Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - CÓ NHỮNG LÚC VUI NHƯ TẾT

27 Tháng Giêng 20191:16 CH(Xem: 17905)
Nguyễn Trần Diệu Hương - CÓ NHỮNG LÚC VUI NHƯ TẾT

Có Những Lúc Vui Như Tết

 ngaytet

 



Vào truyện…

 

Cựu Thẩm Phán VNCH Nghiêm Bích

 

Tôi không giỏi computer như các thế hệ sau. Mãi đến lúc tôi ngoài 60 tuổi, computer mới phổ biến, tôi có mở một email account cho riêng mình, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới mở ra đọc điện thư đến, nhiều hơn là gởi điện thư đi. Vậy mà có một câu chuyện vượt biển của một thuyền nhân trẻ đã đăng trên Việt báo online từ năm 2010, cứ được bạn bè, người quen gởi đến cho tôi vào mỗi tháng tư.

 

Mỗi lần đọc lại đều buồn da diết, không chỉ buồn cho các thuyền nhân trẻ, mà còn buồn cho các bậc cha mẹ khi quyết định "ném con ra biển, buồn cho cả dân tộc và đất nước.

 

Rồi do có cơ duyên, tôi tìm được email của tác giả, được cô hứa viết một bài về nghề "cầm cán cân công lý" của chúng tôi. Cái nghề mà "lương tâm" và "tóc trắng" thường đi đôi với nhau.

 

***

Cựu Thẩm Phán VNCH Hoàng Phùng Võ.

Trước khi trở thành Công chức trong ngành Luật vào đầu thập niên 70, tôi có thời đi dạy ở trường Trung học Ngô Quyền Biên Hòa vào thời gian ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần này mới được thành lập. Dạy ở đó chỉ đôi ba năm, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo của nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa làm các em cựu học sinh Ngô Quyền luôn quý trọng tôi.

 

Và từ những sinh hoạt của Hội cựu học sinh Ngô Quyền ở Mỹ, tôi biết một số các em dù không phải là học trò trực tiếp của tôi, nhưng luôn thăm hỏi tôi.

 

 Có em "phỏng vấn" tôi về thời gian tôi làm công việc Thẩm Phán , một công việc tưởng như đơn giản nhưng phải làm việc rất nhiều bằng cả tim và óc. Quá khứ tràn về, một thời gian chúng tôi làm việc hết sức để giữ vững cán cân công lý ở một đất nước mà "đại bác đêm đêm vọng về, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe" không phải là chuyện hiếm

 

***

 

Một lần đi thăm chợ Hoa ở Little Saigon một ngày gần Tết, giữa không khí nhộn nhịp đón Tết của Saigon xưa ở một góc của miền Nam California, với đông đảo người qua lại, một người đàn ông trạc tuổi ngoài 70, gật đầu chào tôi với giọng rất lịch sự:

 

- Xin lỗi ông có phải là Thẩm Phán HPV ngày xưa làm ở Tòa Án Vĩnh Long không ạ?

 

Quá đỗi ngạc nhiên, vì có người nhắc đến quá khứ gần nửa thế kỷ trước của mình, tôi nhìn ông ta cố moi móc ký ức của mình nhưng... chịu, tôi không nhớ người đối diện là ai.

 

Ông ta rối rít cảm ơn về chuyện ngày xưa, đã được tôi giúp đỡ, nên đã được trắng án trong một vụ án mà ông ta bị hàm oan ở Tòa Án Vĩnh Long đầu thập niên 70. Thật tình tôi không nhớ đó là vụ án nào. Trí óc tôi đã nhạt nhòa theo năm tháng. Tôi chỉ còn biết trả lời :

 

- Rất vui vì ông đã được minh oan ngày xưa, và đã nhớ đến tận bây giờ. Quả đất xem ra rất tròn phải không ông?

 

Ánh mắt người đàn ông lấp lánh niềm vui khi nhắc lại chuyện xưa. Tôi còn vui nhiều hơn, vui hơn cả Tết, vì mình đã làm đúng với lương tâm, giữ được tâm nguyện khi khoác áo choàng đen, góp phần giữ cán cân công lý thăng bằng.

 

Hạnh ngộ bất ngờ với "người xưa" ở Tòa Án Vĩnh Long kéo về cả một quá khứ ngồi ở ghế Thẩm phán của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong ký ức chúng tôi.

 

Thời đó, hàng năm Chính phủ VNCH mở kỳ thi tuyển các Thẩm Phán, Biện Lý, và Dự Thẩm. Bất cứ ai có Cử nhân Luật đều có thể dự thi, mà Đại học Luật khoa ở Saigon không phải thi tuyển (như Phú Thọ, Y, Dược, Sư phạm, hay Nông nghiệp…), chỉ ghi danh, nên ai có bằng Tú tài phần hai đều có thể vào học Luật  (sau này chỉ có một kỳ thi Tú tài cuối bậc Trung học, không còn kỳ thi Tú tài một ở cuối lớp 11 nữa). Do vậy, cứ sau mỗi kỳ thi tú tài có cả ngàn người ghi tên vào học Luật, hay Văn khoa. Còn nữa, những người đang đi làm, đi dạy, đi lính cũng ghi tên học Luật, đôi khi không phải đến giảng đường, chỉ phải lấy cours về học, rồi mỗi năm chỉ cần có mặt để thi. Số người tốt nghiệp cử nhân Luật rất nhiều, nhiều hơn các trường khác, đôi khi hơn cả Văn khoa.

 

Mỗi năm tùy theo nhu cầu, Chính phủ tổ chức kỳ thi tuyển chọn dưới 10 người để thay thế cho các vị Thẩm Phán, Biện Lý, Dự Thẩm đã, hay sắp về hưu. Tốt nghiệp Cử nhân Luật thì dễ nhưng đậu các kỳ thi tuyển gần cả ngàn người thi nhưng chỉ có vài người được chọn thì giống như "cá vượt vũ môn hóa rồng". Chúng tôi được hân hạnh là "cá hóa rồng" trong một kỳ thi tuyển và hành nghề Thẩm phán cho đến ngày "có trăm người vui, có triệu người buồn", ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Đậu xong, được bổ nhiệm về bất cứ nhiệm sở nào của VNCH từ Quảng Trị, đến Cà Mau. Không giống các ngành khác, chúng tôi chỉ "trấn thủ lưu đồn" ở mỗi nơi không hơn ba năm, rồi lại đi nhận nhiệm sở mới. Hình như Chính phủ muốn góp phần giữ cán cân công lý thăng bằng, vì nếu ở lâu, hơn ba năm, quen biết nhiều, rất dễ đi đến tình trạng người ta quên mất câu "pháp bất vị thân".

 

Kỹ càng hơn, Chính phủ thời đó còn cho các ông Thẩm Phán (quan tòa, người xử án), Biện Lý (người có quyền ký trát bắt, hay tạm giam bất cứ ai), và Dự Thẩm (người đọc hồ sơ, quyết định truy tố một vụ án) một khoản lương đặc biệt gọi là "trợ cấp dưỡng liêm" để nuôi dưỡng lòng liêm chính, để mỗi đầu tháng chúng tôi ký nhận lương, tự nhắc nhớ mình phải "noi theo gương của người xưa trung chính", không được nhận hối lộ, đút lót để làm lệch cán cân công lý. Trợ cấp đó không lớn nhưng nhắc những người mặc áo chùng đen ở tòa án nhớ đến lòng liêm chính.

 

Một trong số đồng nghiệp của chúng tôi còn tự nhắc mình phải luôn sáng suốt khi "cầm cán cân công lý" bằng cách đặt tên con là Nghiêm Minh.

 

Và cứ như thế, chúng tôi đã làm hết sức mình để giữ cho đời sống hậu phương an lành hơn, để những người cầm súng ngoài mặt trận yên tâm chiến đấu bảo vệ tự do.

 

Ngày 1 tháng 5 năm 1975, chỉ mới bước vào tuổi 40, với tất cả ngậm ngùi, chúng tôi xếp cái áo chùng đen của quan tòa vào một xó, và tự an ủi mình như một câu hát của người Mỹ "We do the best, but not good enough!"

 

***

 

Mãi đến năm 1987, ngành Tư pháp ở Mỹ mới dùng DNA testing để tìm ra bằng chứng kết tội thủ phạm. Từ năm 1986 trở về trước, mẫu DNA testing chưa được biết đến ở hệ thống tư pháp trên thế giới nên có nhiều vụ án không có chứng cứ rõ ràng, nhân chứng không có (vì không thấy, hoặc không dám ra làm chứng chống lại bị can). Vì vậy, nhiều vụ án làm chúng tôi bạc đầu chỉ sau một đêm thức trắng đọc hồ sơ, và suy nghĩ.

 

Nhất là khi bị can trong những vụ đại hình còn trẻ, nếu không xử đúng, có thể làm hại cả một cuộc đời. Chúng tôi đọc đi đọc lại từng chữ, từng câu trong hồ sơ vụ án, tự đặt mình vào vị trí của cả nạn nhân, lẫn bị cáo. Nhiều lúc kết luận ở mức độ 50/50, chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện với Thượng Đế giúp chúng tôi sáng suốt hơn, soi đường cho chúng tôi đi đúng hướng.

 

Chúng tôi tập suy nghĩ, và sống với lý luận, và phân tích trong các vụ án đại hình, tránh để ngoại hình của bị cáo, hay nguyên đơn làm lệch lạc suy nghĩ.

 

Dạo đó, chúng tôi những người bảo vệ luật pháp, dân luật, phải làm việc vất vả hơn để người dân miền Nam có được niềm tin ở một đời sống gắn liền với chiến tranh, giúp những người lính ngoài mặt trận yên tâm là thân nhân của họ ở nhà luôn được pháp luật bảo vệ.

 

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, những triều đại dân sống an lạc, hạnh phúc nhất là những triều đại pháp luật rất nghiêm minh, chẳng hạn như triều đại của Vua Đinh Tiên Hoàng, hay triều đại của Vua Lê Thánh Tôn.

 

Cán cân công lý là biểu tượng của luật pháp, tương tự như cân tiểu ly dùng để cân vàng. Vì công lý thật ra còn quý hơn cả vàng, quý hơn rất nhiều thứ trên đời.

 

Sau này, phải sống đời lưu vong nơi xứ người đã không còn mặc áo choàng đen, không còn có cơ hội ngồi vào ghế quan tòa, thỉnh thoảng tôi vẫn coi các chương trình TV về các vụ kiện tiểu hình dân sự ở Mỹ mà nhớ lại cảm giác của mình khi phải kết tội, hay tha bỗng ai.

Có lần, vài cựu học sinh Ngô Quyền, còn đùa:

 

- Thưa Thầy, Thầy có dặn cô nhà nếu có ai hỏi Thầy tuổi gì thì cứ nói là Thầy tuổi rồng, hay tuổi cọp.

 

- Không cần phải dặn dò Cô đâu các em ạ, vì thật sự Thầy tuổi cọp, một con hổ nằm trong củi, thỉnh thoảng cũng nhớ rừng.

 

 

***

 

 

Và ở những nước giàu có như Mỹ, "nobody is above the law" (không ai có thể cao hơn pháp luật), tất cả mọi người đều phải tuân hành pháp luật, kể cả Tổng Thống.

 

Từ ngày trở thành công dân Mỹ, đôi lần chúng tôi nhận được giấy báo làm nghĩa vụ công dân, tham gia bồi thầm đoàn, nhưng chỉ phải stand by trên phone trong suốt một tuần lễ. Mỗi ngày phải gọi phone 3 lần: sáng, trưa, chiều để biết mình có phải đến tòa trình diện để được Luật sư của hai bên nguyên, và bị cáo chọn làm bồi thẩm đoàn. Một lần duy nhất, chúng tôi được mời và được chọn làm Bồi Thẩm Đoàn trong một vụ án đại hình ở một Tòa án cấp Tiểu bang, chúng tôi đã bồi hồi sống lại với kỷ niệm ngày xưa, khi ông Thẩm Phán (Judge) của Mỹ bước vào phòng xử án, mọi người đều phải đứng lên chào như học trò đứng lên khi mỗi đầu giờ khi Thầy, Cô giáo vào lớp như ngày xưa. Thật ra, không phải họ chào ông quan tòa, mà là chào chiếc áo khoác màu đen, một biểu tượng của Luật pháp tối thượng ở Mỹ.

 

Phương thức, quy trình xử án của Mỹ ngày nay cũng giống như Việt Nam Cộng Hòa gần nửa thế kỷ trước. Điều khác biệt duy nhất là kể từ năm 1987 trở về sau, những vụ án đại hình được kỹ thuật DNA giúp sức, không hề có chuyện mù mờ như từ năm 1987 trở về trước . Và nhờ DNA, nên cũng không có chuyện bị cáo trong các vụ án đại hình bị xử oan như đã từng xảy ra, ngay cả ở Mỹ, trước khi kỹ thuật DNA được đưa vào ngành tư pháp. Dĩ nhiên là một cường quốc theo đủ mọi nghĩa, không có chiến tranh, Luật pháp của Mỹ chặt chẽ hơn, có luật tiểu bang, và luật liên bang. Ngoài ra, ở một số địa phương, giống như câu "phép vua thua lệ làng" của VN, một số địa phương có luật riêng.

 

Luật pháp càng nghiêm minh, đời sống của người dân càng an lạc, không ai có thể làm điều xấu, ỷ mạnh hiếp yếu.

 

Và cũng ngăn chận được những người "túng quá hóa liều", hay những người không thích làm, mà chỉ thích hưởng thụ.

 

Thường thì vào những dịp Tết ngày xưa, những người đang bị tạm giam, chưa thành án không được về nhà, nhưng cho thăm nuôi. Những ngày giáp Tết, chúng tôi (Thẩm Phán, Biện Lý, và Dự Thẩm) thường trích từ trợ cấp "dưỡng liêm" của mình, mua bánh chưng, và dưa hấu gởi qua nhà tù ở Tỉnh cho các can phạm không có thân nhân, hoặc không được thăm nuôi.

 

Phần ăn cho những tù nhân không đến nỗi như thức ăn cho "cải tạo viên" trong "trại cải tạo" của VC, nhưng chúng tôi vẫn cho mang vào biếu thêm cho họ phần quà Tết, để họ thấy xã hội không bao giờ quay lưng với họ. Đường về vẫn còn mở ra, và tương lai cũng còn, nhất là đối với những can phạm còn trẻ. Chúng tôi cũng cho gởi những tờ báo Xuân vào giúp họ giải trí và nhớ đến truyền thống lễ nghĩa của dân tộc.

 

Bao giờ cũng vậy, gần Tết chúng tôi cũng nhớ kỷ niệm ngày xưa: dù đang là chiến tranh, chúng tôi cũng làm hết sức mình để tình trạng tội phạm chưa bao giờ là một vấn đề lớn của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ước gì thế hệ con cháu chúng tôi xây dựng được một nền tảng pháp luật chí công vô tư, và nghiêm khắc để xã hội tốt đẹp hơn, không ai phải sống đời lưu vong như chúng tôi.

 

Và chiếc áo choàng đen của các ông quan tòa thật ra đã đem về được màu xanh hy vọng, và màu hồng lạc quan cho những người dân hiền hòa đáng được pháp luật bảo vệ.

Lúc đó, Tết không chỉ đến ở thời khắc giao mùa giữa năm mới, năm cũ âm lịch, mà những người dân bình thường còn vui như Tết quanh năm vì họ được công pháp quốc tế, được pháp luật của nước mình bảo vệ. Màu của Tết sẽ hiện diện quanh năm trong ánh mắt của mỗi một người dân bình thường.

 

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

Tháng 12 / 2018

(Xin kính tặng Thầy HPV và Bác NB)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

15 Tháng Tám 2014(Xem: 28211)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 25431)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng giảng bài say sưa, trong đam mê dù triết học hay văn chương,... Vị thầy mà khoảng cách thời gian lớn hơn chúng tôi độ một giáp...
15 Tháng Tám 2014(Xem: 24738)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 2014(Xem: 14994)
Và trong lòng thì trời ơi, tôi muốn đi biết là chừng nào, nhưng không tìm ra lối. Những nơi đi được thì đã nghẹt người, đành quay lại.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 25137)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 2014(Xem: 29147)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
06 Tháng Tám 2014(Xem: 23265)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15241)
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…
05 Tháng Tám 2014(Xem: 15276)
Tôi ngồi nghe, lặng người. Tôi biết tình trạng sức khỏe của anh tôi kéo dài từ Bảy Hai đến nay đã là những ngày nằm chờ chết. Có lẽ anh đã chết từ những ngày Sài Gòn vừa mất, khi các con anh bị bắt đi học tập cải tạo, và cả chính anh cũng bị chính quyền mới cho người đến tận nhà điều tra xem bệnh thật hay giả, có đủ sức đi học tập cải tạo không.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 20973)
Tiễn chân Quỳnh Giao về bên kia thế giới. Tôi lại nghĩ đến đời người, duyên và nghiệp. Quỳnh Giao là con chim quý đã có một phước báo từ kiếp trước nên tiếng hát đi vào lòng người.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 28074)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 17988)
Hoàng ngồi trên xe lăn, tóc bạc trắng, áo pull đen, gầy yếu, thăm thẳm, tôi nghe thấy hơi ấm mỏng len qua những ngón tay của hai đứa tôi xiết nhẹ.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 17360)
Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng.
27 Tháng Bảy 2014(Xem: 15296)
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. “Cô có khỏe không? Em bé tên gì vậy cô? Em dễ thương quá!” Tám ẵm bé lên, áp má mình vào má bé.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 18362)
Với nữ lực của Vy, chắc chắn tác giả Người Đi Trên Mây sẽ luôn bước trên những đám mây mịn màng, bồng bềnh, thư thái nhất giữa nụ cười e lệ ...
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 22654)
Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 23204)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
19 Tháng Bảy 2014(Xem: 20420)
Ông lại nghĩ đến người nghèo ở VN và những ngôi nhà bạc tỉ, dát vàng lộng lẫy. Ông nghĩ đến dàn khoan đang chễm chệ ngoài khơi và lời nói trịnh thượng của đại diện Trung Cộng.
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 23103)
Xin được một lời cám ơn Thầy, cám ơn Cô. Cám ơn quý anh chị và các bạn đã thực lòng với trường xưa, cùng góp bàn tay mang bao nụ cười, niềm vui nhiều kỷ niệm trên hai chuyến đi về.
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 30153)
Mừng anh thêm một tuổi, anh thương yêu, bây giờ tháng bảy, Hồn em, quà mừng sinh nhật, tay anh giữ đã từ lâu.