Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Duyên Trang - Tâm Tình Cô Út Phở.

25 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 68308)
Nguyễn Duyên Trang - Tâm Tình Cô Út Phở.

             

   Tâm Tình Cô Út Phở

 

Nguyễn Duyên Trang

 

Gửi đến các bạn cùng niên khóa 1959-1966

 

Ôi! Những ngày đầu áo trắng nữ sinh, tuổi mới lớn, sao mà êm đềm và dễ thương quá. Dù ngày nay tuổi đã hơn nửa thế kỷ, thế mà mỗi lần có dịp nhắc lại hoặc do một động cơ nào làm cho nhớ lại thì tâm trí ta vẫn thấy man mác làm sao!

 

            Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cha mẹ có tất cả chín người con, gồm có hai anh trai, bốn chị gái, hai cậu em trai và tôi là Út gái (thứ mười một trong gia đình, tuổi puppy).

            Khi tôi còn thơ ấu, ba má tôi phải xoay trở đủ nghề để nuôi đàn con dại. Từ buôn bán đậu phộng bỏ hàng sỉ cho các chợ, sau lại xoay sang nghề làm tiệm may quần áo, rồi lại chuyển sang nghề bán nước mía, mà thời ấy chỉ có xe nước mía quay bằng tay chứ đâu có motor như bây giờ.

Cũng thời gian này nhà tôi ở sát vách gia đình Nguyễn Thy Ân, má tôi bán một bên nhà cho ba má Thy Ân làm tiệm thợ bạc, bởi vậy hồi còn bé tôi và Thy Ân hay gây gổ và có khi còn ném đá nhau nữa chứ, vì “nó” ỷ là con nhà khá giả nên ăn hiếp tụi này. Nhưng Thy Ân nhà ta coi vậy mà “chicken” lắm vì tính rất hiền hòa. (Thy Ân ơi, chuyện con nít nếu đọc rồi bạn đừng để ý nha). Vì với đàn con chín đứa thêm vào cậu mợ tôi cùng với ba má vị chi cũng mười ba nhân khẩu nên cuối cùng má tôi chuyển sang nghề bán quán ăn may ra mới đủ nuôi sống hằng ngày, rủi ro hôm nào trời mưa thì cũng còn có phở và cơm “ế” tạm qua bữa. Vì thế, thời học sinh Ngô Quyền, tôi mới được cái biệt danh là “Út phở”. Rất vất vả từ thời thơ ấu, khi tôi vừa qua năm tuổi được vài tháng thì em thứ mười ba, Nguyễn Văn Sâm, của ba tôi lục tục ra đời (Sâm cũng là CHSNQ khoá 64-71), tôi đã được công tác giữ em (baby sitter ấy mà).

Rồi khi đủ cao cao và gồng được hai cái thùng nước be bé khoảng 5 lít, tôi lại được đi gánh nước. Vì thời bấy giờ ít có nhà nào được gắn nước máy, nên má tôi phải “chuyền nước” từ một gia đình người Pháp cách đó vài căn, nhưng nếu chuyền bằng ống cao su xa hơn 20 mét thì nước đến nhà chỉ như “nước đái thằn lằn”, làm sao đủ dùng. Vì vậy, mỗi ngày phải cố “tha” làm sao cho đủ thì tốt, còn không nếu kẹt vì ham nhảy “cò cò” hay “đánh đũa” nhà thiếu nước thì sẽ bị la. Tội nghiệp cho thân cô Út hồi nhỏ lắm! Lần lần được lớn lên thêm một chút, anh Cả đóng cho một chiếc xe bốn bánh bằng gỗ để đẩy cho nhẹ và được nhiều nước hơn. Mỗi chuyến như vậy sẽ chở được một thùng “phuy” sáu đôi, một thùng phuy ba đôi, và hai đôi để hai góc trước, vị chi là 11 đôi mỗi lần đi và dùng lá chuối để trên mặt cho đỡ chao và hao nước. Về đến nhà, từ “phông tên” công cộng ở đối diện nhà chụp ảnh Phạm Lung, phải lên dốc đường “ba tay” rồi lên Phan Đình Phùng, sau lưng nhà hàng Hạnh Phước. Cứ nhắm mắt và hình dung ra, thì các bạn sẽ thấy một con bé 8, 9 tuổi đang cong người dốc hết “12 thành công lực” ra mà đẩy xe nước thì tội nghiệp không? Vì chưa đủ lớn để biết từ chối việc nào nặng nhẹ, lại cũng không quá nhỏ như hai em trai Út Hai, 5 tuổi và Út Ba, 2 tuổi, nên tôi đành phải làm theo “mệnh lệnh”. Như đã nói, vì nhà nghèo nên đâu thể thuê mượn người giúp việc, nên đứa nào xài được việc gì thì được “điều” vào chỗ ấy ngay cho xong việc. Bên cạnh ấy, Út tôi còn được thêm “công tác” chạy lặt vặt như ra chợ mua thêm rau về để bán phở cho những hôm đắt hàng, mua cà-phê, mua linh tinh, hoặc sai chạy “đòi nợ” những ai còn thiếu. Tóm lại là “tay sai” của gia đình ngay từ khi còn giành ăn với hai cậu em trai.

Cũng may là Út tôi không lười biếng học, nên cũng được bỏ vào trường tư học hồi vỡ lòng nên đến 1954, Út tôi mới vào trường tiểu học Nguyễn Du và được hiên ngang vào lớp Tư (lớp 2 ngày nay) vì đã biết đọc biết viết rồi. Còn nhớ một việc mà ngày nay nhắc lại bạn mình, chị Nguyễn Thị Đỏ (nhà may Dũng) cũng không còn nhớ. Số là năm học lớp Tư, Út tôi ngồi trong lớp không chịu nhìn lên bảng mà lại nhìn ra ngoài sân, thấy cô huấn luyện viên đang dạy thể dục mặc bộ short trắng rất đẹp, con bé nhiều chuyện này lại “khều khều” chị Đỏ và nói: “Ê, cô giáo lớn rồi mà bận quần cụt”. Thế là chị Đỏ mình lại “dơ tay lên” nói với cô giáo: “Thưa cô, trò này (chỉ ngay vào mặt Út tôi) nói cô giáo bận quần cụt”. Sau khi bị quỳ gối, Út tôi tức lắm, lấy cây viết đâm vào mặt bạn Đỏ mấy ngày sau đó. Kết quả là Út tôi đã bị “báo cáo” và bị khẻ tơi tả về nhà sưng tay luôn. Tuy vậy, cuối năm cũng được lên lớp Ba A do cô Phú Thị Ngọc (là thân mẫu của bạn Phan Kim Lượng và Phan Kim Phẩm dạy). Nhớ lại năm đó, lớp người ta toàn là “con ghế” thế mà hai cậu cháu Phú Thành Cao và Phan Kim Lượng được học chung (sướng nhé, con cô giáo và là cháu nội ông Thanh Tra mà; đùa tí cho vui đừng mind nha bạn Lượng).

Sau năm lớp Ba ấy, vì thiếu căn bản nên vào mùa tựu trường sau, cô Út bị “ở lại”. Cô Út quê quá và nhủ lòng phải ráng lên chứ như vậy đâu có được. Ở nhà cô Út đã bị cực như vậy rồi, sao mà nỡ để cô Út ở lại như vậy. Cũng từ lớp Ba ở lại hai năm này, cô Út đã cố gắng hơn nên được cô giáo cưng và có đà tiến, tháng nào cũng có tên trên bảng danh dự. Và rồi lên lớp Nhì C của cô Ngân vợ thầy Lộc và là chị dâu của nha sĩ Trần Thị Oanh CHSNQ. Hơn tháng sau, vì học sinh đông nên có thêm lớp Nhì E do cô Huỳnh Thanh Loan, dâu của thầy Phạm Văn Tiến, cũng là thân mẫu của bạn Phạm Mỹ Dung CHSNQ. Từ lớp Ba được căn bản nên các lớp sau này, Út rất được cô cưng. Nếu không là học trò cưng thì làm sao hơn 40 năm, cô Loan vừa nghe đến tên là hình dung ra đúng là “nó” ngay. Cô ơi, cám ơn cô đã nhớ đến vì sau mấy mươi năm dạy biết bao thế hệ học trò mà cô vẫn nhớ đến đứa học trò “liến thoắng” này. Rồi lên lớp Nhất C học cô Ngọc Anh cũng được miễn thi tiểu học và có lãnh thưởng luôn năm ấy nên hè năm sau dồn hết nỗ lực để học tuyển thi Ngô Quyền.

 

 

Mùa thi tuyển vào Ngô Quyền niên khoá 59-60, Út tôi cũng được cùng các bạn đồng liêu lên đường ứng thí. Sau ba ngày rưỡi thi ra về, với tâm hồn phơi phới, tự tin lắm lắm. Sau hơn một tháng về nhà chờ kết quả, trong khi phía trên khán đài các thầy cô lần lượt đọc tên từng em trúng tuyển, vì mải lo nói dóc và nhiều chuyện, thêm vào các bạn mình đã không được gọi tên lại “sụt sịt” hoặc “hu hu” làm mình cũng mủi lòng vì vậy có nghe được gì tên mình đâu. Nên sau khi danh sách đã đọc xong các tân khoá sinh gồm 110 nữ và 110 nam, kết quả gạn lọc của hơn 2000 em, các em lần lượt ra về, kẻ cười người khóc, “Tiếu tự” trường an “sĩ tử” ra về. Về nhà anh Cả hỏi: “Sao mày có đậu không?” Vì sợ bị đòn cái tội học dở (anh Cả hay dùng cây rượt dữ lắm) nên cô Út bèn lẽo đẽo trả lời: “Chỉ có mấy đứa con của thầy cô giáo và công chức là được đậu thôi.” Anh Cả nói: “Đó, Má thấy hôn, con Út mà học hành gì mà cũng đòi đi học, thôi từ nay ở nhà, làm việc nhà và bưng phở.” Út tôi buồn quá, không dám nói ra, cũng ức lắm chứ vì biết chắc là mình làm Toán trúng, Tập Làm Văn thì cũng nghe được, Sử, Địa, Khoa Học Thường Thức, Công Dân Giáo Dục gì mình cũng thuộc bài mà sao mình bị rớt chứ?

Thế rồi sau một tuần lễ nghe kết quả, dù có “buồn vương mắt nai” rồi thì cũng qua đi, cô Út lại trở về với cuộc sống thường nhật Lúc này má đã gắn được đồng hồ nước rồi, nên “việc nước” Út đã xong chỉ phải phụ làm những việc lặt vặt hợp với tuổi lúc ấy, nói chung là một tay sai của gia đình rất đắc lực.

Vào một buổi trưa tháng Bảy, cô Út tà tà lang thang qua trường Nguyễn Du, thấy cổng nhỏ cạnh dãy lớp học cũ đang hé mở, có người ra vào, cô Út bèn theo dấu chân trước mà vào theo. Nhìn thấy có hai tấm bảng dựng ngay lớp Ba đóng khung và có mành lưới bọc ngoài, và có một trò đang ngồi đọc, cô Út tò mò tìm đến, nào có biết gì đâu vì đã đinh ninh rằng mình bị trượt vỏ chuối rồi. Trò nọ hỏi tên và số “danh bộ” của Út, sau khi trò ấy dò tên xong lại bảo: “Chị đỗ mà, có số danh bộ và tên chị đây nầy, mà chị được đỗ đến hạng 35 nữa cơ.” Chị bạn ấy là Nguyễn Thị Song ở Hố Nai, cùng khóa 59-60. Thế là cô Út ba chân bốn cẳng phóng xe đạp về nhà báo tin hỉ sau khi cố nhướng mắt nhìn kỹ là đúng tên mình. Về đến nhà nhanh nhẩu reo lên: “Má và anh Cả ơi, con đậu rồi.” Má chưa kịp nói gì thì anh Cả bảo: “Tao không tin, mày mà học hành gì, chỉ chạy đi chơi rong là giỏi.” Cô Út bèn nói: “Thiệt mà anh Cả, em thấy rõ ràng là tên em mà.” Anh Cả lại lên tiếng: “Nếu mày mà đậu thiệt, tao sẽ nói với má mua cho mày một cái đồng hồ, và một cây viết máy Pilot (ước mơ thời học trò đấy).” Rồi anh Cả kêu: “Mày lên xe tao chở đi coi có đúng hay mày nói dóc tên của người khác.” Sau khi anh Cả chở đến trường nhìn tận mắt và xác nhận là đúng, bận nầy anh Cả thua rồi nhé!

            Đầu năm học đó, cô Út bẽn lẽn trong chiếc áo dài trắng thùng thình của chị Chính với cái đồng hồ Olma và cây bút máy Pilot vì má bận quá nên không nhớ đi mua vải và đặt may. Má ơi, có phải thiệt vậy không? Hay là má quá kẹt tiền, từ từ tính sau?… Qua một hai ngày, má nhìn thấy tội nghiệp vì áo dài quá rộng và lượt thượt nên má đi may cho hai cái áo dài trắng để thay đổi đi học. Ôi! Những ngày đầu áo trắng nữ sinh, tuổi mới lớn sao mà êm đềm và dễ thương quá. Dù ngày nay tuổi đã hơn nửa thế kỷ, thế mà mỗi lần có dịp nhắc lại hoặc do một động cơ nào làm cho nhớ lại thì tâm trí ta vẫn thấy man mác làm sao!

                        Ôi! Thương làm sao, nhớ làm sao!

                        Nhớ màu áo trắng ngày nào ngây thơ.

                        Dù hoa phượng, chưa trồng cây,

                        Phượng hồng, áo trắng vẫn hoài nhớ thương.

            Sau hơn hai tháng học tại Nữ Công Gia Chánh với sinh ngữ một là Anh Văn, thì có ông Hiệu Trưởng Huỳnh Quốc Tuấn về và lớp Pháp Văn được mở ra. Về nhà hỏi ba thì ba bảo rằng: “Nếu con học Pháp Văn thì ba mới giúp được, vì Anh Văn thì ba còn phải tra tự điền tam ngữ, ba đâu thể giúp con.” Và rồi thì cô bé xin chuyển sang đệ Thất B1 với cô Nguyễn Thị Luông dạy Pháp Văn. Cùng học năm ấy có Trương Thị Thu Hà, Hồ Thị Ba, Nguyễn Thị Hảo, Trang Thị Liếng (còn ở VN), Nguyễn Thị Nguyệt Châu (đã mất), và còn nhiều bạn nữa vì gần 55 em lận mà! Ba cứ dặn hoài: “Con gái phải ráng học, ở nhà mấy anh chị lớn vì hoàn cảnh khó khăn đã phải dở dang việc học. Bây giờ đến lượt con được đi học, phải cố gắng lên, mỗi ngày con ráng học cho ba một chữ thôi, chỉ mỗi chữ một ngày và ráng viết đúng tập làm câu cho đúng thì một tháng con cũng có được 30 chữ rồi, và tiếp tục được nhân lên thì con sẽ khá hơn. (Ba ơi, lời ba dặn như vẫn còn văng vẳng bên tai con, dù gần 50 rồi, nhưng mỗi lần có dịp nhắc nhở con cháu, con vẫn nhớ đến lời ba dặn dò). Rồi năm sau lên lớp đệ Lục, được vào trường mới Ngô Quyền sau này, ông Hiệu Trưởng ra chỉ thị, mỗi lớp phải trồng một vòng hoa, và ở giữa vòng hoa sẽ trồng một cây dương (do trường trồng). Thế là các em mạnh đứa nào đứa nấy đi kiếm, đi xin, đi hái trộm hoa kiểng ở nhà hoặc nhà ai có, để cố làm sao cho vườn hoa lớp mình được xinh đẹp nhất. Nhớ hồi trồng hoa kiểng thật vui làm sao, ai cũng muốn góp nhiều công để được khen là trò ngoan trò giỏi!

            Rồi đến lượt áo dài xanh ngày thứ Hai để chào cờ, còn nam sinh thì quần tây trắng. Trong năm ngày còn lại, nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh mặc quần xanh. Thật là lượt là tha thướt trinh nguyên và thơ mộng làm sao, với những buổi chiều tan trường về như đàn bướm trắng bay tỏa ra khắp nẻo.

                        Chiều về áo thướt tha bay,

                        Đạp xe, anh mãi theo hoài bên em.

                        Bao lần mà chẳng biết tên,

                        Biết người biết nết, chỉ nhìn em thôi.

                        Tháng năm dài đã qua rồi,

                        Ôi thời áo trắng vẫn hoài trong tim.

            Thấm thoát mà đã hơn 40 năm qua, bao nhiêu là tang điền thượng hải, thời gian trôi qua nhanh hơn bóng câu cửa sổ. Giờ đây đất khách quê người, sau hơn 20 năm xa xứ có dịp gặp lại thầy xưa bạn cũ, tay bắt mặt mừng, biết bao là tâm sự nỗi niềm như mong có dịp để nhắc nhở cho vơi đi phần nào sầu ly xứ. Nhớ cố hương, nhớ lại thời êm đềm thơ ấu vì hoàn cảnh đặc biệt chưa thể về lại quê nhà.

                        Quê hương xa nửa địa cầu,

                        Ngồi đây để nhớ, để sầu cố hương.

                        Mẹ già tóc nhuộm toàn sương,

                        Nhớ thương con chỉ có ngần này thôi.

 

            Viết để nhớ Mẹ già, nhớ trường cũ, và cảm ơn vong linh Ba và anh Cả.

                                                chsNQ Út Phở Nguyễn Duyên Trang

 Jan 23/2004

                         

27 Tháng Hai 2015(Xem: 20239)
Đêm ở nghĩa địa. Tôi ngồi với người thanh niên tên Long, con trai bà Sáu Mượn trong một ngôi nhà mồ. Ngôi nhà, không đúng. Nó giống như một cái miếu thờ.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 25849)
Với tôi, không ai hát “Hoa Xuân” hay bằng Hà Thanh và cũng không ai hát nhạc của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông hay bằng Hà Thang, từ những: “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”:
21 Tháng Hai 2015(Xem: 23694)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI Sáng tác : NGÔ CÀN CHIẾU Thể hiện : DUY LINH Hoà âm : QUANG ĐẠT
20 Tháng Hai 2015(Xem: 26729)
Có lẽ không có ngôi trường nào có được tình thầy-trò như vậy. Người Thầy vừa là Sư vừa là Phụ. Cảm ơn ngôi trường độc nhất của Việt Nam Cộng Hòa ....
13 Tháng Hai 2015(Xem: 28417)
Dương Quân xuất thân từ Biên Hòa nên yêu Em gái Biên Hòa đây mới thật là mối tình man mác, nên tác giả “Đem theo hình ảnh cả đời tha phương”. Chỉ cần đọc thơ anh, cũng có thể hiểu được ít nhiều những gì anh muốn nói hoặc tâm sự.
13 Tháng Hai 2015(Xem: 28859)
Dê ở đây không phải là tính lăng nhăng “dê xồm” hay “dê cụ” của mấy ông, và cũng của mấy bà nữa, mà thật sự là một con dê. Nó từ đâu đến, không ai biết, chỉ biết ông Tám nhờ nuôi nó mà được thành danh là ông Tám Dê.
13 Tháng Hai 2015(Xem: 28443)
Ôi cái tâm thức như khỉ vượn suốt cả năm nay chạy đuổi theo những hình bóng phù du của cuộc mưu sinh, không bao giờ biết đến “sự dừng lại” để ngắm và quan sát nên nào có hay rằng mùa Xuân đã đến “Như Vậy”:
13 Tháng Hai 2015(Xem: 31709)
*Xin bấm vào ô vuông ở cuối khung góc phải (Full screen) để mở lớn màn ảnh và thưởng thức ĐI TÌM MÙA XUÂN - Nhạc NGÔ CÀN CHIẾU - DIỆU HIỀN trình bày
13 Tháng Hai 2015(Xem: 27093)
Tôi đã làm một video ngắn. Hiện diện trong này là những gương mặt thân quen của người Biên Hòa. Là những cựu học sinh Ngô Quyền và những cây viết quen thuộc đã góp mặt...
07 Tháng Hai 2015(Xem: 25649)
Giờ đây được sống nơi xứ người, với những xa lộ thẳng hàng với những đoàn xe nối dài những đêm không ngủ. Một thoáng chốc buồng tim chợt đau nhói, khi nhớ về những con đường với những thân quen của Biên Hòa xưa cũ.
30 Tháng Giêng 2015(Xem: 28952)
Xuân và Tết lại về một lần nữa với mọi người trên quê hương thứ hai này. Bây giờ dù ăn Tết và đón Xuân không thiếu một thứ gì nhưng sao Dung vẫn không bao giờ quên được buổi hội chợ Tết đầu tiên đơn sơ cùng miếng bánh chưng ngọt ngào.
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 25686)
Ngày họp mặt AHBH năm nay tôi vui lắm. Quà cáp đem về là những lời khích lệ chân tình của Thầy, Cô, các anh, chị và tất cả bạn bè. Tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ là một bông hoa dại được hội AHBH đem vào vườn hoa văn nghệ và ươm phân, tưới nước.
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 28286)
Một mùa Xuân nữa lại trở về trên quê hương. Không biết cây mai vàng trước nhà có nở hoa kịp vào dịp Tết để được chị cắt một cành mai đẹp nhất, trân trọng cắm vào bình hoa trên tủ thờ? Đó là nơi trang nghiêm giữa nhà, có hình của ông bà và cha mẹ, ..
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 23041)
Tôi thèm khát biết bao nhiêu cái màu xanh trên bầu trời bên kia song sắt. Tôi sẽ nhảy cỡn lên, sẽ đi bằng những sải chân dài, sẽ chạy thật nhanh ra khỏi cánh cửa kia, sẽ bay lên những vòm cây, sẽ đậu trên mui chất đầy đồ đạc của chiếc xe đò ọc ạch chạy trên quốc lộ bốn...
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 27171)
Phần người viết nhìn bức hình cũ kỹ đã gần nửa thế kỷ với tâm trạng đầy... xúc động. Bởi vì đúng như ông bà mình thường nói rằng nghe cả hàng ngàn lời nói đọc cả hàng vạn chữ viết mô tả cũng không sao bằng...
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 25191)
Tôi đọc nhẩm lại đoạn thơ của Vượng. Anh tiên tri đó chăng ? Chiều nay nắng nhạt, đường phố hiu hắt buồn tênh. Thềm đất đỏ con dốc kia đã khiến tôi nhớ về anh khôn cùng. Mông mênh. Vượng ơi !
23 Tháng Giêng 2015(Xem: 33946)
Giã từ tuổi thơ để thành người lớn. Bây giờ làm người lớn lại nhớ về tuổi thơ để thêm chút niềm vui. Trò chơi "Má, con" ngày xưa tôi đã hoàn tất một cách trọn vẹn. Còn lại đây là những ngày mà các trò chơi con nít không hề thử nghiệm.
23 Tháng Giêng 2015(Xem: 21538)
Đồ đạc? Tôi có đồ đạc gì đâu. Một chiếc chiếu sẽ trả lại cho nhà giam. Chiếc màn do người tù được thả đợt trước tặng, nay tôi sẽ tặng lại cho người khác. Cái chén, đôi đũa để cho nhà bếp. Tôi không còn giày dép.
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 19060)
Chị Thi ơi! bây giờ tôi mới biết chị cũng cùng khóa 6. Bây giờ tôi không còn có dịp đến thăm chị. Tôi chỉ có thể nguyện cầu hương linh chị thảnh thơi nơi cõi bao la không đau đớn dằn vặt.
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 21269)
Ông Ba Trương Phi, cha Minh kể, theo kháng chiến đánh Tây rồi sau đó đi tập kết ra Bắc. Năm Sáu Hai, vượt Trường Sơn vào Nam, chiếm đấu ở miền Đông cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.