Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Văn Huê - Truyện năm Mậu Tuất: HAI CON CHÓ CỎ

09 Tháng Hai 20188:22 CH(Xem: 16359)
Huỳnh Văn Huê - Truyện năm Mậu Tuất: HAI CON CHÓ CỎ


haiconchoco
Truyện năm Mậu Tuất 2018: HAI CON CHÓ CỎ
( ... viết theo lời kể thú vị của một bạn cà phê) 

Người mình gọi là chó cỏ vì đây là giống chó... "nội địa" không tên tuổi, nhỏ con, dễ nuôi và cũng rất... bình thường.

Ông Chín được người quen cho không hai con chó vào lúc chúng nó đã... lớn rồi. Tuy nói cho không nhưng ông cũng gửi chút tiền tương xứng với giá thị trường. Ông nói tránh đi là để trả tiền đã nuôi nấng và thêm hai ... sợi dây cột bằng kim loại mới tinh đang xích vào cổ bọn chúng. Đây vì chủ cũ là người quen và cũng tốt bụng, người ta tin rằng ông sẽ nuôi chúng tử tế chứ không cho vào quán... thịt cầy. Âu đó là cũng cái tình của người chủ cũ vậy.

Người này còn nói với ông rằng sở dĩ họ đem cho vì hai con chó này hay cắn phá giày dép trong nhà lắm!
Ông Chín đâu thiếu kinh nghiệm, ông thừa biết mấy con chó này đã qua độ tuổi mọc răng nên đâu có ngứa nướu, đâu cần phải gậm nhấm phá phách!!... .
Quả đúng vậy, về sau ông tìm hiểu thêm và biết được là tụi nó hay chạy theo cắn người đi đường, có lần người ta bị rách quần, trầy trụa và té xe nữa ! Hậu quả ai cũng biết, người chủ trước đây phải bồi thường không ít !..

*    *    *
Về ở nhà ông Chín rồi, nhờ chung quanh có tường rào, có cổng cửa kín đáo nên hai con chó vô phương trốn thoát. Ông Chín cũng biết vậy, chó đã lớn khôn rồi rất khó đổi chủ, có trường hợp chó đã vượt hàng chục cây số để tìm về chủ cũ là chuyện từng xảy ra... .  Vì vậy ông "trấn" tụi nó ở phần sân sau nhà, tiếp giáp bờ sông. Đến bữa ăn, chính tay ông đích thân đem ra cho tụi nó ăn. Tội nghiệp, hai con chó lấm la lấm lét, chờ ông trở vô nhà mới dám đến ăn thức ăn. Coi bộ ông khó gần và thu phục được hai con chó thuộc loại... kỳ khôi này rồi!

Ngày qua ngày, cũng dễ đến cả năm sau... . Có lần ông Chín ra phía sau bờ sông câu cá, sơ ý nên ông trợt chân té ùm xuống sông. Đối với ông thì có ăn thua gì, hồi còn học tiểu học ông đã không biết bao nhiêu lần bơi qua bơi lại ngang qua khúc sông này. Hôm đó coi như ông tắm sông sớm chút vậy thôi... .

Nhưng thật lạ lùng, thường ngày khi ông cho ăn hai con chó dù rất háu ăn nhưng vẫn đứng lảng tránh ngoài xa chờ đợi cho đến lúc ông quay lưng... . Vậy mà trong tình huống (tưởng là) nguy nan này cả hai con chó đều đồng loạt nhảy xô đến bến sông. Chúng sủa lớn và rít lên từng hồi. Tụi nó làm vậy là để báo động cho mọi người chung quanh và trong nhà. Khôn quá đi chứ !...

Ông Chín tỉnh queo leo lên bờ, cố tình nói lớn như để chung quanh (và có lẽ trong đó có... hai con chó nữa) nghe:
- Có sao đâu, không sao đâu. Chỉ ướt cái quần ngắn và cái áo thun thôi mà !
Xong ông cười và vuốt đầu hai con chó. Trong "tai nạn" bất ngờ, có thể khi thấy chủ không sao và đang... vui cười thân tình. Hai con chó mất cảnh giác đứng yên vẫy đuôi mừng chủ thoát nạn và lại còn sủa thêm ăng ẳng những tràng tiếng sủa nhỏ mừng rỡ'... .
Chủ nhà và lũ chó thân thiện với nhau từ đó... .
Đến lúc này ông Chín mới nghĩ tới chuyện đặt tên cho hai con chó. Thôi thì một con có bộ lông màu vàng sậm được ông đặt tên "Tây" là Rao và con màu nhạt hơn ông đặt là Lô.  

Từ cái ngày bị té sông đó, ông Chín được hai con chó quấn quýt dữ lắm. Lúc ông ra bờ sông nằm trên chiếc ghế bố để hóng gió thì hai con chó mỗi con nằm một bên. Chúng nó cũng... hóng gió như chủ và tỏ vẻ vui sướng hảnh diện lắm. Biết rằng lúc này hai con chó đã quen thân và chấp nhận mình làm chủ rồi. Ông Chín thử cho tụi nó đi ra sân trước nhà. Đúng như ông suy đoán, tụi nó không tìm đường trốn đi đâu nữa. Tụi nó đã chấp nhận ông là một người chủ mới rồi.
Không ngờ vì hai con chó được ra phía trước mà có... chuyện rắc rối!

Nhà hàng xóm cách mấy căn, vì giàu có nên họ cũng phải nuôi chó xịn để cho xứng với đẳng cấp (!?) Con chó này không biết rặc giống hay đã lai với giống chó gì rồi mà nó thật to lớn và... dữ tợn !!! Hai con chó cỏ của ông Chín gộp lại cũng chưa bằng nửa con chó này. Bộ lông con chó này rậm và dày, nhất là phần đầu còn rậm hơn phần thân, xù lên trông giống như bờm sư tử. Ông Chín đoán có lẽ nó có đến hơn ba phần tư "máu" giống chó ngao Tây Tạng. Cũng chính vì là giống chó phương Bắc với khí hậu lạnh nên nó sở hữu bộ lông như thế là phải rồi.

Nếu theo lẽ phải, nhà ai nấy ở thì đâu có chuyện đất bằng dậy sóng!? Ác cái con chó ngao hàng xóm ỷ to con lớn xác, muốn làm bá chủ hay sao đó. Khi người chủ nhà giàu cho nó ra đường... "xả thải", tiếp theo nó cứ qua trước cổng nhà ông Chín đánh dấu lãnh thổ bằng cách đái vào hai cây cột của cổng nhà!! Hành động này suy ra theo... "công pháp quốc tế" cũng tương tự như hành động dời cột mốc biên giới của một quốc gia chứ chẳng phải chơi.

Dĩ nhiên hai con chó Rao và Lô của ông Chín cũng đâu có vừa. Tụi nó xông ra, quyết liệt phản đối và xua đuổi kẻ xâm lấn lãnh địa qua... hàng rào. 

Thôi kệ, chó với nhau mà, chúng sủa qua sủa lại với nhau chán thì thôi. Khi nào rảnh thì chủ của mỗi bên kêu chó của mình về. Còn nếu không thì khi sủa đã đời rồi tụi nó cũng tự động rút im... . Có hàng rào ngăn cách rồi... . 

*    *    *

Vào một ngày... . Người lớn trong nhà ông Chín đều có việc đi vắng. Chỉ đứa cháu nhỏ ở nhà.
Có nhân viên ghi chỉ số đồng hồ nước vào nhà. Tai hại vô cùng, lúc trở ra người ấy chỉ khép hờ cánh cổng mà không gài chốt. Đứa cháu trong nhà thì không để ý. Thế là có chuyện lớn xảy ra...

Con chó ngao khổng lồ cậy thế to xác, táo tợn và ngang ngược xông vào sân. Trước hành động xâm lấn của "kẻ thù truyền kiếp", hai con chó cỏ không hề nao núng, chúng đồng loạt xông ra xua đuổi.

Tuy một chọi hai nhưng con chó ngao vẫn chiếm ưu thế. Chuyện chó cắn nhau ở xóm này là chuyện... bình thường nên hàng xóm chung quanh nào mấy ai đoái hoài hay quan tâm! Đứa cháu ở nhà ra xua đuổi cũng không kết quả, nó chán nản bỏ vào trong nhà... .

Cuộc chiến đấu càng lúc càng khốc liệt... .

Hai con Rao và Lô phải nói tuy nhỏ con kém sức nhưng chúng rất nhanh nhẹn và đầy... mưu lược. Chúng "hợp đồng tác chiến" thật khôn ngoan và... ngoạn mục. Cứ hễ con này tấn công đàng đầu thì con kia tấn công đàng đuôi. Mà ai cũng đều biết phía đuôi của con chó đực  phần hiểm yếu nhất là cái bộ phận giúp nó duy trì nòi giống !!! 

Hai con chó cỏ cứ thay nhau tấn công vào chỗ hiểm yếu đó. Mà con chó ngao cũng đâu phải tay vừa. Sức và vóc quả phi thường, nó xoay trở tiến thoái cái thân hình to lớn đến 180 độ. Khi thì nó quay ra sau để bảo vệ... của quý, để rồi lại phải quay phắc ra phía trước... . Mà phía đầu nó lại đâu phải không có điểm yếu. Với con chó cỏ nhỏ con và thấp hơn thì dùng miếng đòn độc là: lựa thế táp vào cái hàm dưới nòng nọng mỡ' của con chó ngao. Miếng đòn rất thông minh và lợi hại này đã làm vô hiệu hóa cái hàm răng to lớn hung tợn nhọn hoắc những răng của con chó ngao !! Lúc đó nó làm sao đem cái hàm to lớn đó để táp lại đối thủ !??

Đòn tấn công này cũng giống như chiến đấu với pháo hạm hay xe tăng vậy. Chỉ cần áp sát vào thì đại bác của đối phương trở nên vô hiệu.
Cuộc chiến kéo dài dễ hơn nửa giờ... .

Thắng được gã khổng lồ quả thực không phải dễ dàng. Hai con chó cỏ có dấu hiệu xuống sức trước. Các đòn tấn công của chúng không còn dũng mãnh như lúc đầu. Đã thấy chúng nó vừa chiến đấu với tốc độ chậm hơn và lưỡi chúng cũng thè ra để thở... . Phần con chó ngao còn hung hăng thấy rõ dù đương nhiên không sao còn khỏe như lúc khởi đầu.
Có lẽ hiểu rằng kéo dài thời gian sẽ nhận bất lợi về phía mình. Chẳng biết có truyền... "tin mật" cho nhau bằng cách nào không, hai con chó cỏ vùng lên, đồng loạt ra đòn quyết định!

Con Rao đàng trước liều chết ngoạm chặc vào hàm dưới con chó ngao, còn con Lô nhanh nhẩu ngoạm vào chỗ hiểm của kẻ thù. Túng thế, tuy không quay đầu lại được nhưng con chó ngao dùng cái chân to lớn như... chân sư tử đá ngược về sau ! Thật là giống chó danh bất hư truyền, vì trong các loài động vật 4 chân, cú đá này chỉ có ở... loài ngựa mà thôi ! Cú đá ngược mạnh mẽ trúng đích, con Lô lộn đúng một vòng. Trúng đòn một cách bất ngờ và lạ kỳ, con này thoáng hốt hoảng nhưng nó kịp lấy lại bình tĩnh và như tia chớp nó lao trở lại ngoạm chặc, thật chặc cái bàn chân thủ phạm vừa mới đá nó... .

*    *    *

Nhưng trận chiến có lẽ đến lúc kết thúc.

Ông Chín vừa về đến nhà, nhìn thấy mình mẩy cả 3 con chó đều dính máu, cánh cổng vào sân mở toang. Hiểu ra là sự việc rất trầm trọng, miệng ông kêu gọi hai con Lô và Rao ngưng chiến, tay ông nhanh chóng mở vòi nước tưới cây xịt thật mạnh vào lũ chó...
.
Đến lúc này cuộc chiến mới thật sự chấm dứt, và cả ba "chiến binh" có lẽ chỉ trông chờ giây phút này! Con Rao buông cái hàm trước con ngao ra... . Không ngờ trước khi rút lui phải giải thoát được cái chân đang bị đối phương giữ chặc, con ngao quay nhanh phía sau táp một phát trí mạng vào cổ con Lô để giải thoát cái chân đang bị ngoạm chặt.
 Rồi người ta không hiểu sao có hai tiếng rú lớn của hai con chó?! 
Tiếp theo thấy con chó ngao khập khễnh bỏ chạy về nhà một cách nặng nề đau đớn. Con đường rút chạy còn nhỏ những giọt máu tươi!

Con Rao đã rút vào đứng ở góc sân, mắt lấm lét nhìn chủ, trong khi lưỡi lè ra thở... .
Riêng con Lô bị thương nặng hơn, nó lảo đảo chạy không định hướng như người say rượu, đến sát tường thì nằm bẹp xuống.

Đứa cháu trong nhà bước ra kể hết sự tình. Ông Chín hiểu đầu đuôi hết. Ông không rầy la cháu mình và cũng không tức giận gì lũ chó nhà. Ông biết tất cả do con chó ngao mà ra, nó ỷ to lớn, đã coi thường và khiêu khích hai con chó của ông lâu rồi. Hôm nay gặp cơ hội nó xâm lấn lãnh địa của hai con chó cỏ là chuyện không có gì lạ đâu.
Nhưng bỗng con Lô rít lên tiếng kêu kỳ lạ. Tuy cái đầu nó vẫn nằm im bất động nhưng cái chân trước nó vẫn yếu ớt nhấc lên chút khỏi mặt sân, run run như muốn vẫy ông Chín. Ông lật đật rời con Rao đến gần con Lô.

Thật... kinh khủng! Miệng con Lô còn ngoạm chặt miếng thịt tươi: nửa bàn chân sau của con chó ngao!!! Cổ nó máu còn chảy ròng ròng. Ông Chín hoảng hốt không ngại toàn thân nó dơ bẩn như cái giẻ lau vừa mới xử dụng, ông định ôm nó đi cấp cứu. Nhưng đã quá muộn rồi! Con Lô rít lên một tiếng, chân trước nó nhất nhẹ lên rồi... buông xuôi... . Nó muốn ra dấu vĩnh biệt với chủ !... . Ông Chín ứa nước mắt, ông biết con Lô muốn ra dấu chào ông lần cuối rồi... .

Cổ nó bị một cú ngoạm ác liệt làm đứt động mạch. Thêm nữa, cú ngoạm của con chó ngao còn làm gẫy nặng ít nhất 2-3 đốt sống cổ. Con chó không làm sao sống nổi dù có đem đi cấp cứu tức thì. Đúng khi đã gọi là cuộc chiến thì làm sao tránh khỏi hy sinh.

Sau lưng ông Chín con Rao đã đứng đó từ lúc nào. Nó hấp háy ánh mắt ươn ướt nhìn ông buồn bã. Nó đến nãy giờ để chia tay đồng đội... . Ông Chín trầm tư u buồn vuốt cái đầu dơ bẩn của con chó như muốn nói : mày giỏi lắm, dũng cảm lắm! Khi gặp kẻ ỷ lớn bắt nạt thì phải đoàn kết đồng lòng chống trả thôi.

Tuy con Lô đã chết. Nhưng với cái chân sau thương tật nặng nề như vậy con chó ngao sẽ không còn dám hống hách với chung quanh nữa đâu. Nhất là từ sau trận chiến đó, không ai thấy nó được chủ nhà giàu cho ra ngoài đường ... "xả thải" nữa. Riêng cái sân nhà ông Chín thì vẫn còn đó con Rao dũng cảm phi thường trấn giữ. Phần chủ con chó ngao cũng không thể nói gì được vì con chó của họ đã xâm nhập vào trong đất của người ta gây sự trước.

Xem vậy không phải cứ lớn mạnh là có quyền hà hiếp kẻ yếu. Phần kẻ yếu, nếu biết đoàn kết, mưu trí vẫn tạo được sức mạnh để chống trả hữu hiệu. Đó là câu chuyện "Hai Con Chó Cỏ" đã làm được... ./. 

HUỲNH VĂN HUÊ (Cuối tháng 1/2018 )
21 Tháng Chín 2013(Xem: 59471)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 62968)
ChsNQ khóa 1 đến thăm thầy Nguyễn Xuân Hoàng và Thầy Phan Thông Hảo
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53695)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57551)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 54927)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 46980)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78214)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60267)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45102)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
04 Tháng Chín 2013(Xem: 68620)
Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73411)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 52700)
Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt.
30 Tháng Tám 2013(Xem: 83487)
Xin bấm vào tựa các bài muốn đọc
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77557)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
21 Tháng Tám 2013(Xem: 89670)
Công của những người đưa đò thầm lặng khoan dung, đã đào tạo bao lớp chúng tôi thành danh, thành nhân. Thời gian với bao biến đổi, nhìn lại cuộc đời chúng tôi luôn dặn lòng ”Nhớ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô” để có một cuộc đời đáng sống.
20 Tháng Tám 2013(Xem: 50974)
Vì mẹ là ai con nào có thể biết, mẹ là ai hay có thể là bất cứ bà mẹ nào? Mẹ sẽ như nào nhỉ? Mẹ có giống người mẹ đã sinh ra con không? Giống, con cam đoan là giống.
17 Tháng Tám 2013(Xem: 60664)
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51589)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 35717)
Trong gian nhà chúng chùa núi quá trưa, có mâm cơm chay dành cho bọn trẻ. Tôi nhẩm đếm, có hơn một chục thiếu niên. Đứa nào cũng đèo đẹt đen đúa, làn da khô héo quắt queo,…
14 Tháng Tám 2013(Xem: 79474)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.