Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Hoàng Long - VẦNG TRĂNG BẾN NGỰ

25 Tháng Tám 20189:56 CH(Xem: 13439)
GS. Lê Hoàng Long - VẦNG TRĂNG BẾN NGỰ

Vầng Trăng Bến Ngự 

 

blank

 

 

Trong lòng tôi, cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là bậc lão tiền bối rất đáng tôn kính. Ông sinh năm 1915 (tuổi Giáp Dần) người làng Vân Đình, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, là cháu nội cụ Dương Khuê, một thi hào khoa bảng, có tên trong văn học sử Việt Nam (Việt Nam Văn Học Sử Yêú cuả Giáo sư Dương Quảng Hàm, xuất bản tại Hà Nội vào thập niên 30).

Ông hơn tôi ngót hai chục tuổi, lẽ ra tôi phải xưng hô chú cháu, nhưng ông chủ trương văn nghệ sĩ không tính tuổi, nên tôi được phép gọi ông bằng anh. Trong làng Nhạc Việt, ông là một trong số vài nhạc sĩ đi tiên phong mở đầu cho sáng tác Tân Nhạc. Vào thập niên 30, nhân dân ta chỉ thuộc và hát những bài hát Pháp như : C’est à Capri, En passant par la Lorraine, J’ai deux amours, Madelon… qua những đĩa hát, chạy bằng kim và lên giây cót, với giọng ca của nam danh ca TINO ROSSI . Còn nhạc Việt, được gọi là nhạc cải cách, chưa có bài nào hay, phổ biến quá hạn chế nên ít được ưa chuộng và thịnh hành. Vào những năm ấy, môt bài nhạc được in ra mỗi lần chừng vài trăm bản, bày bán ở Hà Nội còn ở các tỉnh thì thấy rất ít, có tỉnh không có bày bán nữa.

Thời khai sơn phá thạch này, ngoài Dương Thiệu Tước, ta cũng chỉ thấy vỏn vẹn có mấy nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Văn Chung, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Xuân Khoát … Tuy nhiên, với Dương Thiệu Tước, lúc ấy người ta chỉ được biết ông là chủ một tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà Nội; chứ người biết ông là một nhạc sĩ sáng tác thì quá ít ỏi! Lúc ấy, ông đã có vợ và hai con. Hai cô con gái lớn của ông, thời ấy đã là những đoá hoa hương sắc của Hà Thành, được rất nhiều người biết đến. Dưới chế độ phong kiến và Pháp thuộc, nhân dân ta nặng đầu óc khoa bảng nên khi kén chồng cho con, đa số các cụ vẫn chủ trương phi cao đẳng bất thành phu phụ, giới văn nghệ sĩ bị coi thường vì thế giới lao động nghệ thuật bị người đời coi bằng nửa con mắt. Dù biết rõ như vậy nhưng số nhạc sĩ tiền phong vẫn kiên trì, khồng hề nản chí, đó thật là một điều rất đáng ca ngợi! Ngày xưa, Vua Lê Thánh Tôn trọng văn học, thích thơ phú nên đã lập ra văn đàn nhị thập bát tú. Đến Dương Thiệu Tước cũng theo gương tiền nhân, đứng ra quy tụ anh em nhạc sĩ tiền phong để cùng tự học rồi sáng tác. Ông đứng ra lo việc in ấn và phát hành. Sau đó ông cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh tiến hành một phong trào khuyến nhạc để rồi về sau có được hội khuyến nhạc tại Hà Nội.

Đến đầu thập niên 40, Dương Thiệu Tước rời Hà Nội để vào Huế rồi vô Sài Gòn.

Là một người có tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn và phóng khoáng nên khi đặt chân lên đất đế đô, Dương Thiệu Tước đã say mê cảnh và người. Dù mới chân ướt chân ráo, chỉ sau một vài ngày, Dương Thiệu Tước đã có được một số bạn ca nhạc sĩ của kinh đô cổ kính. Chiều chiều, Dương Thiệu Tước đã cùng bạn hữu chèo thuyền, nhẹ nhàng và chậm rãi lướt trên giòng Hương Giang ngược lên Chùa Thiên Mụ. Tiếng chuông lúc thu không để làm cho Dương Thiệu Tước trầm xuống.

Rồi đến một hôm như gặp được lương duyên tiền định, Dương Thiệu Tước đã gặp và quen M.T một ca sĩ được đa số dân chúng miền Trung biết đến. M.T là một nữ sinh theo học chương trình Pháp nên trình độ Pháp văn rất vững. Cô có giọng nói Pháp rất lưu loát và đúng là người Pháp của Thủ đô Ba Lê (Parisienne). Chính vì thế sau này cô đã là xướng ngôn viên phần phát thanh Pháp Ngữ của các đài phát thanh Quốc Gia (đài Sài Gòn) và đài phát thanh Pháp Á (Radio France Asia SaiGon) vào thập niên 50. Cô là ca sĩ duy nhất có trình độ nhạc lý rất vững vàng, xướng âm rất chuẩn xác: đưa bất cứ bài nhạc mới nào, nhìn lần đầu (première vue) cô hát đúng điệu và đúng nhịp ngay nên anh chị em ca nhạc sĩ rất mến phục. M.T. không đẹp nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, tuy giỏi nhưng rất nhũn nhặn và rất phục thiện nên được lòng mọi người.

Khi quen Dương Thiệu Tước, M.T. rất trọng tài và mến nết, yêu dáng văn nhân nho nhã nhưng vẫn phảng phất nét hào hoa nghệ sĩ của chàng nhạc sĩ Bắc Hà. Từ bước mến mộ đầu tiên ấy đến tình yêu chỉ còn là gang tấc.

Hai người dìu nhau vào cuộc tình thật là thơ mộng. Có những chiều cặp tình nhân nghệ sĩ này sánh vai nhau, chậm rãi từng bước theo dọc giòng Hương Giang nước chảy lững lờ, làn gió nhẹ thổi làm tà áo M.T. phất phơ bay, làm cho mái tóc bồng bềnh của Dương Thiệu Tước tung lên, hạ xuống như những đợt sóng nhẹ, cùng nhau thủ thỉ tâm tình. Những buổi mưa rơi trên xứ Huế, hai ngườì vẫn gặp nhau rồi ngồi trong quán nước gần bến Vân Lâu, vai tựa mái kề, sưởi ấm lòng nhau, bốn mắt cũng chỉ nhìn màn mưa giăng giăng khiến cảnh vật càng lúc càng tiêu điều, buồn bã.

Có những đêm trăng vàng toả sáng xuống giòng Hương, Dương Thiệu Tước cùng M.T. mời một số bạn văn nghệ, thuê thuyền neo giữa giòng sông để ca hát, ngâm thơ. Với những đêm thơ mộng này Dương Thiệu Tước đã thả hồn trong tiếng đàn hạ uy cầm (guitare hawaienne) lả lướt, trôi nổi với làn sóng gợn của sông Hương. M.T. cũng cất tiếng ca hát lên những điệu hò buồn lắng làm mọi người nín thở để tận hưởng âm thanh, cung bậc của quê hương qua giọng ca thật chải chuốt, đậm nét trữ tình.

Những ngày chủ nhật, M.T. và Dương Thiệu Tước dành hoàn toàn cho những cuộc đi thăm lăng tẩm. Theo Dương Thiệu Tước đây là những giờ phút thả hồn tự do phơi phới với thiên nhiên và tâm hồn hoài cổ! Dương Thiệu Tước là con người chịu một nền giáo dục gia đình, một gia đình khoa bảng, nho phong nên ông rất mến, rất trọng và rất hoài cổ. Có lần người nói chuyện về Huế, Dương Thiệu Tước, M.T. và tôi đã cùng gặp nhau một ý: mến và thích lăng Tự đức hơn là lăng Khải Định. Lăng Tự Đức là một công trình kiến trúc hoàn toàn ngày xưa, xứng đáng là một di tích lịch sử còn lăng Khải định mang nặng phong cách Âu Châu, đúng là kiến trúc… lai căng!

Càng ngày, với M.T. và Dương Thiệu Tước, duyên càng thắm, tình càng nồng. Hai tâm hồn trí thức lại nghệ sĩ, dìu nhau vào cuộc tình thật thần tiên và lý tưởng.

Có đìều đáng nói ở đây, Dương Thiệu Tước không yêu M.T. vì sắc (như xưa kia các cụ ta thường nói gái tham tài, trai ham sắc) vì về ngoại hình, M.T. không đẹp để dễ hớp hồn người khác, mà Dương Thiệu Tước yêu MT là yêu tâm hồn và cái duyên dáng. Yêu như thế, tình yêu mới lâu bền chứ nếu yêu sắc (háo sắc) thì bông hoa nào dù có hương sắc vẹn toàn thì sớm nở thì tối cũng phải tàn thôi, người đàn bà cũng vậy! Chỉ có tâm hồn và tính nết mới sống mãi.

Thời gian dừng chân ở Huế, được tình nồng ấp ủ, Dương Thiệu Tước sưu tầm và ký âm được rất nhiều điệu dân ca của miền Trung. Dương Thiệu Tước đã có được một cái vốn về dân ca miền Thuỳ Dương rất là phong phú. Chính vì thế mà khi viết nhạc, ông viết được thật đúng và thật đầy đủ để bất cứ ai đàn đúng bài là nghe thấy rõ điệu hát có âm hưởng dân tộc, không như Ph.D viết nhạc dân ca khi đàn hát lên phải thêm láy, thêm lượn mới nghe thấy đúng âm hưởng nhạc cổ truyền của dân tộc (thí dụ: bài Ru Con chẳng hạn). Những điệu hò mái nhất, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, nam bình, nam ai… đều được M.T. hát rất hay rất đúng để Dương Thiệu Tước ký âm nên rất chính xác và đầy đủ. Tình yêu nở rộ trong vườn nghệ thuật thì thật là tuyệt diệu! Chính trong thời gian này, Dương Thiệu Tước đã có một vài sáng tác trữ tình, âm hưởng dân tộc và có giá trị, trong đó có bài Tiếng Xưa là hay nhất, mở đầu cho những sáng tác sau này. Suốt bao nhiêu năm qua bước vào địa hạt sáng tác, Dương Thiệu Tước chưa có lấy được một bài nhạc nào hay để mọi người mến mộ. Đến thời này, không ai dám phủ nhận rằng cuộc tình thơ mộng, nghệ sĩ, tâm đầu ý hợp với M.T. mà Dương Thiệu Tước mới có được Tiếng Xưa bài nhạc nổi tiếng. Bóng dáng M.T. đã ngự trị tâm hồn Dương Thiệu Tước để từ đó ông có được nhạc hứng chân thành và nếu không vậy thì tác phẩm làm sao có hồn, đi vào lòng người, để người đời mến chuộng.

Sau một thời gian sống trong nguồn ân, bể ái, mộng hồng ủ ấp, M.T. Dương Thiệu Tước chính thức tuyên hôn thành vợ thành chồng. Bạn bè, gia đình đều tán thành và đồng tâm giúp đỡ để hôn lễ sớm được cử hành. Sau ngày đó, M.T. Dương Thiệu Tước quyết định rời bỏ Cố đô để vào Sài Gòn sinh sống. Trong thời gian chuẩn bị vô Nam, người ta vẫn thấy M.T. Dương Thiệu Tước vẫn hàng ngày hàng đêm tay trong tay, vai sát vai, dìu nhau đếm bước dưới ánh trăng vàng dịu hiền toả sáng xuống giòng Hương Giang êm đềm, thơ mộng, vẫn có những buổi chiều sắp tắt nắng, thâm tâm chay tịnh đón nhận tiếng chuông thu không của Chùa Thiên Mụ, vẫn có những buổi trưa bên nhau tai nghe văng vẳng giọng hát ru con buồn rười rượi trong khung cảnh thôn Vỹ Dạ đìu hiu… làm cho cuộc sống vợ chồng vẫn thơ mộng như buổi ban đầu! Cảnh sống nghệ sĩ lý tưởng ấy thật dễ gì mấy ai có được.

Xưa kia, khi nhìn phố phường của thành Thăng Long, nỗi niềm hoài cổ dâng lên, Bà Huyện Thanh Quan đã viết:

… Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường

Nhưng với M.T. Dương Thiệu Tước thì tuy sắp phải xa cố hương tràn đầy kỷ niệm để sống cuộc đời ly hương nhưng lại rất vui và đầu ngập tràn hạnh phúc, trước mặt đầy tương lai hứa hẹn. Cho đến đêm cuối cùng ở đế đô, Dương Thiệu Tước được một số bạn thân mời dự buổi tiễn đưa một chén quan hà tại nhà một người trong nhóm, ngay trên Bến Ngự. Buổi ấy M.T. không dự được vì phải lo hành lý chu đáo để mai đi sớm.

Buổi này lúc đầu là chén chú chén anh ở trong nhà. Cuộc liên hoan này đầy ắp tiếng nói, cười. Màn đêm lẹ làng buông xuống. Bến Ngự ban ngày đã vắng lặng, ban đêm lại càng vắng lặng hơn. Lúc ấy bàn tiệc tàn và tất cả ra Bến Ngự để xuống thuyền và cùng thức trắng. Dưới khoang thuyền, giữa khoảng trời quang mây tạnh, trên bầu trời hàng ngàn, hàng vạn vì sao thi nhau lấp lánh.

Qua nửa đêm, gần về sáng, trăng hạ tuần chậm chạp nhô lên Dương Thiệu Tước tự nhiên đứng dậy ra đầu mũi thuyền ngồi một mình, mắt đăm chiêu về phía thành nội với niềm thương, nỗi nhớ M.T. đang chăn đơn, gối chiếc, vò võ chốn khuê phòng nhớ Huế ngày mai phải lìa xa. Nhạc hứng rào rạt như giòng máu nóng tuần hoàn vội vã làm bừng nóng cả toàn thân. Dương Thiệu Tước vội vàng lấy giấy ra ghi cho kịp giòng nhạc tràn ra như ngọn thuỷ triều dâng lên, với những đợt sóng xô nhau vỗ vào bờ, trùm kín cả bãi cát trắng mênh mông. Giòng nhạc thật trữ tình, mang được tình thương, nỗi nhớ khi sắp phải tạm biệt miền Trung đa tình đa cảm. Điệu nhạc buồn da diết, nét vẽ (dessin mélodique) thật đẹp, kiến trúc âm thanh (structure sonora) thật vững vàng trên nền móng dân ca xứ Huế, nghe thật não nuột làm sao?

Làm xong, Dương Thiệu Tước trở vào khoang thắp ngọn đèn dầu lên coi và thử lại rồi hát tặng các bạn ngay lúc bấy giờ. Mọi người thật thích thú, lòng ai nấy đều nao nao. Hát xong, Dương Thiệu Tước nói ngay là đặt tên cho bài sáng tác mới này là Đêm Tàn Bến Ngự, ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng.

Tiếng gà xao xác từ mọi nơi vọng lại báo hiệu bình minh anh chị em chìa tay ra bắt tay tạm biệt người nhạc sĩ tài hoa để hẹn ngày tái ngộ tưng bừng. Vội vã trở về nhà, vừa gặp mặt M.T., Dương Thiệu Tước khoe ngay đứa con tinh thần vừa ra chào đời hồi hôm, trên mũi thuyền, dưới ánh trăng về sáng, được đặt tên là Đêm Tàn Bến Ngự. Nói xong, Dương Thiệu Tước ôm vai M.T. dìu nhau vào phòng rồi ông lấy đàn hát cho M.T. nghe điệu nhạc buồn thoang thoảng, thấm dần vào từng thớ thịt của người nữ ca sĩ đất Thần Kinh. Hát đã hết bài, tiếng đàn chỉ còn lại tiếng ngân dần dần thuôn nhỏ tiếng của sợi tơ hồng mà M.T. vẫn còn đắm mình trong điệu nhạc trầm bổng, du dương. Một lát sau, bừng tỉnh M.T. vội vỗ tay, mặt hớn hở, nói ngay:

Bài hay quá thật là cả một trời Huế, cả một giọng hò, điệu hát thật Huế, dễ làm mê lòng người và làm mủi lòng người, nhất là với người Huế phải ly hương thì nghe nhạc mà tê tái lòng, không thua gì Tiếng Xưa, mỗi bài mỗi vẻ!

Dương Thiệu Tước ôm chặt bờ vai M.T., ghé sát tai nói:

Hồi hôm, ngồi bàn tiệc, lúc đàn hát trên thuyền, anh nhớ thương em vô vàn. Chính niềm thương, nỗi nhớ ấy, hình ảnh em luôn luôn lúc ẩn lúc hiện trong tim, trong óc anh. Ở nhà, em có sốt ruột không ? Em đã cho anh mối tình tuyệt đẹp và bài Đêm Tàn bến Ngự cũng nhưng Tiếng Xưa là anh viết cho em và vì em, riêng mình em thôi đấy!

Năm 1960, khi viết về Dương Thiệu Tước trong cuốn Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại, tôi đã xếp bài Đêm Tàn Bến Ngự là tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, có được cả giá trị vĩnh cửu hay nhất (chef d’ oeuvre) của ông (1)
duong thieu tuoc 3

Rời Huế, M.T. Dương Thiệu Tước sống chung dưới một mái nhà êm ấm tại đường Phan đình Phùng, Sài Gòn.

Với cuộc sống vợ chồng cùng nhìn chung một hướng trong nhà bao trùm một bầu không khí thuận hoà, niềm hạnh phúc thật tràn đầy, nhìn tương lai sáng sủa mà Dương Thiệu Tước lại hăng say sáng tác được nhiều bài có giá trị , được mọi người yêu thích như Ngọc Lan, Bóng Chiều Xưa, Thiếu Niên Xuân Khúc, Chiều (2), thật ngược hẳn với câu nói của một nhà hiền triết Tây Phương : khi nào người nghệ sĩ có được một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ thì cuộc đời sáng tác của họ kể như chấm dứt ! Phải chăng đây cũng là một biệt lệ .

Ban ngày Dương Thiệu Tước làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn với chức vụ Chủ sự phòng Văn Nghệ, M.T. đi thu thanh cho các ban ca nhạc của các đài, rồi đi thu dĩa nên cuộc sống rất phong lưu, tình lúc nào cũng mặn nồng, nhiều người ước ao, thèm muốn.

Vào thập niên 60 và 7O, Dương Thiệu Tước được mời dạy guitare classique tại trường Quốc gia âm Nhạc Saigon. Trong hai thập niên dạy đàn, Dương Thiệu Tước đã đào tạo được nhiều học trò giỏi, sau này là những danh cầm
của thành phố.

Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông thôi dạy ở trường nhạc, còn M.T. thì từ cuối thập niên 60; cô đã ngưng không hát nữa. Thấy vậy, đã có lần tôi hỏi lý do sao cô lại dứt hẳn cái nghiệp cầm ca một cách dễ dàng vậy, khi cô đã đạt được chỗ đứng của một danh ca đàn chị, được nhiều người ngưỡng mộ, M.T. đã trả lời ngay rằng :

Dạo này tuổi bắt đầu cao, giọng đứng bóng sắp đến thời đi xuống rồi, tôi tự ý ngưng hát thôi anh ạ!

Tôi rất phục M.T. là người khôn ngoan, biết lúc nào nên dừng lại để mọi người vẫn nhớ và trọng tiếng hát hay một thời của mình chứ già, đuối sức, yếu hơi còn cố hát thì không khác nào cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm thì thật là không thức thời chút nào!

Sau ngày 30 tháng 4 một vài năm, M.T. cùng các con ra đi, Dương Thiệu Tước ở lại. Những năm tháng sau này ông về cư ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh, mở tại nhà một lớp dạy guitare classique, rất đông học trò. Cũng như Picasso, như Charlie Chaplin (Charlot), vào tuổi thất thập cổ lai hy Dương Thiệu Tước cũng lấy một cô vợ trẻ. Cô này là nhạc sinh của ông, sau này là một trong những danh cầm guitare classique, xếp vào loại giỏi có hạng của thành phố. Cuộc tình cuối đời đã sinh cho ông một bé trai, năm nay 14 tuổi đang học lớp 8. Ngày 1 tháng 8 năm 1995, Dương Thiệu Tước đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 82 tuổi.

Dương Thiệu Tước tuy không còn nữa nhưng những Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng Xưa vẫn là những viên ngọc quý, và mọi người đều phải nhìn nhận rằng chính M.T. là người đã chắp cánh cho Dương Thiệu Tước bay bổng tuyệt vời trong vườn hoa đầy hương sắc của âm nhạc Việt Nam.

Khi tin Dương Thiệu Tước từ trần bay ra ngoại quốc, chị Minh Trang (đến đây thì tôi xin nói rõ tên chứ không dùng hai chữ M. T. để viết tắt nữa, xin được quý độc giả thông cảm và hiểu ý tôi) đã nói lên cảm nghĩ đầy xúc động của mình với bạn hữu :

Nhà tôi là một người thích một đời sống êm ả. Ông thích trầm tư trong cuộc sống nội tâm hơn là phô trương những công việc ông làm, do đó nhạc của ông tuy được rất nhiều người trình diễn song hầu như khán, thính giả ít người biết đến nhân dạng nhà tôi. Khi sáng tác, nhà tôi hoàn toàn vì yêu thích âm nhạc, coi âm nhạc như là một lẽ sống, thành thử ông không sáng tác vì bất cứ mục đích nào, ngoại trừ lòng yêu âm nhạc.

Nhiều người khi nhắc đến Dương Thiệu Tước là nghĩ ngay đến Đêm Tàn Bến Ngự, Tiếng Xưa, Ngọc Lan,Chiều…, ít ai biết đến những bài nói lên tinh thần đạo đức Việt Nam như bài : Ơn Nghĩa Sinh Thành hoặc giả những bài nhạc nói lên những rung động giữa con người với con người, con người và thiên nhiên.

Trước cái tang lớn của làng Văn Nghệ Việt Nam, mọi người ngậm ngùi thương tiếc Dương Thiệu Tước, riêng tôi, tôi cầu nguyện vong hồn anh sớm siêu thoát và mỉm cười nơi chín suối khi thấy lúc oe oe ba tiếng khóc chào đời anh được mọi người hân hoan cười đón và lúc nhoẻn miệng cười lúc nhắm mắt lìa đời thì mọi người nhỏ lệ khóc thương!

Đến đây tôi xin mượn mấy vần thơ của thi sĩ Thanh Chương làm kính tặng hương hồn nhạc sĩ Dương Thiệu Tước để kết luận trên mười trang viết về ông:

Đêm sắp tàn, sao trăng đã khuất
Bến không thuyền, đợi nhớ thương sông
Hương Giang tiền định theo giòng nước
Tình lỡ Trang đài vương vấn không?

Chim Tước còn, không hót Tiếng Xưa?
Ngọc Lan hé nở giữa đêm mưa
Luyến lưu Bến Ngự từ thủa ấy
Giọng hát ngân hoài, nhịp sóng đưa!
(Thơ Thanh Chương)

Lê Hoàng Long

9-2002


Chú thích:

(1) cuốn Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại, phê bình âm nhạc Lê Hoàng Long, NXB Tự Do Saigon 1960

(2) Phố thơ Hồ Dzênh (B. T. chú thích)

Nguồn: vietnhac.org

10 Tháng Hai 2011(Xem: 135568)
Niềm vui đầu năm đến bất ngờ. Nhờ trang web Ngô Quyền, nhờ kỹ thuật khoa học tiến bộ, nửa thế kỷ sau mình tìm gặp được bạn bè. Xin cảm ơn tấm lòng thành của nhau, của những người xa xứ.
05 Tháng Hai 2011(Xem: 132310)
Và khi biết anh tuổi Mẹo, Duyên suýt bật cười vì chợt nhớ đến câu “thần chú” của mẹ ngày xưa: “Hợi Mẹo Mùi, là duyên tam hạp”. Mình là tuổi Mùi. Anh ấy là tuổi Mẹo, vậy là tốt duyên rồi!
02 Tháng Hai 2011(Xem: 120718)
hơn 1 tháng nữa bước qua tuổi 61 ta, trở lại một vòng tuần hoàn của cuộc đời. Bất chợt mình ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình. Mình lấy giấy bút ra, tính sổ cuộc đời, 60 mùa xuân mình đã trải qua, có vui buồn lẫn lộn.
31 Tháng Giêng 2011(Xem: 129798)
Anh biết không? Hương vị Tết bên này chỉ mới vừa phảng phất đôi chút chưa kịp đọng lại thì đã bay biến đi đâu mất rồi...
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 113981)
Sau khi công việc xong, nhóm thường ghé quán bún riêu gần nhà Tùng để cùng chung vui. Từ đó hình thành Nhóm Bún Riêu
19 Tháng Giêng 2011(Xem: 126205)
Cám ơn và hẹn gặp lại các thân hữu nhé ! Mây trắng ngang trời đã quay về và sẽ quay về nữa… , rồi mây trắng lại bay đi…
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 137584)
Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn...
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 127683)
Đối với tôi, môn học nào với thầy – cô nào lại không để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng của một người học trò.
07 Tháng Giêng 2011(Xem: 127823)
Hôm nay lại dự tiệc nhà anh chi Kiệt Chung, ngoài Thầy Cô và bè bạn lại có sự tham dự số đông đồng hương Biên Hòa và thân hữu.
31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 120181)
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng , tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 109492)
Cảm giác mỗi mùa Giáng Sinh tuyệt vời đến nỗi tôi tưởng như mỗi năm một lần, mình lại là đứa trẻ thơ mới lên tám tuổi, hình ảnh con búp bê tật nguyền lại chập chờn trở lại trong trí nhớ, y như năm nào tôi còn bế nó trên tay.
18 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 136011)
Ngày xưa ấy tôi và các bạn còn rất trẻ, hầu hết các Thầy Cô cũng rất trẻ. Ngày xưa ấy cách nay hơn năm mươi năm. Tuổi học trò, thời thơ mộng, thời gian đẹp nhất của con người nay còn đâu.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105171)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.