Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 26

19 Tháng Chín 202012:29 SA(Xem: 8144)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 26
 
NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 26  



Thứ hai 7 tháng 9


Theo American Academy of Pediatrics, và Children’s Hospital Association, đến đầu tháng 9 năm 2020, chỉ ở Mỹ, đã có hơn nửa triệu người dưới 17 tuổi bị nhiễm Coronavirus.

Nhân mùa tựu trường, hãy cùng nghe một "cựu bệnh nhân" COVID-19 mới chín tuổi kể về những kinh nghiệm sống của em khi phải chịu đựng cúm Tàu.


Cả Eli Lipman và ba của em (Jonathan Lipman) đều là một trong những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Mỹ. Họ nhiễm cúm Vũ Hán từ tháng 3, Coronavirus không thể cướp được sinh mạng của hai cha con, nhưng đã để lại di chứng kéo dài cho đến tận bây giờ.  


Eli cho biết mặc dù đã khỏi bệnh, có COVID-19 âm tính, nhưng nhiều lần trong ngày cơ thể em vẫn bị đau các bắp thịt, em cảm thấy rất mệt mỏi. Có những đêm em bị mất ngủ.

Em đã nói với các bạn qua một chương trình phỏng vấn của CNN: 


- "Các bạn trạc tuổi tôi, rất tiếc báo cho các bạn rằng COVID-19 là một bệnh nguy hiểm, và di chứng của nó thật sự khủng khiếp! Các bạn phải đối diện với di chứng của COVID: đau nhức bắp thịt, và mệt mỏi. Đôi khi, tôi tưởng chừng như Coronavirus vẫn ở lại trong cơ thể tôi. Tôi có cảm tưởng như cơ thể mình bị đập vào một bức tường. Nhiều lúc tôi bị mất ngủ"


Khó có thể tin là một em bé mới 9 tuổi lại không thể ngủ được vì đau nhức, nhưng đó là một di chứng mà cúm Tàu đã để lại cho Eli Lipman. Và không ai có thể cho em biết khi nào di chứng này mới chấm dứt.


Ba của Eli, Jonathan Lipman cũng chịu đựng di chứng của COVID-19. Sau khi đã khỏi bệnh, hầu hết mỗi buổi sáng, Jonathan thức dậy với đau nhức như vai của ông bị gãy. Không những thế, Jonathan không thể lên cầu thang mà không thở hổn hển, ông rất mệt dù chỉ lên một tầng lầu. Ông cũng không thể nấu bữa ăn tối cho cả gia đình như ông vẫn làm  mỗi ngày trước kia khi chưa nhiễm cúm Vũ Hán.


Ở mỗi lứa tuổi, Coronavirus để lại một "dấu ấn sâu đậm" ở những bệnh nhân mà nó không thể quật ngã được vì sức trẻ của họ.

Xin đừng bao giờ coi thường đại dịch, và tưởng là mình có thể được đặc quyền "bất khả xâm phạm" từ Coronavirus. 


***

 

Thứ ba 8 tháng 9


Đã hai tháng trôi qua, từ khi làn sóng tấn công COVID-19 đến Úc đợt hai, Thủ tướng Scott Morrison ra chỉ thị "hàng tuần nhiều nhất là bốn ngàn người được nhập cảnh Úc".

Lệnh này làm cho hàng trăm chuyến bay quốc tế đến Úc bị hủy bỏ, những người may mắn lên được chuyến bay về Úc phải trả một số tiền rất cao cho vé máy bay. Ít nhất 25 ngàn người Úc bị chận đường về nhà. Họ ngồi trên laptop hàng giờ mỗi ngày, cố tìm cho mình một chỗ ngồi trên máy bay hồi hương kể từ tháng 7 năm 2020.  


Đến đầu tháng 9, vẫn còn hơn 100 ngàn người Úc -đang sinh sống, làm việc ở khắp nơi trên thế giới- chưa tìm được đường về nhà. Họ "sống vất vưởng" ở khắp nơi trên thế giới, tiền bạc cạn kiệt, không có bảo hiểm sức khỏe, không thể đi làm kiếm tiền. Họ cảm thấy bị bỏ rơi bởi chính đất nước họ, một đất nước tự do có passport được xếp vào hàng thứ 9 về sức mạnh di trú trên thế giới.


Khi đại dịch khởi đầu vào cuối năm 2019 từ Vũ Hán bên Tàu. Không một ai biết gì về Coronavirus. Cũng không một ai có thể tiên liệu chỉ chín tháng sau, tình hình chưa thật sự khả quan, trên toàn thế giới, số bệnh nhân đã gần 30 triệu, và số người thiệt mạng đã mấp mé con số một triệu.

Cho nên vào tháng 3, khi đại dịch cúm Tàu đã lây lan khắp thế giới, các Tòa Lãnh sự Úc ở khắp thế giới đã khuyên công dân họ nếu có việc làm ổn định, với thu nhập  ở bất cứ quốc gia nào thì "người ơi người ở đừng về".


Không ai -trong tháng 3- có thể dự đoán được quỹ đạo mà đại dịch sẽ di chuyển, cũng như tác động của nó đối với cuộc sống của nhân loại. Sáu tháng sau, một số ít người vẫn có thu nhập và nhà ở ổn định, trong khi cuộc sống của đa số mọi người đã bị đại dịch tàn phá. Họ bị mất việc, không có bảo hiểm sức khỏe, visa làm việc bị hết hạn,và đau đớn nhất là đường về quê hương Australia là một lối nhỏ rất hạn chế, gần 100  ngàn người đang xếp hàng online, đợi tới phiên mình.


Gia đình của Stephen Spencer là một trong những công dân Úc đang mỏi mòn chờ đợi ngày về. Stephen từ Úc qua United Arab Emirates (UAE) làm việc dài hạn. Công việc ở một quốc gia Tây Á sống bằng nguồn lợi thiên nhiên ban tặng (những giếng dầu không đáy), Stephen đưa cả gia đình từ Úc qua UAE, mua nhà sống dài hạn ở đó. Khi đại dịch bùng nổ, vừa không muốn các con bỏ dở niên học, vừa không muốn bỏ nhà của mình ở thành phố Abu Dhabi, và phải bỏ công việc với thu nhập rất cao.

Vài tháng sau đó, vì đại dịch, nhu cầu di chuyển gần như không có, không ai mua xăng dầu, ngay cả các công ty khai thác dầu hỏa cũng phải sa thải nhân viên, Stephen bị mất việc. Visa lưu trú của cả gia đình không còn được gia hạn, họ có 30 ngày để về lại cố hương Australia.

blankblank

                                                        Courtesy of the Spencers 

Stephen mô tả tình hình của gia đình anh trong những ngày chờ đợi chuyến bay từ UAE về lại Úc :


"Nếu chúng tôi không thể có chỗ trên một chuyến bay về lại Úc, chúng tôi đang phải sống như những người tỵ nạn, không có quyền (visa) ở lại UAE, và một quê nhà Australia không cho phép chúng tôi trở về. Tôi không thể nào ngờ chính quyền Úc bỏ rơi công dân của họ đang sống ở nước ngoài nhanh chóng như vậy !"


Đó là một trong cả trăm ngàn câu chuyện của những người Úc “tiến thoái lưỡng nan”, không được ở lại nơi đang sống, và cũng không được phép về lại quê nhà vì đại dịch.


***


Thứ tư 9 tháng 9


Đến hôm nay đã có hơn 700 người bị cấm bay với các hãng hàng không dân sự ở Mỹ vì đã từ chối mang khẩu trang trên chuyến bay. Trong số đó Delta Airlines thi hành chỉ thị "no face mask, no flying" nghiêm ngặt nhất, với tổng số 270 hành khách sẽ bị cấm bay với Delta cho đến khi nào đại dịch chấm dứt .


Jodi Degyansky đã đi máy bay 5 lần kể từ khi các hãng hàng không dân sự ở Mỹ bắt buộc hành khách mang khẩu trang trong suốt chuyến bay. Cô không thể tưởng tượng có một ngày, cô và  con trai mới hai tuổi bị "mời xuống" khỏi chuyến bay của Southwest từ Fort Myers, Florida về Chicago, Illinois khi chuyến bay chưa kịp cất cánh vì cậu bé mở khẩu trang xuống ăn kẹo gummy bears. Lập tức một cô tiếp viên hàng không đến yêu cầu Jodi mang khẩu trang lại cho con. Cậu bé không chịu mang vì đang còn mãi ăn kẹo. Thế là cả hai mẹ con Jodi bị mời ra khỏi chuyến bay. 


Tháng trước, Southwest cũng đã mời hai mẹ con của một hành khách khác ra khỏi chuyến bay vì cậu con trai của người này, 3 tuổi, bị bệnh tự kỷ, không chịu mang face mask.

Nên biết Southwest chỉ miễn trừ việc bắt buộc đeo khẩu trang cho các em bé dưới hai tuổi.

Xin nhớ mang theo khai sinh của con nếu con của bạn chưa đến 24 tháng vào ngày đi máy bay để khỏi bị lâm vào cảnh khó xử cho cả hai bên.


Cũng trong tuần này, WestJet của Canada cũng đã hủy cả chuyến bay từ Calgary đến Toronto sau khi hành khách đã yên vị, máy bay đang chuẩn bị cất cánh.

Một gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ 3 tuổi và 19 tháng là nguyên nhân làm cả chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến tất cả hành khách trên chuyến bay. Cô bé 3 tuổi thì ngoan ngoãn đeo face mask, nhưng cậu bé 19 tháng thì khóc thét lên, nhất định không chịu mang khẩu trang. Cuối cùng cả chuyến bay bị hủy.


Từ chuyện này, cha mẹ có con nhỏ phải mang đi cùng, nên tìm hiểu chính sách của hãng máy bay đối với việc miễn trừ đeo khẩu trang cho con nít để khỏi phiền lòng, và làm mất thời gian của người khác.

Tất cả mọi người cùng biết chịu đựng trong lúc "thuở trời đất nổi cơn... đại dịch" thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.


***


Thứ năm 10 tháng 9


Một thống kê vừa cho biết khi Coronavirus đặt chân lên Mỹ, lệnh lockdown ban hành ở khắp nước Mỹ, hãng xưởng đóng cửa, 30 triệu người Mỹ bị mất việc, rất nhiều người Mỹ ở độ tuổi 18 đến 29 đành quay về "mái nhà xưa" với cha mẹ. Đó vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất trong mọi giông bão của cuộc đời.

Con số này lên đến 52% người trẻ trở về sống với cha mẹ , cao hơn con số 48% của thời đại suy thoái nặng nề, dai dẳng nhất ở Mỹ (và cả thế giới) trong thập niên 1929-1939.

"Về nhà" sống với các đấng sinh thành như thời dưới 18 tuổi không phải là một lựa chọn  hạnh phúc, mà đó là "giải pháp cuối cùng" khi người ta không còn thu nhập thường lệ, không còn lựa chọn khác.


Jack Fitzpatrick, 26 tuổi, chuyên viên về truyền thông xã hội quay về nhà cha mẹ ở Maryland từ Minnesota -nơi anh sống trong một chung cư có ba phòng với hai người bạn khác- từ cuối tháng 8 khi hợp đồng thuê nhà của anh kết thúc. Anh không cảm thấy khó chịu khi thay đổi môi trường sống vì "Tôi đã sống cùng nhà với hai người bạn trước kia. Bây giờ tôi cũng có hai người sống dưới một mái nhà, cái khác duy nhất là hai "roommates" bây giờ là ba mẹ của tôi, nên chúng tôi không hề có trở ngại" 


Không may như Jack Fitzpatrick, Garrett Collins, 27 tuổi, trở về mái nhà xưa với mặc cảm tiếp tục ăn bám cha mẹ. Là một người pha chế rượu giỏi, Garrett sống thong dong ở Chicago, Illinois. Đại dịch bùng phát, quán xá đóng cửa, không còn thu nhập, trợ cấp thất nghiệp không đủ để sống còn, giải pháp duy nhất là quay về sống với cha mẹ ở Edmond, Oklahoma.

Dưới mái nhà bây giờ có đến ba thế hệ, bà ngoại, cha mẹ, và Garrett. Anh ân hận mình đã không tìm việc làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp cử nhân về Sinh Hóa từ trường Đại học Oklahoma  để khỏi phải ăn bám cha mẹ. 

Với cha mẹ của Garrett, vấn đề không ở chỗ tiền bạc, mà là ở chỗ quan điểm chính trị, cách những người có trách nhiệm trong chính quyền đối phó với khủng hoảng kinh tế từ đại dịch.

Ba thế hệ của gia đình , bà ngoại 77 tuổi, cha mẹ ở độ tuổi 57, và con luôn tranh luận đến cãi nhau về quan điểm của mỗi người. Đến độ mẹ của Garrett phải than phiền đôi khi bà có cảm giác về không khí trong nhà như đang bước trên một bãi mìn, không biết nổ tung lúc nào. Là người "đứng mũi chịu sào" về tài chính trong gia đình, cha mẹ Garrett quyết định những bữa ăn trong gia đình sẽ tuyệt đối im lặng cho đến lúc...có kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới, hoặc có thuốc chủng ngừa COVID-19.

Không dưng mà gia đình Collins đã học được cách im lặng "ăn trong chánh niệm" của đạo Phật. Phải chăng đêm tối nào cũng có ánh sáng của trăng sao, hay ánh sáng của một tia chớp trong đêm đen giông bão?


Là phái nữ, Leah Gay, 28 tuổi, không gặp trở ngại khi "trở về mái nhà xưa". Vào trung tuần tháng 3, khi New York là tâm dịch của Mỹ, bị mất công việc ở một tổ chức không kinh doanh vì lợi nhuận, Leah trả lại căn apartment một  phòng trong khu vực nhà giàu Manhattan để trở về nhà cha mẹ ở Blacksburg, Virginia. Đây là lần đầu tiên Leah về sống lại trong căn phòng xưa của mình sau 10 năm rời khỏi tổ ấm từ khi tốt nghiệp Trung học. Cô trân trọng những ngày được sống với cha mẹ lâu hơn một tuần về nhà vào dịp lễ Tạ Ơn, và hai tuần vào dịp Lễ Giáng sinh và đầu năm dương lịch.


Cả ba người bạn trẻ kể trên đều có may mắn vẫn còn cha mẹ, vẫn còn “mái nhà xưa” để quay về trú ẩn cho qua cơn đại dịch. Chỉ thương cho những người trẻ không còn nơi chốn để quay về, hoặc không còn cả cha lẫn mẹ để cung cấp cho họ nơi trú ẩn an toàn nhất.


Rõ ràng, bằng một cách nào đó, Coronavirus đã giúp họ hiểu ra tấm lòng của cha mẹ, và đâu là "hậu phương" an toàn nhất khi dòng đời không còn phẳng lặng bình yên.


***


Thứ sáu 11 tháng 9


Hôm nay, khắp nơi trên đất nước Hoa kỳ, lễ tưởng nhớ gần ba ngàn nạn nhân đã thiệt mạng khi nước Mỹ bị không tặc tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Lễ tưởng niệm vẫn trang nghiêm như như từ 19 năm qua, chỉ có khác là tất cả những người tham dự đều phải đeo khẩu trang màu đen.


Tất cả thân nhân của gần ba ngàn người vô tội (có quốc tịch từ 93 quốc gia khác nhau) thiệt mạng vì không tặc khủng bố September 11th  đều được mời đến tham dự. Có khác là dân chúng không được khuyến khích có mặt ở các nơi tưởng niệm: World Trade Center (New York), Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Arlington, Virginia), và trên một cánh đồng lúa mì ở Pennsylvania (do các hành khách trên chuyến bay này khi biết tin về ba chuyến bay bị không tặc ở NY, và VA; đã đồng lòng chống lại không tặc để chuyến bay số 93 định mệnh của United Airlines rớt ở một cánh đồng phía Tây của Pennsylvania, giảm thiểu thương vong).

Và khác hơn những năm khác là tên của các nạn nhân được phát thanh từ một máy thu âm thanh của năm ngoái, không đọc live.


blankblank

NY Memorial 2020 - Courtesy of Carlos Allegri / Reuters    Twin Tower Memorial made of  blue light - SEP 11 2020


Lần tưởng niệm thứ 19 cũng khác thường như tất cả mọi thứ không bình thường khác trong thời kỳ... mắc dịch.

Nhưng nỗi bùi ngùi, và tâm thành tưởng nhớ những cuộc đời rất trẻ bị khủng bố Al-Qaeda cướp đi thì vẫn còn nguyên, không hề suy giảm dù đại dịch vẫn đang hoành hành, dù đã gần 20 năm trôi qua. 


Về phần những người dân có mặt ở thành phố New York vào lúc đó, vì hít phải khói bụi khi hai tòa nhà Twin Building sụp đổ, rất nhiều người trong số họ đã phải mang bệnh mãn tính về đường hô hấp.


Thời đại dịch, những người này thuộc nhóm người bị thương tổn nặng nề, và nếu nhiễm phải Coronavirus, cơ hội bình phục của họ khá thấp. Nếu may mắn bình phục, di chứng họ phải chịu đựng từ cả hai biến cố (SEP 11th và COVID-19) sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại.

Do vậy, ngân quỹ VCF (The 9/11 Victim Compensation Fund)  cho các nạn nhân sống sót từ World Trade Center ở New York, tuần rồi vừa thêm vào phụ lục, nếu những người sống sót này qua đời vì COVID-19, gia đình họ vẫn có thể xin bồi hoàn thiệt hại từ VCF.


Tưởng cũng nên ghi nhận hơn một ngàn bốn trăm người sống sót từ biến cố rất đáng buồn SEP 11th đã nhiễm Coronavirus. Vào cuối tháng 8, 191 người trong số này vẫn còn phải nằm trong bệnh viện, và 44 người đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời.

 

***


Thứ bảy 12 tháng 9


Bác Sĩ Robert Redfield, Giám đốc CDC, Trung tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ cho biết thuốc chủng ngừa COVID-19 có thể sẽ có trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay, nhưng rất hạn chế.

Đợt thuốc chủng ngừa đầu tiên sẽ chỉ dành cho nhân viên ngành Y tế, và những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong công việc hàng ngày của họ. Ưu tiên thứ hai là những người có bệnh mãn tính, nếu nhiễm COVID-19, cơ hội hồi phục gần như không có.

Và thứ tự này sẽ đi xuống dần đến những người trẻ, khỏe mạnh.

Dự kiến là mãi đến giữa năm 2021, tất cả mọi người ở Mỹ mới được chủng ngừa Coronavirus


Cũng theo BS Redfield, vũ khí hữu hiệu nhất để phòng ngừa COVID-19 vẫn là chiếc khẩu trang mà tất cả mọi người đều đã quen thuộc từ tháng 5 đến nay. Ông còn tuyên bố rất thận trọng:


"Nếu các bạn hỏi tôi khi nào thuốc chủng ngừa sẽ đủ để cung cấp cho tất cả mọi người, để chúng ta có thể trở lại với đời sống bình thường, tôi nghĩ là chúng ta phải chờ đến cuối quý 2. hoặc đầu quý 3 của năm 2021"


Ông cho là khẩu trang là vũ khí quan trọng nhất để chống COVID-19 trong lúc đợi đủ vaccine chủng ngừa cho tất cả mọi người. Bác sĩ Redfield cũng nhấn mạnh:


"Nếu tất cả chúng ta đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong vòng 10, hoặc 12 tuần nữa thôi, người Mỹ sẽ kiểm soát được đại dịch" 


blank


Nếu bạn nghĩ là Bác sĩ Giám đốc CDC hơi bi quan, xin hãy nghe tiếp ý kiến của một chuyên gia Y tế khác, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Giám đốc Khoa học của WHO (World Health Organization): 


"Nhân loại chỉ có thể trở về với đời sống bình thường trước đại dịch vào đầu năm 2022.

60% đến 70% dân số thế giới phải được chủng ngừa mới có thể chận được sự phát tán của Coronavirus"


Như thế thì khẩu trang sẽ là bạn đồng hành của tất cả mọi người ít nhất là một năm nữa.


Rất riêng, chân thành cảm ơn bạn bè, các đàn anh, đàn chị thời Trung học, đã gởi cho chúng tôi những cái khẩu trang tự may (hay tự... mua) đủ màu qua đường bưu điện hay đích thân mang đến nhà. Những chiếc khẩu trang đầy ân tình nhắc nhớ tình bạn trải dài từ thủa thiếu thời, từ quê nhà đến quê người. Và màu sắc tươi thắm của những chiếc khẩu trang sẽ giúp cả người cho lẫn người nhận thấy lạc quan hơn ngay cả trong lúc "thuở trời đất nổi cơn.... đại dịch", không phải chỉ có "khách má hồng" mà tất cả mọi người đều phải chịu "nhiều nỗi truân chuyên".

   

Chủ Nhật 13 tháng 9


Elias Aviles trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi trên cái xe truck bán Tacos (một món ăn phổ biến của người Mễ Tây Cơ, tương tự bánh mì thịt của người Việt). Mệt mỏi xen lẫn với thất vọng, lo âu vì ông chỉ thu được vỏn vẹn có sáu dollars cả ngày. Biết là buôn bán trong thời đại dịch trăm ngàn khó khăn, không dễ dàng như trước. Nhưng chỉ bán được mỗi một cái bánh tacos và hai ly soda trong một ngày thì đây là lần đầu tiên ông buôn bán ế ẩm như vậy!


Từ khi đại dịch bùng phát, mặc dù người ta vẫn phải sống, phải ăn nhưng có những ngày ông chỉ bán được $60, $40 hay tệ nhất là $20;  con số $6 thì có nằm mơ Elias cũng không tưởng tượng nỗi.

Ông san sẻ lo âu với con gái, cô Giselle Aviles, 21 tuổi. Không thể tưởng tượng nỗi doanh số sáu đồng cho suốt một ngày thứ bảy, cuối tuần, Giselle dùng mạng xã hội tweeter.com để chia xẻ ảnh hưởng của đại dịch với chiếc xe truck bán Tacos trên đường phố ở Humble, cách Houston khoảng 32 km.

Giselle kết thúc câu chuyện bằng yêu cầu: "Nếu bạn tweet trả lời rằng bạn đã đọc câu chuyện này, tôi sẽ vô cùng cảm ơn"


Chỉ một ngày sau, Giselle nhận được hai ngàn retweets phúc đáp. Cô rất vui, báo cho cha mình sửa soạn cho một ngày thứ hai rất đắt hàng.


Ông Aviles không biết gì về các trang mạng xã hội, nên cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng cũng chuẩn bị mọi thứ, lái xe đi bán lại sau ngày Chủ nhật, ngày duy nhất ông nghỉ bán.

Vào lúc 8 giờ sáng thứ hai, khi Elias đến góc đường ông vẫn đậu chiếc xe truck bán bánh tacos có tên là Taqueria El Torito, từ xa ông rất vừa kinh ngạc, vừa vui mừng khi thấy đã có một hàng người xếp hàng chờ mua tacos của ông, chuyện chưa từng có trong những năm Elias mưu sinh bằng nghề bán bánh Tacos.


blankblank

         Taqueria El Torito / Saturday            Taqueria El Torito / Monday



Elias có một ngày đắt hàng nhất trong suốt sáu năm bán hàng ở góc đường này. Đông khách đến nỗi, ông phải gọi con gái ra bán phụ, và phải tạm ngưng bán đến hai lần trong ngày để chuẩn bị thêm vật liệu vì tất cả mọi thứ đã bán sạch.


Giselle rất vui mừng, vì chỉ trong vài tiếng giúp cha bán hàng, cô đã bán cho hơn 100 khách hàng. Hai cha con có một ngày thứ hai mệt mỏi nhưng rất hạnh phúc.

Sang ngày thứ ba, khách hàng không đông như thứ hai, nhưng vẫn giúp Taqueria El Torito hết nhẵn hàng vào cuối ngày.


Các trang mạng xã hội nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, đúng mục đích, đúng lúc thì sẽ mang về niềm vui bất tận, và cứu được việc buôn bán của một chiếc xe truck bán thức ăn trong thời đại dịch. Đó là  ánh sáng cuối đường hầm của gia đình Aviles, hy vọng cũng là giải pháp khả thi cho các nơi buôn bán nhỏ giúp họ vượt qua thời buổi đại dịch gây khó khăn cho tất cả mọi người.


Nguyễn Trần Diệu Hương

Mừng sinh nhật 14 tháng 9 của H5



12 Tháng Giêng 2013(Xem: 71211)
Các bạn ơi!... có ai trông thấy Tuyết đen hồi năm 1966-1967 học ở Trường Trần Thượng Xuyên của tui ở đâu xin liên lạc dùm tui. Nhớ nghen.
11 Tháng Giêng 2013(Xem: 87727)
Em về để gió hôn mây Để anh ôm mộng, men say cuộc tình Em về kể chuyện chúng mình Ngày còn đi học, em xinh xinh nhiều
10 Tháng Giêng 2013(Xem: 87576)
Nhưng tôi vẫn cố viết mấy giòng này, goị là kỷ niệm một chuyến đi, đi thăm thân hữu đồng môn Gặp mấy học trò cũ, cũng như cho biết cảnh trời Tây:
05 Tháng Giêng 2013(Xem: 75861)
Rất mong qua những hình ảnh xưa đính kèm, anh chị em nào tự nhận ra chân dung chính mình … mấy mươi năm trước, hoặc chân dung anh chị em từng sinh hoạt cùng thời với mình,
05 Tháng Giêng 2013(Xem: 86662)
Em ơi, hạt sương long lanh anh nâng niu trong ngăn tim anh nóng cháy đậm đà, ngày mai còn đó, tình ta còn đó, còn mãi trong ta mối tình đầu ngây thơ của Ngô Quyền và em
29 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 120078)
Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã... Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 85091)
Một năm đã qua, chúng ta đã sống với nhau thật lòng trong một đại gia đình. Chúng ta đã chia sẻ với nhau những tâm tình rất thật.
28 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 109139)
Sau 37 năm rời trường, cho tới Đêm tri ân thầy cô giáo cũ của nhóm CHS.NQBH, tui mới có dịp mặc lại chiếc áo dài trắng. . Lúc đầu tui cũng cảm thấy hơi… ngộ ngộ,
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 139426)
... cuộc đi nầy đã để lại trong lòng chúng ta những kỷ niệm khó quên, từ những lá vàng ở Kobe, ở Kyoto, ở Okayama, ở Kintaikyo, những ngày lạnh lẽo, tuyết rơi ở Shirakawa,
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 111750)
nhận thấy có các em nhỏ đi theo anh mình, và các em tỏ ra thích thú các trò chơi trong sinh hoạt Hướng Ðạo. BP liền thành lập thêm một ngành dành cho các em nhỏ từ 7 đến 10 tuổi
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 98702)
Đây là lần thứ bảy, các CHS.NQBH K15 gạt hết những âu lo toan tính đời thường, hóa thân thành những cô cậu học trò hồn nhiên của những ngày xưa thân ái.
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 126182)
Giờ đây, nếu mẹ hỏi lại: - “Giả sử có ngày tận thế thật thì thời khắc ấy, con muốn được ở bên cạnh ai?”, con sẽ không do dự trả lời: - “Con muốn được ở bên mẹ, bây giờ và suốt đời…”
22 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 109579)
Noel cũng là dịp tôi và mọi người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu, của niềm tin và hy vọng.
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 134738)
Xin mời đến thăm xứ Úc trong mùa Giáng Sinh với Hạnh Phạm.
21 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 123654)
Giả thử có ai hỏi, ai là người tôi yêu thương và tin tưởng nhất? Không ngại ngần tôi sẽ nói là em tôi. Cậu Mười của mấy đứa con tôi.
19 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127416)
Đông đến Thu đi mai vàng nở rộ bao mùa, năm nay Tết lại sắp về chị đang lưu lạc phương nào hả chị Gấm? Chị có muốn về thắp nhang nơi mả ngoại với em không?
16 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 127070)
Chuyến đi tour NCA đã để lại trong lòng tôi đầy những kỷ niệm, và khi viết những dòng chữ nầy, tôi chợt thấy nhớ Kobe chi lạ.
15 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 122200)
Sợi dây chuyền kỷ niệm đó đã đem đến niềm vui nỗi buồn cho bà. Bà đã gắn bó với nó một thời gian dài và đã chôn nó sau vườn vào một ngày pháo đỏ rộn sân nhà...
13 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 110836)
trái đất tròn còn sống là Thầy trò vẫn còn có dịp mừng vui đoàn tụ. Mong thời gian đừng cướp mất cơ hội của Thầy trò chúng mình.
12 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 116652)
Vậy thì anh chị em mình cùng cảm ơn quí thầy cô, và cùng cảm ơn nhau nữa. Đã nửa thế kỷ trôi qua đời người, hạnh phúc biết bao khi Thầy – Trò ta vẫn có nhau bên đời…