Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ TUẦN "CẤM TÚC" THỨ BẢY

10 Tháng Năm 202012:11 SA(Xem: 10315)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ TUẦN "CẤM TÚC" THỨ BẢY

Nhật Ký Tuần Lễ "Cấm Túc" Thứ Bảy



Thứ hai 27 tháng 4,


Khi con số nhân viên "work from home" càng ngày càng tăng cao. Mặc dù năng suất làm việc của họ tăng cao hơn so với khi làm việc trong văn phòng ở sở, nhưng các công ty vẫn tìm cách biết chắc chắn là nhân viên của mình không làm việc riêng trong giờ làm việc từ nhà của họ.


Số lượng công ty đặt mua "digital surveillance" tăng 40% so với những ngày bình thường.

Rất ít nhân viên làm việc bằng PC hay laptop của Công ty từ nhà biết là computer mà mình đang dùng mới được âm thầm "remote install digital surveillance”  để "boss”  biết mình đang làm "việc chung" hay "việc riêng" từ nhà. Nếu bạn làm việc riêng dưới 10% tổng số giờ được trả lương, không có gì phải lo ngại. Trên 10%, cũng không thấy "động tĩnh" gì. Nhiều hơn nữa thì dù bạn vẫn thấy "yên ắng", nhưng người phụ trách human resources đã lưu dữ kiện này vào hồ sơ cá nhân của bạn. Đến thời điểm bạn được tăng lương, điều này sẽ được lôi ra, như một thành ngữ của người Mỹ "bite the bullet", bạn sẽ thấy hậu quả! 


Xin hãy nhìn vấn đề từ cả hai phía (chủ và nhân viên) để thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Dù sao bạn vẫn may mắn giữ được công việc, có thu nhập ổn định trong "thời mắc dịch", hơn hẳn 20 triệu người bị mất việc do COVID-19 trên toàn nước Mỹ tính đến cuối tháng 4.


Khi "work from home" là bạn không phải lái xe mỗi ngày đi và về từ nhà đến sở. Quan trọng hơn hết, bạn không phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao như các nhân viên y tế, các nhân viên làm ở các chợ bán thực phẩm...


Cái khổ duy nhất khi làm việc ở nhà là Internet bị drop out liên tục, có khi đến 10 lần trong một ngày.

Khi không còn nạn kẹt xe trên các xa lộ ở Mỹ, thì traffic trên internet liên tục gia tăng, "mạng" bị quá tải, "mất mạng" liên tục, khi quá nhiều người dùng internet mỗi ngày. Lòng kiên nhẫn có dịp được "tôi luyện", nghĩ như thế khi bạn phải reconnect ", "nối mạng" nhiều lần trong một ngày. Lâu dần rồi cũng quen, từ chuyện bị "mất mạng" trên Internet, chúng ta sẽ kiên nhẫn hơn để tránh mất những thứ khác đáng quý hơn.


Thứ ba 28 tháng 4 


Cuối ngày hôm nay, rất buồn và đáng lo ngại, là tổng số người bị nhiễm cúm Vũ Hán ở Mỹ lên đến con số 1 triệu (tương đương 0.3% dân số Hoa kỳ; số người thiệt mạng vì đại dịch lên đến hơn 57 ngàn người! Chỉ riêng ở New York City con số thiệt mạng từ khi có đại dịch đã lên hơn 17 ngàn người (hơn 1/3 của toàn quốc).  Nhưng cũng có một chút màu xanh hy vọng giữa màu xám bi quan là New York đã qua được “peak time”, số người bị nhiễm bệnh và qua đời vì COVID-19 đã bắt đầu giảm xuống.  


Sau 3 ngày liên tiếp không có bệnh nhân COVID-19 mới, hôm nay Hongkong bắt đầu lên kế hoạch mở các địa điểm công cộng như sân tennis, công viên từ ngày 4 tháng 5 . Cùng lúc, Nga kéo dài lệnh cấm túc tại gia đến ngày 12 tháng 5. 


Pháp thì cho phép tất cả cửa tiệm được mở lại, ngoại trừ các tiệm cà phê, và các nhà hàng; học trò Tiểu học được trở lại trường học ngày từ ngày 11 tháng 5, trong khi học trò Trung học và sinh viên Đại học vẫn chưa được đến lớp.


Thủ Tướng Shinzo Abe  gia hạn lệnh cấm túc đến 31 tháng 5, nhưng người Nhật vẫn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi thông báo có thêm: lệnh này có thể được rút ngắn lại nếu tình hình lây lan cúm Vũ Hán giảm thiểu.


Thứ tư 29 tháng 4


Sau một thời gian dài, ít nhất là một tháng lệnh "cấm túc tại gia" áp dụng để tránh thiệt hại nhân mạng và ngăn chận lây lan COVID-19, tùy từng nơi, chính quyền các cấp ở khắp thế giới đã cố gắng từng bước "hồi sinh đất nước" sau đại dịch.  


Chẳng hạn ở Ý (quốc gia từng bị mang tai tiếng là "ổ dịch của Châu Âu", có lệnh cấm túc nghiêm nhặt và dài nhất thế giới, tổng cộng 9 tuần), có 3 giai đoạn "hồi sinh đất nước:

- Ngày 4 tháng 5: các nhà máy, và công ty xây dựng bắt đầu làm việc trở lại.

- Ngày 18 tháng 5: các công viên, các nhà hàng (chỉ được bán take out/ togo), các viện bảo tàng, thư viện sẽ mở cửa lại.

- Ngày 1 tháng 6: các tiệm cắt tóc, các tiệm rượu sẽ được mở cửa.

Các trường học vẫn đóng cửa cho đến tháng 9, tháng bắt đầu niên học mới.


JetBlue Airways là hãng máy bay đầu tiên ở Mỹ bắt buộc tất cả hành khách phải mang mask trong suốt chuyến bay.  American Airlines thì phát khẩu trang cho tất cả khách hàng ngay khi họ làm thủ tục check in ở phi trường. South West, United, Spirit, Delta... cũng đang nghiên cứu phương thức làm khách hàng yên tâm đi máy bay như trước.


Trong khi toàn thế giới, bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19 đã lên đến hơn 3 triệu người (tính đến 29 tháng 4), CDC của Mỹ (Center for Disease Control and Prevention) vừa cho biết  thêm hai triệu chứng để nhận ra mình có thể bị dương tính với Coronavirus là mất đi vị giác (taste) và thính giác (smell), ngoài các triệu chứng: sốt cao, ho, khó thở, nhức đầu, đau cổ họng, và đau nhức bắp thịt. Tám triệu chứng này sẽ lần lượt xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi người ta bị nhiễm virus cúm Vũ Hán ,


Thứ năm 30 tháng 4


Hôm nay, chắc cũng như chúng tôi, sẽ không có gì đè nặng lên tâm tưởng của cả triệu người Việt lưu vong ở khắp nơi trên địa cầu ngoài biến cố 30 tháng 4.


Hình ảnh cả ngàn người lính VNCH thiệt mạng trong những ngày cuối cuộc chiến ở các bãi biển Thuận An (Huế), Non Nước(Đà Nẵng); con số từ 200 đến 400 ngàn thuyền nhân gởi thân trong lòng đại dương, nằm yên trong một góc tâm tưởng quanh năm như sóng ngầm, chợt biến thành thủy triều, dâng cao ngút ngàn mỗi độ cuối tháng 4.


Vì virus Vũ Hán đang hoành hành, người Việt lưu vong không thể tụ họp để tưởng niệm khoảng 250 ngàn người lính đã nằm xuống từ 1954 đến 1975, đã "vị quốc vong thân" để bảo vệ miền Nam tự do hơn hai thập niên. Khác với mọi năm, các đài tưởng niệm của cộng đồng Việt Nam khắp nơi chỉ có cờ quê hương thứ hai, và cờ vàng ba sọc đỏ hạ thấp xuống (treo cờ rũ, khoảng phân nửa chiều dài cột cờ) để tưởng nhớ một nền Cộng hòa tự do non trẻ, cùng tất cả những người đã nằm xuống cho 21 năm tự do của miền Nam; có các vòng hoa tưởng niệm mà không có người tham dự như từ hơn 40 năm qua.


blankblank


Thay vào đó là "Virtual Memorial" online, qua các hệ thống truyền hình, truyền thanh của người Việt, qua các trang mạng xã hội, được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều Pacific time ngày 30 tháng 4 năm 2020. Cùng lúc, ở nhiều múi giờ khác nhau, các địa phương có cộng đồng người Việt lưu khắp nơi thế giới đều có đại biểu tham dự qua Zoom .

Mọi người chỉ có thể thấy nhau qua màn hình, nhưng họ cùng cảm thông nhau, cùng nỗi đau:


Nhớ Nước đau lòng con quốc quốc

Thương Nhà mỏi miệng cái gia gia"

(Bà Huyện Thanh Quan)


Và cùng góp lời cầu nguyện cho một ngày mai tự do dân chủ của quê nhà.


Những mất mát mà nhân loại phải chịu đựng tính đến hôm nay do đại dịch Coronavirus chưa bằng phân nửa của những thương tổn mà người Việt Nam phải chịu đựng từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.


Thứ sáu 1 tháng 5


Đã vào giữa mùa xuân, trời ấm dần lên, biển xanh, cát vàng, trời trong có sức thu hút mãnh liệt với tất cả mọi người. Trên mọi thứ đó, màu xám của Coronavirus vẫn còn bám chặt nhân loại, vẫn đang hoành hành nước Mỹ, nên quận hạt Santa Cruz đã phải có thông báo hạn chế tụ họp đông đảo ở Boardwalk .


Bãi biển Santa Cruz là bãi biển đẹp và ấm nhất của miền Bắc California. Ở đây người ta có thể tắm, có thể lướt sóng, có thể coi movies miễn phí ở bãi biển vào mùa hè, có thể nghe bài "Under the boardwalk" một cách hợp tình hợp cảnh qua tiếng hát tuyệt vời của ban hợp ca Drifters . Từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, Boardwalk của thị xã Santa Cruz thu hút hàng triệu du khách dù đường lái xe đến đây là "độc đạo", chỉ có freeway 17, có một khúc ngắn chỉ có một lane cho mỗi chiều, giữa hai vách núi. 


Có rất nhiều lý do để thăm viếng thị trấn vừa có rừng, vừa có biển, vừa có núi này. Ở đây cũng có trường Đại học UC Santa Cruz rất nên thơ, đẹp hoang dại với những con đường dốc nối các phân khoa với nhau. Campus của trường đẹp như một cánh rừng thưa ở trên đồi nhìn xuống ven Thái Bình Dương 


Nên trong thời kỳ, đại dịch cúm Vũ Hán đang lây lan khắp nước Mỹ, Santa Cruz County cho đóng cửa bãi biển từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều (giờ cao điểm mỗi ngày).

Ngoài giờ đó, dân địa phương có thể đi chơi biển nhưng phải giữ khoảng cách “social distance” 6 feet giữa hai người. Ai vi phạm sẽ bị phạt ít nhất là một ngàn đồng.


Xin được gởi lời nhắc nhở từ các thiên thần áo trắng 

"We stay here (hospital) for you 

    Please stay home for us"



stay in home




Thứ bảy 2 tháng 5 


Cũng ở thành phố nhỏ ven biển Santa Cruz, bệnh viện Dominican đã nhận được một ngạc nhiên ngọt ngào trong những ngày chiến đấu với đại dịch: một nhà hảo tâm ở địa phương gởi tặng tất cả nhân viên bệnh viện một triệu đồng với ghi chú kèm theo : 


"Cảm ơn đã chăm sóc cho cộng đồng của chúng tôi với nhiệt tâm. Sự tử tế và tận tâm của đã làm cho quý vị trở thành anh hùng trong mắt chúng tôi".


Tất cả mọi nhân viên từ y tá, người làm việc ở medical lab, nhân viên hành chánh, nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh được chia đều khoảng hiện kim bất ngờ này. Mỗi người làm toàn thời gian nhận được 800 dollars. Người làm bán thời gian có phần là 600 đồng. Nhưng giá trị tinh thần mới thực sự vô giá với toàn thể nhân viên ở cái bệnh viện có 222 giường bệnh này: những nhọc nhằn, bất an trong thời kỳ COVID-19, của họ được ghi nhận.


Lâu lắm rồi, mới thấy đôi mắt của những nhân viên y tế ở  bệnh viện Dominican sáng lên, rạng ngời niềm vui. Chắc chắn là sau cái khẩu trang che mặt có nụ cười mãn nguyện, và một thoáng hạnh phúc che được nét mỏi mệt trong một khoảnh khắc.


Vẫn có một chút màu hồng của hạnh phúc lóe lên trong màu xám ảm đạm của đại dịch.

Điều đó làm người ta lên tinh thần chiến đấu với Coronavirus.


Chủ Nhật 3 tháng 5


Tối nay, dường như "có tin vui giữa giờ... gần... tuyệt vọng" khi số người thiệt mạng từ 5 giờ chiều ngày 2 đến 5 giờ chiều ngày 3 tháng 5 ở Mỹ chỉ có 1,154 người , rất thấp so với trên dưới hai ngàn người trong 10 ngày qua.



Chủ nhật tuần sau là ngày lễ Mẹ. Giữa mùa đại dịch, khi con số người thiệt mạng trên toàn thế giới đã lên đến hơn một phần tư triệu, sẽ có rất nhiều người con vẫn còn diễm phúc được cài hoa hồng đỏ, sẽ không còn được ôm Mẹ trong lòng, được ngồi ăn với Mẹ một bữa ăn mà thức ăn ngon nhất là ánh mắt yêu thương của Mẹ dành cho mình.


Dù Mẹ ở tuổi nào đi nữa, ngọn lửa thương yêu trong mắt mẹ dành cho các con vẫn luôn tỏa sáng, không hề lụi tàn. Ngọn lửa đó theo chúng ta suốt cuộc đời, nâng đỡ chúng ta khi vấp ngã, giúp chúng ta thêm sức mạnh trong mọi giông bão của đời sống.. 


Xin đừng quên cầu nguyện cho những bà Mẹ được an toàn trước Coronavirus.


Cũng xin gởi đến bông hồng tươi thắm nhất cho những bà mẹ trẻ đang làm việc ở “tuyến đầu”, không thể ôm hôn con mình mỗi tối.


blank



Tất cả chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để sẽ được ở bên cạnh Mẹ vào Mother's Day 2021.


Rất riêng, xin được thưa với Mẹ của chúng tôi: "Tụi con luôn nhớ đến Mẹ vững vàng chèo chống gia đình sau tháng 4 năm 1975, là bà Tú Xương thời đại "nuôi đủ 5 con với một chồng". Hình ảnh Mẹ gầy yếu lặn lội vừa tàu lửa, vừa xe đò, vừa "xe trâu" xuôi ngược thăm Ba trong các trại tù từ Bắc vô Nam mười năm trời đằng đẵng không bao giờ nhòa trong ký ức tụi con. Không có Mẹ, tụi con không thể lớn nổi thành người như hôm nay"


Xin cầu mong Mẹ có những ngày tuổi già luôn được thân tâm an lạc, bù lại những năm tháng nhọc nhằn sau tháng 4 năm 1975.


Nguyễn Trần Diệu Hương

Đầu tháng 5/ 2020


31 Tháng Giêng 2011(Xem: 130478)
Anh biết không? Hương vị Tết bên này chỉ mới vừa phảng phất đôi chút chưa kịp đọng lại thì đã bay biến đi đâu mất rồi...
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 114417)
Sau khi công việc xong, nhóm thường ghé quán bún riêu gần nhà Tùng để cùng chung vui. Từ đó hình thành Nhóm Bún Riêu
19 Tháng Giêng 2011(Xem: 126933)
Cám ơn và hẹn gặp lại các thân hữu nhé ! Mây trắng ngang trời đã quay về và sẽ quay về nữa… , rồi mây trắng lại bay đi…
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 138449)
Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn...
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 128435)
Đối với tôi, môn học nào với thầy – cô nào lại không để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng của một người học trò.
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 128679)
Hôm nay lại dự tiệc nhà anh chi Kiệt Chung, ngoài Thầy Cô và bè bạn lại có sự tham dự số đông đồng hương Biên Hòa và thân hữu.
31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 120659)
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng , tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 110210)
Cảm giác mỗi mùa Giáng Sinh tuyệt vời đến nỗi tôi tưởng như mỗi năm một lần, mình lại là đứa trẻ thơ mới lên tám tuổi, hình ảnh con búp bê tật nguyền lại chập chờn trở lại trong trí nhớ, y như năm nào tôi còn bế nó trên tay.
18 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 136713)
Ngày xưa ấy tôi và các bạn còn rất trẻ, hầu hết các Thầy Cô cũng rất trẻ. Ngày xưa ấy cách nay hơn năm mươi năm. Tuổi học trò, thời thơ mộng, thời gian đẹp nhất của con người nay còn đâu.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105527)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 112024)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 82196)
Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy.
27 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124349)
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương Ngày xanh tươi trẻ đến trường Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
26 Tháng Mười Một 2010(Xem: 96308)
Có dịp nào gặp lại bạn bè cùng lớp ngày xưa....ngồi bên nhau nhắc nhở về những kỷ niệm của Ngày xưa thân ái....bên ly cà phê,ly bia....thì vui biết chừng nào ! Một thời học sinh trong sáng....nhiều mộng mơ....nhiều ước vọng....dã qua....!
22 Tháng Mười Một 2010(Xem: 86416)
...Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Pháp văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa,
13 Tháng Mười Một 2010(Xem: 82759)
Nhưng trong buổi chiều buồn hôm nay, bên đường vắng, trong cái nghĩa trang hiu quạnh, ông đã rơi lệ chỉ vì… tiếc thương vĩnh biệt Ly Ly!
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 116838)
Huỳnh văn Huê vào đệ thất Ngô Quyền năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa…
28 Tháng Mười 2010(Xem: 95606)
Và hạt giống thương yêu lan nhanh, phát tán xa hơn, vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, mọi khác biệt cùa màu da…
27 Tháng Mười 2010(Xem: 281111)
... để thấy mùa Thu năm nay khởi sắc, lãng mạn và nồng ấm hơn bao giờ hết với đất trời vàng ươm màu áo mới và lòng người như vương vấn chút heo may... Xin bấm vào tựa bài muốn đọc:
29 Tháng Chín 2010(Xem: 123997)
Cầu mong Cô đi an bình, thanh thản. CHS NQ khóa 15, 16 và 17 luôn nhớ đến Cô