Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - THƠ VỀ THƠ: Ở ĐÂU MỘT ÁNH MẮT ĐỂ CÓ NGÔN NGỮ XANH?

15 Tháng Chín 201911:49 CH(Xem: 11240)
Tô Đăng Khoa - THƠ VỀ THƠ: Ở ĐÂU MỘT ÁNH MẮT ĐỂ CÓ NGÔN NGỮ XANH?

Tô Đăng Khoa
 
THƠ VỀ THƠ: Ở ĐÂU MỘT ÁNH MẮT ĐỂ CÓ NGÔN NGỮ XANH?
 


ngonguxanh

Đây tác phẩm thứ 12 của Nguyễn Thị Khánh Minh: Ngôn Ngữ Xanh. Độc giả trong những năm gần đây có lẽ không còn xa lạ gì với tên tuổi Nguyễn Thị Khánh Minh, người có sức sáng tạo rất sung mãn, gần như mỗi năm đều có một tác phẩm mới ra đời. Những tác phẩm gần đây của NTKM đã được độc giả đón tiếp rất nồng nhiệt như “Ký Ức của Bóng”, “Bóng Bay Gió Ơi”, “Lang Thang Nghìn Dặm”, và “Tản Văn Thi”.

Khác với các tác phẩm trước trong đó Khánh Minh chọn thể loại Thi, Tản Văn, hay là Tản Văn Thi để nói về các chủ đề khác nhau của Thi Ca như: Ký Ức, Bóng, Giấc Mơ, v.vv…  Lần này trở lại với độc giả qua tác phẩm Ngôn Ngữ Xanh, chủ đề được NTKM chọn lại chính là Thi Ca, hay nói cách khác, Chủ đề của Ngôn Ngữ Xanh là: Thơ về Thơ.

Gói ghém trong tập Ngôn Ngữ Xanh này là cái nhìn và quan niệm (rất riêng tư) của NTKM về Thi Ca.  Chính cái nhìn và quan niệm thi ca này là nguồn sáng tạo cho các tác phẩm trước đây của NTKM, lần đầu tiên sẽ được KM bày tỏ cùng độc giả qua tác phẩm Ngôn Ngữ Xanh.  Chính vì thế tập Ngôn Ngữ Xanh, mà thực chất là “Thơ về Thơ” không phải là một lối chơi chữ, vì suy cho cùng, chủ đề cao tột nhất của Thi Ca chính là Thi Ca.  Khi tác giả sáng tác những bài Thơ về Thơ, đó chính là Thi Ca đang thực hiện việc “Phản Quang Tự Kỷ” (1), hay trong tiếng Anh gọi là “metapoetry” (2).  “Phản quang tự kỷ” hay “metapoetry” chính là hình thức tư duy cao tột nhất, nó xô đẩy tư tưởng đi hoang đến những ranh giới chưa từng được khám phá. Nó đòi hỏi một thái độ thích hợp, “với tâm trạng vừa an lòng vừa rụt rè mạo hiểm, vừa háo hức như lúc nào cũng ở điểm bắt đầu”:

Quan niệm sáng tác này được Khánh Minh trân trọng đặt vấn đề nơi đầu tác phẩm Ngôn Ngữ Xanh:

 

Khi tôi lắp ráp những cảm xúc, những mảnh ký ức, những giấc mơ của mình, tôi ngỡ ngàng, một mảng xanh buồn rực rỡ lạ lẫm phập phồng, mỏng đến nỗi chỉ cần một ánh mắt cời khêu, nó sẽ bật tung những ẩn giấu… hẳn là đường bung của sắc ánh pha lê con sóng đang vỡ hoa. Cảm xúc sóng đẩy tôi đi. Đang đi đến một nơi nào đó với tâm trạng vừa an lòng vừa rụt rè mạo hiểm. Vừa háo hức như lúc nào cũng ở điểm bắt đầu… Ở đâu một ánh mắt?

Để có Ngôn Ngữ Xanh.

 

Nguyên liệu chính cho một thi phẩm chính là những cảm xúc (bao gồm cả quá khứ, hiện tại, và tương lai) những mảng ký ức, và những giấc mơ của chính tác giả. Chúng được Khánh Minh cụ thể hóa như những mảng xanh buồn rực rỡ, lạ lẫm, phập phồng trên biển tiềm thức và vô thức chuyển động càng bao la. Những mảng xanh cảm xúc đó rất mỏng, mỏng đến nỗi chỉ cần một “một ánh mắt cời khêu”, mà bản chất chính là một sự chú tâm quan sát rõ nội tâm, thì sẽ “bật tung những ẩn giấu… hẳn là đường bung của sắc ánh pha lê con sóng đang vỡ hoa.”

Câu hỏi “Ở đâu một ánh mắt?”  như bỏ lửng ngang chừng, nhưng đó chính là điều kiện cần thiết để làm “bật tung những ẩn giấu” trong tiềm thức và vô thức của người sáng tạo. Từ một “ánh mắt cời khêu” đó: những ý, những tứ, những con âm, con chữ, mới được phối trí, hòa âm, cho ngôn ngữ xanh tuôn tràn trên Thi Tập mà độc giả đang cầm trên tay.  Và cũng trong chính sự đọc này, cũng rất cần, cần lắm “một ánh mắt cời khêu nữa” để mở toang cánh cửa tâm hồn độc giả cho những ký tự quy ước, chảy vào tiềm thức của chính độc giả, làm lay động những ký ức ngủ quên để tạo nên một sự thông cảm, như mối dây huyền nhiệm liên kết người-với-người.  Ôi chao huyền nhiệm thay: tác dụng của Ngôn Ngữ Xanh!

Nhưng mà “Ở đâu một ánh mắt? --Để có ngôn ngữ xanh.” Câu hỏi thật sâu lắng, chứa chan niềm hy vọng, và cả vô vọng! Câu hỏi như đá tảng ngàn cân của sự cô đơn, kham nhẫn, và chờ đợi.

Thi Tập Ngôn Ngữ Xanh của NTKM, mà theo cảm nhận riêng của tôi là một tập Thơ về Thơ, khởi sự nhân duyên có lẽ từ câu hỏi đó: “Ở đâu một ánh mắt? - -Để có ngôn ngữ xanh.” Cấu trúc tập thơ gồm 3 phần: Phút Mong Manh Giữa Những Từ - Ký Ức Xanh - Ngôn Ngữ Xanh.

Trong phần 1, một câu hỏi lớn được Khánh Minh trích dẫn trong phút mong manh giữa những từ: “Why should poetry have to make sense?”  Câu hỏi này rất quan trọng vì nó phân định vai trò của ngôn ngữ Thi Ca nói riêng và ngôn ngữ sáng tạo nói chung.

Ngôn ngữ có hai chức năng chính: Chức năng sáng tạo và chức năng thực dụng quy ước. Trong đó chức năng quy ước đáp ứng nhu cầu giao tiếp thông tin hàng ngày. Mục tiêu của chức năng này của ngôn ngữ là sự chuẩn xác, minh bạch, rõ ràng, tránh hiểu lầm. Nó cần quy ước, văn phạm, logic.

Chức năng thực dụng (thuận theo quy ước đã được thiết lập trong ngôn ngữ) cần phải được phân biệt rõ ràng với một chức năng quan trọng khác của ngôn ngữ: chức năng sáng tạo.  Chức năng sáng tạo nhắm tới khai phóng, “bật tung ẩn giấu”, phơi bày sự thật bị che kín.  Trong tiếng Anh, động từ dành cho người sáng tạo khi họ cho ra đời một khái niệm hoàn toàn mới thì được gọi là “coin a new term” (in ra một thứ tiền tệ mới).

Chính vì thế, ngôn ngữ thực dụng quy ước, chỉ là sự sắp xếp cho có trật tự, những dấu hiệu, ký hiệu đã được thiết lập, đã được công nhận, cho nên chúng không có thẩm quyền gì trong lãnh vực sáng tạo: nó chỉ như là đồng bạc cũ trên tay một kẻ nghèo nàn. Trong khi đó kẻ sáng tạo là người tự cho ra đời một đồng tiền mới (coin a new term), và nếu như điều được sáng tạo ra là hoàn toàn mới, và phù hợp với thực tại, khái niệm mới đó sẽ được lưu hành trong ngôn ngữ hàng ngày (the new coin will be circulated)

Ngôn ngữ sáng tạo, vì thế khai phóng, giải thoát những cảm xúc, bị giam cầm trong tự thân, nó xua cảm xúc “bật tung những ẩn giấu… của sắc ánh pha lê con sóng đang vỡ hoa.”

“Cảm xúc sóng” đẩy người sáng tạo “đi đến một nơi nào đó với tâm trạng vừa an lòng vừa rụt rè mạo hiểm. Vừa háo hức như lúc nào cũng ở điểm bắt đầu".

 Nhìn trên phương diện “bật tung những ẩn giấu" này, ngôn ngữ của sáng tạo như là “sự phơi bày cái mới” khi so sánh với ngôn ngữ thực dụng quy ước vì trong cách thức khi được sử dụng, ngôn ngữ sáng tạo không bao giờ chỉ là những "danh từ chung" mà ai ai cũng biết. Ngôn ngữ sáng tạo bao giờ cũng mang tính ẩn dụ: là cầu nối nhịp giữa “cái biết” và “cái chưa biết”, là “viên tướng tiên phong” của tri thức nhân loại.  Chính vì lẽ đó, ngôn ngữ sáng tạo không cần tuân thủ theo quy ước truyền thống, không cần phải “make sense.”   Sự thành công của ngôn ngữ sáng tạo (a new coin) là: liệu nó có được chấp nhận và lưu hành (circulated) trong đời sống hàng ngày hay không? Khi được chấp nhận, lưu hành, ngôn ngữ sáng tạo sẽ trở thành một phần của ngôn ngữ quy ước.

Bước vào Ngôn Ngữ Xanh, là cùng tư duy với Khánh Minh, là cùng với Thi Ca xoay lại nhìn về Thi Ca, là “phản quang tự kỷ” làm “bật tung những ẩn giấu”. Nó đòi hỏi một “ánh mắt cời khêu”. Có thể trích ra đây một bài Thơ Về Thơ tiêu biểu trong tập Ngôn Ngữ Xanh này: Đó là bài có tựa đề chỉ có một chữ “Thơ”:

 

THƠ

1.

Nơi không gian thơ

Có thời gian cho lời đọng lại

Thầm thì đi. Bước chân đi mãi

 

Nơi bóng mát thơ

Khoảnh khắc chữ cho lời rơi xuống

Nghe lắng nghe. Quán tự tại yêu thương

 

Nơi lửa thơ

Những con chữ nhóm lời cháy đỏ

Thắp mặt trời cho những giấc mơ

 

Nơi biển thơ

Những con chữ bung lời nắng dậy

Đó là ban mai mỗi ngày được thấy

 

Bật lên triều xanh của lời

Chắp lên đôi cánh của lời

Bay xa bay xa. Trái tim của một người trao gửi

 

Bài thơ ngắn nhưng hàm súc cả triết lý về “metapoetry” của NTKM. Một bài thơ về thơ thật bình dị, dễ hiểu, nhưng sâu thẳm và rốt ráo. Nó cần lắm một “ánh mắt cời khêu” để:

Không gian, thời gian của Thi Ca được dàn ra vô biên vô tận cho những bước chân thầm thì đi mãi

Cho bóng mát Thi Ca rợp bóng Quán tự tại yêu thương

Cho lửa thơ thắp ánh mặt trời cho những giấc mơ

Cho biển thơ bung lời nắng dậy

Cho bay xa xa mãi, trái tim của một người trao gửi.

 

Ở đâu? Một ánh mắt—để có ngôn ngữ xanh???

 

TÔ ĐĂNG KHOA 

08/08/2019.

 

 

(1)    Đời nhà Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ được ngộ đạo. Cho nên vua Trần Thánh Tông gởi Thái tử Trần Khâm cho Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy đạo lý. Khi học hỏi gần xong sắp trở về triều, trước lúc từ giã Thái tử hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: "Bạch Thượng Sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì? ". Thượng Sĩ trả lời: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc". "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" có nghĩa xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được.

(2)    Metapoetry là một thuật ngữ chỉ định những bài thơ lấy Thi Ca là chủ đề của bài thơ.





PHỤ ĐÍNH:


Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

 

PR 09/10/2019

 

Trân trọng giới thiệu:

 

 

Ngôn Ngữ Xanh

Thơ @ Nguyễn Thị Khánh Minh

 

Tựa: Tô Đăng Khoa

Phụ lục, thơ văn của: Hồ Đình Nghiêm • Nguyễn Xuân Thiệp • Đinh Cường • Vũ Hoàng Thư • Đỗ Hồng Ngọc • Hoàng Xuân Sơn • Lê Giang Trần • Nguyễn Lương Vỵ • Đỗ Xuân Tê • Phan Tấn Hải • Trịnh Y Thư • Nguyễn Thị Thanh Lương

Tranh bìa @ Đinh Trường Chinh

Phụ bản @ Du Tử Lê

Thiết kế bìa: Đinh Trường Chinh

 

Văn Hc Press xuất bản, 9/2019

206 trang, giá bán $18.00

 

Tìm mua trên:

Barns & Noble

Search Keywords: Ngon ngu xanh

Hoặc bấm vào đường dẫn sau:

https://www.barnesandnoble.com/w/ngon-ngu-xanh-nguyen-thi-khanh-minh/1133413547?ean=9781078714891


NTK MinhTôi không biết Nguyễn Thị Khánh Minh đã chọn thi ca như một con chim cô quạnh, chọn rừng sâu để phủ dụ những vết thương thời thế ngược ngạo sớm tìm đến cô?

   Hay, thi ca đã tìm đến cô, như tìm đến một người tình? (Một người tình có đủ những yếu tính mà nó hằng mòn mỏi, kiếm. Trông.) 

   Tôi không biết.

   Có thể chính Nguyễn Thị Khánh Minh cũng không biết.

   Nhưng điều tôi biết được, cho đến ngày hôm nay thì, Thi CaNguyễn Thị Khánh Minh chính là một hôn phối lý tưởng. Mỗi phía đã tìm được nửa phần trái tim thất lạc của mình. Tôi gọi đó là một hôn phối lý tưởng vì, khởi tự cuộc phối ngẫu này, những con chữ ngồn ngộn chân, thiết đã ra đời.

   Những con chữ được sinh thành từ tình yêu Thi Ca / Nguyễn Thị Khánh Minh, khoác nơi tay những hình tượng mới mẻ. Hắt trên dặm trường nhân thế, những chiếc bóng lấp lánh thương yêu và, những nhịp chuyển, di đầy tách, thoát hôm qua.

   Dù cho đôi lúc, nghỉ chân nơi dọc đường gập ghềnh trí tuệ cam go, đôi bạn tình Thi Ca / Nguyễn Thị Khánh Minh chợt thấy, “Thương niềm đau từng mặc chữ long lanh…”

   … Chẳng những không vô tình trở lại con đường mình đã đi – Gặt, mót những vụ mùa đã cũ – Hoặc lai-tạo hoa, trái từ những đời cây đã được chỉ danh, Nguyễn Thị Khánh Minh còn đẩy thơ mình, tới những tình cờ mà, ở cõi đó, cô có thể  “Thản nhiên bóc ra từ tôi những giọt lệ.  Vì nơi đó, “Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc” (mà), “Chẳng phải bằng con ruồi giả – như người ta câu cá.”

   … Cũng thế, “Phút mong manh giữa những từ” của Nguyễn Thị Khánh Minh, ... tôi nghĩ chúng sẽ “mãi còn dư âm cái trườn mình của dòng chảy…”

   Một dòng chảy thơm ngát tài năng và trí tuệ.

   Một dòng chảy mênh mang trên mọi bế tắc loay hoay kiếm tìm những giả hình. Tôi nghĩ.

DU TỬ LÊ,

 

Thi tập Ngôn Ngữ Xanh của Nguyễn Thị Khánh Minh, mà theo cảm nhận riêng của tôi là một tập Thơ về Thơ, khởi sự nhân duyên có lẽ từ câu hỏi đó: “Ở đâu một ánh mắt? Để có ngôn ngữ xanh”. 

TÔ ĐĂNG KHOA

 

Ngoài tiên cô, ở đời sống này, tôi đồ chừng thi sĩ cũng ít nhiều tạo ra “quyền lực”, ở một chừng mực nào đó. Và thi sĩ nhắc nhở tới mầu xanh nhiều nhất, tôi e chỉ có một người nữ mang tên Nguyễn Thị Khánh Minh…

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

 

… Tôi nghe niềm hy vọng xanh và lời thầm thì giữa đêm, thoại. Rất nhiều thoại. Độc thoại, giao thoại, đồng thoại với cái bóng của chính cô. Giữa đêm huyền tan chảy.

VŨ HOÀNG THƯ

 

Tôi không tin Tản Văn Thi của Nguyễn Thị Khánh Minh là giấc mơ, huyền thoại, chiêm bao. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. “Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống”: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như “Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo... Tôi nghe tiếng còi tàu... ” (Kỷ Niệm, Phạm Duy).

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

Nguyễn Thị Khánh Minh có biệt tài chuyển những ý tưởng thay vì phát biểu bình dị về một biểu cảm, thành ra một câu chữ văn chương mượt mà tươi đẹp đầy thơ mộng, chan chứa nét lãng mạn trong sáng, không riêng về tản văn mà cả thi phú; nhưng tôi không đặt thơ Nguyễn Thị Khánh Minh vào trường phái Lãng Mạn, mà, tôi thích gọi là trường phái Thơ Mộng, mặc dù xuyên qua lịch sử thi ca chưa có trường phái nào gọi là Chủ Nghĩa Thơ Mộng cả.

LÊ GIANG TRẦN

 

… Đó là nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.

    Đó là những dòng thơ, có khi đọc tới, và rồi có những lúc tôi đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng.

   Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng.

   Nơi đó, thực với mộng không hề cách biệt.

PHAN TẤN HẢI

 

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, thi ngôn nền nã, sáng đẹp, thi tứ trữ tình, lãng mạn, đậm buồn, giàu thi ảnh, tràn đầy cảm xúc, và luôn luôn có những biến ảo lạ lùng trong ngôn ngữ khiến thơ như chắp cánh bay cao và bay xa trong những chiều kích khôn cùng.

TRỊNH Y THƯ

 

Trong tập thơ Ngôn Ngữ Xanh, Khánh Minh đã cho tôi thấy người làm thơ chỉ cho mình là thi sĩ khi đang viết những câu thơ – như danh nhân nào đó đã nói. Chỉ trong khoảnh khắc đó thi sĩ mới thực sống với thơ, và cảm nhận trọn vẹn trong sự lắng đọng của lòng mình và của cuộc đời.

NGUYỄN THỊ THANH LƯƠNG

 

 

12 Tháng Ba 2012(Xem: 256975)
Thơ Tưởng Dung - Nhạc Phạm Chinh Đông- Hòa Âm: Cao Ngọc Dung – Ca sĩ: Thùy An
10 Tháng Ba 2012(Xem: 156194)
Hiện giờ Adelaide đang là chớm thu. Để nhớ lại một mùa hè đã qua và để chào đón mùa thu, Hạnh Phạm xin được chia sẻ cảm xúc của mình ...
02 Tháng Ba 2012(Xem: 151989)
Có rất nhiều điều anh chị em tôi đã chia sẻ với nhau trong lần gặp gỡ này. Chia sẻ để cảm thấy gần gũi nhau hơn, thương mến nhau hơn ...
02 Tháng Ba 2012(Xem: 132405)
Đầu tuần vừa qua, tôi có nhận được tin nhắn do Nghiêm Thái Bình chuyển đến, với nội dung thông báo mời dự họp mặt cựu Hướng đạo sinh Biên Hòa, tổ chức vào sáng Chủ nhật 26/02/2012
01 Tháng Ba 2012(Xem: 122549)
Hơn 40 năm trước, Hắn rời trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa rất sớm. Vừa học xong lớp Đệ Lục, chưa qua tuổi 15 Hắn đã nuôi mộng giang hồ,
01 Tháng Ba 2012(Xem: 137764)
Tôi chỉ kịp nghĩ mình như chim non se sẻ, vừa chớm đủ lông đã phải chập chững vỗ cánh, rời tổ ấm và bay về cuối phương trời xa.
24 Tháng Hai 2012(Xem: 165514)
# Artist: Ngô Càn Chiếu # Composer: Ngô Càn Chiếu # Harmonist: Ngô Càn Chiếu # Lyricist: Ngô Càn Chiếu
24 Tháng Hai 2012(Xem: 137167)
Riêng tôi, cảm nhận sự vô thường trong nhân thế, cảm nhận cuộc đời sắc sắc không không. Thắp 3 nén hương cho ấm mộ bạn mình cũng ấm thêm tình bằng hữu.
22 Tháng Hai 2012(Xem: 151978)
Nét ngây thơ non trẻ của những học sinh Trung học Ngô Quyền Biên Hòa dạo nào được thay thế bằng nét chững chạc, từng trải theo năm tháng.
17 Tháng Hai 2012(Xem: 124630)
Ngày nay, dấu tích của mối tình có một không hai trong cung đình này vẫn còn lại dấu ấn là di tích chùa Đại Giác, nó còn gắn với câu chuyện tình đơn phương của nàng Công chúa nhà Nguyễn
15 Tháng Hai 2012(Xem: 142683)
Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải Ca Sĩ : Châu Thùy Dương
14 Tháng Hai 2012(Xem: 122250)
Nhờ sự bùng nổ của phương tiện truyền thông, nhờ trang Web ái hữu cựu học sinh Ngô Quyền, bạn bè chúng tôi lại tìm về với nhau.
10 Tháng Hai 2012(Xem: 132277)
Ngày nào cũng sang sông, cũng đưa đẩy mái chèo mà tôi không thấy chán. Vẫn thương da diết bến sông và con đò cũ kỹ.
10 Tháng Hai 2012(Xem: 151287)
Khi anh thức giấc thì căn phòng đã ngập bóng tối. Anh gần như lạc hướng ở biên giới giữa ngủ và thức. Không gian và thời gian trộn trạo, nhập nhòa.
10 Tháng Hai 2012(Xem: 147565)
* Artist: Ngô Càn Chiếu * Composer: Ngô Càn Chiếu * Harmonist: Ngô Càn Chiếu * Lyricist: Ngô Càn Chiếu
04 Tháng Hai 2012(Xem: 184791)
Gia đình chúng tôi rất cảm kích trước thư báo tang rất sớm của các Anh Chị trong Ban Chấp Hành, và những lời chia buồn chân tình của Quý Thầy Cô, và các bạn đồng môn trước sự ra đi của Thân Phụ chúng tôi.
04 Tháng Hai 2012(Xem: 129626)
Chuyện nội bộ chúng tôi cũng chỉ như giòng chảy của một nhánh sông nếu Đại gia đình Ngô Quyền như là biển lớn.
03 Tháng Hai 2012(Xem: 137932)
Có những người ra đi thoáng chốc đã đi vào quên lãng, nhưng cũng có người đi để lại tiếc thương và kính mến cho bao người.
03 Tháng Hai 2012(Xem: 152883)
Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông - Hòa Âm : Đỗ Hải - Ca Sĩ : Thanh Hoa
02 Tháng Hai 2012(Xem: 147809)
Phạm Phúc Hải ơi, đến bây giờ bạn mới thực sự hết khổ hết buồn. Những dòng này thay nén nhang tôi vĩnh biệt bạn!....