Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - BỤI PHẤN - BỤI ĐỜI

11 Tháng Hai 201911:50 CH(Xem: 16213)
Nguyễn Trần Diệu Hương - BỤI PHẤN - BỤI ĐỜI


BỤI PHẤN - BỤI ĐỜI 

 Nguyễn Trần Diệu Hương

 

image001

 

 

Ngôi trường đã có nhiều thay đổi khi tôi trở lại sau mười một năm. Cùng với tốc độ tăng trưởng của khoa học kỹ thuật, trường cũng trở nên hiện đại, mới mẻ hơn, nhưng những phòng học trong Business School, từ phòng học nhỏ cho những sinh viên năm cuối chỉ có hai mươi chỗ ngồi đến những giảng đường lớn cho những lớp học với trên một trăm sinh viên, thì vẫn vậy. Hành lang vẫn như xưa với những khuôn mặt thiếu ngủ  của sinh viên, luôn luôn phải dùng cà phê để giữ mắt mở to, giữ đầu óc tỉnh táo. Đó là điều đáng mừng vì ngày nào trường học còn đông người lui tới, ngày đó chúng ta còn lạc quan nhìn về tương lai.

 

Nhưng có một điều vẫn như xưa không vui chút nào, đâu đó lạc lõng trong những khuôn mặt sinh viên đa số còn trẻ, là một vài người già đầy vẻ nhẫn nhục, cam chịu, với một cái bao nylon đen to khoác vai và tay cầm dụng cụ dùng để nhặt lượm những vật nhỏ mà không cần phải khom lưng xuống. Điều buồn hơn, một vài người trong số họ lại là những ông bà cụ Việt Nam đã ngoài sáu mươi. Họ đến những phòng học trống, nhặt nhạnh trong giỏ rác những lon soda để mang bán cho những chỗ chuyên recycle lon nhôm.

 

Từ ngày chân ướt chân ráo vào trường, tôi đã chùng lòng nhận ra có những ông bà cụ Việt Nam trạc tuổi Ba Mẹ mình kiên nhẫn đi từ phòng học này đến phòng học khác, và đôi khi vào cả giỏ rác trong phòng vệ sinh để thu nhặt từng chiếc lon nhôm. Có lần, nán lại sau giờ học hỏi chuyện một bà cụ Việt Nam, tôi được bà cụ kể lại tận tình nguồn cơn tại sao mình phải đi nhặt nhanh từng chiếc lon nhôm.

 

Ít ai ngờ được ngày xưa ở Việt Nam, thời trước năm 1975, bà cụ là một cô giáo dạy Trung học ở một tỉnh miền Tây. Sau một ngày cuối tháng 4 rất buồn của miền Nam, bà cụ lúc đó hãy còn trẻ, không còn được đi dạy vì có chồng là một sĩ quan đã được "tổ quốc ghi ơn" sau một trận chiến khốc liệt vào mùa hè đỏ lửa 1972. Cô giáo mất nghề dạy học, lăn lộn ra xã hội làm đủ mọi nghề để nuôi hai con dại và nuôi thân vì cùng một lúc gia đình cô mất đi cả tiền tử tuất và tiền lương dù ít, nhưng rất ổn định của một cô giáo trung học.

 

Như đa số những người phụ nữ khác của miền Nam lúc đó, dù vất vả trăm chiều, bà cụ vẫn nuôi dạy hai người con trai nên người. Rồi định mệnh đẩy đưa, bà cụ đến được Mỹ nhờ một người em bảo lãnh, hai anh con trai đã lập gia đình vẫn còn kẹt lại ở Việt Nam.

Lúc đầu, bà cụ không chịu đi, với ý nghĩ bao nhiêu năm cơ cực, mẹ con có nhau, bây giờ bà không nở sống ở một đất nước giàu có, bỏ hai người con ở lại. Nhưng rồi người em ra sức thuyết phục, qua được Mỹ một thời gian may ra bà cụ còn có dư tiền gởi về giúp con.

 

 

Thế là bà cụ ra đi, hành trang chỉ vỏn vẹn tấm ảnh bán thân của người chồng quá cố, hình ảnh ba mẹ con chụp cùng nhau trước ngày bà qua định cư ở Mỹ, và một tấm hình từ thuở xa xưa đã ngã màu vàng ố thời bà cụ còn là một cô giáo trung niên ở một trường Trung Học ở miền Tây. Vậy mà bà cụ quý lắm, xem chừng những tấm hình đó với bà cụ còn quý hơn cả cái máy nghe nhạc Ipod mỏng dính của mấy cô mấy cậu teenager mới lớn, hay cái nhẫn kim cương sáng loáng của những cô gái mới đính hôn.

 

 

Những năm đầu ở Mỹ, chưa có quốc tịch Mỹ, không xin được trợ cấp từ quỹ an sinh xã hội để nuôi dưỡng những người già không có thu nhập, (đa số là những người già nhập cư từ những nước khác vì những người già đã đi làm đủ mười năm ở Mỹ thì đã có lương hưu trí hàng tháng), thu nhập là số không như những ngày cuối năm 1975, bà cụ tìm mọi cách để kiếm tiền gởi về giúp hai con trai. Một lần đi chợ, thấy những người Mễ, người Phi, và cả người Việt Nam đến trung tâm recycle bán lon nhôm, bà cụ nghĩ được cách kiếm tiền lương thiện, nhưng đầy vất vả. Thế là mỗi buổi trưa, dù vào giữa mùa Đông băng giá, hay đầu mùa hè nóng bức, cứ khoảng hai giờ chiều, bà cụ đón xe bus xuống down town, đến ngôi trường Đại Học lâu đời nhất ở California, đi nhặt lon ở khắp campus. Hôm nào hên, được đến ba bốn bao lon, loại bao rác màu đen, bà cụ bối rối không biết làm thế nào để mang về nhà vì xe bus đâu có chờ lâu ở mỗi trạm mà bà cụ thì đã gần bảy mươi, đâu còn nhanh nhẹn như thời còn trẻ, không thể mang lên và đặt xuống các bao nylon đen trong vòng một phút.

 

 

Lần đầu tiên nhận ra bà cụ là người Việt Nam, lại trạc tuổi Ba Mẹ mình, tôi lân la hỏi chuyện, và được nghe bà cụ kể sự tình, tôi tình nguyện dùng trunk xe của mình làm chỗ cho bà cụ gởi tạm những bao nylon đựng lon nhôm những hôm bà cụ may mắn nhặt nhanh được từ hai bao trở lên. Dạo đó, nhiều khi bà cụ cột bao không kỹ, mỗi lần lái xe qua một khúc quanh có góc nhọn, những cái lon nhôm rỗng lăn tung tóe trong thùng xe tạo nên tiếng động nghe cũng khá vui tai.

 

Một người bạn Việt Nam khi thấy xe tôi đầy hộp lon, hỏi chuyện, khi đã rõ nguồn cơn, anh nhờ tôi đem vào trường biếu bà cụ năm mươi đồng, gọi là quà gởi cho hai người con trai của cụ còn ở quê nhà. Thật bất ngờ, bà cụ một mực từ chối, viện cớ cụ còn khỏe, còn có thể "làm ra tiền" nuôi con như từ thuở nào. Bà cụ cười rất đôn hậu, nhờ tôi chuyển lại lời cám ơn đến người bạn:

 

-  Bác cám ơn cháu và bạn cháu. Thỉnh thoảng cháu cho bác gởi nhờ những bao lon trên xe để bác mang đến trung tâm recycle từ từ đã là quý hóa lắm rồi. Khi nào, cùng quẫn lắm, Bác sẽ hỏi xin cháu và bạn cháu điều khác.

 

Ấy vậy nhưng tôi cũng có cách giúp bà cụ. Dạo đó, mỗi khi có giờ rảnh, tôi nhặt lon ở thư viện (là nơi chỉ dành riêng cho Giáo sư và sinh viên, người ngoài không đượcphép vào), đem ra để ở trunk xe. Tôi chỉ đậu xe ở một khu vực thuận tiện, gần trạm xe bus và cho bà cụ tạm giữ một chìa khóa trunk xe của mình, để bà cụ có "access" dễ dàng lấy lon.

 

Ngày tôi ra trường, tôi đã tìm được "successor", một người bạn Việt Nam học lớp dưới, thay tôi giúp bà cụ dễ dàng hơn trong việc "kiếm tiền". Như một loại "job training", tôi chỉ lại người bạn chổ đậu xe đã khá thân thuộc với bà cụ, chỗ nào thường có nhiều hộp lon ở thư viện... Người bạn cũng có tấm lòng, vui vẻ "tiếp thu" việc giúp bà cụ. Và tiếng leng keng do những hộp lon chạm nhau khi qua khúc quẹo hẹp, nhỏ hơn 45 độ lại vang lên, nghe vui tai như tiếng của "đại dương trong lòng con ốc nhỏ".

 

Lần tôi giới thiệu người bạn sẽ giúp bà cụ thay tôi, bà cụ chảy nước mắt. Cầm tay chúng tôi, giọng đầy xúc động:

-  "Ngày xưa, thời còn đứng ở bục giảng, bác cũng có những người học trò hết lòng với thầy cô giáo cũ như hai cháu. Sau tháng 4/75, tưởng đã mất, mất tất cả mọi thứ liên quan đến trường học, vậy mà trong những ngày cơ cực ở quên nhà, bác cũng còn có được sự kính trọng và biết ơn từ những người học trò cũ, trên đường đầy bụi bặm. Nhưng ngay cả trong cơn mơ, bác cũng chưa bao giờ nghỉ là trên quê người, vẫn có những học sinh Trung Học ở Việt Nam ngày xưa, hết lòng với một cô giáo cũ như bác. Ngày xưa có nhiều khi bụi phấn làm bác cay mắt. Rồi những ngày lăn lóc ở lề đường, buôn bán nuôi con, bụi đời rất nhiều, nhưng không làm bác chảy được nước mắt vì cảm động như bây giờ.  Đâu có ngờ là ở trên đất Mỹ máy móc này, bác lại được sự giúp đỡ của các cháu. Các cháu biết không, bác chợt nhận ra bụi đời đôi khi cũng làm người ta nhỏ nước mắt." 

 

Dù chúng tôi không nói ra, nhưng bà cụ nhận ra chúng tôi đối đãi bà cụ như thầy cô giáo cũ của mình, với ý nghĩ ở đâu đó trên đất nước đầy cơ hội cho những người đến Mỹ dưới 30 tuổi, những "người lái đò già" ngày xưa, không còn cơ hội, phải kiếm sống bằng sức lực ở tuổi xế chiều, biết đâu có một vài thầy, cô giáo cũ đã dạy chúng tôi thời Trung Học đang mỏi mòn chạy theo guồng máy của một đất nước mới. Cũng có người giúp đỡ như chúng tôi đã giúp đỡ bà cụ trong suốt những năm còn ở Đại Học.

 

Về lại trường sau hơn mười năm, ngoài việc đi chào các thầy cô cũ người Mỹ, tôi cố ý tìm bà cụ, nhưng "cảnh cũ còn đó mà người xưa đã không còn". Ở hành lang của các lớp học, vẫn có những người già đi lượm lon nhôm, nhưng bà cũ ngày xưa của chúng tôi đã không còn. Tôi cố dò hỏi, nhưng không một ai biết tin tức gì về bà cụ đã chảy nước mắt vì cả "bụi phấn" lẫn "bụi đời".

 

Tôi cầu mong cho bà cụ có một đời sống khá hơn sau khi đã vào được quốc tịch Mỹ, và chợt nghe mắt mình cay cay không phải vì bụi phấn của ngày xưa mà là bụi đời của bây giờ...

Nguyễn Trần Diệu Hương
California, 2007

23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1976)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2002)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1928)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1979)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2404)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2653)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2198)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2140)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2236)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2199)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2281)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1878)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5839)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 6166)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2329)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5460)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4116)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2641)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2632)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 3021)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi