Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Kim Vy - Còn Trong Nỗi Nhớ.

20 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 63026)
Trần Kim Vy - Còn Trong Nỗi Nhớ.

 

Ký Truyện

 

CÒN TRONG NỖI NHỚ

 

          Trần Kim Vy là bút hiệu cuả 1 chsNQ, và hiện là chủ nhiệm tuần báo "Đẹp Magazine" tại Texas, một tờ báo tầm cỡ đã xuất bản tới số 650. 

 

 

 

            Khi hứa với Tô Anh Tuấn sẽ có bài đóng góp vào tập Kỷ Yếu Ngô Quyền 2004, trong đầu tôi đã tưởng tượng ra một cốt truyện ngắn mà nhân vật chính sẽ là một chàng hoặc một nàng cựu nữ sinh trường Trung Học Công Lập Ngô Quyền Biên Hoà, hay là chuyện tình giữa một vị thầy dạy ở trường Ngô Quyền yêu tha thiết một cô nữ sinh đẹp não nùng của trường này.

            Đúng ra, đây là chuyện có thật chứ không phải tưởng tượng, chẳng hạn như thầy Chính dạy môn Lý Hóa về sau kết hôn với Tuyết Mai học cùng lớp với Kim Ngân, em gái tôi, còn thầy Dũng dạy môn Toán thì theo đuổi nịnh đầm ráo riết và sau này cũng cưới được cô nữ sinh Lưu Kim Mai, một trong mười người đẹp của lớp tôi. Đó là những mối tình thầy trò tự se duyên và đưa xe hoa đến nhà học trò “rước” đàng hoàng tử tế. Mấy con bạn của tôi được nên duyên “chồng vợ” với “thầy” không biết hạnh phúc đến cỡ nào thì tôi chẳng rõ, nhưng đối với đám nữ sinh thì tình bạn đâm ra lạnh nhạt, bởi vì đâu có đứa nào thuận lòng kính cẩn gọi bạn mình là “cô” một cách lễ độ bao giờ? Vả lại từ ngày lên chức, các cô nàng cũng tưởng mình đường đường là “giáo sư thực thụ” nên “cung cách” học trò không còn nữa. Các bạn lên chức ngang xương, bước qua một thế giới khác nhờ có chút nhan sắc cũng không nên trách cứ bạn bè cũ của mình hiện đang là học trò của “chồng” làm chi phải không?

            Đó là hai mối tình trong nhiều mối tình “thầy trò” xuất phát từ trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa thân yêu mà tôi biết. Còn chuyện thầy “hạ mình” dê trò, hay trò “hỗn hào” liếc mắt bắt hồn thầy thì xảy ra hà rầm.

Một chuyện thật khác mà tôi thấy chắc, biết chắc, đó là chuyện một nữ giáo sư rất trẻ và khá đẹp dạy môn “nữ công gia chánh” đã vì ghen, trả thù học trò bằng cách khoanh cho cô học trò “tội lỗi” này một con số zêrô to tổ bố với lời phê đậm nét “hạnh kiểm xấu”. Tội nghiệp, bị điểm xấu về hạnh kiểm chỉ vì cô nữ sinh đã vô tình trò chuyện vui vẻ với một nam giáo sư trẻ tuổi đẹp trai chưa vợ ở ngoài hành lang trong giờ giải lao mười lăm phút. Cô học trò này là một học sinh giỏi, ngoan, có tên trong danh sách ba học trò xuất sắc cuối năm của lớp. Vì “hạnh kiểm bê bối” bất ngờ này mà cô nữ sinh bị loại tên khỏi danh sách lãnh thưởng cuối năm. Không hiểu rõ lý do sâu sắc trong câu chuyện thù hằn vì ghen của vị nữ giáo sư nọ với cô nữ sinh này như thế nào, nhưng có lẽ vì bất nhẫn cho cô học trò vốn chăm chỉ, ngoan ngoãn và được lòng với hầu hết giáo sư khác, mà các vị này đã có một phiên họp Hội đồng giáo sư để chạy tội cho cô học trò mà họ biết chắc là “oan ơi ông địa”. Mạnh dạn nhất phải kể giáo sư dạy Anh Văn kiêm hướng dẫn lớp là cô Võ Thu Thủy và giáo sư dạy Quốc Văn người Huế là cô Nguyệt... bởi các cô biết rõ tính tình của “con nhỏ, Trưởng Ban Học Tập kiêm Văn Nghệ này” quá mà! Cũng may là trời cao có mắt nên cô nữ sinh ấy đã lấy lại được danh dự của mình, và phần thưởng cuối năm không bị cái “điểm zêrô về hạnh kiểm” đá văng. Rồi không biết lý do gì niên khóa sau, tôi không thấy vị giáo sư này dạy ở trường Ngô Quyền nữa. Chắc cô xin đổi về Sài Gòn!

            Chuyện thật giữa thầy và trò như vậy. Còn chuyện tình giữa trò và trò thì ra sao? Nhiều lắm. Kể lại từ ngày này qua tháng nọ cũng không hết đâu.

Bắt đầu từ khi tôi còn bé tí tẹo mới học Đệ Thất, Đệ Lục, lòng đã thấy lo sợ, bồi hồi, ngổn ngang trăm mối... khi nghe tin một chị học lớp đệ nhất vừa bị người tình bắn chết trên đường đến trường. Nghe kể lại thì người tình của chị lúc đó là quân nhân, hai người yêu nhau tha thiết nhưng gia đình chị không bằng lòng. Uất ức vì “cầm chắc” mất người yêu một cách “lảng xẹt” nên trong lần về phép hôm đó, trên đường đưa người yêu đến trường, anh đã dùng súng bắn vào màng tang của chị và sau đó kết liễu cuộc đời của mình. Tôi không dám đến hiện trường để thấy tận mắt, nhưng trong đầu tưởng tượng đủ mọi hình ảnh về đôi nhân tình người lớn này, chẳng hạn như sau khi bị bắn, chị gục xuống trong vòng tay của anh, dòng máu đỏ thắm chảy dài xuống gò má và đẫm ướt vạt áo trắng học trò. Chiếc cặp đen trên tay chị rơi xuống đất. Và anh, trước khi viên đạn cuối cùng nổ vang vào đầu mình, hẳn anh đã kịp choàng tay đỡ người yêu vào lòng, kéo tà áo dài ôm kín thân thể của chị. Và hai người ở tư thế đó cùng dắt tay nhau về bên kia thế giới. Không biết khi linh hồn anh chị xuất ra khỏi hai thân xác phàm phu, vong linh chị có trách cứ buồn phiền vong linh anh đã hấp tấp quyết định vận mạng của hai người một cách bất ngờ như vậy hay không. Và rồi ở thế giới bên kia, hai người có được quyền nắm tay nhau dung dăng dung dẻ hưởng thụ một hạnh phúc gắn bó lâu dài hay vì nghiệp quả khác biệt, hai người bị lôi kéo mỗi người một ngã, gây thêm cảnh chia ly cách biệt có khi đau lòng còn hơn lúc sống. Chuyện đó không ai biết được và cũng không ai dám lạm bàn tới, khi mà xác hai anh chị đang nằm cạnh bên nhau trên đường Trịnh Hoài Đức gần Trường Trung Học Tư Thục Phan Châu Trinh. Nhớ lại lúc đó bạn bè “con nít” chúng tôi xôn xao trông chờ tin tức từ các chị lớp lớn. Người kể thế này, kẻ kể thế nọ! Chị Lâm Hồng Hoa thuộc tuýp mấy chị lớn, có cô em là Lâm Túy Huệ bạn cùng lứa và ở cách nhà tôi ba căn thì biến chuyện thương tâm này thành một chuyện tình thơ mộng, những kẻ yêu nhau không được sống bên nhau thì chọn cái chết. Chị nói:

- Khi yêu người ta coi cái chết nhẹ tựa lông hồng!

Bàn về tình yêu, thì thật ra lúc này tôi còn nhỏ chưa biết yêu, nhưng cũng biết hờn giận về anh bạn trai học chung trường Tiểu Học Trịnh Hoài Đức. Hai đứa chúng tôi, cái gì cũng chơi chung, cái bánh cũng chia hai, trái chuối cũng bẻ làm đôi, hay chơi trò cô dâu chú rể, mà nó là chú rể tôi là cô dâu, mấy đứa bạn khác làm cha mẹ, anh chị, và bà con. Mỗi lần như vậy, tôi và nó hứa hẹn sau này sẽ là vợ chồng. Nó và tôi cũng có kỷ niệm đậm đà là trong ngày cuối của chương trình học luyện thi đệ thất ở nhà cô giáo Thơi, hai đứa đã trốn học, đi song song với nhau trên đường rầy gần ga xe lửa xem đứa nào mất thăng bằng té trước. Hai đứa đi như vậy suốt hằng mấy cây số giữa trưa trời nắng chang chang. Một kỷ niệm khó quên nữa là có một lần tôi bị mấy con bạn đùa dai xô lọt xuống vũng nước sâu dưới ruộng rau muống, nó đã không ngần ngại nhảy xuống “cứu tôi” lên, nó cởi áo cho tôi mượn mặc, còn áo tôi nó mang vào nhà cô Thơi kéo nước giếng giặt phơi khô. Hết giờ học tôi mặc áo tôi vào và trả áo cho nó. Suốt mấy tiếng đồng hồ trong lớp học, tôi và nó trân mình chịu những lời xì xào trêu ghẹo cắp đôi của mấy thằng bạn chung lớp. Nó mồ côi mẹ nên cuối tuần hay đến nhà tôi chơi. Thấy tôi với nó thân như vậy, có lần bà Nội tôi âu yếm vuốt đầu nó và nói trong lúc nó đang chăm chú ngoái trầu cho bà rằng:

-         Thằng Châu này, mai mốt

lớn lên bà gả con H. cho mày, chịu không?

Nó lơ đểnh hỏi:

- Gả là sao hả bà Nội?

            Bà Nội cười trả lời nó:

            - Là bà cho con H. với con làm bạn với nhau suốt đời.

            Nó khoái chí ra mặt hỏi:

            - Thiệt hả bà Nội?

            - Vậy chứ thằng Châu mày có ưng cháu bà không?

            - Ưng là sao hả bà Nội?

            Nghe bà nội tôi và nó nói chuyện qua lại như vậy, tôi nghiêm trang hỏi nó mấy tuổi thì được biết là nó nhỏ hơn tôi một tuổi nên tôi nói với nó:

- Đừng nghe lời bà Nội nói như vậy mà ham, trò nhỏ hơn tui một tuổi không được đâu!

Nó nhăn mặt trả lời:

- Đâu có sao!

Tôi lắc đầu quầy quậy:

- Có chứ, ba của tui lớn hơn má của tui, nên ba tui làm chồng, má tui làm vợ. Còn trò nhỏ hơn tui, hỏng lẽ con gái làm chồng, còn con trai làm vợ?

Nó hỏi ngược tôi:

- Sao lại không được?

Tôi lên mặt giảng giải:

- Làm vợ là phải nhỏ hơn chồng, vợ mà lớn hơn chồng không được đâu. Trò với tui chơi trò vợ chồng là chơi giả bộ thôi!

- Làm sao trò biết được má trò nhỏ hơn ba trò?

- Thì tui nghe má tui gọi ba tui là anh. Còn tui đâu có gọi trò bằng anh nên trò làm chồng tui thì đâu có đúng phải hôn?

Nó lì lợm nói:

- Sao kỳ vậy? Hay là trò kêu đại tui bằng anh đi!

            Tôi lắc đầu cương quyết:

- Trò nhỏ hơn tui mà đòi làm anh. Thôi bỏ qua đi.... xì trum!

            Nghe tôi nói như vậy mặt nó tiu nghĩu một chút, nhưng rồi sau đó hai đứa tươi cười cùng ra sân đá cầu. Hồi nhỏ tôi đá cầu lông gà không thua bất cứ thằng bạn trai nào, kể cả bắn bi và nhảy dây hay đánh đũa. Vậy mà khi hai đứa đậu vào đệ thất trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa thì hai đứa không có dịp chơi chung với nhau nữa. Cuối tuần tôi vẫn rảnh rỗi như ngày nào, còn nó thì phải đi làm chung với ba của nó. Tôi còn nhỏ không hiểu hoàn cảnh mồ côi sống cuộc đời mẹ ghẻ con chồng của nó nên không biết nó có nỗi khổ riêng. Một bữa nọ, nó gặp và đưa cho tôi quyển “Lưu Bút Ngày Xanh” biểu tôi viết và cho nó tấm hình. Đọc những lời của mấy đứa bạn gái sau này của nó viết, tôi thấy cũng không có gì xuất sắc. Dưới mỗi trang nó có viết một đôi dòng cảm tưởng của nó. Nhờ trò chơi “lưu bút ngày xanh” mà tôi phát giác ra nó dành cảm tình đặc biệt cho cô bạn gái Bắc Kỳ Tuyết Mai. Tôi cảm thấy ngứa mắt khi nhìn hình trái tim có mũi tên đâm vào và một vài giọt máu được tô mực đỏ thấm xuống trang giấy học trò mà tôi nghĩ là nó vẽ để nói lên tình cảm của nó dành cho Tuyết Mai. Tôi không biết nó thật sự có cảm tình đặc biệt với Tuyết Mai hay không? Sau này Tuyết Mai trở thành “đệ nhất phu nhân” của thầy Chính có làm cho nó đau buồn hay không? Chỉ biết rằng lúc đó trong lòng tôi thật sự cũng có nỗi buồn nhẹ nhàng. Tôi giữ cuốn lưu bút của nó cho đến khi nó đòi lại. Tôi không viết được gì hết mặc dù giữa tôi và nó có cả một trời kỷ niệm thơ ngây dễ thương để ghi lại. Tôi muốn làm một cái gì đó khác hơn với những đứa bạn mới của nó. Chẳng hạn như làm một bài thơ để tặng nó. Nhưng lúc đó tôi không biết làm thơ. Tôi cũng không biết ghi chép lại những kỷ niệm xảy ra giữa tôi và nó, mà thực ra lúc đó tôi cũng không nhớ những gì đã xảy ra, cũng không biết quý tình bạn trong sáng của hai đứa để ghi lại, cho nên trang của tôi viết cho nó chỉ có ngày tháng... rồi hết! Tôi biết là nó giận tôi lắm vì tôi đã ngâm tôm quyển “Lưu Bút” của nó mà không viết được một câu thân thương nào, ít ra cũng giống như những đứa bạn khác của nó đã viết! Từ khi trả cuốn lưu bút lại cho nó, tôi đâm ra ghét cái trò chơi này. Tôi không thèm làm một cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh” cho riêng mình giống như Xuân Hương, như Nguyễn Thị Hoàng, như Ngọc Nga, như Kim Ngân, mà tôi lại đi sưu tầm chép bất cứ bài thơ tình lãng mạn nào mà tôi thích vào cuốn vở riêng của mình. Và tập thơ này chỉ một mình tôi đọc, chỉ một mình tôi biết mà thôi!

Mấy năm sau thỉnh thoảng tôi cũng gặp nó đến trường vào buổi học của con gái. Nó chuyện trò với một đứa bạn học cùng lớp tôi, nhà cô bạn này ở trên xóm Ngã Ba Thành. Lúc đó, tôi cũng có bâng khuâng đôi chút về nó, nhưng giận căm gan thì không! Rồi thời gian trôi qua tôi không gặp nó nữa, và tình cảm của tôi đã qua trang khi tôi trở thành cô “em nuôi bỏ ống” của Trần Minh Tâm, là Trưởng Ban Báo Chí của trường thời thầy Biên làm cố vấn, theo sự rủ rê một lần nữa của Lê Thị Ngọc Quý và Lâm Túy Huệ. Trước kia, tụi nó rủ tôi nhận Trần Văn Tiến làm “anh nuôi”. Lúc đó anh Tiến đang thân cận với một người đẹp có mái tóc đen dài xuống tận eo thon, có dáng đi sang cả, hình như chị cũng tên là Quý hay là Quỳ gì đó, là con gái rượu của ông Chánh Án làm việc ở Tòa Án Biên Hòa học cùng lớp với anh. Thực sự khi ấy tôi thích được làm em nuôi chị Quỳ hơn là làm em nuôi của anh Tiến. Nhưng chị Quỳ không thích trò chơi này. Về sau có một nữ sinh học dưới tôi mấy lớp muốn nhận tôi làm chị nuôi. Khi quen với Minh Tâm, tôi chán cái trò chơi này, hơn nữa tôi có một lô em ruột chưa đủ sao mà đi nhận thêm em nuôi, nên giới thiệu cô ấy cho Xuân Hương. Hai chị em nuôi Xuân Hương - Kim Loan này thư từ qua lại rất khắng khít cho đến khi ra trường họ vẫn còn liên lạc quan tâm đến nhau. Hiện giờ Xuân Hương vẫn còn ở lại Việt Nam, riêng Kim Loan thì đã sang sống tại Hoa Kỳ, nhưng không biết ở tiểu bang nào?

 

 

Sở dĩ tôi nhắc lại một đoạn về anh bạn tuổi nhỏ là vì trong cái ngày xảy ra câu chuyện tình “máu nhuộm 'bãi' Trịnh Hoài Đức” đã đưa hai người yêu nhau tha thiết về bên kia thế giới làm cho tôi cũng như đám bạn đang còn trong tình trạng bàng hoàng sợ hãi, thì nó - Phạm Minh Châu đã chận tôi tại sân trường và chính thức trách cứ tại sao tôi lại quên nó, mà đi để ý “thằng” Trần Văn Tiến. Nó cho biết nó sẽ đi đập “thằng” Tiến về cái tội cướp tôi ra khỏi “vòng tay của nó”. Khi nó nói như vậy, tôi thấy ánh mắt của nó long lên oán hận. Vì gặp nó trong sân trường, tôi sợ bạn bè chọc quê, vả lại lúc đó tôi đã bắt đầu biết e thẹn, nên chưa kịp nói năng gì, tôi bỏ nó đứng một mình dưới tàng cây phượng đang trổ hoa đỏ thắm rồi đi thẳng một lèo như chạy trốn không quay đầu lại.

Lúc đó thật sự tôi chưa biết tình yêu là gì, thấy nó hùng hổ thì tôi sợ. Lỡ nó giận vì hiểu lầm cho là tôi đã “để ý” đến anh Trần Văn Tiến, nó có dám bắn tôi hay không? Vì khi yêu nhau, có phải ai ai cũng coi “cái chết tựa như lông hồng” để được sống bên cạnh người mình yêu như lời chị Hồng Hoa đã nhét vào đầu tôi hay không? Và trời ạ! Sau đó mấy tuần, tôi nghe một con bạn nhà ở bên hông trường kể lại:

- Thằng Châu cầm cây vào trường gây lộn với anh Tiến.

Tôi sợ con bạn nghĩ tôi bày chuyện tình yêu trai gái bậy bạ rồi kể ra tùm lum cả lớp biết, nên mặc dù trong bụng có lo sợ cho cả hai, nhưng không dám hỏi tới. Tôi cũng không dám viết thư hỏi anh Tiến, vì mắc cở cũng có và vì thấy anh đầu cổ tóc tai không sứt mẻ chút nào nên cũng làm lơ luôn!

Chuyện giữa tôi và Phạm Minh Châu chưa hoàn toàn chấm dứt ở đây. Nhưng cũng không tiến xa hơn trong vấn đề tình cảm, ít ra là về phía tôi. Khi viết lại những dòng này nếu Minh Châu, người bạn trai thời tuổi thơ bé bỏng của tôi có tình cờ đọc được, hãy xem đây như là một truyện cổ tích hay một truyện thần tiên trong một giấc mơ đẹp nào đó mà ở hải ngoại xa xôi, người bạn gái nhỏ bé ngày xưa, tóc giờ đã bạc, nhưng không ai biết, vì cô sử dụng thuốc nhuộm một cách tinh vi, răng chưa rung rinh vì cô thường đi check up đúng lịch trình nha sĩ quy định, cô đã lập gia đình với một cựu học sinh Ngô Quyền từ lâu, người đó là “anh nuôi không nuôi ngày nào” Trần Minh Tâm chứ không phải là “anh nuôi” Trần Văn Tiến, và cô ta vẫn không hề trốn tránh hay bôi xóa kỷ niệm tuổi thơ mỗi khi nhớ lại, nhưng yêu “anh” thì không thể, bởi tình yêu tự nó có lý lẽ huyền diệu riêng, khó mà giải thích.

Bây giờ nhắc lại cái chết vì tình yêu không trọn vẹn. Tôi nghĩ lúc đó không chắc chị Thanh (Minh Tâm vừa cho tôi biết chị tên là Thanh) đồng ý chết với người yêu. Có thể anh ấy vì ghen mà giết chị chăng, hay là anh gặp cảnh đường cùng không thuyết phục được người yêu cải lại lệnh cha mẹ cùng trốn đi đến một nơi khác để tạo lập một gia đình riêng tư hạnh phúc nên trong cơn khủng hoảng vì thất vọng anh mới có hành động điên rồ như thế!

Suy đoán về phần của chị, nếu là trường hợp của tôi, tôi cũng không thể làm gì khác hơn là phải vâng lời gia đình, thân gái dặm trường đi đâu cho thoát khỏi khổ, vả lại con đường học vấn của chị còn trước mặt chưa hoàn tất, nghề nghiệp chưa có mà người yêu lại khoác áo quân nhân rày đây mai đó, ai có thể bảo đảm anh mãi là cánh chim đại bàng che chở cho thân gái liễu yếu đào tơ?

Tôi lại nhớ, cách đó không bao lâu, tôi có nghe thêm vài tin khác, cũng lại tin tự tử vì tình, một chị lớn đã uống thuốc tự vận được may mắn cứu sống. Một chị khác uống thuốc giết rầy kết liễu cuộc đời của mình, nhưng khi bị thuốc hành hạ chị đã cố gắng la hét, kêu gào cầu cứu, nhưng rất tiếc người ta cứu chị không kịp. Các chị đều là nữ sinh hoặc cựu nữ sinh trường Ngô Quyền mà tôi không biết tên. Chị Tuyết Nga cựu học sinh Ngô Quyền là chị chồng của tôi, là mẹ của một đám con cựu học sinh Ngô Quyền đó là các cháu Khúc Chánh Thi, Chánh Thái, Cẩm Thuyên, Cẩm Thư, Chánh Thảo, hiện cư ngụ tại San Jose, California, chắc là rành hơn tôi vì chuyện xảy ra vào thời của chị.

Đó là những cái chết của người lớn. Còn những cái chết bất ngờ khác sau này của những bạn cùng tuổi tôi như cái chết của một người bạn học chung lớp. Vào một buổi trưa bạn đứng chờ vào lớp học ở hành lang, không hiểu bạn chồm lên hành lang ra làm sao, mà bạn rơi từ lầu một xuống đất vỡ sọ. Trên đường đưa bạn đến nhà thương Biên Hòa bạn đã trút hơi thở cuối cùng. Cái chết này để lại bao thương tiếc cho bạn bè chúng tôi.

Một cái chết thương tâm khác nữa là cái chết của một người bạn tên là Sang. Sang là một cô gái lai rất đẹp, hiền lành, dễ thương. Cô là bạn học cùng trường Tiểu Học Trịnh Hoài Đức sau tôi một năm, nhưng có cùng những sinh hoạt văn nghệ chung từ nhỏ. Sau này khi thi vào Đệ Thất trường Ngô Quyền hình như Sang ở lại một năm, phải ghi tên học tạm trường Tư Thục Trần Thượng Xuyên. Trường Trần Thượng Xuyên được xây trên khuôn đất và có chung sân chơi với trường Ngô Quyền. Các giáo sư dạy trường Ngô Quyền cũng đảm trách dạy trường Trần Thượng Xuyên. Nhà của Sang ở khu Tân Mai hay Phúc Hải gì đó. Khi lên Trung Học, Sang thường đến trường bằng chiếc xe đạp. Một ngày nọ tin sét đánh làm náo động cả trường là trên đường đi học Sang đã bị xe GMC cán. Nghe kể lại là sau khi bị xe cán ngang người, Sang đã có phản ứng tự nhiên là ngồi dậy nhưng sau đó ngã xuống và đã hôn mê trên đường chở đến nhà thương. Sang đã qua đời cũng tại nhà thương Biên Hòa.

            Rồi một cái chết khác của người bạn học trai cùng nhóm. Vào một ngày không hẹn bạn đã từ giã áo trắng học trò khoác lên người bộ chiến binh và đi mãi không bao giờ trở lại đã để lại một nỗi ngậm ngùi khó quên trong lòng chúng tôi.

            Cái chết của người bạn khoác áo chiến binh cũng như những cái chết của bạn bè trên đường đến lớp cùng thời cùng lứa tuổi với tôi, tôi không nghĩ là các bạn ấy coi cái chết “nhẹ như lông hồng” vì thực ra các bạn tôi đang rất yêu đời và đang ham sống. Họ sống cho gia đình, sống cho người yêu và riêng tư hơn hết là sống cho họ, nhưng vì “thi rớt Tú Tài anh phải vào quân đội” rồi thì mũi tên lằn đạn vô tình đã xui khiến tử thần cướp lấy cuộc đời họ.

Những người bạn còn tung tăng cắp sách đến trường, tâm hồn trong trắng, có bạn chưa biết rung động của tình yêu như thế nào, chưa kịp suy nghĩ hay lo lắng tương lai mình sẽ ra sao, thì cái chết ở đâu tự dưng nhào đến chụp bắt họ không cho họ một chọn lựa nào.

            Ở chỗ này, tôi xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến tất cả quý Thầy Cô có dạy tôi hay không dạy tôi. Các anh chị, thời trước tôi, thời của tôi và thời đàn em của tôi, những người cựu nam nữ học sinh trường Trung Học Công Lập Ngô Quyền Biên Hòa đã về bên kia thế giới, dù dưới bất cứ lý do nào, hình thức nào, tôi cũng xin cầu nguyện cho chư liệt vị được bình an, nhẹ nhàng ở bên kia thế giới.

           

* * * * *

            Viết về những chuyện vui buồn dưới mái trường thân yêu Ngô Quyền, nếu có thì giờ và tâm hồn lắng đọng không phải hấp tấp nộp bài vì thời gian có hạn, thì tôi có hằng trăm câu chuyện để kể cho các bạn mua vui. Nhưng anh Tô Anh Tuấn người bạn thân thiết của ông xã Trần Minh Tâm trong nhóm 12 trự kết thân với nhau như Nguyễn Liễu, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Sơn Danh, Trầm Vĩnh Châu, Diệp Cẩm Thu, Mai Quỳnh Lâm, Ngô Đình Dũng, Trần Phụng Tiên, Lê Thành Tươi... (Mấy cha này kết nghĩa quần hùng với nhau hồi còn mặc quần xanh áo trắng dưới mái trường Trung Học Ngô Quyền) nói rằng Kỷ Yếu Ngô Quyền 2004 phải phát hành trong tháng Năm vào ngày Đại Hội Ngô Quyền 2004 tổ chức tại Bắc California và thời hạn nộp bài phải trước ngày 25 tháng Ba, mặc dù qua điện thoại anh có du di thời gian cho tôi đôi chút, vì bài tôi viết khỏi phải đánh máy lại. Nhưng viết truyện mà bị giới hạn thời gian đối với tôi rất khó viết. Hơn nữa mới mở đầu không biết ông Tổ Văn đưa đường dẫn lối làm sao để cho ý tưởng của tôi tuôn trào xuống bàn gõ chữ toàn nhắc nhở đến những chuyện chết chóc buồn rầu. Bây giờ có kể lại chuyện tình thơ mộng của tôi và Minh Tâm với lại chuyện tình của Tô Anh Tuấn với Nguyễn Thị Hiền cũng không cảm thấy hứng thú lắm, dù rằng vợ chồng tụi tôi vẫn quan niệm đời là vô thường!

            Bàn về chuyện Tuấn Hiền, Tâm Vy, hai cặp tụi tôi có điểm giống nhau đến kỳ cục là anh Tâm với anh Tuấn là bạn cùng tuổi, cùng “băng đảng” từ hồi còn đi học, qua đến bên này vẫn cùng “một băng”, cùng chung quan niệm sống; còn tôi với Hiền là bạn cùng trường Sư Phạm, ra trường cùng năm, cùng là “giáo sinh giỏi” được chọn nhiệm sở về Biên Hòa. Tại tỉnh nhà, hai đứa tụi tôi được quyền ưu tiên chọn trường. Trường Nguyễn Du là trường nam tiểu học lâu đời và nổi tiếng nhất tỉnh có ba chỗ trống. Dĩ nhiên là tôi chọn liền một chỗ, Hiền chọn một chỗ và chỗ kia thì Kim Phụng quê quán ở Gia Định chọn. Tôi dạy lớp Năm I, Kim Phụng dạy lớp Năm H, Hiền thì hiền hơn dành dạy lớp Bốn! Một chuyện trùng hợp khác nữa là hai cặp tụi tôi mắc chứng gì được cha mẹ hai bên chọn đám cưới cùng ngày, rước dâu cùng giờ. Thế là tất cả các cô thầy giáo dạy ở trường Nguyễn Du kể cả thầy Hiệu Trưởng, Giám Học phải tất bật vì hai cô giáo mới của trường cùng “rủ nhau về nhà chồng một ngày!” Các anh bạn trong nhóm phải chia nhau giúp Minh Tâm và Anh Tuấn. Chú rể phụ cho Anh Tuấn là Nguyễn Liễu và rể phụ của Minh Tâm là Nguyễn Ngọc Xuân. Còn người làm chứng hôn thú cho Minh Tâm và tôi là Nguyễn Liễu và anh Nguyễn Khắc Phước (cũng là cựu học sinh Ngô Quyền). Đó là tôi chỉ mới rảo phần ngoài hai chuyện tình của bốn cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa được nên duyên cầm sắt và được sống sót đến ngày hôm nay. Cả hai cặp đều được lên chức ông bà Nội. Nghe đã chưa! Đến đây tôi muốn nhắc đến chị Nguyễn Thị Chính. Chị Chính cũng là cựu nữ sinh Ngô Quyền cùng thời với cô em bà con lớn tuổi hơn tôi và ở cạnh nhà tôi phía sau rạp hát Biên Hùng. Cô em tôi có cái tên rất “xấu hái” đã được thầy Hiệp và các chị “cùng băng” cúng chè đặt lại là Nguyễn Thị Ngọc Liên. Khoảng thời gian trước khi rời bỏ quê hương, trong một tình cờ vì nghề nghiệp, tôi và chị Chính trở thành hai người bạn thân, mặc dù tôi nhỏ tuổi hơn chị Chính nhiều. Vì chúng tôi cùng dạy lớp Năm nên chị Chính có mời tôi hợp tác dạy luyện thi Đệ Thất. Tôi nhận lời luyện cho học sinh môn Toán. Chị Chín luyện môn Sử Ký, Địa Lý. Chị Lang luyện môn Luận Văn. Cả ba chúng tôi giúp học trò thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Ngô Quyền. Học trò của chúng tôi đậu đông nổi tiếng cho đến ngày tôi không còn ở quê nhà nữa. Năm ngoái sang Orange County dự đám cưới con trai của Tô Anh Tuấn và Nguyễn Thị Hiền, tôi mới biết chị Chính vừa sang đoàn tụ với gia đình. Hiền có mời chị Chính tham dự đám cưới nhưng chị không đi được vì lý do phải đi làm. Tôi có nói chuyện với chị qua điện thoại, cả hai rất mừng. Minh Tâm dự định lái xe đưa tôi đi thăm chị ở tận Sacramento. Nhưng qua điện thoại chị cho biết vùng chị ở đang mưa bão lớn lắm, đường xá ngập lụt trơn trợt, lái xe nhanh, đi về trong vòng ngày rưỡi để kịp chuyến bay trở lại Houston theo đúng chương trình dự định, như vậy rất nguy hiểm. Không thăm được chị thật tình tôi tiếc thầm, định khi về lại Houston sẽ gọi điện thoại thăm người bạn hai mươi mấy năm không gặp mặt, nhưng khi về thành phố nhà, suy đi nghĩ lại, không biết mình sẽ nói chuyện gì qua điện thoại, ngoài những câu hỏi nhạt nhẽo dễ tạo sự hiểu lầm buồn chán cho nhau, nhất là đối với những người mới đến đất Mỹ còn mang nhiều Việt Nam tính. Và mãi đến hôm nay mặc dù tôi vẫn nhớ đến dáng dấp ngày xưa và những kỷ niệm thời làm cô giáo ở quê nhà giữa chị và tôi bằng một nỗi nhớ đằm thắm nhưng quay số gọi chị thì chưa!

            Những sinh hoạt, những kỷ niệm dưới mái trường yêu dấu Ngô Quyền, hỉ, nộ, ái, ố... thì còn rất nhiều, kể hoài biết bao giờ mới hết, nhưng rất tiếc dòng văn đã bị khựng vì tiếng thằng cháu Nội mới hai tuổi đang tập nói, hát hò, kêu réo om xòm bằng một giọng hết sức dễ mê và Minh Tâm cứ chàng ràng bên cạnh máy computer, khiến đầu óc tôi không tập trung được những gì tôi muốn viết nên tôi tạm thời xin ngưng, hẹn ở một dịp khác. Nếu tháng Năm tới đây, vợ chồng chúng tôi không có dịp sang Bắc California họp mặt với quý Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền thì cho chúng tôi gởi lời chúc sức khỏe, tiền bạc, hạnh phúc và may mắn đến tất cả quý vị, đặc biệt là ngày Đại Hội Ngô Quyền 2004 được thành công tốt đẹp.

            Có ai hỏi tại sao vợ chồng tôi không có mặt? Xin Tô Anh Tuấn trả lời giùm: Vợ chồng của “tụi nó” không đi chơi được là tại vợ chồng “tụi nó” đơn chiếc, phía sau lưng có cái rờ mọt nào là cha mẹ già nua, con cái đùm đề, em út đông vui, bọn chúng cũng xuất thân từ trường Ngô Quyền Biên Hòa như Kim Ngân, Kim Anh, Công Trứ, Kim Hùng, Hữu Đức, Hữu Hạnh, Hữu Nghĩa... Ngoài bọn chúng ra còn có một đàn cháu chắt đông đảo... và công ăn việc làm quá bề bộn.

Vả lại làm báo, viết văn thì rảnh cái nỗi gì?

           

TRẦN KIM VY

(Cựu học sinh Ngô Quyền niên khóa 65-70)

 

15 Tháng Năm 2023(Xem: 3249)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6825)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 3149)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2936)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2905)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3380)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3307)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3885)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2893)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 3388)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."
22 Tháng Tư 2023(Xem: 3403)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3571)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3645)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 5101)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4879)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3406)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3728)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3794)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
31 Tháng Ba 2023(Xem: 3605)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
24 Tháng Ba 2023(Xem: 3602)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời