mỗi năm hái bưởi, hái cam chưng Tết tôi lại nhớ quê nhà tha thiết. Nhớ những mâm hoa quả "Cây nhà lá vườn" xum xuê ngày đầu năm.

Đứng ở trên cao nhìn xuống bên vườn bà hàng xóm, tôi cố chờ bóng bà thấp thoáng sau bụi hoa hồng vàng. Những đóa hoa hồng vàng thật to và đẹp. Tôi đứng thật lâu dưới nắng sớm. Lâu rồi vì dịch cúm Coronavirus chúng tôi không nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng tôi ra vườn sau, đứng bên này để gặp bà và chào từ xa. Miễn còn thấy nhau là còn vui trong nỗi buồn chung cả thế giới.

Bà Sophia là người Phi, chắc bà lớn hơn tôi vài tuổi, dáng nhỏ nhắn, thân thiện. Thỉnh thoảng có người em trai bà từ Utah tới thăm. Ổng cũng già, nhỏ con như bà. Điểm đặc biệt tôi nhớ tới ông là ông nghiện thuốc. Mỗi lần ra sân sau tập thể dục, nghe mùi thuốc lá là tôi biết em bà Sophia tới thăm. Mùi thuốc theo gió đưa thẳng vào mũi theo hít vào thở ra nên tôi vội bỏ tập vào nhà. Buổi tối trời nóng mở hé cửa kiếng để gió lùa vào. Đang nằm ngâm nga "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa. Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa..." thì nghe mùi thuốc bay ghê quá. Vội đóng cửa ngay chẳng dám đùa."

 

Thỉnh thoảng bà Sophia đi thăm gia đình người em gái bên Hawaii. Bà gửi nhà cho con gái tôi và cho số phone để có gì gọi bà. Có một lần bà đi dự lễ Thanksgiving sum họp bên Hawaii, bà báo cho con tôi biết nhưng bà nói có con trai bà đến trông nhà, con tôi khỏi lo. Thời gian đó hai vợ chồng già tôi đi thăm con trai bên Nhật. Con gái tôi kêu thợ tới thay thảm nhà và lót gạch. Con trai bà dẫn bạn về nhà và ăn nhậu om sòm. Sau đó theo bạn gái đi chơi không về. Trưa hôm sau, con tôi chợt thấy cửa sổ phòng tắm nhà bà (đối diện phòng tắm nhà tôi) có dấu bị cạy nên vội  gọi điện thoại báo tin cho  bà. Lúc sau con bà về mới biết nhà bà bị mất trộm. Lần đó bà mất khá nhiều đồ đạc giá trị, nữ trang và tiền. 

Bà Sophia rất thích trồng cây cối, nhưng bà vốn tiết kiệm nước. Cứ thấy bà tưới cây là tôi lại tức cười. Bà dùng cái thùng nhỏ xíu như cái thùng của các cháu chơi đồ hàng mà tưới rỉ rỉ cho cây. Tôi đã hiểu lý do tại sao bà trồng cây chậm lớn, lâu ra trái như bà hay tâm sự. Vườn rau của bà mới đặc biệt. Cây cà chua, dây khổ qua năm nào tôi cũng thấy mọc y chỗ đó. Dường như là gốc cũ từ năm nào. Có một lần bà đem biếu tôi ba trái khổ qua và vài trái cà chua.Tội nghiệp những trái khổ qua nhỏ xíu ăn thật đắng. Đó là tình hàng xóm thân thiện thật đáng quý giống như người VN mình. Bà rất thích tắc, nên thỉnh thoảng tôi cắt những chùm tắc vàng rực đưa qua hàng rào vườn sau để bà làm nước. 

Bà Sophia và ông Ross là hai hàng xóm sát bên nhà. Họ mua nhà này khi mới lên list để bán, cho nên họ rất rành lịch sử căn nhà tôi ở. Ông Ross hay đi câu và rất thích làm cá hun khói. Mỗi lần như thế ông lại gõ cửa đem sang mời ăn thử. Nhà tôi thỉnh thoảng làm món Việt Nam cũng đem biếu hai bên.

Bà con xa không bằng láng giềng gần, dù họ là người khác chủng tộc nhưng họ rất tốt bụng và thân thiết. Hàng rào giữa nhà tôi và bà Sophia cũng đã cũ, con tôi bàn với bà thay thế bằng hàng rào xây gạch như bên nhà ông Ross. Bà đồng ý nhưng hẹn lại để bà kiếm tiền đã. Khi nào có đủ bà sẽ cho biết.

Cách đây hơn ba tuần, bà nói bà đã sẵn sàng tiền bạc. Bà kêu thợ đến xem và định giá. Họ ra giá khá cao bà không chịu đòi bớt. Con tôi cũng chiều ý, tùy bà giàn xếp. Tuy nhiên vì nhà nằm trong khu vực có Association nên phải xin phép city.

Một bữa cháu Mindy nói bên nhà bà có xe cấp cứu đến. Khi cháu ra ngoài thì xe đã chạy, cháu không biết hỏi ai. Tôi mỗi sáng ra vườn sau lại đứng ngóng chờ bà để hỏi thăm. Con gái tôi gọi điện thoại bà nhiều lần nhưng không ai bắt. Ông Ross nói có khi nào bà đang nằm bệnh viện. Thời buổi dịch bệnh này, gia đình còn bị cách ly, thì hàng xóm làm sao mà thăm viếng được. Nhà bà cứ đóng cửa không thấy ai ở làm sao hỏi thăm.

Hôm kia ra vườn sau, tôi tự dưng buồn quá. Tôi nhớ bà Sophia, nhớ dáng lom khom của bà, nhớ mái tóc cắt ngắn như mấy bà người Tàu ở Chợ Lớn ngày xưa. Vắng bà tôi thấy mình như thiếu một người bạn. Dù không chơi thân, tâm sự nhiều nhưng dù sao cùng trang lứa và cùng là dân châu Á. Tôi đã kể cho bà nghe những kỷ niệm lúc tôi ở trại tị nạn Bataan Phi luật Tân quê hương của bà. Bà nói thời gian đó bà đã theo chồng đi Mỹ. Khi tôi hỏi về ông chồng Mỹ của bà, bà cúi mặt buồn buồn: "Đã li dị từ lâu lắm".

Một luồng gió lạnh chạy dọc xương sống, tôi chợt rùng mình tự nghĩ: "Có khi nào bà Sophia đã chết" Tôi vào nhà nói với con rể tìm cách hỏi con trai bà xem thử. Mấy hôm nay thấy có xe nó đậu trước nhà. Con tôi mở cửa garage, may quá con trai bà vừa trong nhà bước ra xe định lái đi.

Cháu vào nhà, nhìn tôi thật buồn: "Má đoán đúng, bà Sophia đã chết tuần rồi" Tôi hỏi:" Tại sao bà chết?"Con tôi cúi đầu, giọng  buông thòng xuống chán nản "Covid 19".

Tôi lặng người đi, Covid 19 đã đến sát bên nhà. Con quái vật vô hình đã giết chết người bạn già hàng xóm của tôi. Bà Sophia đã ra đi vĩnh viễn, không còn ra sau sân để cười với tôi mỗi sáng. Không còn đem tặng mấy trái khổ qua thiếu nước đắng nghét chân tình. Hàng rào chắc sẽ không sửa được. Tiền dành dụm để sửa hàng rào biết đâu sẽ lo tang lễ cho bà Sophia.

Tôi ra sân đứng trên cao nhìn qua vườn bà Sophia và nói lời vĩnh biệt. Ở nước Mỹ đám ma trong nhà lặng lẽ như không có gì xảy ra. Vì bà chết vì dịch cúm nên tang lễ giới hạn người, con bà cũng không cho biết nơi làm đám. 
 

Covid 19 là nỗi hoảng sợ của mọi người. Tháng 3, 4, 5 khi dịch phát tán tại Mỹ tôi chỉ nghe tin người bệnh, người chết ở đâu đâu. Nhưng vào đợt này, những người bị lây nhiễm có nhiều bà con quen biết. Bác Chín thân như ruột thịt đã vào bệnh viện. Con cái bị nhiễm bệnh và lây cho bà. 94 tuổi bà cấp cứu vì Covid 19. Ai có thể tin bà còn sống. Thế nhưng hai tuần sau bà về nhà với máy trợ thở và đến nay bình phục hoàn toàn. Do lây nhiễm trong gia đình, hiện tại cháu kêu bà bằng nội vẫn nằm trong tình trạng nguy kịch. Vợ con cháu đều nhiễm Covid 19.

Mỗi ngày tôi đều nhận những tin buồn. Một người bạn thử positive và đang chống chọi với dịch ở Los. Cháu và con trai một người học trò cũng vừa vượt qua đang trong tình trạng phục hồi. Cháu tôi cũng đang bị cách ly 15 ngày vì đã gặp mặt một người bạn dính Covid mà không hay. Dường như dịch bệnh ở rất gần bên ta, chỉ thiếu cẩn trọng một chút thôi là sẽ bị lây nhiễm.

Qua 11 tháng vật lộn với con Covid, đội ngũ y tế và người dân có kinh nghiệm hơn để bảo vệ mình. Biết vào bệnh viện là chuyện chẳng đặng đừng nên nhiều người tự điều trị tại nhà. Cách ly, ăn uống bồi dưỡng, uống thuốc đúng giờ, xông hơi và tự kiểm tra lượng Oxygen của mình. Gia đình và chính bản thân họ vượt qua trong sự lạc quan.

Bây giờ người nhiễm dịch bệnh đông đến nỗi xe cứu thương nhận lệnh có quyền từ chối những ca cấp cứu không thể cứu được. Bởi vì bệnh viện đã không còn chỗ nằm, xe cứu thương đôi khi phải sắp hàng dài chờ đợi chuyển bệnh nhân vào.

Thuốc chủng ngừa đã có mặt và đã tiến hành chích  cho những làm việc trong ngành y. Kế tiếp là những người già nằm trong nhà dưỡng lão. Bây giờ đến lượt chúng tôi. Những người già từ 65 tuổi trở lên.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình đến pharmacy như chích ngừa cúm. Nhưng không phải, có website riêng cho mỗi quận hạt và phải vào trong đó lấy hẹn. Chuyện lấy hẹn cũng không phải dễ dàng. Bởi vì số người vào quá đông. Mỗi ngày tôi vào đó mấy lần nhưng những địa điểm được chỉ định đều hiện lên chữ full đỏ chói.

Đã có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Một số bạn bè tôi đã được chích đợt một. Tức là đem virus cúm Tàu vào người mình. Mặc dù nó yếu nhưng cơ thể mình cũng sẽ có những phản ứng khác lạ nhưng không nguy hiểm. Thể trạng mỗi người mỗi khác nên sự phản ứng cũng khác nhau. Một người nha sĩ quen biết sau khi chích ngừa bị đi tiêu chảy và cứ buồn nôn. Em trai tôi và vợ bị hành khá nhiều, cả người đau nhức mệt mỏi. Nhưng hai bác ba má vợ em trai tôi cùng chích một ngày với em vẫn bình thường, chỗ chích hơi đau, người hơi khó chịu như những lần chích ngừa cúm định kỳ.

Cám ơn chính phủ đã ưu tiên cho chích sớm cho những người già trong viện dưỡng lão và chúng tôi. Nhưng... tôi lại rưng rưng nước mắt để nhớ về một nữ ca sĩ đã vừa nằm xuống vì Covid 19. Nữ ca sĩ Lệ Thu. Người ca sĩ có giọng hát trầm, hơi khàn nhưng quyến rũ vô cùng. Khi Lệ Thu hát ở những nốt cao, độ ngân rung mãnh liệt như sự uất nghẹn đưa lên tận cùng xoáy vào lòng người nghe nhạc. Trong gần 60 năm ca hát, Lệ Thu đã được mọi người coi như là một ca sĩ huyền thoại. Lệ Thu mất ngày thứ sáu 05/01/2020 tại Miền nam Cali thọ 78 tuổi.

Tôi cứ nghĩ đến gần một tháng trường Lệ Thu nằm trong bệnh viện chiến đấu với con Coronavirus mà thương quá là thương. Đâu rồi giọng hát Lệ Thu cất lên giữa bao ngàn khán giả. Đâu rồi hình ảnh Lệ Thu quý phái sang trọng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn. Đâu rồi nụ cười từ tốn của một ca sĩ nổi tiếng nhưng rất hòa ái.

Mùa Thu đẹp tuyệt vời của chúng ta đã đi xa để đông về ngự trị. Lệ Thu cũng bỏ gia đình, khán giả và sân khấu để đi vào hư vô. Hàng cây nghĩa trang sẽ buồn hiu trút lá. Vĩnh Biệt Lệ Thu người ca sĩ tôi yêu mến và hâm mộ. Cám ơn người ca sĩ đã để lại cho đời giọng hát tuyệt vời để tôi rưng rưng nhớ về quê hương, tình yêu và một thời lận đận.

 

NƯỚC MẮT MÙA THU luống NGẬM NGÙI 
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ khôn nguôi 
HƯƠNG XƯA đành phụ THUYỀN VIỄN XỨ
TÌNH LỠ  nên THU HÁT CHO NGƯỜI.
 
TÌNH KHÚC CHIỀU MƯA nhớ THU CA
MÁI TÓC DẠ HƯƠNG luống nhạt nhòa
XIN CÒN GỌI TÊN NHAU lần cuối 
HẠ TRẮNG buồn HẢI NGOẠI THƯƠNG CA
 
BÀI TÌNH CA MÙA ĐÔNG hôm nay 
Có GIỌT MƯA THU  ướt vai gầy 
TÌM EM chốn  NGÀN THU ÁO TÍM 
CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG đã nhẹ bay 
 
Hôm nay nhìn NHỮNG MÙA THU ĐI 
MÙA THU CHO EM  ướt hoen mi
MẮT LỆ CHO NGƯỜI TÌNH lần cuối
LỆ THU đành vĩnh biệt Cali 

Nguyện linh hồn Lệ Thu được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
 
Nguyễn thị Thêm 

Tưởng Nhớ Lệ Thu
 
17 Tháng Sáu 2023(Xem: 2891)
Việc gắn bó gần gũi với chợ LB ngay từ hồi niên thiếu đã cho tôi một miền ký ức ngọt ngào khó quên dù đã nhiều năm sống xa quê hương.
15 Tháng Sáu 2023(Xem: 3033)
Bây giờ dù đã bước đến buổi hoàng hôn của cuộc đời ta vẫn ước ao có phép mầu nào đưa ta đi ngược thời gian trở về tuổi học trò mơ mộng
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2912)
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết làm sao Ông có đủ thì giờ và sức khỏe để hoàn thiện tất cả mọi chuyện, mọi vai trò từ trong gia đình ra đến xã hội.
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2956)
“Người con gái phi thường” đó là cô Nguyễn Thị Oanh, một người con gái 27 tuổi, cao 1 thước 50, nặng 45 kí. Tuy trước đó cô đã 8 lần đoạt huy chương trong nhiều lần tranh giải SEA Games
10 Tháng Sáu 2023(Xem: 3768)
Năm nay ban Tân Chấp Hành Ngô Quyền đứng ra đảm nhiệm tổ chức. Kính mong được sự hổ trợ tích cực của Thầy Cô và tập thể Cựu học sinh NQ chúng ta,
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 3058)
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ cho chúng ta một bài học: đó là bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người chiến thắng quân tử của thời hậu chiến.
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 2941)
Dãy phố Tây 5 căn tọa lạc tại trung tâm đường THĐ Biên Hòa (BH) trước 1975, đối diện với chợ Lò Bò gồm 5 căn nhà liền kề (số nhà 38-40-42-44-46).
22 Tháng Năm 2023(Xem: 2958)
Xin chúc mừng ngày lễ vàng của anh chị Minh & Hoa. Chúc mừng những cặp tình nhân đã cùng bên nhau sắc son bền vững 50 năm, 60 năm, 70 năm. Xin ơn trên giúp đỡ và chúc phúc cho họ.
19 Tháng Năm 2023(Xem: 3040)
chúc mừng gia đình anh cựu học sinh khóa 6 Trần Văn Việt.” Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại “nhưng chúng ta còn có những mầm xanh.
17 Tháng Năm 2023(Xem: 2430)
Sau cái ngày nghiệt ngã của tháng tư 1975 Đồi Cù đã bị nhốt trong vòng kẽm gai gần bốn thập niên, nay người ta đã mang ra hành quyết.
15 Tháng Năm 2023(Xem: 2815)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6391)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2764)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2667)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2495)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3098)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 2922)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3485)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2538)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2962)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."