Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - MÙA THU CHƯA TRỞ LẠI

13 Tháng Mười 20196:00 CH(Xem: 14662)
Nguyễn Thị Thêm - MÙA THU CHƯA TRỞ LẠI
Mùa Thu Chưa Trở Lại NTT

 


Khi trong diễn đàn Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông của tôi rộn ràng làm thơ về Sắc Màu Mùa Thu đầy thi vị và quyến rũ thì nơi tôi ở mùa hè vẫn còn ngự trị.

Khi các bạn tôi trao nhau những bài thơ thật hay, những hình ảnh thu vàng thay lá. Những hàng cây xanh đỏ tím vàng. Những ngọn đồi thơ mộng có nai vàng ngơ ngác. Những con đường tuyệt đẹp đủ sắc màu chạy dài ngút tầm mắt. Tôi thèm thuồng nhìn ra sân nắng. Lòng tự hỏi : Mùa Thu ơi! Em ở đâu rồi?


Nơi đây Thu chưa đến
Lá vẫn còn xanh um
Con đường vắng người tình
Đi không hề trở lại.

Mùa hè Cali nắng trên 100 độ. Cái nắng khủng khiếp của vùng đất gần sa mạc. Sân cỏ sắp bị cháy vàng. Chỉ một khoảnh cỏ ở sân trước thôi mà cũng không thể nào cho nó tươi tốt ngước mặt nhìn đời.

Thời tiết cứ như một người đàn bà đổi tánh trở nên hung dữ, lúc nào cũng có thể nỗi giận và la hét. Buổi sáng ra sân sau tưới nước cho những cây trồng và những chậu  hoa. Buổi trưa nhìn nó phơi mình dưới sức nóng sa mạc tội nghiệp hết sức. Căn nhà sân sau nhỏ tí xíu. Dạo trước nơi đây trồng cỏ, cỏ chịu nắng không nỗi cháy xém xác xơ. Công ty nước ấn định lượng nước tiêu dùng giới hạn nên không dám tưới thường xuyên. Thế là sân sau bị trải đá sỏi hết cho khỏi tưới. Dưới cái nắng nóng chang chang gần núi, nhìn ra sân sau sỏi, đá bàng bạc một vùng thương thớ. Núi bao bọc vây quanh chập chùng nếp gấp. Sau dãy núi đó là gì:  biển, quê hương, nhà cửa hay những hoài niệm cố hương?

Sao nơi đây nhìn đâu cũng thấy núi. Khu nhà như bị núi vây bốn bên. Cảm giác con người mình co cụm lại. Thời tiết có lẽ cũng vì vậy khắc nghiệt hơn. Cái nóng như sự bộc phát giận dữ của không gian bị giam cầm. Tôi đã đi qua những con đường, con đường trải rộng mút tầm mắt. Con đường bao bọc bởi rừng và cây xanh. Con đường thênh thang không có lấy một ngọn núi nào. Đi qua những con đường đó tâm hồn mình nhẹ nhàng thanh thoát. Nó như gợi cho tôi một niềm vui, một sự gắn bó với thiên nhiên. Một tình cảm trao ra bình dị, hài hòa thân thương. Con người nơi ấy chắc hiền hòa, cởi mở và hiếu khách.

Tôi đi máy bay thích ngồi ngay cửa sổ. Mỗi khi máy bay hạ cánh lòng lại lâng lâng rộn rã niềm vui. Tôi thường chụp hình cảnh vật qua khung cửa nhỏ đó. Khi về lại Cali cũng vậy. Tôi nôn nao "Home Sweet Home". Nhưng lần nào cũng thế, khi máy bay về gần tới phi trường LAX hay phi trường Ontario tôi lại ngậm ngùi thương quá Cali. Bởi vì sau màn cửa kính máy bay là đồi núi chập chùng, núi tiếp núi trắng xóa một màu. Vùng đất  khô khan thiếu nước, thiếu màu xanh của cây cối, sông ngòi tươi mát.

 

Mấy hôm nay trời có dịu nắng. Buổi sáng ra tập thể dục, gió  se lạnh sao mà yêu thế này. Tôi hít thật sâu hương thơm buổi mai. Tôi lật tung mấy tấm vải che nắng cho cây thì thầm với chúng: "Hết nóng rồi các con. Mùa Thu sắp về". Bạn có tin rằng cây cối có những tần số hiểu được con người. Chúng biết lắng nghe, chúng biết thay đổi.

Có dạo em dâu tôi hăm he một cây cam trồng mấy năm không ra trái, hẹn với nó mùa tới không có trái sẽ chặt không thương tiếc. Thế là năm đó cây ra trái và xum xuê tới bây giờ. Tôi cũng đã giận dỗi nói chuyện với một chậu quỳnh chẳng hề ra hoa. Thế rồi sau đó quỳnh cũng cho tôi mấy cành thật đẹp. Mấy năm nay em tôi trồng một cây bưởi ổi. Chăm chút thế nào cũng chẳng có một trái để chưng. Em tôi tính đào lên bỏ trồng cây khác. Nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Hẹn với nó sang năm sẽ tính tội. Năm nay cây có 6 trái bưởi to đùng nằm khuất trong lá. Khi ngắm nghía dàn thanh long em tôi đã vô tình phát hiện ra. Thì ra cây bưởi cũng biết nghe lời. Cũng biết sợ.

Cho nên đừng tưởng cây cối vô tình. Gió thoảng mây trôi, vạn vật vô tri, tình người bạc bẽo. Hãy yêu thương tất cả, năng lương tình yêu và nhân ái sẽ cảm hóa mọi vật, mọi người. Tôi thương lắm và rất xót cho cây nằm phơi mình dưới sức nóng trên dưới 100 độ thế này.

 

Buổi sáng thức dậy, xuống nhà nhìn ra sân sau, gió thổi phần phật. Cơn gió Santa Ana đang thổi về đây mãnh liệt. Những cành cây cong mình dưới sức gió. Trời khô khan không dễ chịu chút nào. Mọi thứ như đang báo hiệu một sự bất thường. Cầu mong đừng có một cơn bão lửa, một đám cháy rừng kinh khiếp như năm vừa rồi.

Gió cuốn mọi thứ, gió thổi tung mọi thứ. Gió khô khan, gió đang giận dữ.

Chậu hoa trang trí trên cao, bị lật nhào, rớt xuống nền đá bể toang. Những nhánh hoa lăn vòng vòng theo gió cuốn.

Gió nóng và khô đang kéo vào miền Nam Cali chúng tôi. Cường độ gió Santa Ana thổi mạnh sẽ làm ngã cây cối. Dây điện sẽ tiếp xúc với cây cỏ khô và sẽ có hỏa hoạn. Sự thiệt hại khôn lường

Con dâu tôi từ San Diego gọi về, hỏi nơi má ở có bị cúp điện hay không? Con đã đi mua nước và chuẩn bị mọi thứ khi tình hình xấu nhất có thể xảy ra. Nơi tôi cũng được đặt trong tình trạng báo động đó.

Công ty điện Southern California Edison cảnh cáo rằng họ có thể cúp điện đối với gần 174,000 khách hàng tại 9 quận, gồm cả Los Angeles.

Tôi theo dõi trên báo online Thì từ hôm Thứ Tư, PG&E đã cúp điện khoảng 600,000 khách hàng tại Vùng Vịnh San Francisco -- nơi mà gió giựt tới 70 dặm một giờ vào sáng Thứ Năm -- cũng như khu vực làm rượu ở phía bắc San Francisco, Thung Lũng Nông Nghiệp Miền Trung và dãy núi Sierra Nevada. Nơi mà vụ cháy rừng vào tháng 11 năm ngoái đã cho rằng các đường dây điện của PG&E đã giết chết nhiều người và thiêu hủy toàn bộ thị trấn Paradise.

Sự lo sợ của mọi người đã thành sự thật. Một đám cháy đã bùng lên lúc khoảng 9 giờ tối  ở Los Angeles do gió Santa Ana gây ra. Đám cháy dọc theo xa lộ 210 tràn lên mặt đường. Lửa cũng vượt xa lộ 5. Khói mù mịt cho nên một số xa lộ phải tạm thời đóng lại. Đám cháy Saddleridge, vốn khởi sự ở Sylmar, đã thiêu rụi hơn 4,600 mẫu, tính tới 3 giờ sáng ngày Thứ Sáu.

Lệnh ban ra bắt buộc di tản ở khu vực Granda Hills, Porter Ranch và Oakridge Estates. Một số nhà bị cháy ở khu Granada Hills và Sở Cứu Hỏa Los Angeles nói một số nhà khác đang bị đe dọa.

Một đám cháy cũng xảy ra gần khu nhà mobile home ở Calimesa, nằm cách thành phố Los Angeles chừng 65 dặm (khoảng 104 km) về phía Đông, thiêu hủy mấy chục căn nhà nơi này.

Đó, bạn thấy không? Mùa thu chưa về mà mùa cháy đã đến. Gió mùa thu của tiểu bang khác đầy thi vị và nên thơ. Gió của miền Nam Cali của chúng tôi là ngọn gió Santa Ana thổi về nóng, khô và nguy hiểm.

Tại sao là gió Santa Ana mà không là một ngọn gió khác. Gió cũng có tên và cái tên rất quen thuộc mà bất cứ người VN nào cũng biết. Đó là tên một nơi đông người Việt Nam nhất. Mỗi khi cần đến vùng thủ đô của người Việt Tị Nạn Cộng Sản. Người hỏi: -Đi đâu? Người trả lời sẽ là:-Đi lên Santa Ana, hay Orange County hoặc Little Sài Gòn.

Vâng ba cái tên thân mật đó đã theo gót chân người Việt bay đến khắp nơi trên thế giới. Để mỗi năm vào những ngày lễ lớn, người Việt Nam lưu vong hẹn nhau về đây vui chơi và sum họp. Mùa đông tuyết lạnh lẽo người Việt về đây tìm nắng ấm Cali. Những người già yêu Cali vì khí hậu không quá khắc nghiệt. Người trẻ yêu Cali vì nơi đây ấm áp và có nhiều nơi để thăm viếng. Hội đoàn thích tổ chức họp mặt tại đây vì nơi này dường như là điểm hẹn. Little Sài Gòn, Santa Ana, Orange County ai muốn gọi thế nào cũng được, để nói một địa danh đầu tiên đặt cái mốc định cư thành công của người Việt tha hương tại Mỹ.

Miền Nam Cali có tiếng nhờ thức ăn ngon nhất. Phố sá đông vui do người Việt làm chủ. Nơi có nhiều người Việt thành công và góp mặt trên  thương trường và chính trường của Mỹ. Một nơi mà những người có tâm huyết với quê hương hướng về với sự tự hào. Nơi có tượng Trần Hưng Đạo, có đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, có nhiều thứ khởi đầu cho sự thành công, sự dấn thân và tinh thần yêu quê hương đất nước.

Gió mùa thu của miền Nam Cali chúng tôi chưa thực sự tới. Tôi đang chờ trời chuyển mùa để đem sự dịu mát thổi vào nơi đây. Để mỗi sáng tôi ra sân với chiếc áo khoác nhẹ nhàng hưởng sự mát lạnh khí trời. Để tôi có thể ngắm những chiếc lá đổi màu thật đẹp. Để tôi ung dung đi giữa hai hàng cây, chụp một tấm hình gửi cho con tôi ngoài đại dương mênh mông. "Con ơi! Cali mình đã vào thu". Để nhắc nhở cho con tôi biết mình đã đến nơi này tròn 28 năm. Vâng 28 năm thời gian thật nhanh để con tôi trưởng thành, để cháu tôi ra đời và cũng để chúng tôi mang hai lần vành khăn tang trắng.

 

Nơi này đã là quê hương của chúng tôi. 28 lần Xuân Hạ Thu Đông. 28 lần chúng tôi đón lễ Halloween, Thanks Giving, Christmas, Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán. Tôi đã vào ra rất nhiều lần những bệnh viện để đón những đứa cháu chào đời và tiễn mẹ chồng, tiễn chồng ra đi. Tôi đã nhận ở đất nước này, tiểu bang này vô vàn ân huệ. Cho nên tôi trân trọng những cái đẹp, nhận biết những cái xấu trong đời sống xã hội, chính trị, văn hóa lẫn thời tiết. Tất cả những điều đó làm nên một nước Mỹ giàu đẹp, tự do và hấp dẫn. Lôi cuốn mọi di dân trên thế giới. 

Tiểu bang chúng tôi ở rất khan hiếm nước, hay bị lắc lư do động đất, nạn cháy rừng thường xuyên. Nhưng nơi đây cũng thật an bình, tuyệt vời trong suy nghĩ của tôi. Đi chơi nơi đâu tôi cũng nhận ra một điều là ở Mỹ tuyệt vời nhất. Nhất là miền Nam Cali của chúng tôi. Cái nôi, mái nhà của những người Việt xa xứ.

Mùa thu sẽ về, mọi chướng ngại sẽ qua. Gió Santa Ana thổi về hàng năm không thể tránh, không thể cản cũng không thể thay đổi. Cái quan trọng là mình phải biết nó nguy hiểm mức độ nào để chuẩn bị đối phó với những tình huống  xấu nhất. Đời sống con người cũng vậy. Những khó khăn, trở ngại chỉ là luật tự nhiên của sự sống. Làm đúng, làm tròn trách nhiệm với tổ quốc, gia đình và bản thân mới là thế đứng mạnh nhất của một người có tâm trên cõi đời này.

Đừng lo! Mùa thu sẽ đến. Một mùa thu thật tuyệt vời cho những người biết sống biết yêu thiên nhiên và có một tấm lòng.

Nguyễn Thị Thêm.

 

23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1978)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2005)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1930)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1980)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2405)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2656)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2201)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2141)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2239)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2199)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2286)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1882)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5847)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 6170)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2340)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5470)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4133)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2660)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2652)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 3046)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi