Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TIẾNG ĐÊM

28 Tháng Tư 20198:24 SA(Xem: 16816)
Nguyễn Thị Thêm - TIẾNG ĐÊM
Tiếng Đêm


 

 

Nghe như tiếng côn trùng khóc ngoài nghĩa địa. Những âm thanh của tiếng đêm thật khó chịu và dai dẵng. Nhắm mắt lắng nghe tiếng tim đập trong lồng ngực. Hít thật sâu, thở thật dài. Không nghĩ ngợi gì hết. Tâm chú ý tập trung ở ngay chỗ tiếp giáp giữa môi trên và mũi. Không nghe gì hết nghe chưa. Không chú ý hơi thở, không chú ý gì hết. Thả lỏng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng.

 

Nghe như có tiếng đại hồng chung ngân nga. Có dáng Sư Cô đang thư thả đi ra ngoài sân. Con chó chạy theo. Trời mùa này thật lạnh. Con chó đã được mặc một cái áo khoác che kín bộ lông vàng. Sư cô ngắm những chậu lan ngoài nhà khách. Bàn tay Sư Cô nâng những cánh hoa vừa hé nụ. Thật đẹp, cả dáng người lẫn hoa. Từ ngày Sư Cô về đây phụ Thầy lo Phật sự, ngôi chùa đã khác. Có sinh khí, có màu sắc. Có thêm tượng  Phật Quan Âm đứng thật hiền hòa trước hội trường. Có thêm 18 vị La Hán ngồi rải rác khắp sân chùa. Có thêm những lối đi dễ thương và những tiểu cảnh nho nhỏ đầy nghệ thuật. Những viên đá như có hồn khi được xếp dựng đứng thật công phu và được Sư Cô viết lên những câu kinh ngắn bằng thư pháp.

 

Không biết ông thầy bằng cách nào mà quen biết Sư Cô rồi bảo lãnh qua đây? Ông thầy người Huế, Sư Cô cũng người Huế, chắc là đồng hương, đồng khói. Sư Cô là một người trí thức, tu học từ thuở bé và tốt nghiệp Đại học Phật Giáo gì đó ở Việt Nam. Mỗi lần Sư Cô thuyết pháp là Phật Tử rất thích vì học hỏi được rất nhiều giáo pháp. Sư Cô nói chậm rãi, từ tốn nhưng tâm điểm rõ ràng. Giọng Huế nhỏ nhẹ Sư Cô thật dễ thương và đáng kính. Từ ngày về chùa, Sư Cô ốm và đen ra vì vất vả. Cả một sân chùa rộng mênh mông bao nhiêu là việc. Những viên đá về được chất thành đống ở sân trước. Mỗi ngày một chút, lưng còng xuống vì nặng, đá đã thành đường đi, thành tiểu cảnh, thành một công trình.

 

Có Sư Cô chuột cũng giảm bớt và từ từ mất hẳn. Ngày xưa, kéo hộc tủ ra là cả bầy chuột con nằm một đống đỏ hỏn. Chuột chạy khắp nơi dễ sợ. Thầy không cho bẫy, cũng không cho giết. Chỉ tụng kinh và thỉnh họ nhà chuột dời nhà. Nhưng cái chánh là không có người dọn dẹp vệ sinh trước sau. Ông thầy lo ngoài vườn đã mệt phờ người, mặt nám đem, da mốc cời quên cả ăn trưa, ăn tối. Cơm, rau luộc, nước tương Thầy ăn hoài không ngán. Chị Phật Tử gần chùa nóng ruột qua nấu cơm dùm Thầy.  Ông thầy từ chối hoài không được đành Mô Phật chấp nhận và hồi hướng công đức.

 

Sư Cô qua Mỹ diện tu học mà thật ra qua Mỹ để hành đạo. Lúc Sư Cô mới đến chùa, cũng có tiếng xầm xì. Không biết có chính trị, chính em hay đem theo nghị quyết gì gì đó không. Nhưng lần lần rồi cũng êm bởi vì Sư Cô cực quá là cực. Chùa nghèo xơ nghèo xác. Thầy không dám mở máy lạnh vào mùa hè, mở máy sưởi vào mùa đông. Trên đồi cao lồng lộng, gió rít từng cơn lạnh ngắt. Ông thầy co rúm trong chiếc áo ấm cũ mèm khoác ngoài bộ đồ tu vàng khè bạc màu mưa nắng. Phật Tử chung tay đóng tiền điện mỗi tháng cho Thầy khỏi lo lắng tội nghiệp.

 

Sư Cô nghĩ ra cách nấu thức ăn bán để có tiền trang trải. Sư Cô thật khéo tay và giỏi. Thức ăn chay ngon và đẹp được các Phật Tử bỏ mối dùm ở các tiệm nail, văn phòng  quen biết. Từ lúc có tiền ra tiền vô, Thầy không nhận tiền đóng góp hàng tháng cho chùa. Nhà bếp được thu vén sạch sẽ vệ sinh. Sư Cô sắp đặt đâu ra đấy gọn gàng. Chuột, kiến, dán tìm đường khác sinh sống. Mỗi khi có lễ lớn Sư Cô làm rất nhiều món ăn chay để chật cả tủ lạnh để bán. Ngày Tết, Sư Cô làm những bình hoa rất đẹp để Phật Tử mua về trang trí trong nhà. Hoa đẹp, giá mềm ai cũng thỉnh vài ba chậu.

 

Từ lúc có Sư Cô về chùa, Thầy lập một cái cốc riêng ở cuối vườn để ở. Muốn đi qua cốc phải băng qua chánh điện. Cái cốc nhỏ xíu kín đáo và yên tịnh. Hình như các chú Phật Tử đã gắn cho ông một máy điều hòa nho nhỏ để ông thầy không bị quá lạnh khi mùa đông. Ông thầy sống đơn giản, không quan tâm mấy đến chuyện ăn, ở. Thế nào cũng đủ. Thầy nói: "Người tu mà đừng chú ý, câu chấp quá nhiều về vật chất". Ông kể chuyện tu học ở Ấn Độ trời lạnh gấp bao nhiêu lần ở đây, cái cốc tí xíu trống trơn. Hai chân trần tê buốt mỗi khi đi thiền hành. Ông kể chuyện bên Ấn Độ, chuyện xuất gia của Phật và của chính ông. Ông cười và chạy giỡn với bầy trẻ ngoài vườn té lăn cù. Ông thương trẻ con và hết sức chiều chuộng. Ông không rào đón, môi mép. Không tụng kinh ngân nga, kéo dài hay hình thức quá đáng. Ông tu theo lối thiền của Nam Tông, nhưng lại hành đạo theo Bắc Tông. Ông cười Đạo phải nhập thế để Phật Tử quay về chánh pháp. Phải có chùa để người ta đến đây và đánh thức ông Phật của chính mình. Cái chùa nghèo này có tên "Chùa đậu phọng"

 

Lại không ngủ được, cái đầu vẫn vơ nghĩ đến chuyện chùa chiền, Thầy, Sư Cô. Cái đầu như mấy con khỉ không yên nhảy nhót lung tung. Nhắm mắt lại, không chú ý gì hết, hướng về hơi thở, thả lỏng, thả lỏng, thả lỏng...

 

Chiếc ghe nhẹ nhàng trôi trên dòng sông. Gió thổi mát rượi, hai bên bờ cây cối sum xuê. Thật êm đềm và hạnh phúc. Chiếc ghe tấp vào bờ. Cầu tre nối liền bến đổ. Hai chân tự dưng không thể bước xuống. Cố gắng nhấc chân lên thật nặng nề. Sao lại thế này. Sao không thể cử động. Sợ quá, sợ quá!.

Vị sư già nắm tay dìu xuống. Bàn tay ông mềm và ấm. Ngôi chùa nhỏ bên bờ sông yên tịnh. Đôi mắt ông thật hiền và từ bi. Ông dẫn vào chánh điện, chánh điện sơ xài vài tôn tượng, hoa, trái nhà quê đơn giản. Ông bảo :

- Con quỳ xuống Lễ Phật đi.

Hai chân tự dưng không còn tê. Nhẹ nhàng như chưa bao giờ biết đau nhức là gì. Quỳ xuống, cầm cây nhang ông đưa. Ngước mắt nhìn lên tượng Phật Thích Ca. Trong đầu không biết phải khấn hay xin điều gì. Mà tại sao phải xin. Mỗi người tự mình đang trả nghiệp của mình mà. Xin ông Phật cũng đâu có giúp gì được. Không lẽ mình làm nhiều điều ác rồi mình đi chùa đốt nhiều nhang, đọc nhiều kinh là ổng xóa hết hay sao? Ổng đâu có rảnh mà nghe bao nhiêu triệu người xin xỏ.

 

Tay cầm nhang nhắm mắt lại niệm Phật. Niệm hồng danh đức Thích Ca, A Di Đà, Quan Âm. Thầy đánh chuông. Tiếng chuông ngân vang lan tỏa nhẹ nhàng. Tiếng chuông cảnh tỉnh. Tiếng chuông đưa về ngôi chùa nhỏ ngày xưa còn bé. Có tiếng cười giòn giả của chú tiểu nhỏ với cái vá đàng trước dài nghéo vào vành tai. Có tiếng má kêu dậy đi học, có tiếng thùng leng keng buổi sáng dân phu dậy sớm đi làm. Khói bốc lên cao quyện ấm áp trên những mái nhà tranh. Thầy hỏi :

- Con từ đâu đến?

Ô hay tôi từ đâu đến? Và đây là đâu? Tôi đến đây từ lúc nào? Ngoài bến, chiếc ghe không còn, trên tay không túi xách, không tiền bạc. Tôi từ đâu lạc đến chỗ này và tôi sẽ đi đâu?

Ánh mắt nhà sư hiền quá, nụ cười đôn hậu. À! Thì ra nụ cười của ba tôi. Nụ cười hiền nhất và ấm áp nhất. Tôi muốn nhào tới nắm lấy tay ông mà khóc. Kể cho ông nghe tôi đang bơ vơ. Tôi đang sống hay tôi đã chết, tôi đang thức hay tôi đang ngủ. Tôi đang nằm mơ hay đây là sự thật.

 

Tôi quỳ xuống trước ông, đầu cúi xuống. Tôi kể cho ông nghe về ba tôi. Một vị tăng già tội nghiệp. Bước thiền hành chậm chạp, nặng nề. Những bước chân nhiều vấp ngã vì ái dục. Bài kinh mỗi ngày học không biết ông có thuộc hay không. Bữa cơm chay thanh đạm cháo rau có làm ông nhớ tới những bữa cơm gia đình quây quần đông vui con cháu. Tôi nhớ ba tôi. Tôi thương ba tôi quá. Tôi bất hiếu không kề cận bên ông trong những ngày cuối đời... Bàn tay Sư Ông xoa nhẹ đầu tôi:

- Con hãy cầu nguyện.

Cầu nguyện. Phải rồi! Cầu nguyện chứ không xin xỏ. Tôi lại quỳ xuống, chấp tay nhìn lên chánh điện. Đôi mắt Quan Thế Âm như soi rõ nội tâm tôi. Nhành dương liễu trên tay người lay động.

Tôi cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương, tha thứ, biết vừa đủ không tham lam. Cầu nguyện cho người Trung Cộng trá hình công nhân rời khỏi đất nước tôi. Cho Đức Thánh Trần hiển linh vung gươm chém đứt đường lưỡi bò. Trả lại sự yên bình trên biển, đất liền cho quê hương VN.

Tôi cầu nguyện cho những bệnh nhân ung thư không còn đau đớn. Tôi cầu nguyện giường bệnh rộng ra, rộng ra... để ba người nằm không chật chội, xuôi ngược khó chịu. Cầu nguyện cho những người gian ác, tham lam tỉnh ngộ thấy được sự vô thường của đời người. Ăn cũng chỉ một cái miệng, mặc chỉ một bộ đồ, chết chỉ một áo quan. Có đánh đổi lương tri, bóc lột, tham nhũng thật nhiều thì khi chết cũng không thể đem theo tiền bạc, nhà cao cửa rộng. Cầu nguyện cho thức ăn không bị tẩm hóa chất. Cầu nguyện cho rượu, bia hóa nước lã. Cầu nguyện cho con người lấy lại lương tri và nhân tính. Không cướp giựt, ấu đả chém giết lẫn nhau. Cầu nguyện...

Khi tôi ngẩng đầu lên vị sư ông đã đi đâu mất. Cả không gian thơm mùi hương trầm. Tâm hồn tôi nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi như thấy ba tôi cười mãn nguyện. Thấy mẹ tôi nhìn tôi âu yếm. Thấy anh ấy... Ông xã tôi đang đi về hướng tôi. Chiếc áo trắng thư sinh học trò và nụ cười nửa miệng. Anh ấy đi bình thường không khòm lưng, không khập khểnh. Tôi đưa tay ra. Sao bàn tay, cánh tay tôi tê dại. Tôi vươn ra phía trước để chạy tới trước anh ấy. Hai chân lại bất động. Tôi la lên.

 

Tôi giật mình thức giấc. mệt mõi rã rời.

Đồng hồ trên đầu nằm chỉ 4:45 am.

Trời đã gần sáng. Ngày chủ nhật cuối cùng của tháng tư đen 2019.

 

Nguyễn Thị Thêm.

27 Tháng Tám 2014(Xem: 13046)
“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 29589)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 32235)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 26934)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16013)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 14624)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.
15 Tháng Tám 2014(Xem: 27421)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 24840)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 23793)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 14552)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 24259)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 28396)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 22610)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 14870)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 14822)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 20508)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 27266)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 17704)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17021)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 14786)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.