Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - VỀ LẠI HÓA AN

09 Tháng Ba 20206:08 CH(Xem: 13393)
Nguyễn thị Thêm - VỀ LẠI HÓA AN
Về Lại Hóa An 2

 

Sáng sớm, con nhỏ bạn gọi tôi:

- Ê! Mấy giờ qua Hóa An?

-9 giờ sáng. Mày qua đi, tao đã sẳn sàng.

- Ờ! Chờ tao.

Chỉ độ chưa đầy 30 phút chiếc taxi đã ngừng ngaytrước cửa nhà. Nhỏ Yến bước xuống cười tươi như hoa:

-Welcome mày về nước.

Thế rồi hai đứa ôm nhau thắm thiết, mừng ngày gặp lại . Có gần 9 năm hai đứa bạn già mới gặp lại nhau. Yến cũng già, mặt đã nổi lên những đốm đồi mồi. Còn tôi cũng chẳng trẻ trung gì, những dấu chân chim hiện lên ngang dọc. Chúng tôi là hai đứa bạn thân chung lớp Nhất ngày xửa ngày xưa. Cùng lên trung học, cùng học chung sư phạm và cùng làm cô giáo. 62 năm,  chúng tôi coi nhau như ruột thịt. Khoảng cách địa lý và thời gian không chia cắt được tình bạn của chúng tôi.

Hôm nay tôi sẽ về Hóa An để cùng gia đình anh tôi về Long Thành giỗ cha. Nhỏ Yến cũng về với tôi bởi vì tôi không có thời gian để đi chơi với nó. Tôi ở Sài gon nhà người cháu chồng. Cháu có xe nhà và hôm nay Phương chở chúng tôi về Hóa An Biên Hòa.

 

Xe ra khỏi khu xóm, len lỏi trong dòng xe đông đúc. Tôi không thể nhìn ra tên những con đường vì thay đổi quá nhiều. Trong khi hai đứa tôi say sưa với những câu chuyện đầu voi đuôi chuột, nhớ tới đâu kể tới đó vui như Tết thì Phương đã ra đường cao tốc để trực chỉ Biên Hòa.

-Cô ơi! Hóa An có hai cầu đó cô. Cô đi ở cầu phía dưới nha.

Bây giờ tôi không còn còn phải qua đò Hóa An để về nhà anh tôi. Con sông Đồng Nai vẫn đó, dòng sông quê hương của tôi, con sông nhiều kỷ niệm. Tôi nhướn người lên, mở máy chụp hình và quay phim. Nhưng luồng xe chạy khiến tôi không vừa ý với những gì mình ghi nhận. 
IMG_3062

 

-Qua khỏi cầu rồi mình quẹo phải hay trái đây mợ?

Cha cha, cái này mà hỏi tôi thì chỉ có lạc đường mà thôi. Cảnh vật thay đổi mỗi ngày. Tôi đã bao nhiêu năm không về, như Từ Thức về làng thì biết đâu mà trả lời. Tôi Alô hỏi đứa cháu, và  trao phone lại cho Phương để đi theo hướng dẫn.

Phương đã quẹo lộn đường, đành lên cầu trở lại một lần nữa. Thế nhưng quẹo đúng đường rồi mà sao đi hoài không tới. Lại Alô đứa cháu. Xe ngừng lại bên đường, nói địa điểm đang đậu và đứa cháu xác định vị trí để chỉ lối ra. Phương trở đầu xe và đi vào đúng ngõ đã dặn.

Đúng là con đường này, nhưng sao tôi không nhận ra nhà anh tôi. Tôi bảo cháu chạy chầm chậm để Mợ tìm nhà, Thế nhưng xe chạy đến cuối đường mà tôi vẫn không biết nhà anh tôi nằm ở đâu. Một nhà hàng Hải sản rất rộng xinh đẹp nằm dài chận ngang. Xe dừng, mấy cô tiếp viên bước ra chào và mời vào quán. Tôi xin lỗi nói đang tìm nhà người quen.

Kỳ lạ! Đây là đường xuống sông Đồng Nai, mà giờ đây sông đâu không thấy. Tôi nhớ ngày xưa buổi chiều mấy cô cháu ra đây, các cháu nhảy xuống sông tung tăng, cô không biết lội đành ngồi trên bờ ngó xuống. Lần về VN trước, tôi đã đau lòng khi thấy những chiếc xe tải nối đuôi nhau xuống bến lấy cát, dưới sông những ghe, những xà lan khuấy đục đã dòng sông yêu thương. Bây giờ đường ra con sông không còn. Nghe như có ai chạm vào trái tim thổn thức.

Lại Alô đứa cháu.

-Trang ơi! Cô tới cuối đường. Là quán Hải Sản, nhà ở chỗ nào?

-Cô ơi! lố nhà của má con rồi. Cô trở lại đi, má con sẽ đứng đón cô.

Xe trở đầu, chỉ cách vài cái nhà, chị dâu tôi đang đứng lóng ngóng nhìn ra. Chị không thay đổi mấy, nụ cười hiền hậu tươi sáng trên gương mặt. Hai chị em ôm nhau mừng tủi. Chúng tôi không có khoảng cách chị dâu em chồng. Sự gian khó và chịu đựng đã kết chúng tôi lại để sống còn và vươn lên.

Gia đình 5 người chỉ có tôi là con gái. Các anh yêu thương em gái nên tôi được lòng tất cả chị dâu. Tôi không có chị nên trong tôi, những bà chị dâu đều là các chị của mình. Mỗi bà chị đều là những người phụ nữ VN gương mẫu. Tận tụy với chồng, cực khổ với con, giúp chồng vượt qua những khó khăn trong những giai đoạn cam go, khó khăn nhất.

Thật lòng nếu các chị dâu tôi yếu đuối thì gia đình các anh tôi sẽ không được như bây giờ. Tôi rất trân trọng và kính mến các chị dâu tôi. Đàn bà bao giờ cũng bị thiệt thòi, luôn cam chịu và nhẫn nại. Các anh tôi đều lần lượt qua đời sớm, có lẽ vì các anh uống rượu quá nhiều. Về lại quê hương, mấy chị em nhìn nhau chỉ để khóc. Chúng tôi đều là những người vợ mất đi phân nửa cuộc đời của mình. Những người đàn bà góa lại càng gần gũi nhau hơn.

Tôi vào nhà! Uống ly nước chị pha và xin đốt hương trên bàn thờ. Hình ba má và anh tôi được chị trang trọng thờ trên đó. Tôi đốt nhang và khấn lâm râm.

Ba tôi, một vị tăng già đã quy y cửa Phật. Anh tôi đã đem ba tôi về ngôi nhà này săn sóc những lúc bệnh nặng để khỏi làm phiền vị trụ trì và các vị tăng sĩ trong chùa. Cháu tôi mỗi ngày đến khám cho nội, vô nước biển và cho nội uống thuốc. Cháu cố mỗi ngày đi học ghé thưa ông cố một tiếng rồi mới tới trường. Bây giờ các cháu cố của ba tôi đều trưởng thành, đã đi làm và sắp thành gia thất.

Anh chị tôi đã tận tụy cho cho ba tôi từng bửa ăn, giấc ngủ. Người tu không ăn thịt, sức khỏe sa sút nặng nề. Một lần anh tôi lén nấu thịt với rau cải để làm soup cho ba tôi dùng cho có chất bổ. Nhưng không ngờ ba tôi ngửi mùi biết được, nhất quyết đòi về chùa. Anh tôi năn nỉ mãi ba tôi mới chịu tha lỗi. Từ đó anh không dám trái ý ba tôi,  làm phạm giới người tu hành.

Ba tôi mất tại chùa trong tiếng niệm kinh của rất nhiều chư tăng. Vì là trưởng lão được mọi người yêu thương, nên thầy trụ trì cho xây tháp và an táng ba tôi tại chùa.

IMG_5532

Hình má tôi, bà đang nhìn xuống cười cười. Nhớ ngày sau 75 gian khổ. Anh chị tôi nghèo lắm. Cả nhà bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, làm ruộng theo mùa, trồng rau cải trên đất thổ để sống. Anh tôi đen thùi, ốm nhom. Chị tôi dung nhan xơ xác. Nhà trồng hành, trồng rau, bắp cải, bạc hà bỏ mối cho các bạn hàng rau ở chợ Biên Hòa. Có chỗ nước tưới có máy bôm, có chỗ phải gánh nước tưới hàng ngày.

Đất đai, phân bón gánh gánh, bưng bưng, vất vả từ sáng tới tối. Mừng khi những bắp cải trồng giáp Tết no tròn mập mạp. Có năm bán được giá mua cho con được vài bộ đồ, mua thêm phân bón dự trữ. Có năm bắp cải xuống giá, cả nhà mặt mày buồn so. Coi như thất thu ngày Tết. Cả nhà ăn độn bắp cải chắm nước mắm kho quẹt. Có một năm anh tôi phải về nhà do ba tôi trở bệnh, kẻ trộm vào nhổ cả đám bắp cải tới vụ. Sáng ra nhìn đám đất trống không, chỉ biết kêu trời. Có lần chúng lấy cắp cả máy bôm nước. Anh tôi phải vay mượn tiền để mua cái mới. Bởi vì trồng rau mà nước không đủ thì lấy gì thu hoạch. Cái khó, cái nghèo bó chân, bó cẵng. Anh chị tôi đành cất chòi ở hẳn trong khu đất thổ để giữ vườn.

Cháu tôi từ lớn tới nhỏ đều phải làm việc. Giẫy cỏ, bón phân, tưới nước. Buổi chiều cả nhà phải lo hái khổ hoa, dưa leo, cắt rau, nhổ hành... Lặt tỉa, rửa cho sạch đất, chăm chút cho đẹp mắt để mai giao cho bạn hàng. Ớt, bạc hà, rau sống...thứ nào cũng đòi hỏi phải bỏ công thật nhiều mới kiếm được đồng tiền. Nhà vườn trồng hoa màu cho tươi tốt nhưng thật ra ăn toàn những thứ bị lỗi loại ra. Còn thứ tốt nhất, ngon nhất đem bán lấy tiền.

Sáng sớm cháu gái tôi phải dậy sớm đi giao rau cải ở chợ rồi mới về đi học. Con nhà nghèo cái gì cũng làm, con gì cũng không sợ. Con gái mà dạn lắm, cắc ké, rắn, rùa, ba ba, lươn, cóc, ếch ...gì cũng bắt làm thịt. Mỗi khi tôi tới thăm, nhìn anh chị, các cháu mà xót dù mình cũng chẳng sung sướng gì.

Má tôi mỗi lần đi thăm anh tôi về đều khóc. Bà thương con mà hoàn cảnh cả nước biết phải làm sao. Bây giờ mỗi khi nhắc tới bà nội, cháu tôi đứa nào cũng rưng rưng. Chúng kể:" Nhà nghèo, chòi cất ngoài thổ sơ sài để giữ rau, chống trộm. Tối nội ngủ lại, muỗi cắn nội đỏ cả tay. Con bò cột bên vách bị mòng cắn cà vào cột nhà để gãi. Chòi lắc lư bà nội sợ sập không dám ngủ thức cả đêm. Thương nội thật nhiều.

Anh tôi dù nghèo nhưng quyết tâm cho con học để có tương lai. Ai cũng nói:" Nhà không có ăn, cho tụi nó đi làm để phụ một tay. Tiền đâu mà lo cho chúng đi học.

Thế nhưng anh tôi dạy con phải trì chí tiến thân. Nghèo thế mấy cũng phải học. Nhịn đói cũng phải ráng học. Tài sản, tiền bạc có thể bị chiếm đoạt, nhưng kiến thức mình không ai cướp được.

Về đây, nhìn lên bàn thờ anh tôi. Cám ơn anh đã có cái nhìn thấu đáo để các cháu tôi có chút vốn liếng chữ nghĩa vươn lên trong cuộc sống.

Bây giờ các cháu tôi đều đã ổn định, nhà cửa khang trang, công việc làm tốt. Ngồi với nhau bên mâm cơm đoàn tụ, các cháu nhắc chuyện xưa ngậm ngùi thương cha. Vì khi các cháu có cuộc sống tốt đẹp như thế này thì cha đã khuất núi.

Về lại Hóa An, cách cháu tôi đã trưởng thành, con cái đầy đủ. Tôi ngồi giữa bầy cháu gọi bằng bà cô mà tưởng như mơ. Chỉ vài năm nữa thôi có thể khi tôi về lại sẽ có cháu cố mà bồng. Thì ra mình đã già, già thật rồi, đã đến lúc thế hệ tiếp nối đi trên đoạn đường mình đã trải qua.

 

Ngày nào cứ lo cho cháu thế này thế khác. Bây giờ về đây, một bầy cháu lo cho tôi không thiếu thứ gì. Đứa cháu trai lớn lái xe đi chợ đích thân xuống bếp nấu bửa ăn đặc biệt đãi cô. Đứa cháu trai kế hỏi ngày mai cô muốn ăn gì, tới phiên con nấu. Thế là hôm sau nó bưng lên một mâm nóng hôi hổi ngon lành. Mấy đứa cháu gái dẫn cô đi massage, làm mặt cho khỏe sau chuyến bay dài.  Đi thăm "Văn Miếu Trấn Biên", vườn bưởi Tân Triều, thưởng thức những món ngon nhà vườn, du lịch miền Tây sông nước. Biết tôi thích trái cây, ngày nào cũng mua về những trái cây thật ngon cho tôi và Yến ăn.

                                                                                 VĂN MIẾU TRẤN BIÊN.
IMG_5594
                                                                   THĂM LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU
IMG_5608

 

 IMG_5614

                                                                                      MƯỚP DÀI NHƯ CON RẮN

IMG_5597

                                                                                  THĂM CÙ LAO PHỤNG.

IMG_3283


IMG_6655

 

IMG_3291

 

Mỗi ngày, cháu rễ dậy sớm mua đồ ăn điểm tâm để sẵn trước khi đi làm. Tôi thích cùng chị dâu đi chợ Hóa An buổi sáng. Chợ rất gần nhà đi bộ một đổi là tới. Người bán đều là bà con, họ hàng quen biết với chị dâu tôi. Chợ chỉ họp buổi sáng nhưng bán đủ các thức ăn. Có thịt cá, rau quả. Chị giới thiệu tôi với các bạn hàng với câu nói vui: "Đây là em chồng tui. Cổ lớn tuổi hơn tui nhưng phải kêu tui bằng chị đó nha"

- Cô Sáu ơi! Mua cá nè. Tươi lắm đó nha

-Dì Sáu mua thịt đi, thịt hôm nay ngon lắm đó.

-Mua rau đi cô Sáu. Hôm nay cô nấu món gì để tui lấy cho.

Những câu chào mời thân thiết quê mình sao mà dễ thương. Khỏi trả giá, khỏi chọn lựa săm soi, chị dâu tôi chỉ cần chỉ con cá là họ cân làm sẳn và tính tiền. Thịt, rau cũng vậy. Chợ trong xóm chỉ họp buổi sáng nên bạn hàng không lấy về nhiều, chỉ cần thức ăn tươi đủ một buổi chợ cho cả xóm dùng là tan. Tới trưa đi ngang chỉ là một bãi đất trống.

Có một cô bán xôi và cơm rượu thật ngon, tôi ăn một lần rồi thì ngày nào ở lại tôi cũng tới mua.

Có một chị bán bưởi chắc cũng bà con quen biết. Bưởi trái thật to mà giá cả phải chẳng. Chị tôi chỉ tới lựa rồi con rễ đem xe tới mang về. Hôm sau lấy tiếp trả tiền luôn.


Một buổi sáng, tôi và Yến hai đứa dậy sớm rũ nhau đi chợ. Hai đứa tính đổi món đi ăn bánh mì. Quán đối diện chợ bán bánh mì trứng, chả, xíu mại, thịt gà. Ngoài ra còn bán thịt bò kho và vài món khác. Hai đứa gọi hai ổ bánh mì, trứng ốp la và xíu mại.

Ở đây trứng được làm liền trong một cái chảo nhỏ xíu dễ thương. Xíu mại có nước còn nóng hổi. Hai đứa ăn xong tôi ra trả tiền. Đưa tờ 100.000$ và người chủ quán thối lại. Tôi cũng chẳng xem, bỏ vào túi áo và hai đứa la cà tìm đường xuống bến sông Đồng Nai chơi. Tất cả những ngõ rẻ xuống sông đều được bít kín bởi nhà dân và nhà hàng. Hai đứa tìm hoài cũng không có một con đường nhỏ nào ra bờ sông. Chó cứ châu vào mà sủa hai bà già lang thang.

Thất vọng hai đứa đi về. Thấy một bà đạp xe đạp bán bắp nấu tôi kêu lại mua. Bởi vì bắp nếp VN rất ngon. dẽo và ngọt khác với bắp Mỹ nên tôi mê lắm. Thò tay vào túi lấy tiền trả. Tôi ngạc nhiên thấy có tờ 100.000$ trong xấp tiền thối lại. Thì ra người chủ tiệm bánh mì đã thối lộn. Tôi về nói với chị dâu và gửi tiền nhờ chị có đi ngang trả lại dùm. Chị nói tiệm đó cũng bà con của chị. Hôm sau chị trả tiền lại, người chủ ngạc nhiên và cám ơn rối rít.

 

Tôi từ giả Hóa An buổi chiều ngày 22 tháng chạp để chuẩn bị hành trang đi Hà Nội. Cháu tôi chở tôi qua cầu Hóa An để trở về Sài gòn. Sông Đồng Nai vẫn lặng lẽ trôi, những thanh sắt cầu chạy lùi cuốn hút về phía sau như mọi thứ đều trở vể dĩ vãng. Ngày xưa qua đò Hóa An tôi còn rất trẻ. Bây giờ tuổi đã thất tuần, tôi qua con sông Đồng Nai bằng xe hơi không còn sợ chóng mặt. Nhưng sao tôi vẫn nhớ con đò và những tình cảm tôi trao cho nó. Những tà áo trắng học trò, những giọng nói, tiếng cười trong trẻo của các nữ sinh đi học về. Những bạn hàng đi chợ Biên Hòa với quang gánh và thức ăn. Một hình ảnh quê nghèo dễ thương dân giả.

Tạm biệt Hóa An, tôi không biết mình còn có dịp trở về thăm. Tôi coi như đây là lần cuối trở về. Tình cảm dành cho Biên Hòa vẫn tràn đầy trong tôi. Con sông Đồng Nai quê hương của Mẹ tôi mãi mãi trong trái tim xa xứ.

Hóa An không là nhà nhưng Hóa An gói ghém nhiều kỷ niệm yêu thương. Một phần đời anh tôi gắn liền với nó. Các cháu tôi sinh ra và lớn lên ở nơi này. Cuộc sống và tương lai chúng gắn liền với Hóa An. Một cái tên thật bình dị và dễ gọi.

Hóa An vẫn hiện hữu trong tôi mỗi khi nhắc đến quê hương VN và xứ Bưởi Biên Hòa.

 

Nguyễn Thị Thêm.

 

 

20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 39666)
thiếu mặt Mai Trọng Ngãi nên ai cũng ngần ngại và từ chối xin dành lại năm sau. “Rượu ngon không có bạn hiền” cũng như sinh hoạt Ngô Quyền không có tiếng cười vui.
20 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 44977)
Mùa Xuân 2014 Giáp Ngọ lại sắp trở về cùng với nàng tiên áo trắng. Xin mời quí anh chị em cùng thân hữu hãy thưởng thức những mùa hoa cũ để đón chào ngày mới.
14 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38216)
Này các bạn, quý vị vừa học được một bài học… Bất kể những gì tôi vừa làm với tờ giấy bạc này, quý vị vẫn muốn nó như thường, bởi vì giá trị của nó không thay đổi, nó vẫn là 20 đô la.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 52613)
Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng.
13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38441)
Đi vào “Căn nhà ngói đỏ” là đi vào một Việt Nam đầy binh đao, ly tán, ngậm ngùi, hấp hối. Ở lại “Căn nhà ngói đỏ” là đối mặt với một quá khứ...
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38537)
(*Cảm tác từ bài thơ TẠ TÌNH của Tưởng Dung... em tặng chị...! )... xin hãy chỉ nốt cho em, bài học cách nào để uống viên thuốc thời gian, cho em buông lơi được, cho em quên được, cho em chết mất được một nửa trái tim mình đã thuộc về anh...
07 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 46149)
Tình của Cu Bưởi lại khác, vẫn treo lưng lửng giữa chừng, kết thúc cũng được, gọi tồn tại cũng chẳng sai. Cái di chứng của mối tình đầu còn ảnh hưởng anh ta đến tận bây giờ.
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 42943)
*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: GIÒNG SÔNG TÔI VÀ EM - Nhạc và Lời Phạm Chinh Đông - Tác giả trình bày
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48985)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43371)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48722)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53340)
Viết về anh cũng như tôi đang nhớ tới những kỷ niệm đầu tiên của tôi với cây bút. Bài viết ngắn này cũng ngắn ngủi như mối giao tình (chưa hề gặp mặt nhau) của hai anh em mình...
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 46453)
Con gái Ba đây chỉ muốn nói với Ba lòng biết ơn Ba đã nuôi dạy con khôn lớn, đã yêu con bằng tình yêu không điều kiện, đã để lại cho con một di sản tinh thần vô cùng quí báu.
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38649)
Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt, những người đi làm xa nhà đều trông đợi vào ngày này để cùng về nhà xum họp, quây quần bên bữa cơm gia đình.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 40722)
Tôi lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa từng ngõ ngách... tôi sắp xếp lại đời tôi từng góc cạnh... và bắt gặp mình vẫn miên man mong nhớ, mân mê từng mảnh kỷ niệm… thật chẳng muốn buông tay... thật không nỡ rời xa.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50612)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41457)
Nếu tôi phải làm một tuyển tập những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại sau năm 1975, trong số các tác phẩm được chọn, nhất định phải có truyện ngắn “Tự truyện một người vô tích sự” của Nguyễn Xuân Hoàng.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53881)
Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày.
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 55622)
Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39665)
Riêng Nguyễn Thế Hùng, đây là lần gặp lại sau 43 năm, khi bè bạn rời ghế học của trường trung học Ngô Quyền, để bước chân vào giảng đường đại học.